Categories
Dạy con Nuôi dạy con

Cổ tích dạy gì cho con trẻ?

Mẹ có biết, cứ mỗi câu chuyện mẹ kể cho bé cũng đồng nghĩa với việc mang lại 4 lợi ích sau cho cả mẹ và bé?

1. Nuôi dưỡng tâm hồn trẻ thơ qua những câu chuyện cổ

Tâm hồn của mỗi trẻ đều như trang giấy trắng, sẽ viết lên những nét chữ đầu tiên khi được cha mẹ chỉ dạy từng ngày. Mỗi câu chuyện cổ tích mang một nội dung khác nhau. Nhưng mục đích cuối cùng là hướng dẫn cho bé biết đâu là tốt, là xấu, biết yêu thương, chia sẻ.

2. Chuyện cổ tích mang tính giáo dục cao

Nhân cách của trẻ chịu sự tác động của yếu tố bên ngoài và trẻ rất dễ bắt chước. Những nhân vật trong chuyện cổ tích được xây dựng như một con người hoàn hảo về mọi mặt với lòng tốt, lòng nhân ái, sự dũng cảm…Mỗi một câu chuyện là một bài học sống động về cuộc sống với những phẩm chất đạo đức tốt đẹp, cách cư xử với người khác hay cách xử lý tình huống. Tất cả sẽ in dấu vào tâm trí, giúp trẻ học theo những điều tốt và biết sống đẹp hơn.

Lợi ích khi kể chuyện cho bé
Thông qua những câu chuyện cổ, bé sẽ học được những phẩm chất đạo đức tốt đẹp

3. Kể chuyện cho bé để rèn luyện cảm xúc

Truyện cổ tích như cánh cửa mở ra một thế giới mới với những điều kỳ diệu và phép màu. Đồng thời trẻ có thể vô tư hòa mình vào nhân vật của câu chuyện với những cảm xúc vui vẻ, lo lắng, hồi hộp…Mọi cung bậc cảm xúc của trẻ đều được thể hiện một cách tự nhiên nhất. Qua lời kể của mẹ, trẻ biết yêu thương người tốt, có thái độ giận dữ với kẻ xấu, biết trân trọng cuộc sống.

4. Gắn kết tình cảm giữa cha mẹ và con cái

Cho dù có bận rộn với công việc đến mấy, cha mẹ cũng nên dành thời gian vui chơi, mỗi tối kể chuyện cho con nghe. Bé được nằm trong vòng tay yêu thương của cha mẹ, thể hiện những tình cảm trìu mến là niềm hạnh phúc giúp bạn xua tan đi những mệt mỏi trong cuộc sống. Đồng thời đây cũng là cách giúp tình cảm gia đình càng trở nên sâu đậm hơn.

Những lưu ý khi kể chuyện cho bé

– Nếu bé tỏ ra không hào hừng với câu chuyện đang kể, mẹ nên đổi sang một câu chuyện khác. Chỉ khi thích, bé mới bị cuốn hút và tiếp thu nội dung của chuyện đó.

– Đôi khi bé sẽ yêu cầu mẹ kể đi kể lại một chuyện, hãy cứ chiều theo ý con đến khi nào bé thôi không chú ý đến nữa thì bạn hãy chuyển sang một cốt chuyện mới hơn.

– Lựa chuyện có nội dung phù hợp với sự phát triển của con. Những chuyện có kết thúc quá buồn, mẹ nên chờ đến khi bé lớn hơn.

– Trước giờ đi ngủ, mẹ không nên kể cho bé nghe những chuyện có nhiều quái vật, ma quỷ. Trẻ có thể bị ám ảnh và trở nên khó ngủ hơn.

[inline_article id=129217]

Categories
Dạy con Nuôi dạy con

Nuôi dạy con kiểu Nhật: Bí quyết cho các nhóc tỳ siêu khỏe

Không chỉ trẻ nhỏ mà cả người trưởng thành ở Nhật cũng được biết đến trong nhóm những người khỏe mạnh và sống lâu nhất thế giới. Không có bí mật nào trong cách nuôi dạy con kiểu Nhật ngoài chế độ dinh dưỡng khoa học và lối sống năng động.

Nuôi dạy con kiểu Nhật
Dinh dưỡng là một trong những điều rất được chú trọng trong cách nuôi dạy con kiểu Nhật

Chế độ ăn phong phú và nhiều rau

Chế độ ăn của các gia đình Nhật thường chú trọng đến các loại rau củ và ít thịt, cá. Các loại rau nhiều nước như cải thìa, cải xanh, giá đỗ, thảo mộc… được sử dụng rất nhiều trong các món ăn. Cũng giống như các nước châu Á khác, gạo là loại ngũ cốc chính trong các bữa ăn. Nhưng việc kết hợp xen kẽ món cơm với những loại canh, súp và món ăn kèm đa dạng giúp hạn chế tình trạng tăng đường huyết. Ngoài ra, chế độ ăn uống này giúp mang lại một nguồn năng lượng dồi dào cho mọi người.

Trẻ em Nhật được dạy về cách nuôi trồng thực phẩm, cách chế biến và các nghi thức ăn uống trong gia đình và ở trường. Thậm chí, các bé còn được tham gia vào quá trình chuẩn bị thức ăn. Đây là một trong những cách tuyệt vời để tạo nên một thói quen ăn uống lành mạnh, một điều mà các bậc cha mẹ nên học hỏi trong cách nuôi dạy con kiểu Nhật.

Nuôi dạy con kiểu Nhật
Trẻ em Nhật được tham gia trồng rau để biết thức ăn hình thành như thế nào

Trong bữa ăn, trẻ em Nhật được tiếp xúc với rất nhiều loại thực phẩm khác nhau, tất cả được đựng trong những đĩa hay chén nhỏ nhiều màu sắc, từ món cơm cho đến súp, rong biển trộn, cá hay thịt lươn nướng… Kiểu chia thức ăn này giúp các bé có điều kiện tiếp xúc với rất nhiều loại thực phẩm khác nhau mà không có cảm giác ngán.

Vận động, vận động và vận động

Ngay ở các trường mầm non, các bé đã được khuyến khích vận động nhiều và tham gia vào rất nhiều hoạt động thể thao. Thậm chí ở tất cả các trường học Nhật còn có ngày hội thể thao được tổ chức vào tháng 10 hàng năm. Ngày hội này được gọi là “Taku no Hi”, diễn ra trên toàn quốc và được hưởng ứng ở tất cả các trường học.

