Đến ngày 28, em bé của mẹ đã vượt qua giai đoạn sơ sinh để trở thành bé 5 tuần tuổi, một đứa trẻ khá cứng cáp.
Thời gian trôi thật nhanh. Đã có lúc mẹ cảm thấy ngày và đêm như dài vô tận, nhất là khi phải thức trắng đêm chăm con, mệt lả người mà không dám ngủ. Nhưng cùng với đó, mẹ cũng cảm nhận được niềm hạnh phúc khi chứng kiến sự thay đổi rõ rệt ở con từng ngày.
Sự phát triển của bé 5 tuần tuổi
1. Các chỉ số chiều cao, cân nặng của bé 5 tuần tuổi
Bé 5 tuần tuổi tiếp tục phát triển theo biểu đồ tăng trưởng.
- Cân nặng: Bé sẽ tăng khoảng 160-200g mỗi tuần.
- Chiều dài: Bé sẽ dài thêm khoảng 25cm tính từ lúc mới sinh.
- Chu vi vòng đầu sẽ tăng khoảng 2cm một tháng.
>> Mẹ xem thêm: Bảng chiều cao và cân nặng của trẻ 0-10 tuổi
2. Bé 5 tuần tuổi đã có thể ngẩng đầu!
Bé 5 tuần tuổi có thể ngẩng đầu một góc 45 độ khi nằm sấp; hoặc ngửa đầu lên nhìn mẹ khi mẹ ấp bé vào ngực. Song hãy cẩn thận vì cổ bé còn yếu nên mẹ nhớ dùng tay đỡ cổ của bé.
Ngoài ra, bé cũng có thể tập trung nhìn thẳng vào khuôn mặt của người khác; đặc biệt là mẹ; người luôn ở bên chăm sóc bé.
3. Mẹ sẽ thấy nụ cười đầu tiên của bé 5 tuần tuổi
Mẹ có đang mong chờ nụ cười của con? Thời điểm cười của mỗi em bé không giống nhau; nhưng hầu hết trong giai đoạn từ 4 đến 5 tuần, em bé sẽ có nụ cười xã giao đầu tiên.
Theo Bác sĩ Nhi khoa Daniel Ganjian tại Trung tâm Y tế Providence Saint John’s ở Santa Monica, Canada chia sẻ: “Sau 4 đến 5 tuần; trẻ sơ sinh sẽ thỉnh thoảng mỉm cười; nhưng tần suất này sẽ tăng lên khi con tiến gần đến mốc 6-8 tuần.”
Tất nhiên, tất cả trẻ sơ sinh đều phát triển với tốc độ khác nhau; vì vậy nếu con chưa có dấu hiệu mỉm cười, đừng lo lắng. Mẹ sẽ bắt đầu nhìn thấy nụ cười đầu tiên lấp lánh sớm thôi.
4. Các mốc phát triển quan trọng của bé 5 tuần tuổi
Mặc dù sự phát triển ở mỗi bé không giống nhau nhưng nhìn chung bé 5 tuần tuổi có thể đạt được những mốc phát triển sau:
- Trẻ sơ sinh 5 tuần tuổi có thể nắm chặt đồ chơi và lắc lư. Kỹ năng “nắm chặt chính là bước chuyển quan trọng của bé từ giai đoạn sơ sinh sang “trẻ nhỏ”.
- Bé 5 tuần tuổi sẽ hoạt bát hơn rất nhiều. Bé thường xuyên phát ra những âm thanh “o o” để giao tiếp với mẹ hoặc người chăm sóc.
- Đây cũng là lúc bé 5 tuần tuổi đang học cách kết hợp miệng; lưỡi và cổ họng để tạo ra âm thanh. Vì vậy, mẹ hãy trò chuyện với bé bất kỳ lúc nào có thể như thay tã, tắm… cho bé.
- Bé có thể tập trung nhìn hoặc dõi theo sự chuyển động từ bên này sang bên kia của mẹ, đồ chơi… Bé cũng bị thu hút bởi những thiết kế màu sắc hoặc có hình dạng phức tạp.
