Categories
Dạy con Nuôi dạy con

Phương pháp vận động giúp trẻ phát triển toàn diện

Có thể chia làm 2 loại vận động: Vận động tinh để phát triển trí não và vận động thô để phát triển thể chất.

Phát triển nhóm vận động tinh

Đối với trẻ nhỏ, nên cho tương tác trực tiếp với người thật (có thể nhìn mặt, nghe giọng nói và quan sát các cử chỉ), cũng như với đồ vật có thể sờ, lúc lắc, cho vào miệng gặm … hơn việc chơi trò chơi điện tử trên máy vi tính hoặc xem tivi, vì sẽ giúp trẻ tăng kỹ năng nhận thức nhiều hơn. Não bộ và đôi tay có liên quan mật thiết với nhau, do đó, các bài tập vận động để phát triển trí não đầu tiên chính là rèn luyện đôi tay cho trẻ.

Ngay khi trẻ còn chưa biết lật, các bà mẹ hãy đặt xung quanh nơi ngủ của bé những đồ chơi xinh xắn. Những vật này kích thích sự chú ý của trẻ và khiến trẻ có động lực tìm cách chạm vào chúng. Điều này rất hữu ích, dần dần trẻ có thể cầm được những vật đó và lắc chúng.

Bài tập vận động cho trẻ
Một vài trò chơi tuy rất đơn giản, nhưng nếu được duy trì đều đặn hằng ngày sẽ giúp bé phát triển kỹ năng vận động của mình một cách nhanh chóng

Khi trẻ chưa biết bò, mẹ có thể bố trí nhiều đồ chơi quanh trẻ để tự con có thể với lấy. Tập cho bé cầm đồ vật, cầm thức ăn, bất cứ thứ gì trẻ thích với nhiều hình dáng, chất liệu, kết cấu,… khác nhau.

Khi bé lớn hơn, các trò chơi ngoài công viên với quả bóng, đồ chơi xúc cát, thậm chí là màu nước, bột khô, đất sét,… đều rất tốt. Việc chơi với những vật này sẽ giúp trẻ học được cách sử dụng đôi tay khéo léo và linh hoạt.

Ngoài ra cha mẹ có thể khuyến khích trẻ chơi các trò chơi xếp hình, sử dụng đồ chơi bằng gỗ, nhựa, cao su an toàn, hướng dẫn trẻ đặt các khối vào đúng vị trí hoặc xây lâu đài, xếp toa tàu, các trò chơi tháo ráp…. Trẻ nhỏ thường rất hứng thú những trò này,  bên cạnh đó, còn có tác dụng rèn luyện tính tập trung cao.

Phát triển nhóm vận động thô

Các bà mẹ hãy kiên trì giữ lịch tắm nắng cho trẻ vì vitamin D tự nhiên từ mặt trời sẽ có tác dụng trực tiếp vào cơ, xương. Hãy tắm nắng cho trẻ mỗi ngày ít nhất cho đến khi trẻ được 1 tuổi.

Khi trẻ còn nằm nôi, mẹ thường xuyên xoa nắn tay chân như một liệu trình massage giúp tuần hoàn máu.

Trẻ từ khi biết bò sẽ luôn luôn vận động và di chuyển. Bố mẹ không nên ép buộc trẻ ngồi yên vì thực ra phương pháp này hoàn toàn không có lợi.  Bởi càng vận động, di chuyển nhiều bé càng khỏe mạnh, cứng cáp sớm. Việc mẹ cần làm là trông nom sao cho bé có thể chơi đùa một cách an toàn.

[inline_article id=106887]

Một số bài tập vận động có thể áp dụng

– Luyện cổ: Luyện cứng cổ sớm là cần thiết vì nó giữ an toàn cho trẻ và giúp bé lật, bò sớm để tăng khả năng vận động. Cho bé nằm sấp, đầu nghiêng về bên trái, vỗ nhé vào phần lưng của bé, như vậy sẽ giúp bé mau ngẩng cổ. Chỉ tập 2-3 lần 1 ngày, có thể kết hợp trong lúc thay bỉm.

Dùng đồ vật đưa qua đưa lại cho bé nhìn theo. Khi cổ bé đã cứng thì có thể luyện cho bé ngồi và đứng bằng cách cho ngồi, đứng trên đùi mẹ.

– Luyện ngón tay: Để bé nắm 1 ngón tay của mẹ rồi từ từ rút ngón tay ra, bé sẽ có phản xạ cố nắm lại. Đây là bài tập linh hoạt ngón tay và để bé biết dùng lực.

– Bài tập vỗ tay, đánh trống, xe giấy, gián giấy…. để bé cảm nhận được khái niệm lực và phản lực, tập sử dụng 2 tay cầm đồ và điều khiển để biết cách điều tiết lực 2 tay. Ngoài ra, tập cho trẻ sử dụng các đầu ngón tay.

– Cho bé đi tìm đồ chơi: Dùng khăn hoặc vật gì đó tạm che món đồ chơi bé thích lại rồi nói bé đi tìm, đây là cách luyện tập trí nhớ ngắn hạn của bé.

– Xem sách ảnh: Mẹ cùng bé luyện mắt, trí nhớ, vận động tay chính xác qua việc lật mở trang sách, chỉ hình. Bé có thể chưa nói được nhưng sẽ hiểu được những gì mẹ yêu cầu sau vài lần nghe lặp đi lặp lại đấy!

– Nhặt – ném bóng (đồ vật): Thả bóng, đồ vật xung quanh và yêu cầu bé nhặt đúng món đồ theo đúng màu sắc, hình dáng, vừa tập ghi nhớ màu sắc, to nhỏ, linh hoạt các bộ phận cơ thể như mắt, tay, chân, luyện khả năng tập trung khi nhìn và tìm kiếm.

 – Đóng, mở nút áo: Tập cho bé tự cài nút áo, tự kéo khóa… để tăng sự khéo léo của đôi tay.

– Chạy, nhảy, trượt : Tập đi thẳng bằng cách cho trẻ đi trên mặt phẳng có đường kẻ để men theo; dần dần tập đi với cầu thang có cha mẹ dắt tay; tập cho trẻ nhảy lên – xuống bậc thang thấp; chơi cầu trượt để biết tốc độ và giúp bé biết cách phản ứng với ngoại lực bên ngoài…

– Tập thể dục buổi sáng: Mẹ tập mẫu cho bé tập theo những động tác căn bản như hít thở, vươn vai, xoay trái, xoay phải…

[inline_article id=54118]

>> Chủ đề có liên quan từ cộng đồng:

 

Categories
Dạy con Nuôi dạy con

Trí thông minh của trẻ di truyền từ ai? Con thông minh nhờ bố hay mẹ?

Các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, trí thông minh là đặc điểm chịu ảnh hưởng bởi yếu tố di truyền nhưng trí thông minh của trẻ di truyền từ ai luôn là điều mà các bậc cha mẹ tò mò. Nếu bạn cũng quan tâm đến vấn đề này thì có thể tìm câu trả lời qua bài viết sau đây nhé!

Sự thật trí thông minh của trẻ di truyền từ ai? Con thông minh nhờ bố hay mẹ?

Thực chất, trí thông minh là một đặc điểm phức tạp của con người và chịu ảnh hưởng của cả yếu tố di truyền lẫn môi trường, chẳng hạn như môi trường sống của gia đình, cách nuôi dạy con, khả năng chăm sóc sức khỏe và dinh dưỡng [1].