[inline_article id=137523]

Khi bước vào tiểu học, dù ở lứa tuổi nào, trẻ em Nhật cũng được khuyến khích tự đến trường và tự về nhà bằng cách đi bộ. Đây là một điều khác biệt rất lớn trong phong cách nuôi dạy con kiểu Nhật so với nhiều quốc gia khác. Nhiều gia đình Nhật cố gắng dành ít nhất 60 phút mỗi ngày cho những hoạt động thể chất với độ mạnh vừa phải.

 

Categories
Dạy con Nuôi dạy con

7 cách trả lời thông minh khi trẻ than “con chán”

Ngoài những câu vỗ về quen thuộc như “con chán thật à?” hay “sao lại chán” đã quá quen thuộc, mẹ cần thêm vài tuyệt chiêu để con thôi kèo nhèo và trở lại với vẻ vui tươi trước đó.

Làm gì khi con chán?
Không chỉ có sự sôi nổi, vui vẻ, cũng có những lúc con chán nữa mẹ ạ!

Có 7 lựa chọn thích hợp cho mẹ trong trường hợp này:

1/ “Hay quá! Đúng lúc mẹ cần nhờ bé giúp mẹ một tay. Bé muốn làm việc nào trước đây?”

2/ ‘Vậy là con chán hết mấy món đồ chơi của mình rồi phải không? Mẹ đem cho các bạn khác nhé?’

3/ Thổi phồng câu chuyện lên, chẳng hạn “Con chán à? Ôi không! Cún con bé bỏng đáng yêu tội nghiệp của mẹ! Sao không ai thèm đoái hoài đến con khi con đang buồn chán thế này? Vậy là không được, không được chút nào…”. Cứ tiếp tục màn cường điệu hóa của bạn cho đến khi trẻ bỏ đi. Sẽ không mất nhiều thời gian của mẹ đâu. Nếu có vẻ hiệu quả, bạn hãy ôm bé và đung đưa nhẹ vòng tay để dỗ dành con trong khi nói nhé.

4/ “À, nếu con muốn kể gì với mẹ thì mẹ thích lắm đấy”. Có thể bé sẽ chấp nhận đề nghị của bạn.

5/ “Ôi, mẹ cũng vậy đó. Mình cùng chơi gì vui vui nhé”

6/ “Tội nghiệp cục cưng của mẹ quá đi! Hay là mình tô màu tiếp bức tranh hôm qua chưa tô xong nhỉ”

7/ “…”

Thật ra, thỉnh thoảng cách trả lời hay nhất của mẹ là chẳng nói gì cả. Chán chường không phải là chuyện xấu đối với trẻ, và giải pháp mẹ ngầm lảng tránh tình huống này sẽ tăng khả năng bé tự tìm cách thay đổi tâm trạng của mình. Điều này giống như trong nhà có một em bé kén ăn vậy; tương tự việc bé sẽ không nhịn đói, trẻ tự nhiên sẽ không để mình bị hành hạ vì cơn chán. Cuối cùng, nếu cảm thấy đã chán đủ rồi, bé sẽ tự hành động và điều chỉnh bản thân.

Dĩ nhiên, nếu thích giúp con xua đuổi cơn chán hơn, tất nhiên mẹ có thể đề nghị làm gì đó cùng con (chứ không phải làm cho hay làm giùm con nhé). Mẹ không cần phải vội vàng chạy đi mua ngay đồ chơi mới hoặc đăng ký cho bé tham gia lớp học đắt tiền nào đó. Nhưng nếu bạn có thời gian rảnh và lời rên rỉ vì chán của trẻ đã lên đến đỉnh điểm, sao bạn không thử gợi ý cùng nhau đi dạo, chơi một trò vận động đơn giản hoặc chỉ cần ngồi xuống trò chuyện. Bé sẽ tỏ ra khó chịu với ý tưởng đó và đi lòng vòng than thở với… người khác, hoặc đành chấp nhận đề nghị của mẹ, vậy là buổi chiều về cơ bản sẽ ổn thỏa hơn với cả hai mẹ con rồi đấy.

[inline_article id=131673]

Categories
Dạy con Nuôi dạy con

Tuyệt chiêu dạy bé tự giác thu dọn đồ chơi

1/ Rèn càng sớm càng tốt

Thói quen nào cũng vậy, càng được hình thành sớm càng tốt. Mẹ bắt đầu bằng việc hướng dẫn bé lấy đồ chơi trong giỏ ra, sau khi chơi xong hãy cùng bé để lại chỗ cũ. Nếu việc này lặp lại thường xuyên, nhất là khi có cha mẹ làm cùng, bé sẽ dễ làm theo. Mẹ cũng nên tạo không khí vui vẻ bằng các trò chơi hài hước trong khi sắp xếp đồ chơi để giúp trẻ hào hứng hơn.

Thường xuyên làm điều này mỗi ngày, lâu dần trẻ sẽ hiểu ra rằng đồ chơi sau khi chơi xong không được vứt bừa bãi mà phải để lại đúng nơi quy định.

Tự thu dọn đồ chơi
Dọn đồ chơi là một thói quen tốt mà mẹ nên rèn cho trẻ từ khi còn nhỏ, để bé hình thành lối sống gọn gàng về sau.

2/ Kiên nhẫn, nhẹ nhàng nhắc nhở bé

Sau mỗi lần bé chơi, mẹ hãy nhẹ nhàng nhắc nhở con cất đồ chơi vào đúng chỗ cũ trước khi sang việc khác. Việc làm này là cần thiết bởi bé thường quên nhanh những nhiệm vụ của mình nếu không có ai nhắc nhở.

Với những trẻ lớn đừng quên nói với con rằng việc con thu dọn đồ chơi gọn gàng, ngăn nắp không chỉ giúp con dễ tìm khi muốn chơi, đồng thời tạo không gian căn phòng sach đẹp, an toàn hơn.

Các bậc phụ huynh đừng bao giờ làm mọi chuyện trở nên căng thẳng với bé nếu đã hướng dẫn, nhắc nhở nhưng bé vẫn không nhớ và thực hiện. Bởi điều này sẽ tạo ấn tượng xấu cho bé, làm bé càng không thích thú với công việc thu dọn đồ chơi về sau. Thay vào đó, hãy kiên nhẫn giải thích và cùng làm với bé, lâu dần bé sẽ ý thức được việc sau mỗi lần chơi xong, đồ chơi phải được xếp gọn gàng, ngăn nắp.

