Categories
Dạy con Nuôi dạy con

Dạy con biết nói lời xin lỗi

Để dạy con biết nhận lỗi, các bậc cha mẹ hãy tham khảo những điều sau:

Đừng ngại ngần xin lỗi trẻ
Nhiều người cho rằng nếu xin lỗi con, chúng sẽ “được nước làm tới”, nên dù cho mình đã làm sai nhưng vẫn kiên quyết không nói ra. Thực tế, dám nhận ra sai lầm của mình trước mặt con không những không làm mất đi uy quyền mà còn có ý nghĩa quan trọng nâng cao giá trị của cha mẹ trong lòng con. Vì thế cần nhất khi dạy con biết nói xin lỗi là nên giải thích cho trẻ hiểu, chính người lớn cũng thường xuyên mắc lỗi chứ không riêng gì trẻ và người lớn cũng cần phải nhận và sửa lỗi.

Cha mẹ đừng ngần ngại nói lời xin lỗi trẻ, cho dù đó chỉ là một lỗi nhỏ, để trẻ thấy được đây là việc nên làm. Nếu trẻ tỏ ra bối rối hay hỏi tại sao bạn lại xin lỗi thì hãy giải thích cho trẻ lý do tại sao bạn cần phải làm điều đó với cách diễn đạt phù hợp với độ tuổi của trẻ. Điều này sẽ giúp trẻ hiểu được khi nào thì cần phải nói như vậy.

Dạy con biết nói lời xin lỗi
Đừng ép buộc, hãy tạo điều kiện cho trẻ
Không riêng gì trẻ, không ai trong số chúng ta không xấu hổ và sợ người khác biết lỗi lầm của mình. Phần lớn, trẻ sẽ tìm cách giấu giếm sự thật, nói dối, quanh co hoặc “đánh trống lãng” khi bị hỏi đến. Tránh trách mắng, ép buộc trẻ nói ra mà hãy khuyến khích chúng tự thừa nhận. Cho dù bạn đã biết hết mọi chuyện nhưng vẫn phải tỏ ra chưa biết gì, rồi khơi gợi, dẫn dắt, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để trẻ có thể dễ dàng nói ra, và đó sẽ là lời thú tội chân thật nhất.

Nên giải thích cho trẻ hiểu xin lỗi không phải là hèn nhát mà là người có lòng tự trọng và có trách nhiệm. Hãy giải thích cho trẻ hiểu khi gây ra một sai phạm gì đó, cách tốt nhất là nói thật cho cha mẹ hoặc người lớn biết. Đó là một phẩm chất dũng cảm.

Giúp trẻ nhận lỗi và khắc phục lỗi
Việc nhận lỗi không đơn thuần chỉ là ba từ “con xin lỗi” mà là cả nhận thức, thái độ và hành động sau đó. Chính vì thế để trẻ hiểu được lỗi mà mình mắc phải là việc làm rất khó và rất quan trọng. Việc giải thích cho con các bước cần thiết cho việc nhận lỗi là vô cùng hữu ích. Nó bao gồm những bước sau: Tiếp xúc riêng với người cần được xin lỗi, nhìn vào mắt họ, nói một cách rõ ràng và chân thành.

Hãy dạy cho con làm quen với những câu nói chịu trách nhiệm khi mình gây ra điều gì đó. Chẳng hạn khi trẻ làm rơi vỡ đồ thì bạn cần giúp trẻ biết nhận lỗi bằng câu nói: “Con đã bất cẩn để làm rơi vỡ cái đĩa.” kèm theo một lời xin lỗi. Điều này giúp trẻ hình thành thói quen tự chịu trách nhiệm với những hành động của bản thân.

Khen ngợi khi trẻ nhận lỗi
Hãy khen ngợi trẻ khi chúng dám nói ra sự thật về bản thân. Những câu đại loại như “Con rất dũng cảm , biết nhận lỗi như thế là đã lớn.” sẽ khiến trẻ tin rằng ai cũng yêu mến người nói thật và tự nói ra. Đưa ra cho trẻ những ví dụ rằng kể cả người lớn đôi khi cũng mắc sai lầm và nói thật ra để mọi người cùng góp ý, sửa chữa mới đáng khen. Trong những trường hợp khác nhau, tất nhiên không phải lúc nào cũng ngợi khen nhưng khi trẻ có ý muốn tự thú cho dù chúng “bóng gió” thì bạn hãy tỏ ý cho trẻ biết rằng nói thật là điều nên làm hơn.

Nêu gương bạn cùng lứa tuổi
Một hình thức thiết thực nhất là hãy luôn nhắc cho trẻ về những tấm gương cùng lứa tuổi trong trường học, trên các phương tiện thông tin đại chúng, hàng xóm láng giềng,… Phân tích cho trẻ thấy được người bạn đó đã nhận lỗi và sửa lỗi như thế nào, đổng thời động viên, khuyến khích trẻ học tập cái hay, cái tốt từ người ban đó.

Lâm Sơn Vương

Categories
Dạy con Nuôi dạy con

Tâm lý trẻ nhỏ: Chiến thắng sự sợ hãi

Đồng cảm với sự sợ hãi của bé
Một trong những nỗi lo sợ hàng đầu của bé chính là sợ bị mẹ bỏ rơi.  Đây là điều hoàn toàn bình thường đối với tâm lý trẻ nhỏ, vì vậy bạn nên báo trước với bé khi phải rời xa bé. Trước khi bước vào phòng tắm, bạn có thể nói với bé: “Mẹ biết là con sợ khi không thấy mẹ, nhưng mẹ chỉ đi tắm ngay sát đây thôi. Con ngồi đây đợi mẹ nhé”. Bạn cũng nên cho bé biết khi nào sẽ quay trở lại.

Nói chuyện với bé về sự sợ hãi
Bé ở giai đoạn này có trí tưởng tượng phong phú trong khi vốn từ vựng còn hạn chế, vì vậy không có gì là lạ nếu bé gặp khó khăn để biểu lộ những gì bé đang cảm thấy. Đây là một trong những lý do tạo nên những nỗi sợ vô hình trong tâm lý trẻ nhỏ. Bạn có thể giúp bé thể hiện cảm xúc bằng cách nói chuyện về những điều đang làm bé sợ một cách đơn giản và trực tiếp vì lối trò chuyện dài dòng, phức tạp có thể làm tăng thêm nỗi sợ cho bé. Nếu bé co người lại trước một con thú nhồi bông mới, bạn nên nhẹ nhàng hỏi bé: “Con không thích à hay là con thấy sợ?”.

Nếu bé cứ lo lắng về một con quái vật tưởng tượng trong tủ quần áo, bạn nên hỏi han để tìm hiểu xem chính xác điều gì khiến bé sợ như vậy: “Đó có phải là một con quái vật có chân to, nhiều răng hoặc có tiếng kêu khủng khiếp?”. Một khi bé tìm thấy những từ để mô tả “con quái vật”, sự trấn an của bạn sẽ giúp bé vững vàng để vượt qua nỗi sợ hãi.

