Categories
Sự phát triển của trẻ Chăm sóc bé Năm đầu đời của bé

5 nguyên tắc nuôi dạy con gái dành cho mẹ

Chú ý lời ăn tiếng nói
Bạn đã bao giờ tình cờ nghe được một đoạn hội thoại giữa con và một vài người bạn gái khác để rồi kinh ngạc vì những gì trẻ nói ra? Chúng quá già so với độ tuổi của bé hoặc thậm chí khá là “chướng tai”. Đừng quên rằng càng ngày, các bé càng phát triển nhanh hơn cả về sinh lý và tâm lý, chưa kể đến trước tuổi dậy thì, con gái có xu hướng lớn nhanh hơn con trai. Đừng vội hoảng vì chắc chắn trong những ngôn từ khó nghe kia có không ít lời do trẻ bắt chước mà không ý thức được chúng thực sự có ý nghĩa gì hoặc sẽ khiến người nghe cảm thấy ra sao. Đây chính là lúc bạn cần “vào cuộc” để giải thích cho trẻ lời nói có thể khiến người khác tổn thương không kém gì hành động bạo lực.

Không được xem thường vẻ bề ngoài
Vẻ bề ngoài ở đây không chỉ muốn nói đến quần áo, tóc tai mà quan trọng hơn hết là con gái phải luôn gọn gàng và sạch sẽ. Dạy con tuyệt đối không bao giờ được tắm rửa qua loa vì việc giữ vệ sinh cơ thể không chỉ quan trọng với sức khỏe mà còn tạo nên một cô bé thơm tho và mát mẻ, điều sẽ tạo cảm tình ngay lập tức cho bất cứ ai đến gần con. Bên cạnh đó, các cô bé ngày nay thường dùng mỹ phẩm từ rất sớm và trẻ cần sự hướng dẫn của mẹ để không vô tình tàn phá làn da còn non nớt của mình.

nuoi day con gai 2
Nuôi dạy con gái nên người cần phải kiên nhẫn và tâm lý

Khích lệ con thể hiện sự nữ tính
Không ít người nghĩ rằng phụ nữ mạnh mẽ, độc lập và tự tin thì thường không nữ tính, đây quả là sai lầm! Điều quan trọng là nên thể hiện những nét tính cách nào trong tình huống cụ thể ra sao. Con gái của bạn có thể thích chạy nhảy, thể thao và chơi những trò của con trai nhưng trẻ vẫn có cách riêng để thể hiện sự nữ tính của mình. Nhiệm vụ của bạn là giúp con tìm ra và duy trì ranh giới giữa nét cá tính của con và sự nữ tính của tất cả những cô bé gái nói chung.

Cách ứng xử là rất quan trọng
Một cô gái có xinh xắn đến đâu mà ăn nói vô duyên và ứng xử kém thì khó lòng có được sự quý mến chân thành của người khác. Thái độ sống thường được hình thành từ nhỏ, do đó, nếu thấy con có những lời nói, hành động không đúng đắn, bạn cần điều chỉnh ngay bằng một cách thức phù hợp với độ tuổi và nhận thức của trẻ chứ đừng nghĩ rằng con còn nhỏ nên để từ từ rồi dạy. Chờ đến lúc chính bạn phát bực vì cách cư xử của bé thì có thể đã quá muộn để uốn nắn.

Hành động là minh chứng mạnh mẽ nhất
Cho dù con có vâng dạ và tỏ ra lắng nghe lời bạn dạy như thế nào mà trẻ không thay đổi thì rõ ràng bạn cần xem lại cách dạy của mình. Con vẫn thường nổi nóng và lớn tiếng với những người xung quanh khi bé không vừa ý? Con thích bắt nạt em nhỏ hoặc trút giận lên em mỗi khi bị người lớn la mắng? Hay con rất hay nói dối? Bạn cần giúp con hiểu rằng hành động nào cũng sẽ dẫn đến một kết quả nhất định. Nếu không, chính con sẽ phải nếm trải những khó khăn trên đường đời của mình sau này. Có thể với tư cách một người mẹ, bạn nhận ra bản chất của con không xấu nhưng hành động mới là thước đo chuẩn mực nhất để đánh giá một con người.

MarryBaby

Categories
Sự phát triển của trẻ Chăm sóc bé Năm đầu đời của bé

Bệnh về da ở trẻ sơ sinh

Biết về những bệnh về da phổ biến khi chăm sóc bé sơ sinh sẽ giúp cho ba mẹ xử lý những tình huống này một cách đúng đắn.

Bé bị viêm da đầu

Hiện tượng nổi vảy từng mảng, ngứa, da đỏ trên đầu bé là những biểu hiện của bệnh viêm da tiết bã mà dân gian hay gọi là “cứt trâu”.