[inline_article id=132646]

3/ Phân loại đồ chơi

Để giúp bé tự thu dọn đồ chơi cực gọn gàng, mẹ hãy dùng những chiếc rổ hoặc thùng,hộp để phân loại đồ chơi, đồng thời dán những hình ngộ nghĩnh lên đó để giúp bé phân biệt và dễ lấy món đồ cần thiết.

Không nên để chung đồ chơi của bé với đồ dùng gia đình hoặc dụng cụ của cha mẹ. Bất cứ thứ gì thuộc về đồ chơi của bé hãy phân chúng riêng ra để bé biết đó là phần đồ dùng riêng của mình.

4/ Tạo không khí vui vẻ bằng các trò chơi hào hứng

Mẹ hãy biến việc dẹp đồ chơi vốn nhàm chán với bé trở thành một hoạt động vui vẻ hoặc một trò chơi thú vị. Chẳng hạn bạn có thể khuyến khích bé tham gia trò chơi ai nhặt được nhiều món đồ hơn khi cùng thu dọn với bé, phần thưởng là một miếng dán bé ngoan.

Khi tích đủ miếng dán bé ngoan, mẹ có thể tìm phần thưởng nào thú vị để khích lệ bé như một chầu kem ngon, một quyển truyện hay hoặc buổi đi chơi công viên, sở thú… Cách này sẽ giúp bé hào hứng và tập trung cho việc thu dọn đồ chơi nhanh hơn đấy!

Trẻ tự thu dọn đồ chơi
Hãy biến việc dọn dẹp thành cuộc chơi vui vẻ và cho trẻ thấy mẹ luôn ủng hộ bé.

5/ Khen ngợi bé khi hoàn thành công việc

Hãy khen bé và chỉ cho bé thấy rằng việc dọn đồ dùng đồ chơi của bé là hết sức hữu ích. Giải thích cho bé hiểu nếu không dọn đồ chơi thì sẽ không có sàn nhà để mẹ thực hiện những công việc khác, căn nhà sẽ trở nên bừa bộn.

Và khi bé hoàn thành công việc này một cách xuất sắc, mẹ đừng quên thưởng cho những người ‘phụ việc’ nhỏ bé của bạn những cái đập tay tán thưởng, những cái ôm ngọt ngào, và lặp lại những cử chỉ để thấy sự thoải mái như thế nào khi mọi người có thể đi lại dễ dàng, không bị dẫm vào đồ chơi, hay đồ chơi có thể tìm thấy một cách dễ dàng như thế nào.

Lúc này bé sẽ cảm nhận được việc bé làm mang lại nhiều ý nghĩa hơn bé tưởng. Có như vậy con sẽ vui thích và hào hứng khi thực hiện công việc trong những lần sau.

6/ Dạy bé mọi lúc mọi nơi

Nếu việc thu dọn đồ chơi là việc của bé thì bất cứ công việc gì của người khác mà bé có thể làm được thì cha mẹ nên khuyến khích bé tham gia nhé. Chẳng hạn như giúp mẹ cất quần áo vào tủ sau khi mẹ đã gấp, hoặc con giúp mẹ gấp những chiếc quần áo nhỏ hay phụ bố mẹ lau chùi món đồ chơi yêu thích.

[inline_article id=4835]

Ngoài ra, muốn rèn cho con thói quen tự thu dọn đồ chơi thì bố mẹ phải làm gương cho con. Sau khi làm xong việc gì như sửa xe máy, sửa nhà, làm bếp… bố mẹ cũng hãy biết dọn dẹp, sắp sếp gon gàng. Bởi trẻ thường rất hay bắt chước người lớn, nhất là bố mẹ đấy!

 

 

Categories
Hạt giống tâm hồn Nuôi dạy con

Mỗi ngày một câu truyện – SỰ TÍCH CÂY VÚ SỮA

Sư tích : Cây vú sữa
Ngày xưa, có 1 cậu bé được mẹ rất mực nuông chiều cho nên cậu ta rất nghịch ngợm và rất mải chơi.

Có 1 lần, cậu ta bị mẹ quát, cậu tỏ thái độ vùng vằng rồi bỏ đi khỏi nhà.

Cậu ta đã lang thang rất nhiều nơi, mẹ cậu ở nhà không biết được tin tức gì của cậu từ lúc cậu bỏ đi nên rất buồn và lo lắng.

Ngày nào cũng vậy mẹ cậu ngồi trên bậc thềm trông ngóng cậu trở về nhà.

Vài tuần trôi qua mà vẫn không thấy cậu trở về nhà.

Bởi vì do quá buồn đau và mệt mỏi nên mẹ cậu đã đổ bệnh và qua đời.
Cậu cũng đã bỏ nhà đi đã khá lâu rồi, cho đến 1 hôm, bụng cậu vừa đói vừa lạnh, cậu lại còn bị lũ trẻ lớn tuổi hơn bắt nạt, cậu khi đó mới nhớ đến mẹ của mình.

-“Phải rồi, khi mình đói, mẹ nấu cơm cho mình ăn, khi mình bị trẻ con khác ăn hiếp, mẹ luôn bênh vực mình, mình phải về với mẹ thôi”.

Khi đó cậu đã tìm đường trở về nhà.

………..

Tại ngôi nhà quen thuộc, mọi thứ vẫn như xưa, nhưng mà cậu tìm mãi vẫn không thấy mẹ đâu. Cậu khản tiếng gọi mẹ:

– Mẹ ơi mẹ đâu rồi, con đói quá mẹ ơi !

– Gọi mẹ mãi vẫn không thấy mẹ đâu, cậu ta khụy xuống, rồi ôm 1 thân cây ở trong vườn và khóc.

Kỳ lạ thay, cành cây bỗng rung mạnh.Cây nghiêng cành, 1 trái to rơi vào lòng bàn tay cậu bé.

Cậu bé cắn trái cây đó 1 miếng rất to. Cậu kêu lên “chát quá”

Lại có một trái nữa rơi xuống. Cậu lột vỏ, cắn vào hột của trái. Cậu kêu lên “cứng quá”.