- Trẻ sơ sinh 5 tuần tuổi biết tìm cách thu hút sự chú ý của mẹ như khóc, ngọ nguậy nhiều hơn khi mẹ đến gần.
- Đặc biệt, không chỉ trò chuyện với mẹ; bé 5 tuần tuổi còn cười với mẹ nhiều hơn; nhất là khi thức dậy vào buổi sáng và sau khi bú no. Thông qua các hoạt động giao tiếp mà não bộ của bé 5 tuần tuổi phát triển tốt hơn; và hoàn thiện từng ngày.
[inline_article id=263557]
Các vấn đề thường gặp ở bé 5 tuần tuổi
1. Nôn trớ
Trong những tháng đầu đời, bé có thể hay nôn trớ. Một số bé có thể nôn trớ mỗi lần được cho bú. Nhiều trường hợp các bé có thể nôn trớ vì đã bú quá nhiều. Không có phương pháp chữa trị cụ thể nào cho tình trạng này, nhưng nhiều chuyên gia cho rằng làm giảm lượng không khí bé nuốt vào khi bú có thể góp phần cải thiện tình trạng nôn trớ của bé.
>> Mẹ xem thêm Trẻ hay ọc sữa, nôn trớ, mẹ phải xử sao?
2. Tình trạng tiêu chảy ở trẻ sơ sinh 5 tuần tuổi
Thông thường, đối với trẻ bú sữa mẹ thì phân thường rất mềm và đôi khi có chứa nước. Nhưng phân của bé bị tiêu chảy thì thường ở dạng lỏng; có mùi và có thể chứa chất nhầy; thường kèm theo đó là việc bé bị sốt hoặc sút cân.
Một số bé bú bình đi tiêu sẽ cách nhau ba đến bốn ngày; điều này là bình thường. Nhưng nếu phân bé không có hình dạng nhất định hoặc ở dạng viên cứng; gây đau, chảy máu do các vết nứt hay vết rạn ở hậu môn; có thể bé đã bị táo bón.
Nếu mẹ nghi ngờ bé 5 tuần tuổi bị táo bón thì hãy tham khảo ý kiến bác sĩ. Hãy cho bé uống thêm nước theo hướng dẫn của bác sĩ để có thể cải thiện tình trạng này.
>> Mẹ tham khảo thêm cách “Bắt bệnh” thông qua tình trạng táo bón ở trẻ em
3. Dị ứng sữa
Dị ứng sữa là trường hợp dị ứng thực phẩm phổ biến nhất ở trẻ sơ sinh. Một em bé 5 tuần tuổi bị dị ứng với sữa có thể nôn thường xuyên hơn; đi phân lỏng có nước và có thể lẫn máu. Một số bé bị dị ứng sữa có thể mắc các bệnh như chàm, nổi mề đay; thở khò khè, chảy nước mũi hoặc nghẹt mũi khi tiếp xúc với sữa đạm.
Không có phương pháp nào để xác định xem bé có bị dị ứng sữa hay không ngoại trừ việc cho bé thử uống sữa. Nếu mẹ nghi ngờ bé bị dị ứng sữa; hãy hỏi ý kiến bác sĩ để được tư vấn phương pháp xử lý và phòng ngừa.
Hướng dẫn chăm sóc bé 5 tuần tuổi
1. Dinh dưỡng cho bé 5 tuần tuổi
Trẻ sơ sinh 5 tuần tuổi bú bao nhiêu sữa? Khoảng 120ml – 180ml mẹ nhé. Khi được 5 tuần tuổi, em bé sẽ tự điều chỉnh lịch ăn của mình. Mẹ sẽ thấy bé bú lâu hơn; và khoảng cách các cữ bú không dày như trước.
Với trẻ không có điều kiện bú sữa mẹ mà được nuôi bằng sữa công thức; mẹ có thể tham khảo thêm cách tính chuẩn xác lượng sữa cho trẻ nếu chưa rõ điều này.
