Categories
Dạy con Nuôi dạy con

Tập cho bé tự ngủ: Bí quyết “không nước mắt”

Bí quyết tập cho bé tự ngủ “không nước mắt”

Khuyến khích bé ăn nhiều cữ trong ngày. Bằng cách này, bé có thể học được rằng ban ngày là để ăn, ban đêm là để ngủ. Đây là bước dạo đầu để tập cho bé tự ngủ. Việc cho ăn nhiều vào ban ngày còn giúp bé ít bị đói vào ban đêm, một trong những lý do khiến bé thức dậy nhiều lần.

Lập thời gian biểu cho giấc ngủ trưa của bé. Khi đã quen với giờ giấc ngủ ban ngày, bé cũng sẽ điều chỉnh được giấc ngủ ban đêm.

Đặt bé vào giường sớm, khoảng 18h30 hoặc 19h. Đừng nghĩ rằng để bé thức khuya, bé sẽ ngủ sâu hơn. Cách này chỉ làm bé mệt mỏi, càng thêm khó ngủ. Ngược lại, nếu bé đi ngủ sớm hơn có thể sẽ ngủ lâu hơn.

Thay đổi từ từ thói quen của bé trong quá trình tập cho bé tự ngủ. Nếu bé thường đi ngủ trễ, đừng đột nhiên thay đổi giờ ngủ của bé từ 21h30 thành 19h. Hãy cho bé ngủ sớm hơn một chút vào mỗi tối cho tới khi bạn đạt tới giờ mà được cho là tốt nhất cho bé.

Tập cho bé tự ngủ: Bí quyết “không nước mắt”
Nếu muốn tập cho bé tự ngủ với phương pháp không nước mắt, bạn cần xác định rằng sẽ phải tốn khá nhiều thời gian

Tìm một lịch trình đi ngủ có thể xoa dịu bé và bám sát nó, ví dụ như tắm, sau đó là đọc sách, tiếp theo là hát ru và sau đó là ngủ và tối nào cũng giống như thế.

Phát triển một số từ cốt yếu để ra hiệu cho bé đó là giờ ngủ. Có thể đơn giản là âm thanh “suỵt” hoặc một câu nói êm dịu như: “Đã đến giờ ngủ rồi con yêu”. Lặp lại âm thanh hoặc câu nói đó khi bạn đang dỗ bé ngủ hoặc dỗ bé ngủ lại. Bé sẽ liên hệ từ đó với giờ ngủ.

Tạo một môi trường ngủ thoải mái phù hợp với bé. Một số bé cần yên tĩnh và bóng tối hơn những bé khác. Bạn có thể thu những bài nhạc nhẹ hoặc những âm thanh tự nhiên như tiếng nước hồ cá, cho bé nghe khi ngủ để xoa dịu bé. Bạn cũng cần chú ý xem chỗ nằm của bé có đủ ấm áp, thoải mái không, đặc biệt là tấm lót đó không được nhăn nhúm. Các bé sơ sinh có thể ngủ ngon hơn khi được bọc tã. Không nên mặc quá nhiều quần áo cho bé hoặc để nhiệt độ phòng quá cao, có thể làm tăng nguy cơ đột tử ở trẻ sơ sinh (SIDS).

Không phải lúc nào cũng cần phản ứng với những tiếng động do bé tạo ra. Bạn cần phân biệt giữa tiếng khóc và tiếng thút thít khi ngủ. Bạn có thể đợi bên ngoài một vài phút xem bé có đang khóc không. Như thế, bạn sẽ không làm phiền  nếu bé vẫn đang ngủ hay chỉ đang lớ mớ.

Tập cho bé tự ngủ mà không để bé khóc có thật sự hiệu quả?
Không phương pháp tập  cho bé tự ngủ nào có hiệu quả với tất cả các bé. Thậm chí nếu phương pháp hợp với bé ở giai đoạn hiện tại không có nghĩa nó hiệu quả khi lớn hơn. Bạn phải hiểu rõ bé, linh động tìm xem phương án nào thích hợp.

Phương pháp tập cho bé tự ngủ “không nước mắt” có thể phải mất thời gian hơn một chút so với phương pháp “để bé khóc”. Đó là điều chắc chắn, nhưng về lâu dài, nó ít gây tổn thương cho bé và có thể là cho cả ba mẹ hơn.

Một sự thật không thể chối cãi là chúng ta không thể thay đổi thói quen thích ngủ lúc nào thì ngủ và thích thức dậy nhiều lần trong đêm của bé thành thói quen đi ngủ đúng giờ, tự mình ngủ mà không có một trong hai thứ là nước mắt và thời gian.

Phương pháp tập cho bé tự ngủ mà không phải khóc có thể phù hợp với bạn. Nếu bạn thấy phương pháp này không hiệu quả, có thể phải thử phương pháp “để bé khóc”.

