1/ Thương cho roi cho vọt
Theo quan niệm của ông bà ngày xưa, muốn dạy con ngoan, ba mẹ cần phải nghiêm khắc, uốn nắn trẻ ngay từ nhỏ. Việc nuông chiều sẽ làm cho trẻ ỷ lại, không biết tự lập, yếu đuối khi lớn lên.
Không đánh con bằng “roi vọt” như ngày xưa nhưng nhiều bậc cha mẹ ngày nay lại dùng lời nói của mình để gây tổn thương con trẻ. Những câu nói như “Con hư quá, mẹ không cần con nữa” hoặc “Con đi đâu cho khuất mắt mẹ thì đi” nghe rất đơn giản nhưng lại có ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý của trẻ.
Theo các chuyên gia tâm lý, việc thường xuyên quát mắng, đánh đập sẽ chỉ làm trẻ trở nên nhút nhát và mặc cảm. Hơn nữa, trẻ có thể trở nên lì lợm, và chỉ sợ chứ không nể phục bố mẹ.
2/ Cưng chiều quá mức
Khác với hình mẫu phụ huynh nghiêm khắc ở trên, nhiều ông bố bà mẹ lại cưng chiều con quá mức. Chẳng những không bao giờ đánh hay mắng con, kiểu ba mẹ này luôn sẵn sàng thỏa mãn mọi yêu cầu của con. Trẻ gần như không phải làm bất cứ việc gì. Bác Hữu Đới (55 tuổi, Đồng Nai) còn lí lẽ rằng: “Đời mình khổ nhiều rồi thôi bây giờ phải bù đắp cho con, cho cháu, lo được cho chúng nó cái gì sẽ lo hết”. Không chỉ cưng chiều cháu, ông Đới còn bắt bố mẹ chúng phải lo cho nó ăn học đàng hoàng, xin vào trường tốt, sau đó lại kiếm một chỗ làm ngon lành, tạo dựng cho nó một căn hộ riêng hay chí ít cũng là có nhà có cửa đàng hoàng, trước khi họ nhắm mắt xuôi tay…
Không chỉ làm tăng tính ỷ lại ở trẻ, quan niệm nuôi dạy con này còn có thể gây tác dụng ngược, làm tăng tính phản kháng, dẫn đến trẻ thường xuyên có ý muốn làm trái lại những mong muốn của ông bà, cha mẹ.
[inline_article id=68291]
3/ Ba mẹ nói gì cũng đúng
Đối với các gia đình có ông bà lớn tuổi, việc con cái răm rắp nghe theo lời khuyên, sự sắp đặt của cha mẹ là lẽ đương nhiên. Lâu dần trẻ con sẽ không dám nêu lên ý kiến của mình và chỉ im lặng nghe theo lời dạy bảo của cha mẹ, thầy cô.
Khác với cách dạy con này, các bậc cha mẹ ngày nay đã lưu ý hơn đến việc tạo cơ hội cho trẻ học hỏi, phát triển mong muốn của bản thân ngay từ nhỏ. Việc cùng nhau chia sẻ ý kiến và động viên cho trẻ nói lên suy nghĩ của mình là điều vô cùng quan trọng. Nó sẽ giúp trẻ tự tin, được tôn trọng và cảm thấy đồng cảm với bố mẹ hơn.
4/ So sánh với “con nhà người ta”
Khi thấy con học không bằng con anh A, chú B, chị C nhà hàng xóm hoặc đơn giản chỉ là thua kém anh chị mình, đứa con đó lập tức bị đem ra so sánh với những đứa trẻ được xem là giỏi giang hơn. Tuy nhiên, các bố mẹ thường không nhớ rằng sự so sánh nào cũng khập khiễng. Vì mỗi đứa trẻ có khả năng, sở trường khác nhau, được nuôi dạy trong những môi trường cũng khác nhau, gia đình, nền giáo dục và cả thời đại khác nhau. Việc so sánh này không những chẳng có tác dụng khuyến khích mà còn khiến trẻ cảm thấy mình thật vô dụng. Có lẽ cha mẹ nào cũng đã từng nghe qua câu nói “Sao mẹ không nhận bạn A, B làm con luôn đi” hay “Mẹ ghét con vậy còn nuôi con làm gì”.
Thay vì đem trẻ ra so sánh với một ai đó khác, cha mẹ nên quan tâm, tìm hiểu sở thích, điểm mạnh của trẻ để giúp trẻ tự tin phát huy sở trường đó. Đặc biệt, cha mẹ nên là tấm gương và là người bạn đồng hành cùng trẻ. Thật khó khi cha mẹ không bao giờ đọc sách lại muốn con trở thành 1 người đam mê đọc. Khoảng cách giữa 2 thế hệ cha mẹ và con cái cũng là rào cản khiến việc nuôi dạy con hiện nay gặp rất nhiều khó khăn. Chính vì vậy, đã có người cho rằng: Dạy con hiện nay cũng là dạy mình, cha mẹ cùng con cái là bạn, cùng học tập và lớn lên mỗi ngày chứ không thể đặt mình lên trên con cái để áp đặt.