Categories
Sự phát triển của trẻ Cột mốc phát triển Trẻ tiểu học (6-10 tuổi)

Mẹ đã biết độ tuổi thay răng sữa của con?

Thông thường độ tuổi thay răng sữa của trẻ sẽ diễn ra từ 6 – 12 tuổi, nhưng cũng còn tùy vào từng trường hợp cụ thể. Để mẹ có thể dự đoán và theo dõi quá trình thay răng của con, mẹ tham khảo những thông tin sau nhé!

Răng sữa được thay bằng răng vĩnh viễn là thời điểm đánh dấu một cột mốc phát triển quan trọng của trẻ. Hơn nữa, việc thay răng sữa đúng thời điểm cũng ảnh hưởng đến sức khỏe răng miệng và tính thẩm mỹ sau này. Vậy, mẹ đã biết độ tuổi thay răng sữa của con?

Độ tuổi thay răng sữa
Trình tự mọc và thay răng của mỗi trẻ đều khác nhau

1. Trẻ em thay răng sữa lúc mấy tuổi?

Quá trình thay răng trung bình của các bạn nhỏ diễn ra từ 6 -12 tuổi. Cũng có những trường hợp trẻ thay răng sớm hoặc muộn hơn bình thường một vài năm. Tuy nhiên, chiếc răng sữa cuối cùng luôn cần được rụng trong khoảng 12 đến 13 tuổi.

2. Thứ tự thay răng như thế nào?

Những chiếc răng sữa của con sẽ dần lung lay và thay chỗ cho răng trưởng thành. Thứ tự thay răng cũng tương tự như lúc mọc răng. Răng sữa nào mọc trước thì sẽ rụng trước. Nếu mẹ ghi lại thứ tự mọc răng sữa, mẹ hoàn toàn có thể dự đoán thứ tự rụng. Độ chính xác khá cao, mẹ nhé!

Nếu không nhớ thời gian mọc răng của trẻ, mẹ có thể tham khảo “thời khóa biểu” mọc răng thông thường của trẻ em như hình dưới đây.

Từng giai đoạn trẻ mọc răng

3. Răng sữa rụng muộn có sao không?

Răng sữa mọc muộn thì không vấn đề gì vì mọc càng muộn thì rụng càng sớm. Tuy nhiên việc răng sữa rụng muộn sau 13 tuổi thì lại đáng lưu ý. Răng sữa rụng muộn hoặc răng sữa bị sâu sẽ làm ảnh hướng đến quá trình mọc răng vĩnh viễn của trẻ. Đôi khi dẫn đến trường hợp răng vĩnh viễn mọc lệch, mọc sai hướng. Không chỉ ảnh hưởng về mặt thẩm mỹ, răng mọc lệch còn gây khó khăn trong việc ăn uống.

Nếu răng sữa đã đến lúc “chia tay” mà vẫn không có dấu hiệu lung lay, mẹ nên cho con tới gặp nha sĩ. Thông thường, chỉ cần quan sát nướu thôi, bác sĩ đã có thể xác định được tình hình và đưa ra lời khuyên hợp lý.

4. Xử lý sao khi răng vĩnh viễn mọc trễ?

Nếu răng sữa đã rụng lâu mà vẫn không thấy răng vĩnh viễn mọc lên, mẹ nên đưa con tới nha sĩ. Bác sĩ có thể nhìn nướu hoặc chụp X quang để xác định có hay không sự hiện diện của răng mầm, từ đó đưa ra những lời khuyên kịp thời và thích hợp.

[inline_article id=99003]

5. Răng sữa thay bao nhiêu cái? Răng sữa có thay hết không?

Tất cả răng sữa đều phải thay thể hết để trở thành răng vĩnh viễn. Từ răng cửa đến răng hàm, tất cả đều phải thay thành răng vĩnh viễn. Điểm khác nhau giữa chúng chỉ là thời gian diễn ra dài hay ngắn.

6. Có nên nhổ răng sữa tại nhà không?

Răng vĩnh viễn mọc lên sẽ làm cho răng sữa bị tiêu chân và lung lay. Trong trường hợp này, mẹ có thể tự theo dõi và nhổ cho bé. Tuy nhiên mẹ nên chờ đến lúc răng sữa lung lay thật nhiều rồi hãy “hành động”. Lưu ý, khi nhổ hãy dùng miếng gạc sạch lay sữa một cách nhẹ nhàng và lấy ra.

Mẹ tuyệt đối không nên dùng chỉ để nhổ hoặc dùng tay trực tiếp để nhổ. Cách này sẽ dễ làm chảy máu nướu răng và dễ tạo nên vết thương hở. Hơn nữa dùng tay hoặc chỉ là hoàn toàn không đảm bảo vệ sinh. Đưa tay vào miệng sẽ có khả năng gây nhiễm trùng và nhiễm khuẩn. Ngoài ra, nếu bé có mắc bệnh máu khó đông thì không nên nhổ tại nhà để tránh tai biến nguy hiểm.

Một số lưu ý mẹ cần biết khi bé trong độ tuổi thay răng sữa

  • Luôn theo dõi sát quá trình thay răng sữa của bé.
  • Hạn chế cho trẻ ăn bánh kẹo, đồ ăn ngọt, cứng trong giai đoạn thay răng
  • Trẻ mọc răng sẽ có cảm giác đau nhức khó chịu. Lúc này, mẹ nên cho bé ăn các món mềm, dễ tiêu như cháo, súp.
  • Dạy trẻ cách chăm sóc, vệ sinh những chiếc răng mới mọc
  • Những trường hợp răng sữa không tự rụng nhưng răng vĩnh viễn đã mọc, mẹ nên đưa bé đến nha sĩ để nhổ răng chủ động.

Trên đây là một vài câu hỏi thường gặp khi trẻ em vào độ tuổi thay răng sữa. Bên cạnh việc trang bị cho mình những kiến thức hữu ích về việc thay răng của bé, mẹ cũng nên chú ý đến chế độ dinh dưỡng cũng như cách chăm sóc, vệ sinh răng miệng trong giai đoạn bé thay răng.