Sau thời kỳ nghỉ thai sản, một số mẹ sẽ phải đi làm. Ngay từ bây giờ, mẹ có thể tập cho bé bú bình bằng sữa mẹ vắt sẵn để bé tập làm quen.
Tuy nhiên cũng có ý kiến cho rằng mẹ chỉ nên tập bú bình cho bé sau 6 tuần tuổi hoặc trước khi đi làm 2-4 tuần. Vì nếu cho bé bú bình quá sớm; khả năng cao bé sẽ mê bú bình mà bỏ ti mẹ.
Mặt khác, nếu không phải đi làm thì mẹ nên để bé bú mẹ sẽ tốt hơn. Đó là cách xây dựng liên kết sâu sắc giữa mẹ con. Đặc biệt, hormone hạnh phúc sản sinh ra trong quá trình cho con bú giúp mẹ thấy vui vẻ; và giảm căng thẳng, mệt mỏi.
>> Mẹ có thể xem thêm: Phát hiện mới về lợi ích tuyệt vời của sữa mẹ
2. Cách chăm sóc giấc ngủ cho bé 5 tuần tuổi
Với bé 5 tuần tuổi, tuy vẫn ngủ khoảng 16 tiếng một ngày nhưng bé thường tỉnh táo hơn vào ban ngày.
Nhiều bé ngủ nhiều hơn vào ban đêm trong khi một số bé có hiện tượng ngày ngủ đêm thức khiến mẹ rất mệt mỏi. Mẹ có thể tham khảo cách tập cho bé ngủ xuyên đêm tại đây.
>> Mẹ có thể xem thêm: Trẻ sơ sinh nằm sấp và những lợi ích mẹ chưa biết
3. Trẻ sơ sinh 5 tuần tuổi quấy khóc
Nêu loại trừ các nguyên nhân bệnh lý thì hiện tượng trẻ sơ sinh 5 tuần tuổi quấy khóc vào chiều tối được gọi là Colic; tình trạng này thường xảy ra ở trẻ dưới 16 tuần tuổi.
Một trong những nguyên nhân của việc này chính là do hệ thần kinh trung ương của trẻ đang học cách xử lý các kích thích từ môi trường; trong quá trình hoàn thiện và phát triển.
Để giảm thiểu những tác động từ môi trường đến trẻ 5 tuần tuổi và hạn chế quấy khóc; mẹ có thể tạo một không gian yên tĩnh với ánh sáng dịu nhẹ hơn vào buổi tối. Một số bé 5 tuần tuổi dường như cảm thấy an tâm hơn khi được quấn tã.
4. Lịch tiêm phòng cho trẻ sơ sinh
Ngừa bệnh viêm gan B: Khi đủ 1 tháng tuổi; bé sẽ được tiêm vắc-xin ngừa bệnh viêm gan B (mũi 2).
Ngừa bệnh lao:
Trong vòng 30 ngày đầu sau sinh, bé sẽ được tiêm phòng bệnh lao. Nếu bé chưa thể tiêm phòng lao lúc 1 tháng tuổi thì có thể tiêm sau đó. Song nếu trẻ đã bị nhiễm lao thì việc tiêm ngừa sẽ không có kết quả.
Không tiêm ngừa lao cho trẻ trong các trường hợp:
- Trẻ suy giảm hệ miễn dịch, suy dinh dưỡng, sinh non, nhẹ cân, trẻ mới khỏi bệnh, cơ thể còn yếu hay đang được chăm sóc đặc biệt.
- Trẻ có hiện tượng bị viêm da mủ.
- Trẻ mắc các bệnh mạn tính như sởi, viêm phổi…
5. Gần gũi hơn với trẻ để tạo sự liên kết
Mẹ nên thủ thỉ, vui đùa và thường xuyên nói chuyện với bé. Em bé 5 tuần tuổi sẽ rất thích thú khi bạn chú tâm tới, nên bạn hãy trò chuyện với bé càng nhiều càng tốt để gia tăng sự gần gũi và tình mẫu tử giữa bạn và bé.
