Giảm trí nhớ sau sinh rất phổ biến ở các chị em có con nhỏ. Chứng bệnh này gây ra không ít phiền toái cho cuộc sống của mẹ và khiến kết quả làm việc của mẹ ở văn phòng bị giảm sút.
Bạn có bao giờ nghe mọi người nói về việc thường hay quên linh tinh sau khi sinh con không? Giảm trí nhớ sau khi sinh chỉ là một hiện tượng tạm thời và nhanh chóng qua đi thôi. Tuy nhiên, nếu như bạn quá lo lắng về vấn đề này, bạn có thể thử áp dụng một vài cách sau để khắc phục và hạn chế phần nào căn bệnh hay quên này.
Nếu là thành viên của một hội nhóm bỉm sữa nào đó trên mạng xã hội, mẹ sẽ thường xuyên thấy các bài viết nội dung than phiền về chuyện “đánh rơi mất não”, “não cá vàng”, giảm trí nhớ sau sinh. Không đánh đồng tất cả nhưng đây là hiện tượng phổ biến và được khoa học chứng minh là có thật.
Nguyên nhân giảm trí nhớ sau sinh
Sau khi sinh, khoảng 99% các mẹ bỉm sữa cuống cuồng đi tìm lại “cái não” bởi có lẽ đã để quên luôn ở bệnh viện rồi! Từ chuyện nồi cá kho cháy đen, giặt đồ quên phơi đến cả tình huống ru con ngủ trên võng mà cữ ngỡ bé đang ngon giấc trong phòng. Những chuyện dở khóc dở cười này gây biết bao phiền toái trong sinh hoạt của mẹ, vậy nguyên nhân do đâu?
Hội chứng hay quên của các mẹ sau sinh đã được các nhà khoa học Australia chứng minh là thực sự tồn tại bằng nghiên cứu trên 1.000 phụ nữ mang thai và so sánh với những chị em bình thường.
Nguyên nhân gây suy giảm trí nhớ sau sinh chính là do tác động của các loại hormone sản sinh trong thai kỳ đã gây tác động lên não. Cụ thể, sự gia tăng hormone estrogen trong thời gian mang thai ảnh hưởng đến sự phát triển của những bộ phận quan trọng nhất trong hệ thần kinh trung ương của người phụ nữ, làm tăng nguy cơ mắc bệnh mất trí nhớ Alzheimer khi về già.
Lượng estrogen trong thời kỳ có thai cao hơn gấp vài trăm lần so với mức bình thường. Điều này tác động lên thần kinh não bộ của phụ nữ, khi cộng hưởng thêm các lý do đến từ stress tâm lý, trầm cảm sau sinh sẽ càng khiến chị em giảm trí nhớ nặng hơn.
Giảm trí nhớ sau sinh khi nào thì khỏi?
Trong 6 tháng cuối thai kỳ, đặc biệt là 3 tháng trước khi sinh, hormone estrogen bắt đầu hoạt động gây nên chứng suy giảm trí nhớ ở phụ nữ mang thai. Sau sinh và thời kỳ cho con bú, lượng estrogen trong bộ não sẽ giảm xuống, nhưng thay vào đó lượng lớn hormone oxytocin được tiết ra và lấp đầy bộ não. Kết quả là chị em càng trở nên “đãng trí” nhiều hơn.
Theo các nhà khoa học, thời gian để nữ giới sau sinh lấy lại được trạng thái cân bằng hormone là khoảng nửa năm cho đến 1 năm. Hội chứng này không phải là bệnh nên không cần điều trị bằng thuốc. Do đó nếu mẹ đang thắc mắc suy giảm trí nhớ nên uống thuốc gì thì không cần quan tâm đến điều này nhé.
