Có thể nói món ăn dặm khoái khẩu này là một trong những món cháo với thành phần là hải sản đầu tiên mà mẹ nên giới thiệu cho bé sau cháo thịt.
Tôm rất giàu các vitamin, đặc biệt là omega-3 và DHA, những thành phần cần thiết cho sự phát triển trí não của trẻ. Điểm thú vị là sẽ tùy vào độ tuổi của trẻ mà cách nấu cháo tôm cho bé cũng khác nhau đôi chút. Cùng khám phá ngay qua bài viết dưới đây của Marry Baby nhé!
Những lợi ích sức khỏe tuyệt vời khi nấu cháo tôm cho bé
Trước khi bắt tay vào nấu nướng, mẹ cũng nên hiểu vì sao tôm lại cần thiết cho con như vậy. Một trong số những lợi ích tuyệt vời mà tôm mang lại bao gồm:
1. Tăng cảm giác ngon miệng cho bé
Bí mật nằm ở chỗ, các protein trong tôm khi tiêu thụ sẽ chuyển hóa thành peptide. Trong cơ thể, peptide sẽ kích hoạt hormone cholecystokinin (CCK) giúp làm chậm quá trình tiêu hóa, đồng thời tăng cảm giác thèm ăn, giúp trẻ ăn ngon miệng hơn.
2. Ngăn ngừa ung thư
Khoáng chất selen có mặt trong tôm đóng vai trò như một chất chống oxy hóa, ngăn chặn sự phát triển của các tế bào ung thư. Ngoài ra, selen còn làm tăng khả năng chịu đựng của cơ thể trong việc chống lại bệnh và các nhiễm trùng khác nhau.
3. Tốt cho xương và răng
Mẹ nên nấu cháo tôm cho bé dùng thường xuyên, bởi thành phần glucosamine trong tôm rất hữu ích giúp hình thành nên sụn khớp. Ngoài ra, sự có mặt của canxi và phospho cũng làm tăng mật độ khoáng cho xương chắc khỏe hơn.
4. Tăng cường hệ miễn dịch
Tôm là loại thực phẩm nổi tiếng giàu sắt cùng với đa dạng các khoáng chất khác nhau. Từ đó, những dưỡng chất này hỗ trợ tăng cường hệ miễn dịch và tham gia vào quá trình tạo ra năng lượng cho cơ thể.
5. Giúp trẻ thông minh hơn
Như đã đề cập ở trên, tôm là một nguồn đa dạng các omega-3 khác nhau. Nó bao gồm eicosapentaenoic acid (EPA) và docosahexaenoic acid (DHA) với tỷ lệ cân bằng. Hai loại omega-3 này đóng vai trò tích cực trong việc duy trì sức khỏe của thần kinh, đồng thời ngăn ngừa các bệnh liên quan đến tim mạch.
6. Phòng ngừa chứng thiếu máu
Tôm rất giàu vitamin B12, đây là dưỡng chất cần thiết để sản xuất ra các tế bào hồng cầu giúp ngăn ngừa chứng thiếu máu. Một chế độ ăn giàu vitamin B12 cũng giúp sản xuất DNA, vật liệu di truyền có trong tế bào.
Đâu là độ tuổi thích hợp để con có thể ăn dặm với cháo tôm?
Theo các chuyên gia dinh dưỡng, trong giai đoạn từ 6 đến 12 tháng là lúc mà bé cần nạp nhiều chất hơn để mau phát triển. Và trẻ từ 7 tháng tuổi đã có thể ăn một số loại hải sản phù hợp như thịt cá trắng, cá hồi, tất nhiên là cũng không thể thiếu tôm nữa.
Lượng dùng nên bắt đầu từng chút một (mức tối ưu nên là 15g/ngày). Bên cạnh đó, bạn cũng cần phải chú ý đến độ thô khi nấu cháo tôm cho bé. Bởi lẽ việc chuyển từ thức ăn nhuyễn mịn sang thô là bước khá quan trọng. Do đó, bạn nên cân nhắc tùy thuộc vào khả năng tiêu thụ thức ăn thô, hấp thu của con mình.
Đặc biệt là khi nấu cháo, bên cạnh nguyên liệu chính là tôm, bạn cũng nên thêm các thành phần khác như rau, củ, quả để cân đối chất dinh dưỡng cho con.