Tâm lý trẻ nhỏ: Chiến thắng sự sợ hãi
Trong mọi tình huống, tâm lý trẻ nhỏ sẽ vững vàng hơn nếu bé biết ba mẹ đồng cảm và luôn bên cạnh bé

Bên cạnh đó, bạn cũng có thể nói về những điều khác giúp bé xao lãng: “Con có vẻ thích đến sở thú phải không nè?”. Một điều cần lưu ý về tâm lý trẻ nhỏ là khi bé sợ hãi, bạn càng chú ý đến bé bao nhiêu, khi bé vui vẻ và hứng thú, bạn cũng cần thể hiện sự quan tâm bấy nhiêu, nếu không có thể bạn sẽ vô tình khuyến khích bé tỏ ra sợ sệt để được ba mẹ quan tâm nhiều hơn.

Chuẩn bị tinh thần cho bé
Nếu bé tỏ ra nhút nhát khi gặp người lạ hay đến một chỗ mới, bạn nên chuẩn bị trước để giúp bé thích nghi tốt hơn. Ví dụ, trước khi bạn dẫn bé đến một bữa tiệc sinh nhật hoặc họp nhóm, bạn có thể kể tên những người mà bé quen và giới thiệu về những người mới mà bé sẽ gặp. Trước mỗi hoạt động mới lạ, bạn đều nên tìm cách trấn an tâm lý trẻ nhỏ như thế.

Không nóng vội
Làm quen với những điều mới là khó khăn đối với nhiều người, đặc biệt là với tâm lý trẻ nhỏ. Thay vì đẩy bé vào một môi trường mới hoặc để một người lạ đột ngột xuất hiện trước mặt bé, bạn nên thử những cách tiếp cận từ từ. Nếu bé lúng túng khi bạn đặt bé xuống một sân chơi trong công viên, bạn nên chơi ở đó cùng bé một lúc, bé sẽ thấy an tâm hơn. Một khi bé đã thoải mái và chú tâm vào trò chơi, bạn có thể rút lui từ từ để tìm cho mình một chỗ ngồi nghỉ mà vẫn có thể quan sát bé.

Categories
Dạy con Nuôi dạy con

Dạy trẻ tự lập từ 3 tuổi và 10 việc con ỵêu tự làm trước khi bước sang tuổi 13

Nếu các phụ huynh quá chăm chút cho con sẽ khiến con ỷ lại và dù biết tự làm nhưng chúng cứ đòi phải có người làm cho. Điều này thật không tốt vì khi đứa trẻ không biết tự chăm sóc bản thân thì khi lớn lên, trẻ cũng không biết chăm sóc ai.

Dạy trẻ tự lập từ 3 tuổi

Ngay từ khi trẻ 3 tuổi thì gia đình nên định hướng cho bé để bé có thể từ từ tự làm một số việc như đánh răng, rửa mặt, tắm rửa, thay đồ, tự lựa chọn quần áo, tự chải đầu, tự múc cơm ăn. Và đến năm 4 tuổi thì nhu cầu đó, thói quen đó sẽ tự phát triển hết sức tự nhiên là bé đòi làm rất nhiều việc mà không cần ba mẹ phải nhắc nhở hay yêu cầu. Lúc này quá trình dạy trẻ tự lập của bạn đã có kết quả rồi đấy!

dạy trẻ tự lập
Trẻ có tự lập hay không phần nhiều tùy thuộc vào bố mẹ.

Dạy trẻ tự lập: Làm chung với con

Trẻ em có khuynh hướng bắt chước những gì người lớn làm. Vì vậy, khi thấy cha mẹ làm gì bé sẽ bắt chước làm theo dù đôi lúc bé không hiểu việc làm này có ý nghĩa gì. Do đó, muốn dạy bé làm điều gì thì bố mẹ hãy cùng làm và hướng dẫn để trẻ thấy và làm theo, hành động lặp đi lặp lại nhiều lần sẽ hình thành cho trẻ thói quen. Ví dụ như mỗi lần đánh răng các bậc cha mẹ nên đánh chung với bé và chỉ cho bé đánh như thế nào cho đúng, thoa kem đánh răng thế nào là đủ, xúc miệng sao mới gọi là sạch và thơm thì chắc chắn rằng những lần tiếp theo bạn sẽ thấy bé thực hiện thành thục không sai một ly.

Hoặc khi tắm cho bé 3 tuổi, các bậc cha mẹ nên chỉ cho bé biết chỗ nào nên vệ sinh kỹ và phân biệt cho con biết chỗ nào dùng dầu gội, chỗ nào dùng sữa tắm, quy trình tắm ra sao… Và những lần sau cũng tắm cho bé nhưng để bé tự kỳ, tự chọn dầu gội, và dần dần bé cũng biết được quy trình tắm rửa là như thế nào để làm sạch các vết bẩn và vi khuẩn bám trên người.

Dạy trẻ tự lập
Làm chung với con là cách tốt nhất để hướng dẫn trẻ.

Không làm giùm con

Và nguyên tắc cấm kỵ trong việc dạy trẻ tự lập là không được nóng vội. Mỗi trẻ có những sự phát triển và tư duy khác nhau, không phải đứa trẻ 4 tuổi nào cũng có thể làm được mọi chuyện như cầm đũa ăn cơm, tự tắm rửa, rửa tay, hay sắp xếp quần áo, vì sự phát triển của các bé là không đồng đều. Do đó các bậc cha mẹ phải thật kiên nhẫn trong việc dạy bảo, không nên áp đặt trẻ phải thế này, thế kia, vì như vậy sẽ vô tình tạo sự ức chế lên con trẻ. Một khi bị ức chế bé sẽ có khuynh hướng phản kháng và làm những điều ngược lại.

Đặc biệt, đừng bao giờ chăm chăm giúp đỡ bé mỗi khi bé làm sai, làm hư việc gì, mà hãy để cho trẻ có thời gian tự mình hoàn thành nhiệm vụ đó, dù kết quả không tốt như mình mong đợi. Và đợi khi bé làm xong nhưng kết quả không tốt thì các bậc cha mẹ mới nên ra tay giúp đỡ để bé thấy được kết quả tốt nhất là như thế nào, bằng cách hướng dẫn và giải thích cho con hiểu chưa đúng chỗ nào, và tốt chỗ nào.

Và điều lưu ý cuối cùng trong việc dạy trẻ tự lập là các bậc cha mẹ nên tỏ ra tự hào, vui mừng, đưa ra những lời động viên, khen ngợi mỗi khi trẻ cố gắng tự mình làm một công việc gì đó dù bé có làm tốt hay không. Vì những lời khen có cánh, những lời khích lệ đúng lúc sẽ giúp trẻ tự tin hơn trong mỗi quyết định, mỗi việc làm của chúng sau này.

Ở thời điểm này những lời động viên, cổ vũ của các bậc cha mẹ chính là chìa khóa vạn năng giúp trẻ thành công trong giai đoạn tự lập đầu đời của bé 3 tuổi.

