Categories
Dạy con Nuôi dạy con

10 bài nhạc cho trẻ sơ sinh ngủ ngon và phát triển trí thông minh

Có nhiều phương cách để trẻ tiếp xúc với âm nhạc, ngay từ thuở nằm nôi, bạn hãy lựa chọn nhạc thật tinh tế để giúp bé tăng khả năng cảm thụ và cảm thấy thư thái hơn. Nhạc cho trẻ sơ sinh nên là những bản nhạc nhẹ nhàng và êm dịu.

1. Có nên cho trẻ sơ sinh nghe nhạc khi ngủ?

 

Âm nhạc không chỉ đóng vai trò trong sự phát triển của trẻ sau khi ra đời; mà từ khi trong bụng mẹ; âm nhạc đã có thể thúc đẩy sự phát triển não bộ của thai nhi.

Nghiên cứu của Học viện Khoa học Học tập và Thần Kinh của Đại học Washington Hoa Kỳ năm 2016; kết quả cho thấy trẻ sơ sinh được cho nghe nhạc có sự phát triển về khả năng xử lý âm thanh và lời nói tốt hơn.

Nghiên cứu khác vào năm 2013 đăng tải trên PubMed cho thấy trị liệu bằng âm nhạc có thể giúp trẻ sinh non ngủ tốt hơn; bằng cách giảm nhịp tim và cải thiện các chức năng hô hấp.

[key-takeaways title=””]

Do đó, có nên cho trẻ sơ sinh nghe nhạc khi ngủ không; câu trả lời là CÓ NÊN mẹ nhé. Tuy nhiên, việc lựa chọn loại nhạc nào cho trẻ sơ sinh cũng rất quan trọng. Để giúp bé có giấc ngủ ngon, không phải loại nhạc nào cũng thực sự phù hợp.

[/key-takeaways]

>> Mẹ xem thêm: 8 lợi ích khi cho bé nghe nhạc

Một số mẹ tin rằng tiếng hát ru vẫn tốt hơn bật nhạc cho trẻ sơ sinh. Mẹ cùng tìm hiểu về vấn đề này trong nội dung tiếp theo nhé.

Có nên cho trẻ sơ sinh nghe nhạc lúc ngủ không

2. Mẹ nên tự hát ru hay mở máy nghe nhạc cho trẻ sơ sinh ngủ ngon?

Từ khi chào đời, trẻ sơ sinh đã có thể cảm nhận được âm nhạc, các giai điệu quen thuộc, các bài hát và tiếng nói của cha mẹ với tiếng nói của người khác. Khả năng này không cần phải học qua kinh nghiệm như chúng ta vẫn nghĩ.

2.1 Trẻ sơ sinh phản hồi như thế nào với tiếng hát ru của mẹ?

Các nhà nghiên cứu tại Harvard đã thử nghiệm cho các trẻ sơ sinh Mỹ nghe những bài hát ru bằng các ngôn ngữ khác nhau và giai điệu không quen thuộc. Kết quả cho thấy những đứa trẻ sơ sinh đã giảm nhịp tim, giãn đồng tử và giảm đáp ứng điện da khi nghe những bài hát ru.

Điều này cho thấy rằng hát ru cho trẻ nghe có tác dụng tâm lý đặc biệt có thể đưa trẻ vào giấc ngủ.

2.2 Lợi ích khi cho trẻ nghe mẹ hát ru

  • Các bé rất thích giọng nói của ba mẹ. Khi cho bé ngủ, mẹ có thể chọn các bài hát ru khác nhau để ngân nga cho bé nghe. Và theo thói quen, khi trẻ nhận được tín hiệu hát ru từ mẹ đồng nghĩa với việc đến giờ ngủ, và có thể nhanh chóng đi vào giấc ngủ ngon lành.
  • Hát ru dỗ ngủ trẻ là cách gắn kết tình mẫu tử. Nhạc ru bé truyền thống, còn gọi là hát ru, thường là những bài hát nhẹ nhàng, đơn giản và phần lớn từ ca dao, tục ngữ, đồng dao, hò vè dân gian, thơ… được truyền miệng từ đời này qua đời khác.
  • Những bài hát ru ngày xưa là chìa khoá mở cửa tâm hồn trẻ thơ về cảm nhận thế giới quan gần gũi xung quanh trong tiếng hát ru ấm áp của mẹ, của bà và là chiếc cầu nối gắn kết tình mẫu tử giữa trẻ và mẹ.

[key-takeaways title=””]

Tóm lại, hát ru có thể là một lựa chọn tuyệt vời thay thế nhạc cho trẻ sơ sinh; giúp bé chìm sâu vào giấc ngủ. Nếu mẹ yêu thích ca hát và muốn hát ru; thì mẹ vẫn có thể nhé. Trẻ sơ sinh sẽ chìm vào giấc ngủ ngon thôi.

[/key-takeaways]

>> Mẹ xem thêm: Thời gian ngủ của trẻ sơ sinh chuẩn theo từng tháng tuổi

2.3 TOP các bài hát ru mẹ có thể hát cho bé

Nhạc hát ru cho trẻ sơ sinh số 1:

“Mang nặng đẻ đau cưu mang chín tháng.
Nghĩa mẹ tày trời sông cạn, nuôi con.
Đói cơm rách áo, ruột mẹ héo hon.
Khi con no ấm, lòng mẹ vẫn chưa trọn (mà) thảnh thơi.”

Nhạc hát ru cho trẻ sơ sinh số 2:

“Ngậm đắng nuốt cay thương thay lòng mẹ.
Bên ướt mẹ nằm, bên ráo (chứ) con lăn.
Con ăn con ngủ thì mẹ đỡ băn khoăn.
Khi con trở trời hơi gió, mẹ chẳng an tâm chút nào.”