Categories
Dạy con Nuôi dạy con

Dạy con biết yêu thương mẹ

Thực ra, bé đã có cảm tình với bạn từ những ngày mới chào đời vì lúc nào mẹ cũng ở bên cạnh, quan tâm và chăm sóc bé. Ngay từ giai đoạn sơ sinh, bé đã mỉm cười khi nhìn thấy khuôn mặt của bạn, khi bạn ôm bé vào lòng âu yếm, nâng niu bé. Mối liên kết tình cảm của bé và mẹ đã có một khởi đầu tốt đẹp. Tuy nhiên khi bé lớn hơn và bắt đầu tìm hiểu thế giới bên ngoài, bạn cần phải nỗ lực hơn để mối quan hệ này ngày càng bền chặt hơn. Dưới đây là một số lời khuyên cho các bậc phụ huynh tham khảo trong việc dạy con biết yêu thương mẹ:

Lắng nghe và giải thích
Các bậc cha mẹ thường có xu hướng áp đặt con cái theo khuôn phép của cha mẹ dù nguyên nhân  cũng chỉ vì quá yêu và lo lắng cho con Những câu nói “Con phải ăn cái này, con phải làm cái kia” mà không hề có lời giải thích cho bé hiểu vì sao phải làm như thế sẽ chỉ tạo cảm giác bị ép buộc cho trẻ mà thôi. Có khi sự áp đặt thái quá sẽ dẫn đến việc bé sợ và ngày càng tránh xa bạn.

Các bậc cha mẹ nên hiểu rằng trẻ cũng có những sở thích và năng khiếu riêng của mình. Hãy quan tâm, lắng nghe, phát huy những thế mạnh của trẻ, tìm giải pháp thuyết phục phù hợp với tính cách thay vì áp đặt, bắt buộc bé phải nghe lời. Mỗi khi trẻ trò chuyện, bạn hãy thật sự chăm chú lắng nghe và trả lời những câu hỏi của con để bé cảm thấy mình quan trọng và thích chuyện trò với bạn hơn.

 day-con-biet-yeu-thuong-me
Mẹ là bờ bến an toàn, yêu thương và ấm áp của bé

Kiềm chế sự tức giận
Các bậc phụ huynh cần kiềm chế sự tức giận và tránh dùng hình phạt nặng khi bé phạm lỗi. Tuyệt đối không được đánh bé vì như vậy chỉ khiến bé cảm thấy tổn thương và có phản ứng tiêu cực phảng kháng lại việc bạn đã áp dụng quyền lực lên bé. Thay vào đó, hãy kiên nhẫn từ từ khuyên nhủ và chỉ cho bé thấy hậu quả của những việc làm sai trái do bé gây ra. Nếu con bạn vẫn không nghe lời, thay vì đánh con bạn có thể sử dụng những hình phạt nhẹ nhàng thay thế khác và để bé hiểu rằng, hình phạt đó là hoàn toàn nghiêm túc. Ví dụ: Nếu bé không ngoan, bạn sẽ nói tối nay bé sẽ không được xem bộ phim hoạt hình mà bé thích. Trong trường hợp, bé ăn vạ để gây chú ý, bạn có thể vờ như không nghe, không thấy và không quan tâm đến hành động của bé.

Động viên trẻ
Lời khen là một trong những cử chỉ biểu hiện tình yêu của bạn với trẻ. Và cũng rất quan trọng khi bạn dạy con biết yêu thương ai đó. Thông qua lời khen, tán dương những hành động tốt của bé, bạn đã khích lệ và tạo cho bé những ý thức đầu tiên về tinh thần trách nhiệm. Hơn thế nữa, khen con còn là cách giúp bạn phát triển ý thức tự giác ở trẻ. Tuy khen bé là cần thiết nhưng cũng cần phải đúng lúc đúng chỗ, khi có một lý do thích đáng. Hãy để bé vui mừng, tự hào vì được mẹ khen.

Bộc lộ cảm xúc
Hãy ôm bé vào lòng và nói “Mẹ yêu con” để bé cảm nhận được tình yêu thương của bạn. Thông qua đó, bạn cũng đã âm thầm chỉ dẫn cho bé cách bộc lộ cảm xúc. Bế ẵm, nhìn âu yếm, cười, một cái ôm, hôn lên má… là những cách thể hiện và nuôi dưỡng tình yêu giữa bạn và bé. Hãy mỉm cười với bé để bé mỉm cười lại với bạn, để bé phát triển trong môi trường yêu thương, sự gần gũi, chia sẻ giữa các thành viên trong gia đình. Đó là một trong những cách tốt và đơn giản nhất để trở thành cha mẹ tốt là làm cho con cái lớn lên trong niềm tin chắc chắn rằng chúng được cha mẹ thương yêu. Hãy đảm bảo là bạn nói với con rằng bạn yêu chúng bất cứ khi nào có cơ hội.

 Dành thời gian và quan tâm đến bé
Thường thì mỗi ngày các bạn dành bao nhiêu thời gian để chơi đùa với bé? Bố mẹ cần sắp xếp cân đối thời làm việc, sinh hoạt để cùng vui đùa với các con. Đó cũng là một trong những cách tuyệt vời để con biết rằng bạn yêu chúng, bởi đơn giản, bé nhận ra rằng bạn đã dành thời gian rảnh của mình, không phải để lăn ra ngủ hoặc xem tivi, mà là chơi với chúng. Quan tâm đến bé từ những việc đơn giản như đưa đón bé đi học, hỏi bé về bạn bè trong cùng lớp, hôm nay có gì thú vị…. Hãy để con thấy, bạn quan tâm đến bé như thế nào.

Bằng tình cảm yêu thương trọn vẹn dành cho bé, “Con yêu mẹ” không phải là câu nói quá khó mà bạn nhận được từ bé yêu của mình.

