Không thể phủ nhận rằng trà sữa đang dần trở thành món đồ uống “quốc dân” khi cả người lớn lẫn trẻ em đều mê mẩn nhâm nhi mỗi ngày. Nhưng dám chắc rằng bạn sẽ suy nghĩ và cân nhắc lại về chuyện uống trà sữa sau khi đọc qua bài viết này đấy!
Thật khó lòng để cưỡng lại hương vị ngọt mát, đi kèm các topping hấp dẫn đầy màu sắc của trà sữa phải không? Đấy cũng là lý do vì sao mà trà sữa luôn là cái tên “gây bão” trong làng đồ uống hiện nay.
Thế nhưng đằng sau sự béo ngậy, thơm ngon của những ly trà sữa lại là những tác hại mà chỉ nghe tên đã thấy “rùng mình”. Vậy liệu uống trà sữa thường xuyên bạn sẽ phải đối mặt với những hệ lụy nào? Hãy cùng Marry Baby điểm mặt qua từng nguy cơ được liệt kê trong bài viết này.
Những thành phần “đáng sợ” có trong một ly trà sữa
Có thể nói, những nguyên liệu này chính là căn nguyên gây ra các vấn đề sức khỏe. Một ly trà sữa thường có những thành phần chính như sau:
1. Trà
Chỉ nghe tên thôi cũng đủ biết trà là một trong những thành phần chính của món đồ uống này rồi. Thông thường, người ta sẽ sử dụng các loại trà như ô long, trà đen, trà xanh.
Những loại trà trên đều không gây hại, trái lại còn tốt cho sức khỏe. Nhưng điều đáng nói là vì lợi nhuận mà nhiều nơi đã sử dụng nguyên liệu không rõ nguồn gốc hoặc thậm chí bỏ thêm hương liệu để tăng phần hấp dẫn. Thế nên, chúng có thể chứa những loại hóa chất độc hại cho cơ thể như penzylacetat hay P-dimethoxy penzin…
2. Sữa
Ở những thương hiệu trà sữa nổi tiếng, người ta thường dùng sữa tươi hoặc sữa đặc. Tuy thế, cũng có không ít nơi sử dụng kem béo thay cho sữa.
So với sữa thì kem béo nghèo các vitamin và khoáng chất hơn rất nhiều. Hơn thế nữa, nó còn chứa rất nhiều dầu thực vật được hydro hóa là tác nhân gây tắc mạch máu, tăng hấp thu cholesterol xấu.
3. Trân châu
Uống trà sữa thì làm sao có thể thiếu đi thứ topping làm nên thương hiệu trà sữa trân châu này được.
Hạt trân châu đầy màu sắc ấy tuy bé nhưng lại có rất nhiều năng lượng đấy! Bởi lẽ thành phần chính làm nên nó 80% là tinh bột lọc hoặc tinh bột sắn. Do vậy mà một hạt trân châu có thể chứa tới 5 – 14 kcal mỗi viên. Theo thống kê, lượng trân châu trong mỗi ly trà sữa đã cung cấp cho bạn ít nhất 100 kcal, một con số thật đáng quan tâm!
Lại bàn về yếu tố dinh dưỡng, trân châu hoàn toàn thiếu hụt vitamin và khoáng chất. Tóm lại, nó gần như không có chút giá trị dinh dưỡng nào.
4. Đường
Uống một ly trà sữa đồng nghĩa với việc bạn nạp thêm 50g đường vào cơ thể. Trong khi đó, hiệp Hội tim mạch Hoa Kỳ đã khuyến cáo lượng đường tiêu thụ tối đa không quá:
- 37,5g/ngày đối với nam giới
- 25g/ngày đối với nữ giới
5. Các thành phần khác
Chỉ trân châu không thôi thì cũng chưa đủ níu kéo con tim của những thực khách “nghiện” trà sữa. Chính vì vậy, người ta đã thêm một số topping hấp dẫn khác như: thạch, pudding, kem tươi, bánh flan…
Tùy theo từng loại kể trên mà lượng calo có thể thay đổi ít nhiều khác nhau. Nhưng nhìn chung những topping này cũng không mấy giàu dinh dưỡng.