Mẹo khắc phục triệu chứng suy giảm trí nhớ cho chị em sau sinh
Để khắc phục tình trạng trí nhớ sa sút, các mẹ nên lưu ý các hoạt động sau:
1. Luôn giữ tâm trạng thoải mái và hạnh phúc
Việc thường xuyên gặp căng thẳng trong cuộc sống và công việc khi mang thai sẽ “phá hủy” phần nào não bộ và khiến bạn bị giảm trí nhớ sau sinh. Vì vậy, dù làm gì bạn cũng đừng nên vội vàng, luôn giữ cho tinh thần thoải mái và tránh xa stress. Còn nếu như bạn đang bị áp lực công việc, có lẽ bạn nên suy nghĩ đến việc nghỉ ngơi một thời gian nếu tài chính ổn định.
2. Tăng cường khả năng ghi nhớ của não
Để tăng cường khả năng ghi nhớ của não, bạn nên thường xuyên quan sát và ghi nhớ những sự việc xung quanh. Bạn có thể bắt đầu với những hình ảnh đơn giản là xem xét và ghi nhớ trong vài giây rồi tăng dần mức độ. Bạn cũng có thể lưu ý đến những đặc điểm riêng để ghi nhớ những hình ảnh này. Thực hành thường xuyên và bạn sẽ thấy những thay đổi rõ rệt đấy!
3. “Né xa” thuốc lá
Khói thuốc không chỉ ảnh hưởng đến não bộ của thai nhi mà còn gây hại cho trí nhớ của mẹ bầu. Vì vậy, bạn không nên hút thuốc lá và cũng nên tránh xa những nơi có khói thuốc.
4. Nghe nhạc nhẹ nhàng
Nghe nhạc nhẹ nhàng không chỉ giúp thai nhi phát triển trí não mà còn giúp mẹ bầu giảm căng thẳng, kích thích lưu thông hoạt động tuần hoàn máu và cải thiện trí nhớ.
5. “Huấn luyện” não
Giống như cơ thể, não cũng cần được “tập thể dục” thường xuyên để có thể phát triển một cách khỏe mạnh. Bạn có thể thử học một ngôn ngữ mới, một trò chơi thú vị nhưng khó nhằn nào đó, như sudoku chẳng hạn. Càng bắt não hoạt động nhiều, bộ nhớ của bạn càng được cải thiện nhiều hơn.
6. Ăn và ngủ điều độ
Tuân thủ một chế độ ăn quá nghiêm ngặt và thường xuyên mất ngủ chính là những nguyên nhân hàng đầu gây nên hiện tượng giảm trí nhớ ở các mẹ bầu. Thay vì bỏ một mớ tiền vào các loại thực phẩm chức năng giúp tăng cường trí nhớ, điều đầu tiên bạn nên làm là:
- Tăng cường bổ sung dưỡng chất cho cơ thể, cố gắng ngủ đủ giấc đêm và nên ngủ trưa khoảng 30 phút mỗi ngày.
- Chế độ ăn giàu thực phẩm có lợi cho trí nhớ như bông cải xanh, cải bắp, súp lơ, rau cải bó xôi, các loại ngũ cốc như gạo nâu, bột yến mạch.
[inline_article id=853]
7. Các hoạt động khác
- Chuẩn bị kỹ kiến thức, kỹ năng làm mẹ
- Chia sẻ áp lực với người thân, gia đình
- Tránh trầm cảm sau sinh
- Sắp xếp công việc một cách khoa học
- Luyện tập tăng cường sự tập trung
- Tập thể dục đều đặn 30 phút mỗi ngày
Giảm trí nhớ ở người trẻ tuổi ngày càng phổ biến, nhất là ở phụ nữ sau sinh. Có nhiều cách để hạn chế bệnh suy giảm trí nhớ sau sinh và bạn có thể áp dụng các chia sẻ trên của MarryBaby. Việc điều trị dứt điểm chứng suy giảm trí nhớ tuy không hoàn toàn khắc phục được nhưng cũng giúp mẹ không quên quá nhanh và có thể ghi nhớ tốt hơn. Tốt nhất, mẹ đừng làm quá nhiều việc một lúc mà chỉ nên làm từng việc thôi mẹ nhé!
MarryBaby