Trong những năm gần đây, một số bài báo trên mạng cho rằng trí thông minh của trẻ chủ yếu là di truyền từ mẹ. Tuy nhiên, điều này không hoàn toàn đúng và gây ra sự hiểu lầm. Các chuyên gia cho biết mặc dù nhiễm sắc thể X đã được chứng minh là có liên quan đến sự phát triển của não bộ nhưng điều này không đồng nghĩa rằng trí thông minh luôn được di truyền từ mẹ. Nguyên nhân là vì không có nghiên cứu nào gần đây tìm thấy các gen quan trọng liên quan đến trí thông minh có trên nhiễm sắc thể X một cách rõ ràng [2].

Sự thật là những ảnh hưởng của di truyền đối với trí thông minh rất phức tạp và vẫn chưa được nghiên cứu đầy đủ [2]. Đối với vấn đề trí thông minh của trẻ di truyền từ ai thì đáp án đó là sự thông minh của một đứa trẻ sẽ chịu ảnh hưởng bởi cả cha và mẹ, cùng với sự đóng góp tương đối khác nhau giữa các thế hệ chứ không chỉ hoàn toàn là di truyền từ mẹ [3]. Bên cạnh đó, ngoài yếu tố di truyền thì trí thông minh của trẻ sẽ còn chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố khác nữa.

Các yếu tố ảnh hưởng đến sự phát triển não bộ của trẻ bên cạnh di truyền – Làm sao giúp con thông minh từ những năm đầu đời?

Bên cạnh sự ảnh hưởng của gen di truyền, những yếu tố khác ảnh hưởng đến trí thông minh của trẻ bao gồm:

Yếu tố môi trường, cách nuôi dưỡng con cái

Môi trường sống và hoạt động thể chất
Trí thông minh của trẻ di truyền từ ai?

Khi nói đến não bộ, sự kết nối giữa các tế bào thần kinh là rất quan trọng để giúp não hoạt động, đặc biệt là chức năng học tập và ghi nhớ [4]. Từ khi sinh ra, não của trẻ chứa hàng tỷ tế bào thần kinh nhưng các kết nối não bộ của trẻ mới sinh vẫn còn ít [5]. Mặc dù vậy trong những năm đầu đời, các kết nối não bộ sẽ tăng lên nhanh chóng với trung bình mỗi giây não của trẻ có thể tạo ra khoảng 1 triệu kết nối thần kinh [6].

Nhiều cha mẹ thắc mắc rằng vậy điều gì giúp trẻ tạo ra các kết nối não bộ? Trước tiên, các kết nối thần kinh diễn ra trong não bộ của trẻ được hình thành thông qua các trải nghiệm và mối quan hệ hàng ngày của trẻ với người khác, đặc biệt là ba mẹ [5]. Những trải nghiệm tích cực trong năm đầu đời là rất quan trọng để giúp trẻ phát triển trí não tối ưu, tạo tiền đề cho việc học tập và thành công trong tương lai [5], [6]. Sự tương tác hàng ngày cũng giúp củng cố các kết nối não bộ mà trẻ cần để học các kỹ năng mới. Chính vì điều này bạn nên [5]:

  • Dành nhiều thời gian chăm sóc, âu yếm trẻ giúp con học cách tin tưởng
  • Quan sát, lắng nghe, phản hồi trẻ để giúp con biết rằng con rất quan trọng
  • Đọc sách, kể chuyện hoặc hát cho trẻ nghe giúp con phát triển khả năng ngôn ngữ
  • Chơi cùng con, giúp con học các kỹ năng xã hội để tương tác với người khác.

Yếu tố dinh dưỡng

Não bộ của trẻ tăng nhanh về kích thước lẫn các kết nối thần kinh trong những năm đầu đời [6]. Vì vậy, ngoài gen di truyền và cách nuôi dạy giúp trẻ thông minh thì trong giai đoạn vàng của sự phát triển, dinh dưỡng cũng đóng vai trò rất quan trọng [7].

Để bé phát triển trí não tối ưu, mẹ nên cho bé bú mẹ ít nhất 6 tháng đầu đời và cho đến khi bé 2 tuổi. Nguyên nhân là bởi sữa mẹ có chứa các thành phần dinh dưỡng cần thiết cho não bộ đang phát triển của bé như chất đạm, axit béo (DHA, ARA), các vitamin, khoáng chất quan trọng… [8], [9]. Đồng thời, sữa mẹ còn chứa sphingomyelin – một loại sphingolipid đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của bao myelin [10].

Mẹ được khuyến cáo cần chú trọng vào dinh dưỡng giúp sản sinh myelin vì não bộ được cấu tạo nên bởi các tế bào thần kinh, mỗi tế bào thần kinh có các sợi thần kinh để dẫn truyền hiệu lệnh thần kinh. Các tế bào thần kinh kết nối với nhau để nhận thông tin từ ngoài vào, truyền thông tin từ não đến các cơ quan. Trong đó, nhờ myelin bao bọc sợi trục thần kinh mà quá trình truyền tín hiệu thần kinh sẽ trở nên nhanh chóng và chính xác hơn, tăng tốc độ xử lý não bộ để giúp bé thông minh, nhanh nhạy từ những năm đầu đời [4], [11].

Việc cha mẹ chủ động tìm hiểu về sự phát triển của trí não của trẻ từ những năm đầu đời cũng như cách não bộ hoạt động sẽ là “kim chỉ nam” giúp bạn nuôi dạy con khoa học, đầu tư dinh dưỡng hợp lý. Thay vì chỉ quan tâm trí thông minh của trẻ di truyền từ ai thì bạn hãy ưu tiên những giải pháp có thể tác động được để giúp con phát triển tối ưu về trí não, tạo nền tảng cho việc học tập và thành công trong tương lai nhé!

Categories
Dạy con Nuôi dạy con

“Nhập môn” giáo dục sớm dành cho mẹ

Giáo dục sớm là gì?

Giáo dục sớm (Early Childhood Education – viết tắt là ECE) được triển khai dưới rất nhiều hình thức khác nhau: nhà trẻ, mầm non, nhóm trẻ, trường tiểu học… Những phương pháp giáo dục cho lứa tuổi này còn có thể được triển khai tại nhà. Trong giai đoạn khởi đầu (0 – 2 tuổi), giai đoạn quan trọng nhất trong quá trình hình thành và phát triển của bộ não, bố mẹ chính là những người thầy đầu tiên khai phá thế giới trí tuệ của bé.

Theo các chuyên gia nghiên cứu trong lĩnh vực này, việc thực hành phương pháp ECE sẽ giúp trẻ thông minh, khiến trẻ ham thích khám phá, có khả năng cảm thụ và tiếp nhận cuộc sống từ khi còn nhỏ, làm nền tảng vững chắc cho việc học tập về sau. Khi có được những kỹ năng này, trẻ luôn vui tươi, ham học hỏi và phát triển nổi trội cả về thể chất lẫn tinh thần so với bạn cùng lứa.

 

ầm quan trọng của giáo dục sớm- 3

Vì sao các phương pháp giáo dục sớm được xem trọng?

Thực chất, tất cả mọi trải nghiệm của bé trong những năm đầu đời đều mang tính giáo dục. Nó giúp bé hình thành thế giới quan, lối tư duy, suy nghĩ, cảm nhận trong tâm hồn và định hình tính cách của trẻ. Vì vậy, việc quan tâm và chăm sóc trẻ bằng cách tạo ra những trải nghiệm tích cực trong giai đoạn này là vô cùng quan trọng.