Chư Kha

Categories
Dạy con Nuôi dạy con

Những điều cần tránh khi dạy bé tập nói

Các bé có khả năng lắng nghe và nhận biết âm thanh ngay từ trong bụng mẹ, càng được tiếp xúc nhiều với ngôn ngữ càng giúp bé sớm biết nói. Tuy nhiên, bạn cũng nên tránh những điều dưới đây trong khi dạy bé tập nói

1. Lặp lại lỗi phát âm sai của bé:

Khi các bé mới tập nói thường không thể tránh khỏi việc phát âm ngọng, sai nghe rất ngộ nghĩnh, đáng yêu, nên có người cố tình  lặp lại theo cách nói của bé một cách thích thú. Tuy nhiên, việc làm này nếu kéo dài và thường xuyên, vô tình sẽ trở thành thói quen, khiến bé ngày càng nói ngọng hơn và việc sửa lỗi cho bé cũng khó khăn hơn. Vì vậy, bạn cần phải phát âm thật chuẩn xác và  nhẹ nhàng khi dạy bé nói, kiên nhẫn nói đi nói lại từ đúng rồi để bé lặp lại.

Những điều cần tránh khi dạy bé tập nói
Việc dạy con tập nói đòi hỏi cha mẹ phải thật kiên nhẫn và dành nhiều tình thương cho con

2. Trợ giúp bé quá nhanh:
Chỉ cần thấy bé lấy tay chỉ bình nước là ngay lập tức bạn lấy nước cho bé uống. Việc đoán biết đúng ý muốn của con khiến các bà mẹ cảm thấy rất vui, tuy nhiên việc này đã tước mất cơ hội tập nói của bé, dễ khiến bé lười suy nghĩ và không chịu tìm cách biểu đạt mong muốn của mình bằng lời nói. Đây là những lỗi phổ biến của nhiều bậc cha mẹ.

Để tránh và khắc phục lỗi này, thay vì phản xạ nhanh trước những nhu cầu của bé, bạn hãy tìm cách khích lệ, động viên bé phát ra âm thanh, và dùng ngôn ngữ thể hiện mong muốn của mình.

3. Dạy bé nói từ “người lớn”:
Nhiều gia đình, cả ba mẹ và ông bà đều không ý thức được việc nên chọn lựa từ ngữ mà cứ vô tư dạy bé những từ không hay, vì cho rằng về sau có thể uốn nắn lại cũng không sao. Khi thấy bé nói được những từ “người lớn” một cách ngộ nghĩnh, các bậc phụ huynh không thấy khó chịu mà còn vô cùng thích thú.

Thực chất những tiếng nói đầu đời rất ý nghĩa với con trẻ, là cột mốc đầu tiên cho những câu nói khác để mở rộng kỹ năng giao tiếp xã hội, mọi từ ngữ bé học được đều được vận dụng và khó sửa đổi về sau. Vì vậy, bạn và mọi thành viên trong gia đình không nên vì quá “hào hứng” mà dạy bé nói một cách vô tội vạ, nên có sự chọn lọc từ ngữ để dạy khi bé mới tập nói.

4. Dạy bé …trả treo:
Có nhiều cha mẹ cố tình nói sai để tập cho bé cãi lại, vì nghĩ rằng như vậy là bé thông minh, khôn khéo. Tuy nhiên, khi “trả treo” trở thành thói quen sẽ ảnh hưởng xấu đến sự giao tiếp của bé về sau.

Ở giai đoạn dưới 3 tuổi nhận thức của bé còn chưa phát triển, ngôn ngữ của bé chỉ đơn giản là bắc chước người lớn, chứ chưa hề hiểu hết ý nghĩa của lời nói.Vì vậy,  bạn nên chú ý cách cư xử, giao tiếp của mình để con học được những điều hay, đẹp. Những từ ngữ không hay khi qua miệng con trẻ bi bô dù nghe dễ thương thế nào thì cũng cần chấn chỉnh, vì bạn không thể biết con có thể vận dụng thường xuyên và nhớ dai thế nào, để lâu về sau muốn sửa cũng không dễ.

5. Giải thích không thống nhất:
Ở tuổi tập nói các bé  rất tò mò, thường hay hỏi, nhiều khi những câu hỏi rất ngu ngơ và chi tiết làm người lớn khó chịu. Ba mẹ khi này cũng hay nghĩ con còn nhỏ nên chỉ giải thích qua loa. Tuy nhiên, nếu vấn đề không quá phức tạp, bạn nên dành thời gian giải thích một cách dễ hiểu nhất cho con và tuyệt đối tránh việc mẹ nói thế này ba lại nói thế khác bởi điều đó rất dễ làm mất lòng tin ở con trẻ.

TT

Categories
Dạy con Nuôi dạy con

Dạy bé tập nói: 3 cách đơn giản

Dạy bé tập nói: Kể lại những gì xảy ra trong ngày
Với một đứa bé mới biết đi, mỗi ngày là một cuộc phiêu lưu. Chuyện bé theo bà đi chợ mua táo, theo anh đi ra công viên, hay bé ngồi xem chị giúp việc phơi quần áo đều có thể là đề tài thú vị. Mỗi đêm trước khi đi ngủ, ba mẹ nên dành thời gian hỏi chuyện về những việc xảy ra trong ngày. Nếu bé chỉ mới nói được từ đơn hoặc từ đôi, bạn có thể hỏi bé những câu hỏi cụ thể. Chẳng hạn bé nói rằng bé đã đến khu trò chơi ở công viên, bạn có thể biết thêm chi tiết bằng cách hỏi những câu như: “Ai đưa con ra đó? Con chơi với ai? Con thích nhất trò chơi nào?”. Chú ý chọn các câu hỏi để bé trả lời càng nhiều từ càng tốt. Cách này đặc biệt có ích với các bậc phụ huynh gửi con ở nhà trẻ vì không chỉ dạy bé tập nói mà ba mẹ còn có thể biết được các hoạt động ở lớp của con.

