Categories
Sự phát triển của trẻ Trẻ tiểu học (6-10 tuổi) Chăm sóc trẻ

Bạn đã biết rửa tay đúng cách?

Rửa tay luôn là điều “biết rồi, khổ lắm, nói mãi” nhưng “nói dễ, làm khó”. Và liệu bạn đã rửa tay đúng hay chưa?

Đối với các gia đình có con nhỏ, việc cha mẹ, người lớn rửa tay trước khi tiếp xúc với trẻ càng có ý nghĩa đặc biệt hơn trong việc bảo vệ sức khỏe, giữ gìn cho bé một hệ miễn dịch tốt. Một lần nữa, bài viết xin đề cập đến những vấn đề tuy nhỏ nhưng lại không kém phần quan trọng trong mỗi gia đình.

Những con số biết nói
Theo một nghiên cứu của trường đại học Arizona (Mỹ), trung bình trên bề mặt da tay người có đến 4.000 loại vi khuẩn khác nhau. Trong đó có nhiều loại vi khuẩn gây hại như: Ecoli – thủ phạm chính gây các bệnh đường ruột.

Theo đại điện của tổ chức Y tế Thế giới (WHO), cứ 20 giây trôi qua lại có một trẻ em trên thế giới bị chết vì điều kiện vệ sinh yếu kém.

Và trong nước ta, theo kết quả điều tra của Cục Y tế Dự phòng tại 5 tỉnh, tỷ lệ người dân rửa tay với sản phẩm diệt khuẩn (dung dịch rửa tay, xà phòng, …) rất thấp: chỉ có 6% số người trước khi ăn và 15% sau khi đi vệ sinh rửa tay với sản phẩm diệt khuẩn.

Tỷ lệ các bà mẹ đang nuôi con dưới 5 tuổi có rửa tay với sản phẩm diệt khuẩn trước khi cho trẻ ăn gần 3%, sau khi làm vệ sinh cho trẻ là 16%. Tỷ lệ số người tại các nơi công cộng như trường học, trạm y tế, UBND xã có hành vi vệ sinh cá nhân cũng rất thấp.

cách rửa tay
Rửa tay đúng cách sẽ giúp phòng tránh các vi khuẩn

Tầm quan trọng của việc rửa tay
Rửa tay sạch bằng xà phòng là một biện pháp vệ sinh rất đơn giản nhưng lại có thể ngăn chặn được 47% bệnh tiêu chảy, hơn 30% các bệnh viêm nhiễm đường hô hấp cấp và một số bệnh như H5N1, chân tay miệng…

Hầu hết các vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể qua đôi tay bẩn. Tay người cầm nắm, tiếp xúc vào các đồ vật bẩn rồi bốc thức ăn, dụi mắt, ngoáy mũi… là những đường lây truyền vi khuẩn phổ biến nhất. Nhất là với các gia đình có con nhỏ, tay mẹ bẩn khi chạm vào bé dù là những cái ôm ấp, yêu thương cũng đủ để truyền hàng trăm nguy cơ vi khuẩn tấn công vào sức để khác của trẻ. Và chỉ với rửa tay, ta có thể ngăn ngừa tất cả những điều đó.

Lúc nào cũng nên giữ đôi tay sạch sẽ nhưng đặc biệt chú trọng vào những lúc sau: Trước khi tiếp xúc với trẻ sơ sinh, trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh, rửa tay sau khi tiếp xúc với thú cưng, sử dụng các dịch vụ công cộng như: đi xe buýt, thang máy, đi siêu thị… vì những nơi đó là chốn lý tưởng cho vi khuẩn truyền từ người này sang người khác.

6 bước rửa tay đúng
Rửa tay bằng nước sẽ không diệt sạch hết vi khuẩn mà phải dùng xà phòng, các dung dịch diệt khuẩn. Trình tự để rửa tay sạch phải đúng 06 bước theo ban hành của bộ y tế như sau:

cac buoc rua tay_1

Bước 1: Làm ướt hai bàn tay bằng nước sạch. Thoa xà phòng vào lòng bàn tay. Chà xát hai lòng bàn tay với nhau.

Bước 2: Dùng ngón tay và lòng bàn tay này cuốn và xoay lần lượt từng ngón của bàn tay kia và ngược lại.

Bước 3: Dùng lòng bàn tay này chà xát chéo lên mu bàn tay kia và ngược lại.

cac buoc rua tay_2

Bước 4: Dùng đầu ngón tay của lòng bàn tay này miết vào kẽ giữa các ngón tay của bàn tay kia và ngược lại.

Bước 5: Chụm 5 đầu ngón tay của tay này cọ vào lòng bàn tay kia bằng cách xoay đi, xoay lại.

Bước 6: Xà cho tay sạch hết xà phòng dưới nguồn nước sạch. Lau khô tay bằng khăn hoặc giấy sạch.

Cần chú ý thêm là thời gian cho mỗi lần rửa tay tối thiểu là 1 phút, các bước 2, 3, 4, 5 lặp lại tối thiểu 5 lần mỗi bước. Mỗi lần rửa tay bằng xà phòng, nhất thiết cần tuân thủ đầy đủ trình tự 6 bước như trên mới có thể đảm bảo tiêu diệt tối đa vi khuẩn, giảm xuống tối thiểu khả năng mắc bệnh và lây lan bệnh tật qua những bàn tay bẩn.

PN.