Categories
Dạy con Nuôi dạy con

Phạt quỳ gối đánh đòn không hiệu quả, hãy dạy con theo cách này

Phạt quỳ gối đánh đòn con là cách dạy trẻ phạm lỗi của người Việt Nam t,ừ xưa. Tuy nhiên, đến ngày nay, cách phạt này không tỏ ra hiệu quả. Cách nuôi dạy con thông minh là sử dụng hình phạt tích cực giúp con thay đổi hành vi mà không cần đánh mắng.

Bạn thử thay cách phạt quỳ gối đánh đòn, nhiếc mắng con bằng những biện pháp dưới đây. Bạn sẽ thấy con hiểu và sửa lỗi hiệu quả không ngờ!

Theo lý thuyết nuôi dạy con thông minh của B.F.Skinner: Thay đổi hành vi thông qua hậu quả. Theo cách này, bạn nên dùng kỷ luật tích cực thay trừng phạt sẽ giúp con trẻ hiểu và làm theo điều đúng đắn. Đánh đòn không có tác dụng ngăn chặn hành vi xấu, chỉ làm con trẻ sợ hãi tạm thời.

Kỷ luật tích cực nên được áp dụng sớm, khi con còn nhỏ giúp uốn nắn hành vi từ ban đầu.

Phạt quỳ gối đánh đòn
Phạt quỳ gối đánh đòn là lối giáo dục lỗi thời và kém hiệu quả

Con cãi người lớn

Một số đứa trẻ rất ngỗ ngược. Con có thể gân cổ lên cãi lại, hỗn hào với cha mẹ, người lớn khi không được đáp ứng điều mình thích. Chẳng hạn, con muốn xem hoạt hình trong khi đến giờ ngủ trưa chẳng hạn. Tát bé ư, hay cãi tay đôi lại? Cách này sẽ càng kích thích tính khí nóng nảy và sự cứng đầu của trẻ.

Tốt nhất, bạn không lớn tiếng cũng không cãi nhau với con. Đưa con ra góc nhà, bắt con đứng yên ở đó trong một khoảng thời gian. Thời gian này ấn định từ đầu, chẳng hạn “Mẹ phạt con ngồi yên trong 10 phút”. Con có gào khóc, la hét cũng không nhẹ lòng mà tha cho con. Phương pháp giáo dục này gọi là Timeout, khá hiệu quả cho trẻ từ 2-5 tuổi.

Góc phạt con nên cách ly con khỏi môi trường đang làm con tức giận, không tiếp xúc với mẹ và người khác trong gia đình. Đó là một nơi buồn chán và tẻ nhạt như góc cầu thang, góc tường nhà. Trẻ có la cũng không ai đáp ứng. Khi một mình như vậy, trẻ sẽ có thời gian tự ngẫm lại về thái độ của mình.

Trẻ giận giữ và làm lẫy

Có những lúc con tức giận và nói to tiếng. Lúc này, thay vì đổ dầu vào lửa, cha mẹ làm gương trước: Bình tĩnh. Nghiêm mặt nói với con “Con có thể bình tĩnh được không?”. Trẻ tiếp tục nói, bạn im lặng, đợi 5-10 giây sau nhắc lại yêu cầu con giữ bình tĩnh. Lúc này, mọi lời dạy dỗ, khuyên răn gì cũng vô tác dụng.

Bạn tỏ vẻ cho con thấy mình không sẵn sàng nói chuyện khi con đang to tiếng như vậy. Chỉ khi con bình tĩnh lại, nhẹ giọng nói chuyện đàng hoàng, mẹ hãy ngồi ngang tầm mắt và bắt đầu nói cho con biết về hành vi của trẻ.

[remove_img id=18692]

Nếu trẻ nổi giận khi đang đi ra chốn công cộng như siêu thị, rạp chiếu phim, bạn nên đưa con ra góc nhà vệ sinh, góc cầu thang, liên tục đưa ra các yêu cầu con bình tĩnh và nói chuyện đàng hoàng với mẹ. Tốt nhất, kết thúc chuyến đi mua sắm, đi chơi để con hiểu rằng thái độ của con là không chấp nhận được. Việc không được đi chơi chính là hình phạt “kinh khủng” nhất mà trẻ đối mặt.

