Categories
Sự phát triển của trẻ Trẻ tập đi và Mẫu giáo Cột mốc phát triển của trẻ tập đi và mẫu giáo

Bé 3 tuổi: Phân biệt màu sắc

Bé 3 tuổi có thể phân biệt màu sắc
Bé có thể chỉ đúng màu sắc bạn hỏi, kể tên được 4 màu hoặc nhiều hơn khi trẻ hơn 3 tuổi. Bạn có thể áp dụng một số cách thú vị dưới đây để giúp trẻ nắm vững kỹ năng này:

  • Đưa màu sắc vào trong câu chuyện hàng ngày: “Hôm nay con muốn mặc áo màu gì?”, “Chúng ta thử tìm chiếc xe màu trắng xem”. Khi bạn đọc sách cho trẻ nghe, có thể yêu cầu trẻ tìm chú chim xanh trong sách hoặc hỏi trẻ con vịt màu gì.
  • Trộn màu lại với nhau: Bạn nhào đất sét hoặc bột bánh, chia thành nhiều phần khác nhau, thêm một vài giọt màu thực phẩm trong mỗi phần và nhào lại. Sau đó bạn và bé cùng thử nghiệm cách pha trộn màu sắc với nhau như: “Con nghĩ sao nếu chúng ta trộn chung màu vàng và màu đỏ?”, hoặc một ý tưởng thú vị khác như đổ nước vào chai thủy tinh trong, để con bạn nhỏ vào đó vài giọt màu thực phẩm, đặt chai lên cửa sổ để ánh nắng xuyên qua.
  • Sắp xếp trò chơi: Hầu hết các bé 3 tuổi bắt đầu phân loại đồ chơi theo ý tưởng bất chợt chứ không theo màu sắc hoặc kích thước. Cũng không phải quá sớm để cho trẻ chơi trò chơi phân biệt màu sắc. Đưa cho trẻ những khối gỗ với nhiều màu sắc khác nhau, yêu cầu con bạn sắp xếp chúng lại theo từng màu hoặc để trẻ giúp bạn phân loại vớ theo màu. Thật thú vị khi thấy trẻ suy nghĩ và giải quyết mọi việc theo cách riêng của mình.
  • Tạo cầu vồng: Làm ra nhiều màu sắc sinh động bằng cách để một lăng kính trong ánh mặt trời sao cho xuất hiện hiện tượng khúc xạ ánh sáng. Cầu vồng xuất hiện nhảy múa trên tường sẽ khiến con bạn thích thú, bạn có thể chỉ cho trẻ thấy những màu sắc tạo nên cầu vồng.
Bé 3 tuổi: Phân biệt màu sắc
Cho bé 3 tuổi chơi các trò chơi với màu sắc để phát triển khả năng của bé

Cuộc sống của mẹ: Lưu giữ những tác phẩm của bé
Có khi nào bạn tự hỏi nên làm gì với tất cả các “tác phẩm nghệ thuật” của bé? Bạn không thể lưu giữ tất cả, chỉ nên giữ lại những thứ bạn thích, còn lại có thể bỏ đi khi trẻ không để ý.

Nên dán một số bức vẽ lên tủ lạnh và giữ chúng ở đấy trong một khoảng thời gian. Lúc này, trẻ đã có thể nhớ được mọi chuyện trong quá khứ chứ không phải chỉ một vài tích tắc nữa. Đứa con đầy tính nghệ sĩ của bạn sẽ cảm thấy tự hào vì tạo được thành tựu: “Nhìn con có thể làm được gì này!”.

Categories
Sự phát triển của trẻ Trẻ tập đi và Mẫu giáo Cột mốc phát triển của trẻ tập đi và mẫu giáo

Bé 3 tuổi rưỡi: Thích bắt chước

Bé 3 tuổi rưỡi hay bắt chước người lớn
Thỉnh thoảng khi quan sát con chơi đùa, bạn cứ nghĩ sau này lớn lên, con bạn sẽ trở thành diễn viên. Bé 3 tuổi thường dành hầu hết thời gian để chơi và nói chuyện với búp bê. Bắt chước người lớn nói chuyện hay giả nhiều giọng khác nhau trong vai nhiều nhân vật như giọng dễ thương của em bé hay mạnh mẽ của siêu nhân.

Cách một em bé 3 tuổi rưỡi giả nhiều giọng nói khác nhau như vậy chứng tỏ bé biết cách biến hóa ngôn ngữ khi sử dụng. Trong lúc lắng nghe những cụm từ hay ngữ điệu quen thuộc, bé sẽ phát hiện ra rằng cách người lớn nói chuyện với nhau rất khác với trẻ con. Chẳng hạn cách mẹ nói chuyện với bà ngoại sẽ rất khác với cách mẹ nói chuyện với đồng nghiệp. Bé vô tình nghe thấy và bắt chước theo trong những vở kịch của bé. Đó là lý do tại sao trẻ rất hay nói chuyện huyên thuyên, vì bé đang bắt chước và thực tập theo người lớn.

Bé 3 tuổi rưỡi: Thích bắt chước
Nên tận dụng tính bắt chước của bé 3 tuổi rưỡi để dạy con những thói quen tốt

Lưu lại những hình ảnh dễ thương của bé
Với nhiều mẹ, việc có những cuốn album hay tập tin ảnh lưu giữ tất cả hình ảnh của con từ lúc còn trong bụng mẹ đến khi chào đời là điều rất thú vị. Cùng tham khảo một số bí quyết giúp bạn có những tấm ảnh đẹp nhé:

Tắt đèn flash, ánh sáng sẽ mềm và ít nhiễu hơn.

Nên chụp ở ngoài trời để có ánh sáng tốt hơn, chọn phông nền đơn giản hơn sẽ thấy bé nổi bật hơn.

Đối với những tấm ảnh chụp xa, cần có độ phân giải cao thì máy ảnh kỹ thuật số là lựa chọn hàng đầu.

Nên chụp ảnh tự nhiên trong lúc trẻ đang mải mê chơi đùa, chạy nhảy, ca hát…

Thêm đạo cụ như những chùm bong bóng màu sắc sẽ làm hình ảnh thêm sinh động và tuyệt vời hơn. Bạn có thể nhờ người khác thổi bóng giúp bạn khi chụp.

Đừng nhét máy ảnh vào túi mà để máy ảnh luôn ở chế độ sẵn sàng vì bạn có thể bỏ lỡ những khoảnh khắc kỳ diệu mà không thể biết trước được.

