Cháo dinh dưỡng không đủ chất: Vì sao?
- Chất đạm cần thiết để đáp ứng cho các bé từ 7-12 tháng là 80-100g thịt, tôm chia làm 3-4 bữa hay 1 lòng đỏ trứng gà/bữa. Một tuần, bé cần ăn 3-4 quả trứng. Nếu hầu hết bữa ăn của bé là cháo dinh dưỡng sẽ khó đảm bảo cung cấp đủ lượng chất đạm nói trên.
- Cháo dinh dưỡng có thể chứa các loại hóa chất như chất bảo quản chống mốc, giúp thực phẩm không bị đổi màu, giữ nguyên mùi vị.
- Tại các cửa hàng bán cháo dinh dưỡng tự phát, nguồn gốc các loại nguyên liệu không được chứng nhận chất lượng vệ sinh thực phẩm. Từ đó có thể dẫn đến tình trạng bé bị ngộ độc thực phẩm và tiêu chảy.
- Thịt cá được bày bán từ sáng đến trưa, dễ bị vi khuẩn xâm nhập.
- Một số mẹ không lưu ý ghi chú trên bao bì “chỉ sử dụng trong 18 giờ” nên cứ mua nhiều và để trong tủ lạnh để cho bé ăn dần. Thực tế, ngành y tế đã khuyến cáo thực phẩm nấu chín và bảo quản ở nhiệt độ bình thường không để quá 4 giờ vì cứ 1 giờ chưa sử dụng thì vi khuẩn phát triển lên gấp nhiều lần.
Cháo ăn dặm đóng gói liệu có an toàn hơn?
Nhiều người cho rằng, các món cháo cho bé đóng gói sẵn sẽ sạch sẽ và an toàn hơn vì được chế biến công nghiệp. Thêm vào đó, thành phần ghi trên bao bì ghi lượng chất đạm, lượng rau xanh… được tính toán rất khoa học, phù hợp với từng lứa tuổi.
Trên thực tế, các cơ quan chức năng cũng đã phát hiện nhiều mẫu cháo dinh dưỡng có chứa loại hóa chất như chất bảo quản natri benzoate. Đây là hóa chất chống mốc, giúp thực phẩm không bị đổi màu, giữ mùi nguyên thủy.
Trong khi đó trẻ em rất nhạy cảm với thực phẩm, vì vậy chất bảo quản cho vào thực phẩm trẻ em là không tốt.
Các mẹ nên làm gì?
Theo những thông tin nói trên, nếu các mẹ mua cháo dinh dưỡng nấu sẵn thì vừa không đáp ứng đủ hàm lượng chất dinh dưỡng cần thiết vừa không đảm bảo an toàn vệ sinh cho bé. Do đó, các mẹ cố gắng dành thời gian nấu cháo cho bé. Bạn có thể dùng thực phẩm hàng ngày của gia đình để chế biến cháo cho bé bằng cách lấy một ít thịt, cá, rau… băm nhuyễn nấu chín với cháo ăn liền. Hay bạn có thể nấu một nồi cháo trắng, để trong tủ lạnh, đến bữa ăn lấy một lượng vừa đủ ra nấu.
Cách nấu cháo dinh dưỡng tại nhà cho bé an toàn, tiện lợi
Nếu có con nhỏ, cách tốt nhất là phụ huynh nên tự nấu các món cháo cho bé ăn dặm tại nhà, vừa đầy đủ chất dinh dưỡng, lại sạch sẽ. Cách nấu cháo nhanh nhất mà vẫn thay đổi được khẩu vị từng bữa là nấu một nồi cháo trắng.
Sau đó mẹ để trong tủ lạnh. Thịt, cá, tôm cũng được xay nhuyễn, chia thành từng phần, đủ một bữa để trong ngăn đá tủ lạnh. Đến bữa, mẹ chỉ cần lấy đủ lượng cháo ra nấu.
Một số chú ý khi lựa chọn nguyên liệu
Chọn gạo: Gạo là thành phần chính không thể thiếu khi nấu cháo dinh dưỡng cho bé. Vì thế, mẹ nên chọn mua loại gạo tròn, căng, màu trắng sữa và không lẫn tạp chất quá nhiều.
Bạn có thể chọn loại gạo dẻo thơm để khi nấu cháo, sẽ có độ đặc sánh, thơm ngon hơn đấy. Ngoài ra, gạo dùng để nấu cháo ăn dặm tốt nhất là gạo vẫn còn lớp vỏ cám bên ngoài đấy.
