Bạn từng biết qua thể loại truyện ngụ ngôn cho thai nhi chưa? Truyện ngụ ngôn là thể loại truyện dân gian mang tính giáo huấn để dạy dỗ con người về cách đối nhân xử thế. Và đây cũng là thể loại truyện thai giáo được khuyến khích đọc cho thai nhi nghe mỗi ngày.
Cùng MarryBaby tìm hiểu xem truyện ngụ ngôn mang lại những lợi ích gì cho thai nhi nhé!
Lợi ích không ngờ khi đọc truyện ngụ ngôn cho thai nhi
Bắt đầu từ tuần 23 trở đi, bé có thể nghe được và phản ứng lại với những âm thanh từ bên ngoài. Cho nên, khi mẹ kể chuyện cho bé nghe hoặc kể chuyện cho bé ngủ sẽ giúp tình cảm của hai mẹ con thêm khắng khít.
Đồng thời, bé sẽ quen với giọng nói của bố mẹ từ rất sớm. Đến khi sinh ra, con có thể nhận biết được giọng nói của bố, của mẹ và của mọi người xung quanh.
Thai nhi nghe kể chuyện có hiểu gì không? Theo chuyên gia, trẻ nghe bố hoặc mẹ kể chuyện sẽ không hiểu được ý nghĩa sâu xa mà truyện ngụ ngôn truyền tải.
Tuy nhiên nó có thể giúp con hình thành nhân cách và thói quen tốt khi lớn lên. Đồng thời, kể chuyện cho bé giúp con tiếp xúc và làm quen với ngôn ngữ sớm, kích thích trí não phát triển.
Hơn nữa, mẹ đọc truyện cho bé nghe mỗi ngày còn giúp mẹ thư giãn đầu óc, tinh thần thoải mái sẽ tạo nên những tác động tích cực đến sự phát triển của thai nhi.
4 truyện ngụ ngôn cho thai nhi kích thích phát triển trí tuệ
Sau đây là 4 câu chuyện ngụ ngôn vừa gần gũi lại giàu tính nhân văn MarryBaby gợi ý mẹ kể cho bé nghe khi thức hoặc kể chuyện cho bé ngủ đều được. Khi kể chuyện, mẹ hãy giao tiếp với thai nhi để kích thích trí não thai nhi phát triển nhé.
1. Con cáo và chùm nho
Con cáo và chùm nho là hai nhân vật phổ biến trong các câu chuyện ngụ ngôn mang tính châm biếm cao.
Thông qua câu chuyện, bài học được rút ra là:
“Có một số người khi không có được thứ gì đó liền tỏ thái độ khinh bỉ. Thực tế là do khả năng của mình có giới hạn không thể có được nên đành lấy cớ, tự biện minh.”
Câu chuyện cụ thể như sau:
Một ngày nọ, có một con Cáo tìm thấy một chùm nho chín mọng dọc theo cành cây. Những quả nho chín đến độ sắp vỡ ra vì nhiều nước. Miệng Cáo chảy nước miếng, mắt nhìn chằm chằm vào chùm nho một cách thèm thuồng.
Cáo quyết định nhảy lên hái cho bằng được. Lần thứ nhất, nó nhảy lên và cách chùm nho một quãng khá xa. Vì vậy, nó quyết định lùi lại mấy bước, lấy đà và nhảy lên lần nữa. Vì giàn nho quá cao nên nó trượt chân té một cú rất đau. Cáo nhất định không bỏ cuộc. Nó quyết định nhảy lên một lần nữa, một lần nữa nhưng vô ích.
Nó ngồi xuống rồi nhìn chùm nho một cách khinh bỉ: “Ngốc thật. Việc gì mình phải cố gắng vì một chùm nho chua như vậy. Liệu có đáng không?
Và rồi, nó bước đi một cách rầu rĩ.
2. Bác nông dân và con cò
Câu chuyện tiếp theo kể về bác nông dân và con cò:
Một con cò rất đỗi thật thà và cả tin đã được một nhóm hạc rủ đi chén một bữa tại cánh đồng mới xuống giống. Nhưng bữa tiệc kết thúc một cách thảm hại khi tất cả những con chim đều bị vướng vào lưới của bác nông dân.
Cò van xin bác nông dân tha cho nó: “Hãy tha cho tôi”, nó cầu xin. “Tôi thuộc dòng họ nhà cò và con người biết chúng tôi là loài chim chân thành và có đức tính tốt. Hơn nữa, tôi không biết những con hạc rủ tôi đi trộm đồ của ông.”
“Mày có thể là một con chim tốt”. – Bác nông dân trả lời, “nhưng tao đã bắt được mày cùng với lũ hạc định trộm hạt giống của tao. Mày với chúng sẽ phải chịu chung hình phạt.”
Thông qua truyện ngụ ngôn cho thai nhi này, bài học rút ra là: “Bạn sẽ bị đánh giá thông qua những người bạn của bạn.”
