Categories
Dạy con Nuôi dạy con

Dạy con ngoan biết nghe lời cha mẹ

Theo Thạc sĩ Phạm Thị Thúy thì phần lớn nguyên nhân khiến trẻ không nghe lời là từ phía cha mẹ.

1.Cha mẹ áp đặt:
Cha mẹ luôn mong những điều tốt đẹp nhất cho con mình, vì thế nhiều bậc cha mẹ luôn đưa ra những thứ mình muốn con làm theo mà không hề quan tâm đến cảm xúc của trẻ. Những việc làm độc đoán, bắt buộc của bố mẹ không những khiến trẻ không nghe lời mà có khi cón có những việc làm chống đối.

Giải pháp: Thường xuyên trò chuyện, cho con bày tỏ ý kiến của mình và tỏ thái độ tôn trọng ý kiến của con sẽ giúp trẻ tin cậy cha mẹ hơn. Cha mẹ hãy trở thành người tư vấn cho con, hướng con theo hướng tích cực có tác động tới trẻ hiệu quả hơn vì trẻ không có cảm giác bị ép buộc mà mình có quyền lựa chọn. Khi trẻ thấy được tôn trọng và hiểu cha mẹ muốn tốt cho mình thì chắc chắn sẽ nghe lời cha mẹ hoàn toàn.

Dạy con ngoan biết nghe lời cha mẹ
Thường xuyên trò chuyện, cho con bày tỏ ý kiến của mình

2.Cha mẹ thiếu quan tâm:
Quá nhiều công việc khiến cha mẹ không có nhiều thời gian dành cho trẻ. Nhiều trẻ cho rằng cha mẹ không hề thương yêu mình nên không muốn hợp tác với cha mẹ. Một số trường hợp trẻ cố tình không nghe lời, quậy phá vì muốn cha mẹ quan tâm đến mình nhiều hơn.

Giải pháp: Dù bận rộn đến mấy, các bậc cha mẹ hãy cố gắng sắp xếp công việc ổn định để dành nhiều thời gian cho con, khích lệ động viên tinh thần khi con làm tốt công việc được giao. Biện pháp này sẽ khiến trẻ hăng hái khi được cha mẹ giao việc.

3.Thiếu sự công bằng:
Trong gia đình có hai con trở lên, sự thiếu công bằng trong việc cha mẹ đối xử giữa các con là điều không thể tránh khỏi. Quan niệm anh, chị phải nhường cho em đôi khi khiến trẻ cảm thấy thiếu công bằng. Dù là anh, chị nhưng trẻ cũng chỉ là đứa trẻ chưa chúng cũng chưa thể ý thức được hết trách nhiệm của mình.

Giải pháp: Để dạy con ngoan, cha mẹ nên khéo léo trong việc phân chia quyền lợi cũng như trách nhiệm giữa các con thật công bằng, không thiên vị giữa trẻ lớn, trẻ nhỏ với nhau. Vì điều này sẽ làm trẻ không phục cha mẹ. Phân chia rõ trách nhiệm và quyền lợi của các thành viên trong gia đình, giải thích rõ cho trẻ để trẻ hiểu mình được đối xử công bằng sẽ khiến trẻ “tâm phục” và nghe lời cha mẹ hơn.

4.Cha mẹ mất uy tín:
Nhiều lần cha mẹ thất hứa với con vì nhiều ký do như nhau: “Tại bố bận quá!”, “Tại mẹ quên!”…, sẽ khiến trẻ thất vọng, mất dần niềm tin vào cha mẹ.

Giải pháp: Để trẻ nghe lời, đầu tiên cha mẹ phải là tấm gương tốt để cho trẻ noi theo. Nên tránh xung đột cãi vã, không hạ thấp uy tín của nhau trước mặt con bởi những hành động này có tác hại rất lớn tới suy nghĩ của trẻ. Bất cứ điều gì cha mẹ đã hứa với trẻ thì nên cố thực hiện, nếu không làm được thì không nên hứa vì người trẻ tin tưởng đầu tiên là cha mẹ, trẻ sẽ không nghe lời người mình không tin tưởng.

5.Trẻ có vấn đề về sức khỏe, tâm lý:
Trẻ bị cô giáo mắng, bị bạn bắt nạt ở trường hay đang có vấn đề về tâm lý thường không nghe lời cha mẹ.

Giải pháp: Đối với trường hợp này cha mẹ nên tìm hiểu nguyên nhân từ đâu. Hãy quan sát, hỏi han để trẻ cảm thấy tin tưởng và bày tỏ những khúc mắc của mình. Khi đã biết rõ nguyên nhân, cha mẹ nên hướng dẫn trẻ ứng phó với những cảm xúc tiêu cực ấy. Hãy cho trẻ được thoải mái bộc lộ cảm xúc là cách tốt nhất để trẻ giải tỏa bớt căng thẳng từ đó có tâm lý thoải mái và ổn định hơn.

6.Trẻ hiểu sai về quyền trẻ em:
Trẻ em ngoài những quyền lợi được pháp luật bảo vệ ra còn có một số trách nhiệm phải làm. Vì thế để dạy con ngoan cha mẹ nên tìm hiểu và giải thích cho trẻ hiểu cả quyền lợi và trách nhiệm của trẻ. Dù trách nhiệm của trẻ em không lớn lắm nhưng cần tạo cho trẻ thói quen sống có trách nhiệm từ những công việc nhỏ như làm việc nhà, việc học hành, việc đối xử lễ phép với người lớn,… Khi hiểu rõ về quyền lợi và trách nhiệm của mình thì trẻ sẽ tự giác vâng lời cha mẹ hơn.

Giải pháp: Để trẻ biết nghe lời và lắng nghe những điều bạn nói, trước hết bạn phải là người biết lắng nghe trẻ. Ngoài ra, người lớn trong gia đình phải thống nhất trong việc giáo dục trẻ, tránh tình trạng người này nghiêm khắc người kia nuông chiều.

Để trẻ biết nghe lời không khó, chỉ cần bạn bình tĩnh tìm ra giải pháp thì trẻ bường bỉnh, khó bảo bao nhiêu cũng sẽ ngoan ngoãn hơn.

Hiểu Minh

Categories
Dạy con Nuôi dạy con

Bé 27 tháng tuổi: Có thích hợp học tiếng Anh

Bé 2 tuổi đã có thể làm quen với tiếng Anh?
Đây là thời điểm bé bắt đầu quen với tiếng mẹ đẻ, có thể bạn sẽ tự hỏi liệu có nên cho bé tiếp xúc với các loại ngôn ngữ khác, điển hình là tiếng Anh hay không. Những năm đầu đời là thời điểm trẻ nhỏ dễ dàng học ngôn ngữ mới bởi lúc này não bộ rất nhạy trong việc ghi nhớ.

Những bé sinh trưởng và phát triển trong gia đình nói hai thứ tiếng có thể có lượng từ vựng ít hơn ở mỗi ngôn ngữ, nhưng tổng số lượng từ mà bé biết lại bằng với số lượng từ mà một bé khác cùng tuổi chỉ nói tiếng mẹ đẻ sử dụng. Khả năng nói cùng lúc hai ngôn ngữ sẽ đem lại nhiều lợi ích về lâu dài cho bé.

