Categories
Sự phát triển của trẻ Trẻ tập đi và Mẫu giáo

Sự phát triển của bé từ 24 đến 30 tháng tuổi

Trong khoảng từ 24 – 30 tháng, trẻ đã biết sử dụng các kỹ năng ngôn ngữ để diễn đạt suy nghĩ và cảm xúc của mình. Trẻ còn biết kết bạn với những đứa trẻ khác. Các kỹ năng khác về thể chất cũng phát triển nhanh hơn như: đi, chạy và leo trèo, giúp trẻ khám phá thế giới xung quanh theo cách thức “mạo hiểm” hơn.

Sự phát triển của bé từ 24 đến 30 tháng tuổi
Bạn thấy điều gì là tuyệt vời nhất trong sự phát triển của bé giai đoạn này?

Trẻ có thể làm gì

Mẹ xử lý ra sao

Con biết phối hợp cơ thể để đến được nơi con muốn.

  • Con có thể bước từng bước một lên cầu thang.
  • Con có thể đi lùi.
  • Con có thể giữ thăng bằng trên một chân, nhờ đó con mới leo trèo được.

Đi dạo quanh nhà. Dẫn bé đi dạo khu vực gần để bé có thể khám phá thêm nhiều điều thú vị.

Tập cho bé vận động bằng các trò chơi. Xếp từng chồng giấy dưới sàn nhà và hướng dẫn bé nhảy lần lượt qua những “hòn đảo” bằng  giấy”.

Con biết dùng từ ngữ để diễn đạt suy nghĩ và cảm xúc của con.

  • Con có thể nói một câu dài: Mẹ pha sữa hoặc Con chơi bóng.
  • Từ con thích nói nhất là: dạ, có, không, con, của con.
  • Đôi lúc con không kiểm soát được cảm xúc của mình cũng như không diễn đạt thành lời. Con cần mẹ giúp xoa dịu, giúp con bình tâm trở lại.

Hỏi thăm về ý kiến của trẻ: Con thích nhất phần nào trong quyển sách này? 

Hiểu được tình cảm của bé, đồng thời dạy cho bé những kỹ năng xã hội: Mẹ biết con thích chơi chiếc xe xúc cát này nhưng bạn Bo cũng muốn chơi nó. Hay là mình cho bạn ấy mượn chơi một chút con nhé?

Giúp bé làm dịu được cơn giận dữ. Một số trẻ thích được an ủi, dỗ dành. Nhưng một vài trẻ khác lại thích được yên tĩnh một mình.

Trí tưởng tượng của con phong phú hơn

  • Con lấy một đồ vật này và xem nó là một đồ vật khác. Ví dụ như hộp giày của bố “biến” thành giường ngủ cho chú gấu bông của con.
  • Con có thể hiểu được những điều nào là khôi hài hay ngốc nghếch và cười nhạo chúng, như chiếc xe đồ chơi bỗng dưng rống lên như bò rống thay vì kêu bíp-bíp.
  • Đôi khi con cảm thấy sợ hãi. Vì  trí tưởng tượng của con quá phong phú nên con lẫn lộn đâu là thật đâu là do con “giả bộ” ra.

Mẹ chơi trò “giả bộ” để tập cho bé cách xử lý một tình huống mới. Để chuẩn bị tâm lý cho bé đi nhà trẻ, mẹ có thể “giả bộ” làm cô giáo, còn con làm học trò hoặc ngược lại.

Hãy để bé tự dẫn dắt trò chơi. Bạn hỏi bé: Mẹ đóng vai ai đây? Tiếp theo mẹ sẽ làm gì nữa nào?

Giải toả nỗi sợ hãi của bé. Giải thích cho bé hiểu và phân biệt đâu là thật, đâu là không thật. Điều này giúp xây dựng sự tin cậy và cảm giác an toàn ở bé.

Con muốn kết bạn nhưng vẫn cần sự trợ giúp để bé ý thức được hành động chia sẻ với bạn bè.

  • Con thích nhìn các bạn và bắt chước những gì bạn làm.
  • Con có một hoặc hai người bạn thân.

Tạo điều kiện cho bé chơi đùa cùng các bạn cùng trang lứa. Điều này giúp hình thành những kỹ năng giao tiếp.

Giúp bé giải toả những xung đột khi chơi chung với bạn bè. Bạn nên tỏ ra đồng cảm để bé nhận thấy bạn hiểu được việc chia sẻ với bạn bè lại một việc không dễ dàng chút nào với bé. Giúp bé tìm một món đồ chơi khác trong khi chờ khi đến lượt mình chơi. Bạn có thể sử dụng một chiếc đồng hồ bấm giờ để giúp bé học cách chờ đợi.