>> Mẹ có thể xem thêm lịch tiêm chủng cho trẻ nhé.
Lời khuyên của bác sĩ để bé 5 tuần tuổi phát triển tốt
1. Lưu ý dành cho bé
Khi bé 5 tuần tuổi, nếu bé không thể xoay ngang theo dõi chuyển động của mẹ và không thể nâng đầu, mẹ có thể nhờ bác sĩ kiểm tra tình trạng sức khỏe của bé.
2. Lưu ý dành cho mẹ
– Khi bé 5 tuần tuổi, mẹ nên kiểm tra sức khỏe sau khi sinh cả về tinh thần lẫn thể chất; nhằm đảm bảo an toàn cho mẹ sau những áp lực của thời kỳ mang thai, chuyển dạ, sinh nở và làm mẹ. Đây là đợt tái khám quan trọng tính từ thời điểm sinh nở để đánh giá tình trạng sức khỏe của mẹ sau sinh; quá trình hồi phục và ngăn ngừa các rủi ro.
– Trong quá trình khám phụ khoa cho mẹ, bác sĩ sẽ kiểm tra vùng đáy chậu, vết may tầng sinh môn, tình trạng sản dịch, các bất thường về tiểu tiện, các vị trí còn đau nhức như đau vùng hậu môn, đau bụng, đau lưng… Nếu sinh mổ, mẹ sẽ được kiểm tra tình trạng lành lại của vết thương.
– Tiếp đến mẹ sẽ được kiểm tra ngực. Nếu đang cho bé bú, bác sĩ sẽ kiểm tra tuyến sữa có bị tắc hay không. Đây là nguyên nhân có thể dẫn đến viêm nhiễm vú. Nếu mẹ không cho bé bú, cũng cần đảm bảo rằng không có vùng cứng hoặc đau nào.
>> Mẹ có thể xem thêm: 5 cách chữa viêm tắc tuyến sữa tại nhà đơn giản cho mẹ sau sinh
– Việc thăm khám sẽ quyết định thời điểm có thể quan hệ tình dục trở lại; mặc dù nhiều mẹ không cảm thấy ham muốn hay có năng lượng cho việc này.
Với mẹ sinh thường, sức khỏe hồi phục tốt, vết rạch tầng sinh môn đã lành; sạch sản dịch thì có thể quan hệ trở lại sau sinh khoảng 6 tuần.
Với mẹ sinh mổ thì thời gian sẽ lâu hơn, phải sau sinh ít nhất 3 tháng. Hoặc sau khi khám tổng quát, bác sĩ sẽ cho mẹ biết chính xác tình trạng hồi phục và khi nào có thể bắt đầu cho việc quan hệ.
>> Mẹ có thể xem thêm: Sau sinh 1 tháng quan hệ có sao không? 3 tư thế “yêu” an toàn cho bạn
– Mẹ cũng nên nhờ bác sĩ tư vấn việc ngừa thai sau sinh. Bởi vẫn có khả năng mang thai trước khi có kinh trở lại và ngay cả khi đang cho con bú.
Nhân dịp này, em bé sẽ được khám tổng quát, kiểm tra chiều cao, cân nặng, chu vi vòng đầu, chất lượng giấc ngủ để đánh giá tổng quan về sự phát triển thể chất, trí não của bé.
Sau 1 tháng, thường bác sĩ sẽ không còn gọi em bé là trẻ sơ sinh nữa. Vì vậy, với bé 5 tuần tuổi, chúng ta sẽ không gọi bé là trẻ sơ sinh 5 tuần tuổi.
Bé 5 tuần tuổi cũng chính là cột mốc quan trọng trong hành trình lớn lên của trẻ. Đặc biệt, chỉ mới 5 tuần tuổi nhưng dường như bé yêu mẹ rất nhiều thông qua ánh nhìn đầy trìu mến; chỉ là mẹ có nhận ra điều đó hay không mà thôi.
Hương Lê