Categories
Sự phát triển của trẻ Cột mốc phát triển Năm đầu đời của bé

Hướng dẫn cách chăm sóc trẻ sơ sinh 1 tuần tuổi đầy đủ và chi tiết nhất

Nếu chưa có kiến thức và kinh nghiệm chăm sóc trẻ sơ sinh 1 tuần tuổi, mẹ dễ cảm thấy lúng túng, căng thẳng ở tuần đầu tiên sau sinh.

Mẹ hạnh phúc chào đón con yêu đến với thế giới này sau 9 tháng 10 ngày mong đợi. Nhưng nếu kinh nghiệm chăm sóc trẻ sơ sinh 1 tuần tuổi chưa có, mẹ sẽ cảm thấy lo lắng rất nhiều. Mẹ e sẽ không thể chăm em bé sơ sinh tốt nhất cũng như chậm xử trí trong một số tình huống khẩn cấp, khiến con có thể rơi vào tình trạng nguy hiểm.

Hơn nữa, dù em bé chỉ mới 1 tuần tuổi nhưng có rất nhiều điều diễn ra trong quá trình tăng trưởng thời gian này. Việc chăm sóc trẻ sơ sinh 1 tuần tuổi đúng cách sẽ tạo tiền đề để bé khỏe mạnh và phát triển tốt về thể chất lẫn tinh thần về sau.

Sau đây là bí quyết chăm sóc trẻ sơ sinh 1 tuần tuổi mẹ không nên bỏ qua.

Chăm sóc trẻ sơ sinh 1 tuần tuổi: Sự thay đổi của trẻ sơ sinh

Mẹ sẽ hơi “thất vọng” với ngoại hình của bé khi mới chào đời. Em bé của mẹ có thể sinh ra với đôi mắt sưng húp, da nhăn nheo. Nhưng nếu theo dõi sự thay đổi của trẻ sơ sinh theo tuần, mẹ sẽ ngạc nhiên vì diện mạo của bé sẽ càng ngày càng thay đổi khác xa so với ban đầu.  

1. Vẻ ngoài của trẻ sơ sinh 1 tuần tuổi

Đầu của bé có thể bị méo hoặc dài hơn một chút vì lực kéo đẩy trong lúc chuyển dạ (với sản phụ sinh thường). Tuy nhiên, trong tuần đầu tiên này, đầu của bé sẽ dần tròn lại.

Mọi vết sưng quanh mặt và mắt của bé sẽ giảm trong vòng vài ngày. Nếu mặt hoặc đầu của bé bị bầm tím sau khi bác sĩ dùng kẹp để đẩy bé ra qua đường sinh, thì vết bầm tím sẽ biến mất trong tuần đầu này.

Trẻ sơ sinh bị bầm tím mặt có nguy cơ bị vàng da sơ sinh. Vì thế, bạn hãy cho nữ hộ sinh hoặc bác sĩ biết nếu da trên mặt bé có màu vàng và bạn nghĩ đó là dấu hiệu của bệnh vàng da.

Dây rốn của bé sẽ dần khô lại, chuyển sang màu đen rồi rụng, thường là trong vòng 10 ngày đầu tiên. Bạn hãy giữ cho dây rốn của trẻ sạch sẽ và khô ráo. Nếu vùng xung quanh dây rốn có màu đỏ hoặc dính, bạn hãy đưa con đến bác sĩ để xử lý kịp thời.

Con bạn có thể có một hoặc nhiều vết bớt khi mới sinh, nhưng mẹ không cần lo lắng về vết bớt của trẻ. Song nếu vết bớt của trẻ làm bạn lo lắng hoặc nếu có thay đổi, bạn nên nhờ bác sĩ kiểm tra.

Đôi khi trẻ sơ sinh có ngực to hoặc sưng và mềm. Bé cũng có thể tiết dịch núm vú màu sữa. Điều này xảy ra khi trẻ sơ sinh có nồng độ estrogen và/hoặc prolactin cao trong máu. Những tình trạng này thường tự biến mất trong vòng vài tuần.

