Không chờ đợi đến sau khi sinh mà ngay trước thời điểm chuyển dạ bất ngờ mẹ đã chuẩn bị đầy đủ các loại tã cho bé. Đó có thể là tã vải, tã xô truyền thống nếu mẹ không muốn chọn lựa tã dán, bỉm hay miếng lót sơ sinh kiểu hiện đại. Nhưng dù là loại tã nào cũng cần học cách quấn tã cho trẻ sơ sinh đúng chuẩn.
Các loại tã phổ biến cho trẻ sơ sinh
Tã chéo
Đây được xem là loại tã truyền thống nhận được nhiều sự ưu ái của các mẹ bỉm sữa hiện đại. Nếu chọn loại tã này, mẹ vừa tiết kiệm được chi phí vừa có thể nhờ thợ may đo và vắt theo ý thích. Đây cũng là loại tã rất thông thoáng cho mông và bộ phận sinh dục của trẻ sơ sinh, tránh được tình trạng bị hăm.
Có ưu thì cũng có nhược. Mẹ và người thân phải sẵn sàng tư thế giặt sạch sẽ cả “tá” thậm chí còn nhiều hơn thế loại tã chéo này. Em bé còn nhỏ sẽ tè, ị rất nhiều. Nếu không có thời gian, mẹ nên cân nhắc.
Độ tuổi sử dụng phù hợp nhất cho loại tã này là từ khi bé vừa lọt lòng cho đến khoảng 6 tháng. Mẹ chăm chỉ và chịu khó cũng sẽ tiết kiệm được một số tiền khá khá đấy nhé!
Tã vải và miếng lót sơ sinh
Đây là loại tã khá thông dụng hiện nay, chất liệu chính là vải. Các loại tã này có màu trơn hoặc hoa văn, dễ tìm mua trong các siêu thị và cửa hàng cho mẹ và bé.
Cách sử dụng khá đơn giản, mẹ chỉ cần cho miếng lót sơ sinh vào tã vải rồi mặc cho bé. Quần tã có hai đầu dán, mẹ canh mặt trước và mặt sau của tã rồi dán cho chặt là được. Tã vải chỉ sử dụng cho trẻ 3-6 tháng tùy vào cân nặng.
Tã dán, tã quần
Tã quần và tã dán rất thông dụng, có thể sử dụng lâu dài vì có nhiều size. Hai loại tã này dùng ban đêm cho trẻ hoặc mặc lúc cho trẻ khi đi ra ngoài rất sạch sẽ.
Cách quấn tã cho trẻ sơ sinh chuẩn nhất
Vào mùa hè nóng bức hay mùa đông giá lạnh, những cách quấn tã cho trẻ sơ sinh dưới đây đều có thể áp dụng hoàn hảo:
Đới với tã chéo
- Gấp tã thành hình tam giác cân
- Đặt bé lên trên sao cho một đầu tam giác của tã hướng xuống phía dưới
- Buộc 2 bên đầu với nhau sao cho nút thắt nằm ngay trước bụng của bé
- Cầm đầu dưới lên che bộ phận sinh dục và cột lại với phần vải dư của nút trên. Vậy là xong.
Đối với loại tã dán
- Đặt bé nằm ngửa
- Bóc miếng tã mới đặt xuống dưới mông bé
- Cởi tã cũ nhưng chưa bỏ hẳn ra ngoài mà chỉ úp phần đầu xuống dưới mông bé để làm sạch trước
- Dùng giấy lau sạch vùng kín của bé trước, lau từ trên xuống dưới – từ bộ phận sinh dục xuống dưới hậu môn
- Bỏ tã cũ ra ngoài
- Dán tã mới lại: dán 2 bên tã vào 2 cạnh sườn của bé. Kết thúc quá trình thay tã cho bé.
Cách quấn tã “con nhộng” cho bé ngủ ngon
Để bé cưng ngủ thêm ngon giấc, mẹ có thể học cách quấn tã kiểu “con nhộng” cho bé:
- Mẹ có thể chọn loại tã chéo hoặc tã xô. Tuy nhiên, mẹ nên lưu ý chọn chất liệu vải sợi bông cũng như ưu tiên loại có thể thấm nước tốt.
- Khi đã chọn được loại tã phù hợp, mẹ gấp tã thành hình tam giác cân sao cho nếp gấp 2 bên chồng lên nhau.
- Đặt bé tại trung tâm miếng tã, đỉnh tam giác hướng xuống dưới, hai cạnh ở hai bên. Mẹ nên lưu ý đặt phần mông của trẻ nằm gọn trong miếng tã.
- Cố định 2 đầu hai bên bằng nút thắt. Lưu ý, buộc nút thắt ngay trước bụng bé. Với những bé chưa rụng rốn, nút thắt phải nằm dưới rốn.
- Dùng đầu tã dưới che bộ phận sinh dục của trẻ, buộc lại với phần vải dư của nút trên hoặc mẹ có thể dùng kim băng để cố định.
Mẹo tránh cho bé khỏi hăm tã
Khi thực hiện thay tã và quấn tã mới cho bé, để tránh bé bị hăm tã, mẹ chỉ cần chú trọng vấn đề vệ sinh là được. Mẹ có thể tham khảo một số gợi ý dưới đây:
- Nếu bé bị hăm da, mẹ cần hạn chế đóng bỉm
- Nên chọn tã lót, quần bằng vải sợi cotton, đảm bảo sự thông thoáng
- Kích cỡ của tã lót và bỉm không quá chật, tránh làm cọ xát khiến da bé bị xước và bị hăm thêm
- Khi bé đi vệ sinh, dùng nước ấm rửa sạch, thấm khô bằng khăn, sau đó mới thực hiện thay tã
- Nên để vùng kín của bé được thông thoáng khoảng 10, 15 phút
- Thay bỉm thường xuyên cho trẻ, nhất là khi thấy trẻ vừa đi vệ sinh xong thì cần thay ngay
- Nên sử dụng kem chống hăm, bôi nhẹ nhàng lên vùng da hăm trước khi mặc tã mới
Trường hợp trẻ bị hăm nhiều và rộng thì mẹ nên dùng các cách sau để nhanh khỏi hơn:
Dùng lá chè xanh hoặc nụ vối hay nước lá trầu không rửa sạch, rồi đun sôi lên. Sau đó để nước nguội bớt, khi nước còn hơi ấm, dùng để rửa vùng da hăm cho bé. Ngoài ra có thể dùng khổ qua hoặc lá trầu không.
[inline_article id=179967]
Cách quấn tã cho trẻ sơ sinh mùa hè đơn giản thôi phải không mẹ! Quan trọng nhất vẫn là vấn đề vệ sinh vùng kín của bé để tránh tình trạng hăm da khiến cục cưng khó chịu nhé!