Cách bắt đầu tốt nhất trong việc học ngoại ngữ đối với các bé 2 tuổi là tạo môi trường cho bé được tiếp xúc và giao tiếp với người bản xứ. Việc luyện nghe qua băng đĩa hay đến các lớp học tiếng Anh thiếu nhi sẽ ít mang lại hiệu quả, bởi việc lặp đi lặp lại các câu nói trong tình huống giao tiếp hàng ngày sẽ giúp kích thích não bộ phát triển nhất. Con bạn sẽ có khả năng giao tiếp bằng ngôn ngữ thứ hai một cách thành thục nếu bé liên tục tiếp xúc với nó cho đến khi trưởng thành.

Nếu bé 2 tuổi chỉ duy trì việc học tiếng Anh tới khi 4 tuổi, bé khó có thể thành thạo ngoại ngữ vào năm 18 tuổi. Tuy nhiên, cho dù bé không thể giao tiếp trôi chảy, việc cho bé học tiếng Anh hay bất cứ ngoại ngữ nào khác trong những năm đầu đời vẫn để lại cho bé một nền tảng có thể giúp bé học lại ngôn ngữ đó nhanh hơn những người mới bắt đầu.

Nếu bạn có ý định cho bé 2 tuổi nhà mình tiếp xúc với một ngôn ngữ khác ngoài tiếng mẹ đẻ, ngay lúc này nên tìm kiếm những cuốn sách song ngữ nổi tiếng dành cho trẻ em để khuyến khích bé đọc.

Bé 2 tuổi: Có thích hợp học tiếng Anh khi 27 tháng
Các bé 2 tuổi có khả năng ghi nhớ và tiếp thu ngôn ngữ mới rất nhanh

Cuộc sống riêng của mẹ

Một ngày nào đó, vợ chồng bạn sẽ nhận ra rằng những cuộc trò chuyện giữa hai người hầu như chỉ xoay quanh các vấn đề về… bé 2 tuổi. Sao bạn không thử khởi động ngày mới của bạn bằng việc có một bữa ăn cùng với các cô bạn gái hay người bạn đời của bạn mà không có sự hiện diện của trẻ con, nghĩa là không dắt bé theo và cũng không nói chuyện về bé. Bạn cũng có thể tham gia một khóa học hoặc gia nhập vào một câu lạc bộ nào đó.

Categories
Dạy con Nuôi dạy con

Bí quyết dạy con tự làm vệ sinh cá nhân

Rất nhiều bé ỷ lại vào cha mẹ, thậm chí còn tỏ ra “thù ghét” những việc làm vệ sinh cá nhân. Làm sao để bé tự giác thực hiện mà không cảm thấy khó chịu?

1.    Vừa hướng dẫn vừa tham gia cùng bé:
Đầu tiên, hãy sắp xếp một thời gian biểu cụ thể để những việc làm vệ sinh cá nhân trở thành thói quen của bé. Ví dụ: đánh răng, rửa mặt trước và sau khi đi ngủ, rửa tay trước khi ăn, vệ sinh sau khi đi bô,…Trong thời gian để bé làm quen với thời gian biểu này, cha mẹ trực tiếp làm vệ sinh giúp bé.

Khi bé đã bắt đầu hình thành thói quen vệ sinh cá nhân bạn hãy vừa giúp con, vừa hướng dẫn tỉ mỉ cách làm cho con, nói với con về ý nghĩa của việc vệ sinh. Sau đó để bé dần dần tự thực hành từng việc một. Khi bé hiểu rõ về cách làm và ý nghĩa của việc mình đang làm sẽ khiến các bé cảm thấy không bỡ ngỡ.

Trước khi tập cho bé thói quen tự vệ sinh bạn nên chuẩn bị đầy đủ các vật dụng cần thiết cho bé như: chậu rửa mặt, khăn mặt, xà phòng, bông ngoáy tai, lược… Nên chọn các đồ vật xinh xắn, đáng yêu để bé cảm thấy thích thú.

Trong quá trình để bé tự thực hiện các việc bạn nên quan sát và kiểm tra thường xuyên. Việc này giúp bạn đánh giá chính xác điều nào bé đã làm được, điều nào chưa được.

dạy con tự làm vệ sinh cá nhân
Ba mẹ nên tập cho bé thói quen làm vệ sinh cá nhân từ nhỏ


2.    Tạo hứng thú cho bé:
Đừng để những việc làm vệ sinh cá nhân trở thành “cơn ác mộng” với con trẻ mà hãy tạo cho bé sự thích thú khi tự làm vệ sinh. Cha mẹ có thể khuyến khích để bé vừa hát vừa múa mỗi khi rửa tay, chân hoặc mở băng đĩa có các bài hát thiếu nhi vui nhộn khi bé tắm… Những điều này sẽ khiến con bạn vui vẻ hơn, và mang đến cảm giác như bé đang tham gia vào một trò chơi thú vị nào đó.

Ngoài ra, cha mẹ cũng thông qua các trò chơi để hướng dẫn con vệ sinh cá nhân như: trò chơi nấu ăn và sau đó ăn cơm. Trước khi ăn, các bạn cùng chơi cần rửa tay sạch sẽ bằng xà phòng.

3.    Không cáu gắt hay quát mắng:
Cha mẹ cần nhẹ nhàng khuyến khích và hướng dẫn bé từng chút một, không nên nóng vội. Vì việc giáo dục vệ sinh cá nhân cho con trẻ phải phù hợp với từng lứa tuổi.

Nếu thấy con làm tốt việc vệ sinh cá nhân thì cha mẹ nên khen ngợi để bé cảm thấy tự tin hơn và hứng thú hơn. Khi thấy bé chưa tự làm được, thì bạn cũng tuyệt đối không la mắng hay tỏ thái độ không vừa lòng với bé, mà nhẹ nhàng hướng dẫn cho bé làm lại từ đầu.

4.    Cha mẹ làm gương:
Các bé thường có xu hướng bắt chước theo hành vi của người lớn, đặc biệt là cha mẹ. Vì vậy, cách dạy dỗ con cái tốt nhất là cha mẹ hãy làm gương. Hãy cùng con đánh răng vào mỗi buổi tối và sáng. Vừa đánh răng, bạn vừa hướng dẫn bé cách chải răng đúng cách và để bé làm theo.

TT

Categories
Dạy con Nuôi dạy con

Rèn luyện tính ngăn nắp và vệ sinh cho con

Nếu bé của bạn rất lộn xộn, cẩu thả khi ở nhà, lục tung sách vở tìm kiếm đồ đạc trước khi đến trường hoặc “vô tư vấy bẩn” khi chơi đùa cùng bạn ở trường học. Bé về đến nhà, mồ hôi nhễ nhại, và với đôi tay lấm lem bùn đất đã vội bốc ngay dĩa trái cây mẹ chuẩn bị sẵn nhâm nhi.

Nếu bạn chấp nhận những việc đó lặp đi lặp lại mỗi ngày vì nghĩ “trẻ con vốn ngây thơ” hoặc “lớn lên sẽ tự biết” thì đã đến lúc bạn nên thay đổi quan điểm. Chỉ bởi đơn giản, sự bừa bộn, lộn xộn của trẻ phản ánh một óc tổ chức, sắp xếp kém và khiến bé tốn nhiều thời gian hơn khi tìm kiếm đồ vật.