Hiện tượng này xảy ra do các tuyến mồ hôi phải làm việc quá tải. Nó cũng có thể xảy ra trên lông mày và phía sau tai.Vấn đề có thể trở nên nghiêm trọng do 2 nguyên nhân sau: thứ nhất, đôi khi do cha mẹ nhìn thấy lớp vẩy bong tróc và nghĩ rằng đó da bị khô, họ thoa rất nhiều kem dưỡng ẩm lên đó, vô tình lại làm cho viêm da trở nên tệ hơnvà bong tróc nhiều hơn. Thứ hai, nhiều ba mẹ thấy phần thóp của bé đang còn mềm nên hạn chế gội đầu cho con khiến hiện tượng viêm da trầm trọng hơn. Một khi em bé bị viêm da tiết bã ở đầu thì cha mẹ cần tắm gội mỗi ngày cho bé với dầu gội dành riêng cho trẻ sơ sinh. Nếu tình hình không được cải thiện, bạn có thể thử thoa một ít dầu dưỡng ẩm hay dầu khoáng dành cho em bé để các lớp vẩy dễ bung ra rồi sau đó dùng lược chải nhẹ nhàng cho các vẩy này rớt ra, cuối cùng, gội đầu cho bé. Điều quan trọng khi sử dụng dầu dưỡng ẩm cho bé là bạn phải gội sạch cho bé trong vòng 24 giờ, nếu không, nó sẽ làm cho tình trạng viêm da thêm nặng. Thật ra hiện tượng này không hề làm cho bé đau đớn gì cả, chỉ trừ khi cha mẹ cố gắng làm cho các lớp vẩy bong ra nhanh thì có thể sẽ làm cho bé rớm máu và điều này sẽ làm cho bé dễ bị kích ứng da.

Bé bị nổi mụn

Đôi khi trẻ sơ sinh cũng bị nổi những mụn nhỏ li ti như mụn trứng cá. Lúc này, ba mẹ cũng không nên quá lo lắng hay tìm kiếm những loại thuốc chống mụn.

Mụn trứng cá ở trẻ nhỏ thường là những mụn li ti nổi trên mặt một vài ngày hay trong tháng đầu tiên chào đời. Chúng sẽ tự động biến mất mà không cần điều trị.

Bệnh về da ở bé sơ sinh
Mụn ở bé sơ sinh thường chỉ là dạng mụn nhỏ li ti

Eczema ở trẻ sơ sinh

Một số em bé sẽ bị eczema. Đó là tình trạng da khô di truyềntrong gia đình. Cách tốt nhất để điều trị bệnh này là để giữ cho da bé luôn ẩm bằng cách sử dụng kem dưỡng ẩm không mùi như Vaseline hoặc kem dưỡng da em bé. Nhưng nếu con có làn da nhạy cảm, bạn có thể phải sử dụng loại kem dưỡng da đặc biệt như Lubriderm hoặc Cetaphil cho bé. Nếu mọi nỗ lực chưa có hiệu quả, bạn cần cho bé đi bác sỹ để kiểm tra liệu bé có bị bệnh gì khác không.

Thùy Trang

Categories
Sự phát triển của trẻ Chăm sóc bé Năm đầu đời của bé

Tắm cho bé và các câu hỏi thường gặp

Hỏi: Các bậc cha mẹ thường bị ám ảnh bởi vi trùng và sự sạch sẽ, nhất là những người mới lần đầu làm cha mẹ, nên họ thường tắm cho bé bất cứ lúc nào họ cảm thấy cần. Tuy nhiên, thực sự thì trẻ sơ sinh cần tắm bao nhiêu lần trong ngày?

Đáp: Đối với trẻ sơ sinh, các bé thực sự không cần phải tắm nhiều hơn 2-3 lần mỗi tuần. Cha mẹ chỉ cần thường xuyên lau rửa mặt và những bộ phận được quấn tã thật kỹ là được, những phần còn lại của cơ thể bé như tay, chân, bụng và lưng… lúc này khá là sạch sẽ nên chúng không cần phải vệ sinh liên tục.

Khi em bé bắt đầu biết bò hay chập chững tập đi, điều quan trọng lúc này là bạn cần giữ cho bàn tay của bé luôn được sạch sẽ và nếu bé đang đi chân đất thì đôi chân của bé cũng cần được sạch sẽ. Điều đó có nghĩa cha mẹ cần tắm bé hường xuyên hơn, có thể là mỗi ngày. Tuy nhiên, vào mùa đông, cha mẹ cần cẩn thận khi tắm bé và tránh lạm dụng xà phòng và nước vì chúng có thể làm khô da của bé. Khi bé gần 1 tuổi , bé sẽ cần được tắm thường xuyên hơn, bởi vì bé lúc này khá nghịch và dễ bị lấm bẩn.

tam cho be 3
Tắm cho bé không đơn giản như bạn tưởng

Hỏi: Khi nói đến việc tắm cho tre so sinh, rất nhiều cha mẹ đã nghĩ ngay đến bồn rửa chén trong nhà bếp vì nó có độ cao phù hợp để họ có thể đứng thoải mái và thực sự vừa vặn để kiểm soát tốt việc tắm bé. Vậy họ cần vệ sinh bồn rửa chén như thế nào nếu họ có ý định dùng nó?

