Categories
Sự phát triển của trẻ Trẻ tiểu học (6-10 tuổi) Chăm sóc trẻ

Những kỹ năng sống lớp 2 trẻ cần được học để trưởng thành hoàn hảo

Trẻ 7 tuổi đang bước vào tiến trình phát triển, trưởng thành hơn. Trang bị cho con kỹ năng sống lớp 2 từ sách giáo khoa, kết hợp thực hành kỹ năng trong đời thực sẽ giúp con ứng phó tốt với cuộc sống, và phát triển hoàn thiện hơn.

Trẻ lớp 2 có sự phát triển thấy rõ về tâm lý. Sau một năm tiếp xúc với việc học, trẻ lịch sự, cảm thông, biết hợp tác với người khác. Ở lứa tuổi này, kỹ năng sống lớp 2 trẻ cần được học là gì?

Đặc điểm tính cách trẻ lớp 2

Lên 7 tuổi, trẻ nội tâm hơn và biết suy nghĩ nhiều hơn. Khác với năm trước, con trẻ có ý thức hơn, biết quan tâm tới người khác. Bản tính ích kỷ dần được thay thế bằng sự rộng lượng, thích chia sẻ với bạn bè, thích được đánh giá là rộng lượng.

Trẻ 7 tuổi đang bước vào tiến trình phát triển, trưởng thành hơn. Vì nhu cầu học tập, con cũng dần học cách cảm nhận, nắm bắt sự việc. Lúc này, con cần kỹ năng hội thoại, giao tiếp, thể hiện ý kiến của mình tốt hơn.

Kỹ năng sống lớp 2 cho trẻ em

Cá tính độc lập của con dần phát triển, cũng là lúc cha mẹ nên lo lắng đến vấn đề an toàn cá nhân của con. Trẻ thích khám phá, nhưng chưa lường trước mạo hiểm. Do đó, rất cần dạy cho con ý thức tự bảo vệ mình khỏi nguy hiểm.

Học sinh lớp 2 bắt đầu nhiễm các thói xấu của bạn bè. Trẻ nói dối, ăn gian, ganh tỵ… Cha mẹ cần phát hiện sớm những biểu hiện lệch lạc của con để có uốn nắn kịp thời.

Hình thức kỷ luật phù hợp với trẻ là phân tích đúng – sai thay vì đánh mắng. Con sợ bị cắt phần thưởng, không cho đi chơi, nên đây chính là hình phạt nghiêm khắc nên áp dụng.

Sách giáo dục kỹ năng sống lớp 2

Học sinh lớp 2 được giáo dục đạo đức thông qua bộ tài liệu Giáo dục Kỹ năng sống trong một số môn học. Kèm theo đó là sách Rèn luyện kỹ năng sống dành cho học sinh tiểu học.

Nội dung bộ sách trình bày những kỹ năng sống cơ bản, phù hợp với lứa tuổi các em học sinh cấp tểu học. Việc rèn luyện những kỹ năng sống này giúp các em có thể giao tiếp hiệu quả và ứng phó tích cực trước các tình huống của cuộc sống, sống an toàn, tích cực và hiệu quả.

Sách giáo dục kỹ năng sống lớp 2 giúp trẻ rèn luyện những kỹ năng cần thiết như:

  • Kỹ năng tự phục vụ
  • Kỹ năng tự bảo vệ bản thân
  • Kỹ năng tìm kiếm sự giúp đỡ
  • Kỹ năng cảm thông và chia sẻ
  • Kỹ năng quản lý thời gian
  • Kỹ năng phóng tránh tai nạn thương tích

Thực hành kỹ năng sống lớp 2

Kỹ năng tự phục vụ

Tự phục vụ bản thân là một trong những kỹ năng quan trọng thúc đẩy trẻ hoàn thiện mình một cách tốt nhất. Kỹ năng này cũng giúp trẻ nhanh chóng khôn lớn và trưởng thành hơn.

Kỹ năng tự phục vụ bản thân bao gồm cả thể chất và tinh thần, từ những việc làm đơn giản đến phức tạp. Dần dà, trẻ hình thành những thói quen và lối sống tốt đẹp.