Sự lộn xộn không chỉ đến từ nếp sinh hoạt mà có thể kéo theo việc bé “rối tung” lên khi xử lý công việc sau này khi lớn lên. Còn hệ lụy bệnh tật từ việc nhiễm khuẩn, không giữ gìn vệ sinh sạch sẽ thì có lẽ là vấn đề ai cũng biết.

Nhưng làm thế nào để rèn luyện tính ngăn nắp và giữ gìn vệ sinh ngay từ khi trẻ còn rất nhỏ? Một vài phương pháp gợi ý sau đây sẽ giúp các bố mẹ trẻ có thêm lựa chọn trong cách dạy con.

Xây từ nếp nhà
Cách sống, nếp sinh hoạt của ba mẹ có tầm ảnh hưởng rất lớn đến con. Trẻ chỉ đơn giản nhìn theo và ghi nhận thông tin, vô thức dần hình thành ý thức và trẻ làm theo một cách tự nhiên. Nếu muốn trẻ gọn gàng, ngăn nắp, cha mẹ trước hết phải gọn gàng, ngăn nắp trong sắp xếp nhà cửa, đồ đạc.

Chẳng hạn, bạn muốn bé chén ăn xong phải rửa, úp vào chạn, lấy đồ vật dùng phải để lại vị trí cũ thì bạn hãy nói rõ với bé điều ấy và tuyệt đối làm theo, không có ngoại lệ. Nếu bé làm sai, bạn đừng sửa lỗi giúp bé mà hãy bảo bé phải hoàn thành nốt việc ấy.

Đối với việc giữ gìn vệ sinh cũng vậy, bạn hãy luôn đặt ra những câu “nếu thì” đơn giản như: “Nếu chưa rửa tay thì chưa được ăn”, “Nếu quần áo chưa gấp thì chưa được đi chơi”… Và quan trọng là bạn hãy để bé tự làm mọi việc và chỉ thẩm định kết quả cuối cùng.

Bé sẽ nhận ra rằng, nếu bé chỉ làm một cách qua loa, cẩu thả thì sẽ phải làm lại, mất nhiều công sức và thời gian hơn. Từ đó, bé sẽ dần dần hình thành ý thức làm mọi thứ tốt ngay lần đầu tiên, nhanh chóng và sử dụng thời gian hợp lý cho những việc khác.

Dạy con ngoan: Rèn luyện tính ngăn nắp và giữ gìn vệ sinh cá nhân cho trẻ
Muốn dạy con ngoan, bên cạnh kỷ luật cũng cần những lời khen tặng

Tiếng “Không” đi kèm với lời giải thích
“Chiều con đúng mực” là lời khuyên không bao giờ lỗi thời với các bậc cha mẹ. Một khi bạn đã buông tiếng “Không” với những vòi vĩnh hay yêu cầu ngoại lệ của trẻ, hãy xem đó như là quyết định cuối cùng và kèm theo giải thích vì sao bé không được làm như vậy. Nên nhớ đó phải là lời giải thích chứ không phải là sự áp đặt bởi quyền hành của cha mẹ.

Nếu bé khóc, mè nheo, ăn vạ, bạn hãy tạm lờ bé đi để bé tự bình tâm lại. Những lời âu yếm, yêu thương, dỗ dành nên để vào một lúc khác. Khi bé thấy “vũ khí ăn vạ” đã bị vô hiệu hóa, bé sẽ ngưng khóc và suy nghĩ phải làm thế nào cho đúng.

Bạn và bé có thể chơi trò “nghiên cứu khoa học” tìm hiểu cách vi khuẩn sinh sôi và tấn công vào cơ thể người gây bệnh như thế nào. Giảng giải một cách dễ hiểu nhất về cách phòng ngừa bệnh, tầm quan trọng của việc vệ sinh sạch sẽ.

Nếu bé được tiếp nhận thông tin một cách tự nhiên lặp đi lặp lại, hiểu và chứng kiến việc làm của cha mẹ, bé cũng sẽ rèn luyện được tính vệ sinh và ngăn nắp cho mình.

Hương Thủy

Categories
Dạy con Nuôi dạy con

Giúp trẻ phát triển tối ưu trí thông minh tiềm ẩn

Theo Thomas Armstrong, tác giả cuốn “7 loại hình thông minh”, con người có ít nhất 7 loại trí thông minh khác nhau. Mỗi người có thể trội ở trí thông minh này, nhưng lại kém ở trí thông minh khác, hoặc đồng đều ở nhiều loại thông minh khác nhau. Bạn hãy bỏ thời gian quan sát  con mình và xem trẻ nổi trội ở trí thông minh nào nhé:

1.Trí thông minh về ngôn ngữ
Đối với trẻ có năng khiếu này, niềm say mê được viết, được đọc sách và kể chuyện hiện rõ trên nét mặt. Trẻ sẽ rất cân nhắc trong từng lời ăn tiếng nói của mình, cũng như hay suy nghĩ về những lời nói của người khác. Đây là kiểu thông minh có ở nhiều người nhất, và thể hiện rõ ràng ở các nhà văn, nhà thơ, phóng viên, biên tập viên hay các diễn giả,… Tài năng về từ ngữ là dấu hiệu cho thấy trẻ sau này có thể trở thành luật gia, nhà soạn kịch, thi sĩ hay nhà hùng biện.

Để phát triển sự thông minh này, bạn nên khuyến khích trẻ viết nhiều, đọc nhiều, kể chuyện hoặc chơi ô chữ cùng trẻ. Hãy cùng đọc sách với trẻ, lắng nghe trẻ một cách chăm chú về những câu hỏi, mối bận tâm, những trải nghiệm của trẻ. Khuyến khích trẻ kể cho bạn nghe những câu chuyện mà chúng vừa đọc, tạo cơ hội cho trẻ được đến các thư viện công cộng hoặc các nhà sách.

2.Trí thông minh về logic
Nếu con bạn ưa thích những con số, mô hình, các trò chơi chiến lược và thích làm thí nghiệm, ắt hẳn trẻ thuộc nhóm có năng khiếu trong lĩnh vực logic, toán học. Đây là một loại năng khiếu thông minh “rất thông minh” không phải trẻ nào cũng có. Bạn hãy tự hào về những gì mà trẻ sẽ đạt được ở lĩnh vực khoa học tự nhiên và đừng đắn đo, ngăn cản khi sau này trẻ chọn con đường này vì đó là một con đường bằng phẳng đối với trẻ.

Hãy giúp trẻ phát triển bằng những bài toán, những con số và những trò chơi đòi hỏi sự logic như xếp tranh, lắp ráp, cùng chơi các loại cờ với trẻ như cờ vua, cờ caro, cờ tướng,… hoặc  từ chính những công việc nhỏ lặt vặt trong nhà như tạo ra các màu sơn mới bằng cách trộn các màu sơn có sẵn, yêu cầu con bạn giúp bạn xếp đặt bàn ăn, sắp xếp quần áo hoặc sắp xếp ngăn bàn,…

Giúp trẻ phát triển tối ưu trí thông minh tiềm ẩn

3.Trí thông minh về không gian
Nếu trẻ luôn miệt mài quan sát, so sánh giữa những vật thể với nhau hay mơ mộng và thích thú vẽ tranh, nặn tượng; hoặc nếu trẻ là một người rất nhạy bén với chất liệu, màu sắc, hình khối,… và luôn bị trò chơi ghép, xếp hình hoặc thú vẽ tranh lôi cuốn thì trẻ có khả năng có trí thông minh nổi trội về không gian. Đây là dấu hiệu cho biết tương lai của trẻ được định dạng trong các lĩnh vực kiến trúc, hội hoạ hoặc thiết kế thời trang.