Thực ra, việc giáo dục con trong giai đoạn đầu đời là hành vi tự nhiên và tất yếu của mọi cha mẹ, mọi gia đình tác động vào đứa trẻ dù vô tình hay hữu ý. Vấn đề ở chỗ đó là quá trình tác động tích cực hay tiêu cực. Theo các nghiên cứu về giáo dục sớm, sự quan tâm và chăm sóc về trải nghiệm của bé được tiến hành bền bỉ sẽ có tác động tích cực đến bé và gia đình. Ngược lại, những bé không may mắn lớn lên trong môi trường giáo dục nghèo nàn, dù là trong gia đình hay ngoài xã hội sẽ có xu hướng không sẵn sàng cho các yêu cầu học tập sau đó và sự phát triển cảm xúc xã hội cũng bị trật nhịp.

 

Tầm quan trọng của giáo dục sớm -2

Trọng điểm “huấn luyện” của phụ huynh

Cha mẹ cần chia ra những nhóm kỹ năng để giáo dục sớm cho trẻ

Nhóm kỹ năng phát triển trí não

Khác với nhiều nhầm tưởng của cha mẹ, cho rằng các thiết bị điện tử thông minh là “ông thầy” siêu phàm của trẻ nhỏ. Thực chất nó còn tác hại lên não bộ trẻ, đặc biệt là trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.

Các cha mẹ cần biết đôi bàn tay nối với não rất mật thiết. Tay trái liên quan đến não phải và ngược lại. Vì vậy, ở giai đoạn từ 0 đến 2 tuổi, những bài tập vận động đầu để phát triển não chính là vận động đôi bàn tay. Các món đồ chơi nhỏ để trẻ cầm nắm, chuyền, ném…là cần thiết.

tầm quan trọng của giáo dục sớm -

Nhóm phát triển cơ quan vận động

Ngay từ khi mới sinh ra trẻ đã có xu hướng thích vận động. Có thể thấy rõ qua nỗ lực cầm nắm đồ chơi, trẻ cố gắng từ lật đến ngồi, từ bò đến đứng và đi, khi đi được rồi là bắt đầu…chạy. Đó là bản năng, chỉ cần cha mẹ đảm bảo an toàn còn ngoài ra không nên hạn chế trẻ chạy giỡn.

Đây cũng là giai đoạn tập trung phát triển các giác quan khác như khứu giác, thị giác, xúc giác….của trẻ.

Nhóm kỹ năng sống

GD sớm -h5

Ở cấp độ vỡ lòng đối với trẻ từ 0-6 tuổi, kỹ năng sống là tự chăm sóc mình. Ví dụ như 6 tháng học cầm bánh ăn, 12 tháng học cầm muỗng xúc gọn gàng, 18 tháng học xếp gọn đồ chơi, tự lấy đồ chơi, tự đi giày dép, 2 tuổi biết tự rửa mặt, thay đồ và đi vệ sinh…Phụ huynh có thể dạy cho con thông qua các câu chuyện kể và khuyến khích trẻ làm theo.

Nhóm đạo đức, tình cảm

Các kỹ năng trong nhóm này vô cùng quan trọng. Dạy trẻ chào, thể hiện tình cảm yêu thương, thích hay không thích, ưng ý hay không, biết cảm ơn, xin lỗi… là điều phải làm. Đặc biệt cha mẹ phải làm gương cho trẻ.

Dù tư duy của trẻ còn non nớt nhưng khả năng cảm nhận, ghi nhớ trong giai đoạn này có thể còn giỏi hơn người lớn nên cha mẹ không thể xem thường những tác động từ hành vi của mình lên trẻ. Nhiều nghiên cứu cho thấy tính cách nóng nảy, hung hãn hình thành khá sớm ở một đứa trẻ nêu nó thường xuyên chứng kiến thái độ đó ở người xung quanh. Cũng tương tự với tính cách ôn hòa, cẩn trọng.

Không khó để tìm kiếm những tài liệu giúp thực hành giáo dục sớm, đặc biệt là khi bố mẹ chọn lựa phương pháp theo từng bậc thầy trong lĩnh vực này. Một số từ khóa quan trọng có thể kể đến là Glenn Doman, Marie Montessori, Jean Piaget, Rudolf Steiner (phương pháp tiếp cận Waldorf), Reggio Emilia, Magaret McMilan, David P.Weikart (phương pháp tiếp cận HighScope)… Mỗi hướng tiếp cận đều có ưu và khuyết điểm khác nhau, do đó, bố mẹ cần cân nhắc khi chọn lựa hướng tiếp cận thích hợp nhất với con của mình.

>> Chủ đề liên quan từ cộng đồng:

 

 

Categories
Dạy con Nuôi dạy con

10 cách nằm lòng kích thích thính giác của bé

Kích thích thính giác của bé là việc làm quan trọng và không quá khó. Việc tìm hiểu từng giai đoạn phát triển thính giác của trẻ và làm sao kích thích kỹ năng quan trọng này phát triển tối ưu, đúng thời điểm là điều mà bất cứ bậc cha mẹ nào cũng lưu tâm.

thính giác của bé

1. Trò chuyện với bụng bầu

Tai của bé bắt đầu hình thành khi 8 tuần tuổi và hoàn chỉnh vào khoảng 24 tuần tuổi. Đến tuần thứ 25, bé bắt đầu lắng nghe được giọng nói của mẹ và cả của bố. Khi được 27 tuần tuổi, bé còn có thể nhận ra giọng nói của bố mẹ. Nhịp tim của bé thường chậm lại khi mẹ đang trò chuyện. Điều này chứng tỏ bé không chỉ nghe và nhận ra giọng nói của mẹ mà còn được xoa dịu bởi âm thanh thân thương này.

Những lời thì thầm, tâm sự, trò chuyện hàng ngày tràn đầy yêu thương của cha mẹ cũng khiến sự kết nối giữa bé và bố mẹ càng thêm bền chặt hơn. Chính vì vậy, bố mẹ nên trò chuyện với con ngay từ khi bé còn cuộn tròn trong bụng mẹ nhé!

2. Trẻ sơ sinh thư giãn với những âm thanh, giọng nói quen thuộc

Ngay từ khi trong bụng mẹ, thai nhi đã có thể phân tích và giải mã (hiểu) được một số dạng thông tin nào đó trong số âm thanh được truyền vào từ môi trường bên ngoài. Thai nhi đã có thể nhận biết và thích thú giọng nói của mẹ, nghe được âm thanh của bộ phim mẹ đã xem, một bản nhạc mà mẹ đang thưởng thức. Bé có thể kết nối với người thân bằng những âm thanh giọng nói quen thuộc mà bé nghe được ngay từ khi trong bụng mẹ. Thế nên, việc kích hoạt thính giác bé phát triển toàn diện, ngoài cách đơn giản là trò chuyện, bạn còn có thể dùng âm nhạc.

Thai giáo bằng âm nhạc là sử dụng âm-phách để kích thích cơ quan thính giác của thai nhi, giúp huấn luyện thính giác, sự hứng thú, trí nhớ cho trẻ ngay từ trong bụng mẹ. Nguyên tắc thai giáo bằng âm nhạc mẹ bầu cần lưu ý là: Nghe đúng lúc, đủ lượng, đủ thấm và thích hợp để đem lại lợi ích hữu hiệu nhất cho sự phát triển trí não ở trẻ.