Những việc học sinh lớp 2 có thể tự làm:

  • Tự ăn ngủ, dọn dẹp chăn gối, tự biết thay quần áo, tự biết cho quần áo bẩn vào máy giặt và giúp đỡ mọi người trong gia đình.
  • Trẻ có thể làm việc nhà đơn giản như quét nhà, lau nhà, tưới cây hay trông em, nhặt rau, rửa chén bát hay chế biến những món ăn đơn giản.
  • Trẻ lúc này còn lóng ngóng chưa quen việc. Bố mẹ nên động viên, khuyến khích con để lần sau con hoàn thiện hơn. Không nên giúp trẻ mọi việc.

Kỹ năng tự bảo vệ bản thân

Kỹ năng bảo vệ bản thân là gì? Đó chính là trang bị cho con hiểu biết về những sự việc xung quanh mình, có hành động đúng để tránh xa nguy hiểm. Trẻ có thể khám phá thế giới trong phạm vi an toàn.

Kỹ năng sống lớp 2 cho bé
Cho con trải nghiệm cuộc sống thiên nhiên. Ba mẹ qua đó dạy cho trẻ kỹ năng phòng ngừa nguy hiểm tìm kiếm sự giúp đỡ của người khác

Một số kỹ năng bảo vệ bản thân cha mẹ có thể trang bị cho trẻ:

  • Kỹ năng an toàn khi tự chơi: Tránh mối nguy hiểm từ phích nước, ổ điện, bếp nóng, cầu thang…
  • Kỹ năng tránh bị xâm hại cơ thể: Cho con có những kiến thức cơ bản về vấn đề bảo vệ thân thể, cách phòng tránh khi bị xâm hại. Dạy con nếu bị xâm hại cơ thể nên ứng xử ra sao.
  • Kỹ năng ứng xử khi bị lạc: Dạy con nên gọi ai khi đi lạc, nên nhờ ai giúp đỡ.
  • Kỹ năng an toàn khi tham gia giao thông: Dạy con một số loại biển báo cơ bản, cách sang đường cũng như cách đi qua các ngã ba, ngã tư.

Nói chuyện là cách đơn giản nhất không chỉ giúp trẻ hiểu được vấn đề mà còn giúp kéo gần khoảng cách giữa cha mẹ và con cái. Thường xuyên nói chuyện với con sẽ giúp bố mẹ tạo dựng niềm tin với con.

Kỹ năng cảm thông và chia sẻ

Kỹ năng cảm thông chia sẻ được dạy cho học sinh bằng cách cho các con tham gia trải nghiệm sắm vai các tình huống.

Sự cảm thông với người khó khăn tạo nên lòng hảo tâm ở trẻ. Trẻ biết góp phần đem niềm vui đến cho những người không may mắn bằng khoản tiền tiết kiệm, đồ chơi, đồ đạc của chính trẻ.

Cách để dạy con kỹ năng cảm thông và chia sẻ chính là tâm sự với con thường xuyên. Đọc cho con những câu chuyện cảm động, giúp con hiểu hoàn cảnh sống đáng thương của các bạn cùng tuổi. Con dễ hình dung và đồng cảm hơn. Khi đó, trẻ sẽ nảy sinh sự cảm thương và sẵn sàng chia sẻ với người khác.

Kỹ năng quản lý thời gian

Kỹ năng quản lý thời gian là một trong những kỹ năng sống không thể thiếu để đạt tới thành công. Hầu hết trẻ em đều không có khái niệm gì về thời gian và cách tốt nhất để nói về thời gian cho trẻ hiểu là thông qua chiếc đồng hồ.

Kỹ năng sống lớp 2
Dạy con tuân thủ lịch sinh hoạt đúng giờ, tôn trọng thời gian, bạn đã giúp con có tương lai thành công hơn

Cha mẹ nên nhắc nhở trẻ về thời gian để trẻ không đi trễ, không quên việc. Xây dựng mục tiêu với thời gian hợp lý giúp bé hoàn thành việc tốt hơn.