Bạn hãy khuyến khích trẻ chơi các trò chơi nói trên, mua cho trẻ các trò chơi sắp xếp hình khối, nhà cửa,… để giúp trẻ phát huy trí thông minh này.

4.Trí thông minh vận động
Trẻ có năng khiếu trong lĩnh vực này thường biết cách phối hợp cơ bắp tốt, có thiên hướng học tập thông qua cách vận động và sử dụng động tác, cảm thấy thích thú khi vận động cơ thể. Đa phần những trẻ mang năng khiếu này thường rất nhanh nhẹn, dẻo dai, ưa vận động và thích chơi thể thao. Ngoài ra, nó còn biểu hiện thông qua sự khéo léo, tỉ mỉ trong các hoạt động thường nhật. Đây sẽ là những vận động viên, nghệ sĩ múa, diễn viên, người mẫu,… trong tương lai.

Hãy giúp trẻ phát triển bằng cách tạo mọi điều kiện cho trẻ được thỏa sức hoạt động. Bạn đừng quá lo ngại nếu trẻ cứ mải miết ở ngoài nắng mặc cho mồ hôi đầm đìa hay khi trẻ quá chú tâm, tỉ mỉ cắt tỉa từng mảnh giấy, mảnh vải,… vì đó là lúc năng khiếu trong trẻ đang được thỏa mãn và phát triển đấy.

5.Trí thông minh âm nhạc
Bạn hãy thử quan sát xem trẻ nhà bạn có hay hát và hát đúng theo những giai điệu mà trẻ vẫn thường hay nghe không? Trẻ có cảm thụ được bài hát hay có được tâm trạng mà bài hát mang lại dù cho chưa hiểu được nội dung bài hát không? Nếu câu trả lời là có, đồng nghĩa với việc trẻ là một người nhạy cảm và đặc biệt là tai phát triển tốt. Có khả năng cảm nhận độ cao thấp, nhịp điệu, âm sắc, nói chung là các kiểu âm thanh. Những người có trí thông minh này có thiên hướng học tập thông qua các giai điệu, âm nhạc, thích chơi nhạc cụ, hát, đọc truyền cảm các tác phẩm,…

Giúp trẻ phát triển tối ưu trí thông minh tiềm ẩn

Điều này sẽ rất phù hợp nếu bạn cho trẻ tham gia sinh hoạt tại các nhà văn hóa, các khóa học thanh nhạc, học chơi nhạc cụ. Bạn có thể nghĩ đến việc trẻ sẽ trở thành một ca sĩ, một nhạc công, một giáo viên thanh nhạc, một nhà soạn nhạc chẳng hạn. Trẻ sẽ rất thích hợp với những ngành nghề liên quan đến nghệ thuật.

6.Trí thông minh xã hội
Trẻ có năng khiếu này rất dễ tiếp xúc giao lưu với người khác. Trí thông mình này còn thể hiện ở việc trẻ có khiếu lãnh đạo bẩm sinh, trẻ giao tiếp tốt, thích gặp gỡ, trò chuyện và biết thấu hiểu người khác. Nhờ thế trẻ có thể trở thành những nhà quản lý, thầy giáo, bác sĩ giỏi hoặc những nhà lãnh đạo trong tương lai.

Để rèn luyện kiểu thông minh này, bạn nên tạo điều kiện cho trẻ được giao lưu, tiếp xúc nhiều với môi trường bên ngoài, đặc biệt là những nơi đông người, khuyến khích trẻ chơi những trò chơi tập thể, các hoạt động nhóm.

7.Trí thông minh nội tâm
Trí thông minh nội tâm là khả năng hiểu được bản thân một cách sâu sắc, và cũng như những suy nghĩ và cảm xúc của chính mình. Nó giúp trẻ phân tích và làm chủ được những phẩm chất, hành vi của mình. Trẻ có trí thông minh này thường có tính trầm, trẻ có năng khiếu thông hiểu nội tâm người khác. Khi lớn lên, trẻ có thể trở thành chuyên gia tâm thần học, nhà tư vấn, triết gia, hoặc bác sĩ.

Vì thế, bạn hãy dành nhiều thời gian tâm sự với trẻ, giáo dục trẻ thông qua những câu chuyện và nên cận trọng vì những trẻ này rất dễ bị tổn thương và ảnh hưởng mạnh đến tâm lý của trẻ.

Lâm Sơn Vương

Categories
Sơ cấp cứu Nuôi dạy con

Cách sơ cấp cứu những tai nạn thường gặp ở trẻ nhỏ

1. Sơ cấp cứu khi bé nghẹn, hóc vật lạ:
Nuốt phải những vật lạ là tai nạn thường gặp ở các bé dưới 2 tuổi, do các bé còn quá nhỏ và vẫn còn thói quen bỏ vào miệng bất cứ thứ gì. Ngoài ra, ở độ tuổi này các bé cũng dễ bị sặc đồ ăn, thức uống trong khi đang khóc. Thông thường, cha mẹ lấy tay vuốt lưng hay ngực bé để dị vật trong cổ họng “xuôi xuống”, nhưng thực tế động tác này không có tác dụng giúp thức ăn hay dị vật đi xuống.

Cách sơ cấp cứu tốt nhất cho bé lúc này là cha mẹ nên đặt bé nằm sấp trên đùi bạn, đầu chúi về phía trước, thấp hơn phần thân, dùng tay chụm lại và vỗ nhẹ vào lưng bé. Với những bé lớn trên 3 tuổi, bạn có thể yêu cầu bé đứng chúi đầu xuống đất, phần đầu thấp hơn ngực, rồi lấy tay vỗ vào giữa hai xương bả vai của con khoảng 5-7 cái với động tác dứt khoát.

Cách sơ cấp cứu thứ hai với tai nạn hóc dị vật này là: Đặt bé nằm ngửa, đầu hơi ngửa ra đằng sau, lưng dựa vào người bạn, dùng hai ngón tay ấn vào khoảng giữa rốn và phần cuối xương sườn khi ấn phải chú ý ấn vào bên trong và hơi đưa lên trên, động tác phải dứt khoát, nhanh và mạnh. Với những bé lớn có thể nắm lại thành quả đấm (ngón cái nằm trong) rồi cũng ấn mạnh vào khoảng giữa rốn và phần cuối xương sườn của bé, hướng lên trên.

Nếu với 2 cách làm trên vẫn không giúp bé đẩy vật là ra ngoài, tốt nhất cha mẹ nên đưa bé đến các cơ sở y tế gần nhất.

sơ cấp cứu
Sơ cấp cứu đúng cách, việc chữa lành vết thương sẽ dễ dàng hơn

2. Sơ cấp cứu khi bé bị bỏng:
Với bản tính hiếu động, tò mò, thích khám phá mọi thứ xung quanh, nên bị bỏng là tai nạn các bé rất dễ gặp phải.