3. Kích thích thính giác của bé bằng cách nói chuyện với trẻ

Ở giai đoạn mới chào đời, không gì tốt với thính giác của bé hơn giọng nói của chính bố mẹ. Nói chuyện với con thật nhiều để bé phát triển khả năng lắng nghe cũng như kỹ năng nói, mẹ nhé.

Khi cho bé bú, thay tã lót, tắm cho bé hay lúc làm bất kể việc gì cùng bé, bố mẹ hãy nhẹ nhàng nói chuyện. Bé sẽ rất thích thú nếu bạn trò chuyện bằng giọng líu lo, diễn cảm và vui vẻ với biểu hiện hài hước trên khuôn mặt. Mẹ nhớ khi trò chuyện hãy nhìn vào mắt con và dừng nói khi thấy bé có dấu hiệu đáp lời nhé! Chắc chắn mẹ sẽ ngạc nhiên với kỹ năng bắt chước tuyệt vời của bé yêu khi được trò chuyện với mẹ đấy!

4. Bé có thể thư giãn với tiếng ồn “trắng”

Trẻ sơ sinh vẫn có thể ngủ rất ngon trong một môi trường âm thanh ồn ào bởi đơn giản bé đã quen từ khi còn trong bụng mẹ. Vì tử cung chưa bao giờ là một thế giới tĩnh lặng, mà ở đó có nhịp đập đều đặn của trái tim, tiếng mạch máu, tiếng dạ dày sôi ùng ục, giọng nói của mẹ và rất nhiều tiếng động từ bên ngoài.

Theo bác sĩ nhi khoa Harvey Karp, tác giả của quyển sách ThehHappiest baby on the Block, trong thời gian mang thai, luồng máu chạy trong cơ thể mẹ còn to hơn tiếng ồn của máy hút bụi. Điều đó giải thích vì sao trẻ sơ sinh vẫn có thể “lờ đi” những âm thanh xung quanh như tiếng máy hút bụi, sấy tóc hoặc nhịp điệu đều đặn của máy giặt để có thể ngủ ngon và thoải mái.

Nếu bé không tỏ ra khó chịu khi tiếp xúc với những âm thanh của cuộc sống hằng ngày thì mẹ hãy cứ để bé làm quen nhé! Miễn sao các thanh âm đó đừng quá lớn và đột ngột khiến bé giật mình.

5. Sức mạnh của những lời ê a

Từ 2 tháng tuổi, bé có thể lặp đi lặp lại những tiếng “a”, “ư” và trẻ có thể bập bẹ, ê a nhiều hơn khi 4 tháng tuổi. Chính những thanh âm đầu tiên ấy lại là bước khởi đầu rất quan trọng cho việc phát triển ngôn ngữ của trẻ về sau. Bạn nên khuyến khích sự tiến bộ của bé qua chơi tương tác và đàm thoại. Bắt chước âm thanh của bé và nói theo cách của bạn hàng ngày, giới thiệu và giải thích môi trường xung quanh cho bé.

Giọng nói của cha mẹ là một trong những âm thanh quan trọng nhất đối với con nên chắc chắn trẻ sẽ rất hứng thú khi được trò chuyện cùng bạn và nhờ đó kích thích thính giác của bé cũng như phát triển ngôn ngữ. Việc bạn thường xuyên nói chuyện với con còn giúp bé hình thành những yếu tố cơ bản cho nhân cách và kĩ năng giao tiếp xã hội sau này.

6. Kích thích thính giác của bé bằng cách đọc sách cho bé nghe

Không bao giờ là quá sớm để đọc sách cho bé nghe mà hãy bắt đầu ngay từ khi bé là một trẻ sơ sinh. Mặc dù bé sẽ không thể nào hiểu câu chuyện hay những lời mà mẹ nói, nhưng việc lắng nghe giọng nói của bạn sẽ giúp trẻ phát triển khả năng lắng nghe nhịp điệu của ngôn ngữ đấy! Trong thực tế, việc bạn thay đổi cao độ giọng nói bằng cách sử dụng âm giọng, ngân nga và phát ra âm thanh sẽ khiến bé rất thích thú. Hơn thế nữa, bạn càng nói chuyện và đọc sách cho bé thì bé sẽ càng học và làm quen thêm nhiều âm thanh và chữ bởi đây chính là giai đoạn bé chuẩn bị tập nói.

Kích thích thính giác cho bé
Đọc sách không những kích thích thính giác của bé mà còn giúp xây dựng vốn từ vựng và nâng cao khả năng giao tiếp cho trẻ sau này

7. Hướng về phía âm thanh phát ra

Vào 4-5 tháng, bé bắt đầu nghe và biết được âm thanh đến từ đâu bằng cách hướng tầm nhìn về phía phát ra âm thanh. Mẹ có thể thấy trẻ lắng nghe chăm chú hơn và sau đó cố gắng sao chép lại âm thanh đó. Điều này chứng tỏ não của bé đang phát triển dần dần theo những cách mới, dẫn đến kết quả hoạt động thể chất và tương tác xã hội cao. Mẹ tiếp tục giúp bé đạt cột mốc bằng cách cung cấp dinh dưỡng cân bằng và kích thích phát triển nhận thức của bé thông qua các hoạt động tương tác.

8. Điều chỉnh được ngữ điệu lên xuống

Từ khoảng 5-6 tháng, bé đã biết nói theo khi nghe tiếng nói, đồng thời có thể điều chỉnh được ngữ điệu lên xuống. Bé có thể tạo ra nhiều tiếng ồn vui nhộn và bắt đầu có thể sử dụng lưỡi, răng, vòm miệng để tạo ra âm thanh. Ngoài việc nói được các nguyên âm, bé bắt đầu nói được các phụ âm “b” hoặc “m”.

Bạn tiếp tục nói chuyện với con để bé có thể bắt chước theo âm thanh. Khuyến khích tất cả các sự tương tác của bé. Sắp xếp ngày dã ngoại hoặc tham gia một nhóm xã hội để con tiếp xúc với những đứa trẻ khác. Hãy để các bé nhìn nhau, cười, “nói chuyện” và vươn tay ra để chạm vào nhau.

[inline_article id=194441]

9. Giúp bé tạo và phân biệt âm thanh

Giai đoạn này, hãy kích thích thính giác của bé phát triển bằng cách hướng dẫn bé phân biệt nhiều loại âm thanh, điều này cũng giúp làm tăng tính phản xạ cho bé. Đặc biệt, bạn nên chú ý xem trẻ phản ứng thế nào trước những âm thanh lạ tai khác nhau. Bên cạnh đó, mẹ cũng khuyến khích con tự tạo ra âm thanh để bé có thể nhận thức được 1 phần nguyên nhân – kết quả khi tạo ra tiếng ồn đó. Chẳng hạn như cho bé tự rung lục lạc, tạo tiếng ồn từ xoong, nồi hoặc đánh trống…

10. Kích thích thính giác của bé bằng những âm thanh yêu thích

Khi lớn hơn một chút, trẻ sẽ bắt đầu biểu hiện thích hoặc không thích những hương vị hoặc âm thanh nhất định. Ví dụ, bé có thể yêu tiếng chuông gió nhưng ghét âm thanh ồn ào, chát chúa giống như gạch đập với nhau. Mẹ hãy chú ý đến những gì mà bé thích và cho bé lắng nghe thường xuyên. Chắc chắn ngoài việc tạo cho bé niềm vui, sự thư giãn, đó còn là cách kích thích thính giác trẻ phát triển tối ưu đấy!