Nhạc hát ru cho trẻ sơ sinh số 3:

“Gió mùa thu…mẹ ru mà con ngủ…
Năm canh chày…năm canh chày…thức đủ vừa năm…
Hỡi chàng chàng ơi…hỡi người người ơi…
Em nhớ tới chàng…em nhớ tới chàng…”

Nhạc hát ru cho trẻ sơ sinh số 4:

“Hãy nín nín đi con.
Hãy ngủ ngủ đi con.
Con hỡi mà con hời…con hỡi mà con hời…
Con hỡi con hời…con hỡi con…”

Nhạc hát ru cho trẻ sơ sinh số 5:

“Ví dầu cầu ván đóng đinh.
Cầu tre lắc lẻo ghập ghềnh khó đi.
Khó đi mượn chén ăn cơm.
Mượn ly uống rượu, mượn đờn kéo chơi.
Kéo chơi ba tiếng đờn cò.
Đứt dây đứt nhọ quên hò sự sang.
Ví dầu thiếp chẳng yêu chàng.
Xin đưa thiếp xuống đò ngang thiếp về.”

Bài hát ru cho bé

Nhạc hát ru cho trẻ sơ sinh số 6:

“Con kiến mà leo cành đa.
Leo phải cành cộc leo ra leo vào.
Con kiến mà leo cành đào.
Leo phải cành cộc leo vào leo ra.”

Nhạc hát ru cho trẻ sơ sinh số 7:

“Bà còng đi chợ trời mưa.
Cái tôm cái tép đi đưa bà còng.
Tiền bà trong túi rơi ra.
Tép tôm nhặt được trả bà mua rau.”

Nhạc hát ru cho trẻ sơ sinh số 8:

“Cõng em đi tới nhà bà.
Dẫm phải cứt gà bà không cho vô.
Cõng em đi đến nhà cô.
Cô đập cô đánh cô xô ra rào.”

Nhạc hát ru cho trẻ sơ sinh số 9:

“Đêm Sài Gòn ngọn xanh ngọn đỏ.
Đèn Mỹ Tho ngọn tỏ ngọn lu.
Anh về anh học chữ nhu.
Ba thu em cũng đợi ngàn năm em cũng chờ…”

Nhạc hát ru cho trẻ sơ sinh số 10:

“Còn cha còn mẹ thì hơn,
Không cha không mẹ như đờn đứt dây.
Đờn đứt dây còn xoay còn nối.
Con mất cha mẹ rồi con phải mồ côi.”

[inline_article id=244763]

3. Nên cho trẻ sơ sinh nghe nhạc gì?

 

Ngày nay, công nghệ và máy móc hỗ trợ các bậc cha mẹ rất nhiều trong việc tiết kiệm thời gian chăm sóc con cái. Đối với trẻ sơ sinh, chỉ cần cho trẻ vào nôi điện; nôi tự đong đưa theo chế độ cài sẵn; mở ứng dụng nhạc hát ru dành cho trẻ sơ sinh; hay những loại nhạc êm dịu khác.

Không phải tất cả các loại nhạc đều thích hợp để cho trẻ có giấc ngủ ngon và thư giãn. Âm nhạc có tác dụng xoa dịu tâm hồn và giúp trẻ ngon giấc; nhưng chỉ với những bản nhạc dành riêng cho em bé êm dịu; vừa nhỏ âm thanh để tránh gây giật mình cho trẻ giữa giấc.

Mẹ không nên bật nhạc quá to trong khi bé chơi hoặc ngủ bởi nhạc to sẽ ảnh hưởng đến sức khoẻ của bé; nhất là khi ngủ nhạc to có thể khiến bé giật mình trong hoảng sợ. Lâu dần các hoảng sợ và giật mình này sẽ ảnh hưởng không tốt đến thần kinh của trẻ.

Mẹ có thể kết hợp vừa chơi vừa cho trẻ nghe nhạc nhằm giúp trẻ có những giây phút thư giãn và vui vẻ.

[key-takeaways title=”Những bản nhạc nước ngoài cho trẻ sơ sinh nghe để bé yêu có giấc ngủ ngon và thư giãn”]

[/key-takeaways]

Qua bài viết, hy vọng mẹ đã quyết định có nên mở nhạc cho trẻ sơ sinh hay không; hay là nên hát ru cho bé cưng chìm vào giấc ngủ. Đồng thời, cách chọn nhạc như thế nào. Chúc mẹ và bé cùng có những giấc ngủ bình an!

Categories
Dạy con Nuôi dạy con

Làm thế nào để dạy trẻ mặc quần áo?

Đừng nổi nóng vì bé không cố ý làm vậy để thử thách sự kiên nhẫn của bạn đâu. Đơn giản là với bé tuổi mầm non, hành động mặc vào và cởi ra khiến bé thích thú mà thôi. Việc bé mặc quần áo cho bản thân và kể cả cho búp bê là cơ hội tốt giúp trẻ thực hành kỹ năng vận động tinh, cụ thể là việc phối hợp các ngón tay và bàn tay với nhau.Vì vậy hãy tạo thêm nhiều điều kiện để giúp bé thuần thục kỹ năng đó.

Thật ra, những bộ quần áo búp bê quá nhỏ để bé có thể mặc dễ dàng, vì thế sẽ chẳng có gì lạ nếu bé bỏ cuộc và ngồi khóc sụt sùi. Những bộ đồ cho chú gấu nhồi bông như một chiếc áo choàng không tay hay áo khoác chui đầu sẽ phù hợp cho bé tập mặc quần áo hơn, những món đồ này bạn có thể tự làm bằng vải.

Làm thế nào để dạy trẻ mặc quần áo?
Muốn dạy trẻ mặc quần áo, ba mẹ cần kiên nhẫn và khéo léo một chút

Búp bê nhựa hoặc búp bê vải nỉ với nhiều quần áo và phụ kiện để bé tập thay đồ cho chúng cũng là lựa chọn phù hợp vì giúp bé hình thành khả năng cảm nhận về thời trang, những kỹ năng lựa chọn khác mà không quá thử thách với trẻ nhỏ. Cuối cùng, những cuốn sách dán hình mà bạn có thể mua dễ dàng ở nhà sách cũng sẽ rất hữu ích cho bé. Nếu bé đặc biệt thích tự mặc quần áo, bạn có thể cho bé những món đồ dễ mặc như áo khoác, khăn choàng hay mũ nón.