Thêm 1 lưu ý nhỏ là khi vo gạo, bạn đừng nên chà xát quá kỹ, bởi vitamin B1 có trong gạo rất dễ hòa tan trong nước đấy nhé. Hãy vo gạo nhẹ tay, để xả sạch lớp bụi bẩn thôi bạn nha!
Chọn rau củ: Không chọn nững rau héo úa, giập nát và có mùi lạ. Đảm bảo ngâm rửa sạch rau và gọt bỏ vỏ đối với củ quả trước khi chế biến cho trẻ.
Khi nấu cháo dinh dưỡng, các bạn chỉ nên lấy phần lá, thân mềm và bỏ các phần thân già, cứng đi nhé. Vì nó sẽ gây khó tiêu cho các bé đấy.
Chọn thịt, tôm, cá…: Chọn thịt khô ráo, màu sắc tươi tự nhiên, có độ đàn hồn. Tuyệt đối tránh thịt có màu tái xanh, kém tươi, màng ngoài nhớt, dính. Đó là thịt đã ôi thiu và để lâu ngày thì không dùng để nấu cháo dinh dưỡng cho bé.
Bí quyết nấu cháo ăn dặm mẹ cần nhớ
1. Cách nấu cháu ngon, nhừ, nở đều, không dính đáy
Mẹ nhớ cho nước sạch vào nồi, nấu đến khi sôi già rồi mới cho phần gạo đã vo sạch vào ninh đến khi nhừ. Đừng quên khấy đều tay để tránh cháo bị dính vào đáy nồi nhé.
Cứ tiếp tục như vậy cho đến khi nước sôi 2 lần, mẹ để cháo sôi tiếp thêm 7 phút rồi đậy kín nắp để trên bếp nhé. Mẹ cũng có thể sử dụng bình ủ cháo (nếu có) để cháo nhanh nhừ, không vỡ hạt mà lại nở đều nữa đấy.
[inline_article id=195949]
2. Không cần ninh, hầm xương lấy nước dùng
Nhiều người dùng nướng hầm xương nấu cháo với hy vọng những chất bổ từ thịt xương được hòa tan trong chất hầm sẽ giúp các bé hấp thu dễ dàng hơn. Sự thật là nước hầm xương nấu cháo có ngon hơn và vị ngọt tự nhiên hơn.
Tuy nhiên, nó không đủ dưỡng chất cho trẻ so với có thịt và rau củ. Vì vậy, không nhất thiết ninh hầm xương cả đêm chỉ để lấy nước dùng nấu cháo bạn nhé.
Thay vào đó, hãy thêm thịt và rau củ xanh vào cháo để bổ sung chất dinh dưỡng, vitamin và khoáng chất cho bé nha.
3. Thêm một thìa dầu ăn để giúp bé hấp thu tốt hơn
Mẹ cho 1 hoặc 2 thìa dầu ăn nhỏ vào cháo dinh dưỡng sau khi nấu xong sẽ không khiến các bé bị đầy bụng hay khó tiêu đâu. Ngược lại, dầu ăn là nguồn cung cấp chất béo chính cho cơ thể giúp bé hấp thu được các chất dinh dưỡng trong thức ăn nữa đấy.
Khi cháo gần chín, bạn tắt bết rồi cho thêm 1–2 thìa nhỏ dầu ăn nhé. Nhớ đừng cho ngay từ đầu hay trong khi nấu cháo nha.
4. Thời gian bảo quản và hâm nóng cháo dinh dưỡng
Nên cho trẻ ăn cháo ngay khi vừa nấu xong, để đảm bảo nóng sốt, ngon miệng và không bị mất các chất dinh dưỡng. Cần hâm lại cháo ngay sau 2 tiếng nếu để cháo ở ngoài nhiệt độ thường.
Quá 2 tiếng thì nên bảo quản cháo trong ngăn mát tủ lạnh nhé. Tuy nhiên, mẹ cần chú ý không nên trữ lạnh cả ngày. Khi đó các vi sinh vật bắt đầu phát triển, không tốt cho hệ tiêu hóa của trẻ.
Nhìn chung trong giai đoạn ăn dặm, các món cháo là món ăn hữu ích giúp bé làm quen với thực phẩm mới ngoài sữa mẹ. Khi biết cách nấu cháo dinh dưỡng cho bé thơm ngon và khoa học, mẹ sẽ giúp bé hấp thu dưỡng chất tối ưu đấy. Nếu hôm nào bố mẹ quá bận rộn, muốn mua cháo nấu sẵn cho con, bạn cần tìm hàng cháo uy tín, sạch sẽ, có tủ lạnh để bảo quản thức ăn.
Hoàng Oanh