Nếu con bạn bị bỏng do nước sôi, nước canh nóng hay chạm phải bô xe máy, trước tiên cần làm mát vết bỏng trong nước lạnh. Nhẹ nhàng ngâm chỗ vết thương của bé trong chậu nước sạch, hoặc mở vòi nước để xả nhẹ lên vết bỏng. Ngâm vết thương trong nước lạnh ít nhất 10 phút, điều này sẽ giúp bé giảm đau và sưng phồng.

Nếu bị bỏng do hóa chất thì khi xối nước cần cẩn thận để tránh dây ra các vị trí khác không bị bỏng.

Sau khi ngâm vết bỏng trong nước lạnh, hãy băng vết thương lại cho bé bằng miếng vải sạch không nhiều sợi lông. Tuy nhiên, nếu vết bỏng nặng hoặc to hơn bàn tay thì phải đưa trẻ đến bệnh viện.

3. Sơ cấp cứu khi bé bị điện giật:
Với tai nạn này, cha mẹ cần hết sức bình tĩnh để xử trí, nếu bạn luống cuống có thể sẽ khiến cả bé và chính bản thân mình gặp nguy hiểm.

Không được chạm trực tiếp vào người bé nếu bé vẫn còn trong nguồn điện. Trước tiên, hãy cắt ngay nguồn điện nếu có thể. Nếu không hãy tìm cách lấy nguồn điện ra khỏi người bé. Để làm điều này, bạn phải đứng trên vật liệu cách điện khô, như quyển danh bạ điện thoại, và dùng thứ gì đó bằng vật liệu không dẫn điện như: nhựa, gỗ, vải khô để tách bé và nguồn điện.

Kiểm tra hơi thở của bé, để bé nằm nghiêng qua một bên, co một đầu gối lên, hạ đầu bé xuống để bé không nuốt phải nước dãi chảy ra. Đỡ cổ bằng một cái gối. Với trẻ sơ sinh, bế trong tay, đỡ đầu và hướng mặt xuống để tránh bị nghẹn. Tư thế này giúp bé thở dễ dàng hơn và không bị nghẹn. Sau khi sơ cấp cứu, nhanh chóng đưa bé đến ngay cơ sở y tế.

4. Sơ cấp cứu khi bé chảy máu cam:
Khi con bạn đột nhiên bị chảy máu cam, đầu tiên hãy cho bé ngồi xuống và hơi ngửa đầu về phía sau để ngăn máu không tiếp tục chảy xuống mũi. Lấy tay bịt mũi của bé lại trong 10 phút, yêu cầu bé không thở bằng mũi mà thờ bằng miệng. Nếu máu vẫn không ngừng chảy bạn để bé tiếp tục động tác bịt mũi, thờ bằng miệng như vừa rồi thêm 2 lần nữa.

Khi thấy máu ngừng chảy, lấy khăn hoặc giấy ướt lau sạch mũi cho bé. Hạn chế không cho bé nói chuyện, chạy nhảy hay khụt khịt mũi bởi nó có thể làm vỡ mạch máu đã lành trong mũi và lại gây chảy máu.

Lưu ý không để bé ngửa hẳn cả đầu ra sau bởi máu sẽ có thể chảy ngược vào cổ họng gây khó chịu. Sau hơn 30 phút, máu cam vẫn tiếp tục chảy, ngay lập tức đưa bé đến gặp bác sĩ để điều trị.

5. Sơ cấp cứu khi bé bị các vật sắc nhọn đâm:
Những đồ vật, dụng cụ gia dụng hàng ngày như: dao, kéo, đinh,…rất có thể là “thủ phạm” gây ra tai nạn cho các bé.

Khi thấy bé gặp phải tai nạn này, cha mẹ tuyệt đối không tìm mọi cách để lấy vật sắc nhọn đã cắm sâu ra khỏi vết thương. Trước tiên hãy rửa sạch và sát trùng vết thương cho bé bằng oxy già hoặc nước muối, và băng cố định dị vật tại chỗ bằng khăn xô đủ chặt để cầm máu. Nếu vết thương rất sâu và chảy nhiều máu, sau khi sơ cấp cứu phải đưa ngay trẻ đến cơ sở y tế gần nhất.

Đặc biệt, khi các vật gây thương tích có dính bùn đất, hoặc gỉ sét có thể gây uốn ván và các nhiễm trùng nặng khác, nên đưa bé đi tiêm phòng.

TT

Categories
Dạy con Nuôi dạy con

Những trò chơi giáo dục tại nhà cho bé

Bạn cần xem xét và lựa chọn các trò chơi giáo dục cho phù hơp với tâm trạng của con bạn. Do trẻ có sự hạn chế về khả năng tiếp thu nhất định ở từng độ tuổi, bạn cần tránh việc học nhồi nhét thiếu hiệu quả mà nên chia thời lượng phù hợp với các lĩnh vực, vì mục đích chính khi này là dạy cho con bạn khám phá thế giới qua những trò chơi đơn giản.

Thể chất
Tập làm vận động viên thể thao: Hãy dùng một tấm bảng để làm nơi giữ thăng bằng, sau đó đứng lên ngồi xuống càng nhiều càng tốt, yêu cầu phải tập theo “giáo viên”.

Giả xe ô tô: Giả làm xe ô tô và thử va chạm xe… nhẹ nhàng (và không bị thương). Sau đó, cùng chuyện trò về những chiếc xe thật ngoài đời cần làm gì để tránh tông vào nhau.

Chơi trò lượn vòng:  Lượn vòng hình chữ chi quanh phòng và nếu bạn đụng vào ai hoặc thứ gì thì phải rời khỏi trò chơi.

Âm nhạc
Nghe một số bài nhạc thư giãn với nhịp điệu xác định. Tập lấy hơi và thả hơi.

Cùng thảo luận về ngắt âm trong âm nhạc là gì và nghe một vài đoạn ngắt âm trên nhạc hoặc trên nhạc cụ.

Nghe đoạn ghi âm của một ban nhạc, tạo nhiều “nhạc cụ” và lập ban nhạc riêng. Giả vờ diễn để ghi âm với các nhạc cụ giả bộ hoặc những nhạc cụ nào mà bạn có.

Nghệ thuật
Tập diễn kịch với các mặt nạ bằng giấy hình quái vật hoặc động vật.

Làm thẻ tên cá nhân, trong đó dán hình, các biểu tượng, mô tả về bạn… vào thẻ.

Thử nhiều kiểu sơn khác nhau: sơn bằng ngón tay, màu nước, màu keo. Xem một tác phẩm của họa sĩ nổi tiếng (chẳng hạn Jackson Pollock hay Van Gogh) và sau đó dùng nhiều kỹ thuật khác nhau để tập vẽ những bức tranh. Sau đó thử vẽ chân dung cho nhau.

Những trò chơi giáo dục tại nhà cho bé
Khoa học
Chơi cùng các thanh nam châm. Đặt một giả thuyết về thanh nam châm sẽ hút hay đẩy những gì, sau đó thực nghiệm để kiểm chứng lại giả quyết. Trả lời câu hỏi có bao nhiêu đồ kẹp giấy sẽ dính vào một thanh nam châm.

Tìm một vài chất lỏng và một vài thứ không phải chất lỏng. Đặt câu hỏi làm thế nào để làm vật cứng biến thành chất lỏng và thử nghiệm với đá viên.