Categories
Sự phát triển của trẻ Trẻ tập đi và Mẫu giáo Cột mốc phát triển của trẻ tập đi và mẫu giáo

Bé 3 tuổi: Phát triển kỹ năng vận động tinh

Giúp bé 3 tuổi rưỡi khéo tay hơn
Để giúp bé có thể thuần thục trong các kỹ năng vận động tinh như dùng tay viết chữ và làm các động tác phức tạp hơn, bạn nên cho bé tập vận động các các cơ ở bàn tay và cổ tay và học cách điều khiển chúng một cách chuẩn xác ngay bây giờ. Một số gợi ý tuyệt vời để giúp bé phát triển các kỹ năng vận động tinh và trở nên khéo léo hơn như sau:

  • Khi bạn làm bánh hoặc nấu ăn, thử cho bé tập sử dụng dụng cụ xay tiêu, cốc đo nguyên liệu, dụng cụ vét bột hoặc muỗng canh.
  • Mặc đồ, thay đồ cho búp bê.
  • Nhồi bột thành các hình thù khác nhau, sau đó nướng thành bánh.
  • Dùng phấn vẽ lên bảng chuẩn bị sẵn.
  • Chơi đổ nước vào bồn tắm hoặc hồ bơi trẻ em bằng ly hay gáo múc nước nhỏ.
  • Chơi với đất sét, có thể cho bé dùng dụng cụ cắt và đúc khuôn sẽ vui hơn.
  • Dùng cọ tập vẽ để vận động ngón tay.
  • Chơi nhạc cụ như đánh trống, đàn piano đồ chơi hoặc đàn ghi-ta.
Bé 3 tuổi: Phát triển kỹ năng vận động tinh
Được rèn luyện kỹ năng vận động với bàn tay qua các hoạt động tại nhà, ba mẹ không cần phải bắt bé tập viết sớm mà bé vẫn viết tốt khi đến tuổi đi học

Cuộc sống của mẹ
Bé 3 tuổi thường rất tập trung và bị cuốn vào những việc bé đang làm trong lúc chơi đùa. Bạn cần cho bé thời gian chuẩn bị trước khi yêu cầu bé ngừng một hoạt động để chuyển sang hoạt động khác, nên nhắc nhở cho bé hiểu: “Con chơi cầu tuột hai lần nữa thôi nhé, chúng ta phải rời công viên để về nhà rồi” hoặc: “Đến giờ rửa tay ăn cơm thôi!”.

Categories
Sự phát triển của trẻ Trẻ tập đi và Mẫu giáo Cột mốc phát triển của trẻ tập đi và mẫu giáo

Bé 3 tuổi: Kỹ năng giao tiếp

Bé 3 tuổi và bước tiến trong kỹ năng giao tiếp
Ở lứa tuổi lên 3, trẻ đang dần dà học cách thể hiện những gì mình muốn làm hoặc nhờ người khác làm. Đây cũng là thời điểm kỹ năng giao tiếp của bé phát triển.

Bé sẽ quan sát và mô phỏng lại cách giao tiếp của ba mẹ để thể hiện mong muốn của mình, chẳng hạn như mỗi khi bạn nói: “Xin lỗi” trước khi bạn cắt ngang một cuộc trò chuyện, bé 3 tuổi sẽ ý thức được rằng đây là cách gián đoạn nhã nhặn mà không xen vào vô phép.

Bé 3 tuổi: Kỹ năng giao tiếp
Hãy cẩn thận! Các bé 3 tuổi đang quan sát và bắt chước bạn đấy.

Chú ý khi giao tiếp với trẻ
Có thể bạn đang tạo ra rất nhiều tình huống mô phỏng như vậy mà không nhận ra điều này:
Những lúc bạn nói: “Mẹ có thể chơi cùng con không?” là bạn đang dạy bé làm thế nào khi muốn tham gia một hoạt động.

Khi gợi ý: “Bin à, con hãy hỏi bạn Ti xem con có thể mượn chơi xe đạp của bạn được không nào” là cách bạn dạy bé làm thế nào để hỏi mượn đồ chơi.

Nhắc bé: “Hãy nói cảm ơn khi con nhận quà nhé” là lúc bạn dạy trẻ làm thế nào bày tỏ lòng biết ơn.

Đề nghị: “Bây giờ mẹ giữ thùng và con đổ nước vào nhé?” là mô phỏng cách phân chia công việc.

Nói với bé: “Điều đó làm mẹ thấy buồn (hoặc giận)” là chỉ cho bé cách thể hiện cảm xúc tốt hơn nhiều so với việc bạn nổi trận lôi đình, bởi trẻ đang quan sát và mô phỏng “bắt chước” rất nhanh những điều học được từ cha mẹ. Bạn nên đảm bảo mình đang giao tiếp với trẻ theo cách bạn mong muốn được đáp lại từ con.

Cuộc sống của mẹ: Làm sao để thu hút sự chú ý của bé?
Các bé 3 tuổi thường ít tập trung, dễ phân tâm bởi những lôi cuốn bên ngoài. Nếu muốn bé chú ý, cha mẹ nên nói chuyện với bé nhẹ nhàng thôi.

Bạn nghĩ rằng nói to hơn sẽ là cách tốt, nhưng thực ra la hét có thể khiến trẻ hoảng sợ. Nếu phải nghe mắng quá thường xuyên, thông thường trẻ sẽ lảng trốn hoặc bỏ ngoài tai.

Mặc khác, nói chuyện dịu dàng hoặc thì thầm lại rất có sức hấp dẫn với trẻ. Bé sẽ không có cách nào khác là chạy đến gần hơn để nghe điều mẹ đang nhắn nhủ.

Kích thích trí tò mò của trẻ: Trẻ mẫu giáo cũng thấy hấp dẫn đối với những từ như bí mật, đặc biệt và kỳ diệu, điều này làm trẻ nghĩ tất cả những lời đề nghị sẽ có điều gì đó tuyệt vời và thú vị sắp xảy ra.

Categories
Sự phát triển của trẻ Trẻ tập đi và Mẫu giáo Cột mốc phát triển của trẻ tập đi và mẫu giáo

Bé 3 tuổi: Sử dụng kéo an toàn

Tập cho bé 3 tuổi sử dụng kéo an toàn
Một số bậc cha mẹ cảm thấy rất lo ngại khi cho bé 3 tuổi tập sử dụng kéo. Trên thực tế, bé 3 tuổi đã có thể tập những thao tác này. Phụ huynh cần mạnh dạn khuyến khích trẻ phát triển khả năng vận động bằng những hoạt động kết hợp thao tác tay chân và thị giác.