Tiếp theo lại có một trái nữa rơi xuống tay cậu. Cậu khẽ lấy tay bóp men quanh trái, lớp vỏ mềm của trái dần dần khẽ nứt ra 1 khe nhỏ. 1 dòng sữa trắng sóng sánh tiết ra, có vị thơm ngọt như sữa mẹ.

Cậu ta ghé miệng hứng lấy những dòng sữa ngọt ngào của trái.

Cây bỗng rung rinh cành lá, thì thào :

“Ăn trái 3 lần mới biết được trái ngon

Con có lớn khôn mới biết lòng cha mẹ”.
Cậu đã bật khóc vì nhận ra rằng mẹ của cậu đã không còn nữa.

Cậu nhìn lên trên tán lá, những cành lá sum xuê trái ngọt, lá một mặt xanh nhẵn, một mặt đỏ hoe như mắt của một người mẹ khóc mòn mỏi chờ con về. Cậu ôm thân cây vỡ òa, thân cây thô ráp xù xì tự như đôi bàn tay vất vả làm lụng của người mẹ.

Nước mắt cậu rơi xuống gốc cây.

Cây xòa cành ôm cậu, rung rinh cành lá như tay mẹ âu yếm vỗ về.

Cậu kể cho mọi người nghe chuyện về người mẹ và nỗi ân hận của mình…

Trái cây thơm ngon ở vườn nhà cậu, ai cũng thích.

Họ đem về gieo trồng khắp nơi và đặt tên là Cây Vú Sữa.

(ST)

Categories
Dạy con Nuôi dạy con

6 việc mẹ nên cùng làm với trẻ mỗi ngày

1/ Cùng chơi đồ chơi với con

Mỗi ngày mẹ nên dành một khoảng thời gian nhất định để chơi cùng con các món đồ chơi. Thông qua việc cùng chơi, cùng làm với trẻ, mối quan hệ của cha mẹ và con cái ngày càng được thắt chặt hơn. Ngoài ra, khi có sự gắn kết thân thiết giữa cha mẹ và con cái, bạn sẽ dễ dàng hơn trong việc điều chỉnh những hành vi và suy nghĩ tiêu cực hoặc không đúng đắn của trẻ cũng như giúp cha mẹ đặt mình vào vị trí con, hiểu được cái nhìn và cách suy nghĩ của trẻ.

Việc chơi với bé sẽ giúp bé hào hứng và chơi được lâu hơn, qua đó phát triển sự sáng tạo, tò mò. Thế nên, mỗi ngày mẹ nên dành một khoảng thời gian nhất định để chơi cùng con các món đồ chơi. Cha mẹ càng dành nhiều thời gian cho con thì trẻ càng dễ dàng bắt nhịp học hỏi và sẽ cứ thế phát triển sau này trong cuộc sống. Trẻ học hỏi tốt nhất từ những người thân thiết nhất với chúng. Hãy dành thời gian chơi với con bạn càng nhiều càng tốt để bắt đầu đánh thức sự phát triển cá nhân của bé, mẹ nhé!

Việc nên cùng làm với con mỗi ngày
Có 1 việc rất đơn giản mẹ nên làm với bé yêu mỗi ngày, đó chính là cười và trò chuyện với con.

2/ Cùng đi bộ

Khoảng thời gian đi bộ cùng với con trẻ cũng là một điều rất đặc biệt đấy, vì đấy chính là lúc mà chúng ta có thể ở bên nhau nhiều hơn. Đó là thời gian để nắm tay, trò chuyện “trên trời dưới bể”, về cây cối, các con vật, sự vật xung quanh… Thay vì lái xe, đi bộ và trò chuyện vừa tăng cường sức khỏe, vừa giúp tình cảm giữa cha mẹ con cái xích lại gần nhau hơn.

3/ Cùng chuẩn bị bữa ăn

Sự tham gia của trẻ trong quá trình mua sắm, nấu ăn và lựa chọn những món ăn gì mà bé chúng muốn tạo cho trẻ cơ hội để thể hiện bản thân – một nhu cầu rất quan trọng ở lứa tuổi này. Đồng thời, khi trẻ đủ lớn, hãy để trẻ giúp mẹ chuẩn bị các bữa ăn gia đình bằng cách cho bé cùng nhặt rau, rửa rau hoặc hãy đặt trẻ ngồi trên chiếc ghế cao gần bên để có thể quan sát và nghe mẹ thuyết trình về những gì đang chuẩn bị cho bữa ăn. Việc mẹ cùng làm với trẻ sẽ khiến bé cảm thấy hứng thú và thấy tự hào về chính bản thân mình đấy!

Mẹ cũng hãy thể hiện tình cảm của mình với bé một cách đơn giản nhất, hiệu quả nhất bằng việc nấu những món ăn mà bé thích. Với những món ăn mà trẻ yêu thích, chúng sẽ ăn ngon hơn, ăn vui vẻ hơn và hấp thu dưỡng chất tốt hơn. Từ những món ăn, những khẩu vị mà chúng yêu thích bạn có thể khéo léo chế biến thành những món ăn bổ dưỡng mà vẫn hấp dẫn trẻ, chính việc làm mà bố mẹ nên làm cho bé mỗi ngày này sẽ giúp bạn luôn trở thành người nấu ăn ngon nhất trong lòng các bé yêu.

[inline_article id=129217]

4/ Ăn tối với nhau

Mặc cho lịch làm việc dày đặc của cha mẹ hay các hoạt động ngoại khóa bận rộn của trẻ, thì một bữa tối cùng nhau vẫn luôn là công việc khả thi. Toàn bộ quá trình nấu nướng và ăn có thể chỉ mất khoảng 1 giờ đồng hồ. Các thành viên có thể sắp xếp lịch làm việc linh hoạt để dành ra một khoảng thời gian kết nối, quây quần bên nhau.

Đây là cơ hội rất hiếm để mọi người có thể chia sẻ những điều xảy ra trong ngày, kế hoạch của ngày mai… hay thậm chí chỉ là nói chuyện “phiếm” với nhau. Hãy cố gắng để mỗi ngày có ít nhất một lần cả nhà cùng “điểm danh” đông đủ nhé.

