Categories
Sự phát triển của trẻ Cột mốc phát triển Năm đầu đời của bé

Trẻ sơ sinh 1 tháng tuổi: Ăn thế nào – Ngủ ra sao?

Đừng nói tới thời gian riêng cho bản thân, với những mẹ mới sinh con, có thể ngủ đủ giấc vốn cũng đã là điều xa xỉ, nhất là trong giai đoạn đầu trẻ sơ sinh 1 tháng tuổi. Tuy nhiên, mẹ có thể phần nào khắc phục tình trạng này nếu biết rõ lịch sinh hoạt của bé cưng.

Lần đầu làm mẹ, hẳn bạn sẽ không thể tránh khỏi những bỡ ngỡ trong quá trình chăm sóc bé cưng, nhất là khi nhóc tỳ vẫn là một đứa trẻ sơ sinh 1 tháng tuổi. Cho con ăn thế nào? Để bé ngủ ra sao cho đủ giấc? Làm thế nào để “huấn luyện” trẻ theo một lịch trình sinh hoạt nhất định? Bí quyết nằm ngay trong bài viết sau đây. Đừng bỏ lỡ mẹ nhé!

Trẻ sơ sinh 1 tháng tuổi
“Huấn luyện” bé sơ sinh 1 tháng tuổi theo lịch trình ăn ngủ nhất định liệu có đơn giản?

Lịch sinh hoạt của trẻ sơ sinh 1 tháng tuổi

Thực tế, với các bé 1-2 tháng tuổi, việc thiết lập thời gian biểu sẽ phụ thuộc rất nhiều vào nhu cầu của trẻ, sau đó mới đến nhu cầu của mẹ, và cuối cùng là của gia đình. Trước khi lên “lịch” cho trẻ, chắc chắn rằng mẹ đã hiểu nhu cầu ăn uống, ngủ nghỉ của trẻ trong suốt 24 giờ.

  • Ăn: Bao tử khá nhỏ nên mỗi ngày bé cần bú 8-12 cữ. Mỗi cữ bú, bé cưng có thể “nạp” từ 90-150ml sữa. Khác với những bé bú mẹ, bé bú sữa công thức có thể sẽ cần ăn ít hơn, do hệ tiêu hóa của trẻ cần nhiều thời gian để hấp thu sữa công thức.
  • Ngủ: Trẻ sơ sinh 1 tháng tuổi cần ngủ từ 16-18 tiếng ngày. Bé có xu hướng ngủ nhiều vào đêm, và ngủ ít hơn vào ban ngày. Hơn nữa, giấc ngủ của trẻ sơ sinh trong 3 tháng đầu đời thường rất ngắn, khoảng 30-45 phút, hoặc dài hơn từ 3-4 tiếng.
  • Chơi: Bất cứ khi nào bé tỉnh táo, mẹ có thể massage cho bé, cho con tập thể dục hoặc bày những trò chơi cho bé, vừa giúp thắt chặt tình mẹ con, vừa giúp bé phát triển các kỹ năng vận động cũng như nhận thức.

[inline_article id=158949]

Với trẻ sơ sinh 1 tháng tuổi, mẹ có thể linh động thời gian ăn, ngủ của trẻ. Đây chưa phải thời điểm thích hợp để bắt đầu một lịch trình cứng nhắc. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, mẹ nên “lên lịch” những việc cần làm theo một trình tự nhất định: Ăn – Chơi – Ngủ.

Ngay khi bé thức giấc, một lịch trình sinh hoạt đơn giản sẽ bắt đầu với những hoạt động sau:

Thời gian Hoạt động
7h Thay tã – Cho bé ăn
7h30 Chơi đùa với trẻ
8h Một giấc ngủ ngắn
10h Thay tã  – Cho bé ăn
10h30 Thời gian chơi
11h Cho bé ngủ
13h Thay tã – Cho bé ăn
13h30 Thời gian chơi
14h Cho bé ngủ
16h Thay tã – Cho bé ăn
16h30 Thời gian chơi
17h Cho bé ngủ
19h Thay tã  – Cho trẻ ăn
19h30 Thời gian chơi
21h Thay tã – Cho bé ăn
22h Cho bé đi ngủ

Đây là lịch trình tham khảo, mẹ có thể điều chỉnh lại cho phù hợp với nhu cầu của bé cũng như thời gian biểu của bạn và anh xã. Thời gian chơi buổi tối được kéo dài hơn là cơ hội để ba và bé có thể gắn kết nhau hơn.

Lưu ý: Khi chơi, mẹ nên để ý những dấu hiệu buồn ngủ ở trẻ. Khác với suy nghĩ của nhiều mẹ, bắt ép trẻ ngủ trễ không giúp kéo dài giấc ngủ về đêm của bé. Ngược lại còn dễ làm ảnh hưởng giấc ngủ của trẻ, làm bé ngủ không đủ giấc.

Với lịch sinh hoạt MarryBaby gợi ý trên đây, mẹ vẫn có thể vừa linh động theo nhu cầu của trẻ, vừa thiết lập được một trật tự của riêng mình. Như vậy, việc chăm sóc trẻ sơ sinh 1 tháng tuổi cũng sẽ trở nên “dễ thở” hơn với các mẹ.