Hầu hết những em bé lên 3 đều đã có thể tự cắt một tờ giấy. 3 tuổi rưỡi các em đã có thể cắt thành những đường thẳng ngay ngắn dù chỉ dài vài phân. Thậm chí, có nhiều em còn cắt được những đường cong. Chúng ta có thể tập cho trẻ như sau:

  • Để trẻ ngồi ngăn ngắn ở bàn khi tập cắt, dán.
  • Chỉ dẫn cho trẻ cách xỏ tay vào kéo, giữ kéo một cách chính xác.
  • Cần chọn loại kéo an toàn dùng cho trẻ nhỏ, quan trọng nhất ở kích thước và chất liệu. Hiện nay có một số loại kéo làm bằng nhựa vẫn có thể cắt giấy để chúng ta chọn.
  • Kẻ những đường thẳng thật rõ lên mặt giấy để trẻ cắt theo. Ban đầu, nên chọn giấy dày như giấy bưu thiếp, sau đó lần lượt chọn loại giấy mỏng hơn như giấy thủ công và cuối cùng là giấy thông dụng. Trẻ sẽ nhanh chóng cắt vụn những tờ giấy này.
  • Nếu bé chưa quen với thao tác cầm kéo, bạn có thể chọn một bài tập khác cũng với những động tác tương tự. Đó là cho con bạn sử dụng một chiếc kẹp để gắp đồ vật nhỏ xung quanh. Với chiếc kẹp có thể gắp mở, tay trẻ sẽ trở nên linh hoạt hơn.
Bé 3 tuổi: Sử dụng kéo an toàn
Nên chọn cho bé 3 tuổi loại kéo đầu tròn và bọc nhựa để tăng sự an toàn

Cuộc sống của mẹ: Tránh những xáo trộn sau kỳ nghỉ

  • Kỳ nghỉ của gia đình bạn có thể khá rắc rối nếu làm thay đổi thói quen sinh hoạt của bé.
  • Trẻ tuổi mẫu giáo rất dễ bị chệch khỏi giờ giấc sinh hoạt thông thường như ngủ trễ hơn, thường xuyên đánh thức cha, mẹ vào giữa đêm.
  • Con bạn sẽ nhanh chóng tập lại nề nếp sinh hoạt nếu bạn nghiêm khắc đồng thời kiên nhẫn áp dụng cùng trẻ.
Categories
Sự phát triển của trẻ Trẻ tập đi và Mẫu giáo Cột mốc phát triển của trẻ tập đi và mẫu giáo

Bé 35 tháng tuổi: Tập đi xe đạp

Tập cho bé 2 tuổi rưỡi đi xe đạp
Hầu hết các bé độ tuổi 2 đến 3 đều có thể tự đi được xe đạp 3 bánh nhờ vào sức mạnh của các cơ và khả năng phối hợp các bộ phận. Ba mẹ nên cho bé bắt đầu với xe bằng nhựa. Nó sẽ giúp bé cảm thấy an toàn hơn và loại xe này đủ nhẹ để bé có thể di chuyển tới lui. Sau đó, bạn có thể đổi cho bé chiếc xe cao hơn nếu muốn. Hầu hết các bé mầm non sẽ không có khả năng giữ thăng bằng và phối hợp cần thiết để điều khiển một chiếc xe hai bánh cho đến khi bé gần vào lớp 1.

Bé 2 tuổi rưỡi: Tập đi xe đạp
Tốt nhất là cho bé tập đi xe đạp trong công viên hoặc sân chơi để đảm bảo an toàn

Lời khuyên cho ba mẹ: Những người đi đường có thể không nhìn thấy con bạn cùng chiếc xe đạp nhỏ xíu của bé, vì thế luôn để mắt tới bé bất cứ khi nào ra khỏi nhà. Bên cạnh đó, khi chở bé ra ngoài, ba mẹ nên đội mũ bảo hiểm cho bé. Điều này giúp bảo vệ bộ não của bé tốt nhất và tạo cho bé thói quen sử dụng mũ bảo hiểm ngay từ sớm.

Cho bé 2 tuổi rưỡi ngủ đúng giờ
Bé gần 3 tuổi đã hòa được vào nhịp sống của gia đình và có nhận thức tốt hơn về thời gian, do đó bé sẽ nhanh chóng nhận ra rằng sau khi bé đi ngủ, mọi người vẫn còn nói chuyện vui vẻ. Bé sẽ tìm cách trì hoãn giờ ngủ bằng đủ mọi cách như: “Con muốn uống nước”, “Con muốn xoa lưng”, “Con quên chúc mẹ ngủ ngon”. Điều đó đôi khi khá khó chịu nhưng cũng rất dễ thương.

Nếu bạn nhận thấy thời gian ngủ của bé đang bị lãng phí quá nhiều, nên nhắc rằng giường ngủ đang chờ bé bằng cách nhấn mạnh rằng: “Con đã được nghe đọc truyện và được hôn chúc ngủ ngon rồi nhé, bây giờ đi ngủ ngay thôi”.

Trước khi bạn rời khỏi giường bé, nên hỏi xem bé có cần gì khác không. Bạn cũng cho bé biết rằng bạn sẽ chỉ vào phòng bé một hoặc hai lần nữa khi bé thực sự cần mà thôi, cho nên bé đừng cố gọi bạn nhiều lần làm gì. Dù thế nào đi nữa, bạn cũng nên cố gắng trả lời bé thật bình tĩnh và nhẹ nhàng. Nếu bạn tỏ vẻ bực bội và để con trẻ thấy điều đó, bé sẽ thấy mình không có chút xíu giá trị nào mà còn là nguyên nhân khiến bạn bực bội. Đồng thời, bạn cũng nên tránh bị lôi vào cuộc tranh cãi kéo dài không cần thiết.

Categories
Sự phát triển của trẻ Trẻ tập đi và Mẫu giáo Cột mốc phát triển của trẻ tập đi và mẫu giáo

Các mốc phát triển của trẻ: Giai đoạn 2 – 3 tuổi

Những mốc phát triển của trẻ trong giai đoạn 2-3 tuổi
Những phát triển về tâm lý:

Ở giai đoạn này, óc sáng tạo và trí tưởng tượng bé yêu ngày càng phong phú hơn. Bé ham thích những trò chơi nhập vai hay giả tưởng. Song song với nỗi sợ các con “quái vật” không có thật, bé sợ cả bóng tối, thậm chí cả cái máy hút bụi nhà mình. Ngoài ra, bé vẫn chưa phân biệt được giữa thế giới tưởng tượng và thực tế khác nhau thế nào.

Kỹ năng ngôn ngữ:
Trẻ 2-3 tuổi đã diễn đạt rõ ràng hơn nên mọi người có thể hiểu bé đang nói gì. Vốn từ của bé trong giai đoạn này sẽ được “cập nhật” liên tục vì khi bước vào tuổi lên 3, bé đã thành thạo hơn cả trăm từ rồi.

Kỹ năng vận động:
Về mặt thể chất, bé yêu nay biết đi lên xuống cầu thang, biết nhảy, đạp xe đạp ba bánh và trở nên khéo léo hơn. Bé học được cách mở cửa, mở hộp cũng như biết di chuyển, sắp xếp qua lại các bộ phận đồ chơi. Đặc biệt, bé có thể vẽ được hình tròn và giải những câu đố đơn giản.