5/ Đọc truyện

Hãy hình thành thói quen đọc truyện cho các bé nghe trước khi đi ngủ với những câu chuyện phù hợp với lứa của trẻ là việc bố mẹ nên làm cho trẻ mỗi ngày. Việc làm này vừa có tác dụng tạo nên sự quan tâm của bạn đối với trẻ, vừa giúp trẻ hướng đến những giá trị tốt đẹp của cuộc sống ẩn chứa trong những câu chuyện, vừa tạo điều kiện để trẻ hình thành nên hệ thống ngôn ngữ phong phú giúp trẻ nhanh biết nói, nói hay hơn, giao tiếp hiệu quả hơn.

6/ Cùng tổ chức, ghi nhớ những ngày trọng đại của gia đình

Ngày sinh nhật của các thành viên trong gia đình, các ngày lễ, tết… đây là những cơ hội tuyệt vời để tạo ra những kỷ niệm độc đáo với bé yêu của bạn. Không cần phải tổ chức các bữa tiệc linh đình, tốn kém nhiều chi phí… Chỉ cần một chiếc bánh kem vào ngày sinh nhật, một bó hoa vào ngày của Mẹ, một tấm thiệp vào ngày của Cha hay buổi tối ăn kem bên ngoài mừng ngày bé chuẩn bị vào mẫu giáo… Điều quan trọng là những người thân cùng  tổ chức, cùng làm với trẻ thì những kỷ niệm ấm áp ấy sẽ mang theo trong hồi ức của trẻ suốt cuộc đời đấy!

[inline_article id=187]

 

 

Categories
Dạy con Nuôi dạy con

Hướng nghiệp cho con từ những năm đầu đời

Hướng nghiệp sớm làm gia tăng cơ hội thành công

Là cha mẹ, ai cũng muốn con mình phải học thật giỏi và có được một công việc tốt, ổn định trong tương lai. Muốn như vậy, các bậc phụ huynh rất cần phải định hướng nghề nghiệp cho con từ khi con còn nhỏ, vì việc này sẽ ảnh hưởng lớn đến thành công của con cái trong tương lai. Một ví dụ đơn giản, nếu con bạn muốn theo nghề  Kiến trúc hay mỹ thuật, nhưng do không được chuẩn bị và định hướng trước, đến gần hết cấp 3 trẻ mới đi học thêm vẽ để dự thi phần mỹ thuật, với thời gian ngắn như thế, dù trẻ có năng khiếu cũng không có nhiều cơ hội vượt qua được với hàng ngàn các tài năng học giỏi vẽ khác.

Việc định hướng nghề nghiệp muộn làm mất cơ hội phát huy hết năng lực của trẻ. Vì vậy, phụ huynh hãy định hướng nghề nghiệp phù hợp cho con ngay từ những năm tháng đầu đời và xuất phát từ chính những năng lực tiềm ẩn của con. Khi phát hiện thấy trẻ có mong muốn, hay thích làm một việc gì đó, hãy chú ý quan sát và xác định tiềm năng của trẻ, và giúp con lên kế hoạch, tạo điều kiện cho con được thỏa mãn với niềm đam mê đó.

Hướng nghiệp cho bé 2
Ngay từ nhỏ trẻ đã bộc lộ những sở trường, năng khiếu nhất định và bố mẹ có thể căn cứ vào đó để định hướng nghề nghiệp cho con

Định hướng dựa trên năng lực và nguyện vọng của con

Việc định hướng nghề nghiệp cho con là một vấn đề vô cùng quan trọng, tuy nhiên không phải phụ huynh nào cũng làm tốt công việc này. Nhiều phụ huynh hướng nghiệp cho con theo cách áp đặt. Điều đó vô hình chung làm giảm khả năng của con, đồng thời con sẽ không thể phát huy đúng năng lực của bản thân mình trong cuộc sống.

Chuyên gia tham vấn của Trung tâm iSmartKids (Trung Kính- Hà Nội) đưa ra một vài gợi ý nhỏ với các bậc phụ huynh, để giúp phụ huynh hướng nghiệp cho con cái mình một cách đúng đắn nhất:

  • Cha mẹ nên phát hiện và bồi dưỡng năng khiếu cho trẻ từ sớm.

Có được năng khiếu trong một lĩnh vực nào, trẻ sẽ dễ dàng có tiến bộ và đạt được thành công ở lĩnh vực đó. Nếu năng khiếu của trẻ không được phát hiện sớm để bồi đắp, nuôi dưỡng thì nó sẽ thui chột dần. Vì vậy, trong cuộc sống hàng ngày, cha mẹ hãy lưu ý xem trẻ thường làm tốt các công việc nào đó, ví dụ: con thích vẽ, thích hát, chơi đàn, hay chơi một môn thể thao… Từ đó, cha mẹ hãy giúp con bồi dưỡng thêm năng khiếu, có thể tạo điều kiện cho con được tham gia các hoạt động tại khu văn hóa, nhà thiếu nhi, trường đào tạo năng khiếu….

  • Cha mẹ cần biết rõ khả năng của con

Nhiều cha mẹ thường ảo tưởng về khả năng của con cái, luôn cho rằng con mình rất giỏi mà không biết được thực lực của trẻ như thế nào, có thể làm được gì và không làm được gì. Việc cha mẹ không dám chấp nhận nhược điểm của trẻ sẽ khiến cho trẻ ảo tưởng về tài năng của chính mình. Cha mẹ cần biết được khả năng thật sự của con để định hướng cho con một nghề nghiệp phù hợp. Nếu quá ảo tưởng vào khả năng của con, bạn sẽ tự làm tổn thương chính mình và cả con khi không đạt được những thành tích như kỳ vọng. Vậy nên, hãy chấp nhận sự thật “con cái chúng ta không phải là thiên tài” và đặc biệt đừng so sánh con với người khác, vì như vậy sẽ càng làm con bị tổn thương hơn.

  • Cho con được trải nghiệm với nghề nghiệp và được thực hiện ước mơ của mình

Hiện nay, có rất nhiều khu vui chơi hướng nghiệp ra đời đáp ứng nhu cầu học hỏi và giải trí của trẻ. Vì vậy, cha mẹ có thể cho con đến và tham gia trải nghiệm nhiều ngành nghề khác nhau ở các môi trường đó. Khi đó, qua sự hào hứng, thích thú hay khả năng hoàn thành công việc, cha mẹ sẽ dễ dàng nhận ra đâu là sở thích và năng khiếu của con, để từ đó vun đắp và định hướng nghề nghiệp tương lai cho con.

