Categories
Sự phát triển của trẻ Trẻ tập đi và Mẫu giáo Cột mốc phát triển của trẻ tập đi và mẫu giáo

Bé 21 tháng tuổi: Sự phát triển thể chất và tâm lý

Bé 21 tháng tuổi biết làm gì? Bé có thể xúc ăn bằng thìa gọn gàng và muốn tự mình làm mọi thứ. Bé cũng có thể leo lên các bậc thang nhưng phải có người đỡ xuống. Bé vẫn duy trì sở thích ném, đá bóng hay nhảy lên nhảy xuống. Đây là những kỹ năng mà hầu như trẻ đều làm tốt ở tuổi lên 2 hoặc sắp lên 2. Đặc biệt, bé không còn quá lo lắng khi xa mẹ vì con hiểu mẹ chỉ đi một chút rồi quay lại.

Đó là “phác họa” sơ sơ chân dung của bé 21 tháng tuổi. Một em bé hiếu động, thích tư lập và muốn “cả thế giới” đừng “can thiệp” vào chuyện của mình.

Nhưng chắc chắn mẹ sẽ rất muốn biết thêm các cột mốc phát triển khác của trẻ 21 tháng tuổi phải không?

Sự phát triển của bé 21 tháng tuổi

1. Các chỉ số chiều cao, cân nặng của bé 21 tháng tuổi

Bé 21 tháng tuổi nặng bao nhiêu và cao thế nào? Trung bình bé trai nặng 11,6kg và cao 85cm, bé gái nặng 11,3kg và cao 83,6cm.

Nếu cân nặng và chiều cao ở bé thấp hơn rất nhiều các chỉ số trên, mẹ nên cho con đi khám để tìm ra nguyên nhân cũng như để biết liệu con có gặp bất thường nào về sức khỏe không.

2. Các mốc phát triển của bé 21 tháng tuổi

Bé 21 tháng tuổi là những đứa trẻ đầy can đảm, yêu thích sự thử thách và không để ý đến giới hạn. Do đó, con sẽ thường xuyên làm mẹ bất ngờ vì sự tiến bộ từng ngày ở cả kỹ năng vận động và nhận thức.

Sự phát triển về mặt thể chất của bé 21 tháng tuổi:

Trẻ 21 tháng tuổi biết làm gì khi bé ngày càng hoàn thiện về thể chất?

  • Tự tin bước đi và chạy: Đi và chạy với con là “chuyện nhỏ”. Con có thể leo cầu thang hoặc leo trèo ở những vị trí vừa tầm.  
  • Di chuyển đồ vật: Con sẵn sàng dùng sức di chuyển các đồ vật cản trở “công việc” khám phá của con. 
  • Giữ thăng bằng: Trẻ 21 tháng tuổi đã có khả năng giữ thăng bằng. Bằng chứng là khi cúi xuống rồi đứng lên, con vẫn có thể đứng vững.
  • Một số cử động phức tạp khác: Bé có thể đi giật lùi, ném bóng, đá bóng và thực hiện nhiều hành động phức tạp khác.

Bé 21 tháng tuổi và sự phát triển về mặt xã hội và tình cảm:

Trẻ 21 tháng biết làm gì với sự phát triển về xã hội và tình cảm?

  • Bé 21 tháng tuổi đã sẵn sàng cho các hoạt động mở rộng vòng tròn kết nối. Con có thể vui vẻ giao tiếp với người bên cạnh trong lúc mẹ tạm vắng mặt. Con cũng bắt đầu chú ý đến người khác và biết chia sẻ đồ chơi, chơi chung với bạn.
  • Bé bắt đầu xưng “con” hoặc bằng tên. 
  • Bé dễ dàng nhận ra những khuôn mặt thân quen, thậm chí có thể gọi tên người thân, quen khi xem album hình gia đình.
  • Trí tưởng tượng phong phú là nguyên nhân khiến bé nảy sinh một số nỗi sợ hãi nhất định như sợ nước, côn trùng, sợ bóng tối.
  • Trẻ mới biết đi thường dễ bùng nổ sự giận dữ, nhất là trong các tình huống muốn bảo vệ cái “tôi” của mình. Tuy ở giai đoạn này; kỹ năng ngôn ngữ của trẻ phát triển nhảy vọt so với trước nhưng bé vẫn chưa thể bày tỏ được những gì bản thân muốn. Điều này đôi khi khiến trẻ khóc lóc hay giận dữ bất thường.
  • Thể hiện dấu hiệu nghe lời hoặc không khá rõ ràng: Trẻ đã phần nào có dấu hiệu cho biết bé biết nghe lời hoặc không. Đây là bước quan trọng để cha mẹ dạy trẻ về hành vi tích cực. Khi bé cư xử tích cực, hãy khen ngợi để bé biết rằng điều này nên được phát huy và ngược lại.