Dùng các bức hình chụp, thảo luận về đặc trưng của một côn trùng (ví dụ như gồm sáu chân, cơ thể chia thành 3 phần,…).Ra ngoài vườn hoặc đến nơi thiên nhiên và quan sát và nghiên cứu những loài côn trùng bạn tìm thấy để bảo đảm chúng thật sự là côn trùng và cho con bạn biết về nó.

Thực phẩm
Làm trái cây và thực phẩm xiên que. Nghĩ đến tất cả những thứ nào có thể xiên vào que và thử ăn thực phẩm xiên que trong một vài ngày.

Ép nước cam. Đặt câu hỏi có thể ép nước những loại trái cây nào? Thử pha chế nhiều loại nước ép khác nhau và nếm thử hoặc xem liệu bạn và bé có thể đoán đúng màu hoặc hương vị của hỗn hợp nước ép mới đó không.

Thu thập tất cả các nguyên liệu và dạy cho con bạn tự làm bánh kẹp. Đặt câu hỏi có thể bỏ những loại thực phẩm nào vào món bánh kẹp? Có thể làm bánh kẹp gì để ăn khuya hoặc ăn sáng.

Nhập vai
Giả làm sông băng phát triển cao lên rồi tan vào đại dương hoặc chảy xuống núi.

Giả bộ đang đi trên thuyền. Dùng muỗng gỗ hoặc chổi quét nhà để làm mái chèo và một tấm chăn hẹp giả làm đáy thuyền.

Dùng giấy vệ sinh phủ bên ngoài giả làm xác ướp Ai Cập.

Toán học
Thu thập một số dụng cụ đo lường cùng nhiều đồ vật khác nhau để tập đo. Đặt câu hỏi dùng dụng cụ nào để đo mỗi món đồ? Điều gì xảy ra nếu dùng sai dụng cụ? (Chẳng hạn đo cây bút chì bằng chiếc muỗng trà v.v…) Những trò chơi giáo dục về toán học sẽ giúp bé tăng cường khả năng tư duy của bé.

Thu thập một trăm vật gì đó. Đặt câu hỏi một trăm có nhiều không? Nếu thu thập 1 ngàn hay 1 triệu thì sao? Cùng thảo luận nếu 100 căn nhà, 100 cọng tóc, 100 bánh burger thì sẽ trông như thế nào v.v…

Xếp nhiều cái tô có kích cỡ khác nhau lại hoặc đo các chiếc ly từ lớn đến nhỏ, sau đó sắp xếp chúng theo nhiều cách.

Văn chương
Đọc thơ về một nhân vật hoạt hình nào đó chẳng hạn chú chuột Jerry trong hoạt hình Tom & Jerry. Hỏi xem con bạn có đứa nào nghĩ chúng có thể ráp lại nên vần không.

Nghĩ ra một số từ không có ý nghĩa (chẳng hạn như xì trum) vàdùng để thay thế từ chính xác khi bạn nói chuyện.

Thăm một vườn cây ăn trái và thưởng thức một vài loại trái cây. Hỏi trẻ thích kiểu vườn cây nào nhất? Đọc cuốn Harvey Potters’s Ballon Farm của Jerdine Nolen. Những thứ buồn cười nào bạn có thể nghĩ ra để “trồng” trong một vườn cây. Hãy nghĩ ra một câu chuyện về nó.

Lưu ý với các trò chơi giáo dục cho bé, bạn nên kiên nhẫn để chơi đùa cùng con.

Linh Lan

Categories
Dạy con Nuôi dạy con

Mẹo chọn đồ chơi cho bé sơ sinh

Đồ chơi cho bé cũng có “năm bảy đường”, vô cùng đa dạng, phong phú về chủng loại, màu sắc, chất liệu. Giữa “rừng” sản phẩm của ngành công nghiệp đồ chơi dành cho bé, bạn nên tìm hiểu kỹ nhu cầu của con mình để chọn lựa món phù hợp, tránh lãng phí hay ảnh hưởng sức khỏe của bé.

Sở thích chung của bé 6- 12 tháng tuổi:
Bộc lộc cảm xúc rõ hơn: Ở độ tuổi 6 – 9 tháng, bé đã có thể phân biệt được “người quen – người lạ”. Biểu hiện rõ nhất khi sợ một người lạ, bé sẽ khóc lên và bám lấy mẹ như một chỗ dựa an toàn. Từ 9 – 12 tháng tuổi, bé “bám” mẹ hơn. Nếu xa mẹ một chút, bé sẽ không chịu được. Tuy nhiên, bé cũng bắt đầu muốn “giao lưu” cùng những người bạn cùng tuổi. Bé biết thể hiện rõ những cảm xúc của mình như: thích, không thích, giận dữ, thích thú một cách rõ rệt.

Bé nhạy cảm hơn với xung quanh: Lúc này, bé sẽ bò vòng vòng “giang sơn” của mình và nếu vớ được món gì sẽ sờ hay “nếm thử” xem mùi vị thế nào. Bé nhạy cảm với ánh sáng, màu sắc và âm thanh hơn trước. Những âm thanh êm dịu, vui tai có thể làm bé thích thú. Nếu chỉ cho xem bức tranh nhiều màu sắc lặp đi lặp lại nhiều lần cùng tên gọi, bé sẽ ghi nhớ và chỉ đúng khi bạn hỏi lại. Bé sẽ táy máy đeo thử chiếc găng tay hay “sọt” vào đôi giày “quá khổ” của mẹ so với bé.

Bé có suy nghĩ riêng của mình: Bé đã biết vận dụng trí tuệ của mình để nhớ tên gọi một món đồ bé biết, đáp lại cái vẫy tay “bái bai” khi có ai chào bé… Đặc biệt từ 8 – 12 tháng tuổi, bé sẽ có những hành động “ngẫu hứng” như tự dưng chạy đến ôm cổ bố mẹ, thích làm những việc được nhiều người lớn vỗ tay khuyến khích…

Chọn đồ chơi cho bé sơ sinh
Những đồ chơi nhiều màu sắc giúp kích thích thị giác của bé

Những đồ chơi nào phù hợp với bé?
Hiểu được đặc tính và sự phát triển của bé, các mẹ có thể chọn những món đồ chơi phù hợp cho từng bé

Đồ chơi kích thích thị giác: Các hình khối nhiều màu sắc tương phản, cục xúc xắc nhồi bông 6 mặt màu, các bức tranh vẽ hình thú, trái cây, quyển sách ảnh… là những món lý tưởng để chơi trò tên gọi và phân biệt màu sắc cùng bé.

Đồ chơi kích thích sáng tạo: Bạn nên cho bé cho những món đồ có thể lắp ghép thành nhiều hình dạng kiểu dáng khác nhau hoặc một món đồ có nhiều cách chơi. Bạn cũng có thể cho bé nguyên liệu như: Tô nhựa, chén nhựa, chai nhựa, thú nhựa xinh xinh… để bé tự do sáng tạo theo câu chuyện của mình. Có khi bé sẽ làm bạn ngạc nhiên khi xếp được những thứ chồng lên nhau hay cho một con cá vào nồi và giả bộ nấu nướng, vờ ăn cơm trong chén, bát…

Đồ chơi luyện phản xạ và thể lực: Bóng và những món có bánh xe đẩy là lựa chọn thông minh cho các bà mẹ. Bé sẽ thích thú khi đuổi theo hoặc bắt lấy quả bóng nhựa mẹ chuyền cho bé. Trò chơi này tuy đơn giản nhưng có thể kích thích phản xạ tự nhiên hay rèn luyện thể lực cho bé. Đồ chơi cho bé có thể là một chiếc xe cút kít có bánh xe, bé sẽ “chất” những “tài sản” khác của mình lên trên đó và đẩy đi.