Đáp: Bạn cần rửa sạch nó thật kỹ và chắc chắn rằng không còn thức ăn hoặc bám bẩn của việc rửa chén trước đó còn sót lại. Và nếu bạn đã sử dụng chất tẩy rửa mạnh trong bồn thì hãy chắc chắn bạn đã rửa sạch kỹ bằng xà bông và nước, sau đó bạn hãy rửa sạch nó lần cuối bằng nước nóng để loại bỏ bất kỳ dư lượng hóa chất nào vì nó có thể gây kích ứng da ở bé. Một lựa chọn khác dành cho bạn là tắm cho em bé trong một bồn tắm trẻ sơ sinh. Loại bồn tắm này được thiết kế để tư thế khi tắm của bé sẽ có độ dốc nhẹ và tạo thành một góc so với mặt bồn, nhờ đó, nước sẽ chảy xuống khu vực mặc tã cho bé, đây chính là nơi bạn cần lưu ý làm sạch kỹ nhất.

Hỏi: Về nhiệt độ nước tắm cho bé, làm thế nào để cha mẹ biết được liệu nước có quá nóng hoặc quá lạnh hay không?

Đáp: Cách tốt nhất để kiểm tra nhiệt độ của nước chính là khuỷu tay hay cánh tay của bạn, bởi vì vùng da ở đó sẽ nhạy cảm hơn vùng ở ngón tay. Nước tắm cho bé chỉ cần hơi ấm thôi là được, đủ để bé thấy dễ chịu khi ngâm mình trong nước. Và hãy nhớ bảo vệ rốn của bé thật cẩn thận, tránh để nước thấm vào nếu nó chưa rụng. Để an toàn hơn, khi tắm, bạn để phần bụng của bé cao hơn mặt nước rồi dùng khăn thấm nước trong bồn tắm lau người cho bé. Khi rốn đã rụng, bé có thể an tâm tắm mình trong nước thỏa thích. Lúc này bạn có thể dùng bông tắm để thoa xà phòng và tắm lại cho bé.

MarryBaby

Categories
Sự phát triển của trẻ Chăm sóc bé Năm đầu đời của bé

Làm thế nào để vệ sinh đồ chơi cho bé?

Đối với đồ chơi bé thường mang theo khi tắm
Bạn có thói quen cho mấy con thú bằng cao su/ nhựa dẻo vào chậu nước tắm của bé? Những con thú này sẽ được “tung tăng” trong nước một thời gian dài. Và nhờ đó, chúng sẽ là “mảnh đất màu mỡ” cho nấm mốc và vi khuẩn phát triển bên trong và bên ngoài chúng. Bạn thử hình dung điều này sẽ nguy hiểm thế nào khi con bạn thích ngậm những con thú này khi tắm?

Vậy làm cách nào để vệ sinh loại đồ chơi này?
Trước tiên, bạn pha hỗn hợp giấm và nước theo tỷ lệ 1:1. Sau đó, bạn đổ đồ chơi vào dung dịch này và ngâm qua đêm, cần đảm bảo dung dịch ngâm sẽ vào được bên trong các món đồ chơi. Hôm sau, bạn đổ và bóp hết dung dịch ngâm ra, rửa sạch lại với nước và phơi cho khô. Sau mỗi lần bé chơi, bạn cần rửa và bóp sạch nước bên trong ra rồi cho vào rổ hay giỏ có lỗ thoáng để đồ chơi mau khô, không nên cho vào thùng hay hộp vì dễ làm ứ nước trong đồ chơi.

Đối với loại đồ chơi mềm
Người bạn tốt nhất mà bé thường âu yếm chính là mấy chú thú bông. Tuy nhiên những người bạn này lại có thể là ngôi nhà của hàng ngàn con ve bụi. Bạn có muốn con mình thở trong không khí đầy những con ve bụi này mỗi khi bé cầm và ném đồ chơi? Chắc chắn là không rồi!

Làm thế nào để làm sạch những con thú bông?
Giặt mấy chú thú cưng này hai tuần một lần, tốt nhất là giặt với quy trình nước nóng của máy giặt rồi phơi nắng. Ngoài ra còn có một cách khác hiệu quả hơn là trước khi giặt, bạn để đồ chơi vào túi nhựa rồi cho vào tủ lạnh để qua đêm. Sau khi bạn lấy đồ chơi từ tủ lạnh ra, máy giặt sẽ giúp loại bỏ mấy con ve bụi đã chết và chất thải của nó.

do choi cho be 1
Cần thường xuyên vệ sinh đồ chơi cho bé để tránh lây bệnh từ vi khuẩn có trong đồ chơi

Đồ chơi điện tử và các vật dụng khác
Bạn nên thường xuyên lau sạch các loại đồ chơi điện tử mà bé hay chơi bằng khăn ướt để chùi đi mấy dấu ngón tay của bé cũng như các loại vi trùng. Ngoài ra khi bé vừa ăn vừa chơi, những đồ chơi này rất dễ bị thức ăn dính vào.

Để làm sạch những vết bẩn này, bạn có thể dùng loại khăn ướt có chất khử trùng, kháng khuẩn để lau và loại bỏ các loại vi trùng không tốt cho bé.