  • Quy định giờ ăn cơm, giờ xem ti vi, giờ làm việc riêng, giờ đi ngủ
  • Lập thời gian biểu cho bản thân một cách khoa học nhất
  • Dạy trẻ biết sắp xếp thứ tự ưu tiên lịch học, lịch chơi…

Đừng xem nhẹ việc tôn trọng thời gian, bố mẹ cần có hình thức thưởng phạt rõ ràng, giúp con ý thức hơn về giờ giấc. Dần dà, tôn trọng thời gian trở thành kỹ năng, con sẽ dễ thành công hơn.

Kỹ năng lắng nghe tích cực

1. Kỹ năng lắng nghe tích cực là gì?

Trong cuộc sống, lắng nghe tích cực là một điều hết sức quan trọng nhằm giúp mọi người hiểu nhau, giúp tiếp nhận thông tin hiệu quả hơn. Lắng nghe còn thể hiện sự tôn trọng của mình với người đối diện đang giao tiếp với mình. Đây là một kỹ năng không thể thiếu để trẻ giao tiếp thành công khi trưởng thành.

2. Thực hành kỹ năng sống lớp 2 thế nào?

Trẻ lớp 2 học từ chính bố mẹ mình. Phụ huynh muốn con có kỹ năng lắng nghe tích cực phải thể hiện mình sẵn sàng lắng nghe trẻ.

Phụ huynh không nên cắt ngang con, thể hiện thái độ lắng nghe tích cực chuyện con nói. Đôi khi phụ huynh phải lắng nghe nhiều hơn nữa thì mới có thể hiểu được con mình.

Khi trò chuyện cùng con, phụ huynh nên hạn chế bớt những vật gây nhiễu trong nhà: đừng để tivi hay radio mở suốt ngày để tạo không gian yên tĩnh trong nhà và mọi người có thể dễ dàng lắng nghe xem người khác đang nói gì với mình.

Cách thể hiện lắng nghe tích cực cha mẹ nên dạy con:

  • Giao tiếp bằng mắt rất quan trọng. Hướng nhìn vào người đang giao tiếp giúp tạo sự giao đãi.
  • Phản hồi và nhắc lại những điểm chính khi con bạn tạm dừng lời.
  • Gật đầu, mỉm cười và sử dụng những từ để khuyến khích trẻ kể tiếp.
  • Đặt những câu hỏi liên quan đến chủ đề mà trẻ đang nói.
  • Không cắt ngang, chen lời khi con đang nói.

Tranh thủ thời gian kể chuyện trước khi ngủ để dạy con kỹ năng lắng nghe tích cực. Ban đầu chỉ là những câu chuyện ngắn, trẻ càng lớn truyện càng dài. Sau khi kể, hỏi về chi tiết truyện để rèn sự lắng nghe và tập trung lắng nghe cho con.

3. Trò chơi phát triển kỹ năng

Tam sao thất bản:

Trò chơi này càng nhiều người chơi càng thú vị. Cha mẹ đưa một mảnh giấy có câu chuyện ngắn cho người đầu tiên. Người này đọc thầm nội dung, sau đó nói với người thứ hai. Truyền miệng liên tục tới người cuối cùng. Trẻ cuối cùng sẽ đọc to nội dung lên. Nội dung truyền tải trùng với nội dung nguồn sẽ thắng.

Tập hát:

Cha mẹ có thể dạy con tập hát bài mới. Cha mẹ dạy cho con đoạn nhạc mới, liên tục cho tới hết. Cách này giúp con tăng kỹ năng lắng nghe, ghi nhớ và tập trung. Âm nhạc có tác dụng tốt trong việc phát triển trí não.

Kỹ năng phòng ngừa tai nạn thương tích

Kỹ năng sống lớp 2 cần cho học sinh nhận biết các hành vi nguy hiểm có thể xảy ra gây tai nạn thư­ơng tích cho mình và những ng­ười xung quanh. Kỹ năng này cũng giúp trẻ biết từ chối và khuyên các bạn không tham gia các hành vi gây tai nạn thương tích.