Kỹ năng xã hội:
Khoảng 2-3 tuổi, trẻ bắt đầu biểu hiện tình bạn, sự đồng cảm của mình dành cho bạn cùng chơi hay thậm chí là búp bê và tính san sẻ với mọi người xung quanh. Tuy nhiên, bé sẽ gặp đôi chút rắc rối vì chưa hiểu rõ cảm xúc của chính mình.

Các mốc phát triển của trẻ: Giai đoạn 2 – 3 tuổi
Cột mốc phát triển của trẻ về mặt kỹ năng xã hội: biết đồng cảm và bước đầu làm quen với khái niệm chia sẻ

Mẹ nên làm gì để khuyến khích trẻ phát triển?
Để bé khám phá thế giới: Mẹ có thể đưa bé ra ngoài chơi càng nhiều càng tốt để bé tự do chạy nhảy, đạp xe và khám phá thế giới xung quanh.

Giúp bé hòa đồng với các bạn: Tạo cơ hội cho con chơi đùa cùng các bạn đồng trang lứa. Nên để bé tự giải quyết mâu thuẫn với bạn, nhưng mẹ cũng cần sẵn sàng làm “chuyên gia hòa giải” và gợi ý bé học cách chia sẻ. Mẹ nên là “bác sĩ” chuyên giải quyết rắc rối và giúp con kiểm soát cảm xúc.

Học và chơi cùng con: Mẹ và con cùng chơi những trò “chơi mà học” như đếm bậc thang, tìm mảnh ghép đồ chơi, gọi tên bộ phận trên cơ thể hay rủ nhau đóng kịch. Thể hiện các vai diễn giúp bé phân loại được cảm xúc, mẹ để bé thử làm “đạo diễn” vở kịch nhé!

Khen ngợi, kỷ luật, an toàn: Mẹ cần lập ra những giới hạn cho con thật đơn giản và dễ hiểu. Đừng quên khen ngợi khi con hành xử đúng mực. Mẹ luôn chú trọng phát triển kỹ năng, nhưng vẫn đảm bảo an toàn cho bé ngay tại chính ngôi nhà của mình.

Sẵn sàng cho những kỹ năng mới: Vào sinh nhật 3 tuổi, nhiều bé đã sẵn sàng chuyển sang một chiếc giường khác rộng rãi hơn. Mẹ nên tập cho bé tự đi vệ sinh trong thời gian này.

Mẹ cần lưu ý những dấu hiệu bất thường nào?
Khi theo dõi quá trình phát triển của bé, mẹ nên đến gặp bác sĩ nếu bé gặp phải các trường hợp sau:

  • Rắc rối với nỗi sợ hãi chia ly
  • Không tiếp xúc với người lạ
  • Không chơi với các bé khác
  • Tránh tiếp xúc bằng mắt
  • Không thể nhảy hoặc ném bóng
  • Không thể leo cầu thang với chân này nối tiếp chân kia
  • Viết nguệch ngoạc
  • Không nói nhiều hơn 3 từ trong 1 câu
  • Không nói được một câu hoàn chỉnh
  • Không diễn đạt rõ khiến người khác không hiểu bé nói g
  • Không thể tự mặc quần áo hoặc tự đi ngủ
  • Quên những kỹ năng đã có trước đó

Những cột mốc này chỉ tương đối và có tính tham khào vì mỗi trẻ có hành trình phát triển khác nhau tùy theo cơ địa và thể trạng. Mẹ là người hiểu con mình hơn ai hết. Vì thế nên theo sát bé trong suốt quá trình để cùng con vượt qua thử thách của lứa tuổi này.

Categories
Sự phát triển của trẻ Trẻ tập đi và Mẫu giáo Cột mốc phát triển của trẻ tập đi và mẫu giáo

Các mốc phát triển của trẻ theo từng độ tuổi, mẹ cập nhật ngay nhé!

Các mốc phát triển của trẻ: Giai đoạn đầu đời

1. Sự phát triển của trẻ trong tháng đầu tiên

Lúc bé mới chào đời, chỉ với việc cho bé ăn, ru bé ngủ và thay tã cũng khiến bạn quay cuồng cả ngày. Tuy nhiên, chỉ trong vài tuần, bé sẽ bắt đầu để ý nhiều hơn đến giọng nói, gương mặt và sự âu yếm của bạn.

Trẻ sơ sinh không thể tập trung vào các vật ở xa hơn khoảng cách 20-30cm nên khuôn mặt bạn thường nằm trong “cự ly lấy nét” của mắt bé. Các hoa văn màu trắng đen cũng thu hút sự chú ý của bé. Thính giác đã phát triển hoàn thiện nên bé có thể quay về hướng những âm thanh quen thuộc như giọng nói của mẹ, của ba.

Khi nằm sấp, bé có thể tự nâng đầu lên một chút và ngoảnh sang một bên nhưng khi bé ở tư thế đứng, bạn vẫn phải đỡ đầu và gáy bé. Mặc dù cử động vô thức, nhưng bé có thể đưa tay lên gần miệng và bú đầu ngón tay.

Các mốc phát triển của trẻ: Giai đoạn đầu đời
Bạn có thể sẽ ngạc nhiên khi biết những cột mốc phát triển của trẻ chỉ sau 1 tháng chào đời

2. Mẹ nên làm gì để khuyến khích bé phát triển?

  • Gần gũi với bé: Nhìn vào mắt bé khi bạn nói chuyện, hát và đọc cho bé nghe. Khi bé tỉnh táo và vui vẻ, bạn chơi các trò đơn giản như ú òa hoặc bắt chước âm thanh của bé.
  • Hiểu ngôn ngữ cơ thể của bé: Chú ý các dấu hiệu cho thấy bé không muốn chơi tiếp và học cách nhận biết những dấu hiệu khi bé buồn ngủ hoặc đói. Luôn để mắt tới bé và xuất hiện ngay khi trẻ quấy khóc.
  • Hướng cho bé vận động: Khi bé thức, đặt bé nằm sấp để tăng cường sự vận động của các cơ. Khuyến khích bé nhìn và với lấy đồ chơi.
  • Cùng bé chào thế giới: Cho bé ra bên ngoài. Ẵm bé đi dạo, ra công viên hoặc chỗ vui chơi của trẻ con. Bé thích môi trường bên ngoài, thích được bạn ẵm và thích ở gần các trẻ khác.