Bạn nên chọn cho bé loại quần có lưng thun hay áo chui đầu và một đôi giày dễ gài. Những vật này sẽ giúp bé tự mặc đồ nhanh và dễ dàng hơn. Dần dần bạn có thể tăng thêm thử thách cho bé với những món đồ có nút hay khóa lớn.

Categories
Dạy con Nuôi dạy con

Ngôn ngữ ký hiệu của bé: 21 từ và ký hiệu nhận biết (phần 1)

1. Ký hiệu: Hơn/Nữa

1_20

Gõ nhẹ các đầu ngón tay lại với nhau 2 lần

Bố mẹ có thể bắt đầu dùng ngôn ngữ ký hiệu để giao tiếp với bé sau khi bé tròn 4 tháng tuổi và mãi cho đến khi được 7-9 tháng tuổi bé mới biết ra hiệu để giao tiếp lại với bố mẹ vì lúc đó bé biết phối hợp tay chân tốt hơn.

2. Ký hiệu: Xong/Hết

2_21

Xoè rộng các ngón tay, lúc lắc bàn tay để cho thấy trong tay không có gì

Ký hiệu này sẽ hướng bé chuyển từ hoạt động này sang hoạt động khác, giúp mẹ giải thích cho bé hiểu rằng mọi thứ đã xong/hết/chấm dứt..

3. Ký hiệu: Ngủ

3_15

Đưa bàn tay lên mặt và vuốt xuống như thể nhắm mắt lại

Ra hiệu cho bé biết đã đến lúc phải đi ngủ là một phương pháp tốt để bắt đầu thói quen đi ngủ đúng giờ. Thậm chí nếu bé biết ra hiệu rằng: con đã mệt rồi, con muốn đi ngủ sẽ tốt hơn.

4. Ký hiệu: Thuốc

4_14

Dùng ngón tay giữa di tròn trong lòng bàn tay giống như đang nghiền thuốc

Nhờ có ký hiệu này mà khi bé đang mọc răng, bé có thể nói với bạn là bé muốn uống thuốc để giảm đau.

5. Ký hiệu : Ăn

5_10

Đưa tay lên miệng giả bộ như cho thức ăn vào miệng

Sử dụng ký hiệu này một cách nhất quán và thường xuyên mỗi khi bạn ăn. Khi bạn đang ăn, hãy vừa ra hiệu vừa nói từ “ăn”: Bố mẹ sắp ăn đây. Con có muốn ăn không? Chúng ta ăn thêm chút bột nữa nhé?

6. Ký hiệu : Sữa

6_6

Giả bộ như đang vắt sữa bò

Khi ra hiệu nên nhớ ngữ cảnh đóng vai trò rất quan trọng. Hãy ra hiệu từ “sữa” trong khi cho bé bú sữa chứ đừng dùng ký hiệu này khi bạn làm những việc khác.

7. Ký hiệu : Thay tã

7_6

Áp hai nắm tay lại với nhau và xoay tới xoay lui

“Thay tã”  là một ký hiệu quan trọng vì bé có thể nhận ra ngay khi bạn sắp chuyển từ việc chơi sang việc thay tã – điều mà có thể bé sẽ không thích làm. Ký hiệu “thay tã” sẽ giúp bé hiểu chỉ tạm thời ngừng chơi một lát. Sau khi bạn làm xong thì hãy dùng ký hiệu “xong rồi” và nói: Chúng ta thay xong rồi! để bé hiểu được đã thay xong và bé có thể tiếp tục chơi. Nhiều bậc cha mẹ cho biết nhờ sử dụng hai ký hiệu “thay tã” và “xong rồi” mà cuộc “vật lộn” thay tã trở nên dễ dàng hơn.

8. Ký hiệu : Giúp đỡ

8_7

Một bàn tay đỡ lấy một nắm tay hoặc vỗ nhẹ hai tay lên ngực

Bạn có hay trợ giúp bé hay là bạn để bé tự lám một mình? Ký hiệu này sẽ giúp bé truyền đạt khi cần sự trợ giúp của bạn — hoặc khi bé muốn giúp bạn.

9. Ký hiệu : Tắm

9_4

Hai tay xoa xoa trước ngực, bắt chước hành động kỳ cọ khi đang tắm

Hãy dạy bé học những từ quen thuộc mà bé làm mỗi ngày ví dụ như từ “tắm”.

10. Ký hiệu : Chơi

10_4

Giơ ngón cái với ngón út tạo dáng chữ Y và lúc lắc tay

Đừng quá lo về việc dạy tất cả các ký hiệu cùng một lúc; nên bắt đầu với vài ký hiệu. Khi bạn nghĩ bé bạn có thể nắm bắt được một ký hiệu nào đó và cũng biết ra hiệu lại, bạn có thể tập cho bé thêm một vài ký hiệu mới.

MarryBABY

Categories
Dạy con Nuôi dạy con

Ngôn ngữ ký hiệu của bé: 21 từ và ký hiệu nhận biết (phần 2)

11. Ký hiệu : Quả chuối

ngon-ngu-ky-hieu-cua-be-11

Giả bộ như đang lột vỏ một quả chuối

Dạy cho bé những ký hiệu chỉ các món ăn giúp bạn nhận biết vài món khoái khẩu của bé chẳng hạn như ký hiệu “Chuối ” – một thứ trái cây dễ ăn nhất mà hầu như bé nào cũng thích ăn.

12. Ký hiệu : Nước

ngon-ngu-ky-hieu-cua-be-12

Giơ ngón tay chỉ số 3 (giống từ W) vỗ nhẹ trước miệng

Đừng kỳ vọng các ký hiệu sẽ hoàn hảo theo ý bạn. Bé có thể ra những ký hiệu hơi khác lạ với bạn, vì các kỹ năng cơ tinh của bé không khéo léo được như bạn. Nếu bạn nghĩ bé đang cố ra hiệu một cái gì đó, hãy giúp đỡ bé: Ồ! Con muốn nói từ Nước à? Con muốn uống nước không? và sửa sai ký hiệu của bé.

13. Ký hiệu : Sách

ngon-ngu-ky-hieu-cua-be-13

Úp hai bàn tay lại và mở ra giống như đang mở một cuốn sách

Kích thích lòng ham mê đọc sách ngay từ thời thơ ấu bằng ký hiệu “sách” vô cùng đơn giản.