Loại đồ chơi bằng nhựa không có pin
Loại này có thể bao gồm đồ chơi Lego, búp bê, ô tô, bộ đồ nghề bác sĩ… Với những đồ chơi này, bạn pha nước ấm và một ít xà phòng rồi đổ vào xô hay bồn tắm để ngâm đồ chơi. Sau đó dùng khăn mềm chùi rửa, nhớ chùi kỹ các khe kẽ trên đồ chơi rồi vớt ra, rửa sạch và phơi khô, vậy là xong.

Đồ chơi bằng gỗ
Mặc dù gỗ có đặc tính kháng khuẩn nhưng vẫn sẽ tốt và an tâm hơn khi bạn có thể làm vệ sinh đồ chơi bằng gỗ thường xuyên.

Làm sạch đồ chơi bằng gỗ của bé khá đơn giản. Bạn chỉ cần ngâm một cái khăn sạch trong giấm trắng rồi lau đồ chơi cho bé. Giấm là một dung dịch lau chùi tuyệt vời vì nó tự nhiên và hoạt động như một chất khử trùng nhẹ.

Búp bê
Búp bê được làm bằng nhựa cứng nên bạn chỉ cần ngâm một cái khăn trong giấm trắng hoặc dung dịch xà phòng loãng rồi lau. Bạn có thể “gội đầu” cho búp bê bằng nước và một vài giọt dầu gội đầu, sau đó chải và gỡ rối tóc cho búp bê. Nếu đó là một con búp bê vải, sẽ càng dễ dàng hơn vì bạn có thể cho vào máy giặt, miễn là bạn thao tác đúng theo hướng dẫn của nhà sản xuất.

Khi nào bạn nên vệ sinh đồ chơi cho bé?
Bạn có thể vệ sinh đồ chơi cho con một tháng một lần là được. Tuy nhiên, đồ chơi khi tắm của bé nên được giũ sạch nước và sấy khô mỗi ngày hoặc sau mỗi lần sử dụng. Và khi thức ăn dính vào đồ chơi thì bạn cần làm sạch ngay. Nếu con bạn bị dị ứng hoặc hen suyễn, bạn nên giặt đồ chơi mềm của bé hai tuần một lần.

MarryBaby

Categories
Sự phát triển của trẻ Chăm sóc bé Năm đầu đời của bé

7 mẹo giúp mẹ chải tóc cho bé thật dễ

chai toc cho be 2
Nên để bé chải tóc cho búp bê trong khi bạn chải tóc cho bé

Các bé gái với tóc dài thường trông rất đáng yêu. Tuy nhiên, tất cả các ông bố bà mẹ có con gái giống nàng công chúa tóc dài là một chuyện… còn chải được mái tóc ấy mà không vấp phải sự “chống cự” của bé lại là một chuyện hoàn toàn khác.

Vậy làm cách nào để chải tóc cho con thật dễ mà không phải khiến bé khóc lóc, mè nheo? Thử tham khảo các mẹo nhỏ dưới đây nhé.

• Thắt bím cho bé vào buổi tối. Một trong những lý do chính khiến trẻ ghét chải tóc là vì bé cảm thấy đau khi bạn chải những chỗ tóc rối. Thắt bím cho bé vào buổi tối trước khi ngủ sẽ hạn chế tóc rối đến mức tối đa và khiến cho công tác chải chuốt vào sáng hôm sau dễ dàng hơn nhiều.
• Chải tóc bằng ngón tay trước. Nếu tóc của bé không quá rối, bạn hãy nhẹ nhàng luồn ngón tay vào tóc bé rồi “chải” xuống trước khi dùng lược. Điều này sẽ giúp bé thoải mái hơn và hạn chế đau đớn khi chải bằng lược.
• Cho bé cầm lược. Nên khuyến khích con gái tự chải tóc từ nhỏ. Nói với bé rằng bé đã lớn và có thể tự chải tóc như mẹ. Bạn thậm chí có thể tạo ra mối liên hệ mật thiết giữa mẹ hoặc bố với con gái bằng cách chải đầu cùng nhau đấy nhé.
• Bắt đầu từ ngọn tóc: Giữ phần chân tóc và nhẹ nhàng chải những chỗ rối ở gần ngọn tóc rồi tiến dần lên chân tóc. Điều này sẽ khiến cả quá trình không gây đau đớn cho bé.
• Không dùng bàn chải tóc: Thay vì bàn chải tóc, hãy dùng lược có răng thưa. Điều này rất quan trọng, đặc biệt nếu tóc đang ướt vì lược sẽ giúp ngăn gãy tóc. Không bao giờ để mái tóc rối còn ướt sau khi gội khô tự nhiên vì điều này sẽ dẫn đến một mớ tóc rối khiến quá trình chải thêm khó khăn và bực bội.
• Dùng dầu xả dưỡng tóc. Nhớ dùng dầu xả dưỡng tóc mỗi lần gội đầu cho bé. Điều này sẽ giúp tóc bé mềm, sáng và mượt, đồng nghĩa với việc tóc sẽ ít hoặc không bị rối khi chải. Dầu xả chống rối hoặc dầu xả khô cũng có tác dụng tương tự.
• Kiên nhẫn gỡ từng chỗ rối. Nếu gặp phải một chỗ rối thật khó gỡ trên tóc bé, bạn cần kiềm chế ý nghĩ dùng kéo cắt phăng nó đi. Thay vì vậy, hãy bắt đầu gỡ từ bên ngoài chỗ rối bằng lược răng thưa. Sử dụng một số loại dầu gỡ rối hay thậm chí là một ít dầu ô liu cũng có thể giúp giải quyết vấn đề.
• Cắt tóc cho bé: Mặc dù tóc dài rất đẹp nhưng tóc càng dài thì lại càng dễ rối. Do đó, nên duy trì độ dài vừa phải cho tóc bé – tóc dài chấm vai hoặc ngang lưng sẽ dễ chải hơn nhiều so với tóc dài đến eo.
• Thử đánh lạc hướng. Phương pháp này sẽ cần thiết nếu con bạn chỉ khoảng 1 tuổi rưỡi đến 2 tuổi nhưng đã có một mái tóc dài. Hãy thử đánh lạc hướng bé bằng cách hát hoặc kể chuyện khi chải tóc cho bé. Khi bé lớn hơn, nên khuyến khích bé tự chải tóc.
• Dùng trí tưởng tượng. Nói với bé rằng bạn có chiếc lược thần kỳ và nếu bé chịu để cho bạn chải tóc thì bé sẽ có mái tóc màu nhiệm xinh đẹp của một công chúa.
• Giúp bé tập chải tóc: Khi bạn chải tóc cho bé, hãy để bé tập chải tóc cho búp bê. Một biện pháp còn tốt hơn nữa là để bé chải tóc cho bạn rồi nói rằng bây giờ đến lượt bạn chải tóc cho bé.

