Từ bậc học mầm non chuyển sang tiểu học, trẻ không chỉ tiếp cận môi trường học tập mới mẻ mà cũng đổi môi trường sống: hòa nhập cộng đồng lớn hơn, với nhiều hoạt động hơn. Nhận thức của trẻ tiểu học hình thành dựa vào sự quan sát thế giới xung quanh
Trẻ tiểu học hội nhập cộng đồng xã hội căn bản
Ở bậc mầm non, hoạt động chủ đạo của trẻ là vui chơi. Sang đến cấp 1, hoạt động của trẻ tiểu học đã có sự thay đổi về chất, chuyển từ hoạt động vui chơi sang hoạt động học tập.
Môi trường học đường không chỉ có hoạt động học tập, trẻ tiểu học tiếp cận với nhiều hoạt động khác
- Hoạt động vui chơi: Trẻ thay đổi đối tượng vui chơi từ chơi với đồ vật sang các trò chơi vận động. Từ việc chơi một mình, trẻ dần chơi với bạn bè theo tinh thần hợp tác.
- Hoạt động lao động: Trẻ tham gia lao động tập thể ở trường lớp như trực nhật, trồng cây, trồng hoa, làm vệ sinh môi trường…
- Hoạt động xã hội: Các em đã bắt đầu tham gia vào các phong trào của trường, của lớp và của cộng đồng dân cư, như tham gia đoàn đội, nhóm hướng đạo sinh…
Khác biệt với bé mầm non, con trẻ tuổi tiểu học không còn thụ động chờ sự chăm sóc của cha mẹ, thầy cô. Trẻ chập chững từng bước trở thành thành viên nhỏ của gia đình và xã hội
Vai trò của trẻ:
- Trong gia đình, trẻ tiểu học là một thành viên tích cực, có thể tham gia các công việc trong gia đình như phụ giúp việc nhà, chăm em, lên kế hoạch du lịch, chuẩn bị các ngày Lễ Tết…
- Ngoài xã hội, trẻ tham gia vào các hoạt động xã hội mang tính tập thể như tham gia hoạt động khu phố, thành viên của một tổ chức tôn giáo, đội kịch hoặc nhóm năng khiếu
- Trong lớp học, trẻ tiểu học thay đổi về phương thức học tập, trẻ có ý thức học tập nghiêm túc hơn, tập trung chú ý ngày càng gia tăng, dần mở rộng quan hệ với bạn bè, thầy cô.
Sự phát triển quá trình nhận thức của trẻ tiểu học
Nhận thức cảm tính
Các cơ quan cảm giác của trẻ tiểu học đang trong quá trình hoàn thiện: Thị giác, thính giác, vị giác, xúc giác… Về mặt tri giác, trẻ tiểu học dựa trên sự trải nghiệm, gắn với trực quan sinh động, không mang tính ổn định và ít quan tâm tới chi tiết.
Muốn trẻ tập trung học, giáo viên phải thu hút trẻ bằng các hoạt động mới, mang màu sắc, tích chất đặc biệt khác lạ so với bình thường, khi đó sẽ kích thích trẻ cảm nhận, tri giác tích cực và chính xác.
Đến cuối cấp tiểu học, tri giác của trẻ bắt đầu mang tính xúc cảm, có phương hướng và mục đích rõ ràng. Nhờ dó, trẻ biết lập kế hoạch hoc tập, biết sắp xếp công việc nhà, biết làm các bài tập theo mức độ khác nhau..
Các cơ quan nhận thức lý tính và cảm tính của trẻ tiểu học đều đang phát triển. Giai đoạn đầu, muốn làm toán, trẻ phải vận dụng thanh tre, ngón tay để đếm. Dần dà, tư duy cụ thể trở thành tư duy trừu tượng, bé có thể tính nhẩm mà không cần đếm.
Nhận thức lý tính
- Về mặt tư duy: Trẻ chuyển dần từ tư duy cụ thể sang trừu tượng khái quát. Tới lớp 4, lớp 5, trẻ biết khái quát hóa khái niệm, lý luận. Nhưng trẻ tiểu học chưa biết phân tích, tổng hợp kiến thức.
- Trí tưởng tượng: Trí tưởng tượng của trẻ tiểu học phong phú và dồi dào nhờ vào sự trải nghiệm, và thông qua ngôn ngữ tiếp cận được nhiều nguồn chuyện kể hơn.
Trong giai đoạn đầu, trí tưởng tượng trẻ đơn giản và dễ thay đổi. Cuối cấp tiểu học, trí tưởng tượng của trẻ phát triển tương đối hơn, đủ làm cơ sở cho trẻ vẽ, làm văn miêu tả mà không cần trực tiếp nhìn thấy đối tượng.
Muốn trẻ tiểu học phát huy khả năng tư duy, cha mẹ và giáo viên phải linh hoạt lồng ghép bài học của trẻ thành những hình ảnh đầy màu sắc, có cảm xúc, đặt những câu hỏi mang tính gợi mở.
Nhận thức của trẻ tiểu học dần dà phát triển đa dạng hơn dựa vào sự quan sát, thực nghiệm. Ở độ tuổi này, trí tưởng tượng là vốn quý mà cha mẹ cần nuôi dưỡng để nhận thức của con phong phú hơn, hình thành óc sáng tạo cho trẻ sau này.