♦4 tư thế tốt cho bà bầu
Bụng bầu lớn dần cũng là lúc mẹ rất hay mệt mỏi và đau lưng. Tuy nhiên, các tư thế tốt cho bà bầu sẽ giúp bạn nhanh chóng cải thiện tình hình.
1. Tư thế đứng
Đứng không đúng cách, đặc biệt là trong thời gian dài, không những khiến chị em dễ mỏi mà còn rất có hại cho quá trình chuyển dạ và sinh nở, khiến bà bầu dễ rách tầng sinh môn. Để tránh điều này, mẹ bầu cần đứng thẳng lưng, hai chân mở ngang bằng vai sao cho trọng tâm rơi vào lòng bàn chân. Mẹ cũng có thể tranh thủ tập thể dục cho bàn chân trong lúc đứng bằng cách co duỗi các đầu ngón chân hoặc nâng lên hạ xuống đầu gối một cách chậm rãi và nhẹ nhàng.
2. Tư thế tốt cho bà bầu khi ngồi
Chắc hẳn rất nhiều chị em đã quen ngồi bắt chéo chân từ thời con gái vì nó khá duyên dáng. Tuy nhiên bà bầu nên từ bỏ cách ngồi này trong những tháng bầu bí nhé vì nó sẽ cản trở lưu thông máu, gây giãn tĩnh mạch và làm cho tình trạng phù chân thường gặp ở bà bầu thêm nghiêm trọng.
Mẹ cũng không nên ngồi nửa mông trên ghế hoặc giường vì ngoài nguy cơ bị trượt ngã, tư thế này còn gây áp lực lên cột sống dẫn đến mẹ rất dễ bị đau lưng. Đây không phải là tư thế tốt cho bà bầu.
Khi ngồi, để giảm những cơn đau lưng, bạn nên tựa thẳng lưng vào ghế và có thể kê thêm gối phía sau nếu cần. Chân nên đặt sao cho trọng lực chia đều cho hai chân, gối tạo thành góc vuông và đùi song song với mặt đất. Sau mỗi tiếng ngồi yên một chỗ, mẹ cần đứng lên đi qua đi lại để kích thích lưu thông máu nhằm hạn chế bị trĩ. Còn nếu ngồi trên xe đi đường xa, mẹ nên thường xuyên xoa bóp chân để tránh bị chuột rút.
3. Tư thế đi lại
Bạn có thấy những nhân vật bà bầu trên phim khi đi lại hay cong lưng, ưỡn bụng, tay chống sau hông hay không? Đây chỉ là một cách để thể hiện sự nặng nề, mệt nhọc của phụ nữ mang thai nhưng tư thế này hoàn toàn không tốt chút nào đâu nhé vì dễ mệt và lại che khuất tầm nhìn nếu bụng bầu của bạn đã khá to.
Thay vào đó, bạn cần đi thẳng lưng, ngẩng cao đầu, khép chặt mông sao cho lòng bàn chân tiếp bằng phẳng với mặt đất. Lưu ý mẹ nên mang giày vừa chân, đế bằng và thấp, có độ ma sát cao để chống trượt.
4. Tư thế lên xuống cầu thang
Cho dù đứng, ngồi, đi lại hay lên xuống cầu thang, mẹ luôn phải giữ lưng thẳng vì đây là nguyên tắc cơ bản để trọng lượng cơ thể được phân bố đều, hạn chế đau lưng và những tác động tiêu cực khác lên cơ thể bạn.
Khi lên xuống cầu thang, muốn có tư thế tốt cho bà bầu, bạn cần đặt bàn chân vững chắc rồi mới di chuyển, đồng thời vịn vào tay vịn để giảm nguy cơ bị ngã. Lưu ý các mẹ không nên nói chuyện hoặc cười đùa khi đang xuống cầu thang vì dễ khiến bạn mất tập trung và bước hụt chân.
♦8 việc nhà mẹ bầu nên “nhường” cho chồng
Trong số những công việc nhà hàng ngày, mẹ bầu cần kiêng gì để không ảnh hưởng đến thai nhi? MarryBaby giúp mẹ liệt kê sẵn một danh sách nhé!