MarryBaby

Categories
Sự phát triển của trẻ Chăm sóc bé Năm đầu đời của bé

Làm thế nào để trẻ không còn sợ tắm?

Trẻ sợ tắm có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau như: sợ nước lạnh hoặc nước nóng, sợ xà phòng chảy vào mắt, sợ đau khi bị mẹ kì cọ cơ thể, thậm chí là sợ mùi hương các loại sữa tắm, dầu gội. Nhiều bé sợ tắm đến mức chỉ cần thấy mẹ chuẩn bị đồ dùng để đi tắm là đã khóc thét lên. Biết được nguyên nhân bé sợ tắm là gì thì việc giải quyết sẽ đơn giản hơn rất nhiều.

Trước hết, nếu bé khóc lóc hoặc có biểu hiện lạ khi chuẩn bị tắm, bạn nên dừng lại, đừng bắt bé tắm ngay cho bằng được. Vì càng ép bé càng sợ và những lần tắm sau sẽ khó khăn hơn nhiều.

tre so tam 1
Không bao giờ được để trẻ trong bồn tắm một mình dù chỉ là vài giây

Bé sợ tắm có thể do sợ nước. Bạn thử kiểm tra xem nước tắm của bé có quá nóng hay quá lạnh không. Khi đó, bạn nên điều chỉnh lại nhiệt độ của nước cho phù hợp với cơ thể bé. Khi đã điều chỉnh thì bạn cũng tập cho bé làm quen với nước từ từ chứ không nên ép bé tắm ngay.

Bé có thể sợ tắm do dầu gội hoặc sữa tắm cứ chảy vào mắt khiến bé khó chịu. Trong trường hợp này, bạn nên cẩn thận khi xoa dầu gội, sữa tắm lên người bé. Làm một cách cẩn thận, nhẹ nhàng để bé không cảm thấy đau hay khó chịu. Nên dùng các loại khăn tắm lông mềm để lau người cho bé, tránh làm trầy xước làn da mỏng manh của bé.

Bé sợ tắm cũng có thể vì sợ mùi sữa tắm, dầu gội. Kiểm tra loại dầu gội, sữa tắm có mùi hương khó chịu nào khiến bé không thích hay không. Nên chọn những loại dầu gội hoặc sữa tắm không có thành phần gây kích ứng da với trẻ. Đặc biệt là những loại sữa tắm, dầu gội có mùi hương trái cây chắc chắn bé sẽ rất thích.

Chú ý khi chuyển cho bé tắm từ chậu sang bồn tắm. Điều này sẽ khiến bé có cảm giác lạ lẫm khi bị di chuyển sang một môi trường mới. Nên tập cho bé tắm ở chậu hoặc bồn từ từ. Bạn cũng có thể cho bé ngồi vào lòng mình ở trong chậu để bé có cảm giác yên tâm là luôn có người lớn bên cạnh. Một khi đã quen thì việc tắm cho bé sẽ trở nên dễ dàng hơn nhiều. Bạn cũng có thể cho bé nghịch nước hoặc làm nước bắn tung tóe ra nhà. Nó có thể khiến bạn rất mệt sau khi tắm xong cho bé nhưng sẽ rất hiệu quả nếu bạn không muốn con sợ tắm nữa.

Nếu bé khóc lóc trong khi tắm, bạn nên giữ bình tĩnh và kiên nhẫn, tránh la mắng hoặc có những hành động khiến bé sợ hãi hơn. Có thể giúp bé quên đi nỗi sợ hãi bằng cách sử dụng những đồ chơi bằng nhựa khi tắm. Bạn cũng có thể thủ thỉ với bé những câu chuyện vui về gia đình hoặc những con vật đáng yêu sẽ giúp bé thích thú hơn rất nhiều.