Dạy bé tập nói: 3 cách đơn giản
Khi dạy bé tập nói, ba mẹ nên tạo không khí vui vẻ, đừng nên đặt yêu cầu quá cao với bé

Dạy bé tập nói: Tạm ngừng khi kể chuyện
Sau khi đã kể cho bé nghe chuyện Rùa và thỏ đến lần thứ 100, bạn sẽ không quá ngạc nhiên khi biết bé đã thuộc lòng câu chuyện. Đây là lúc cho bé cơ hội tỏa sáng đồng thời dạy bé tập nói bằng cách kể cho bé nghe một trong những câu chuyện mà bé thích nhất, rồi thỉnh thoảng tạm ngưng đọc để bé có thể “điền vào chỗ trống”. Nếu cần, bạn có thể nhắc bé và yêu cầu bé lặp lại theo bạn. Mỗi lần kể chuyện hãy ngừng ở những chỗ khác nhau để bé có thể luyện phát âm từ mới.

Dạy bé tập nói: Nói chuyện qua điện thoại
Hầu hết các bé đều tỏ ra rất thích thú với điện thoại trước cả khi bé biết nói. Vì thế, đây là một vật dụng rất hay để “dụ” bé nói chuyện. Khi bạn bè hoặc người thân gọi điện đến thăm hỏi, bạn nên để bé cầm máy một lát vì lúc nói chuyện điện thoại, bé không thể sử dụng các ngôn ngữ hình thể nên bé sẽ phải cố gắng để phát âm và nói. Khi bé bắt đầu tỏ ra bực bội vì không diễn đạt được ý mình với người bên kia đầu dây, bạn có thể giúp bé. Nếu người đối thoại là người thân, bạn có thể nhờ người đó hỏi bé những câu đơn giản. Nếu bé không trả lời, bạn có thể dẫn dắt bé bằng những câu như: “Con có thể cho ngoại biết trưa nay con ăn gì hay không?” hoặc: “Con nói cho dì út biết là con rất thích cái váy dì út may cho được không?” …

Categories
Dạy con Nuôi dạy con

Dạy bé tập nói: Bí quyết cho mẹ

Dạy bé tập nói bằng các trò chơi về từ ngữ
Học nói sẽ thú vị hơn nếu đó là một trò chơi. Trẻ nhỏ rất thích hỏi và được hỏi: “Cái gì đây?”. Khi bạn và bé đến một nơi nào đó mới mẻ với bé như quán cà phê, sân bay, cửa hàng, nên chỉ vào thứ gì đó và hỏi: “Cái gì đây con?”. Để bé luôn hứng thú, bạn nên bắt đầu bằng những thứ bé đã biết như con mèo, bánh quy rồi thỉnh thoảng lại chen vào những vật mà bé chưa biết tên. Nếu bé không biết, bạn có thể nói thầm vào tai bé để bé nói to lên, sau đó cho bé biết vật đó là gì và dùng để làm gì: “Đó là cây dù. Chúng ta dùng dù để che mưa cho đầu khỏi ướt”.

Khi bé lớn hơn, bạn có thể dạy bé tập nói với những trò phức tạp hơn một chút, ví dụ như trò “Chuyện gì sẽ xảy ra tiếp theo?”. Bạn bắt đầu bằng cách kể cho bé nghe một câu chuyện. Khi câu chuyện đã lên đến cao trào, hãy để bé kể tiếp phần còn lại. Nếu bé chưa đủ kỹ năng ngôn ngữ để diễn đạt các chi tiết cụ thể, bạn có thể giúp bé bằng cách hỏi những câu hỏi mang tính dẫn dắt như: “Con nghĩ cún con có chạy đi không?”. Khi hai mẹ con đã đồng ý về hướng đi tiếp theo của câu chuyện, bạn có thể hỏi bé thêm các chi tiết như: “Con nghĩ cún con sẽ đi đâu?” hoặc: “Cún sẽ đi với ai?”.

Dạy bé tập nói: Bí quyết cho mẹ
Ba mẹ nên tận dụng mọi khoảng thời gian có thể khi ở nhà và ra ngoài để dạy bé tập nói

Cho bé tham gia thảo luận để dạy bé tập nói
Trẻ con không chỉ thích nghe chuyện của người lớn mà còn thích được góp ý kiến nữa. Nói cách khác, đừng cho rằng những chuyện người lớn nói chỉ như gió thổi qua tai vì bé hiểu được nhiều hơn bạn tưởng. Ví dụ: nếu vợ chồng bạn đang chọn màu để sơn lại phòng tắm, nên hỏi bé những câu liên quan đến vấn đề này: “Tường của phòng tắm có màu gì nhỉ? Chúng ta nên sơn tường phòng tắm màu gì thì đẹp?”. Dù ý kiến của bé không được chọn, việc phát biểu ý kiến cũng rất có lợi cho quá trình dạy bé tập nói.