Việc bạn hiểu và giúp con bạn định hướng nghề nghiệp đúng đắn, rõ ràng sẽ giúp con bạn tạo được cơ hội, để làm tốt mọi việc và thành công hơn trong tương lai. Thành công luôn cần gắn liền với đam mê và chăm chỉ. Hãy là những bậc cha mẹ hiểu con mình cần gì nhất, và hãy là những nhà “tư vấn nghề nghiệp thông thái” nhất cho con.

 

Categories
Dạy con Nuôi dạy con

Sai lầm cần tránh khi dạy trẻ bướng bỉnh

cách dạy trẻ bướng bỉnh
Trẻ không nghe lời luôn có nguyên do, mẹ từ từ tìm hiểu và kiên nhẫn dạy con nhé

Thông tin không rõ ràng

Đôi khi trẻ khư khư làm theo ý mình và phớt lờ lời nói của cha mẹ là có lý do. Có bao giờ mẹ tự nghiệm lại xem nhiệm vụ, mệnh lệnh hay yêu cầu của mình cho bé chưa thực sự dứt khoát, rõ ràng đâu ra đó. Chính vì không hiểu thông tin truyền tải từ ba mẹ, trẻ sẽ tạm thời làm lơ bởi không nghĩ rằng việc quan trọng đến mức phải làm đúng và làm ngay. Để tránh tình trạng này xảy ra, mẹ nên khắc phục cách nói chuyện, truyền tải câu chữ với bé. Đồng thời, đưa ra nội quy cứng rắn, nghiêm khắc hơn với con.

[inline_article id = 126398]

Hăm dọa không hiệu lực

Trong lúc bực dọc, tức giận, người lớn thường hù dọa con trẻ nhằm để trẻ sợ và nghe lời theo. Đó hoàn toàn không phải là phương pháp phù hợp, bởi bạn rất dễ quên mất lời hù dọa đó. Hệ quả là trẻ dần tìm được cách luồn lách những nguyên tắc ba mẹ đã đặt ra. Thay vào đó, mỗi khi trẻ không nghe lời, nên dạy và răn trẻ bằng những hình thức đơn giản, dễ phát huy hiệu lực. Chẳng hạn khi phát bé lười ăn, thay vì nói “Mẹ sẽ nghỉ chơi với con”, mẹ nên chọn cách “Tối nay con sẽ không được ăn món con yêu thích”.

Con ăn vạ là dỗ dành

Khi phạm lỗi hoặc không được làm việc gì đó theo ý mình, trẻ thường có xu hướng khóc lóc, ăn vạ. Trẻ biết rằng mình sẽ được ba mẹ vỗ về, an ủi. Chỉ một lần vuốt ve thôi, trẻ sẽ nhớ mãi và tiếp tục ăn vạ mãi về sau. Do đó, với cách dạy trẻ bướng bỉnh, đôi khi ba mẹ cũng cần cứng rắn, làm lơ khi trẻ cố tình ăn vạ gây sự chú ý.

Yên tâm rằng chỉ một lúc sau khi không thấy ai đả động gì, trẻ sẽ biết chiến thuật này của mình không có tác dụng và dừng chuyện quấy khóc ngay. Tuy nhiên, ba mẹ cũng nên lưu ý về hoàn cảnh của câu chuyện, tránh để bé vật vã, nằm dài giữa đường mà không quan tâm gì. Lúc này, nên lựa lời dẫn trẻ về nhà và “xử lý” đúng cách sau.

Nổi giận khi con đánh trả

Không ít trẻ có thói xấu giơ tay đánh người lớn mỗi khi không vừa ý hay tức giận. Nếu lúc này, ba mẹ cũng đánh lại, chẳng khác nào cư xử như bạn bè đồng lứa với con. Một là nhẹ nhàng giải thích cho bé hiểu đó là điều không nên, hai là nghiêm khắc cực kỳ để trẻ hiểu ra hành động sai trái của mình. Tuyệt đối đừng làm lơ trước những thói quen xấu dạng này, bởi theo thời gian rất dễ định hình nhân cách không tốt cho trẻ.

Cách dạy trẻ bướng bỉnh: Tránh lạm dụng roi vọt

Trẻ bướng bỉnh thường có xu hướng dùng bạo lực trong việc giao tiếp, ứng xử hàng ngày. Nếu ba mẹ cũng dùng cách tương tự để dạy dỗ con, chẳng khác nào tiếp thêm mồi phát triển cho thói quen xấu xí này. Vì vậy, nên tránh dùng đòn roi ít nhất có thể. Trẻ em như tờ giấy trắng, vì vậy không khó để dạy dỗ con nên người, càng không được nghĩ rằng tính tình ngang bướng sẽ không thay đổi được. Kiên nhẫn và cải thiện từ từ, rồi đâu sẽ vào đấy ba mẹ nhé!