1. Đi chợ
Việc đi lại trong chợ, siêu thị sẽ không ảnh hưởng đến sức khỏe bà bầu. Nhưng việc bê vác hàng hóa lại có thể. Theo khuyến cáo của các chuyên gia, mang vác quá nặng, hơn 11kg 10 lần/ ngày có thể làm tăng cơn đau vùng chậu. Hơn nữa, khi bê vác đồ nặng, nguy cơ mất thăng bằng, té ngã cũng sẽ cao hơn. Vì vậy, mỗi lần đi mua sắm, mẹ bầu cần xử lý ra sao? Tốt nhất, bạn nên nhờ bố cùng đi hoặc tạm thời bàn giao công việc “cân não” này cho bố luôn mẹ ơi.
2. Kê bàn, ghế, đồ đạc
Muốn tự tay dọn dẹp chuẩn bị phòng ốc đẹp xinh cho bé yêu? Rất đơn giản, mẹ có thể lên ý tưởng và bố sẽ đảm đương việc thực hiện. Kê lại bàn ghế, đồ đạc sẽ làm mẹ bầu mất nhiều sức, mệt mỏi. Chưa kể, áp lực của bàn ghế đè nặng lên bụng bầu có thể gây tác động tiêu cực đến bé cưng. Mẹ nhớ cẩn thận nhé!
3. Giặt giũ
Nếu chỉ cần bỏ quần áo vào máy, ấn nút, mẹ bầu hoàn toàn có thể đảm đương việc giặt giũ. Tuy nhiên, nếu giặt quần áo đồng nghĩa với việc ngồi xổm để giặt tay từng cổ áo sơ mi hay khệ nệ bê sọt quần áo, bầu nên “nhường” lại cho anh xã ngay nhé! Chắc hẳn bố cũng sẽ không ngại ngần giúp mẹ một tay đâu.
4. Đổ rác
Thực tế, việc đổ rác sẽ không gây ảnh hưởng gì cho sức khỏe mẹ và bé nếu mẹ bầu không phải cúi người xuống để cầm bịch rác. Tư thế cúi người này rất dễ làm bạn mất thăng bằng, lao người về phía trước, nhất là khi bịch rác khá nặng nề. Hơn nữa, việc tiếp xúc với chất bẩn có thể làm mẹ cảm thấy khó chịu, buồn nôn.
[inline_article id=93277]
5. Lau màn cửa và quạt trần
Lau màn cửa, quạt trần hay những công việc nhà đòi hỏi phải leo trèo, đứng trên ghế đều không còn phù hợp với mẹ bầu. Khi mang thai, khả năng giữ thăng bằng của bạn sẽ kém đi nên các chuyện té ngã là rất dễ xảy ra. Hạn chế tối đa việc đứng trên bàn, ghế, thậm chí cả bậc tam cấp, mẹ nhé!
6. Tiếp xúc với hóa chất độc hại
Sử dụng hóa chất tẩy rửa, tiếp xúc với môi trường ô nhiễm, khói bụi, là những điều mẹ bầu nên tuyệt đối tránh trong thai kỳ. Không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe của bản thân mà tình hình phát triển của thai nhi trong bụng cũng bị tác động tiêu cực không kém. Một số sản phẩm cần tránh xa: Thuốc xịt côn trùng, phân bón, sơn tường, mỹ phẩm chứa hóa chất độc hại,…
7. Chăm sóc thú cưng
Nếu nhà nuôi vật cưng, nhất là mèo, bạn nên nhường phần dọn dẹp “sản phẩm” của chúng cho anh xã nhé! Trong phân mèo chứa ký sinh trùng tên toxoplasmosis, thâm nhập vào cơ thể thông qua sự tiếp xúc thông thường và có thể gây dị tật bẩm sinh cho thai nhi.
8. Rửa chén
Với những công việc yêu cầu duy trì một tư thế nào đó quá lâu, tốt nhất mẹ bầu nên nói không. Việc đứng quá lâu gây cản trở lưu thông máu, gây sưng và khó chịu mắt cá nhân, bàn chân, thậm chí chân bị phù nề… Hơn nữa, nước rửa chén cũng chứa hóa chất sẽ làm da tay mẹ bị khô.
Lê Phương