Sự phát triển về mặt xã hội và tình cảm ở trẻ 21 tháng tuổi

Bé 21 tháng tuổi và sự phát triển về mặt nhận thức và ngôn ngữ

Trẻ 21 tháng tuổi biết làm gì?

  • Bé có thể gọi tên các bộ phận trên cơ thể và nói những câu ngắn. Tuy nhiên, nếu bé 21 tháng tuổi chưa biết nói bất cứ từ gì hoặc dưới 10 từ thì mẹ có thể tham khảo ý kiến bác sĩ trong trường hợp này nhé.
  • Bé thích vẽ nguệch ngoạc trên giấy hoặc trên tường bằng bút màu.
  • Giờ đây, con có thể kiên nhẫn lật từng trang sách để xem hoặc chơi trò chơi ghép hình.
  • Bé bắt đầu để ý đến những thứ nhỏ bé xung quanh, nhất là kiến hay các loại côn trùng khác. Và một số bà mẹ sẽ hoảng sợ khi thấy con bốc chúng cho vào miệng. Một phần lý do của hành động này là giờ đây bé đã biết phối hợp giữa việc cúi xuống và nhặt các đồ vật nhỏ. Ngoài ra, các giác quan của bé đang dần hoàn thiện khiến bé tò mò về mọi thứ xung quanh như màu sắc, mùi vị, âm thanh…

Hướng dẫn chăm sóc cho bé 21 tháng tuổi

1. Dinh dưỡng cho bé 21 tháng tuổi: bé lười ăn phải làm sao?

Nhiều bé ở tuổi này ăn uống mau lẹ, ngon miệng nhưng số khác tỏ ra biếng ăn, kén ăn dù mẹ chế biến thực đơn cho bé 21 tháng tuổi khá công phu. Nguyên nhân có thể do con chỉ thích một vài món nhất định hoặc thường xuyên ăn bánh kẹo nên có cảm giác no giả. 

Nếu em bé của mẹ lười ăn, mẹ có thể thử những cách sau xem sao nhé:

  • Hạn chế cho bé ăn bánh kẹo, đồ ngọt, nhất là trước cữ ăn.
  • Cho con ăn vào những khung giờ cố định.
  • Đa dạng thực đơn cho bé, thử nghiệm món ăn với các loại nước sốt vì trẻ nhỏ thường rất thích các món có sốt.
  • Để bé ăn cùng gia đình trong bữa cơm để bé hào hứng hơn.
  • Đừng ép con vào khuôn khổ, hãy để bé ăn theo cách bé muốn dù thức ăn có thể vương vãi khắp bàn hay dính trên quần áo.

Nhìn chung, mẹ đừng căng thẳng và quá nghiêm trọng về thói quen ăn uống của trẻ vì đây là tình trạng phổ biến với hầu hết các bé 21 tháng tuổi.

[inline_article id=165437]

2. Hoạt động cho trẻ 21 tháng tuổi

– Ở tuổi này, bé đã biết cởi quần áo. Mẹ hãy dạy thêm con cách tự mặc quần áo. 

– Mẹ đừng quên duy trì thói quen đọc sách cho bé nghe. Đồng thời, hãy chơi trò đố vui bằng cách yêu cầu trẻ tìm những đồ vật, con vật trong tranh. Mẹ cũng có thể mua bộ đồ chơi dạy các con vật cho bé thông minh để kích thích trí nhớ và tăng sự hiểu biết cho bé.

– Các bài hát vui nhộn với tiết tấu ngộ nghĩnh có thể giúp kích thích phát triển tư duy và khả năng ngôn ngữ của bé 21 tháng tuổi. Mặt khác, mẹ có thể dạy con minh họa theo bài hát.