Quay phim bé
Hầu hết các bé đều thích biểu diễn trước ống kính máy quay. Bạn thử bật máy quay và hô to: “Bắt đầu diễn” để xem bé phản ứng như thế nào. Một số bé không cần khuyến khích mà có thể bắt đầu diễn xuất ngay. Nếu bé không chủ động, bạn có thể hướng dẫn bé một chút bằng cách hỏi các câu hỏi giống như phỏng vấn trên tivi. Sau đó bạn cho bé xem lại đoạn phim vừa quay sẽ khiến bé thêm hứng thú để tiếp tục trò chơi. Khi đã nhìn thấy hình ảnh và nghe thấy âm thanh của mình, bé sẽ tỏ ra hào hứng và muốn biểu diễn thêm lần nữa.

Categories
Dạy con Nuôi dạy con

5 trò chơi giúp bé phát triển trí tuệ

Những trò chơi trí tuệ cho bé như xếp hình, vẽ theo tưởng tượng hay tự làm những đồ dùng từ thùng carton cũ rất tốt cho sự phát triển trí tuệ của trẻ.

Trò chơi trí tuệ cho bé: Xếp hình phát triển tư duy toán học

Không trò chơi nào có thể dạy con bạn về toán học tốt hơn các trò chơi về kích cỡ và hình khối. Một cách thật đơn giản để giới thiệu cho trẻ về khái niệm kích cỡ và hình khối là phân loại đồ vật.

Trò xếp hình là một ví dụ. Cách chơi khá đơn giản, cha mẹ hãy bày những hình khối gỗ theo thứ tự từ bé đến lớn hoặc ngược lại rồi dạy bé phân biệt khối nào lớn hơn, giải thích cho bé biết lý do tại sao và đặt câu hỏi xem bé đã nhận biết được hay chưa. Khi bé phân biệt được kích cỡ, cha mẹ có thể hướng dẫn bé sắp xếp hình khối theo từng hình dạng (hình vuông, hình tròn hay hình tam giác…) giúp trẻ nhận biết hình ảnh một cách tốt hơn. Mỗi ngày vừa chơi cha mẹ lại dạy cho trẻ một ít. Cứ như thế, trẻ sẽ có những khái niệm cơ bản về toán học từ lúc nào không hay.

trò chơi trí tuệ cho bé
Xếp hình là một trong những trò chơi phát triển trí tuệ tốt nhất cho trẻ

Sáng tạo với thùng carton

Ngoài những trò chơi phát triển tư duy toán học cho trẻ, cha mẹ hãy cho bé chơi những trò kích thích khả năng sáng tạo. Những trò chơi với thùng carton cũng là một gợi ý hay.

Lấy ví dụ cha mẹ có thể dạy bé làm robot carton bằng cách chuẩn bị hai hộp bìa cứng, một cho cơ thể của bé và một cái nhỏ hơn cho đầu bé. Khoét lỗ với hộp ở đầu để bé có thể quan sát và thở được. Với hộp phía dưới, hãy khoét lỗ để bé có thể đi lại và thò tay ra ngoài. Với thùng carton, cha mẹ cũng có thể dạy trẻ làm một căn nhà bằng carton và trang trí nhà bằng giấy thủ công và màu nước.

5 tro choi phat trien tri tue_2
Cha mẹ nên chơi cùng bé để bé cảm nhận được sự yêu thương

Vẽ trên giấy những điều trẻ nghĩ

Trẻ thường thích vẽ những gì chúng thấy và suy nghĩ, về gia đình, cha mẹ, ông bà hay cảnh vật, thậm chí là những hình ảnh nguệch ngoạc. Khi vẽ tranh, trẻ sẽ phát triển rất nhiều về tư duy sáng tạo cũng như cảm nhận về thế giới.

Tuy nhiên, đối với trẻ mới chơi trò vẽ tranh, cha mẹ chỉ nên cho con làm quen từ hai màu cơ bản, sau đó tăng dần. Không nên cho bé làm quen với màu trung gian bởi vì bé chưa phân biệt được tốt. Những màu bé nhìn rõ là đỏ, vàng, trắng, đen.

Trò chơi trí tuệ cho bé: Chơi trò chơi tư duy

Chơi cờ, giải ô chữ, câu đố… đều có tác dụng kích thích não bộ hoạt động và rèn luyện để thực hiện các bài tập về tinh thần. Các trò chơi phát triển trí tuệ thông dụng như Sudoku, xếp hình có thể giúp trẻ cảm thấy vui trong khi vẫn thúc đẩy tư duy trẻ phát triển. Hãy luôn chuẩn bị trong nhà những bài tập cho trí não như thế và thử thách con hoặc cùng con giải quyết.

Kể chuyện với nhạc nền

Các bé đều thích nghe cha mẹ kể chuyện. Bạn có thể kích thích trí tuệ của con và tăng khả năng cảm thụ âm nhạc của bé bằng cách ghi âm chính giọng nói của mình hay sưu tập một đĩa CD về kể chuyện theo nhạc.

Ban đầu, cha mẹ hãy tìm những câu chuyên đơn giản lồng với nhạc không lời. Cha mẹ không cần kể câu chuyện chính xác, có thể thêm thắt một chút, thay đổi nhân vật chính (bằng tên của bé).

Ngoài ra, cha mẹ có thể cho con tự sáng tác thêm các tình tiết nếu bé thích. Không chỉ bé thích thú, chính cha mẹ sẽ bất ngờ vì âm nhạc sẽ tạo nên hiệu ứng đặc biệt cho câu chuyện của mình.

Từ những trò chơi vui vẻ, kiến thức và tư duy sẽ có môi trường thuận lợi để hình thành và phát triển giúp bé thông minh hơn. Học qua trò chơi là môi trường giáo dục dễ tiếp thu nhất dành cho các bé.