1. Nhận biết nguy hiểm

Không phải trẻ gặp tai nạn mới phải dạy con kỹ năng này. Cha mẹ và thầy cô có thể nêu lên cho trẻ hiểu các tình huống có thể dẫn đến tai nạn, làm con đau, gặp thương tích. Cha mẹ nên nói chuyện với con về các tình huống có thể dẫn đến nguy hiểm, thương tật cho con:

  • Phòng ngừa bỏng, cháy do lửa gây ra
  • Phòng ngừa đuối nước khi đến vùng ao hồ
  • Phòng ngừa té ngã
  • Phòng ngừa thương tật khi chơi đùa, leo trèo
  • Phòng ngừa ngộ độc hóa chất
  • Phòng ngừa tai nạn giao thông khi đi lại trên đường
  • Phòng ngừa chấn thương khi chơi thể thao

Ở độ tuổi này, con vẫn chưa thể tìm cách cứu bản thân, do vậy cung cấp cho con càng nhiều kiến thức phòng ngừa thương tật càng tốt. Đừng quên dạy con cách la thật to, gây chú ý và nhờ người xung quanh cứu giúp.

2. Biết cảnh báo bạn bè sự nguy hiểm

Kỹ năng phòng ngừa tai nạn cho trẻ lớp 2 còn dạy con cách cảnh báo bạn bè khi chơi các trò nguy hiểm: Chơi trò bạo lực, chơi với lửa, leo cột điện lấy diều…

Trẻ lúc này bắt dầu chịu ảnh hưởng bởi lời khiêu khích của bạn. Cha mẹ nên dạy con kỹ năng nói không với những trò chơi có thể dẫn đến nguy hiểm. Giúp con hiểu rằng từ chối tham gia không có nghĩa là nhát gan mà thể hiện trẻ rất thông minh, chững chạc.

Kỹ năng thể hiện ý kiến

Trong đời sống giao tiếp hàng ngày, kỹ năng thể hiện ý kiến được sử dụng thường xuyên. Dạy kỹ năng thể hiện ý kiến, kỹ năng hội thoại cho học sinh lớp 2 rất quan trọng, giúp trẻ nâng cao năng lực sử dụng ngôn ngữ.

Phát triển kỹ năng thể hiện ý kiến cho học sinh lớp 2 sẽ phát triển đồng thời hai kỹ năng nói và nghe, luyện tập cả kỹ năng trao lời và đáp lời trong các cuộc thoại gắn với đời sống học tập, sinh hoạt hàng ngày.

Hệ thống hóa việc rèn luyện kỹ năng thể hiện ở trẻ lớp 2 được dạy kèm thông qua môn tập làm văn, cụ thể như sau:

  • Tự giới thiệu, Chào hỏi, tự giới thiệu, Cảm ơn, xin lỗi, Khẳng định, phủ định, Mời, nhờ, yêu cầu, đề nghị, Chia buồn, an ủi, Gọi điện, Chia vui, Khen ngợi, Ngạc nhiên, thích thú…
  • Đáp lời chào, lời tự giới thiệu, Đáp lời cảm ơn, Đáp lời xin lỗi, Đáp lời khẳng định, Đáp lời phủ định, Đáp lời đồng ý, Đáp lời chia vui, Đáp lời khen ngợi, Đáp lời từ chối, Đáp lời chia buồn, an ủi…

Học sinh lớp 2 được dạy dùng các nghi thức lời nói để biểu lộ và cầu khiến. Đây là hai nhóm nghi thức ngôn ngữ cần phát triển ở trẻ 7-8 tuổi.

Tại lớp, trẻ được học kỹ năng thông qua bài tập tình huống giao tiếp gần gũi đời sống hàng ngày. Các bài tập tình huống giao tiếp thường được giả định một số nhân tố giao tiếp: Hoàn cảnh giao tiếp, nhân vật giao tiếp, mục đích giao tiếp, nội dung giao tiếp…

Ứng với mỗi nghi thức lời nói, học sinh lớp 2 luyện tập các vai giao tiếp khác nhau: Ngang hàng, ứng xử với người lớn tuổi hơn, ứng xử với em nhỏ… Trẻ rèn luyện việc sử dụng từ xưng hô, cách diễn đạt, các tình thái từ phù hợp với từng vai.

Cha mẹ luôn là những người để trẻ nhìn vào và học tập. Cách tốt nhất để giúp con học kỹ năng sống lớp 2 là cha mẹ thường xuyên đôn đốc và noi gương cho con mình. Khi đã thành nếp, những kỹ năng sẽ tạo thành phẩm chất tốt đẹp cho con.