Tuy nhiên, một điều cần lưu ý trong lúc tắm cho bé là bạn nên chuẩn bị hết mọi thứ cần thiết rồi mới tiến hành tắm. Không được để bé một mình ở trong chậu, bồn tắm hoặc khu vực tắm rửa dù chỉ vài giây vì như vậy rất nguy hiểm. Tai nạn thương tích trong nhà tắm vẫn thường xảy ra cho trẻ nhỏ khi người lớn chỉ cần lơ là đôi chút.

Phan Anh

Categories
Sự phát triển của trẻ Chăm sóc bé Năm đầu đời của bé

Chăm sóc trẻ sơ sinh tuần đầu tiên (Phần 1)

Các chỉ dẫn dưới đây sẽ giúp bạn dễ dàng quen với những việc cần làm trong tuần đầu tiên làm mẹ.

Thiếu ngủ

Trẻ sơ sinh sẽ ngủ rất nhiều, khoảng 20 giờ một ngày, nhưng giấc ngủ không dài, mỗi giấc ngủ chỉ từ một cho đến bốn giờ. Nói cách khác, thời gian ngủ của trẻ sơ sinh khác người lớn, do đó, bạn dễ bị kiệt sức do mất ngủ vì bé.

Cách thích nghi: Cố gắng chợp mắt bất cứ lúc nào và bất cứ nơi nào mỗi khi bé ngủ. Chuyện gì sẽ xảy ra nếu bạn không thể ngủ? Hãy nhờ sự giúp đỡ.

Mẹo cho mẹ: Bạn có thể nhờ mẹ chồng hoặc mẹ ruột tới chăm con giúp trong thời gian ở cữ. Khi có bà ở nhà vào ban đêm để cùng với bố thay ca chăm sóc bé, bạn có thể ngủ một giấc dài mà không bị gián đoạn. Nếu bạn không có người thân nào có thể giúp bạn chăm sóc bé vào ban đêm, nên trao đổi với chồng và đề nghị anh ấy giúp đỡ. Ví dụ để chồng trông bé trong phòng khách để bạn có thời gian ngủ đầy đủ và dặn chồng thời gian mang bé vào phòng để cho con bú mẹ.

cham soc tre so sinh
Chăm sóc trẻ sơ sinh là một thử thách với những ai lần đầu sinh con

Dỗ bé

Các bé sơ sinh do vừa thoát ra khỏi sự bao bọc ấm cúng trong tử cung mẹ nên các bé có nhu cầu được ôm ấp liên tục và nhẹ nhàng.

Cách thích nghi: Đừng lo lắng về việc bạn có thể làm hư bé khi cứ ẵm bé liên tục, đó là chuyện không thể. Nếu bạn tạo cho bé cảm giác như khi vẫn còn trong tử cung, bé sẽ yên tâm hơn và không khóc nữa. Để làm được điều này, bạn nên quấn chăn cho bé, lắc lư, dỗ dành, ôm bé vào lòng và để bé mút ngón tay của bạn. Những bước này được thực hiện riêng lẻ hoặc cùng lúc sẽ giúp bé tự động dứt cơn khóc của mình.

Mẹo cho mẹ: Nên thử nhiều cách dỗ bé khóc để xem bé thích hợp với cách nào. Có bé thích được bế ra ngoài, có bé lại thích được dỗ dành, vuốt ve.

Cho con bú

Chuyện cho con bú có thể không đơn giản như bạn nghĩ, đặc biệt với những ai lần đầu làm mẹ.

Cách thích nghi: Tham gia lớp học tiền sản hoặc nhờ bác sĩ hướng dẫn về việc cho con bú càng sớm càng tốt sau khi sinh trước khi có vấn đề phát sinh. Nếu bạn có bác sĩ riêng hoặc y tá đến nhà để giúp bạn chăm sóc bé trong thời gian đầu thì càng tốt. Bạn cần tìm hiểu về cách cho bé bú, tư thế ẵm bé khi cho bú và cách duy trì đủ sữa cho bé. Quan trọng nhất là tạo cảm giác tự tin cho bạn bởi có sự khác biệt lớn giữa việc “hạnh phúc khi cho con bú” và “chỉ muốn cho bé bú cho xong”.

MarryBaby

Categories
Sự phát triển của trẻ Chăm sóc bé Năm đầu đời của bé

5 điều cần nhớ khi mặc quần áo cho trẻ sơ sinh

1. Không được kéo
Trẻ sơ sinh sẽ phản ứng trước hành động kéo hoặc đẩy từ người đối diện theo bản năng từ khi mới chào đời. Tuy nhiên, để mặc quần áo cho bé, mẹ buộc phải làm những động tác như kéo tay áo. Bí quyết cho mẹ là gom ống tay áo lên một ít và luồn tay bé ra ngoài. Bé sẽ phản ứng đẩy tay ra khi mẹ mặc áo và thế là a lê hấp, tay áo đã ở đúng vị trí. Bí quyết này cũng có thể áp dụng khi mặc quần cho bé nữa đấy mẹ ạ.