14. Ký hiệu : Chó

ngon-ngu-ky-hieu-cua-be-14

Vỗ vào đùi như gọi con chó

Nhiều ký hiệu rất dễ nhớ vì chúng bắt chước một hành động bạn có thể đã sử dụng trước đó. Vỗ nhẹ chân và gọi một con chó là một hành động theo bản năng, điều này sẽ khiến ký hiệu trở nên rất tự nhiên.

15. Ký hiệu : Mèo

ngon-ngu-ky-hieu-cua-be-15

Dùng 2 tay vuốt hai bên má như mèo vuốt râu

Mỗi khi ra hiệu, bạn và bé nên nhìn thẳng vào mắt nhau, đảm bảo bé có thể nhìn rõ tay bạn. Đây là chìa khoá giúp bé biết cách kết nối ký hiệu với từ ngữ.

16. Ký hiệu : Bánh mì

ngon-ngu-ky-hieu-cua-be-16

Giả bộ như đang cắt một lát bánh mì

Một vài bé sẽ tỏ ra khó chịu hoặc vui thích khi bố mẹ ra hiệu. Tất cả những phản ứng ấy chứng tỏ bé tiếp thu được hình thức giao tiếp của bạn.

17. Ký hiệu: Quả táo

ngon-ngu-ky-hieu-cua-be-17

Đưa khớp ngón trỏ chạm vào má và xoắn nhẹ má

Tuỳ theo sở thích và mối quan tâm của bé mà bố mẹ có thể tăng cường những ký hiệu có liên quan đến các đề tài đó. Chẳng hạn như, nếu bạn nhận thấy bé thích các con vật, dạy bé các ký hiệu “con chó”, “con cá”… Nếu bé thích ăn táo, dạy cho bé ký hiệu “quả táo”.

18. Sign : Quả bóng

ngon-ngu-ky-hieu-cua-be-18

Giả bộ như đang vỗ một quả bóng

Đừng chỉ dành toàn thời gian để ra hiệu, mà nên biết kết hợp với những hoạt động trong ngày của bé, ví dụ như vừa chơi vừa ra hiệu, sao cho càng vui càng đơn giản thì càng tốt.

19. Ký hiệu : Chia sẻ

ngon-ngu-ky-hieu-cua-be-19

Dùng tay xoa xoa vào vết lõm giữa ngón cái và ngón trỏ tay bên kia

Hãy kiên nhẫn — và đừng so sánh đứa con bé bỏng của mình với một người rành rọt về ngôn ngữ ký hiệu. Vài đứa bé mất nhiều thời gian tập ra hiệu hơn những bé khác.

20. Ký hiệu: Làm ơn/vui lòng/dạ

ngon-ngu-ky-hieu-cua-be-20

Dùng tay xoa thành một vòng tròn trước ngực

Đây là ký hiệu dạy cho bé kỹ năng và cách cư xử khi giao tiếp.

21. Ký hiệu : Cảm ơn

ngon-ngu-ky-hieu-cua-be-21

Đưa tay chạm vào môi và đưa tay ra phía trước như mi gió

Ngôn ngữ ký hiệu không những tạo điều kiện thuận lợi cho bạn và bé giao tiếp với nhau từ rất sớm mà còn giúp bé biết nói sớm hơn.

MarryBABY

Categories
Dạy con Nuôi dạy con

Tập cho bé tự ngủ: Bí quyết “không nước mắt”

Bí quyết tập cho bé tự ngủ “không nước mắt”

Khuyến khích bé ăn nhiều cữ trong ngày. Bằng cách này, bé có thể học được rằng ban ngày là để ăn, ban đêm là để ngủ. Đây là bước dạo đầu để tập cho bé tự ngủ. Việc cho ăn nhiều vào ban ngày còn giúp bé ít bị đói vào ban đêm, một trong những lý do khiến bé thức dậy nhiều lần.

Lập thời gian biểu cho giấc ngủ trưa của bé. Khi đã quen với giờ giấc ngủ ban ngày, bé cũng sẽ điều chỉnh được giấc ngủ ban đêm.

Đặt bé vào giường sớm, khoảng 18h30 hoặc 19h. Đừng nghĩ rằng để bé thức khuya, bé sẽ ngủ sâu hơn. Cách này chỉ làm bé mệt mỏi, càng thêm khó ngủ. Ngược lại, nếu bé đi ngủ sớm hơn có thể sẽ ngủ lâu hơn.

Thay đổi từ từ thói quen của bé trong quá trình tập cho bé tự ngủ. Nếu bé thường đi ngủ trễ, đừng đột nhiên thay đổi giờ ngủ của bé từ 21h30 thành 19h. Hãy cho bé ngủ sớm hơn một chút vào mỗi tối cho tới khi bạn đạt tới giờ mà được cho là tốt nhất cho bé.

Tập cho bé tự ngủ: Bí quyết “không nước mắt”
Nếu muốn tập cho bé tự ngủ với phương pháp không nước mắt, bạn cần xác định rằng sẽ phải tốn khá nhiều thời gian

Tìm một lịch trình đi ngủ có thể xoa dịu bé và bám sát nó, ví dụ như tắm, sau đó là đọc sách, tiếp theo là hát ru và sau đó là ngủ và tối nào cũng giống như thế.

Phát triển một số từ cốt yếu để ra hiệu cho bé đó là giờ ngủ. Có thể đơn giản là âm thanh “suỵt” hoặc một câu nói êm dịu như: “Đã đến giờ ngủ rồi con yêu”. Lặp lại âm thanh hoặc câu nói đó khi bạn đang dỗ bé ngủ hoặc dỗ bé ngủ lại. Bé sẽ liên hệ từ đó với giờ ngủ.