Kim Ngọc

Categories
Dạy con Nuôi dạy con

Những việc nên làm khi bé quá bám mẹ

Các phương pháp dưới đây có thể giúp cũng cố tâm lý trẻ nhỏ để bé làm quen với việc xa mẹ trước khi đến tuổi đi học.

Để bé tham gia vào một hoạt động nào đó
Nên cho bé và người giữ trẻ cùng tham gia làm một việc gì đó trước khi bạn rời khỏi. Đến lúc đi, hôn tạm biệt con nhanh chóng và lập tức đi ra cửa. Bé có thể khóc, nhưng việc đang làm cùng người giữ trẻ sẽ giúp bé xao nhãng ngay khi bạn đi khuất. Ít khi tập trung vào một việc quá lâu là một đặc điểm của tâm lý trẻ nhỏ mà bạn có thể tận dụng trong trường hợp này.

Dùng một vật thay thế
Một vật nào đó để nhớ về bố hay mẹ có thể giúp bé đối mặt với sự vắng mặt của bạn tốt hơn, vì vậy khi bạn đi ra ngoài, nên đưa cho bé một vật kỷ niệm cá nhân. Nó có thể là bất cứ thứ gì, từ một tấm ảnh đến một cái áo ấm của bạn hay một cái kẹp áo đặc biệt. Cũng có khả năng vật thay thế đó sẽ có tác dụng ngược đối với tâm lý trẻ nhỏ vì cứ thường xuyên nhắc bé nhớ về bạn, vì vậy sau khi về, bạn nên hỏi người giữ trẻ xem bé có bị kích động bởi vật đó hay không. Một vật để tạo sự an toàn cho tâm lý trẻ nhỏ như một cái chăn, một con thú bông mềm mại hay thậm chí là chính ngón tay cái của bé cũng có thể là một nguồn ai ủi với bé.

Tâm lý trẻ nhỏ: Điều nên làm khi bé quá bám mẹ
Sợ xa mẹ là điều không lạ trong tâm lý trẻ nhỏ, bạn nên giúp bé vượt qua nỗi sợ này trước khi bé đến tuổi đi học

Hình thành một quá trình chuyển tiếp
Nếu bạn ra khỏi nhà vào buổi tối, nên nhờ người trông trẻ đến sớm nửa tiếng. Bạn hãy dành khoảng nửa tiếng trước khi đi để cả bạn, bé và người trông trẻ có thể cùng làm chung một số hoạt động. Khi bé trông có vẻ vui vẻ cùng người giữ trẻ là lúc bạn có thể rút lui trong im lặng. Nếu như bé đem đến cho bạn một cuốn sách và muốn bạn đọc, bạn có thể hướng bé theo hướng khác bằng cách nói với bé: “Con có thấy là chị ấy muốn đọc sách cùng con không?” hay nếu như bé muốn được bế, hãy gợi ý rằng bé người giữ trẻ rất thích làm công việc này. Một điều bạn nên biết về tâm lý trẻ nhỏ là chỉ cần bố hoặc mẹ còn ở đó, bé sẽ không muốn gần người trông trẻ. Vì vậy, nếu có thể, hãy để bố của bé đóng vai trò chuyển tiếp. Như vậy, quá trình chuyển tiếp có thể diễn ra nhẹ nhàng hơn nếu như bố đóng vai trò là người trung gian khi mẹ rời đi, và ngược lại.

Hãy để bé học cách đối mặt
Không có ông bố bà mẹ nào lại muốn con mình có những nỗi buồn không đáng có, nhưng đối diện với sự xa cách là một trong những kỹ năng bé cần học trong cuộc sống. Nếu bạn đã thử mọi cách nhưng không hiệu quả, tốt nhất là không làm gì cả. Đây là lúc để bé hiểu rằng không phải lúc nào mọi người cũng có thể chiều theo ý bé. Bé phải học cách đối diện nó. Nếu như bé dính chặt vào bạn đến nỗi bạn không thể ra khỏi phòng mà không có sự phản kháng, việc bạn đáp ứng mọi yêu cầu của bé sẽ chỉ làm tình hình tệ thêm. Bé sẽ an toàn khi ở nhà, vì thế đừng quá lo lắng nếu bé có la khóc khi bạn rời đi. Trước khi rời khỏi, bạn nên cố gắng nói với bé bằng giọng điệu nhẹ nhàng nhưng chắc chắn rằng mọi thứ sẽ ổn và đừng nên cảm thấy tội lỗi khi để bé ở nhà.

Categories
Dạy con Nuôi dạy con

Tâm lý trẻ nhỏ: Tại sao bé sợ hãi?

Việc bé la khóc mỗi khi bạn rời khỏi phòng dù chỉ trong một phút, sợ sệt người lạ, hoặc bị giật mình bởi tiếng ồn lớn khiến bạn lo lắng. Thật ra, đây lại là dấu hiệu cho thấy tâm lý trẻ nhỏ đang phát triển đúng hướng. Sự lo lắng phải xa cách bố mẹ là bình thường và là một phần trong quá trình phát triển về nhận thức và tình cảm của một đứa trẻ.

Nhìn từ quan điểm của bé, thế giới bên ngoài thật rộng lớn, mới lạ và cũng thật đáng sợ. Mỗi bước đi chập chững của bé hướng tới sự độc lập cũng như đi kèm với nỗi lo sợ về những gì bé sắp gặp phải. Khi dần nhận thức nhiều hơn về thế giới xung quanh, bé sẽ phát hiện ra rằng có những thứ có thể sẽ không như ý bé: Chú mèo con hiền lành có thể đột nhiên cào bé trầy da, bạn hàng xóm giành mất đồ chơi của bé và cha mẹ đôi khi biến mất hàng giờ liền.