Theo một số nhà tâm lý học, những năm thiếu niên bắt đầu khi một đứa trẻ từ 9-13 tuổi. Đó là giai đoạn chuyển tiếp cho cha mẹ từ phương pháp chăm sóc một đứa trẻ đến việc cho phép con phát triển độc lập. Nhằm giúp cho quá trình này diễn ra suôn sẻ, phụ huynh nên cùng con trau dồi một số kỹ năng sống thiết yếu trước khi độ tuổi thiếu niên kết thúc.

10 điều trẻ nên học cách tự làm trước khi bước sang tuổi 13

 

Kiếm và quản lý tiền

Bạn có thể dạy cho con một số kỹ năng tài chính cơ bản ngay khi chúng học cách đếm. Đến năm 13 tuổi, trẻ em có thể tiết kiệm tiền từ trợ cấp hàng tuần, nhận thức được chi phí cơ bản của hộ gia đình là bao nhiêu, hiểu sự khác biệt giữa thẻ ghi nợ với thẻ tín dụng và có thể đưa ra quyết định về chi tiêu, tiết kiệm. Từ đó, bạn đã bước đầu dạy trẻ tự lập về tài chính.

Làm công việc nhà cơ bản

 

Theo các chuyên gia tâm lý, trẻ em đã có thể làm rất nhiều việc vặt ngay từ khi còn nhỏ, như dọn dẹp sau bữa tối hoặc thu quần áo đem đi giặt. Đến năm 13 tuổi, trẻ có thể ủi đồ, thay khăn trải giường, rửa xe đạp, dọn phòng tắm, bếp. Với những việc này, bạn nên nhất quán và đưa ra những yêu cầu cụ thể cho con cũng như khuyến khích con thực hiện.

Chuẩn bị bữa ăn

dạy trẻ

 

Nấu ăn là một kỹ năng quan trọng mà bạn nên dạy trẻ tự lập. Chắc chắn, con bạn sẽ thật sự cần khi chúng trở thành người lớn. Ở tuổi 13, trẻ có thể lên kế hoạch cho bữa ăn gia đình, làm theo một công thức đơn giản và có thể làm quen với các thiết bị nhà bếp. Đừng quên dạy cho con bạn những điều cơ bản về vệ sinh và an toàn.

Mua sắm hàng tạp hóa

 

Dắt con cùng đi mua sắm hàng tạp hóa sẽ giúp con phát triển các kỹ năng cần thiết như viết ra một kế hoạch bữa ăn, viết ra danh sách các món đồ cần mua và hiểu biết về ngân sách. Bố mẹ cũng nên dạy con đọc nhãn dinh dưỡng và cách tìm những món hàng có giá tốt. Khi dạy trẻ tự lập theo cách này, bạn cũng đừng quên đặt ra giới hạn cho việc mua sắm với trẻ.

Vệ sinh cá nhân

 

 

Các chuyên gia thừa nhận rằng nhiều bậc cha mẹ cho rằng trẻ 10-11 tuổi sẽ có thể biết làm vệ sinh một cách tự nhiên. Nhưng, trên thực tế, có rất nhiều điều cha mẹ nên thảo luận với con trước khi quá muộn. Đó là về tầm quan trọng của việc tắm hàng ngày, sử dụng chất khử mùi, thay quần áo, cạo râu, vệ sinh răng miệng và hiểu về cơ thể của con. Đây là bước tất yếu trong quá trình dạy trẻ tự lập.

Hãy là tấm gương tốt và luôn luôn giải thích cho con tại sao chúng cần phải làm những việc này.

Sơ cứu cơ bản

Các kỹ năng cấp cứu cơ bản sẽ giúp con có thể tự bảo vệ chúng khỏi tổn thương khi không có ai xung quanh. Tại Anh, Hội Chữ thập đỏ ủng hộ việc đưa giáo dục sơ cứu vào chương trình giảng dạy của trường. Một số nghiên cứu đã chứng minh rằng trẻ em từ 4-5 tuổi đã có thể ghi nhớ số điện thoại khẩn cấp chính xác, đánh giá chính xác hơi thở của một người có bất thường không… Một số kỹ năng cho trẻ lớn hơn bao gồm: cách cầm máu, điều trị bỏng và xử lý khi ong đốt. Hãy dạy trẻ tự lập bằng cách am hiểu jy4 năng liên quan sống-còn này, bạn nhé!

Quản lý thời gian

 

Kỹ năng quản lý thời gian là rất cần thiết giúp con bạn có thể lên kế hoạch, ưu tiên và làm việc hiệu quả. Hãy cố gắng cung cấp cho trẻ một số công cụ như lời nhắn qua điện thoại hoặc lịch đặc biệt. Hãy nhớ rằng quyết định phải làm gì và khi nào để làm thật sự dễ dàng hơn nhiều khi bạn viết nó xuống.

Để bắt đầu, bạn có thể tặng con một chiếc đồng hồ như một món quà giúp con quản lý sự xao lãng và đừng quên làm gương cho con nhé!

dạy bé

Kỹ năng xã hội và cách cư xử

 

Điều quan trọng là dạy cho trẻ cách cư xử càng sớm càng tốt. Đối với trẻ nhỏ, bắt đầu bằng những ví dụ của riêng bạn, khuyến khích con chia sẻ, lịch sự và tôn trọng người cao tuổi. Các sự kiện tại nhà là thời điểm tốt để dạy con làm thế nào trở thành chủ nhà hiếu khách và giải thích cho con về các quy tắc lịch sự trên bàn ăn. Trong xã hội hiện đại, phép lịch sự trên mạng xã hội cũng quan trọng như cách cư xử trực tiếp đời thường.

Xây dựng thói quen cư xử lịch thiệp sẽ giúp con bạn trong cuộc sống hàng ngày đạt được nhiều thành công trong sự nghiệp, có thể tạo dựng các mối quan hệ bạn bè bền chặt.

[inline_article Id=181105]

Tìm đường

Con của bạn có thể sẽ đi du lịch một mình một ngày nào đó. Do vậy, điều quan trọng là chúng có thể hiểu cách sử dụng các công cụ tìm đường và đọc bản đồ. Đến năm 13 tuổi, con có thể ghi nhớ đường đi, đọc các ký hiệu bản đồ và tự định hướng. Bạn có thể sử dụng ứng dụng trực tuyến để hướng dẫn con.

 

Kỹ năng điều chỉnh cảm xúc

Không chỉ thanh thiếu niên mà nhiều người lớn cũng thiếu khả năng kiểm soát cảm xúc, chẳng hạn như tức giận, căng thẳng và lo âu. Kỹ năng điều chỉnh cảm xúc bao gồm khả năng xác định cảm xúc, hiểu tình hình, quản lý cảm xúc và tìm sự giúp đỡ khi cần. Việc nhận ra rằng cảm giác buồn không phải là một dấu hiệu của sự yếu đuối và cảm xúc có thể hỗ trợ khi xử lý tình huống sẽ giúp con bạn trong cuộc sống sau này.