3. Mẹ cần lưu ý những dấu hiệu bất thường nào?

Mỗi trẻ phát triển với tốc độ khác nhau, nhưng nhớ lưu ý theo dõi nếu con bạn đã một tháng tuổi mà:

  • Bú chậm hoặc gặp vấn đề khi bú
  • Mắt không tập trung hoặc không nhìn các vật chuyển động gần bé
  • Không phản ứng với ánh sáng mạnh
  • Thân thể quá cứng nhắc hoặc èo uột
  • Không phản ứng với âm thanh lớn

Khi trẻ có những dấu hiệu này, mẹ nên tham khảo ý kiến bác sĩ và những chuyên gia tâm lý, dinh dưỡng để được tư vấn giải pháp và can thiệp cần thiết.

Những mốc phát triển của trẻ: Giai đoạn 3 tháng tuổi

1. Sự phát triển của trẻ

Bé biết cười: Bé chủ động hơn trong các trò chơi, bắt chước biểu cảm gương mặt cũng như âm thanh của bạn.

Bé biết lẫy – ngóc đầu: Bạn không còn phải đỡ đầu của bé. Khi nằm sấp, bé có thể tự nâng phần đầu và ngực của mình lên. Thậm chí, bé còn có thể tự lật ngửa.

Bé biết nhận diện khuôn mặt: Khả năng phối hợp giữa tay và mắt cũng được cải thiện. Bạn sẽ thấy theo mốc phát triển của trẻ khi 3 tháng tuổi, con biết theo dõi các vật thể và đặc biệt chú ý đến các khuôn mặt. Bé đã có thể nhận ra bạn khi bạn đang đứng khá xa!

Những kỹ năng đáng yêu khác: Bé có thể nắm tay hoặc xòe các ngón tay, lắc đồ chơi, đập vào vật đu đưa trước mặt, đưa tay lên miệng, đạp chân nếu bạn giữ bé ở tư thế đứng.

Các mốc phát triển của trẻ: Giai đoạn 3 tháng tuổi
Biết cười là một trong các mốc phát triển của trẻ khi được 3 tháng tuổi

2. Mẹ nên làm gì để khuyến khích bé phát triển

Nhanh chóng phản ứng lại các tín hiệu của bé ví dụ như trẻ khóc đêm. Việc này giúp bé cảm thấy mình an toàn và được yêu thương.

Khuyến khích bé vận động: Tiếp tục cho bé nằm sấp để bé có thể luyện tập những kỹ năng mới và phát triển các cơ bắp, cho bé đồ chơi hoặc các vật an toàn để bé có thể với lấy, cầm và khám phá.

Chú ý đến bé thật nhiều: Thường xuyên nói chuyện và âu yếm bé, mô tả việc bạn đang làm, đọc tên những vật quen thuộc. Bạn có thể cùng đọc sách, chơi các trò chơi với bé và khuyến khích bé tự lăn sang tư thế nằm ngửa, cầm đồ chơi và “nói chuyện” với bạn.

3. Mẹ cần lưu ý những dấu hiệu bất thường nào?

Mỗi trẻ phát triển với tốc độ khác nhau, nhưng mẹ cần theo dõi sự phát triển của con và lưu ý nếu bé đã ba tháng tuổi và:

  • Không thể tự ngẩng đầu
  • Không thể cầm đồ vật
  • Không thể tập trung vào các vật chuyển động
  • Không cười
  • Không phản ứng với tiếng động lớn
  • Phớt lờ những gương mặt lạ
  • Có vẻ khó chịu khi gặp người lạ hoặc đến nơi xa lạ

Khi trẻ có những dấu hiệu này, mẹ nên tham khảo ý kiến bác sĩ và những chuyên gia tâm lý, dinh dưỡng để được tư vấn giải pháp và can thiệp cần thiết.

Các mốc phát triển của trẻ: Giai đoạn 4-7 tháng tuổi

1. Sự phát triển của trẻ

Bé tích cực tương tác với thế giới xung quanh: Bé cười và “nói chuyện” bi bô với bạn. Đến mốc phát triển của trẻ khoảng 7 tháng, bé đã biết lật và tự trở về tư thế nằm ngửa, ngồi mà không cần bạn giúp, chân đủ mạnh để “nhún nhảy” khi bạn giữ bé. Bé sẽ kéo đồ vật về phía mình, có thể cầm đồ chơi và chuyển đồ vật từ tay này sang tay kia.

Bé nhạy cảm hơn đối với khẩu khí của bạn và có thể sẽ dừng tay khi bạn nói “không được”. Bé cũng biết tên mình và quay lại nhìn khi bạn gọi.

Bé thích chơi trò ú òa và thích tìm các vật bị che khuất. Bé nhìn thế giới với tất cả màu sắc vốn có của nó và có thể nhìn xa hơn. Nếu bạn di chuyển một món đồ chơi trước mặt bé, bé sẽ theo dõi nó chăm chú bằng mắt. Tự ngắm mình trong gương cũng khiến bé vui vẻ.

Các mốc phát triển của trẻ: Giai đoạn 4-7 tháng
Một trong các mốc phát triển của trẻ giai đoạn 4-7 tháng tuổi là khả năng lật người nằm sấp

2. Mẹ nên làm gì để khuyến khích bé phát triển?

Sự tương tác của bạn và bé rất quan trọng. Vì vậy, nên kết hợp các trò chơi vào tất cả các hoạt động với bé. Dành cho bé thật nhiều nụ cười và sự âu yếm, trả lời khi bé nói bi bô để kích khích kỹ năng giao tiếp của bé. Đọc sách cho bé nghe mỗi ngày, đọc tên các vật có trong sách và những vật xung quanh bạn.

Cho bé nhiều cơ hội để củng cố các kỹ năng mới của cơ thể bằng cách giúp bé ngồi và chơi với bé khi bé nằm sấp lẫn nằm ngửa. Trước khi bé biết bò, bạn cần đảm bảo nhà của mình an toàn để bé có thể tự do khám phá.

Cho bé nhiều loại đồ chơi phù hợp với lứa tuổi và các vật dụng trong gia đình như muỗng, hộp giấy để trẻ khám phá. Tạo cho bé thói quen ăn, ngủ và chơi đúng giờ.
Khi 6 tháng tuổi, bé đã có thể ăn thức ăn dạng rắn.

3. Mẹ cần lưu ý những dấu hiệu bất thường nào?

Mỗi trẻ phát triển với tốc độ khác nhau, nhưng cần theo dõi quá trình phát triển của con và lưu ý nếu bé đã sáu tháng tuổi mà:

  • Thân thể quá cứng nhắc hoặc èo uột
  • Không thể tự giữ vững đầu
  • Không thể tự ngồi
  • Không phản ứng với tiếng động, tiếng cười
  • Không tỏ vẻ yêu thương đối với những người gần gũi nhất với bé
  • Không với lấy đồ

Khi trẻ có những dấu hiệu này, mẹ nên tham khảo ý kiến bác sĩ và những chuyên gia tâm lý, dinh dưỡng để được tư vấn giải pháp và những can thiệp cần thiết.