Khi suy nghĩ và tâm lý trẻ nhỏ trở nên phức tạp hơn, bé còn có thể tưởng tượng ra vô số kịch bản đáng sợ liên quan đến những đồ vật trong nhà. Bỗng nhiên bé thấy sợ tiếng máy hút bụi hay tiếng máy giặt hoạt động, chưa kể đến những con quái vật tưởng tượng dưới gầm giường hoặc trong kẹt tủ.

Tâm lý trẻ nhỏ: Tại sao bé sợ hãi?
Con bạn đột nhiên sợ những thứ trước đây vẫn là bình thường với bé? Thật ra, đó là một bước phát triển bình thường trong tâm lý trẻ nhỏ.

Bên cạnh đó, khi thích nghi hơn với môi trường xung quanh, tâm lý trẻ nhỏ nảy sinh phản ứng với những áp lực mà vài tháng trước bé hầu như không nhận ra. Kết quả là bé nảy sinh tâm lý không muốn ở một mình và không muốn rời xa ba mẹ dù chỉ giây lát.

Người lớn có thể lo lắng vì nhiều vấn đề khác nhau và trẻ nhỏ cũng thế. Khi đã phân biệt được những khuôn mặt quen và lạ, bé sẽ bắt đầu biết sợ người lạ cũng như bất kỳ đối tượng không thân quen nào khác. Tâm lý sợ xa bố mẹ thường xuất hiện từ tháng thứ 10 trở đi ở hầu hết các trẻ nhỏ.

Ngoài ra, bé con của bạn cũng có thể trở nên sợ hãi một đối tượng đặc biệt, chẳng hạn như côn trùng hoặc nước. Nếu bé đột nhiên sợ hãi con chó nhà hàng xóm trong khi trước đây vẫn bình thường với nó, sợ hãi có thể phát sinh từ một sự cố thực tế nào đó. Ví dụ như bé đã từng đụng phải một con chó đang gầm gừ giận dữ và hình ảnh này được lưu lại trong não bé một thời gian dài và gây ra những phản ứng sợ hãi như bạn đã thấy.

Không chỉ xuất phát từ trí tưởng tượng của bé, những nỗi sợ hãi còn có thể là do những nhân vật phản diện trong các câu chuyện cổ tích mà bé được nghe kể, ví dụ như con sói xấu xa trong chuyện “Ba chú heo con”.

Tất cả những lo lắng này là hoàn toàn bình thường đối với sự phát triển trong tâm lý trẻ nhỏ. Đa số các trường hợp sẽ biến mất khi bé lớn hơn và bắt đầu có thể kiểm soát cảm xúc của mình tốt hơn.

Categories
Dạy con Nuôi dạy con

Tâm lý trẻ nhỏ: Làm gì để giúp bé chiến thắng sự sợ hãi?

Giúp bé chiến đấu với ma quỷ
Các bé ở tuổi chập chững tập đi hiếm khi gặp ác mộng, nhưng nếu bé thức dậy giữa đêm vì một giấc mơ đang sợ nào đó, bạn nên vỗ về bé rằng đó chỉ là tưởng tượng thôi. Sau đó, bạn ở lại cho đến khi bé đủ bình tĩnh để ngủ lại. Nếu bé gặp cùng một cơn ác mộng nhiều lần, bạn cần dành thời gian nói chuyện với bé về cơn ác mộng đó vào sáng hôm sau, khi bé không còn phải lo ngại về bóng tối nữa.

Khi bé đã bình tĩnh hơn, bạn có thể giúp bé chiến thắng sự sợ hãi bằng cách gợi ý hướng giải quyết những tình huống bé có thể gặp phải trong mơ. Ví dụ, nếu một người đáng sợ đuổi theo bé, gợi ý bé xua chó đuổi người ấy đi. Còn nếu tâm lý trẻ nhỏ khiến bé tin rằng kẻ xấu có thể bay, đi xuyên qua các bức tường, bạn có thể thuyết phục rằng bé cũng có phép thuật để chống lại.

Trấn an bé với những câu chuyện thần tiên
Kể một câu chuyện có thể là cách tuyệt vời để giải thoát những điều đáng sợ khỏi tâm lý trẻ nhỏ. Ví dụ, khi bé đang co người vì sợ cơn bão ngoài cửa sổ, bạn có thể kể về một nhân vật nhân từ, người tạo ra tia chớp và sấm sét để trừng phạt kẻ xấu chẳng hạn.

Tâm lý trẻ nhỏ: Làm gì để giúp bé chiến thắng sự sợ hãi?
Có những nỗi sợ đối với người lớn là bình thường nhưng lại tạo ra sự mất ổn định trong tâm lý trẻ nhỏ

Khen ngợi bé
Tận dụng mọi cơ hội có thể để khen ngợi những điều bé làm được cũng là một cách hay để củng cố tâm lý trẻ nhỏ. Không bao giờ trêu chọc hay chế nhạo khi bé sợ vì làm như vậy sẽ càng ám ảnh bé thêm. Bạn cũng có thể giúp tăng sự tự tin bằng cách cho bé làm quen với các thử thách, ví dụ như nghịch nước ở bồn tắm. Dần dần bé sẽ cảm thấy đủ can đảm để đến hồ bơi cùng bạn.

