Categories
Sự phát triển của trẻ Cột mốc phát triển Năm đầu đời của bé

Phát triển thể chất cho bé 6 tháng tuổi qua các bài tập

Bạn hãy tiến hành cho bé tập một số những động tác đơn giản để tạo cho bé thói quen vận động ngay từ khi còn nhỏ. Tuy nhiên, bạn hãy cân nhắc giữa các bài tập phù hợp với từng tuổi của bé.

Thể chất của bé 6 tháng tuổi phát triển thế nào?
Với những bé 6 tháng tuổi trở đi, thể chất của bé đang phát triển và dần hoàn thiện, các kỹ năng vận động cơ bản cũng được hình thành và phát triển. Lúc này, bạn hãy tiến hành cho bé tập một số những động tác đơn giản để tạo cho bé thói quen vận động ngay từ khi còn nhỏ. Tuy nhiên, sự phát triển thể chất mỗi bé không hoàn toàn giống nhau, cột sống và xương của bé cũng còn non. Do đó, bạn hãy cân nhắc giữa các bài tập phù hợp với từng tuổi của bé.

Trước khi luyện tập, bạn hãy cởi bớt quần áo của bé để thuận tiện cho việc luyện tập. Có thể cho bé tập ở trên bàn, trên giường hay sàn nhà có trải chiếu. Hãy lập ra một thời khóa biểu cố định cho việc luyện tập của bé.  Việc tập thể dục nên diễn ra hàng ngày, tại cùng một thời điểm và có cùng độ dài về thời gian. Điều này sẽ giúp bé trở nên quen thuộc và tự ý thức được việc tập luyện đó.
Phát triển thể chất cho bé 6 tháng tuổi qua các bài tập

Một số bài vận động cho bé:

  • Vận động nở ngực: cầm chắc hai tay bé, cho hai tay gập vào lồng ngực trước rồi mở ra vuông góc với thân người.
  • Vận động thẳng người: cầm chắc hai tay bé, đưa lên đầu, hai cánh tay chầm chậm đưa xuống hai bên thân.
  • Vận động gập chân: cầm chắc hai cẳng chân bé, để hai cẳng chân gập xuống ở đầu gối vuông góc 90 độ rồi từ từ kéo thẳng hai chân ra.
  • Vận động nâng chân: cầm chắc hai cẳng chân bé, nâng hai chân bé lên cao vuông góc với thân trên, rồi từ từ đưa hai chân xuống.
  • Xoay bàn tay: một tay cầm chắc cánh tay bé, tay kia cầm chắc bàn tay bé, xoay bàn tay bé từ từ theo chiều kim đồng hồ rồi lại xoay ngược chiều kim đồng hồ, sau đó chuyển tay.
  • Xoay bàn chân: một tay giữ chân, tay kia giữ bàn chân bé, xoay bàn chân bé ngược chiều kim đồng hồ, sau đó đổi chân.
  • Lật người: một tay đỡ phần bụng bé, tay kia đỡ phần lưng bé, đồng thời dùng lực nhẹ xoay người bé, bé có thể giữ trạng thái lật người 30 giây đến 1 phút rồi sau đó xoay bé lại rồi lật về đằng kia.

Lưu ý khi cho bé vận động:

  • Sau khi luyện tập bạn nên thay quần áo và bỉm mới cho bé
  • Không cho bé tập khi quá đói hoặc quá no, tốt nhất là sau khi bé bú khoảng 1 giờ. Nếu bé có biểu hiện quấy khóc, không muốn luyện tập thì bạn hãy dừng lại.
  • Tuyệt đối không được ép bé tập những động tác quá khả năng hoặc bé không thích.
  • Khi luyện tập, phòng phải giữ yên tĩnh, ánh sáng vừa phải, có thể bật nhạc nhè nhẹ cho bé nghe.
  • Động tác khi thực hiện nhẹ nhàng vừa phải. Trong lúc luyện tập hãy luôn mỉm cười và dành những lời khen ngợi để bé cảm nhận được sự yêu thương của bạn

Theo mức độ phát triển thể chất của bé và theo thời gian bạn có thể từ từ nâng dần độ khó của các động tác để phù hợp với lứa tuổi của bé. Bạn cũng nên kiên trì luyện tập hàng ngày để tạo thành một thói quen. Ngoài ra, bạn cũng nên thường xuyên đưa bé ra ngoài đi dạo, hít thở khí trời, cho bé quan sát xung quanh ngay từ nhỏ để tập làm quen với môi trường bên ngoài.