Categories
Dạy con Nuôi dạy con

10 “chiêu” khơi dậy xúc giác tinh nhạy cho bé

Vậy làm sao để khơi dậy xúc giác tinh nhạy của bé, mẹ hãy áp dụng những “chiêu” sau:

1/ Tiếp xúc da kề da

Xúc giác không chỉ ảnh hưởng đến sự phát triển trong những năm đầu đời của bé, mà còn có tác động trong lâu dài nhờ vào sự âu yếm và vuốt ve của ba/mẹ dành cho bé khi vừa chào đời. Với nguyên lí tiếp xúc da-kề-da, ba/mẹ hãy ôm bé thật nhẹ nhàng, áp thẳng người bé an toàn vào ngực trần của mình như con kangaroo đang mang theo đứa con trong chiếc túi ấm áp. Chăm sóc trẻ bằng phương pháp Kangaroo (thường được khuyến khích cho các trường hợp bé sinh non) là cách làm tuyệt vời nhất để tạo ra mối tương tác mạnh mẽ giữa trẻ sơ sinh với những ai mới “lên chức” ba, mẹ. Đồng thời là bài học đầu tiên để kích thích xúc giác của bé đấy!

Xúc giác của bé sẽ có tác động trong lâu dài nhờ vào sự ôm ấp, âu yếm và vuốt ve mẹ dành cho bé khi vừa chào đời
Xúc giác của bé sẽ có tác động trong lâu dài nhờ vào sự ôm ấp, âu yếm và vuốt ve mẹ dành cho bé khi vừa chào đời

2/ Ôm ấp và tạo sự gần gũi, yêu thương

Những cái ôm ấp áp, tạo sự gần gũi, yêu thương rất quan trọng và cho sự phát triển của trẻ. Tất cả những hành động của ba, mẹ như đu đưa, âu yếm, vuốt ve, ôm ấp và giữ chặt bé trong ngực mình sẽ khiến bé cảm thấy thư giãn, thoải mái và yên ổn, thậm chí còn có thể giúp tăng khả năng tỉnh táo, tập trung, kích thích phát triển toàn diện.

Những hoạt động đời thường nhất – như cho bé ăn, tắm cho bé, thay quần áo, thay tã, ôm bé, bế bé trên tay – cũng giúp phát triển xúc giác và cử động cơ thể cho trẻ.

Thông qua xúc giác, bé sơ sinh có thể hiểu hơn về thế giới của mình, gắn kết với bạn và có thể thể hiện nhu cầu và mong muốn của mình với ba/mẹ. Hơn hết, 80% giao tiếp của bé với bạn đều được thể hiện thông qua chuyển động cơ thể. Nếu ba/mẹ chạm và âu yếm bé một cách hợp lý, bạn đã cho bé có thêm cơ hội để phát triển các kỹ năng xã hội, cảm xúc và cả trí tuệ.

3/ Khuyến khích trẻ tập nắm

Bạn hãy cho tập em bé cầm nắm ngón tay của mình, đó không chỉ là một hành động yêu thương mà còn đánh dấu cột mốc phát triển đầu tiên quan trọng với trẻ đấy! Mẹ có thể nhận thấy rằng, theo phản xạ tự nhiên, trẻ có thể nắm được ngón tay bạn khi mẹ chạm ngón tay của mình vào lòng bàn tay bé. Tương tự, bé có thể nắm lấy bất kỳ vật gì nếu bạn đặt vật đó vào bàn tay của bé. Hãy để cho bé nắm càng lâu càng tốt nhé!

4/ Mát -xa cho bé

Tại sao ba mẹ không thử theo học một lớp mát-xa cho trẻ sơ sinh? Bởi mát-xa là hoạt động liên quan đến xúc giác, có thể kích thích sự phát triển về thể chất của bé. Qua việc được bố mẹ chạm vào làn da, xoa bóp khắp cơ thể, bé được giao tiếp bằng mắt với bố mẹ, cảm nhận mùi hương từ bố mẹ, lắng nghe giọng nói của bố mẹ và thực hiện da-tiếp-da với bố mẹ. Trẻ sơ sinh có dây thần kinh hoạt động và các cơ bắp chưa phát triển hết nên mát-xa là cách rất tốt để hỗ trợ sự phát triển của các cơ quan này. Mát-xa cũng giúp cho hệ thần kinh, hệ miễn dịch và hệ hô hấp của bé hoạt động tốt.

Bên cạnh đó, trong lúc mát-xa, có một loại hooc môn tên là oxytocin được tiết ra ở cả em bé và bố mẹ. Oxytocin còn có tên gọi khác là hooc-môn tình yêu bởi nó tăng cường mối liên kết tình cảm giữa con người với nhau và đem đến cảm giác được yêu thương hạnh phúc. Mát-xa là biện pháp tuyệt vời khiến cho tình cảm giữa bố mẹ và bé thêm gắn bó, thắm thiết.

[inline_article id=60814]

5/ Mút tay hoặc đưa đồ chơi vào miệng

Sẽ có giai đoạn bé hầu như muốn liếm hay nhau bất cứ thứ gì mà bé cầm nắm được, hoặc rất thích mút tay. Các bậc phụ huynh đừng tỏ ra hốt hoảng và can ngăn bé vì đây là dấu hiệu cho thấy trẻ bước vào giai đoạn phát triển mới. Lưỡi, môi và miệng của bé rất nhạy cảm. Thông qua các hành động mút, liếm, nhai 1 món đồ chơi mềm là lúc bé đang tìm hiểu về hình thái và bề mặt của món đồ đó. Tuy nhiên, ba/mẹ phải luôn đảm bảo những thứ bé chạm vào là an toàn và sạch sẽ nhé!

6/ Trải nghiệm với những món đồ chơi có kết cấu bề mặt khác nhau

Vui chơi cũng góp một phần quan trọng trong quá trình học hỏi và phát triển của bé. Chơi với những món đồ chơi hoặc các đồ dùng gia đình đa dạng đem lại những mặt tích cực và có thể hỗ trợ cho sự phát triển của bé. Hãy tìm những món đồ chơi có bề mặt khác nhau – như nhẵn mịn, thô ráp, cứng hay mềm – và có thể tạo ra âm thanh, chẳng hạn như lục lạc. Sách có các bề mặt khác nhau cũng có thể hỗ trợ bé, hoặc bạn có thể chọn chất liệu vải, lông vũ, bìa cứng hoặc lông nhân tạo.

7/ Những trò chơi thú vị khi tắm

Điều bé thực sự cần là cha mẹ và những người thương yêu bé luôn ở bên vuốt ve, nâng nịu và chơi đùa với bé, mà tắm lại là một cơ hội rất tuyệt vời để làm được điều này. Khi tắm cho bé, bạn có thể hát một bài hát có giai điệu nhẹ nhàng hoặc nói chuyện, vuốt ve con, đồng thời khuyến khích bé chơi trò té nước, đạp nước, nghịch với bong bóng xà phòng để con thỏa thích khám phá, tưởng tượng. Làm được như vậy, đảm bảo rằng lúc tắm cho bé chính là khoảng thời gian hai mẹ con cảm thấy rất hạnh phúc đấy, đồng thời kích thích xúc giác bé phát triển.