>> Xem thêm: Sau khi trẻ rụng rốn cần làm gì? Cách chăm sóc rốn sau khi rụng

Chăm sóc trẻ sơ sinh 1 tuần tuổi: Sự phát triển của trẻ sơ sinh

2. Các chỉ số 

Chiều dài và cân nặng của trẻ phụ thuộc vào việc trẻ sinh đủ tháng hay sinh non

– Cân nặng của trẻ sơ sinh đủ tháng dao động từ 2,6kg đến 3,8kg. Cân nặng khi sinh thấp được phân loại ở mức dưới 2,5kg, cân nặng khi sinh cao ở mức trên 3,9kg. 

Nhẹ cân hoặc thừa cân đều không tốt với trẻ sơ sinh. Trẻ nhẹ cân dễ mắc các bệnh lý hô hấp, bệnh nhiễm trùng. Trẻ thừa cân tăng nguy cơ béo phì, tiểu đường, tim mạch.

>>> Mẹ có thể xem thêm: 7 bệnh nhiễm khuẩn sơ sinh thường gặp đe dọa tính mạng của trẻ

Điều mẹ cần biết khi chăm sóc trẻ sơ sinh 1 tuần tuổi là hầu hết trẻ sơ sinh giảm khoảng 10% trọng lượng trong ba đến bốn ngày đầu đời và thường lấy lại cân nặng trong vòng 7 ngày. 

– Chiều dài trung bình lúc sinh của bé gái là 49,1cm và của bé trai là 49,9cm.

Tuy nhiên, kích thước của em bé khi mới sinh, cả về chiều dài lẫn cân nặng không quyết định ngoại hình của bé khi trưởng thành.

– Khi được 1 tuần tuổi, hộp sọ của bé vẫn đang phát triển và hợp nhất với nhau. Chu vi vòng đầu trung bình của bé gái 1 tuần tuổi khoảng 35cm, của bé trai khoảng 36cm. 

Chu vi vòng đầu rất quan trọng vì sẽ giúp đánh giá sự phát triển não bộ của trẻ cũng như sớm phát hiện những bất thường não (nếu có).

2. Thị lực

Bé chỉ có thể nhìn các vật thể ở gần hoặc không quá 20-30cm, chẳng hạn bé có thể nhìn rõ mặt mẹ khi cho bé bú. 

Ngoài ra, lúc mới sinh, do các tế bào não và tế bào mắt chưa hoàn thiện nên bé chỉ nhìn được sự vật xung quanh bằng hai màu đen, trắng và sắc độ xám trung gian. 

Tuy nhiên, thị lực của bé sẽ phát triển và nhanh chóng cải thiện trong vài tháng tới.

3. Tiêu hóa

Chăm sóc trẻ sơ sinh 1 tuần tuổi, mẹ sẽ thấy trong vài ngày đầu tiên sau sinh, bé đi phân màu xanh đen, có kết cấu dính gọi là phân su (chất cặn bã tích tụ trong ruột bé sơ sinh). Sau đó, nhờ bú mẹ, phân bé sẽ chuyển dần sang màu vàng và lỏng. 

>>> Mẹ có thể xem thêm: Màu phân của trẻ sơ sinh nói lên điều gì? Thông điệp sức khỏe bé muốn gửi gắm

4. Hô hấp

Nhịp thở của bé sơ sinh 1 tuần tuổi thường không đều, lúc nhanh lúc chậm, thỉnh thoảng có những cơn ngừng thở trong vài giây. Nhưng đây là hiện tượng bình thường, mẹ không cần phải lo khi chăm sóc bé sơ sinh 1 tuần tuổi. Vì phổi của bé còn non yếu và bé đang học cách thở (trong bụng mẹ dây rốn cung cấp oxy cho cơ thể bé thông qua đường máu).