 

Trà My

Categories
Dạy con Nuôi dạy con

Dạy con những cung bậc cảm xúc

Bước 1: Đặt tên cho cảm xúc
Ngay cả với những khái niệm đơn giản như “vui, buồn, lo lắng,…” cũng sẽ trở nên rất mơ hồ đối với trẻ nhỏ nếu chúng ta không bảo cho trẻ biết đó là vui hay buồn. Trong tâm trí non nớt của mình, bé sẽ chỉ cảm nhận một cách mông lung và hoàn toàn bản năng về việc nhu cầu được đáp ứng thì cười, còn không thì nên mè nheo vòi vĩnh. Để khắc phục điều này, bạn nên giúp trẻ hiểu hơn về những cảm nhận tinh thần bằng cách đặt tên cho những cảm nhận ấy. Chẳng hạn như “Ba đi công tác một tuần rồi. Con muốn chơi cưỡi ngựa với ba nhưng ba lại không có ở nhà phải không? Con của mẹ đang buồn mất rồi.” hay khi lúc cùng con đọc truyện, bạn cũng có thể lồng ghép các bài học cảm xúc như sau “Cô bé quàng khăn đỏ bất ngờ phát hiện ra con sói đang ở trên giường của bà. Mắt cô bé mở to và nhìn quanh. Con có thấy cô bé quàng khăn đỏ đang sợ hãi không?”

Ngày qua ngày, vốn từ và những hiểu biết của trẻ về thế giới cảm xúc sẽ càng phong phú hơn. Một đứa trẻ nếu có khả năng cảm nhận sâu sắc về cảm xúc của mình và được nuôi dạy tốt sẽ luôn biết cách mang lại những cảm xúc tích cực cho người khác sau này.

Bước 2: Cảm xúc bằng lời và biểu cảm
Tạo điều kiện cho trẻ tự thể hiện cảm xúc của mình thông qua vốn từ và hiểu biết đã tích luỹ được từ bước 1. Ban đầu, bạn có thể gợi mở cho trẻ trả lời đơn giản có hoặc không về những cảm nhận của mình như “Tự lựa chọn màu và tô vào tranh thật thú vị. Mẹ thấy con cười suốt. Vậy là con đang rất vui có phải không?”. Lâu dần, bạn nên khuyến khích trẻ tự phát ngôn về cảm xúc của mình như “Bạn Bin do không cẩm thận đã vấp ngã khi đang chạy nhảy. Theo con thì bạn Bin sẽ cảm thấy như thế nào? Nếu là con thì con có muốn bị té như Bin không?”

Tuy trẻ đã có một vốn từ và hiểu biết nhất định nhưng bạn cũng không nên đưa cho trẻ những tình huống phức tạp về cảm xúc sẽ khiến trẻ không sẵn lòng đón nhận hoặc học thêm cách thể hiện cảm xúc nữa. Một trong những tình huống phức tạp mà các bậc phụ huynh thường mắc phải là câu hỏi “Giữa ba và mẹ thì con thương ai nhiều hơn?”

day_con_nhung_cung_bac_cam_xuc_3
Khuyến khích trẻ thể hiện cảm xúc cả bằng lời lẫn biểu cảm khuôn mặt

Thể hiện cảm xúc như thế nào mới đúng?

Đến đây, bé của bạn đã tích trữ được một số vốn kha khá về việc hiểu và thể hiện cảm xúc của mình. Trẻ đã có thể tự mình cho người khác biết trẻ đang vui hay đang sợ vì điều gì. Tuy nhiên, những chuỗi phản ứng tiếp theo của trẻ dựa trên những trạng thái cảm xúc đó lại là điều chúng ta nên quan tâm lúc này. Bé Na 4 tuổi rất thích chơi với chị Ti 7 tuổi, thế nhưng Na lúc nào cũng muốn chị Ti chơi với mình mà không được chơi với những bạn khác. Hoặc như cu Tí đã 6 tuổi rồi nhưng vẫn khóc nhè mỗi khi muốn vòi vĩnh mẹ mua cho đồ chơi mới. Với những trường hợp như vậy, bạn nên nhẹ nhàng làm cho trẻ thấy ở mỗi cung bậc cảm xúc đều có nhiều cách thể hiện khác nhau. Và bí mật lèo lái trẻ đi đúng hướng cảm nhận nhưng nên để trẻ tự quyết định cách hành xử nào là hợp lý. Ví dụ như “Con thích chơi với chị Ti và chị Ti rất thích chơi trò trốn tìm. Trò này chơi càng nhiều người càng vui. Theo con thì mình nên rủ thêm những bạn nào cho trò chơi này?”

Trẻ con vốn “nhân chi sơ tính bản thiện”. Nuôi dưỡng tâm hồn thơ ngây và thế giới cảm xúc của bé theo một cách trọn vẹn và nâng niu nhất. Nhân cách của một người định hình lần đầu vào lúc 3 tuổi và lần cuối vào lúc 18 tuổi. Chúc bạn đặt được những viên gạch đầu tiên vững chắc cho nền móng cảm xúc và nhân cách của bé con ngay từ những ngày đầu thơ ấu.

YP.

Categories
Dạy con Nuôi dạy con

Kinh nghiệm dạy bé bướng bỉnh mẹ nào cũng nên tham khảo

Bé bướng bỉnh khiến nhiều mẹ tức giận, không đủ kiên nhẫn để tìm hiểu nguyên nhân mà đã vội cho bé ăn đòn để răn đe. Song điều này không tốt cho sự phát triển nhận thức và tâm lý của trẻ. Thực tế, trẻ càng hay bị ăn đòn thì càng trở nên bướng bỉnh, lì lợm hơn vì con cảm thấy không thuyết phục. Vậy bé bướng bỉnh không chịu nghe lời là nguyên nhân do đâu? Mẹ phải làm thế nào để trị bé bướng bỉnh hay ăn vạ?

Bé bướng bỉnh

Những ông bố, bà mẹ có con trong tuổi từ 1-3 sẽ chẳng xa lạ gì với việc con liên tục nói “không”. Trên thực tế, đây không phải là dấu hiệu cho thấy bé bướng bỉnh mà là cách để bé cảm thấy tự tin hơn!

Ở độ tuổi này, bé thấy rằng việc cãi lời hay tỏ ra ngang ngạnh là một cách để giành được sự tự tin. Việc nói “không” là một phản ứng hoàn toàn bình thường để bé cảm thấy mình có chút ảnh hưởng trong thế giới rộng lớn này. Bố mẹ đừng vì điều này mà vội vã kết luận rằng bé bướng bỉnh và không ngoan nhé.

Tuy nhiên, việc thường xuyên cãi cọ thật là phiền phức và bạn cần tìm những giải pháp để thoát khỏi tình trạng này. Hãy thử những bí quyết dưới đây để thay đổi em bé bướng bỉnh mà bạn thường thấy.

Cách trị bé bướng bỉnh hay ăn vạ

Nhiều mẹ điên đầu vì bé 3 tuổi bướng bỉnh mà không biết phải làm gì? Mẹ có thể tham khảo những gợi ý dạy bé bướng bỉnh sau đây để áp dụng giúp con thay đổi nhé.