8/ Khuyến khích trẻ vui vẻ với trò “ăn bốc”

Ưu điểm lớn nhất  khi cho trẻ “ăn bốc” (còn gọi là phương pháp BLW) là bé rèn luyện được các kỹ năng cầm nắm, cảm nhận kết cấu thô mịn của đồ ăn, ước lượng để xử lý thức ăn trong miệng. Tất cả các kỹ năng bé sử dụng trong quá trình “ăn bốc” sẽ khơi dậy xúc giác, nhờ đó kích thích não bộ.

9/ Để bé tự với và tóm lấy đồ vật

Ở giai đoạn 2 tháng tuổi, theo phản xạ tự nhiên, trẻ chỉ mới nắm được đồ vật khi bạn đặt vào trong tay bé. Nhưng ở độ tuổi 5-6 tháng, bé đã biết đưa tay ra với lấy đồ vật. Lúc này, thay vì học cầm nắm đồ vật, mẹ hãy thử kích hoạt khả năng tóm, nắm của bàn tay bé. Hãy cho bé cầm nắm nhiều đồ vật khác nhau như len, bông, gỗ, vải sa tanh, miếng mút, giấy,… Hoặc thử để đồ chơi ở trong tầm với, tóm lấy của trẻ xem bé phản ứng ra sao. Bé sẽ thích những món đồ chơi bé có thể chạm tay vào. Hãy khuyến khích bé phát triển hơn bằng cách cho bé những món đồ chơi có thể phát ra âm thanh khi bé chạm tay vào.

10/ Tự do khám phá thế giới xung quanh

Trong thời gian này, phát triển xúc giác sẽ giúp con bạn khám phá thế giới. Bé mở rộng thế giới của mình và học hỏi những điều mới qua cách chạm vào đồ vật, cảm nhận kết cấu, hình dạng, kích thước của các mẫu đồ chơi hoặc môi trường xung quanh hoặc đào bới bất cứ thứ gì mà bé tò mò.

Hãy để bé thoải mái vui chơi các yếu tố kết cấu khác nhau như nước, đất sét và cát. Đây chính là môi trường tuyệt vời cho việc học tập và kích thích xúc giác. Bé có thể phát triển các kỹ năng vận động của mình, phối hợp cũng như so sánh cảm xúc và kết cấu khác nhau. Mẹ có thể đưa bé ra ngoài chơi cùng các bạn, chắc chắn bé sẽ rất thích thú khi được chơi trong môi trường như vậy. Nhưng dù ở môi trường nào hay bất cứ nơi đay, mẹ cũng phải luôn để mắt trông chừng bé nhé!

[inline_article id=91069]

>> Tham khảo thảo luận có liên quan từ cộng đồng:

 

Categories
Dạy con Nuôi dạy con

Những lợi ích tuyệt vời khi tập nằm sấp cho trẻ sơ sinh

Các chuyên gia khuyến cáo các mẹ không nên cho trẻ sơ sinh nằm ngửa trong suốt thời gian dài sau khi bé chào đời vì sẽ vô tình làm cho đầu trẻ bị bẹt và cơ bắp chậm phát triển hơn. Thay vào đó, vào khoảng thời  gian bé thức, mẹ hãy tập nằm sấp (nằm bằng bụng) cho bé. Vậy việc tập nằm sấp có lợi ích đối với trẻ như thế nào? Làm sao thực hiện phương pháp này?  Mẹ hãy cùng MarryBaby tham khảo những thông tin dưới đây nhé.

1/ Lợi ích của việc cho trẻ nằm sấp

Tummy time 1 Tummy time 2 Tummy time 3
Việc đặt nằm sấp sẽ giúp cho cơ cổ, cánh tay, vai, phần lưng trên, thậm chí là hộp sọ của trẻ phát triển khỏe mạnh. Bài tập này cũng là bước chuẩn bị, hỗ trợ tích cực cho những vận động khó hơn như lẫy, bò, và đứng dậy sau này.  Mẹ có thể tập cho bé nằm sấp càng sớm càng tốt, như một trò chơi vận động hằng ngày. Những tuần đầu, mỗi lần tập cho bé 1 – 2 phút và 2 – 3 lần/ngày vào các khoảng thời gian khác nhau. Sau đó, có thể tăng thời gian luyện tập cho bé lên 10-15 phút/ngày.  Nên đặt bé nằm ngửa khi ngủ và nằm sấp khi chơi. Khi bé nằm bằng lưng quá nhiều khi ngủ, đầu luôn được đặt ở một vị trí duy nhất có thể dẫn đến tình trạng đầu méo, dẹp. Việc cho trẻ tập nằm bằng bụng sẽ hạn chế được nguy cơ này.

 

2/ Nên cho trẻ nằm sấp như thế nào?

Tummy time 4 Tummy time 5 Tummy time 6
Đặt đồ chơi an toàn gần trẻ, để trẻ nằm sấp và hướng về phía đồ chơi. Cách làm này kích thích trẻ di chuyển tiến lại gần các đồ chơi bằng cách vận động chân, tay, bụng để nẫy, bò đồng thời nâng và xoay đầu. Mẹ cũng có thể nằm sấp bên cạnh, mở các trang truyện tranh có màu mắc sặc sỡ để thu hút ánh mắt trẻ. Phương pháp này duy trì được sự hứng thú của bé. Trẻ sẽ vận động cổ và ánh mắt để nhìn các trang sách rõ nét. Đặt một tấm gương phía trước mặt bé để bé thấy hình ảnh phản chiếu của mình. Mẹ cũng có thể thay đổi địa điểm chơi như cho trẻ nằm bằng bụng trên tấm thảm sạch ở một khu vực ngoài trời mát mẻ và sạch sẽ.

 

3/ Làm sao duy trì sự hứng thú cho trẻ khi tập nằm sấp?

Tummy time 7 Tummy time 8 Tummy time 9
Trẻ cũng cảm thấy thú vị hơn khi được vận động ở tư thế mới khi nghe được những âm thanh cùng lúc đó. Để bé luôn biết rằng mẹ luôn ở bên cạnh, bạn có thể hát cho bé nghe và làm các động tác khiến bé thích thú như xoa lưng, cù tay,… Ngoài đặt bé nằm sấp trên sàn nhà, mẹ cũng nên thử cho bé nằm sấp trên đùi mình, trên gối hoặc trên chiếc khăn tắm cuộn lại. Hãy đung đưa hoặc lắc nhẹ rồi hát, xoa lưng bé để tạo hứng thú cho trẻ tiếp tục bài tập vào những lần sau. Phòng trường hợp các đồ vật nhọn và góc cạnh có thể làm tổn thương bé, bạn nên dọn dẹp nhà trước khi trải thảm cho bé thực hành nằm sấp. Đặc biệt, luôn quan sát bé cưng của bạn trong suốt thời gian bé luyện tập nằm sấp.

[inline_article id=103201]

>>> Xem thêm thảo luận có chủ đề liên quan:

 

Categories
Dạy con Nuôi dạy con

Trò chơi cho bé: Muỗng bay và Gương thần

1/ Trò chơi cho bé: Chiếc muỗng biết bay

Thực tế, ngay cả khi chưa bắt đầu ăn dặm, bé cưng cũng đã quan sát cách mẹ sử dụng các dụng cụ trên bàn ăn và rất hào hứng bắt chước hành động của mẹ. Và trò chơi Chiếc muỗng biết bay sau đây sẽ là cách đơn giản nhất để bé tập làm quen với việc sử dụng muỗng từ sớm.

