Categories
Sự phát triển của trẻ Dinh dưỡng cho trẻ tiểu học Trẻ tiểu học (6-10 tuổi)

Những món ăn vặt cổng trường: Ngon nhưng độc hại

Khi cuộc sống ngày càng đầy đủ, chuyện cho trẻ tiền ăn vặt sau mỗi giờ tan học gần như đang rất phổ biến. Cũng vì vậy, những gánh hàng rong ngày càng nhiều, các món ăn cũng đa dạng giá cả. Nhiều phụ huynh dù biết ăn vặt không có lợi cho trẻ nhưng đôi khi chiều ý thích mà “nhắm mắt làm ngơ”.

Chỉ cần hỏi một số học sinh, trong vòng 1 phút trẻ có thể cho bạn hàng loạt các món ăn vặt được bày bán trước cổng trường tiểu học: Xúc xích nướng, bánh tráng trộn, trà sữa trân châu, bắp rang bơ… với giá chỉ trên dưới 10.000 đồng. Những món ngon đường phố tuy ngon, ăn là nghiền nhưng tác hại đến sức khỏe cũng không nhỏ. Dưới đây là một số món trẻ cần tránh:

Đồ ăn cổng trường độc hại: Xúc xích

Không biết từ bao giờ đây đã là món ăn đường phố được nhiều trẻ Việt yêu thích. Từ nhà ra phố, từ quán ăn tới gánh rong ven đường đều bày bán xúc xích. Giống nhau về hình dáng và cách chế biến nhưng khác hoàn toàn về giá cả. Một cây xúc xích ở cổng trường chỉ có giá vài ngàn được chế biến từ nguyên liệu như thế nào ngay cả người bán đôi khi cũng không biết.

Xúc xích lề đường, rẻ, tiện nhưng không lợi
Xúc xích lề đường, rẻ, tiện nhưng không lợi

Xúc xích giàu năng lượng nhưng lại rất ít dinh dưỡng, không có lợi cho sức khỏe trong quá trình phát triển của trẻ. Vì trong xúc xích có hóa chất, chất phụ gia, chất bảo quản rất nhiều, buộc gan phải hoạt động rất nhiều lần để giải độc cho cơ thể. Chưa kể đến xúc xích được bán rong có nguồn gốc xuất xứ không rõ ràng, được chế biến từ thịt ôi thiu dễ gây ngộ độc thực phẩm.

Bánh Snack (bim bim)

Bất kỳ ở đâu, trong trường, trên xe máy hay ở nơi vui chơi công cộng món ăn vặt này cũng được tất cả trẻ em yêu thích. Tuy nhiên, các nhà khoa học đã tính toán rằng: Nếu mỗi ngày ăn một gói bim bim thì trung bình một năm, cơ thể trẻ sẽ tồn tại thêm 5 lít dầu. Các chất béo chuyển hóa, muối, chất phụ gia… có trong snack dễ khiến thận bị quá tải, tim làm việc quá sức, trẻ dễ bị sâu răng, béo phì, lười ăn…

Ăn vặt cổng trường: Thịt bò cay siêu rẻ

Có những loại thịt bò cay cay, ngọt ngọt được bán với giá: 3 000 – 5.000 đồng. Làm một phép so sánh giản đơn nhất giá thịt bò Việt bán ở chợ tính từng lạng cũng trên 20.000 đồng thì chắc chắn nguyên liệu trong các gói bò kia không thể là bò.

Và Cục Quản lý nông, lâm, thuỷ sản (Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn) đã đưa ra bản kết luận về các loại sản phẩm bò thơm cay này: Theo kết quả kiểm nghiệm, sản phẩm sườn bò này không có thịt nói chung và thịt bò nói riêng. Thành phần chính được ghi trên nhãn gồm bột mỳ, nước, dầu thực vật, đường, muối, ớt, bột gia vị, mỳ chính và phụ gia hương liệu.

Xí muội, ô mai không rõ nguồn gốc xuất xứ

Nếu các học sinh nam mê xúc xích thì nhiều bạn gái mê ô mai, xí muội được đóng gói nhỏ hoặc bán riêng lẻ mà không ghi rõ nguồn gốc, xuất xứ. Khi kiểm nghiệm, các cơ quan chức năng liên quan cũng đã đưa công bố những loại sản phẩm có chứa chất cấm cyclamate và đường saccharin với hàm lượng vượt hơn 31 lần so với tiêu chuẩn của Việt Nam. Chất cyclamate được biết đến có thể gây ung thư gan, thận, phổi và tiểu đường.

Trà sữa trân châu

Trong danh sách các món ăn đường phố trước cổng trường cũng không thể không kể tên trà sữa trân châu. Thức uống này từ khi du nhập vào Việt Nam, đã tạo nên “cơn sốt” ở mọi tầng lớp không riêng gì trẻ tiểu học.

ăn vặt
Trà sữa là món ăn vặt yêu thích và phổ biến ở học đường song lại tiềm ẩn nhiều nguy cơ có hại cho sức khỏe của trẻ

Tuy nhiên, ly trà sữa 10.000 – 12.000 đồng lại không chứa sữa cũng không có trà. Thành phần của nó đa phần là kem béo pha lẫn với bột “trà” cùng với các chất phụ gia khác như hương liệu tinh dầu thơm, bột pha màu.

Không những không có chất dinh dưỡng mà món ăn vặt này chứa một lượng đường, chất béo bão hòa và acid béo chuyển hóa lớn, những thành phần này đều rất không tốt cho sức khỏe.

Đừng vì sự yêu thích hay đòi hòi của trẻ mà cho trẻ thưởng thức các món ăn vặt không rõ nguồn gốc ở trước cổng trường. Tác hại có thể không thấy ngay nhưng khi phát tác ngay cả bác sĩ cũng có thể “từ chối”.