Tạo một môi trường ngủ thoải mái phù hợp với bé. Một số bé cần yên tĩnh và bóng tối hơn những bé khác. Bạn có thể thu những bài nhạc nhẹ hoặc những âm thanh tự nhiên như tiếng nước hồ cá, cho bé nghe khi ngủ để xoa dịu bé. Bạn cũng cần chú ý xem chỗ nằm của bé có đủ ấm áp, thoải mái không, đặc biệt là tấm lót đó không được nhăn nhúm. Các bé sơ sinh có thể ngủ ngon hơn khi được bọc tã. Không nên mặc quá nhiều quần áo cho bé hoặc để nhiệt độ phòng quá cao, có thể làm tăng nguy cơ đột tử ở trẻ sơ sinh (SIDS).

Không phải lúc nào cũng cần phản ứng với những tiếng động do bé tạo ra. Bạn cần phân biệt giữa tiếng khóc và tiếng thút thít khi ngủ. Bạn có thể đợi bên ngoài một vài phút xem bé có đang khóc không. Như thế, bạn sẽ không làm phiền  nếu bé vẫn đang ngủ hay chỉ đang lớ mớ.

Tập cho bé tự ngủ mà không để bé khóc có thật sự hiệu quả?
Không phương pháp tập  cho bé tự ngủ nào có hiệu quả với tất cả các bé. Thậm chí nếu phương pháp hợp với bé ở giai đoạn hiện tại không có nghĩa nó hiệu quả khi lớn hơn. Bạn phải hiểu rõ bé, linh động tìm xem phương án nào thích hợp.

Phương pháp tập cho bé tự ngủ “không nước mắt” có thể phải mất thời gian hơn một chút so với phương pháp “để bé khóc”. Đó là điều chắc chắn, nhưng về lâu dài, nó ít gây tổn thương cho bé và có thể là cho cả ba mẹ hơn.

Một sự thật không thể chối cãi là chúng ta không thể thay đổi thói quen thích ngủ lúc nào thì ngủ và thích thức dậy nhiều lần trong đêm của bé thành thói quen đi ngủ đúng giờ, tự mình ngủ mà không có một trong hai thứ là nước mắt và thời gian.

Phương pháp tập cho bé tự ngủ mà không phải khóc có thể phù hợp với bạn. Nếu bạn thấy phương pháp này không hiệu quả, có thể phải thử phương pháp “để bé khóc”.

Categories
Dạy con Nuôi dạy con

Dạy con biết yêu thương mẹ

Thực ra, bé đã có cảm tình với bạn từ những ngày mới chào đời vì lúc nào mẹ cũng ở bên cạnh, quan tâm và chăm sóc bé. Ngay từ giai đoạn sơ sinh, bé đã mỉm cười khi nhìn thấy khuôn mặt của bạn, khi bạn ôm bé vào lòng âu yếm, nâng niu bé. Mối liên kết tình cảm của bé và mẹ đã có một khởi đầu tốt đẹp. Tuy nhiên khi bé lớn hơn và bắt đầu tìm hiểu thế giới bên ngoài, bạn cần phải nỗ lực hơn để mối quan hệ này ngày càng bền chặt hơn. Dưới đây là một số lời khuyên cho các bậc phụ huynh tham khảo trong việc dạy con biết yêu thương mẹ:

Lắng nghe và giải thích
Các bậc cha mẹ thường có xu hướng áp đặt con cái theo khuôn phép của cha mẹ dù nguyên nhân  cũng chỉ vì quá yêu và lo lắng cho con Những câu nói “Con phải ăn cái này, con phải làm cái kia” mà không hề có lời giải thích cho bé hiểu vì sao phải làm như thế sẽ chỉ tạo cảm giác bị ép buộc cho trẻ mà thôi. Có khi sự áp đặt thái quá sẽ dẫn đến việc bé sợ và ngày càng tránh xa bạn.

Các bậc cha mẹ nên hiểu rằng trẻ cũng có những sở thích và năng khiếu riêng của mình. Hãy quan tâm, lắng nghe, phát huy những thế mạnh của trẻ, tìm giải pháp thuyết phục phù hợp với tính cách thay vì áp đặt, bắt buộc bé phải nghe lời. Mỗi khi trẻ trò chuyện, bạn hãy thật sự chăm chú lắng nghe và trả lời những câu hỏi của con để bé cảm thấy mình quan trọng và thích chuyện trò với bạn hơn.

 day-con-biet-yeu-thuong-me
Mẹ là bờ bến an toàn, yêu thương và ấm áp của bé

Kiềm chế sự tức giận
Các bậc phụ huynh cần kiềm chế sự tức giận và tránh dùng hình phạt nặng khi bé phạm lỗi. Tuyệt đối không được đánh bé vì như vậy chỉ khiến bé cảm thấy tổn thương và có phản ứng tiêu cực phảng kháng lại việc bạn đã áp dụng quyền lực lên bé. Thay vào đó, hãy kiên nhẫn từ từ khuyên nhủ và chỉ cho bé thấy hậu quả của những việc làm sai trái do bé gây ra. Nếu con bạn vẫn không nghe lời, thay vì đánh con bạn có thể sử dụng những hình phạt nhẹ nhàng thay thế khác và để bé hiểu rằng, hình phạt đó là hoàn toàn nghiêm túc. Ví dụ: Nếu bé không ngoan, bạn sẽ nói tối nay bé sẽ không được xem bộ phim hoạt hình mà bé thích. Trong trường hợp, bé ăn vạ để gây chú ý, bạn có thể vờ như không nghe, không thấy và không quan tâm đến hành động của bé.

Động viên trẻ
Lời khen là một trong những cử chỉ biểu hiện tình yêu của bạn với trẻ. Và cũng rất quan trọng khi bạn dạy con biết yêu thương ai đó. Thông qua lời khen, tán dương những hành động tốt của bé, bạn đã khích lệ và tạo cho bé những ý thức đầu tiên về tinh thần trách nhiệm. Hơn thế nữa, khen con còn là cách giúp bạn phát triển ý thức tự giác ở trẻ. Tuy khen bé là cần thiết nhưng cũng cần phải đúng lúc đúng chỗ, khi có một lý do thích đáng. Hãy để bé vui mừng, tự hào vì được mẹ khen.