Trò chơi cho bé: Muỗng bay
Ngay cả khi bé chưa chuyển sang giai đoạn ăn dặm, làm quen với việc sử dụng muỗng cũng rất cần thiết

Độ tuổi thích hợp: Trẻ từ 5 –10 tháng tuổi

Chuẩn bị: muỗng ăn dành cho trẻ em

Cách chơi với bé:

Trong trò chơi này, chiếc muỗng sẽ đóng vai trò là một chiếc máy bay, và miệng của bé cưng sẽ là sân bay. Nhiệm vụ của mẹ là giúp “máy bay” hạ cánh và cất cánh một cách chuyên nghiệp và vui nhộn nhất. Một trong những “cách bay” rất được các bé yêu thích là khi mẹ giữ muỗng dưới gầm bàn, ghế rồi bất ngờ bay ra, đưa thẳng lên theo chiều dọc rồi nhẹ nhàng “đáp” ở miệng bé. Cố gắng không để thức ăn rơi vãi ra ngoài, mẹ nhé!

Ngoài ra, mẹ cũng có thể di chuyển muỗng theo chiều ngang với tầm mắt của bé hoặc chuyển động lên xuống kết hợp, như một màn trình diễn của cá heo. Trong quá trình di chuyển muỗng, mẹ có thể tự tạo thêm âm thanh bằng miệng, có tiết tấu rõ ràng để tăng thêm “kịch tính” cho màn trình diễn.

2/ Trò chơi cho bé: Soi gương

Theo một nghiên cứu cho thấy, các bé từ 5 -9 tháng tuổi có khả năng ghi nhớ và nhận diện khuôn mặt tốt hơn so với người lớn. Như một bản năng, trẻ em từ khi sinh ra đã rất thích thú khi được nhìn ngắm các khuôn mặt. So với các hình dạng khác, các bé thường có khuynh hướng tập trung chuẩn hóa hình ảnh có khuôn mặt người tốt hơn hẳn. Đó cũng là một trong những lý do tại sao đồ chơi của trẻ em thường có hình con người bên trên.

Dựa theo nguyên tắc này, mẹ có thể thử áp dụng trò chơi Soi gương để “mua vui” và giúp bé phát triển khả năng của mình tốt hơn.

Soi gương giúp bé phát triển
Theo nhiều nghiên cứu, thường xuyên cho bé soi gương cũng là cách phát triển não của bé

Chuẩn bị: 1 cái gương nhỏ hoặc loại gương cầm tay

Cách chơi với bé:

  • Đặt bé yên vị trên ghế hoặc cho bé nằm ngửa trên sàn. Mẹ nên đặt biệt lưu ý đến tầm mắt của bé. Nếu bé nằm trên sàn, mẹ cần cúi người hoặc nằm xuống bên cạnh để có thể tương tác trực diện với bé.
  • Khởi động bằng cách thay đổi từ từ các biểu hiện trên khuôn mặt. Chẳng hạn, mẹ có thể chuyển từ mặt cười sang mặt buồn bã, ủ rũ hoặc bĩu môi… Mỗi khi thay đổi sắc thái khuôn mặt, mẹ có thể dừng lại một chút để quan sát xem phản ứng của bé. Thậm chí, khi lớn hơn 1 chút, bé cưng có thể sẽ bắt chước làm theo những hành động của mẹ.
  • Dùng gương cầm tay để cho bé xem biểu hiện khuôn mặt của mình. Song song với hành động này, mẹ cũng có thể trò chuyện đôi chút với bé “Có phải con đang rất ngạc nhiên không? Nhìn mặt con nè, có phải con đang rất vui không?” Bên cạnh đó, mẹ cũng có thể làm 1 kiểu mặt nào đó và nghiêng gương về phía bé để bé có thể thấy được hình ảnh thực tế và hình ảnh trong gương sẽ như thế nào.

[inline_article id=99054]

Categories
Dạy con Nuôi dạy con

Trò chơi cho bé phát triển thị giác và trí tưởng tượng

1/ Trò chơi cho bé: Cùng nhau làm mũ!

Bằng cách tận dụng những đồ dùng trong nhà, thêm thắt một số phụ liệu, mẹ có thể sáng tạo cho bé một chiếc mũ “độc nhất vô nhị”. Hẳn bé sẽ rất bất ngờ và thích thú khi nhìn thấy “tác phẩm” của mẹ. Đồng thời, trò chơi cũng là cách giúp bé phát triển thị giác.

Chuẩn bị: thùng các-tôn, tô nhựa, quần đùi, giỏ xách… Bất kỳ một vật dùng nào có thể sử dụng mẹ nhé!

Độ tuổi phù hợp: trẻ từ 4-10 tháng tuổi

Cách chơi với bé:

Nếu không có “năng khiếu nghệ thuật”, mẹ có thể tận dụng một chiếc nồi, chảo hay bất kỳ vật dụng nào có thể “đội” lên đầu. Ngay sau đó, đừng quên tỏ vẻ “ngây thơ” và hỏi bé: “Mẹ đội chiếc mũ này có đẹp không?” hay “Con có thích cái mũ này không?. Chắc hẳn, bé cưng sẽ phản ứng nhiệt tình cho mà xem. Thậm chí, nếu thấy bé có vẻ thích thú, mẹ có thể cho bé ngồi trước gương và thử “đội mũ”.

Tự làm trò chơi cho bé
Nếu khéo tay, bạn có thể tự “thiết kế” cho bé một chiếc mũ

2/ Trò chơi cho bé: Ngắm cá vàng

Không còn thích ngắm nhìn đồ vật từ xa, những bé từ 4 –12 tháng tuổi sẽ thích ngắm những đồ vật này ở “cự ly” gần” hơn. Và sẽ không có gì cuốn hút bé bằng những con cá đầy màu sác óng ánh và chuyển động không ngừng.

Nếu trong nhà không có sẵn hồ cá, mẹ có thể dẫn bé đến các cửa hàng bán cá cảnh, hay nhà bạn bè có nuôi cá trong nhà. Thị giác của bé sẽ phát triển tốt hơn thông qua trò chơi yên bình này.

Trò chơi cho bé: Hồ cá
Hồ cá có thể giúp bé phát triển thị giác và tình yêu thương loài vật

Cách chơi với bé:

Bế bé trong tư thế ngồi, lưng tựa vào ngực, sao cho hồ cá ngang tầm mắt. Đồng thời, tay mẹ sẽ chỉ theo sự chuyển động tới lui của đàn cá, nhằm giúp mắt bé có thể bắt kịp chúng. Mẹ cũng có thể trò chuyện với bé bằng cách miêu tả đàn cá và nhấn mạnh sự khác biệt của từng con. Chẳng hạn, “Con có thấy con cá vàng bự này không? Nhìn nó bơi theo hình tròn nè. Nhìn con cá bảy màu bé xíu nữa nè. Nó bới nhanh quá phải không?”…

Mẹ nên chọn những con cá có dấu hiệu nhận diện dễ thấy như cá to nhất, màu đặc biệt nhất trong đàn cá trong hồ để bé dễ theo dõi. Khi những con cá đã bơi khuất tầm nhìn của bé mà xuất hiện trở lại, mẹ nên chỉ vào nó và báo cho bé biết. Cứ như thế, bé sẽ dần dần hình thành nhận thức cho mình về “tính bất biến” của sự vật. Có thể không còn ở trước mắt nhưng nó vẫn tồn tại và sẽ trở lại vào một lúc nào đó.