Các mốc phát triển của trẻ: Giai đoạn 8-12 tháng tuổi

1. Sự phát triển của trẻ

Bé tập đi: Hai bàn tay bé hoạt động liên tục, bé có thể cầm nắm nhiều thứ khá tốt và tiếp tục hoàn thiện kỹ năng sử dụng ngón tay cái và ngón trỏ. Bé đã biết tự ngồi nên có thể vịn tay vào đồ vật để giúp bé đứng dậy. Đặc biệt hơn, nhiều bé đã chập chững vài bước trước khi đón ngày sinh nhật đầu tiên đấy!

Bé tập nói: Bé có thể nhận biết những từ thường nghe, biết nói các từ đơn giản như “baba” hay “mama” và có xu hướng “bắt chước” những hành động, cử chỉ của bạn như dùng lược chải đầu, cầm ly uống nước hay thậm chí là nói chuyện qua điện thoại. Đồng thời, bé sẽ càng cảnh giác với người lạ hơn, bắt đầu xuất hiện nỗi sợ hãi chia ly khi bạn có việc rời xa bé.

Các mốc phát triển của trẻ: Giai đoạn 8 – 12 tháng tuổi
Mốc phát triển của trẻ mà ba mẹ trông đợi nhất giai đoạn này: bé tập đi

2. Mẹ nên làm gì để khuyến khích bé phát triển?

Bạn nên trò chuyện với con thường xuyên hơn vì đây là thời điểm quan trọng cho bé phát triển ngôn ngữ, giúp con phát triển cảm xúc rất nhanh. Mẹ cũng nên duy trì việc đọc truyện và chơi cùng con như trước đó.

Bé đã hiếu động hơn nên mẹ cần chú ý độ an toàn của không gian chơi đùa hơn nữa. Để giúp bé tự do phát triển các giác quan và khám phá mọi thứ, các mẹ mua giấy, bút chì màu, các khối hình, hộp rỗng… cho con vừa vẽ, vừa chơi.

Đừng tiếc lời khen thưởng nếu con làm tốt. Tuy nhiên, khi con nghịch ngợm, mẹ cần biết nói “không” và hướng dẫn lại cách làm cho con. Mặc dù bé vẫn còn non nớt và chưa hiểu khuôn phép là gì, nhưng mẹ có thể bắt đầu chỉ bảo con những chuyện không nên làm để bé có cách hành xử đúng.

Xây dựng lòng tin với bé bằng cách cho bé thời gian làm quen với cô bảo mẫu hay người giúp việc và luôn tạm biệt bé mỗi khi bạn có việc phải đi ra ngoài.

3. Mẹ cần lưu ý những dấu hiệu bất thường nào?

Mỗi trẻ phát triển với tốc độ khác nhau, nhưng mẹ cần theo dõi sự phát triển của con và lưu ý nếu bé đã tám tháng tuổi và:

  • Không biết bò hoặc trườn
  • Chỉ bò/trườn theo một hướng duy nhất trong vòng 1 tháng hoặc hơn
  • Không thể đứng nếu thiếu người hỗ trợ
  • Không tìm kiếm những đồ vật bạn giấu dù nó ngay trước mặt bé
  • Không nói bất kỳ từ nào
  • Không dùng các cử chỉ như lắc đầu báo hiệu “con không đồng ý” và chỉ trỏ

Khi trẻ có những dấu hiệu này, mẹ nên tham khảo ý kiến bác sĩ và những chuyên gia tâm lý, dinh dưỡng để được tư vấn giải pháp và can thiệp cần thiết.

Những mốc phát triển của trẻ: Giai đoạn 1-2 tuổi

1. Sự phát triển của trẻ

Phát triển thể chất

Những bước chân vụng về là khởi đầu cho việc trẻ có thể đi mà không cần dắt, leo lên và xuống cầu thang, đứng nhón chân, đá bóng và thậm chí có thể chạy khi 2 tuổi. Bé thích leo trèo và mục tiêu của bé thường là ghế sofa.

Phát triển ngôn ngữ

Bé có thể hiểu nhiều hơn so với những gì bé có thể diễn đạt. Đến 18 tháng tuổi, bé có thể nói được nhiều từ đơn và đến 24 tháng tuổi có thể dùng các câu và cụm từ ngắn.

Bé nhanh chóng học những từ mới qua các cuốn sách mà bạn đọc cho bé cũng như những cuộc nói chuyện hằng ngày. Bé có thể làm theo các lời đề nghị gồm 2 phần kiểu như: “Con nhặt cuốn sách lên và đem lại đây cho mẹ”.

Phát triển năng khiếu

Bé cũng bắt đầu phân biệt được hình dáng và màu sắc. Bé vẽ nguệch ngoạc bằng bút màu, xây tháp bằng bốn khối đồ chơi trở lên, ném bóng, thích bỏ vật nhỏ vào vật lớn rồi lấy hết vật nhỏ ra khỏi vật lớn. Lúc này, bạn có thể thấy những dấu hiệu đầu tiên cho biết bé thuận tay trái hay tay phải.

Phát triển tâm lý

Bé muốn tự mình làm tất cả: Mặc và cởi quần áo; cầm muỗng, ly để ăn uống; rửa tay… Cụm từ đầu tiên của bé có thể là: “Để con làm!”.
Bé có thể bắt đầu quan tâm học cách dùng nhà vệ sinh. Bé bắt chước bạn nói chuyện qua điện thoại, cho búp bê “ăn”, giả vờ lái xe…

Phát triển kỹ năng xã hội

Khi được 24 tháng tuổi, bé không còn khó chịu khi đi nhà trẻ. Bé hòa đồng hơn với các bạn và gần gũi cô giữ trẻ hơn. Đồng thời, bé cũng trở nên độc lập và có thể bướng bỉnh hơn.

Các mốc phát triển của trẻ: Giai đoạn 1 – 2 tuổi
Cho bé nhiều thời gian vui chơi ngoài trời để bé khám phá thế giới xung quanh

2. Mẹ nên làm gì để khuyến khích bé phát triển?

Dạy trẻ tập nói: Mẹ có thể kích thích kỹ năng này của bé qua cách diễn đạt, đặt câu hỏi, nói chuyện về những cuốn sách mà hai mẹ con đã đọc cùng nhau, hỏi ý kiến bé và trả lời các câu hỏi của bé về thế giới xung quanh. Đây là lúc bạn nên dạy bé làm quen các con số và chữ cái.

Bạn đừng mắng bé vì đã dùng từ sai, chỉ cần sửa lại câu nói của bé là được. Khi bé chỉ thứ gì đó mà bé muốn, bạn khuyên bé nói lên thứ mình muốn.

Cho bé khám phá thế giới xung quanh: Bé hiếu động hơn bạn tưởng. Bạn nên đưa bé ra công viên, sân chơi hoặc sở thú để đi dạo, chạy nhảy và tự do khám phá.