– Dạy con các từ ngữ liên quan đến cảm xúc như “vui, buồn…” để con có thể gọi tên cảm xúc của mình.

Mẹ đọc sách cho trẻ 21 tháng tuổi nghe

>>> Mẹ có thể xem thêm: 6 trò chơi trông trẻ giúp bé thích thú, bạn chăm con không biết mệt

3. Giấc ngủ của bé 21 tháng tuổi có gì đặc biệt?

Trẻ 21 tháng cần ngủ bao nhiêu giờ mỗi ngày?

Hầu hết các bé ở độ tuổi này cần ngủ khoảng 11 – 12 giờ mỗi đêm để có thể phát triển khỏe mạnh. Ngoài ra, bé cần ngủ giấc ngủ ngắn vào buổi trưa, kéo dài khoảng 1,5 – 3 giờ. Như vậy, tổng cộng thời gian ngủ trong ngày của bé dao động trong khoảng 13 – 14 giờ. Do đó, bạn cần đảm bảo bé cưng ngủ đủ để đáp ứng nhu cầu phát triển.

Bí quyết giúp bé 21 tháng tuổi ngủ đúng giờ và đủ giấc

Để rèn thói quen đi ngủ đúng giờ và ngủ đủ giấc cho trẻ nhỏ, mẹ nên cho bé đi ngủ vào 1 khung giờ nhất định. Ngoài ra, mẹ hãy:

  • Trước khi bé đi ngủ không để bé chơi các trò chơi sôi động. Nhiều cha mẹ lầm tưởng việc cho bé chơi mệt con sẽ ngủ ngon hơn. Điều này không đúng, việc vui chơi quá mệt sẽ khiến bé ngủ không ngon giấc.
  • Không cho trẻ xem tivi, chơi iPad, thiết bị công nghệ trước khung giờ đi ngủ ít nhất 30 phút.
  • Trong ngày: Cần đảm bảo trẻ được vui chơi thoải mái, có các hoạt động thể chất phù hợp.
  • Giấc ngủ ngắn ban ngày không kéo dài và gần về chiều tối.

4. Cai núm ti giả cho bé 21 tháng tuổi

Nhiều bé 21 tháng tuổi vẫn còn giữ thói quen ngậm núm ti giả. Điều đó có thể gây hại cho bé như: ảnh hưởng xấu đến sự phát triển của răng và hàm, tăng nguy cơ mắc bệnh răng miệng, viêm tai giữa. Nguy hiểm hơn, núm ti tuột ra do nứt, đứt, bé nuốt phải sẽ nguy hiểm tính mạng.

Dưới đây là một số gợi ý cai núm ti giả cho con:

– Bôi màu thực phẩm lên núm ti giả để bé sợ hoặc ngâm núm ti giả trong loại nước có mùi vị đắng, hôi nhưng không gây hại cho bé.

– Cách khá đơn giản khác để bé 21 tháng tuổi bỏ ngậm núm ti giả là giấu nó đi và kể cho bé nghe câu chuyện về nàng tiên răng đã đến lấy núm ti giả đi mất.

5. Làm gì khi con sợ bóng tối?

Một trong những nỗi sợ hãi ở bé 21 tháng tuổi là nỗi sợ bóng tối khiến bé khóc la và không chịu ngủ. Đây chỉ là hiện tượng bình thường trong quá trình phát triển ở bé. 

Tình huống này đòi hỏi mẹ phải thật kiên nhẫn, không la hét, không ép bé ngủ. Hãy nhẹ nhàng dỗ dành con. Mẹ hãy duy trì một số thói quen trước giờ đi ngủ như massage, đọc sách cho bé nghe, đọc một bài thơ, kể những câu chuyện hài hước…

Ngoài ra, để trấn an con, mẹ hãy để bên cạnh con chú gấu bông hoặc món đồ chơi bé yêu thích. 

6. Cách dạy bé 21 tháng tuổi ngoan: không chỉ trích

Mẹ hạn chế chỉ trích trẻ nhỏ vì điều này không mang lại giá trị giáo dục. Mẹ chỉ nên bày tỏ thái độ, quan điểm rõ ràng với trẻ: “Mẹ không thích con la hét như vậy, con đừng làm ồn thế nhé”, hoặc “Mẹ không thích con cứ xé rồi cuộn giấy vệ sinh thành cục như vậy”.