[inline_article id=2556]

5. Phản xạ

Bé có thể xuất hiện một số phản xạ ngay từ sớm, chẳng hạn như giật mình hoặc trông giống như đang run rẩy. Đây là hai trong số những phản xạ bình thường của bé mẹ hay gặp khi chăm sóc trẻ sơ sinh 1 tuần tuổi.

chăm sóc trẻ sơ sinh 1 tuần tuổi

Chăm sóc trẻ sơ sinh 1 tuần tuổi: Các mốc phát triển của trẻ sơ sinh

Sau chào đời, bé dần hoàn thiện các kỹ năng cần thiết để tồn tại bên ngoài bụng mẹ, đặc biệt là kỹ năng bú mẹ. Hệ miễn dịch và hệ tiêu hóa ở bé cũng trong quá trình hoàn thiện. 

Bên cạnh đó, chăm sóc trẻ sơ sinh 1 tuần tuổi, mẹ sẽ thấy bé có thể làm được những hành động sau trong tuần đầu tiên sau sinh.

1. Nở nụ cười tự phát, mang tính phản xạ

Đây là nụ cười không biểu lộ cảm xúc, chỉ đơn thuần mang tính phản xạ trong những ngày đầu tiên của giai đoạn sơ sinh. Nụ cười tự phát thường xuất hiện khi bé lơ mơ ngủ hoặc ngủ say. Bé càng lớn thì nụ cười mang tính phản xạ sẽ giảm dần.

2. Các cử động bằng nhau ở tay và chân

Bé sơ sinh thường khua tay khua chân một cách đều đặn. Khi chăm sóc trẻ sơ sinh 1 tuần tuổi, nếu mẹ thấy bé cử động một bên tay hoặc một chân nhiều hơn bên còn lại thì đó có thể là dấu hiệu của chấn thương hoặc yếu chi. Lúc này, mẹ nên thông báo tình trạng của bé cho bác sĩ biết.

3. Ngẩng đầu lên một lúc khi nằm sấp

Bé có thể ngẩng đầu lên một lúc khi nằm sấp. Nhưng hãy nhớ rằng, trẻ sơ sinh kiểm soát đầu yếu nên mẹ chưa cần thiết đặt bé ở tư thế này.

4. Có thể phản ứng với tiếng ồn

Bé có thể phản ứng với tiếng ồn lớn và nhìn theo các vật thể theo hướng đường giữa của khuôn mặt.

Chăm sóc trẻ sơ sinh 1 tuần tuổi: Dinh dưỡng và hoạt động cho trẻ

1. Cho trẻ bú mẹ hoàn toàn

Cho trẻ bú mẹ hoàn toàn

Sữa mẹ cung cấp dinh dưỡng tối ưu và các kháng thể, giúp bé khỏe mạnh, ngừa bệnh tật.

>>> Mẹ có thể xem thêm: Sữa mẹ loãng phải làm sao cho đặc, thơm và đủ dưỡng chất?

– Một trong những điều quan trọng nhất khi chăm sóc trẻ sơ sinh 1 tuần tuổi là mẹ hãy cho bé bú sớm nhất có thể, đặc biệt là khi tiếp xúc da kề da. Theo đó, bé sớm hấp thu nguồn sữa non từ mẹ trong 72 giờ đầu sau sinh. 

Sữa non chứa hàm lượng bạch cầu khá cao, giúp trẻ chống lại các bệnh viêm nhiễm, nhiễm trùng từ virus, vi khuẩn.

– Trong vài tuần đầu tiên, trung bình bé bú từ 8-12 lần/ngày. Mẹ căn cứ vào đó khi chăm sóc trẻ sơ sinh 1 tuần tuổi nhằm đảm bảo đủ cữ sữa cho con.

– Nếu bé ngủ say thì cứ 3 tiếng mẹ khua nhẹ cho con bú một lần, không cần phải đánh thức bé dậy.

– Cần kiểm tra xem bé có bú đủ hay không bằng cách xem số lượng tã bẩn, ướt trong ngày (thường trung bình từ 8-12 tã).

Trẻ sơ sinh 1 tuần tuổi uống bao nhiêu sữa? ​Trong tuần đầu tiên sau khi sinh, trẻ sơ sinh không nên ăn nhiều hơn khoảng 30 đến 60 ml mỗi lần bú. Trong tháng đầu tiên, trẻ dần dần ăn nhiều hơn cho đến khi bú được 90 đến 120 ml mỗi lần bú, tương đương khoảng 950ml mỗi ngày.