Tập cho bé những kỹ năng mới: Mẹ và bé cùng chơi trò chơi để bé nhận biết các bộ phận trên cơ thể bé hoặc đọc tên các vật quen thuộc. Khuyến khích bé gái chơi đồ hàng với búp bê và thức ăn đồ chơi. Yêu cầu bé giúp đỡ phân loại đồ chơi theo đặc điểm, ví dụ như đồ chơi mềm, đồ chơi màu đỏ… Tập cho bé sử dụng muỗng và ly để tự ăn uống.

Khen ngợi, kỷ luật và an toàn: Chú ý và khen để bé duy trì sự ngoan ngoãn. Đặt ra những giới hạn đơn giản và rõ ràng đồng thời xử lý vi phạm một cách bình tĩnh và kiên định, cho con bạn được quyền chọn lựa.

Khi bé đã có những kỹ năng mới, bạn nên sắp xếp lại không gian trong nhà và thực hiện các biện pháp phòng tránh cần thiết để bé có thể khám phá một cách tự do và an toàn.

3. Mẹ cần lưu ý những dấu hiệu bất thường nào?

Mỗi trẻ phát triển với tốc độ khác nhau, nhưng cần lưu ý theo dõi nếu con bạn:

  • Đã 18 tháng tuổi nhưng vẫn chưa biết đi
  • Không hiểu công dụng của các vật dụng hằng ngày
  • Không nói được ít nhất sáu từ khi đủ 18 tháng tuổi hoặc những câu gồm hai từ khi đủ 24 tháng tuổi
  • Không bắt chước lời nói hoặc hành động
  • Không làm theo những hướng dẫn đơn giản
  • Mất các kỹ năng đã có từ trước

Khi trẻ có những dấu hiệu này, mẹ nên tham khảo ý kiến bác sĩ và những chuyên gia tâm lý, dinh dưỡng để được tư vấn giải pháp và can thiệp cần thiết.

Các mốc phát triển của trẻ: Giai đoạn 2-3 tuổi

1. Sự phát triển của trẻ

Những phát triển về tâm lý:

Ở giai đoạn này, óc sáng tạo và trí tưởng tượng bé yêu ngày càng phong phú hơn. Bé ham thích những trò chơi nhập vai hay giả tưởng. Song song với nỗi sợ các con “quái vật” không có thật, bé sợ cả bóng tối, thậm chí cả cái máy hút bụi nhà mình. Ngoài ra, bé vẫn chưa phân biệt được giữa thế giới tưởng tượng và thực tế khác nhau thế nào.

Kỹ năng ngôn ngữ:

Trẻ diễn đạt rõ ràng hơn nên mọi người có thể hiểu bé đang nói gì. Vốn từ của bé trong giai đoạn này sẽ được “cập nhật” liên tục vì khi bước vào tuổi lên 3, bé đã thành thạo hơn cả trăm từ rồi.

Kỹ năng vận động:

Bé yêu nay biết đi lên xuống cầu thang, biết nhảy, đạp xe đạp ba bánh và trở nên khéo léo hơn. Bé học được cách mở cửa, mở hộp cũng như biết di chuyển, sắp xếp qua lại các bộ phận đồ chơi. Đặc biệt, bé có thể vẽ được hình tròn và giải những câu đố đơn giản.

Kỹ năng xã hội:

Trẻ bắt đầu biểu hiện tình bạn, sự đồng cảm của mình dành cho bạn cùng chơi hay thậm chí là búp bê và bạn có thể dạy bé san sẻ với mọi người xung quanh. Tuy nhiên, bé sẽ gặp đôi chút rắc rối vì chưa hiểu rõ cảm xúc của chính mình.

Các mốc phát triển của trẻ: Giai đoạn 2 – 3 tuổi
Cột mốc phát triển của trẻ về mặt kỹ năng xã hội: biết đồng cảm và bước đầu làm quen với khái niệm chia sẻ

2. Mẹ nên làm gì để khuyến khích trẻ phát triển?

Để bé khám phá thế giới: Mẹ có thể đưa bé ra ngoài chơi càng nhiều càng tốt để bé tự do chạy nhảy, đạp xe và khám phá thế giới xung quanh.

Giúp bé hòa đồng với các bạn: Tạo cơ hội cho con chơi đùa cùng các bạn đồng trang lứa. Để bé tự giải quyết mâu thuẫn với bạn, nhưng mẹ cũng cần sẵn sàng làm “chuyên gia hòa giải” và gợi ý bé học cách chia sẻ.

Học và chơi cùng con: Mẹ và con cùng chơi những trò “chơi mà học” như đếm bậc thang, tìm mảnh ghép đồ chơi, gọi tên bộ phận trên cơ thể hay rủ nhau đóng kịch. Thể hiện các vai diễn giúp bé phân loại được cảm xúc, mẹ để bé thử làm “đạo diễn” vở kịch nhé!

Khen ngợi, kỷ luật, an toàn: Mẹ cần lập ra những giới hạn cho con thật đơn giản và dễ hiểu. Đừng quên khen ngợi khi con hành xử đúng mực.

Sẵn sàng cho những kỹ năng mới: Bé đã sẵn sàng chuyển sang một chiếc giường khác rộng rãi hơn. Mẹ nên tập cho bé tự đi vệ sinh trong thời gian này.

3. Mẹ cần lưu ý những dấu hiệu bất thường nào?

Khi theo dõi quá trình phát triển của bé, mẹ nên đến gặp bác sĩ nếu bé gặp phải các trường hợp sau:

  • Sợ hãi khi chia ly
  • Không tiếp xúc với người lạ
  • Không chơi với các bé khác
  • Tránh tiếp xúc bằng mắt
  • Không thể nhảy hoặc ném bóng
  • Không thể leo cầu thang với chân này nối tiếp chân kia
  • Viết nguệch ngoạc
  • Không nói nhiều hơn 3 từ trong 1 câu
  • Không nói được một câu hoàn chỉnh
  • Không diễn đạt rõ khiến người khác không hiểu bé nói gì
  • Không thể tự mặc quần áo hoặc tự đi ngủ
  • Quên những kỹ năng đã có trước đó

Những mốc phát triển của trẻ này chỉ tương đối và có tính tham khào vì mỗi trẻ có hành trình phát triển khác nhau tùy theo cơ địa và thể trạng. Mẹ là người hiểu con mình hơn ai hết. Vì thế, bạn nên theo sát bé trong suốt quá trình để cùng con vượt qua thử thách của lứa tuổi này.