1. Giải thích cho con hiểu lý do

Để con không có cảm giác bị bắt buộc, bạn hãy giải thích lý do vì sao bạn muốn con làm điều gì đó. Chẳng hạn, khi bạn đang bị đau tay và không muốn con cứ đu người trên những thanh xà cao, hãy giải thích rằng vì tay bạn đang bị đau, không thể đỡ bé xuống được và bé có thể sẽ bị ngã. Trẻ ở tuổi lên 2, lên 3 đã có thể hiểu được những lời giải thích ngắn gọn như vậy.

Bé bướng bỉnh

2. Thể hiện sự tích cực đối với con

Tương tự như bạn, bé yêu ghét nghe từ “không”, nhưng hãy thử kiểm lại xem bạn nói bao nhiêu lần những câu như “không được trèo ghế”, “không nghịch nước”, “không vứt đồ chơi ở đó” trong một ngày? Chừng đó là đủ để khiến bất kỳ ai cũng trở nên cáu kỉnh và chẳng có gì khó hiểu khi bé bướng bỉnh chống đối bạn.

Thay vì vậy, hãy nói với con bằng những câu chủ động, mang sắc thái tích cực như “hãy ngồi yên trên ghế vì nếu con nghịch nước thì bộ áo đẹp đang mặc sẽ bị bẩn mất”. Hãy chú ý rằng tông giọng lên xuống cũng rất quan trọng đấy nhé!

3. Đừng quá độc đoán

Hãy thường xuyên tạo ra các cơ hội để con được quyết định những việc nho nhỏ liên quan đến mình. Chẳng hạn: “Con thích sữa hay nước ép táo?” hay: “Con thích áo dài tay màu đỏ hay áo thun màu xám?”. Khi con được quyền quyết định, bé sẽ cảm thấy rất tự hào đấy!

4. Khuyến khích bé noi theo gương tốt

Bạn luôn biết rằng con thích bắt chước người lớn, nên hãy tận dụng điều này để xử lý những trường hợp bé bướng bỉnh. Chẳng hạn, khi con không chịu mặc áo khoác, hãy nói “Bây giờ trời nắng quá, mẹ sẽ mặc áo khoác vào để chống nắng nè. Con có thấy trời nắng quá không? Hay mình cùng mặc áo khoác chống nắng rồi đi ra ngoài nhé”.

 

5. Khen ngợi hành động tốt

Đây là một bước không thể thiếu để khuyến khích con thực hiện những hành động tốt, tích cực và bớt ngang ngạnh. Hãy cho con thấy rằng bạn rất công bằng, và những nỗ lực của bé đều được ghi nhận.

6. Dùng sự hài hước để phá vỡ bế tắc

Nếu bạn cứ tiếp tục lặp đi lặp lại rằng con phải làm thế này, thế kia, có thể bé lại càng không nghe lời. Thay vì vậy, hãy gợi ý cho con một trò chơi để “dẫn dụ” bé đến hoạt động mà bạn mong muốn. Chẳng hạn, khi muốn con đi tắm nhưng bé lại đang chơi búp bê, bạn hãy nói: “Nào, giờ mình sẽ cùng bạn búp bê nhảy một đoạn cho đến khi vào tới phòng tắm nhé”.bé bướng bỉnh

Những trường hợp con hay nói “Không”

Để không “bốc hỏa” mỗi khi bé bướng bỉnh cãi lời, bạn hãy chuẩn bị trước tâm lý trong những trường hợp con hay nói “không” nhất. Đó là:

  • Trước giờ đi ngủ
  • Giờ ăn
  • Khi bạn bảo con thử những hoạt động xa lạ
  • Gặp gỡ bạn mới hay chuẩn bị đến trường
  • Khi đi mua sắm hay ở trong sân chơi đông đúc
  • Khi đi gặp bác sĩ

Kinh nghiệm trị bé bướng bỉnh của người mẹ khéo léo

Tôi đang có một cháu gái tên Linh, bé được 8 tháng tuổi. Từ 7 tháng tuổi bé nhà mình đã bắt đầu có những dấu hiệu bướng bỉnh. Một vài biểu hiện đó là khi bé đang chơi một đồ chơi nào đó mà tôi không cho chơi, đem cất đi là nhất định bé giữ không chịu đưa cho tôi.

Khi tôi giành lấy thì bé khóc và đập chân đập tay, tỏ thái độ không đồng ý. Có lúc cô bé bướng bỉnh gào lên rất to hay nhiều lúc bé nhất định đòi mẹ cho bằng được, không chịu cho ai bế. Dù bé còn nhỏ và những biểu hiện của bé không quá nghiêm trọng nhưng tôi nghĩ rằng cần phải uốn nắn bé ngay từ đầu.

Tôi cũng đã nghĩ ra một số cách, khi áp dụng thì cũng rất hiệu quả và muốn chia sẻ với MarryBaby:

Thay vì để con chơi những đồ chơi không được phép, tôi đưa con chơi những đồ chơi được phép chơi. Ví dụ: Con rất thích chơi những quyển sách nhưng chủ yếu là vò và xé sách. Những lúc như vậy tôi liền lấy ngay quyển sách bé hay chơi đưa cho con và nói với con rằng: “Đây là sách của mẹ, con không được chơi với cuốn sách này, đừng xé sách của mẹ nhé!”. Tất nhiên bé không phải lúc nào bé cũng đồng ý trao đổi món đồ chơi mà bé đang chơi. Những lúc như vậy tôi vừa âu yếm con, vừa nói một cách nhẹ nhàng để con đồng ý.Bé bướng bỉnh

Trong trường hợp khác, nếu bé không đồng ý trả lại quyển sách thì tôi sẽ cương quyết hơn, không chiều theo ý con và lấy lại quyển sách của mình. Tôi cũng không quát mắng con, không đánh con nhưng điều chỉnh cho giọng nói, nét mặt nghiêm hơn.

Tôi sẽ đánh lạc hướng bé bằng những món đồ chơi khác. Khi bé khóc thì tôi sẽ dỗ dành bé những bằng những món đồ chơi đó, và nói chuyện cho bé quên đi. Ví dụ: Tôi chỉ con gấu bông kia và nói: “Chú gấu này xinh quá, chú mặc bộ đồ màu xanh thật đẹp”. Bé sẽ chú ý ngay và quên đi chuyện trước đó, tôi đã làm rất nhiều lần và lần nào cũng thành công.

Bé hay nhõng nhẽo, hay đòi theo mẹ. Những lúc như vậy tôi sẽ không bế bé ngay, mà để con chơi, chỉ con vào những đồ chơi xung quanh và nói với con về những đồ chơi đó. Chỉ một lúc sau, con tôi đã vui vẻ chơi với những đồ chơi đó mà không đòi mẹ bế nữa.

Đó là một số cách mà tôi đã làm và thấy hiệu quả và muốn chia sẻ với các bà mẹ khác. Vấn đề mà tôi quan tâm bây giờ là làm sao tập cho bé có tính tự giác, trong mọi hoạt động hằng ngày tôi luôn tập cho bé tính tự giác như: khi bé đòi đồ chơi ở xa, tôi không lấy cho bé mà đỡ bé đứng dậy, hoặc để bé bò ra lấy,… Nhưng để con luôn tự giác là điều không phải dễ dàng, tôi  mong có nhiều ý kiến chia sẻ của các bà mẹ về vấn đề này.

