Categories
Sự phát triển của trẻ Chăm sóc bé Năm đầu đời của bé

“Nghệ thuật” cho bé uống thuốc

Khi trẻ bị ốm, cho bé uống thuốc luôn là việc khó khăn. Vì vậy, để con hợp tác, mẹ nên chuẩn bị vài “chiến thuật” dỗ dành

Chăm sóc trẻ bị bệnh vất vả 1, việc cho bé uống thuốc lại khó khăn gấp 10, nhất là với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Làm thế nào đưa đủ liều lượng thuốc vào cơ thể bé, nhưng lại không làm con nôn trớ hoặc sợ hãi? Thử ngay những mẹo sau đây mẹ nhé!

Cách cho bé uống thuốc dễ dàng
Dụ con uống thuốc cũng phải cần kỹ thuật, mẹ nhớ nhé!

1/ Linh hoạt nhiều cách

Nếu nhóc con không chịu dùng muỗng uống thuốc, mẹ có thể thử cho bé uống thuộc bằng xi-lanh, hoặc dùng đến một chiếc ly nhỏ. Lưu ý, sử dụng ly có số đo chính xác để canh liều lượng. Bất kỳ sự thay đổi trong cách tiếp cận cũng giúp bạn đánh lạc hướng để con chịu uống thuốc.

2/ Chia từng phần nhỏ

Thay vì cho bé uống tất cả cùng lúc, mẹ nên chia thuốc thành nhiều lần uống. Cách này sẽ giúp bé dễ nuốt thuốt hơn. Tuy nhiên, chống chỉ định với những bé cảm thấy cách này chỉ như kéo dài thêm “cực hình”.

3/ Chiến thuật cải trang

Tham khảo ý kiến bác sĩ về việc giấu thuốc trong thực phẩm hoặc đồ uống. Nếu có thể, mẹ nên bỏ thuốc vào những món ăn yêu thích của trẻ. Lưu ý: Khi kết hợp với một món gì khác, bé cưng sẽ cần phải ăn hết món đó mới có đủ liều lượng thuốc.

4/ Đặt thuốc đúng vị trí

Trước và giữa lưỡi là khu vực tập trung nhiều gai vị giác nhất. Thay vì đặt thuốc tại vị trí nhạy cảm này, mẹ nên chọn một vị trí “chiến thuật” hơn. Chẳng hạn, mẹ nên đặt thuốc vào phần nướu phía sau và bên trong má, nơi thuốc sẽ dễ trôi xuống cổ họng. Hơn nữa, vị trí này không ảnh hưởng nhiều đến vị giác của trẻ. Cách này đòi hỏi phải khéo léo khi một tay giữ bé ngồi yên, tay còn lại phải canh đúng vị trí.

[inline_article id=64206]

5/ Cho bé tự quyết

Với những bé từ 3-4 tuổi, mẹ có thể cho con chọn lựa giữa uống thuốc trong ly nước hay dùng ống xi-lanh. Cách này sẽ giúp bé cảm thấy chủ động hơn, vì đã được tự đưa ra quyết định. Ngoài ra, mẹ cũng có thể cho bé chọn thời điểm uống thuốc hoặc mùi vị của thuốc nếu có thể.

6/ Chơi trò bác sĩ

Để bé giả vờ làm bác sĩ cho thú bông của mình uống thuốc trước khi bạn đưa thuốc cho bé. Việc này giống một liều thuốc tâm lý sẽ giúp bé cảm thấy thoải mái hơn.

7/ Đừng nói dối

Nếu thuốc đắng, hoặc có vị không ngon, đừng bao giờ nói với trẻ rằng thuốc này rất ngon. Thay vào đó, hãy giải thích tác dụng chữa bệnh của thuốc, nói rằng thuốc sẽ giúp bé giảm khó chịu.

Ngoài ra, bạn cũng đừng quá căng thẳng khi cho bé uống thuốc. Nếu mẹ vui vẻ, thoải mái, bé cưng sẽ cảm thấy việc uống thuốc không khó khăn. Ngược lại, mẹ nhăn nhó sẽ làm bé nghĩ đây là một việc không dễ dàng, thậm chí khó chịu.

Những sai lầm mẹ cần tránh khi cho con uống thuốc

1/ Uống sai liều

Tuân thủ theo đúng liều lượng khuyến cáo của bác sĩ hoặc hướng dẫn sử dụng trên bao bì. Thuốc cho trẻ em hầu hết đều được chỉ nhỏ dựa theo trong lượng cơ thể bé. Tốt nhất, mẹ nên trang bị dụng cụ để đo chính xác lượng thuốc cần thiết. Nếu cho bé uống thuốc dạng lỏng, mẹ có thể dùng ống xi-lanh để đo liều lượng.

2/ Uống quá liều

Ghi rõ lịch uống thuốc hàng ngày của bé và đánh dấu khi xong mỗi đợt để hạn chế tình trạng cho bé uống thuốc quá liều vì… quên. Trong trường hợp lỡ quên cho con uống thuốc, tuyệt đối không tự ý tăng liều để bù đắp. Báo với bác sĩ để được tư vấn.

3/ Uống hai liều gần nhau

Cho con uống theo theo một giờ cố định, vừa giúp mẹ đỡ quên giờ uống thuốc, vừa tránh tình trạng 2 liều thuốc quá gần nhau.

4/ Ngưng khi chưa hết liều

Dù bé đã có dấu hiệu khỏe hơn, nhưng mẹ tuyệt đối không tự ý cho bé ngưng thuốc khi chưa hết liều, nhất là với thuốc kháng sinh. Kháng sinh được dùng để tiêu diệt vi khuẩn gây hại, nhưng nếu dùng không đủ liều, vi khuẩn không bị tiêu diệt mà còn gây tái nhiễm.

5/ Dùng toa thuốc cũ

Cùng một triệu chứng, nhưng chưa hẳn bệnh lần trước giống lần sau. Thậm chí, cùng một loại bệnh nhưng mức độ khác nhau, thuốc uống cũng sẽ khác nhau. Thông thường, bác sĩ kê đơn chỉ dàng riêng cho thời điểm ở điều kiện nhất định. Vì vậy, dùng đơn thuốc cũ có thể dẫn đến nhiều ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe bé.