Thay hình thức phạt quỳ gối đánh đòn
Nếu con làm lẫy và đòi hỏi vô lý ngay chốn công cộng, cha mẹ có thể chấm dứt chuyến đi như hình thực phạt con

Con làm tổn thương người khác

Đối với trường hợp này, bạn nên đưa con ra một góc riêng chỉ có hai mẹ con, đừng nhiếc mắng con trước mặt người khác. Nghiêm túc nói chuyện với con giúp trẻ hiểu được mẹ không chấp nhận và không thể tha thứ hành vi lần này của con.

Bạn đưa trường hợp khi con bị bạn khác mắng, tổn thương. Hỏi con rằng “Lúc con bị bạn A. nói như vậy, con cảm giác thế nào?”. Việc này dạy trẻ biết đồng cảm với sự tổn thương của bạn vừa bị mình làm buồn lòng.

Tiếp theo, bạn giúp con có hướng giải quyết vì lúc này trẻ khá rối trí. Con có thể đến xin lỗi bạn. Khó cất lời quá thì con hãy tặng bạn một viên kẹo, một quyển sách nhỏ. Lời xin lỗi có thể dành cho lần tới, khi cả hai đang chơi với nhau bình tĩnh hơn. Cách này giúp con hòa hợp tốt hơn với bạn bè.

Con ăn cắp vặt

Đây là một tội khá “trọng đại” mà bạn phải cùng con đối mặt. Tốt nhất, bạn gặp riêng con, nghiêm khắc nói với trẻ rằng tội lấy của người khác là sai trái. Tiếp tục thói quen thèm muốn đồ không thuộc về mình, con sẽ có suy nghĩ muốn trộm tất cả những gì mình thích. Đó là tội trộm cắp.

Cha mẹ nên cùng con tới cửa hàng trả lại món đồ hoặc trả tiền mua món đồ. Xin lỗi người bị thiệt hại chân thành. Con cũng phải xin lỗi về tội này của mình, vì sao lại trộm và cam kết không tái phạm lần sau. Có thể cả cha mẹ cũng bị mắng, hoặc được người chủ tha thứ. Tất cả trải nghiệm đó để con hiểu rằng lỗi của con nghiêm trọng, có thể ảnh hưởng lớn.

Con mải chơi và không làm việc nhà

Thông thường, cha mẹ giao cho con công việc nhà và bắt con phải có trách nhiệm thực hiện. Nếu trẻ mãi chơi và không thực hiện đúng cam kết trong ngày, bạn tăng thêm việc nhà nào đó, chẳng hạn lau cửa kính, gấp đồ bắt con thực hiện. Cha mẹ nên bên cạnh giám sát cho tới khi con làm tất cả mọi việc ổn thỏa. Nhấn mạnh với con rằng lần sau nếu lơ là trách nhiệm, con phải làm thêm việc khác nhiều hơn.

Điều này dạy cho con về trách nhiệm được phân công. Nếu thiếu trách nhiệm, con gánh “hậu quả” nặng hơn là phải làm thêm việc, bớt giờ chơi, trẻ sẽ ngại mà không tái phạm.

Trừng phạt bằng “quyền lợi”

Kỷ luật tích cực nói không với roi vọt, nhiếc mắng nhưng là biện pháp trừng phạt trẻ rất sợ: Tạm cắt đi niềm vui của trẻ. Con phạm lỗi không được đi siêu thị trong một tuần, không được xem hoạt hình thay vào đó đi ngủ sớm.

Trẻ cãi nhau với bạn bè, anh chị em trong nhà sẽ bị cách ly trong phòng. Con sẽ nghe tiếng bạn bè, anh chị em chơi đùa bên ngoài mà không được chơi cùng. Muốn được chơi, con phải hành xử chừng mực, cam kết không đánh, không cãi nhau với bạn nữa.

Nên nhớ, thái độ cương quyết và nghiêm khắc của cha mẹ chính là điểm mấu chốt mang lại thành công cho cách kỷ luật tích cực. Dù giá nào, bạn cũng phải tuân thủ theo hình phạt chính mình đặt ra cho con. Không vì thương con mà mới phạt có 1/2 thời gian, bạn mủi lòng và “tha bổng” sớm.

[remove_img id=17784]

Phạt quỳ gối đánh đòn theo lối xưa cam đoan là không hiệu quả bằng biện pháp trừng phạt bằng quyền lợi này. Tùy từng trường hợp, bạn có thể “sáng tạo” cách phạt con tích cực và hiệu quả. Và lưu ý, nhất định nói không với roi vọt và mắng nhiếc nhé mẹ thông minh!