[inline_article id=62295]

Categories
Dạy con Nuôi dạy con

2 trò chơi cho bé phát triển xúc giác

1/ Trò chơi cho bé phát triển xúc giác: Cảm nhận

Trẻ từ khi mới chào đời cho đến khoảng 10 tháng cực kỳ thích thú với những trải nghiệm chạm sờ cơ thể mình và tất cả những gì ở gần bé. Nhờ vậy sẽ giúp cho 5 giác quan của bé phát triển, nhất là khả năng phối hợp tay – mắt và xúc giác.

Chuẩn bị: vật dụng làm từ nhiều loại vải khác nhau, như khăn lụa, khăn lông, vải satin, vải nhung…

Trò chơi cho bé phát triển giác quan
Bất kỳ vật dụng làm bằng vải mềm nào cũng có thể sử dụng trong trò chơi này

Cách chơi với bé:

Đặt bé nằm ngửa trên một cái khăn lông mềm. Cởi áo bé ra và lần lượt đặt các vật dụng đã chuẩn bị lên bụng bé. Với mỗi chất liệu khác nhau, mẹ sẽ cọ nhẹ lên da và thì thầm cùng bé ” Con thấy cái khăn lụa này như thế nào? Nó rất trơn phải không con?” và “Con gấu này thì sao? Lông của nó làm con hơi nhột phải không nào?”…

Tốc độ trải nghiệm của bé với mỗi chất liệu sẽ đi từ nhanh, vừa và chậm. Khi bé lớn hơn, bé sẽ cố gắng bắt lấy từng món và khi ấy, cứ để bé làm theo ý mình. Nếu đảm bảo các vật dụng đều sạch và không có nguy cơ làm cho bé bị ngạt, mẹ có thể cho bé “nhâm nhi” một chút cũng không sao.

[inline_article id=105888]

2/ Trò chơi cho bé phát triển xúc giác: Tinh dầu thơm

Ngay từ khi mới chào đời, tạo hóa đã ban tặng cho bé khả năng xúc giác hoàn hảo và đây là một trong những con đường tuyệt vời giúp bé khám phá thế giới “ngoài bụng mẹ”. Chỉ với những chai tinh dầu mát-xa có mùi hương dễ chịu được thiết kế dành dành cho em bé, mẹ có thể giúp kích hoạt hệ thống các giác quan của các bé sơ sinh cho đến 1 tuổi.

– Cách chơi với bé:

  • Đặt bé nằm trên một cái khăn tắm sạch và cởi hết quần áo. Nếu sợ bé bị lạnh, mẹ có thể phủ một lớp áo mỏng lên người bé.
  • Đổ tinh dầu mát-xa vào lòng bàn tay, xoa đều rồi từ từ thoa nhẹ lên da bé, bắt đầu từ phần bàn chân và đùi của bé.
  • Với bàn chân, mẹ có thể xoay từng ngón chân rồi nắm bàn tay lại, ấn vào lòng bàn chân của bé. Nhẹ nhàng ép bắp chân vào đùi bé. Trong những lần đầu tiên bé mới làm quen với mát xa, mẹ chỉ cần khởi động ở bàn chân và đùi. Khi đã quen thuộc, mẹ sẽ tiến đến nhiều vùng hơn.
  • Đối với phần ngực và bụng, mẹ sẽ đặt hai bàn tay lên phần giữa ngực rồi miết đều sang hai bên. Tiếp tục áp tay lên ngực bé và lần này, mẹ sẽ dùng các đầu ngón gõ nhẹ lên người bé theo hình vòng tròn nhỏ và to dần ra phía ngoài. Cứ tiếp tục thoa tinh dầu cho bé nếu bé vẫn thích và ngừng lại ngay khi bé tỏ ra khó chịu, đẩy tay, nhìn đi chỗ khác hay ngáp.

[inline_article id=84745]

Categories
Dạy con Nuôi dạy con

Những trò chơi đơn giản: Chiếc hộp thần kỳ và tìm hiểu quy luật nhân – quả

1/ Trò chơi cho bé: Chiếc hộp thần kỳ

Khoảng từ 6 đến 10 tháng tuổi, các bé bắt đầu làm quen với “sự hiện hữu của đồ vật”, nghĩa là nhận thức được việc một đồ vật dù không ở trước mắt mình nhưng nó vẫn tồn tại ở đâu đó. Vì vậy, những trò chơi liên quan đến việc làm biến mất hoặc xuất hiện đồ vật rất hấp dẫn với bé. Tuy nhiên, những món đồ chơi có đồ vật bất ngờ nhảy từ trong hộp ra có thể sẽ khiến bé giật mình, sợ hãi. Lúc này, Chiếc hộp thần kỳ sẽ là trò chơi vừa thân thiện, vừa tiện dụng hơn hẳn.

Trò chơi cho bé dưới 18 tháng tuổi
Tốc độ bật nhanh, bất ngờ của những món đồ chơi này sẽ có thể khiến bé sợ hãi

Chuẩn bị: món đồ chơi yêu thích của bé, một thùng các-tông nhỏ, thước kẻ (hoặc đũa) và một ít băng keo

Cách chơi với bé:

Khoét thủng một lỗ ở đáy thùng các-tông. Dùng thước hoặc đũa xuyên qua lỗ, lấy băng keo dán đồ chơi của bé trên đầu đũa, thước. Vậy là món đồ chơi tự chế siêu “chất” đã hoàn thành.

Đặt hộp “thần kỳ” trước mặt bé rồi kéo cây đũa xuống dưới, sao cho đồ chơi nằm gọn trong hộp và bé cưng không thể nhìn thấy từ bên ngoài. Bất ngờ đẩy cây đũa ló lên khỏi hộp. Vì đều là những vật dụng quen thuộc và mẹ cũng điều chỉnh được tốc độ bật ra khỏi hộp nên trò chơi này sẽ không khiến bé bị giật mình, sợ hãi. Khi đồ chơi xuất hiện, mẹ cũng nên nói thêm vài câu để tăng thêm phần thú vị. Chẳng hạn như “Bạn gấu xin chào” hay “Mình là chuột Mickey, rất vui được gặp bạn”…

2/ Trò chơi cho bé: Quy luật nhân – quả

Khi biết quan sát, tinh ý hơn và bắt đầu cảm nhận được quan hệ nhân quả, các bé sẽ rất thích hoạt động bật tắt đèn, cái remote TV và những đồ vật khác có thể thay đổi trạng thái. Bằng cách quan sát những thay đổi như vậy, bé sẽ dần hiểu được hành động này sẽ dẫn đến kết quả gì.

Các bé 6 đến 18 tháng sẽ dần nắm bắt được tính nhân quả của sự vật, sự việc và các mối liên hệ về không gian thông qua những vật dụng quen thuộc trong nhà với trò chơi này. Mẹ sẽ đóng rồi mở cửa tủ quần áo, tủ lạnh, tủ bếp, bật đèn, tắt đèn… Cách này không chỉ giúp bé hiểu được tính nguyên nhân và kết quả của sự việc mà còn cảm nhận được ánh sáng và bóng tối nữa.

Trò chơi cho bé phát triển
Khi cho bé “nghịch” vòi nước, mẹ nên đảm bảo nước vừa đủ độ nóng

Bên cạnh đó, mẹ có thể đẩy một trái banh trên sàn đến chỗ bé hoặc hất đổ chú gấu bông xuống ghế hoặc tập cho bé tắt mở vòi nước. Chú ý, nên để ý nhiệt độ nước trong lúc cho bé chơi.

[inline_article id=23235]