Ý kiến của Thạc sĩ Tâm lý Phan Trịnh Hoàng Dạ Thy – Giảng viên ĐH Hoa Sen TP.HCM: “Khi thấy con mình bướng bỉnh, cha mẹ thường cho rằng như thế là không ổn và ngay lập tức muốn trẻ phải thay đổi, muốn con phải nghe theo bất cứ yêu cầu nào của mình. Tuy nhiên, có phải chính cha mẹ cũng muốn sau này lớn lên con cũng có chính kiến riêng của mình, biết bảo vệ ý kiến và không dễ bị bắt nạt, nghe theo lời người khác? Vì vậy, trong sự bướng bỉnh ấy của trẻ cũng có một phần rất tốt mà cha mẹ nên giữ lại, giúp con từ một đứa bé bướng bỉnh thành đứa bé biết quản lý cảm xúc, biết ra quyết định và biết tự giác làm việc.

Trước hết, chính ba mẹ phải là một tấm gương cho trẻ về khả năng kiềm chế cảm xúc, giữ bình tĩnh trước những hành vi ương bướng của con hay những sự việc khác thay vì la hét, ném đồ đạc. Trẻ bướng bỉnh thường không thích bị người khác sai khiến, vì vậy cho trẻ thêm sự chọn lựa là giải pháp thích hợp. Dĩ nhiên những lựa chọn bạn đưa ra đều là những điều trẻ được phép.Bé bướng bỉnh

Chúng ta cũng hoàn toàn có thể cho con tham gia góp ý kiến vào những quyết định nho nhỏ của gia đình. Đồng thời, tính tự giác ở trẻ không tự nhiên mà có, cha mẹ cần phải giúp trẻ lập nội quy sinh hoạt và lặp đi lặp lại những công việc ấy nhiều lần để hình thành thói quen.

Khi thói quen đã hình thành, bạn sẽ thấy ở trẻ một sự tự giác trong học tập cũng như sinh hoạt hằng ngày. Điều này cũng có nghĩa, cha mẹ đừng vội nóng lòng muốn tập cho con tính tự giác khi con mới chỉ biết bò, trườn hay đi chập chững. Khi con bắt đầu vào mầm non, những sự tác động của chúng ta giúp trẻ tự lập sẽ thích hợp và mang lại hiệu quả hơn nhiều bởi  khi đó nhận thức của trẻ cũng đã phát triển hơn và vận động của trẻ cũng đã hoàn thiện.”

Anh Tuấn

Categories
Dạy con Nuôi dạy con

Kỹ năng sống cho trẻ: Dạy con ngoan biết chia sẻ

1. Dạy trẻ biết chia sẻ:
Trong những hoạt động vui chơi hàng ngày của bé, một trong những kỹ năng sống cho trẻ là biết chia sẻ với những người khác. Nên khuyên bé chia sẻ đồ chơi với những người bạn khác, không nên chỉ giữ khư khư cho riêng mình. Bên cạnh đó, bạn cũng phải dạy con biết cách cảm thông cho những cảm xúc, tâm trạng của những người xung quanh mình.

Khi vui chơi cùng con, cha mẹ hãy dạy và khuyến khích con mình tham gia các trò chơi đòi hỏi tính tập thể, nhiều người cùng chơi như xếp hình, kéo co…, từ đó bé thấy rằng việc chia sẻ mang lại niềm vui.

Đồng thời, giúp bé hiểu cảm giác bị khi từ chối sẽ khiến trẻ thông cảm với bạn hơn, từ đó sẽ dễ dàng chơi chung cùng bạn một cách hòa động hơn, thân thiện hơn.

day_con_ngoan_-_de_be_khong_ich_ky
Khuyên bé chia sẻ đồ chơi với những người bạn khác

2. Dạy trẻ cách giải quyết vấn đề:
Nếu bé ôm chặt chiếc xe tải đồ chơi, không muốn đưa các bạn khác chơi cùng, có thể vì bé nghĩ: “Lỡ bạn ấy lấy luôn thì sao?”. Trong trường hợp này, cha mẹ hãy khuyến khích các con thay phiên nhau chơi đồ chơi đó (bạn có thể chỉ lên đồng hồ, bảo con: “Kim chạy tới chỗ này thì thay phiên”), đồng thời bảo đảm với bé rằng, cho bạn chơi chung không có nghĩa là mình không được chơi đồ chơi đó. Nếu bé cho các bạn chơi chung đồ chơi, thì các bạn cũng chia sẻ lại như thế.

3. Hạn chế la mắng trẻ:
Nếu cha mẹ mắng con là “đồ ích kỷ”, rồi trừng phạt khi bé chưa biết chia sẻ, hoặc buộc bé phải chia một vật nào đó rất yêu thích thì bạn vô tình gieo rắc nơi trẻ sự oán hận, chứ không phải lòng quảng đại. Để khuyến khích con biết chia sẻ thì sự khích lệ sẽ mang lại hiệu quả tích cực hơn lời quở trách.

Phụ huynh cũng không nên quá lo lắng khi thấy bé giữ riêng cho mình một số đồ chơi cụ thể nào đó. Có thể sau này khi trưởng thành, chúng sẽ hiểu được chia sẻ với các bạn khác thì vui hơn là giữ riêng một mình.

4. Giúp trẻ bày tỏ thái độ:
Khi bé cãi nhau và giành giật đồ chơi, hãy giúp chúng hiểu ra điều gì đang xảy ra. Nếu một đứa trẻ đang giữ riêng một thứ đồ chơi nào đó, bạn hãy giải thích cho con biết, bạn của bé đang cảm thấy thế nào. Ví dụ, bé rất thích cái giỏ nhựa và không muốn ai đụng tay vào. Đừng vội la mắng bé, cha mẹ hãy đặt mình vào tình huống đó để hiểu tâm lý của bé. Biết đâu bạn khám phá ra rằng, bé không cho bạn mình chơi chung cái giỏ chỉ vì đã đựng đầy đồ bên trong, hoặc vì bé đặc biệt quý cái giỏ đó do ông nội tặng cháu nhân ngày sinh nhật…

5. Dạy trẻ cho và nhận:
Khi nhận một món quá từ người khác hãy khuyến khích bé biết nói lời cám ơn, hoặc hơn nữa hãy thể hiện bằng hành động cụ thể, như: viết 1 tấm thiệp cám ơn,…

Khuyến khích bé đem những món đồ chơi hay quần áo bé không chơi, không mặc nữa tặng những bạn nhỏ có hoàn cảnh khó khăn. Để bé trực tiếp đưa những món quà từ thiện đó đến tận tay những người có hoàn cảnh cơ nhỡ, hoặc đến các cơ quan địa phương. Hành động này sẽ khiến bé cảm nhận được rằng, mình đã làm được một việc rất tốt và mọi người ai cũng khen ngợi mình, đó là một nguồn động viên rất lớn.