Không đòi hỏi quá nhiều ở bé
Một số cha mẹ yêu cầu con cái phải độc lập trước khi các bé sẵn sàng, nhưng cách đó thường phản tác dụng. Nếu bạn gây sức ép để bé chơi những trò bé sợ tại sân chơi, điều này không tốt cho tâm lý trẻ nhỏ vì chỉ khiến bé cảm thấy xấu hổ về bản thân mình và bé sẽ càng sợ bạn bè cũng như cái cầu tuột. Mỗi bé đều cần được phát triển quyền tự chủ một cách tự nhiên theo tốc độ của riêng bé.

Người lớn cần làm gương cho bé
Tâm lý trẻ nhỏ sẽ bị ảnh hưởng từ cách cư xử của ba mẹ, ví dụ nếu bạn lo lắng với tiếng động lạ trong đêm, đi lòng vòng xung quanh trong khi bé chơi, tỏ ra quyến luyến mỗi khi chào tạm biệt, hệ quả là mỗi khi đối mặt với một thách thức, bé tin rằng phải có ai đó bên cạnh để bảo vệ bé. Ngược lại, nếu bạn tiếp cận tình huống với sự tự tin và bình tĩnh, bé sẽ dần dần học cách phản ứng giống như vậy.

Nỗi sợ hãi chỉ đáng bận tâm nếu chúng làm bé bất an, gián đoạn giấc ngủ hoặc làm bé không còn tự nhiên chơi đùa như trước. Nếu sự trấn an nhẹ nhàng của bạn không khiến bé bớt lo lắng, bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ.

Categories
Dạy con Nuôi dạy con

Tâm lý trẻ nhỏ: Bí quyết vượt qua nỗi sợ hãi khi xa mẹ

Cho bé làm quen với sự vắng mặt của mẹ
Tâm lý trẻ nhỏ nhìn chung đều sợ phải xa người thân, đặc biệt là mẹ của bé. Bạn có thể giúp bé làm quen với sự vắng mặt của bạn qua những trò chơi nhỏ. Khi tâm trạng của bé thoải mái, đặt đồng hồ báo thức trong một phút, đưa đồng hồ cho bé giữ và ra khỏi phòng. Sau đó xuất hiện trở lại ngay sau khi chuông reo. Bạn có thể đổi vai: bạn là người ở lại còn bé ra khỏi phòng.

Khi bé tự tin hơn, từ từ kéo dài thời gian bạn phải ra ngoài. Bài tập này giúp bé hiểu trình tự: Bạn ra đi, thời gian trôi qua, và bạn trở lại. Bé sẽ cảm thấy thoải mái hơn nhiều khi biết trước những điều sắp xảy ra.

Nói lời tạm biệt
Nhiều bậc cha mẹ tìm cách lẻn ra ngoài khi bé lơ đãng vì sợ thấy bé khóc, điều này chỉ làm cho bé bám bạn nhiều hơn vì bé không biết bao giờ bạn sẽ lại lẻn đi như thế.

Thay vào đó, bạn nên cho bé một khoảng thời gian để dịu dần, sau đó nhanh chóng và vui vẻ chào bé với một lời nói yêu thương: “Mẹ sẽ nhớ con rất nhiều”. Cũng đừng quên báo cho bé thời gian bạn sẽ quay lại: “Mẹ phải đi bây giờ, nhưng mẹ sẽ về sau khi con ăn và ngủ trưa”.

Cho bé một vật thay thế bạn
Một trong các cách ổn định tâm lý trẻ nhỏ khá hiệu quả là đưa cho bé con búp bê, thú nhồi bông hay một vật gì đó dễ thương có thể xoa dịu bé khi bạn ra ngoài ban ngày và khi bé ngủ một mình ban đêm. Những điều xấu xa sẽ ít đáng sợ hơn một chút mỗi khi bé nắm chặt đồ vật này trong tay.

Giảm bớt nỗi sợ hãi khi đi ngủ
Nếu bé lo lắng về con quái vật đang trốn dưới gầm giường, bạn cần cam đoan rằng sẽ giữ những con vật hung dữ đó tránh xa con. Bạn cũng nên làm cho căn phòng của bé ấm cúng, thoải mái, tốt nhất là thắp sáng căn phòng để không có những con quái vật tưởng tượng ở các góc khuất. Bạn có thể dán một mẩu giấy vui trên cánh cửa tủ quần áo: “Không cho phép quái vật vào đây”. Đây là những cách đơn giản để ổn định tâm lý trẻ nhỏ.

Tâm lý trẻ nhỏ: Bí quyết vượt qua nỗi sợ hãi khi xa mẹ
Sợ bóng tối, sợ ác mộng hay quái vật là những điều bình thường trong tâm lý trẻ nhỏ nên ba mẹ không cần lo lắng mà nên nhẹ nhàng trấn an bé

Cố gắng không cho trẻ xem chương trình, phim ảnh hoặc sách đáng sợ vì chúng sẽ chỉ làm tâm lý trẻ nhỏ thiếu ổn định hơn trước khi đi ngủ. Cuối cùng, bạn cần thiết lập một lịch trình việc cần làm trước khi đi ngủ và tuân thủ nó, ví dụ như tắm, kể chuyện và nói chuyện âu yếm trước khi tắt đèn. Để giúp bé ngủ thoải mái, ba mẹ cần cố gắng giữ cho buổi tối thật yên tĩnh.