Categories
Sự phát triển của trẻ Trẻ tập đi và Mẫu giáo Cột mốc phát triển của trẻ tập đi và mẫu giáo

Bé 34 tháng tuổi: Chú ý đến cân nặng

Bác sĩ nhi khoa sẽ theo dõi quá trình tăng trưởng và cho bạn biết chỉ số chiều cao và cân nặng của trẻ so với mức trung bình của các bé 2 tuổi rưỡi khác.

Bé 2 tuổi rưỡi còn quá sớm để lo lắng về vấn đề dư mỡ hay cân nặng, dù nhìn trẻ khá mũm mĩm. Khi lớn lên, tham gia các hoạt động vui chơi sẽ giúp trẻ cải thiện điều này. Trẻ tròn trĩnh khi còn nhỏ không có nghĩa sẽ tròn trĩnh khi lớn lên. Khi trẻ lên ba, cơ thể của trẻ sẽ dài ra và bớt vẻ mũm mĩm khi mới sinh.

Tuy vậy, tỷ lệ trẻ béo phì ngày càng cao khiến cho chỉ số cân nặng tiêu chuẩn trở thành vấn đề khiến nhiều bậc cha mẹ quan tâm. Các bác sĩ nhi khoa ngày càng chủ động hơn trong việc xác định các dấu hiệu của trẻ nào có nguy cơ béo phì cao, từ đó có thể khuyến nghị ba mẹ theo dõi và điều chỉnh lối sinh hoạt phù hợp cho trẻ.

Lý do phổ biến khiến trẻ ở tuổi mẫu giáo thừa cân do trẻ được uống quá nhiều nước ép hoặc sữa. Bạn có thể hạn chế lượng sữa của trẻ thừa cân xuống khoảng 454ml/ngày và nước ép khoảng 15ml/ngày, tránh cho trẻ uống soda. Nên cho trẻ uống bằng ly và pha loãng nước ép ra.

Mặt khác, bạn không nên giới hạn chế độ ăn uống của bé 2 tuổi rưỡi mà không có sự tư vấn của bác sĩ. Các bé 2 tuổi rưỡi cần một chế độ dinh dưỡng phong phú, lành mạnh, đầy đủ chất để nuôi dưỡng bộ não đang phát triển và cơ thể của trẻ hiện tại cũng như sau này.

Bé 2 tuổi rưỡi: Chú ý đến cân nặng ở 34 tháng
Từ khi bé còn nhỏ cho tới hết bậc tiểu học, ba mẹ nên chú ý nhiều tới biểu đồ tăng trưởng của bé

Cuộc sống của mẹ với bé 2 tuổi rưỡi
Có lẽ bạn không bao giờ muốn lâm vào tình huống “dở khóc dở cười” khi trẻ vô tình nhìn thấy cha mẹ đang ân ái. Mặc dù chuyện đó khá xấu hổ, nhưng cũng không phải vấn đề gì quá lớn lao. Vì nhiều khi ban đêm, trẻ có thể còn đang quá buồn ngủ và sẽ không chú ý nhiều đến điều “bất thường” đang xảy ra. Hãy cư xử tự nhiên.

Nếu trẻ có hỏi bạn đang làm gì, bạn chỉ cần trả lời đơn giản là: “bố mẹ đang ôm và thương nhau!”, sau đó hướng sự chú ý của trẻ đến một thứ khác như cho trẻ uống nước hoặc xoa lưng cho trẻ ngủ.

Cũng có khi những âm thanh không kiểm soát được trong cuộc vui, hoặc khi trẻ làm cho bạn giật mình, có vẻ “đáng sợ”. Nếu trẻ không vui, bạn chỉ cần tỏ ra ngạc nhiên khi thấy trẻ thức giấc và giúp trẻ ngủ trở lại

Categories
Sự phát triển của trẻ Trẻ tập đi và Mẫu giáo Cột mốc phát triển của trẻ tập đi và mẫu giáo

Bé 33 tháng tuổi: Mọc những chiếc răng hàm cuối cùng

Bé 2 tuổi rưỡi mọc những chiếc răng hàm cuối cùng
Những chiếc răng sữa cuối cùng, cụ thể là bốn chiếc răng hàm dưới, còn gọi là răng cối sữa, thường mọc lên khi bé được 20 đến 33 tháng tuổi. Tuy vậy, một số trẻ vẫn còn mọc răng cho đến lúc 3 tuổi.

Mọc răng hàm thường rất đau vì chúng có kích thước lớn, đôi khi còn kèm theo sốt nhẹ và có thể làm bé thức giấc vào ban đêm. Tuy nhiên, thật may là cơn đau chỉ kéo dài một hoặc hai ngày cho mỗi chiếc răng.

Bạn có thể cho bé ngậm một món đồ chơi, nút tay hoặc ngậm một chiếc khăn lạnh, đã bỏ trong tủ đá, hoặc khăn ấm cho đến khi cơn đau qua đi. Nhiều bác sĩ phản đối việc cho bé 2 tuổi rưỡi dùng kem bôi nướu vì chúng làm cho trẻ mút hoặc ngậm nướu răng quá lâu dẫn đến đau nướu răng, vì thế nếu bạn muốn dùng kem cho bé 2 tuổi rưỡi, nên hỏi ý kiến của bác sĩ nha khoa hoặc bác sĩ nhi.

Bé 2 tuổi rưỡi: Mọc những chiếc răng hàm cuối cùng ở 33 tháng
Ba mẹ nên tập cho bé thói quen đánh răng từ nhỏ

Làm gì khi bé 2 tuổi rưỡi tè dầm?
Việc bé tè dầm ban đêm sẽ làm gián đoạn giấc ngủ của bé và của cả bạn nữa. Thật khó để xác định lý do khiến bé tè dầm nhưng hiện tượng này khá phổ biến và thường xuất hiện, nhất là ở các bé trai hoặc những bé vừa mới học ngồi bô. Nguyên nhân có thể là do bé ngủ quá sâu và không thức dậy kịp hoặc bàng quang và hệ thần kinh trung ương của bé 2 tuổi rưỡi còn chưa phát triển hoàn thiện. Có thể bạn chưa biết điều này: tè dầm còn mang tính di truyền nữa đấy.

Ba mẹ không nên la mắng hay chọc quê khi bé tè dầm. Bạn có thể cho bé uống ít nước sau khi ăn tối để xem tình trạng có cải thiện hơn không. Tuy nhiên, cách tốt nhất là cho bé mang tã đến khi bé hết hẳn tè dầm và nhớ lót một miếng chống thấm ở chỗ ngủ của bé. Bạn nên để sẵn một bộ đồ ngủ và một tấm trải nệm khác ngay gần chỗ bé để có thể nhanh chóng dọn dẹp chỗ ngủ cho bé mà không làm mất giấc ngủ của bé và của bạn.

Nhưng bạn đừng quá lo lắng, tình trạng tè dầm ban đêm thường tự hết khi bé được 5 hoặc 6 tuổi.