Categories
Sự phát triển của trẻ Dinh dưỡng cho bé Năm đầu đời của bé

Cẩm nang chăm sóc dinh dưỡng cho trẻ từ sơ sinh đến 12 tháng

Lần đầu làm mẹ chắc hẳn bạn sẽ có nhiều thắc mắc, băn khoăn xoay quanh vấn đề chăm sóc dinh dưỡng cho bé trong năm đầu đời. Nhìn chung, nhu cầu dinh dưỡng của trẻ sẽ thay đổi theo từng giai đoạn phát triển. Từ việc nuôi con bằng sữa mẹ cho đến khi bé ăn dặm đều sẽ có nhiều điều mẹ cần lưu ý.

Chăm sóc dinh dưỡng cho trẻ từ 0 – 6 tháng

Khi chăm sóc dinh dưỡng cho trẻ từ 0 đến 6 tháng, mẹ sẽ cần lưu ý một số điều sau:

Cho bé bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu

Theo khuyến nghị, trẻ nên được bú mẹ hoàn toàn trong ít nhất 6 tháng đầu và có thể kéo dài đến khoảng 1 năm [1]. Bởi sữa mẹ là nguồn thức ăn tốt nhất cho sự phát triển của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.

  • Các thành phần trong sữa mẹ như đường sữa, protein (đạm tự nhiên), chất béo… được “thiết kế” phù hợp với hệ tiêu hóa non nớt của trẻ sơ sinh. Vì vậy, đối với em bé thì sữa mẹ là nguồn thức ăn dễ tiêu hóa và giúp bé hấp thu nhanh [2].
  • Sữa mẹ giúp xây dựng nền tảng đề kháng cho bé từ những ngày đầu đời nhờ chứa kháng thể, GOS, HMO, lợi khuẩn… [3], [4] Vì vậy, trẻ bú mẹ ít có nguy cơ mắc các bệnh như hen suyễn, béo phì, tiểu đường, viêm tai, tiêu chảy, táo bón… [1].
  • Thành phần sữa mẹ có đủ lượng chất béo, đường, nước, protein, vitamin… cần thiết cho sự phát triển của bé, thúc đẩy trẻ tăng cân lành mạnh. Hơn nữa, thành phần sữa mẹ luôn có sự thay đổi để đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng của bé theo thời gian [5].

Trẻ sơ sinh bú mẹ bao nhiêu là đủ?

tần suất cho bé bú

Vì kích thước dạ dày trẻ sơ sinh rất nhỏ và còn đang phát triển nên em bé thường xuyên cảm thấy đói nhưng mỗi lần chỉ bú được một ít sữa. Vì vậy, mẹ cần lưu ý [6]:

  • Trong vòng 2 tháng đầu, bạn cần cho bé bú với tần suất từ 2 đến 3 giờ một lần. Như vậy, trong một ngày sẽ có khoảng 8 đến 12 lần cho con bú.
  • Khi lớn thêm, bé sẽ bú mẹ ít thường xuyên hơn nhưng mỗi lần sẽ bú nhiều sữa hơn. Lượng sữa bé cần bú mỗi ngày có thể giống nhau đối với trẻ từ 4 tuần tuổi đến 6 tháng tuổi.
  • Ngoài ra, đối với trẻ sinh đủ tháng khỏe mạnh, mẹ cũng có thể dựa trên các dấu hiệu bé đói bụng để cho bú theo nhu cầu. Nếu trẻ sơ sinh bị đói thì thường có những biểu hiện như khóc, bàn tay nắm chặt, mút tay, đưa lưỡi ra, dụi đầu vào ngực mẹ để tìm kiếm núm vú.

Cho bé bú đúng cách – Bí quyết giúp bé tránh đầy hơi, chướng bụng

Trẻ sơ sinh bị đầy hơi, chướng bụng là do nuốt phải khí dư thừa trong khi bú. Hơn nữa, sự phân hủy, tiêu hóa sữa trong ruột của em bé cũng tạo ra khí dư thừa gây đầy hơi, khó chịu [7]. Do đó, mẹ cần cho con bú đúng cách để hạn chế tình trạng này:

  • Đảm bảo trẻ bú đúng khớp ngậm, môi của bé phải ngậm hết quầng vú của mẹ chứ không chỉ núm vú [8].
  • Vỗ ợ hơi cho bé trong hoặc sau khi cho bú để ngăn khí đi vào ruột của bé quá nhiều gây khó chịu. Nếu đang cho bé bú, mẹ có thể “tranh thủ” lúc đổi sang vú còn lại để vỗ ợ hơi cho con [8], [9].
  • Cố gắng đừng để bé bú quá nhiều hoặc quá nhanh [9].
  • Theo dõi thời điểm bé đầy hơi và xem lại chế độ ăn uống của mình [9]. Mẹ đang cho con bú có thể ăn phải những thực phẩm là “thủ phạm” khiến bé đầy hơi như bông cải xanh, bông cải trắng, các loại đậu… Vì vậy, nếu bạn nghi ngờ thực phẩm nào đó đang ảnh hưởng đến em bé thì nên cắt giảm một cách hợp lý trong chế độ ăn uống của mình [7].
  • Nếu có bất kỳ lo ngại nào về vấn đề trẻ sơ sinh bị đầy hơi, chướng bụng… khi bú mẹ, bạn có thể hỏi xin lời khuyên của bác sĩ về việc cho con bú đúng cách [9].