Lưu ý cho mẹ

Theo bí quyết chăm sóc trẻ sơ sinh, mẹ nên cho bé bú liên tục sẽ giúp kích thích sữa mẹ tiết ra nhiều hơn. Bên cạnh đó, mẹ cần uống nhiều nước, ăn uống đủ chất, tranh thủ ngủ nhiều nhất có thể để đảm bảo nguồn sữa cho bé. 

Mẹ cần nhờ đến sự hỗ trợ của người thân để được nghỉ ngơi hợp lý vì mệt mỏi và mất ngủ sau sinh có thể tăng nguy cơ trầm cảm sau sinh. Hơn nữa, trầm cảm sau sinh có thể gây mất sữa ở mẹ.

Để tránh bị viêm, tắc tuyến sữa, mẹ hãy cho bé bú đều hai bên, bú bên nào thì kiệt bên đó (nếu không, mẹ phải vắt sạch sữa thừa đi).

2. Giấc ngủ bé sơ sinh

Tuần đầu sau sinh, trẻ sẽ dành phần lớn thời gian trong ngày để ngủ. Thời gian ngủ tổng cộng từ 14 đến 17 giờ mỗi ngày. Dần dần, trẻ sẽ hình thành nhịp sinh học, thời gian ngủ sẽ cân bằng hơn.

3. Cách chăm sóc rốn cho trẻ sơ sinh

Mẹ hãy giữ cho dây rốn của con luôn khô ráo, sạch sẽ. Thường dây rốn của bé sẽ tự rụng trong khoảng một tuần mà không cần phải can thiệp. 

Tránh thường xuyên bôi cồn lên rốn của con mình vì đây là cách làm không được khuyến khích.

Mẹ có thể xem thêm cách vệ sinh rốn cho trẻ sơ sinh tại đây.

4. Tắm cho trẻ

Vài ngày đầu sau sinh, trên cơ thể bé có một lớp gây trắng gọi là vemix (lớp bảo vệ da của bé khi còn trong bào thai). Mẹ chỉ cần tắm cho bé sạch sẽ là được, không cần thiết phải kỳ cọ mạnh tay để trôi đi lớp vemix này. 

Để chăm sóc trẻ sơ sinh 1 tuần tuổi tốt hơn, mẹ có thể tham khảo thêm cách tắm cho trẻ sơ sinh chưa rụng rốn.

Chăm sóc trẻ sơ sinh 1 tuần tuổi: Bí quyết nuôi con

5. Cắt móng tay

Mẹ nên cắt móng tay cho bé để ngăn ngừa việc bé tự cào gây tổn thương mặt và mắt. Việc này nên thực hiện khi bé ngủ, tránh bé cử động nhiều. Để cắt móng tay cho con, mẹ có thể dùng giũa móng tay hoặc kềm cắt móng loại dành cho em bé.

6. Cách vỗ ợ hơi cho trẻ sơ sinh

Để tránh con bị nôn trớ, sau khi trẻ bú xong, mẹ nên vỗ lưng cho bé ợ hơi đồng thời ẵm bé một lúc hãy đặt con nằm xuống.

7. Vị trí bé nằm

Theo khuyến cáo của Viện Hàn lâm Nhi khoa Hoa Kỳ (APP), mẹ cần tuân thủ một số nguyên tắc sau để đảm bảo an toàn cho bé:

– Không ngủ chung với trẻ dưới bất kỳ hình thức nào. 

– Chỉ nên ngủ chung phòng với trẻ, đặt cũi, nôi của bé gần giường của mẹ để tiện chăm sóc bé.

– Luôn đặt trẻ nằm ngửa khi ngủ (không nằm nghiêng hoặc nằm sấp).

– Không nên đặt bất cứ thứ gì trong cũi, như đồ chơi hoặc những đồ vật mềm như gối để tránh gây ngạt cho bé.

>>> Mẹ có thể xem thêm: 5 nguyên tắc an toàn cần nhớ khi sử dụng cũi cho bé

8. Tiêm ngừa

Trẻ sơ sinh được khuyến cáo nên tiêm vắc-xin viêm gan B trong vòng 24 giờ đầu sau khi sinh để tăng hiệu quả miễn dịch. Việc này cũng giúp phòng được 85-90% các trường hợp lây truyền từ mẹ sang con.