Nhiều mẹ thắc mắc cách nấu cháo tôm cho bé 8 tháng, cách nấu cháo tôm cho bé 1 tuổi, cách nấu cháo tôm cho bé 2 tuổi… Vậy mẹ hãy tìm hiểu những công thức dưới đây rồi biến tấu cách chế biến để ở độ tuổi nào con yêu cũng nhận được đầy đủ dưỡng chất nhé.
Mách mẹ công thức nấu cháo tôm cho bé cực đơn giản
Để có một bát cháo tôm thật thơm ngon, đảm bảo đầy đủ dinh dưỡng, các bà mẹ có thể tham khảo qua những công thức “chuẩn” như cháo mẹ đảm nấu sau đây:
1. Cháo tôm bí đỏ
Nguyên liệu cần:
- Bí đỏ: 200g
- tôm tươi: 200g
- Gạo nếp: 1 nắm
- Hành lá và ngò
- Hạt nêm, dầu ăn dành cho trẻ em.
Cách thực hiện:
- Bí đỏ rửa sạch, gọt vỏ và cắt miếng nhỏ.
- Gạo nếp vo sạch, ngâm nước khoảng 15 – 30 phút cho nở.
- Tôm bóc vỏ, khứa nhẹ sống lương để loại bỏ chỉ đen rồi xay nhuyễn và ướp cùng một ít hạt nêm.
- Cho bí đỏ, gạo nếp và nước vào nồi hầm trên lửa vừa cho đến khi hạt gạo nở bung và bí chín mềm nhừ. Khi cháo chín, bạn cho thịt tôm vào nấu tiếp khoảng 5 phút, đảo thật đều để thịt tôm không quện vào nhau, nêm hành ngò rồi tắt bếp.
- Múc ra bát, thêm 1 thìa dầu ăn vào, trộn đều và cho bé ăn khi cháo còn ấm.
Lưu ý một điều, khi nấu cháo tôm cho bé 6 tháng tuổi, bạn cần đảm bảo xay nhuyễn tôm, tán bí đỏ qua rây cho thật mịn rồi mới cho bé ăn.
2. Cháo tôm cà rốt
Nguyên liệu cần:
- Tôm: 100g
- Gạo nếp: 2 thìa súp
- Gạo tẻ: 5 thìa súp
- Cà rốt: 1/2 củ cỡ vừa
- Hạt nêm, dầu ăn dành cho trẻ em.
Cách thực hiện:
- Cà rốt rửa sạch, gọt vỏ, rồi cắt miếng nhỏ.
- Gạo vo sạch ngâm với nước khoảng 15 – 30 phút cho nở.
- Tôm cũng rửa sạch, bỏ vỏ và cả chỉ đen, xay nhuyễn rồi ướp cùng một chút hạt nêm để tạo vị.
- Kế đến cho gạo, cà rốt và nước vào nồi nấu trên lửa vừa cho chín nhừ. Khi cháo chín, bạn cho tôm, khuấy đều tay để tôm không vón cục, nấu tiếp khoảng 5 phút rồi tắt bếp.
- Múc cháo ra bát, cho thêm dầu ăn và cho bé ăn khi cháo còn ấm.
Lưu ý: Trường hợp nếu nấu cho trẻ từ 5 đến 6 tháng tập ăn dặm, mẹ nên hấp chín cà rốt rồi xay nhuyễn hoặc tán mịn và lọc qua rây trước khi trộn vào cháo cho bé.
3. Cháo tôm phô mai bông cải
Mẹ có thể nấu món cháo tôm này cho bé trên 8 tháng tuổi. Phô mai có vị béo thơm kèm thêm bông cải xanh giàu chất xơ tạo nên món ăn đủ dưỡng chất và nhiều màu sắc hấp dẫn.
Nguyên liệu cần:
- Tôm luộc đã bóc vỏ: 150g
- Súp lơ xanh: 55g
- Phô mai: 1 viên
- Gạo: 2/3 bát
- Nước hầm xương heo
- Hành tây: 1/4 củ
- Hạt nêm, muối, dầu ăn dành cho trẻ em.
Cách thực hiện:
- Đầu tiên, vo gạch cho sạch rồi ngâm nước sạch sau đó đổ ra rổ để ráo.
- Tôm thái miếng vừa ăn.
- Súp lơ rửa sạch, tước bỏ xơ, tách thành từng bông nhỏ và chần qua với nước sôi, sau đó cắt từng miếng nhỏ vừa ăn.
- Hành tây rửa sạch, bóc bỏ vỏ khô, thái miếng vừa ăn.