3. Ngỗng đẻ trứng vàng
Ngày xưa, có một người nông dân sở hữu một con ngỗng biết đẻ trứng vàng. Vì mỗi lần người nông dân đến thăm, nó đều đẻ một quả trứng bằng vàng rất đẹp, sáng lấp lánh.
Người nông dân mang trứng ra chợ bán và trở nên giàu có một cách nhanh chóng. Nhưng chẳng được bao lâu, người nông dân mất kiên nhẫn với con ngỗng vì mỗi ngày nó chỉ đẻ một quả. Người nông dân không thể giàu lên nhanh hơn nữa.
Khi lòng tham ngày một lớn dần, người nông dân đã nảy ra ý định lấy hết tất cả số trứng vàng của con ngỗng bằng cách giết nó và mổ bụng. Thật tiếc, bên trong bụng con ngỗng không có quả trứng vàng nào cả. Và con ngỗng biết đẻ trứng vàng của anh ta đã chết.
Bài học: “Những người có nhiều vẫn muốn có nhiều hơn thì sẽ mất tất cả những gì họ có!”
4. Ếch và Chuột
Truyện ngụ ngôn cho thai nhi cuối cùng chính là “Ếch và Chuột”. Câu chuyện như sau:
Một con Chuột nhắt đang phiêu lưu chạy dọc theo bờ ao – nơi có một con Ếch đang sinh sống. Khi Ếch nhìn thấy Chuột, nó bơi vào bờ và nói rằng:
“Không bơi với tôi một chút à? Chắc chắn sẽ rất rui khi bơi ở đây đấy!”
Chẳng chờ mời mọc thêm, nó đang nóng lòng muốn khám phá thế giới và mọi thứ trong chiếc ao đó. Mặc dù nó biết bơi một chút nhưng nó cũng không dám liều mình nhảy xuống ao nếu không có người giúp đỡ.
Ếch đã có cách. Nó buộc chân Chuột vào chân mình bằng một cây sậy còn cứng. Rồi Ếch nhảy xuống ao kéo theo người bạn đồng hành khờ khạo của mình. Chẳng mấy chốc, Chuột đã bị đuối nước và muốn quay vào bờ. Nhưng tên Ếch kia lại bày trò khác. Nó kéo Chuột xuống nước và dìm cho Chuột chết.
Chưa kịp tháo cây sậy vẫn còn trói chân nó và con Chuột chết, một con Diều Hâu từ đâu đến sà xuống bắt lấy Chuột mang đi, kéo theo Ếch vẫn treo lủng lẳng dưới chân. Vậy chỉ cần một lần sà xuống ao, Diều Hâu đã bắt được cả hai con mồi.
Qua câu chuyện Ếch và Chuột, ta rút ra bài học: “Những người tìm cách hại người khác thường sẽ làm hại mình thông qua sự lừa dối của chính mình.”
Cần lưu ý gì khi đọc truyện thai giáo cho thai nhi?
Khi đọc truyện ngụ ngôn cho thai nhi, mẹ cần lưu ý những điều sau đây:
- Đọc truyện cho bé nghe từ 2 đến 3 lần mỗi ngày. Mỗi ngày kể khoảng 10 đến 15 phút. Nên thực hiện một cách đều đặn để bé nghe giọng mẹ nhiều hơn nhé.
- Chọn tư thế thoải mái nhất, có thể là nằm trên giường, có thể ngồi ghế tựa hoặc ngồi thảm,… và thay đổi tư thế liên tục để máu lưu thông tốt hơn.
- Mẹ nên chọn các mẩu truyện ngắn, không tốn quá nhiều thời gian đọc để không bị nhàm chán.
- Mẹ cần đọc với giọng điệu nhẹ nhàng, truyền cảm, lên xuống uyển chuyển để tạo sự hứng thú cho mẹ và bé. Nếu được, hãy hóa thân thành những nhân vật trong truyện để tạo tương tác với bé tốt hơn.
- Nên chọn những câu chuyện có nội dung dễ hiểu, đơn giản, mang lại tính nhân văn cao.
- Thường xuyên xoa bụng để tương tác với bé, thể hiện tình cảm qua từng câu chuyện.
- Mỗi câu chuyện có thể kể cho bé nghe lặp lại 2 đến 3 lần để thai nhi cảm nhận trọn vẹn nội dung, vừa kích thích thính giác, vừa gắn kết tình cảm hai mẹ con.
Truyện ngụ ngôn cho thai nhi có rất nhiều. Ngoài những câu chuyện ngụ ngôn, mẹ có thể kể cho con nghe những câu chuyện hài hước, truyện cổ tích Việt Nam cho thai nhi để con có thể hiểu hơn về truyền thống văn hóa đất nước mình. Chúc mẹ có thai kỳ khỏe mạnh nhé!