Categories
Hạt giống tâm hồn Nuôi dạy con

Mỗi ngày một câu truyện: Cô Bé Quàng Khăn Đỏ

Ngày xửa ngày xưa, trong một ngôi làng nhỏ ven rừng có một cô bé xinh xắn, dễ thương. Cô bé luôn đem lại niềm vui cho mọi người, nên được cả làng yêu quý. Nhưng bà là người yêu cô bé nhất. Có thứ gì đẹp, có món ăn nào ngon, bà đều dành cho cháu gái. Bà còn cặm cụi may cho cô bé một chiếc khăng choàng, có cả mũ màu đỏ rất đẹp.
Cô bé thích chiếc khăn lắm, đi đâu cô cũng quàng. Mọi người ngắm nhìn cô bé với cái khăn phấp phới, tung tăng chạy nhảy đều mỉm cười:
– Ôi, cô bé quàng khăn đỏ đáng yêu quá!
Từ đó “Cô Bé Quàng Khăn Đỏ” đã trở thành tên gọi thân thương của cô.
Một hôm, mẹ bảo Cô Bé Quàng Khăn Đỏ:
– Con gái yêu ơi, bà đang bị mệt. Mẹ đã chuẩn bị quà, con mang đến biếu bà nhé. Được gặp con, bà sẽ mừng lắm đấy. Trên đường đi, con nhớ phải cẩn thận!
Cô bé ngoan ngoãn vâng lời mẹ, xách làn đi ngay.
Nhà bà ở trong rừng, từ làng đến nhà bà là một quãng đường khá xa. Cô Bé Quàng Khăn Đỏ vừa hát vừa nhảy tung tăng trên con đường vắng. Nhưng cô bé chưa đi được bao xa thì gặp lão sói già. Khăn Đỏ chưa bao giờ gặp sói, cũng không biết sói già là con vật độc ác và rất nguy hiểm, nên cô bé chẳng hề sợ hãi.
Lão sói già nhìn thấy Khăn Đỏ đã liếm môi ngẫm nghĩ: “Giá được chén con nhóc thơm ngon này thì tuyệt biết bao”.
Rồi lão giả giọng ngọt ngào đon đả:
– Chào cháu gái xinh đẹp! Sáng nay trời đẹp quá, cháu đi đâu đấy?
– Cháu đi thăm bà cháu ạ!
Cô bé lễ phép trả lời.
– Bà cháu ở đâu nhỉ? – Lão sói già xảo quyệt hỏi.
– Bà cháu ở trong căn nhà nhỏ ngay giữa rừng đấy ạ! – Cô bé đáp.
– Ô, thế thì bác cũng định đi thăm bà cháu đây. Ta cùng đi cho vui!
Lão sói nuốt nước bọt lẽo đẽo đi theo Khăn Đỏ, đến một chỗ vắng, lão vừa chồm lên định vồ cô bé, bỗng nghe tiếng thét:
– Cút ngay! Con sói gian ác kia!
Thì ra có một bác tiều phu phát hiện ra ý định xấu xa của sói, nên đã vung rìu đuổi theo. Sói sợ quá, cắm đầu bỏ chạy.
Cô Bé Quàng Khăn Đỏ chẳng hay biết gì, cứ nhởn nhơ đi trên con đường rừng đầy hoa thơm bướm lượn.
Sói già bỏ chạy được một đoạn, không thấy bác tiều phu đuổi theo nữa, nó liền vòng lại, lén lút bám theo cô bé.
Sói thấy cô bé cắm cúi hái hoa, xung quanh vắng lặng không một bóng người, nó mừng lắm, chắc mẩm phen này sẽ được nuốt gọn con mồi. Sói cẩn thận ngó trước trông sau rồi nhào đến chỗ Khăn Đỏ. Nhưng.. .pặp..chân sói đã bị kẹp trong một cái bẫy.
Sói già vùng vẫy mãi mới thoát được ra. Lão ngồi phệt xuống về đường, vò đầu bứt tai nghĩ cách ăn thịt cô bé.
Một lúc sau, mắt sói sáng lên, miệng gầm gừ:
– Ta đã có cách! Ta đi đường tắt sẽ tới nhà bà già trước con bé kia, ta sẽ chén thịt cả bà lẫn cháu!
Đường tắt rất ngắn, nên dù tập tễnh, chẳng mấy chốc lão sói đã tới được nhà bà cụ.
Lão ghé mắt nhìn qua khe cửa, thấy bà cụ nhỏ nhắn, đắp chăn ấm nằm trên giường. Sói ta gõ cửa: “Cộc, cộc, cộc!”
– Ai đấy? – Giọng bà cụ khe khẽ, thều thào hỏi vọng ra.
Lão sói bắt chước giọng Cô Bé Quàng Khăn Đỏ đáp:
– Cháu đây, cháu mang bánh và một liễn bơ ngon mẹ cháu làm đến biếu bà đây ạ.
– Bà đang mệt lắm, không dậy
được. Cửa không khoá đâu, cháu vào đi!
Sói chỉ đợi có thế, lão đẩy một cái, hai cánh cửa mở toang. Đang rất đói nên chỉ trong nháy mắt, sói già đã nuốt gọn bà cụ vào trong bụng.
Ăn thịt bà cụ xong, sói mặc quần áo của bà, đội mũ của bà rồi leo lên giường nằm, kéo chăn đắp kín.
Một lát sau, Cô Bé Quàng Khăn Đỏ đến nơi, cô nhẹ nhàng gõ cửa: “Cộc cộc cộc .
– Ai đó? – Lão sói cố hỏi bằng cái giọng lí nhí và run rẩy.
Cô bé thấy giọng bà khàn hơn mọi ngày, chắc là do bà bị viêm họng.
Cô bé gọi to:
– Bà ơi! Cháu đây, cháu đến thăm bà đây. Sao hôm nay tiếng bà lạ thế?
– À, bà đang bị ốm mà. Cửa mở đấy, vào đi cháu yêu! – Lão sói cố dịu giọng trả lời.
Cô bé đẩy cửa bước vào.
– Bà ơi, cháu thương bà lắm. Mẹ cháu làm bao nhiêu bánh ngon để biếu bà đây ạ.
Lão sói làm ra vẻ cảm động nói:

– Bà cảm ơn cháu. Cháu thật tốt bụng. Đen đây với bà nào, cháu yêu của bà.
– Bà đợi cháu một lát.
Khăn Đỏ nói rồi nhanh nhẹn cắm hoa, bày đồ ăn ra bàn. Xong xuôi đâu đấy, cô bé mới dịu dàng gọi:
– Cháu mời bà dậy ăn cho chóng khoẻ.
– Bà mệt lắm, cháu lại đây đỡ bà dậy nào! – Lão sói gian giảo vờ rên rỉ.
Cô bé khẽ khàng đến bên giường và ngạc nhiên hỏi:
– Bà ơi, sao tai bà to thế?
– Tai bà to để nghe cháu nói được rõ hơn – Sói hốt hoảng chống chế.
– Bà ơi, sao mắt bà to thế?
– Mắt bà to để nhìn cháu được rõ hơn.
Sói nói rồi định kéo chăn che mặt. Cô bé nhìn thấy tay lão lại hỏi:
– Bà ơi, sao tay bà to thế?
–  Tay bà to để bà ôm cháu chặt hơn. Lão sói già trả lời và để lộ hàm
răng vừa dài vừa nhọn khiến Khăn Đỏ giật mình:
– Bà ơi, sao răng bà to thế?
– Răng bà to để nhai thịt mày cho sướng.
Dứt lời, lão sói độc ác chồm ra khỏi giường, ngoác mồm ra nuốt chửng Cô Bé Quàng Khăn Đỏ. Lão sói no kễnh bụng, ngáp một cái rõ to rồi trèo lên giường và ngay lập tức ngáy như sấm.
Lúc ấy, có một bác thợ săn đi qua đấy, nghe thấy tiếng ngáy lạ lùng, liền dừng lại nghe ngóng: “Không biết có chuyện gì xảy ra trong nhà bà cụ vậy nhỉ?”. Bác thợ săn nghĩ và mở cửa bước vào nhà.
– Thì ra mày ở đây, con sói già độc ác!
Bác thợ săn thốt lên.
Bác tìm khắp nhà nhưng không thấy bà cụ đâu, trong khi đó lão sói với cái bụng to phình dị thường vẫn ngủ say như chết. Bác thợ săn chợt hiểu được điều gì vừa xảy ra. Bác vội lấy kéo rạch một đường suốt từ ngực đến tận đuồi lão sói. Sói ta vẫn ngủ say đến nỗi chẳng hay biết gì.
Ngay lập tức Cô Bé Quàng Khăn Đỏ cùng bà bước ra khỏi bụng sói và kêu lên:
– Cảm ơn bác thợ săn tốt bụng! Trong bụng sói vừa nóng vừa tối, suýt nữa thì hai bà cháu bị ngộp thở. Bác đến muộn chút nữa thì hai bà cháu chết mất!
Bác thợ săn mừng rỡ thấy hai bà cháu còn sống, bác bảo Khăn Đỏ:
– Cháu giúp bác trừng trị con sói độc ác này để nó không còn đe doạ ai được nữa.
Hai bác cháu khuân đá, nhét đầy bụng sói rồi khâu lại. Mãi đến chiều lão sói mới thức giấc. Lão cố đứng lên mà không đứng nổi. Lão thấy mệt mỏi, đau bụng và khát nước, mồ hôi vã ra như tắm.
Sói cố lết ra giếng, nhưng khi lão cúi xuống định múc nước thì bị đá dồn lên khiến sói lộn nhào xuống giếng. Lão cố vùng vẫy nhưng vô ích, đá nặng đã kéo sói chìm nghỉm.
Bà cụ, bác thợ săn và Cô Bé Quàng Khăn Đỏ từ chỗ nấp ùa ra sân thở phào nhẹ nhõm. Từ nay họ không còn sợ con sói già độc ác nữa. Bà như khoẻ hẳn ra, cùng cháu gái sửa soạn một bữa tiệc nhỏ ăn mừng chiến thắng.
Bà còn hái dâu tây bỏ đầy vào túi, vào làn của bác thợ săn và Khăn Đỏ. Khi cô bé ra về, bà dặn đi dặn lại:
– Cháu nhớ đi đường cẩn thận, đừng thơ thẩn, lang thang hái hoa bắt bướm nữa nhé. về mau kẻo mẹ cháu mong.
Cô Bé Quàng Khăn Đỏ ôm hôn tạm biệt bà và nhớ lời bà dặn, cô bé đi thẳng về nhà.

(ST)

Categories
Hạt giống tâm hồn Nuôi dạy con

Mỗi ngày một câu truyện: Mèo con bị ốm

Trò chuyện cùng bé
Các bạn nhỏ có sợ uống thuốc và bị tiêm giống như Mèo con không? Chỉ có những người nhát gan mới sợ uống thuốc và sợ tiêm như vậy. Neu bị bệnh mà không chịu uống thuốc, cũng không chịu tiêm thì cũng sẽ giống như Mèo con trong câu chuyện, không thể khỏi bệnh được. Không chỉ chúng ta mới cần uống thuốc khi bị ốm, mà cha mẹ chúng ta cũng vậy. Khi cha mẹ bị ốm, các bé hãy mang thuốc cho cha mẹ uống nhé. Như vậy mới là một người con ngoan!

Mèo con bị ốm rồi, bác sĩ Khỉ đã khám và cho nó uống thuốc. “Thuốc đắng lắm, cháu không uống đâu! Không uống đâu!” Mèo con lấy chăn che kín mặt và nói.
“Thuốc đắng quá thì bác tiêm cho cháu nhé.” Bác sĩ Khỉ nói rồi lấy ra một chiếc kim tiêm.
“Tiêm đau lắm, cháu sợ lắm!” Mèo con lại trốn xuống dưới gầm giường, ai gọi cũng không chịu chui ra.
Bác sĩ Khỉ lắc đầu nói: “Không uống thuốc cũng không chịu tiêm, bệnh của cháu sẽ ngày một nặng đấy.”
Mèo con gào khóc nói: “Cháu không chịu uống thuốc đâu, không tiêm thuốc đâu…”
Không còn cách nào, bác sĩ Khỉ đành phải đi khám bệnh cho các bạn nhỏ khác. Bệnh của Mèo con càng ngày càng nặng hom, nó nằm bẹp trên giường, gần như không cử động được.
Có hai con Chuột nhìn thấy vậy liền nói với nhau: “Con Mèo này bị ốm rồi, không chịu uống thuốc, cũng không chịu tiêm, chắc chắn nó sẽ chết thôi. Chúng ta mau báo cho Vua chuột biết và đi tóm con Mèo này về đền tội, để báo thù cho những người anh em của chúng ta đã bị nó ăn thịt.”
Mèo con nghe thấy vậy thì trong lòng vừa lo sợ, vừa hối hận. Từ trước đến nay chỉ có chuyện Mèo bắt Chuột chứ làm gì có chuyện Chuột bắt Mèo, nếu lần này bị Chuột bắt được thì chắc chắn Mèo con sẽ trở thành trò cười cho những động vật khác.
May thay, đúng lúc đó, bác sĩ Khỉ lại tới. Mèo con nói với bác sĩ: “Bác sĩ Khỉ, cháu xin lỗi, cháu không nên cãi lời bác.”
Mèo con ngoan ngoãn uống thuốc, bác sĩ còn tiêm cho nó một mũi. Sau đó Mèo con ngủ một giấc thật ngon lành. Đen khi tỉnh dậy thì bệnh cũng đã khỏi rồi!
Vua chuột dẫn một đám Chuột nhắt dương dương tự đắc đến bên giường của
Mèo con, giơ vuốt định bắt lấy Mèo con. Nào ngờ, Mèo con kêu “Meo” một tiếng và vùng dậy, trong nháy mắt, nó đã bắt được Vua chuột.
Đám Chuột nhắt nhìn thấy thế, hồn vía lên mây, vội vã chạy về hang và không dám quay trở lại nữa!

Sưu tầm