Bộc lộ cảm xúc
Hãy ôm bé vào lòng và nói “Mẹ yêu con” để bé cảm nhận được tình yêu thương của bạn. Thông qua đó, bạn cũng đã âm thầm chỉ dẫn cho bé cách bộc lộ cảm xúc. Bế ẵm, nhìn âu yếm, cười, một cái ôm, hôn lên má… là những cách thể hiện và nuôi dưỡng tình yêu giữa bạn và bé. Hãy mỉm cười với bé để bé mỉm cười lại với bạn, để bé phát triển trong môi trường yêu thương, sự gần gũi, chia sẻ giữa các thành viên trong gia đình. Đó là một trong những cách tốt và đơn giản nhất để trở thành cha mẹ tốt là làm cho con cái lớn lên trong niềm tin chắc chắn rằng chúng được cha mẹ thương yêu. Hãy đảm bảo là bạn nói với con rằng bạn yêu chúng bất cứ khi nào có cơ hội.

 Dành thời gian và quan tâm đến bé
Thường thì mỗi ngày các bạn dành bao nhiêu thời gian để chơi đùa với bé? Bố mẹ cần sắp xếp cân đối thời làm việc, sinh hoạt để cùng vui đùa với các con. Đó cũng là một trong những cách tuyệt vời để con biết rằng bạn yêu chúng, bởi đơn giản, bé nhận ra rằng bạn đã dành thời gian rảnh của mình, không phải để lăn ra ngủ hoặc xem tivi, mà là chơi với chúng. Quan tâm đến bé từ những việc đơn giản như đưa đón bé đi học, hỏi bé về bạn bè trong cùng lớp, hôm nay có gì thú vị…. Hãy để con thấy, bạn quan tâm đến bé như thế nào.

Bằng tình cảm yêu thương trọn vẹn dành cho bé, “Con yêu mẹ” không phải là câu nói quá khó mà bạn nhận được từ bé yêu của mình.

Chư Kha

Categories
Dạy con Nuôi dạy con

Những điều cần tránh khi dạy bé tập nói

Các bé có khả năng lắng nghe và nhận biết âm thanh ngay từ trong bụng mẹ, càng được tiếp xúc nhiều với ngôn ngữ càng giúp bé sớm biết nói. Tuy nhiên, bạn cũng nên tránh những điều dưới đây trong khi dạy bé tập nói

1. Lặp lại lỗi phát âm sai của bé:

Khi các bé mới tập nói thường không thể tránh khỏi việc phát âm ngọng, sai nghe rất ngộ nghĩnh, đáng yêu, nên có người cố tình  lặp lại theo cách nói của bé một cách thích thú. Tuy nhiên, việc làm này nếu kéo dài và thường xuyên, vô tình sẽ trở thành thói quen, khiến bé ngày càng nói ngọng hơn và việc sửa lỗi cho bé cũng khó khăn hơn. Vì vậy, bạn cần phải phát âm thật chuẩn xác và  nhẹ nhàng khi dạy bé nói, kiên nhẫn nói đi nói lại từ đúng rồi để bé lặp lại.

Những điều cần tránh khi dạy bé tập nói
Việc dạy con tập nói đòi hỏi cha mẹ phải thật kiên nhẫn và dành nhiều tình thương cho con

2. Trợ giúp bé quá nhanh:
Chỉ cần thấy bé lấy tay chỉ bình nước là ngay lập tức bạn lấy nước cho bé uống. Việc đoán biết đúng ý muốn của con khiến các bà mẹ cảm thấy rất vui, tuy nhiên việc này đã tước mất cơ hội tập nói của bé, dễ khiến bé lười suy nghĩ và không chịu tìm cách biểu đạt mong muốn của mình bằng lời nói. Đây là những lỗi phổ biến của nhiều bậc cha mẹ.

Để tránh và khắc phục lỗi này, thay vì phản xạ nhanh trước những nhu cầu của bé, bạn hãy tìm cách khích lệ, động viên bé phát ra âm thanh, và dùng ngôn ngữ thể hiện mong muốn của mình.

3. Dạy bé nói từ “người lớn”:
Nhiều gia đình, cả ba mẹ và ông bà đều không ý thức được việc nên chọn lựa từ ngữ mà cứ vô tư dạy bé những từ không hay, vì cho rằng về sau có thể uốn nắn lại cũng không sao. Khi thấy bé nói được những từ “người lớn” một cách ngộ nghĩnh, các bậc phụ huynh không thấy khó chịu mà còn vô cùng thích thú.

Thực chất những tiếng nói đầu đời rất ý nghĩa với con trẻ, là cột mốc đầu tiên cho những câu nói khác để mở rộng kỹ năng giao tiếp xã hội, mọi từ ngữ bé học được đều được vận dụng và khó sửa đổi về sau. Vì vậy, bạn và mọi thành viên trong gia đình không nên vì quá “hào hứng” mà dạy bé nói một cách vô tội vạ, nên có sự chọn lọc từ ngữ để dạy khi bé mới tập nói.

4. Dạy bé …trả treo:
Có nhiều cha mẹ cố tình nói sai để tập cho bé cãi lại, vì nghĩ rằng như vậy là bé thông minh, khôn khéo. Tuy nhiên, khi “trả treo” trở thành thói quen sẽ ảnh hưởng xấu đến sự giao tiếp của bé về sau.

Ở giai đoạn dưới 3 tuổi nhận thức của bé còn chưa phát triển, ngôn ngữ của bé chỉ đơn giản là bắc chước người lớn, chứ chưa hề hiểu hết ý nghĩa của lời nói.Vì vậy,  bạn nên chú ý cách cư xử, giao tiếp của mình để con học được những điều hay, đẹp. Những từ ngữ không hay khi qua miệng con trẻ bi bô dù nghe dễ thương thế nào thì cũng cần chấn chỉnh, vì bạn không thể biết con có thể vận dụng thường xuyên và nhớ dai thế nào, để lâu về sau muốn sửa cũng không dễ.

5. Giải thích không thống nhất:
Ở tuổi tập nói các bé  rất tò mò, thường hay hỏi, nhiều khi những câu hỏi rất ngu ngơ và chi tiết làm người lớn khó chịu. Ba mẹ khi này cũng hay nghĩ con còn nhỏ nên chỉ giải thích qua loa. Tuy nhiên, nếu vấn đề không quá phức tạp, bạn nên dành thời gian giải thích một cách dễ hiểu nhất cho con và tuyệt đối tránh việc mẹ nói thế này ba lại nói thế khác bởi điều đó rất dễ làm mất lòng tin ở con trẻ.