2. Xắn hết áo váy trước khi cho qua đầu bé
Khó khăn tiếp theo là làm thế nào để kéo áo qua khỏi đầu bé vì trẻ sơ sinh có bản năng nín thở khi bị vật gì đó bao phủ khuôn mặt. Điều này không gây quá nhiều vấn đề ngoài việc hormone tuyến thượng thận adrenalin có thể khiến bé bồn chồn lo lắng và không thấy buồn ngủ trong khoảng một tiếng. Để tránh nảy sinh tình trạng này, mẹ nên xắn tối đa áo váy của bé cho đến khi chúng nhìn giống cái bánh donut ấy! Sau đó, mẹ chỉ việc cho vào đầu bé vì chiếc áo hiện tại không còn che phủ hết cả khuôn mặt bé nữa.

Tre so sinh 1
Mặc quần áo cho trẻ sơ sinh nhìn vậy mà không dễ chút nào

3. Cẩn thận với ngón chân út
Thực tế cho thấy ngón chân út của bé rất “vô duyên”, thường nhô ra vào những lúc không cần thiết, làm bé hay bị vướng khi mặc quần, mang vớ, mang giầy. Mẹ cần đảm bảo vớ che phủ được hết các ngón chân bé trước khi mang. Với giày dép, mẹ có thể giữ các ngón chân bé khi đi giày, như thế việc mang giày sẽ dễ dàng hơn mà bé cũng thấy thoải mái hơn.

4. Cẩn thận với dây kéo để tránh tổn thương bé.
Hầu hết người lớn chúng ta có không ít lần trầy xước tay do cái dây kéo “đáng ghét”. Để bé yêu được an toàn, mẹ nên dùng một ngón tay đặt phía sau dây kéo, tay còn lại kéo bình thường. Ngoài ra, mẹ có thể dùng 1 tay kéo dây, tay còn lại kéo phần dây kéo ra xa cơ thể bé. Cách làm này không hiệu quả lắm do phải sử dụng cả 2 tay và khi dây kéo càng được kéo lên gần cổ, bé yêu sẽ không còn được an toàn.

5. Cho bé nằm nghiêng
Một trong những rắc rối mẹ gặp phải trong quá trình chăm sóc bé là làm thế nào để mặc bộ đồ ngủ cho bé một cách suôn sẻ nhất. Nhiều người ẵm bé nằm úp mặt lên ngực để mặc đồ ngủ cho bé nhưng cách làm này không tốt và có thể gây nguy hiểm. Mẹ có thể mặc một bên quần áo cho bé, sau đó cho bé nằm nghiêng để mặc bên còn lại.

MarryBaby

Categories
Sự phát triển của trẻ Chăm sóc bé Năm đầu đời của bé

7 mẹo cho bé ngủ ngon khi đi chơi Tết xa

7 mẹo nhỏ dưới đây sẽ giúp bé ngủ ngon hơn khi xa nhà
Đem theo cái mền và cái gối quen thuộc của bé: Những vật dụng này sẽ đem tới mùi hương và cảm giác quen thuộc như khi ở nhà, giúp bé thấy dễ chịu hơn khi ngủ.

Đem theo cũi xếp của bé: Nếu bé dưới 2 tuổi, bạn nên đem theo cũi xếp của bé, nếu có. Như vậy, bé sẽ được ngủ ở “chỗ” của mình hoặc ít nhất là bé cũng có cảm giác tương tự.

Đem theo “vật cưng” của bé: Đó có thể là con thú bông hoặc búp bê mà bé luôn giữ khư khư bên mình mọi lúc mọi nơi. Tuy nhiên, mẹ lưu ý rằng điều này chỉ dành cho những bé trên 12 tháng thôi nhé vì không được để bất cứ vật dụng nào ở chỗ ngủ của bé dưới một tuổi nhằm phòng tránh đột tử ở trẻ sơ sinh (SIDS).

7 mẹo cho bé ngủ ngon khi đi chơi Tết xa
Để giúp bé ngủ ngon ở chỗ lạ, ba mẹ cần dịu dàng và kiên nhẫn với bé

Nếu gia đình bạn đi du lịch xa và có điều kiện, bạn nên đặt phòng suite thay vì phòng đơn hoặc đôi thông thường. Như vậy, bạn có thể cho bé ngủ trong một phòng riêng giống như khi ở nhà nếu muốn.

Cố gắng duy trì lịch trình đi ngủ của bé trên đường đi du lịch giống như khi ở nhà, ví dụ như tới một thời điểm nhất định, ba mẹ sẽ tắt đèn, sau đó đọc truyện cho bé, v.v…

Cho bé xem phim hoặc nghe nhạc nhẹ để bé quên đi cảm giác lo lắng khi thấy mình đang một nơi hoàn toàn xa lạ.