6. Làm gương tốt cho con:
Để con cái không có tính ích kỉ thì đầu tiên bố mẹ phải luôn là những tấm cho con cái, mở lòng mình, sẵn sàng giúp đỡ mọi người để con cái có thể thấy được và noi theo những hành động của bố mẹ. Những hành động đó có thể là cho tiền những người hành khất, đưa một người già sang đường hay thường xuyên giúp đỡ những người hàng xóm của nhà mình. Bố mẹ hãy khuyến khích trẻ cũng tham gia vài những hoạt động có ích này, để trẻ nhận thức được rằng đây là những hành động tốt và được mọi người khuyến khích.

Đừng quên dạy cho bé biết cả những điều không thể sờ tới như cảm giác, ý tưởng, thời gian, những câu chuyện cũng là những thứ có thể chia sẻ được. Điều quan trọng nhất là cha mẹ hãy để cho con thấy mình cho và nhận, thông cảm và chia sẻ với người khác như thế nào.

TT

Categories
Dạy con Nuôi dạy con

Những trò chơi tư duy giúp bé phát triển trí thông minh

Tham gia vào các trò chơi tư duy là một trong những cách hiệu quả giúp trí não bé vận động để bé thông minh hơn. Bạn cần lựa chọn những trò chơi phù hợp với độ tuổi và sở thích của bé. Quan trọng hơn cả là hãy vui chơi cùng bé, để chia sẻ niềm vui, tận hưởng niềm hạnh phúc với bé và giúp bé học hỏi, rèn luyện những kỹ năng quan trọng trong khi chơi.
Bạn có thể tham khảo một số trò chơi giúp bé thông minh dưới đây:

1. Xếp hình tháp và lâu đài:
Các hình khối với nhiều kích thước và chất liệu khác nhau tùy thuộc vào độ tuổi của bé là phương pháp đơn giản nhất và giúp bé tự sáng tạo ra những lâu đài riêng biệt của mình. Trò chơi này sẽ giúp bé rèn luyện kĩ năng cầm nắm, củng cố tay và các ngón tay.

2. Ghép hình:
Đối với các bé 2 – 3 tuổi bạn hãy dùng tối đa là 20 miếng ghép để bé ghép thành những hình thù ngộ nghĩnh theo khả năng quan sát của mình. Trò chơi này giúp bé phát triển thị giác, đồng thời kích thích kỹ năng quan sát và vận động cho bé. Ngoài ra nó còn đòi hỏi sự tập trung để đạt được một mục tiêu mà bạn gợi ý. Cũng đồng nghĩa với việc để trí tượng tượng của bé được tự do phát triển.

3. Tìm đồ vật cất giấu:
Bạn hãy giấu những món đồ chơi mà bé yêu thích như búp bê, xe hơi… nhưng cố tình để cho bé thấy bạn để chỗ nào. Sau đó hãy hỏi khéo bé những đồ bạn muốn và ngỏ ý muốn bé đi tìm giúp. Bé sẽ ngoan ngoãn và thích thú đi tìm cho bạn. Sau khi tìm xong, bạn hãy dành cho bé một lời khen để bé được khích lệ. Có thể tăng độ khó lên bằng cách cho bé tìm 2, 3 món đồ cùng một lúc. Trò chơi này không chỉ giúp bé tăng cường vận động mà còn tạo cho bé sự hứng khởi khi làm một việc gì đó.

4. Phân biệt đồ vật khác nhau:

Những trò chơi tư duy giúp bé phát triển trí thông minh
Chuẩn bị 10 cái kẹo, 10 quả bóng nhựa nhỏ, 1 lọ đựng kẹo, 1 giỏ đựng bóng. Bỏ kẹo và bóng lẫn vào nhau. Sau đó bạn bỏ bóng và kẹo vào lọ và giỏ, rồi nói bé cùng làm theo sao cho bỏ đúng chỗ. Ban đầu có thể bé bỏ nhầm giữa kẹo và bóng, nhưng qua nhiều lần bé sẽ làm tốt hơn. Bạn hãy kiên nhẫn chờ đợi.

Hoặc bạn cũng có thể để những đồ vật trước mặt bé, dạy cho bé biết từng tên đồ vật sau đó yêu cầu bé đưa cho mình đúng đồ vật đó. Nếu bé đưa không đúng đồ vật được yêu cầu hãy làm lại cho đến khi bé nhận biết được thì thôi.

5. Nhận biết màu sắc:
Chọn những khối hình vuông, tròn, tam giác hoặc những quả bóng có màu sắc khác nhau, xếp chúng cạnh nhau. Sau đó nói bé đưa cho bạn những vật có màu sắc theo yêu cầu. Tương tự, bỏ tất cả các con vật, đồ vật vào một cái rổ, che kín rồi yêu cầu bé mở ra và tìm cho bạn những quả bóng màu xanh, quả cam màu vàng, chiếc xe màu đỏ, …

Bạn cũng có thể chuẩn bị một số hình khối nhiều màu sắc và hướng dẫn bé cách sắp xếp chúng theo từng nhóm màu. Trò chơi này giúp bé nhận biết được các màu sắc cơ bản xung quanh mình và giúp bé tự giải quyết vấn đề tốt hơn.

6. Nhận biết âm thanh:
Dùng máy ghi âm nhỏ thu lại những âm thanh trong cuộc sống hàng ngày như tiếng còi xe, tiếng cười, tiếng khóc, tiếng chuông cửa, điện thoại reo, tiếng nước chảy, tiếng đồng hồ tích tắc, tiếng chó sủa… Sau đó bạn cho bé nghe lại và xem bé nhận ra bao nhiêu âm thanh. Bạn cần giải thích rõ những âm thanh bé chưa biết, sau đó cho bé nghe lại và nhắc lại âm thanh đó.

7. Đuổi bắt thú bông:
Các bé rất thích những con thú bông nhỏ nhắn, nhiều màu sắc biết chuyển động. Bạn hãy treo thật nhiều thú bông dễ thương trước mặt bé, gợi ý để bé dùng tay túm lấy chúng. Bé sẽ thích thú với trò chơi thử thách này. Đồng thời, bé sẽ tập trung quan sát các con thú bông, quan sát bạn lấy chúng như thế nào. Trò chơi này còn giúp bé luyện tập phản xạ của tay mắt rất tốt.

Phan Anh

Categories
Dạy con Nuôi dạy con

Khuyến khích trẻ đọc sách

Cho trẻ tiếp cận với sách, truyện ở nhiều nơi để khuyến khích trẻ đọc sách. Những trẻ em yêu thích đọc sách thường được lớn lên trong môi trường mà sách vở hiện diện hầu như khắp ngôi nhà. Đừng để sách xa tầm tay của trẻ.  Lưu ý rằng trẻ có vóc dáng nhỏ bé, vì thế hãy sắp xếp sách, truyện ngay gần sàn nhà, trong tầm với của các bé.

Bạn nên thường xuyên đọc sách: trở thành tấm gương yêu thích sách là một trong cách tốt nhất trong việc dạy trẻ đọc sách. Nếu con bạn nhìn thấy bạn ham mê cầm sách đọc, thì chúng dễ có khuynh hướng phát triển thói quen giống bạn và theo đuổi hoạt động ấy như cha mẹ của chúng.