TT

Categories
Dạy con Nuôi dạy con

Dạy bé tập nói: 3 cách đơn giản

Dạy bé tập nói: Kể lại những gì xảy ra trong ngày
Với một đứa bé mới biết đi, mỗi ngày là một cuộc phiêu lưu. Chuyện bé theo bà đi chợ mua táo, theo anh đi ra công viên, hay bé ngồi xem chị giúp việc phơi quần áo đều có thể là đề tài thú vị. Mỗi đêm trước khi đi ngủ, ba mẹ nên dành thời gian hỏi chuyện về những việc xảy ra trong ngày. Nếu bé chỉ mới nói được từ đơn hoặc từ đôi, bạn có thể hỏi bé những câu hỏi cụ thể. Chẳng hạn bé nói rằng bé đã đến khu trò chơi ở công viên, bạn có thể biết thêm chi tiết bằng cách hỏi những câu như: “Ai đưa con ra đó? Con chơi với ai? Con thích nhất trò chơi nào?”. Chú ý chọn các câu hỏi để bé trả lời càng nhiều từ càng tốt. Cách này đặc biệt có ích với các bậc phụ huynh gửi con ở nhà trẻ vì không chỉ dạy bé tập nói mà ba mẹ còn có thể biết được các hoạt động ở lớp của con.

Dạy bé tập nói: 3 cách đơn giản
Khi dạy bé tập nói, ba mẹ nên tạo không khí vui vẻ, đừng nên đặt yêu cầu quá cao với bé

Dạy bé tập nói: Tạm ngừng khi kể chuyện
Sau khi đã kể cho bé nghe chuyện Rùa và thỏ đến lần thứ 100, bạn sẽ không quá ngạc nhiên khi biết bé đã thuộc lòng câu chuyện. Đây là lúc cho bé cơ hội tỏa sáng đồng thời dạy bé tập nói bằng cách kể cho bé nghe một trong những câu chuyện mà bé thích nhất, rồi thỉnh thoảng tạm ngưng đọc để bé có thể “điền vào chỗ trống”. Nếu cần, bạn có thể nhắc bé và yêu cầu bé lặp lại theo bạn. Mỗi lần kể chuyện hãy ngừng ở những chỗ khác nhau để bé có thể luyện phát âm từ mới.

Dạy bé tập nói: Nói chuyện qua điện thoại
Hầu hết các bé đều tỏ ra rất thích thú với điện thoại trước cả khi bé biết nói. Vì thế, đây là một vật dụng rất hay để “dụ” bé nói chuyện. Khi bạn bè hoặc người thân gọi điện đến thăm hỏi, bạn nên để bé cầm máy một lát vì lúc nói chuyện điện thoại, bé không thể sử dụng các ngôn ngữ hình thể nên bé sẽ phải cố gắng để phát âm và nói. Khi bé bắt đầu tỏ ra bực bội vì không diễn đạt được ý mình với người bên kia đầu dây, bạn có thể giúp bé. Nếu người đối thoại là người thân, bạn có thể nhờ người đó hỏi bé những câu đơn giản. Nếu bé không trả lời, bạn có thể dẫn dắt bé bằng những câu như: “Con có thể cho ngoại biết trưa nay con ăn gì hay không?” hoặc: “Con nói cho dì út biết là con rất thích cái váy dì út may cho được không?” …

Categories
Dạy con Nuôi dạy con

Dạy bé tập nói: Bí quyết cho mẹ

Dạy bé tập nói bằng các trò chơi về từ ngữ
Học nói sẽ thú vị hơn nếu đó là một trò chơi. Trẻ nhỏ rất thích hỏi và được hỏi: “Cái gì đây?”. Khi bạn và bé đến một nơi nào đó mới mẻ với bé như quán cà phê, sân bay, cửa hàng, nên chỉ vào thứ gì đó và hỏi: “Cái gì đây con?”. Để bé luôn hứng thú, bạn nên bắt đầu bằng những thứ bé đã biết như con mèo, bánh quy rồi thỉnh thoảng lại chen vào những vật mà bé chưa biết tên. Nếu bé không biết, bạn có thể nói thầm vào tai bé để bé nói to lên, sau đó cho bé biết vật đó là gì và dùng để làm gì: “Đó là cây dù. Chúng ta dùng dù để che mưa cho đầu khỏi ướt”.

Khi bé lớn hơn, bạn có thể dạy bé tập nói với những trò phức tạp hơn một chút, ví dụ như trò “Chuyện gì sẽ xảy ra tiếp theo?”. Bạn bắt đầu bằng cách kể cho bé nghe một câu chuyện. Khi câu chuyện đã lên đến cao trào, hãy để bé kể tiếp phần còn lại. Nếu bé chưa đủ kỹ năng ngôn ngữ để diễn đạt các chi tiết cụ thể, bạn có thể giúp bé bằng cách hỏi những câu hỏi mang tính dẫn dắt như: “Con nghĩ cún con có chạy đi không?”. Khi hai mẹ con đã đồng ý về hướng đi tiếp theo của câu chuyện, bạn có thể hỏi bé thêm các chi tiết như: “Con nghĩ cún con sẽ đi đâu?” hoặc: “Cún sẽ đi với ai?”.

Dạy bé tập nói: Bí quyết cho mẹ
Ba mẹ nên tận dụng mọi khoảng thời gian có thể khi ở nhà và ra ngoài để dạy bé tập nói

Cho bé tham gia thảo luận để dạy bé tập nói
Trẻ con không chỉ thích nghe chuyện của người lớn mà còn thích được góp ý kiến nữa. Nói cách khác, đừng cho rằng những chuyện người lớn nói chỉ như gió thổi qua tai vì bé hiểu được nhiều hơn bạn tưởng. Ví dụ: nếu vợ chồng bạn đang chọn màu để sơn lại phòng tắm, nên hỏi bé những câu liên quan đến vấn đề này: “Tường của phòng tắm có màu gì nhỉ? Chúng ta nên sơn tường phòng tắm màu gì thì đẹp?”. Dù ý kiến của bé không được chọn, việc phát biểu ý kiến cũng rất có lợi cho quá trình dạy bé tập nói.

