Categories
Sự phát triển của trẻ Trẻ tiểu học (6-10 tuổi) Chăm sóc trẻ

Tật khúc xạ mắt ở trẻ em gây suy giảm thị lực

Những trẻ bị tật khúc xạ ở mắt thường không biết mình đã bị tật nên thường không đeo kính hoặc có những trẻ biết nhưng không đeo kính thường xuyên làm cho độ cận thị ngày càng tăng thậm chí có thể dẫn tới nhược thị.

Tật khúc xạ mắt ở trẻ em có 3 dạng chính: Khi ảnh rơi trước võng mạc gọi là cận thị. Khi ảnh rơi sau võng mạc gọi là viễn thị. Khi ảnh của vật trên võng mạc không còn là một điểm nữa, mà nó là một đoạn thẳng có thể nằm trước hoặc sau võng mạc gọi là loạn thị.

Các dạng tật khúc xạ mắt thường gặp

  • Cận thị

Trẻ bị cận thị nhìn xa mờ nhưng nhìn gần rõ nhờ chức năng điều tiết của mắt. Cận thị có thể là bẩm sinh hoặc do những tác nhân khách quan do quá trình phát triển (thường xuất hiện lúc trẻ 7-10 tuổi). Cách điều chỉnh mắt cận thị là đeo kính phân kỳ để giúp cho ảnh của vật hội tụ đúng vào võng mạc và khi đó vật sẽ được nhìn rõ.

  • Viễn thị

Trái ngược với cận thị là viễn thị, trẻ bị viễn thị nhìn xa rõ hơn nhìn gần. Tuy nhiên, viễn thị thường gây nhược thị và có thể gây ra lác điều tiết nên cần phải được phát hiện sớm và điều trị kịp thời. Điều chỉnh viễn thị bằng đeo kính hội tụ  để kéo ảnh của vật về đúng trên võng mạc và khi đó người bệnh nhìn rõ.

tat khuc xa mat o tre em
Cận – viễn – loạn thị là ba bệnh về mắt thường gặp ở học sinh
  •  Loạn thị

Trẻ bị loạn thị nhìn mờ cả xa và gần. Loạn thị có thể phối hợp với cận thị (loạn thị cận), viễn thị (loạn thị viễn) hay cả loạn thị cận và viễn (loạn thị hỗn hợp). Điều chỉnh mắt loạn thị bằng cách đeo kính trụ.

Triệu chứng của tật khúc xạ

Những năm gần đây thường xuất hiện cụm từ cận thị học đường là do tật khúc xạ mắt ở trẻ em thường xuất hiện vào lứa tuổi đi học, khoảng 90%.

Cách biểu hiện thường thấy ở những trẻ có tật khúc xạ nheo mắt khi xem tivi, nghiêng đầu vẹo cổ khi nhìn, nhìn không rõ khi ngồi xa, nên thích ngồi gần bảng; khi đọc sách hay viết bài thường phải cúi sát xuống bàn; hay mỏi mắt, nhức đầu, dụi mắt…

Tiến triển gây suy giảm thị lực

Thời điểm xuất hiện các tật khúc xạ mắt ở trẻ em từ 6-12 tuổi. Độ cận, viễn, loạn sẽ tăng dần  và dừng lại khi 16 đến 18 tuổi. Mỗi năm trung bình sẽ tăng từ 0,5 đến 1 độ.

Nếu gia đình chú ý quan sát, và phát hiện bệnh sớm, đeo kính đúng độ và theo dõi định kỳ thì tật khúc xạ sẽ ổn định, sau 40 tuổi sẽ giảm vì bị tình trạng 23 lão thị trung hoà bớt. Có một số trường hợp cận và loạn thị sẽ gây ra biến chứng như hiện tượng ruồi bay, chớp sáng, và nặng nề nhất là bong võng mạc, có thể dẫn đến mù loà. Những trường hợp này cần được phát hiện sớm và gửi đi khám bác sĩ mắt để có phương hướng điều trị thích hợp.

Khám mắt định kỳ

Trẻ đang ở độ tuổi phát triển, các tật khúc xạ mắt sẽ thay đổi nên việc đưa trẻ tới các chuyên khoa mắt uy tính để khám định kỳ và thay đổi số kính đeo phù hợp là điều cần thiết. Bạn cũng cần nhắc trẻ đeo kính thường xuyên để giúp cho trẻ nhìn rõ và tạo điều kiện cho sự phát triển hoàn thiện chức năng thị giác của mắt.

tat khuc xa mat o tre em 1
Khám mắt định kỳ giúp phát hiện sớm các tật khúc xạ mắt ở trẻ em

Các phòng tránh cho các trường hợp tật khúc xạ mắt ở trẻ em nhẹ là phải tuân thủ đầy đủ chế độ vệ sinh học đường như tư thế ngồi học, bàn ghế bảng đen, ánh sáng phòng học, vui chơi giải trí và dinh dưõng hợp lí để không bị mắc phải cận thị học đường hoặc nếu có bị những tật khúc xạ bẩm sinh thì cũng không bị nặng hơn gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống sau này.