Qùa tặng là sách, truyện: đừng quên ý tưởng tặng sách như là món quà, phần thưởng trong các dịp sinh nhật,  hoặc trong các dịp lễ. Bạn rất dễ tìm được nhiều tựa sách hay với giá thành vừa phải để lựa chọn làm quà tặng cho bé. Và những gì bạn dùng để tặng hay được nhận như món quà thường trở nên quý giá và ý nghĩa hơn. Bởi ý nghĩa món quà gắn liền với tình cảm của cả người tặng và người nhận.

Cùng vui đọc sách với bé:  hãy tạo nên những giây phút vui vẻ cùng đọc sách với bé. Trẻ em rất thích được đùa giỡn với bạn. Bạn có thể dùng giọng nói, đóng thành nhiều vai khác nhau trong câu chuyện. Cách bạn thể hiện câu chuyện rất quan trọng,  một câu chuyện dù hấp dẫn đến mấy, nhưng nếu bạn không nhiệt tình tạo không khí hào hứng,  thì cũng trở thành một câu chuyện chán ngắt.

Thường xuyên cùng trẻ đọc sách: bạn nên rủ rê bé đọc sách truyện hằng ngày, thậm chí là nhiều lần trong ngày để tạo thói quen đọc sách. Đối với bé lớn hơn, bạn nên khuyến khích trẻ tìm sách đọc hằng ngày và cùng trao đổi với trẻ về những gì trẻ đang đọc.

Khuyến khích trẻ đọc sách
Hình thành thói quen đọc sách cho trẻ bằng cách khiếu những giờ đọc sách luôn tràn ngập niềm vui

Hạn chế xem Tivi: Tắt TV và tạo bầu không khí yên tĩnh. Khi không còn được xem TV nữa thì trẻ sẽ phải tìm việc gì đó để làm. Và việc xem TV nhiều sẽ có ảnh hưởng không tốt đến sự phát triển tư duy của trẻ đặc biệt là việc phát triển khả năng đọc sách.

Cùng lựa chọn sách: cùng trẻ đi đến thư viện hoặc nhà sách thường xuyên trong tháng, và tạo cơ hội cho trẻ  trẻ có cơ hội lựa chọn cuốn sách chúng yêu thích.

Truyện tranh và báo dành cho trẻ em:  là hai nguồn sách báo cực  kỳ tuyệt vời trong việc khuyến khích trẻ phát triển niềm yêu thích đọc sách.

Tập cho trẻ đọc sách, truyện theo từng chương:  một cuốn sách, truyện  dài nhiều chương hay dễ làm trẻ thích tìm lại cuốn sách để đọc nhiều lần để xem câu chuyện kết thúc thế nào.

Và quan trọng nhất là bạn phải tạo bầu không khí đọc sách vui vẻ và sinh động. Đây là khởi đầu tuyệt vời cho việc dạy trẻ đọc sách bởi vì trẻ em rất hào hứng với âm thanh sôi nổi, vì thế bạn hãy tạo các âm thanh đặc biệt mỗi khi bạn đọc truyện cho trẻ.

Khuyến khích trẻ đọc sách là việc mà bất cứ người mẹ nào cũng có thể thực hiện được, và rõ ràng là trẻ có rất nhiều lợi ích từ việc được  nghe bố mẹ kể chuyện vì thế hãy cùng trẻ đọc sách các mẹ nhé.

Categories
Dạy con Nuôi dạy con

Đồ chơi trẻ em kích thích sự sáng tạo

Khi bé từ 1 tuổi trở lên cũng chính là giai đoạn bé học hỏi tốt nhất. Với bé bây giờ thì đồ chơi không chỉ giúp bé vui mà còn giúp bé phát triển sự sáng tạo và tìm hiểu thế giới bên ngoài, vì vậy việc lựa chọn đồ chơi trẻ em cần sự chăm chút hơn của cha mẹ. Cha mẹ có thể tham khảo một số đồ chơi trẻ em kích thích sự sáng tạo sau:

1. Đồ chơi lắp ghép
Không có gì kích thích sự sáng tạo của bé bằng đồ chơi lắp ghép. Bạn có thể tập cho bé chơi đồ chơi này bằng dạng lắp ghép hình khối để bé có thể thỏa sức sáng tạo, lắp ghép những gì bé thích, hoặc đơn giản là ghép chúng lại thật cao, cao hơn cả bé, rồi từ từ tháo từng cái một ra. Chắc chắn loại đồ chơi này sẽ được đưa vào danh sách yêu thích của bé. Bạn nên lưu ý chọn những mảnh lắp ghép có bo tròn ở các cạnh và không quá sắc, nhọn, để bé không bị thương khi chơi nhé.

Do choi lap ghep

2. Đồ chơi xếp hình
Một lựa chọn khác cho bé 1 tuổi là đồ chơi xếp hình. Bạn nên cho bé bắt đầu với việc xếp các mảnh ghép vào các ô có hình dạng tròn, vuông, chữ nhật đơn giản. Sau khi bé đã nhuần nhuyễn việc nhận dạng hình dáng đồ vật thì mới chuyển sang cho bé ghép những mẫu hình đơn giản có từ 5 – 10 miếng ghép.

Do choi xep hinh

3. Đồ chơi phát ra âm thanh
Bé 1 tuổi bắt đầu thích nghịch phá với âm thanh và tạo ra những tiếng động ồn ào. Để giúp bé nuôi dưỡng tình yêu âm nhạc và cũng để người lớn đỡ nhức đầu thì một món đồ chơi phát ra những tiếng nhạc du dương, nhẹ nhàng là lựa chọn tốt cho các bậc cha mẹ. Nếu theo xu hướng hiện đại thì bạn có thể chọn đàn đồ chơi mini, điện thoại phát ra tiếng nhạc, hộp âm nhạc…. Nếu theo xu hướng truyến thống, bạn có thể chọn các bộ đàn gõ, trống đánh bằng tay…

Do_choi_dan_guitar

Dan do choi go

4. Sách
Cho đến khi 1 tuổi, bé có thể sẽ chưa cần đến sách, nhưng từ lứa tuổi này trở đi, bạn nên mua cho bé vài cuốn sách để tập thói quen đọc sách sau này. Sách cho bé 1 tuổi chưa cần phải chú ý quá nhiều đến nội dung câu chữ trong sách, mà nên chú ý đến phần trình bày. Sách nên có khổ lớn, hình ảnh đẹp, màu sắc tươi vui, bắt mắt để bé thấy thích thú khi nhìn vào hoặc có phần chưa tô màu để bé thỏa sức chơi đùa với màu sắc.. Bạn nên kể sơ câu chuyện, ứng với từng hình ảnh để bé hiểu cẩu chuyện mỗi khi lật từng trang sách. Có bé sẽ không nhớ nhiều về chuyện bạn kể, nhưng cũng có bé sẽ có thể kể lại vanh vách từng trang sách như chính bé có thể đọc được chữ vậy.

Sach tranh mau cho tre em

Minh Trâm