Ba mẹ cần bình tĩnh và kiên nhẫn trấn an bé. Trẻ nhỏ khá nhạy cảm với chuyện lạ chỗ, dẫn đến khó ngủ, đôi khi khóc quấy. Đây là điều có thể xảy ra với bất cứ độ tuổi nào nhưng các bé chưa biết cách kiểm soát cảm xúc nên có thể khiến bạn bực mình. Tuy nhiên, đây là lúc bé cần bạn hơn bao giờ hết vì giữa khung cảnh và những con người xa lạ, chỉ có ba mẹ là những gương mặt thân quen nhất với bé.

MarryBaby

Categories
Sự phát triển của trẻ Chăm sóc bé Năm đầu đời của bé

Chăm sóc trẻ suy dinh dưỡng

Công thức tính cân nặng và chiều cao trung bình của trẻ theo độ tuổi như sau: X = 9kg + 2kg (N – 1); Y = 75cm + 5cm x (N – 1) với X là số cân nặng cần tính, Y là số chiều cao cần tính và N là số tuổi của con. Dựa trên cách tính này, chị em có thể biết được con yêu có các chỉ số cân nặng, chiều cao như thế nào so với bạn bè cùng lứa.

Các lưu ý khi chăm sóc trẻ bị suy dinh dưỡng:
1. Vệ sinh ăn uống: Đảm bảo cho trẻ ăn chín uống sôi, ăn ngay sau khi nấu. Nếu thức ăn để ngoài không khí quá 3 giờ, nên đun sôi lại rồi mới cho con dùng. Tập thói quen cho trẻ rửa tay trước và sau khi ăn. Các dụng cụ cần được rửa sạch trước khi chế biến thức ăn.

2. Vệ sinh cá nhân: Tắm rửa sạch sẽ cho trẻ 1 ngày 2 lần, nhất là vào mùa nóng, giữ ấm cho trẻ vào mùa lạnh. Là ủi quần áo cho con trước khi mặc để tránh bị ẩm mốc bám lên da. Tập cho con thói quen đánh răng mỗi ngày vào sáng, tối và sau khi ăn. Luôn hướng dẫn con giữ tay sạch sẽ, đồng thời mẹ nên thường xuyên cắt móng tay và rửa tay cho con sau khi vấy bẩn, nhắc nhở con không được mút tay,v.v..

Chăm sóc trẻ suy dinh dưỡng
Với trẻ suy dinh dưỡng, mẹ không chỉ cần chú ý chuyện ăn uống mà còn nhiều vấn đề khác

3. Vệ sinh môi trường: Diệt ruồi, muỗi, lăng quăng, làm thông thoáng cây xanh xung quanh nhà, luôn giữ môi trường sống quanh trẻ sạch sẽ và thoáng mát. Thường xuyên rửa đồ chơi cho trẻ, giặt giũ thú bông định kỳ hàng tuần. Dùng thùng rác có nắp đậy và để ở chỗ kín xa nơi vui chơi, học tập, nghỉ ngơi của trẻ.

4. Theo dõi tâm lý của trẻ: Đây cũng là một yếu tố ảnh hưởng tới sự phát triển thể chất của trẻ nhỏ mà nhiều người vô tình bỏ qua. Ba mẹ cần theo dõi sự phát triển tâm lý của bé để có thể tâm sự với con và hiểu rõ con hơn. Đồng thời, ba mẹ cần lưu ý tránh xung đột trước mặt con.

5. Tủ thuốc của bé: Trong tủ thuốc gia đình, các mẹ nên có sẵn các loại thuốc sau: Paracetamol để hạ sốt trẻ em dạng gói để uống và viên đặt hậu môn, tuỳ theo độ tuổi và cân nặng của trẻ mà dùng liều lượng phù hợp, miếng dán hạ sốt, cặp thuỷ đo nhiệt độ, dầu khuynh diệp, nước muối sinh lý nhỏ mắt mũi Nacl 0.9% và bông băng, băng dán cá nhân,.. để hỗ trợ sơ cấp cứu kịp thời khi con sốt cao, viêm mũi họng cấp hoặc té ngã chảy máu, trước khi đưa con vào bệnh viện.

6. Dinh dưỡng cho bé khi đau ốm:
Sau một đợt bệnh, bé yêu nhà bạn bắt đầu kén ăn và tiêu hoá kém, đây là giai đoạn bé có thể bắt đầu suy dinh dưỡng dần dần. Lúc này, mẹ cần hỗ trợ con bằng mọi cách có thể, chẳng hạn như chia nhỏ bữa ăn hàng ngày ra cho con. Ví dụ một ngày bình thường con ăn 3 bữa chính và 3 cữ sữa , mẹ có thể chia nhỏ ra thành 5 bữa ăn và 3 cữ sữa, mỗi cữ cách nhau một đến một tiếng rưỡi. Chế biến đa dạng thực phẩm và cho con ăn tráng miệng với nhiều loại trái cây khác nhau. Cho thêm dầu ăn, dầu ôliu hoặc dầu cá hồi vào mỗi bữa ăn của con. Khi trẻ biếng ăn, khẩu vị có thể thay đồi nên cần chế biến thức ăn cho trẻ mỗi ngày nên đậm đà hơn thường lệ một tí, giúp trẻ cảm thấy ngon miệng hơn.

Minh Trang