9. Bệnh vàng da ở trẻ sơ sinh

Một trong những lo lắng phổ biến nhất của mẹ có em bé 1 tuần tuổi là bệnh vàng da. 

Khác với vàng da sinh lý, vàng da bệnh lý cần nhập viện gấp. Nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến biến chứng nhiễm độc thần kinh, khiến trẻ bại não thậm chí tử vong.

10. Thay tã lót cho trẻ sơ sinh 1 tuần tuổi

Trong vài ngày đầu tiên sau sinh, trẻ sẽ đi ngoài ra phân su (đây là hỗn hợp gồm các tế bào da, chất nhầy và các chất khác bé hấp thu trong khi còn trong bụng mẹ) có màu sẫm, khá dính và nhìn giống nhựa đường. Do đó, khi thay tã thường khó làm vệ sinh sạch nhưng điều đó rất bình thường.

Khi 5-7 ngày tuổi, trẻ sẽ cần được thay tã nhiều hơn, ít nhất khoảng  6 bỉm ướt mỗi ngày và bé đi ngoài ra phân loãng màu vàng khoảng 3-4 lần mỗi ngày. Phân của trẻ sơ sinh 1 tuần tuổi được bú mẹ hoàn toàn sẽ có màu sắc thay đổi từ vàng tươi đến xanh lá.

Các vấn đề sức khỏe trẻ gặp phải

Lời khuyên của bác sĩ

1. Dính mắt

Trẻ sơ sinh thường bị dính hoặc chảy dịch ở mắt trong vài tuần đầu tiên. Nguyên nhân thường là do bị tắc ống dẫn lệ. Trong trường hợp này, mẹ nên nhẹ nhàng làm sạch mắt cũng như massage vùng khỏe mắt cho trẻ để tình trạng này cải thiện hơn. Bạn hãy đảm bảo rửa tay sạch sẽ trước khi bạn massage cho con.

2. Phát ban

Trẻ sơ sinh có thể bị phát ban nhiều loại nhưng thường không nghiêm trọng. Nếu bạn cảm thấy lo lắng về tình trạng phát ban, hãy liên hệ bác sĩ để được kiểm tra.

3. Tiêm chủng

Trong 1 tuần tuổi, trẻ sẽ được tiêm vắc xin phòng bệnh lao và vắc xin viêm gan B (mũi tiêm phòng đầu tiên). Các loại vắc xin này được tiêm rất sớm để bảo vệ trẻ khỏi nhiễm bệnh từ thành viên trong gia đình, những người có thể không biết mình có mầm bệnh. Vaccine phòng ngừa viêm gan B và lao là an toàn cho trẻ sơ sinh.

Khi nào mẹ nên đưa trẻ đi khám bác sĩ?

Mẹ nên cho bé đi gặp bác sĩ nhi khoa nếu con có các dấu hiệu sau:

  • Màu da hoặc mắt của bé ngày càng vàng hơn.
  • Trẻ không bú mẹ hoặc bú rất ít.
  • Số lượng tã ướt ít hơn bình thường.
  • Bé khó đánh thức hoặc không thể ngủ.
  • Bé hay quấy khóc.
  • Bé bị sốt (sốt ở trẻ 1 tuần tuổi có thể là dấu hiệu của một bệnh nhiễm trùng nguy hiểm).

Mẹ có thể phải đối mặt với nhiều vấn đề khi chăm sóc trẻ sơ sinh 1 tuần tuổi. Tuy nhiên, nếu bé sinh ra khỏe mạnh, không thuộc nhóm trẻ nhẹ cân hay dư cân, cần chăm sóc y tế thì mẹ đã yên tâm phần nào. Hãy bình tĩnh trước mọi tình huống. Đừng quá lo lắng, cảm giác bỡ ngỡ sẽ qua đi, đồng thời những trải nghiệm ngày đầu con đến với thế giới này sẽ mãi là điều đẹp đẽ trong lòng mẹ.