Categories
Sự phát triển của trẻ Dinh dưỡng cho bé Năm đầu đời của bé

Trẻ bị sốt nên ăn gì?

Khi bị sốt trẻ sẽ thấy mệt mỏi, chán ăn đồng thời hệ tiêu hóa cũng hoạt động kém hơn càng khiến cơ thể khó hấp thu. Vì vậy cha mẹ cần cho trẻ ăn những thức ăn loãng, nhiều chất dinh dưỡng, dễ tiêu để giúp bé mau chóng hồi phục.

Chăm sóc trẻ bị sốt là việc làm không hề đơn giản. Đặc biệt, chế độ dinh dưỡng cho bé lúc này cũng có nhiều thay đổi nhưng vẫn nên tuân theo những nguyên tắc nhất định. Là người mẹ thông minh bạn cần biết cách thưc hiện những món ăn giúp bé tăng cường sức đề kháng và chống mất nước. Đồng thời, bạn cũng sẽ cần tránh một số thức ăn sẽ khiến trẻ bị sốt nặng hơn. Bạn đã biết trẻ trị sốt nên ăn gì, uống gì chưa? Những thông tin dưới đây sẽ rất có ích đấy!

1/ Nguyên tắc trong chế độ dinh dưỡng cho trẻ bị sốt

Nguyên tắc 1

Sốt không phải là một căn bệnh mà là phản ứng của cơ thể chống lại các tác nhân gây bệnh. Trẻ có thể bị sốt xuất huyết, sốt do cúm A, sốt do sởi, tay chân miệng…nhưng sốt có một vài đặc điểm chung như cơ thể mệt mỏi, chán ăn, miệng đắng, tiêu hóa kém, dễ nôn ói. Khi chăm sóc trẻ bị sốt mẹ cần ưu tiên lựa chọn những loại thức ăn lỏng, dễ dàng tiêu hóa như cháo, súp, canh. Không ăn những thức ăn quá nhiều dầu mỡ vì sẽ khiến trẻ bị đầy bụng khó tiêu. Hãy cho bé ăn từng ít một, chia thành nhiều bữa trong ngày nhằm tránh tình trạng nôn ói.

Nguyên tắc 2

Sốt là nguyên nhân hàng đầu khiến cơ thể mất nước, do đó mẹ cần giúp trẻ bù lại lượng nước đã mất bằng cách cho bé uống thật nhiều nước. Đối với trẻ dưới 5 tuổi uống khoảng từ 500-1.500 ml/ngày, trên 5 tuổi uống 2.000-2.500 ml/ngày. Mẹ có thể cho bé dùng các loại nước như nước suối, nước đun sôi để nguội, nước ép trái cây.

Nguyên tắc 3

Để tạo điều kiện thuận lợi cho việc theo dõi, nhận biết trẻ có bị chảy máu dạ dày trong quá trình nôn ói và đại tiện hay không mẹ cần tránh cho trẻ ăn hoặc uống các thực phẩm sẫm màu. Chẳng hạn như canh củ dền, nước coca, bánh quy đen, dưa hấu…

2/ Trẻ bị sốt nên ăn gì?

Món súp gà

Súp gà không chỉ là món ăn giàu chất dinh dưỡng mà còn có tác dụng rất lớn đối với những trường hợp bị sốt. Trong súp gà có hợp chất carnosine giúp cơ thể tăng cường sức đề kháng, chống viêm, kháng khuẩn, giảm các triệu chứng do cảm cúm gây ra.

Cháo loãng

Ngoài món súp mẹ có thể nấu thêm cho bé các món cháo khác nhau để thay đổi khẩu vị. Lựa chọn những nguyên liệu nấu vừa bổ dưỡng vừa có công dụng giúp trẻ hạ sốt, giảm các triệu chứng khó chịu. Chẳng hạn như cháo lá tía tô, cháo đậu xanh, cháo hành nấu cùng với thịt bằm.

Ăn nhiều rau xanh

Mẹ hãy cho bé ăn nhiều rau xanh như rau muống, rau cải, rau mồng tơi, đặc biệt là rau ngót. Chúng không chỉ cung cấp nhiều vitamin và khoáng chất mà còn giúp bé hạ sốt nhanh, tăng cường sức đề kháng.

Dùng trái cây tươi

Thành phần trong trái cây chứa nhiều dưỡng chất rất cần thiết, đặc biệt trong lúc trẻ đang bị sốt. Mẹ hãy khuyến khích bé ăn hoặc uống sinh tố, nước ép từ nhiều loại hoa quả khác nhau như cam, chuối, bơ, dâu tây…

Sữa chua

Đây có lẽ là món ăn khoái khẩu đối với các bé, cho dù có biếng ăn thì bé cũng không nỡ khước từ. Trong sữa chua chứa một số lợi khuẩn giúp hệ tiêu hóa hoạt động tốt hơn, tránh được một số bệnh khác liên quan đến sốt.

Nước dừa

Nước dừa là loại thức uống thơm ngon có thể giúp điều hòa thân nhiệt và tăng cường sức đề kháng.

Nghệ

Nếu bé yêu không quá kén ăn, bạn có thể thêm một ít bột nghệ vào cháo, súp của con. Nghệ giúp bé tăng cường sức đề kháng và giúp hạ sốt nhanh.

3/ Trẻ bị sốt cần tránh thực phẩm nào?

Trứng gà: Mặc dù trứng gà có rất nhiều protein tốt cho sức khỏe nhưng khi trẻ bị sốt thì mẹ cần hạn chế cho bé ăn. Bởi trứng là thực phẩm hạn chế khả năng hạ sốt, khiến bé bị sốt cao hơn và lâu khỏi hơn.

Thức ăn khó tiêu: Hệ tiêu hóa của bé bị ảnh hưởng do đó mẹ không nên cho bé ăn những thực phẩm khó tiêu như tôm, cua, các loại thịt nhiều cholesterol.

Gia vị cay: Tỏi, ớt, hạt tiêu có tính nóng sẽ làm tăng lượng nhiệt trong cơ thể bé.

Nước đá lạnh: Cho trẻ uống nước đá lạnh không có tác dụng hạ sốt, ngược lại chỉ khiến tình trạng thêm xấu đi vì vậy mẹ cần đặc biệt lưu ý.

Nước trà: Nếu bé phải dùng thuốc hạ sốt thì không nên uống nước trà, bởi trà có thể làm giảm tác dụng của thuốc.