Đồ chơi phát triển thính giác: Hộp nhạc, chiếc đàn, mô hình điện thoại di động, thú nhựa phát ra âm thanh… là những món sẽ khiến bé chú ý và thích thú. Cho bé nghe nhiều loại âm thanh khác nhau, bé sẽ có những phản ứng tích cực như chọn lọc được âm thanh êm tai hay khó chịu, thích nghe và không thích nghe loại tiếng động nào.

Lưu ý: Khi lựa chọn đồ chơi cho bé tránh những món nhỏ li ti, bé có thể nuốt phải. Hạn chế thú nhồi bông có lông nhỏ li ti vì có thể tăng nguy cơ bị hen suyễn, dị ứng, viêm mũi ở bé nếu hít phải các sợi vải.

Ánh Nguyệt

Categories
Sơ cấp cứu Nuôi dạy con

6 bước xử lý vết thương hở cho bé an toàn, tránh nhiễm trùng

Xử lý vết thương hở cho bé đúng cách và an toàn sẽ giúp trẻ tránh bị nhiễm trùng. Đồng thời, bảo vệ bé trước khi vết thương bị biến chứng quá nặng nề.

Để viết cách sơ cấp cứu, xử lý vết thương hở do bị cắt vào da và trầy xước. Cha mẹ cần hiểu nguyên nhân gây ra tình trạng này ở con.

1. Nguyên nhân gây vết cắt, vết trầy xước ở trẻ

 

Các nguyên nhân phổ biến gây vết cắt, vết trầy xước cho bé đó là:

  • Tai nạn khi đi bộ, khi đạp xe hoặc là đang đi xe buýt.
  • Vết đâm, chọc vào da do bị động vật cắn, hoặc kim đâm.
  • Bị ngã do nghịch ngợm, chơi đùa trên các mặt đường hoặc nơi có nhiều góc nhọn.
  • Bị rạch da do cứa phải các vật sắc nhọn như dao, kéo, mảnh thủy tinh, cạnh bàn, ghế bằng sắt, inox.

Với những lý do gây vết thương hở cho bé như vậy, để xử lý kịp thời. Mẹ hãy làm theo các bước gợi ý ở nội dung sau.

Xử lý vết thương hở cho bé
Cách cầm máu và xử lý vết thương hở cho bé kịp thời và đúng cách sẽ giúp ích nhiều cho quá trình phục hồi vết thương

2. Cách xử lý vết thương hở cho bé khi bị chảy máu và trầy xước

2.1 Hướng dẫn cách cầm máu và xử lý vết thương hở cho bé

Bước 1: Cha mẹ cần bình tĩnh. Đồng thời, trấn an trẻ là vết thương hở này có thể xử lý cho bé được.

Bước 2: Rửa tay thật sạch với xà phòng trước khi sơ cấp cứu và xử vết thương hở cho bé để tránh nhiễm trùng.

Bước 3: Sau đó, cha mẹ hãy nâng cao phần cơ thể bị vết thương hở để làm chậm quá trình chảy máu của bé.

Bước 4: Rửa sạch vết cắt hoặc vết thương bằng nước. Sau đó, cha mẹ dùng một miếng gạc hoặc khăn sạch đắp trực tiếp lên vết thương cho đến khi máu ngừng chảy.

Lưu ý:

  • Nếu 10 phút sau khi sơ cấp cứu vẫn không cầm máu được; cha mẹ phải đưa bé đến phòng cấp cứu ngay lập tức.
  • Trường hợp máu thấm qua miếng băng; cha mẹ hãy đặt một miếng băng khác lên trên miếng băng đầu tiên và tiếp tục ấn.

Bước 5: Khi máu đã ngừng chảy, kiểm tra xem có mẩu thủy tinh, đất cát hoặc dị vật khác trong vết thương hay không. Nếu có, cha mẹ thử rửa trôi chúng một lần nữa dưới vòi nước lạnh. Nếu không thể rửa trôi khi xử lý vết thương hở cho bé, thử dùng nhíp cẩn thận gắp ra.

Bước 6: Nhẹ nhàng rửa sạch vết thương bằng nước ấm rồi cẩn thận thấm khô. Nếu bé không chịu ngồi yên, cha mẹ có thể giả vờ như là đưa bé đi tắm để làm sạch vết thương.

Lưu ý: Cha mẹ không nên thổi vào vết thương vì có thể khiến vi khuẩn xâm nhập vào vết thương; mặc dù việc này có thể giúp bé cảm thấy đỡ hơn.

các bước sơ cứu vết thương
Các bước sơ cứu và xử lý vết thương hở cho bé trẻ sơ sinh an toàn

2.2 Có nên dùng thuốc sát trùng vết thương cho trẻ sơ sinh không?

Cha mẹ có thể bôi các loại thuốc sát trùng như Povidine sau khi rửa sạch và làm khô vết thương; điều này sẽ giảm được nguy cơ viêm nhiễm.

Lưu ý: Không dùng rượu thuốc, iốt, oxy già, hoặc thuốc đỏ để sơ cấp cứu vết thương. Vì chúng không những khiến bé đau hơn; mà còn làm chậm quá trình lành vết thương.

Mẹ có nên dùng kháng sinh dạng xịt cho bé không? Thuốc mỡ và thuốc xịt kháng sinh được dùng phổ biến để chăm sóc vết thương; nhưng chúng không cần thiết cho vết thương sạch.

Lý do là thuốc kháng sinh cũng có những mặt trái như: gây viêm da tiếp xúc dị ứng (phát ban đỏ ngứa) ở trẻ em và làm tăng vi khuẩn kháng kháng sinh. Chính vì thế, mẹ hãy bỏ qua kháng sinh và theo dõi dấu hiệu nhiễm trùng ở trẻ. Nếu vết thương chảy nước vàng, sưng, có mủ… hãy đưa trẻ đến bệnh viện ngay.

3. Lưu ý sau khi đã xử lý vết thương hở cho bé thành công

3.1 Lưu ý trong cách cầm máu cho trẻ sơ sinh hoặc vết trầy xước cho bé

Các vết cắt và vết trầy nhỏ sẽ nhanh lành hơn nếu được thoáng khí. Vì vậy, nếu vết thương không nằm ở nơi có thể bị dính bẩn hoặc tiếp xúc với quần áo, bạn có thể không cần băng bó sau khi đã sơ cấp cứu.

Với các vết cắt và vết xước sâu hơn, cha mẹ có thể dùng băng cá nhân. Hãy nhớ là chỉ băng khi da đã sạch và khô. Nếu là vết cắt, cha mẹ cần dán miếng băng sao cho hai mép da được kéo lại gần nhau. Tuy nhiên, đừng để miếng băng dính quá chặt gây ảnh hưởng đến tuần hoàn máu.