Quay phim bé
Hầu hết các bé đều thích biểu diễn trước ống kính máy quay. Bạn thử bật máy quay và hô to: “Bắt đầu diễn” để xem bé phản ứng như thế nào. Một số bé không cần khuyến khích mà có thể bắt đầu diễn xuất ngay. Nếu bé không chủ động, bạn có thể hướng dẫn bé một chút bằng cách hỏi các câu hỏi giống như phỏng vấn trên tivi. Sau đó bạn cho bé xem lại đoạn phim vừa quay sẽ khiến bé thêm hứng thú để tiếp tục trò chơi. Khi đã nhìn thấy hình ảnh và nghe thấy âm thanh của mình, bé sẽ tỏ ra hào hứng và muốn biểu diễn thêm lần nữa.

Categories
Dạy con Nuôi dạy con

5 trò chơi giúp bé phát triển trí tuệ

Những trò chơi trí tuệ cho bé như xếp hình, vẽ theo tưởng tượng hay tự làm những đồ dùng từ thùng carton cũ rất tốt cho sự phát triển trí tuệ của trẻ.

Trò chơi trí tuệ cho bé: Xếp hình phát triển tư duy toán học

Không trò chơi nào có thể dạy con bạn về toán học tốt hơn các trò chơi về kích cỡ và hình khối. Một cách thật đơn giản để giới thiệu cho trẻ về khái niệm kích cỡ và hình khối là phân loại đồ vật.

Trò xếp hình là một ví dụ. Cách chơi khá đơn giản, cha mẹ hãy bày những hình khối gỗ theo thứ tự từ bé đến lớn hoặc ngược lại rồi dạy bé phân biệt khối nào lớn hơn, giải thích cho bé biết lý do tại sao và đặt câu hỏi xem bé đã nhận biết được hay chưa. Khi bé phân biệt được kích cỡ, cha mẹ có thể hướng dẫn bé sắp xếp hình khối theo từng hình dạng (hình vuông, hình tròn hay hình tam giác…) giúp trẻ nhận biết hình ảnh một cách tốt hơn. Mỗi ngày vừa chơi cha mẹ lại dạy cho trẻ một ít. Cứ như thế, trẻ sẽ có những khái niệm cơ bản về toán học từ lúc nào không hay.

trò chơi trí tuệ cho bé
Xếp hình là một trong những trò chơi phát triển trí tuệ tốt nhất cho trẻ

Sáng tạo với thùng carton

Ngoài những trò chơi phát triển tư duy toán học cho trẻ, cha mẹ hãy cho bé chơi những trò kích thích khả năng sáng tạo. Những trò chơi với thùng carton cũng là một gợi ý hay.

Lấy ví dụ cha mẹ có thể dạy bé làm robot carton bằng cách chuẩn bị hai hộp bìa cứng, một cho cơ thể của bé và một cái nhỏ hơn cho đầu bé. Khoét lỗ với hộp ở đầu để bé có thể quan sát và thở được. Với hộp phía dưới, hãy khoét lỗ để bé có thể đi lại và thò tay ra ngoài. Với thùng carton, cha mẹ cũng có thể dạy trẻ làm một căn nhà bằng carton và trang trí nhà bằng giấy thủ công và màu nước.

5 tro choi phat trien tri tue_2
Cha mẹ nên chơi cùng bé để bé cảm nhận được sự yêu thương

Vẽ trên giấy những điều trẻ nghĩ

Trẻ thường thích vẽ những gì chúng thấy và suy nghĩ, về gia đình, cha mẹ, ông bà hay cảnh vật, thậm chí là những hình ảnh nguệch ngoạc. Khi vẽ tranh, trẻ sẽ phát triển rất nhiều về tư duy sáng tạo cũng như cảm nhận về thế giới.

Tuy nhiên, đối với trẻ mới chơi trò vẽ tranh, cha mẹ chỉ nên cho con làm quen từ hai màu cơ bản, sau đó tăng dần. Không nên cho bé làm quen với màu trung gian bởi vì bé chưa phân biệt được tốt. Những màu bé nhìn rõ là đỏ, vàng, trắng, đen.

Trò chơi trí tuệ cho bé: Chơi trò chơi tư duy

Chơi cờ, giải ô chữ, câu đố… đều có tác dụng kích thích não bộ hoạt động và rèn luyện để thực hiện các bài tập về tinh thần. Các trò chơi phát triển trí tuệ thông dụng như Sudoku, xếp hình có thể giúp trẻ cảm thấy vui trong khi vẫn thúc đẩy tư duy trẻ phát triển. Hãy luôn chuẩn bị trong nhà những bài tập cho trí não như thế và thử thách con hoặc cùng con giải quyết.

Kể chuyện với nhạc nền

Các bé đều thích nghe cha mẹ kể chuyện. Bạn có thể kích thích trí tuệ của con và tăng khả năng cảm thụ âm nhạc của bé bằng cách ghi âm chính giọng nói của mình hay sưu tập một đĩa CD về kể chuyện theo nhạc.

Ban đầu, cha mẹ hãy tìm những câu chuyên đơn giản lồng với nhạc không lời. Cha mẹ không cần kể câu chuyện chính xác, có thể thêm thắt một chút, thay đổi nhân vật chính (bằng tên của bé).

Ngoài ra, cha mẹ có thể cho con tự sáng tác thêm các tình tiết nếu bé thích. Không chỉ bé thích thú, chính cha mẹ sẽ bất ngờ vì âm nhạc sẽ tạo nên hiệu ứng đặc biệt cho câu chuyện của mình.

Từ những trò chơi vui vẻ, kiến thức và tư duy sẽ có môi trường thuận lợi để hình thành và phát triển giúp bé thông minh hơn. Học qua trò chơi là môi trường giáo dục dễ tiếp thu nhất dành cho các bé.

Kim Ngọc