Nếu không thể nuôi con bằng sữa mẹ, bạn nên làm gì?

mẹ không thể cho bé bú

Dù sữa mẹ là lựa chọn tốt nhất cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ nhưng một số trường hợp mẹ có thể gặp khó khăn hoặc không thể cho con bú do các nguyên nhân như nguồn sữa mẹ không đủ hoặc không có sữa mẹ; mẹ gặp các vấn đề sức khỏe như vừa phẫu thuật, bị bệnh hoặc dùng thuốc điều trị… [10], [11]. Trong trường hợp này, mẹ có thể cân nhắc một số giải pháp như [5]:

  • Tìm kiếm sự hỗ trợ từ bác sĩ, chuyên gia để được tư vấn cách cải thiện nguồn sữa mẹ.
  • Tìm kiếm ngân hàng sữa mẹ uy tín, chất lượng. Bạn có thể xin giới thiệu từ bác sĩ, chuyên gia hoặc người có kinh nghiệm.
  • Tìm hiểu và cân nhắc lựa chọn những công thức sữa phù hợp với chiếc bụng non nớt của bé. Ở giai đoạn đầu đời, hệ tiêu hóa của bé vẫn chưa hoàn thiện nên bé sẽ dễ gặp các vấn đề tiêu hóa. Trong khi đó, sữa là nguồn dinh dưỡng quan trọng nhất với bé. Do đó, khi chọn sữa cho con, mẹ cần ưu tiên những công thức sữa “êm dịu” tiêu hóa nhằm giúp bé dễ tiêu, dễ hấp thu.

Chăm sóc dinh dưỡng cho trẻ từ 6 – 12 tháng

lưu ý khi cho bé ăn dặm

Trẻ mấy tháng ăn dặm? [6]

Mẹ có thể cho bé bắt đầu tập ăn dặm vào khoảng tháng thứ 6. Ngoài ra, nếu bé có một số dấu hiệu sau thì cũng cho thấy, bé đã sẵn sàng tập ăn dặm:

  • Trẻ có thể tự ngồi dậy hoặc với sự hỗ trợ
  • Trẻ có thể kiểm soát tốt đầu và cổ
  • Trẻ mở miệng khi bạn đưa thức ăn đến gần
  • Trẻ nuốt thức ăn thay vì dùng lưỡi đẩy ra ngoài
  • Trẻ hay đưa đồ vật vào miệng
  • Trẻ cố gắng với tay nắm lấy những đồ vật nhỏ, chẳng hạn như đồ chơi hoặc thức ăn
  • Trẻ hứng thú với thức ăn, biểu hiện qua việc nhìn chằm chằm những gì bạn ăn, với tay ra hoặc há miệng đòi ăn.

Lưu ý về chế độ ăn dặm cho bé

Ở giai đoạn bắt đầu ăn dặm, mẹ cần lưu ý những điều sau đây để đảm bảo bạn đang cho con ăn dặm đúng cách:

  • Khi được 6 tháng tuổi, em bé bắt đầu tập nhai nên chưa thể nhai tốt như người lớn. Do đó, những thức ăn đầu tiên của bé cần đảm bảo mềm và dễ nuốt chẳng hạn như cháo hoặc rau củ quả nghiền nhuyễn [13].
  • Khi trẻ được 9 – 11 tháng tuổi, bạn có thể cắt nhỏ thức ăn thành từng lát mềm thay vì nghiền nát để trẻ học cách dùng các ngón tay cầm nắm thức ăn [13].
  • Trong thời gian đầu, bạn có thể trộn sữa mẹ với thức ăn đặc để giúp trẻ dễ dàng làm quen với việc ăn dặm hơn [14]. Việc trộn sữa mẹ không chỉ giúp bé dễ làm quen với kết cấu, mùi vị mà đạm mềm trong sữa mẹ còn giúp bé dễ tiêu hóa. Qua đó, “thích nghi” tốt hơn với việc ăn dặm và giảm nguy cơ táo bón.
  • Không thêm các gia vị như muối, đường… vào thức ăn của bé [12].
  • Giới thiệu từng loại thực phẩm riêng lẻ cho bé và đợi khoảng 1 ngày trước khi cho trẻ thử một món ăn mới để xem trẻ có dị ứng hay không.
  • Kiên nhẫn cho bé thời gian làm quen với thức ăn. Nếu trẻ từ chối một món nào đó trong lần đầu tiên, hãy kiên nhẫn thử lại những lần sau thay vì ép trẻ ăn.

Cách chọn thực phẩm cho bé ăn dặm

Nhìn chung, mẹ cần cho bé ăn các thực phẩm giàu năng lượng và chất dinh dưỡng như rau củ, trái cây, các loại hạt, thịt, cá, trứng, sữa… Việc ăn uống đa dạng mỗi ngày sẽ giúp bé có cơ hội để nhận được đủ các chất dinh dưỡng và vi khoáng chất cần thiết [13].

Ngoài ra, mẹ cần lưu ý đến các loại thực phẩm và nước uống cần tránh cho bé dưới 1 tuổi như mật ong, thực phẩm chế biến sẵn, các loại hạt, nước ngọt, cà phê, đồ ăn chứa gia vị… [12], [13]

Nhìn chung, sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng chính của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Vì vậy, từ sau khi sinh đến giai đoạn tập ăn dặm, mẹ vẫn nên duy trì việc cho con bú ít nhất một năm. Với những bé dùng sữa ngoài, mẹ cần chọn công thức sữa giúp bé dễ tiêu, dễ hấp thu, ít táo bón, êm bụng, êm giấc với đạm mềm nhỏ, tự nhiên. Nhờ đó giúp quá trình tập ăn dặm của bé suôn sẻ hơn.