Nên đổi băng hàng ngày hoặc bất cứ khi nào băng bị ướt và kiểm tra sự hồi phục của vết thương. Nếu vết thương hở miệng hoặc không có chuyển biến tốt, bạn nên thay băng cho bé.

Khi vết thương đã đóng vảy hoặc liền da, mẹ không cần tiếp tục băng cho con. Tuy nhiên, nếu bé hay táy máy tìm cách gỡ vảy vết thương; mẹ nên tiếp tục băng cho bé.

Vào buổi tối, nếu vết thương nghiêm trọng hoặc bé hay táy máy với vết thương, cha mẹ nên băng lại; còn không bạn nên gỡ băng ra cho vết thương mau khô.

Lưu ý sau khi xử lý xong vết thương hở cho bé
Lưu ý sau khi xử lý xong vết thương hở cho bé

3.2 Giúp bé bớt đau sau khi xử lý vết thương hở cho trẻ sơ sinh

Cha mẹ có thể cho bé uống acetaminophen hoặc ibuprofen dành cho trẻ em theo đúng hướng dẫn về liều lượng trên bao bì. Đừng bao giờ cho bé uống aspirin vì có thể gây ra hội chứng Reye; một tình trạng hiếm gặp nhưng rất nguy hiểm với trẻ nhỏ.

Tốt nhất, để xử lý cơn đau do vết thương hở cho bé bằng thuốc; cha mẹ hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ.

>> Cha mẹ xem thêm: Trẻ bị bỏng bôi gì tránh để lại sẹo?

4. Khi nào để bác sĩ xử lý vết thương hở cho bé?

Dù đã biết xử lý vết thương hở cho bé, cha mẹ vẫn cần lưu ý những dấu hiệu nguy hiểm cần đưa bé đi bác sĩ:

  • Vết thương sâu cần được khâu lại.
  • Vết thương hở không thể cầm máu trong 10 phút.
  • Vết thương có các dị vật mà cha mẹ không thể lấy ra.
  • Vết thương hở do bé bị động vật hoặc bạn đồng trang lứa cắn.
  • Các vết thương trên mặt bé cần có bác sĩ kiểm tra vì chúng có thể để lại sẹo.
  • Vết thương sâu hoặc vết cắt do các vật bẩn gây ra, bé có thể cần được tiêm phòng uốn ván.

Những trường hợp nêu trên, cha mẹ nên đưa bé đến bệnh viện càng sớm càng tốt.

[key-takeaways title=””]

Cha mẹ nhớ luôn theo dõi tình hình vết thương dù cha mẹ có đưa bé đến bác sĩ hay không. Nếu vết thương có bất kỳ dấu hiệu nhiễm trùng nào như: sưng đỏ, tạo mủ, rỉ nước, nóng ran; nên để bác sĩ kiểm tra vì có thể phải dùng đến kháng sinh để điều trị nhiễm trùng cho bé.

[/key-takeaways]

Khi nào đưa bé đi gặp bác sĩ?
Khi nào để bác sĩ xử lý vết thương hở cho bé?

Khi nào cần phải khâu vết thương?

Cha mẹ lưu ý, việc khâu vết thương chỉ nên được tiến hành bởi các y bác sĩ và những người có chuyên môn. Cha mẹ tuyệt đối không tự ý xử lý vết thương hở cho bé bằng cách khâu vết thương lại.

Các vết cắt sâu và hở, hoặc mép vết thương lồi lõm, hoặc vết thương nằm ở khu vực thường xuyên co duỗi khi vận động như bàn tay và các ngón tay có thể cần phải khâu lại.

Để đạt kết quả tốt nhất, nên khâu vết thương trong vòng tám giờ kể từ khi bị thương. Nếu có thể sớm hơn càng tốt vì sẽ tránh được tình trạng nhiễm trùng nghiêm trọng và gây sẹo.

>> Cha mẹ xem thêm: 13 tác hại khi cho trẻ xem tivi có thể khiến bạn bất ngờ

Hy vọng các thông tin trên đã giúp cha mẹ biết cách xử lý vết thương hở cho bé; cũng như hiểu rõ cách cầm máu cho trẻ sơ sinh; cách dùng thuốc sát trùng vết thương cho trẻ sơ sinh.

Categories
Dạy con Nuôi dạy con

Lời hát ru của mẹ giúp phát triển IQ, EQ cho bé

Tác dụng diệu kỳ của lời hát ru

tuần thứ 20 thai kỳ, đôi tai của bé đã tương đối hoàn chỉnh. Trước tuần thai thứ 24, não bé có thể phản ứng với những âm thanh bên ngoài bào thai. Vì thế, thai nhi có thể cảm thụ và nhớ từng điệu nhạc quen thuộc trước khi bé chào đời. Những lời hát ru là những âm thanh du dương, giúp con người ngủ ngon hơn. Riêng với bé, lời ru cho bé ngủ của mẹ còn có những tác dụng diệu kỳ khác.

1. Phát triển trí tuệ IQ

Những lời ru với phần điệp khúc lặp đi lặp lại như một thói quen sẽ tạo cho bé những ngôn từ đầu tiên, giúp bé tiếp thu ngôn ngữ tốt hơn và nhớ lâu hơn.

Phát triển trí tuệ và trí tuệ cảm xúc cho bé nhờ hát ru 2
Âm nhạc, đặc biệt là giọng hát ru của mẹ, có tác dụng tích cực tới sự phát triển trí tuệ và trí tuệ cảm xúc ở bé

Các nghiên cứu khoa học chứng minh bé được nghe nhạc phát triển trí tuệ từ 0 đến 6 tháng tuổi sẽ có IQ phát triển vượt trội và biết nói sớm hơn. Sự phát triển trí tuệ này của bé sẽ được biểu hiện qua các trò chơi xếp hình, giải đố…

Trong giai đoạn trưởng thành của bé, khi mẹ vẫn cho bé nghe hát ru, âm nhạc sẽ hình thành mối liên kết trong não bộ, có tác dụng nâng cao khả năng tư duy của bé.

Khi bé lớn hơn một chút, mẹ có thể nhận thấy bé rất giỏi trong các môn chơi cờ, giải toán… và những môn cần sự tư duy!

2. Phát triển trí tuệ cảm xúc EQ

Những bản nhạc giao hưởng, những bài hát ru… có tác dụng tích cực đến khả năng cảm thụ xúc cảm của trẻ nhỏ. Những giai điệu nhạc tông cao sẽ giúp bé thể hiện cảm xúc tươi vui, những giai điệu nhạc tông trầm khiến bé có cảm xúc buồn. Những điệu nhạc nhanh và thay đổi tiết tấu giúp bé hào hứng phấn khích, còn những điệu nhạc chậm sẽ khiến bé tĩnh lặng.

Trên tất cả, lời hát ru của mẹ giúp củng cố mối dây liên hệ giữa hai mẹ con. Người mẹ nào thường xuyên hát ru con bằng giọng truyền cảm, bằng những ngôn từ mộc mạc đầy yêu thương sẽ giúp bé cảm nhận sâu sắc tình yêu thương của mẹ. Được như thế, đứa bé ấy ra đời và lớn lên luôn có sự gắn kết diệu kỳ với mẹ. Bé sẽ biết trân trọng và yêu thương gia đình mình.

Minh Trang