Từ sau khi sinh bé đã có thời gian dài “kết thân” với bầu sữa mẹ, việc đột ngột cắt đứt mối thâm tình này có thể làm trẻ quấy khóc liên tục. Thậm chí, trong nhiều trường hợp, bé cưng sẽ có cảm giác bị bỏ rơi, từ đó dẫn đến tổn thương tâm lý. Với mẹ, việc cai sữa có thể gây căng tức ngực. Hơn nữa, mẹ cũng sẽ có nguy cơ viêm tuyến vú cao. Vấn đề đặt ra là có cách cai sữa không đau cho mẹ và không gây ảnh hưởng đến bé?
Khi nào thì nên cai sữa cho bé?
Theo các chuyên gia, không có một chuẩn thời gian cho con bú nhất định nào hết. Tuy nhiên, mẹ nên cho bé bú ít nhất trong 6 tháng đầu đời. Đây là thời điểm bé cưng đang hoàn thiện chức năng tiêu hóa cũng như hoạt động của các bộ phận khác. Bú sữa mẹ trong thời gian này sẽ tốt hơn cho sự phát triển của con.
Ở một số nơi trên thế giới, các mẹ còn được khuyến khích cho con bú đến khi bé được 2 tuổi. Việc này cũng được cơ quan Bảo vệ sức khỏe Thế giới thuộc tổ chức UNICEF ủng họ. Kể cả khi trẻ ăn dặm, mẹ vẫn có thể cho con bú mẹ vì ở mỗi giai đoạn khác nhau sữa mẹ sẽ tự điều chỉnh theo nhu cầu của bé và lợi ích không hề bị giảm đi như lời đồn.
Quyết định cai sữa cho bé phụ thuộc nhiều vào bản thân người mẹ cũng như điều kiện, hoàn cảnh gia đình nhiều hơn là các vấn đề liên quan đến lợi ích của nguồn sữa với bé.
Cách cai sữa không đau: 4 bước đơn giản mẹ cần biết
Cách cai sữa không đau thật ra không quá phức tạp, miễn mẹ có thể kiên trì thực hiện 4 bước sau đây:
Cai sữa cho bé dần dần và thật chậm
Đột ngột ngừng cho con bú sẽ ảnh hưởng không tốt đến cơ thể của mẹ, bởi cơ thể không được “lập trình” để ngừng tiết sữa ngay. Mẹ sẽ cần một thời gian để cơ thể nhận biết mình không cần tiết thêm sữa nữa.
Thay vì mỗi lần cho bé bú 10 phút, mẹ có thể giảm xuống 7 phút. Mỗi lần giảm nên thực hiện trong 1-2 tuần để cả bé và mẹ quen nhịp. Ngoài cách giảm thời gian bú, mẹ cũng có thể bỏ qua một vài cữ bú trong ngày để tập cho bé thích nghi. Thay bằng sữa mẹ, bạn có thể tập cho bé ăn dặm hoặc cho con uống sữa công thức.
Thường xuyên massage ngực
Massage ngực là cách cai sữa không đau các mẹ nên biết. Không chỉ giảm căng tức, massage cũng là cách giúp mẹ phát hiện những bất thường trên bầu ngực.
Ngay khi bắt đầu cai sữa cho bé, mẹ nên dành 10-15 phút massage ngực theo đường tròn một cách nhẹ nhàng. Trong khi massage, mẹ nhớ dùng dùng tay kiểm tra bầu ngực. Nếu ngực xuất hiện cục u, mẩn đỏ hoặc có cảm giác đau bất thường, rất có thể bạn đã bị tắc tuyến sữa. Trong trường hợp đó, hãy tích cực xoa bóp những phần bất thường này để thông tuyến sữa.
Dùng nước ấm nhẹ nhàng xoa lên ngực cũng sẽ giúp mẹ cảm thấy dễ chịu hơn. Lưu ý: Nếu các triệu chứng trở nên nghiêm trọng hơn, mẹ nên đến bệnh viện kiểm tra ngay. Tắc tuyến sữa có thể dẫn đến viêm vú.
Duy trì chế độ dinh dưỡng đầy đủ
Ngay cả khi không còn áp lực “nuôi con bằng sữa mẹ”, bạn vẫn nên bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng cho cơ thể. Vẫn duy trì khẩu phần mỗi ngày, tăng cường bổ sung rau xanh và trái cây. Đặc biệt, nhớ phải luôn uống đủ lượng nước cần thiết.
Bên cạnh dinh dưỡng, mẹ cũng nên cố gắng nghỉ ngơi đầy đủ. Cơ thể mẹ đang trải qua một quá trình thay đổi lớn nên càng cần được chú ý nhiều hơn. Ngủ là cách tốt nhất để cơ thể tự phục hồi.
Hút sữa
Nếu lượng sữa dồi dào và bạn đang đối mặt với cơn đau nhức, bạn có thể thử cách hút sữa. Mẹ có thể hút sữa bằng máy hoặc bằng tay. Tuy nhiên, không nên hút cạn sữa từ bầu ngực. Việc này sẽ giống như khi bé bú mẹ, và ngực sẽ tiếp tục quy trình tiết sữa như bình thường. Hãy hút sữa từng ít một, tránh làm bầu ngực nị căng đau.
Đây chỉ là cách giảm đau nhức tạm thời. Để giảm lượng sữa, mẹ có thể cân nhắc việc thêm các loại thực phẩm gây mất sữa vào chế độ dinh dưỡng.
[inline_article id=183633]
Cách cai sữa không đau MarryBaby gợi ý trên đây hy vọng có thể giúp mẹ dễ chịu hơn phần nào trong hành trình cai sữa cho bé “dài hơi” sắp tới.