Tóm lại, một ly trà sữa sẽ cung cấp năng lượng lên đến 335 kcal, một con số vượt mức cần thiết so với nhu cầu bình thường của một người trưởng thành bên cạnh những bữa ăn hàng ngày.
6 tác hại từ việc uống trà sữa có thể bạn chưa biết
Việc uống trà sữa quá thường xuyên sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe của bạn.
1. Lo lắng
Trong khi một số loại trà thảo mộc như trà hoa cúc có tác dụng thư giãn thì việc uống trà sữa lại có thể làm cho bạn trở nên lo âu. Điều này là do tác dụng của trà sữa có thể kích hoạt các tế bào não nhằm giúp người dùng thấy tỉnh táo hơn. Nếu uống nhiều quá sẽ gây ra sự mất cân bằng các hóa chất trong não khiến bạn rơi vào trạng thái lo lắng quá mức.
Với người lớn, nếu dùng hơn 150ml/ngày sẽ có nguy cơ rơi vào trạng thái lo lắng.
2. Nổi mụn
Uống trà sữa nhiều cũng là nguyên nhân khiến da mặt xuất hiện những nốt mụn xấu xí. Bình thường, việc uống trà sẽ giúp làm giải độc cơ thể. Tuy nhiên, nếu uống quá nhiều sẽ khiến cơ thể sinh nhiệt và dẫn đến mất cân bằng trong cơ thể từ đó sinh ra mụn.
Các khu vực da có thể bị nổi mụn nhiều nhất thường thấy là vùng da mặt, cổ và ngực.
3. Táo bón
Ngoài caffeine thì một hợp chất khác được tìm thấy nhiều trong trà là theophyllin. Chất này rất có lợi kích thích hệ bài tiết làm việc tốt. Ngoài ra, nó còn có tác dụng loại bỏ độc tố ra khỏi cơ thể, làm thư giãn cơ bắp và tinh thần, cải thiện tình trạng lưu thông máu.
Thế nhưng, khi bạn tiêu thụ quá nhiều trà, lượng theophyllin dư thừa sẽ gây chứng táo bón vô cùng khó chịu. Lý do là nó khiến cơ thể bị mất nước nhiều hơn, dẫn đến gây khó khăn khi đại tiện.
4. Mất cân bằng huyết áp
Đây được xem là mặt hạn chế đáng sợ nhất của việc tiêu thụ quá nhiều trà sữa. Nếu sử dụng với một lượng nhỏ, trà sẽ giúp cải thiện lưu thông máu huyết, duy trì sức khỏe của tim mạch và não bộ; đồng thời đảm bảo hoạt động bình thường của hệ thần kinh và miễn dịch.
Tuy nhiên, khi lượng dùng vượt mức cần thiết, nó gây sự tăng nhịp tim và dẫn đến cao huyết áp. Đôi khi cũng có tình trạng giảm nhịp tim do theophyllin gây ra làm hạ huyết áp.
5. Mất ngủ
Cũng như trong cà phê hay trà (đặc biệt là trà đen), trà sữa cũng cực kỳ giàu caffeine. Cả người lớn và trẻ em khi uống nhiều trà sữa sẽ gặp hiện tượng quá tải caffeine. Điều này dẫn đến tình trạng trằn trọc, khó ngủ về đêm.
Mặc dù nếu tiêu thụ với số lượng nhỏ có thể sẽ không thể xảy ra vấn đề trên, nhưng nếu uống từ hai ly trà sữa mỗi ngày bạn có thể gặp khó khăn khi chìm vào giấc ngủ đấy!
6. Nguy cơ gây sảy thai
Khi mang thai, nếu tiêu thụ trà sữa, bạn phải thật thận trọng. Bởi tác dụng gây thư giãn cơ của trà có thể dẫn đến nguy cơ gây sảy thai rất nguy hiểm. Đó là lý do vì sao phụ nữ mang thai được yêu cầu theo dõi lượng trà tiêu thụ thường xuyên.
Một ly trà sữa có thể sẽ không tác động nhiều đến sức khỏe, nhưng cần hiểu rằng đây không phải là thứ thức uống bạn nên dùng hằng ngày và nhất là không nên cho trẻ uống trà sữa thường xuyên bạn nhé!
Marry Baby