- Hành tây phi với dầu mè (vừng) cho thơm, sau đó cho tôm vào xào và nêm một ít muối.
- Tiếp đó, gạo cho vào nồi nấu cho đến khi hạt gạo nở bung đều. Khi cháo đã nhừ, bạn cho súp lơ xanh vào tiếp tục nấu cho đến khi chín mềm.
- Cuối cùng, chọn loại phô mai trẻ yêu thích thả vào và khuấy tan, nêm nếm gia vị vừa miệng rồi tắt bếp.
4. Cháo tôm rau ngót đậu xanh
Các loại vitamin B, C từ rau ngót và tinh bột đường từ đậu xanh rất tốt cho trẻ. Mẹ có thể cho bé từ một tuổi ăn dặm với món cháo này.
Nguyên liệu cần:
- Gạo tẻ: 6 – 8 thìa
- Đậu xanh đã cà vỏ: 1 thìa
- Tôm: 4 con
- Rau ngót: 50g
- Phô mai hoặc bơ lạt: 1 miếng
- Muối, hạt nêm, dầu ăn dành cho trẻ em.
Cách thực hiện:
- Gạo và đậu xanh vo sạch rồi cho vào nồi nấu với lửa vừa cho đến khi chín nhừ.
- Tôm rửa sạch, bóc vỏ, băm nhuyễn sau đó ướp cùng nước mắm.
- Rau ngót nhặt bỏ cọng, lá già, vàng úa, rửa sạch, băm nhỏ.
- Tiếp đến, phi hành mỡ cho thơm rồi thêm tôm vào, đảo đều cho đến khi tôm chín thơm là được.
- Cháo chín, bạn cho tôm, rau ngót, phô mai vào khuấy đều.
- Nấu thêm khoảng 2 – 3 phút rồi tắt bếp. Múc cháo ra bát, đợi nguội bớt, cho dàu ăn vào trộn đều và cho con dùng.
Lưu ý là bạn có thể phối trọng gạo tẻ và gạo nếp để món cháo của bé thơm và dẻo.
5. Cháo tôm nấm rơm
Nấm giàu dinh dưỡng như đạm, đường, chất xơ, canxi cùng các loại khoáng chất khác. Món ăn này rất được lòng các mẹ và bạn có thể nấu cháo tôm nấm rơm cho bé dùng vào những ngày tiết trời trở lạnh để tăng sức đề kháng.
Nguyên liệu cần:
- Tôm: 200g
- Nấm rơm: 100g
- Gạo tẻ: 4 thìa súp
- Gạo nếp: 1 thìa súp
- Hành khô: 1 củ
- Dầu ăn cho trẻ em, muối, hạt nêm, rau mùi, hành lá.
Cách thực hiện:
- Gạo vo sạch, ngâm nở, đổ ra rổ để ráo nước và đem rang đến khi se khô lại rồi mới nấu thành cháo.
- Hành khô bóc vỏ, rửa sạch, đập giập, băm nhỏ.
- Tôm bỏ vỏ, băm nhuyễn, ướp với chút hạt nêm, một nửa hành khô đập giập băm nhỏ.
- Nấm rơm cắt chân, ngâm với nước muối loãng 15 phút rồi rửa sạch, để ráo. Bạn có thể chẻ nấm làm đôi hoặc làm 4 tùy vào kích cỡ của nấm, trụng qua nước sôi để loại bỏ bào tử nấm.
- Bắc chảo lên bếp cho nóng, cho dầu ăn vào, cho hành vào phi thơm rồi trút tôm vào xào đến khi tôm chín dậy mùi thơm có màu đỏ gạch.
- Cháo khi thấy chín nhừ thì thêm tôm, nấm rơm và nấu khoảng 3 – 5 phút. Cuối cùng cho thêm rau mùi, hành lá thái nhỏ vào tắt bếp. Cho bé dùng khi cháo còn ấm.
Các công thức trên mẹ có thể biến tấu cho phù hợp với cách nấu cháo tôm cho bé 8 tháng, cách nấu cháo tôm cho bé 1 tuổi, cách nấu cháo tôm cho bé 2 tuổi…
Trên đây là những cách nấu cháo tôm cho bé ăn dặm cực đơn giản mà mẹ có thể tham khảo thêm. Khi nấu ăn cho con, bạn cũng cần chú ý không nên sử dụng những loại gia vị hay thành phần mà trẻ bị dị ứng, đặc biệt cũng không nêm nếm theo khẩu vị như người lớn bạn nhé!
MarryBaby