Dạy con ngoan bằng cách không chỉ trích

7. Mẹo dạy con chia sẻ

Đừng ép con phải chia sẻ những thứ con có với người khác nếu con chưa sẵn sàng làm điều đó. Nhưng nhất định mẹ phải khen ngợi khi bé cho bạn mượn đồ chơi hoặc chia bánh kẹo cho anh, chị.

Với bé 21 tháng tuổi, khái niệm biết chia sẻ còn khá lạ lẫm. Thời điểm này, bé chỉ biết những gì thuộc sở hữu của mình thì mình phải giữ “khư khư”. 

Muốn con chia sẻ với người khác, mẹ hãy thay đổi cách diễn đạt, như thay từ “chia sẻ” bằng từ “đến lượt” chẳng hạn. 

8. Định hướng tính cách cho bé 21 tháng tuổi

Bé 21 tháng tuổi thường bắt chước người lớn. Để giúp con biết cách cư xử với người xung quanh, người lớn trong nhà cần phải làm gương, thường xuyên nói 2 từ “xin lỗi” và “cảm ơn” trong những tình huống cần.

Mặt khác, trẻ cũng phải được đối xử tôn trọng. Thay vì ra lệnh, hãy nói nhẹ nhàng với con. Ví dụ, tránh ra lệnh: “Đừng đứng lên ghế”, hãy nói: “Bé yêu, vui lòng ngồi xuống nhé”.

Đặc biệt, hãy luôn khen ngợi những hành vi tốt của bé 21 tháng tuổi. Điều đó khuyến khích bé lặp lại hành vi tích cực của mình.

9. Dạy bé đối mặt với thử thách

Bên cạnh những lời khen ngợi, việc đồng cảm và ghi nhận những nỗ lực của trẻ sẽ giúp trẻ học được cách đối mặt với thất bại. Ví dụ, nếu con cảm thấy khó khăn và sắp khóc đến nơi, mẹ có thể nói: “Mang đôi giày này sao khó thế nhỉ, mẹ thấy con đã rất cố gắng rồi”, hoặc “Mẹ con mình cùng mang giày nhé, mẹ sẽ giúp con và con giúp lại mẹ”…

Mặt khác, để nuôi dưỡng sự tự tin và độc lập ở trẻ, mẹ hãy để cho bé có thời gian tự làm mọi việc, chỉ can thiệp khi con thật sự gặp khó khăn. Thử thách đặt ra với các bậc cha mẹ là làm sao vừa bảo vệ trẻ, vừa giúp trẻ tự học hỏi được nhiều điều mới.

10. Chuẩn bị tâm lý khi bé 21 tháng tuổi sắp có em

Nếu gia đình đang chuẩn bị đón thêm thành viên mới, khoảng 3 tháng trước ngày sinh là thời điểm lý tưởng để mẹ chia sẻ với trẻ về việc sắp có thêm em.

Để giúp trẻ có sự chuẩn bị tâm lý, mẹ nên kể nhiều về em bé để trẻ quen dần với ý tưởng “làm anh” (hoặc “làm chị”) và sớm có sự kết nối về mặt tình cảm với em bé sắp chào đời. 

Ngoài ra, mẹ có thể cho bé theo khi đi thăm bạn bè có con nhỏ trong tháng. Hãy hướng dẫn con cách chạm nhẹ vào em để em không đau cũng như khuyến khích bé trò chuyện với em.

Chuẩn bị tâm lý khi bé sắp có em

Lời khuyên của bác sĩ để bé 21 tháng tuổi phát triển tốt

1. Lưu ý đối với bé 21 tháng tuổi

Dù ở lứa tuổi nào, sức khỏe của trẻ luôn là mối quan tâm hàng đầu của các bậc cha mẹ. Các bệnh thường gặp ở trẻ 21 tháng tuổi, gồm:

2. Cách chăm sóc bản thân dành cho mẹ

Ngoài hiểu về sự phát triển của bé 21 tháng tuổi; mẹ cũng cần biết chăm sóc bản thân. Trong giai đoạn này, việc trông và chăm sóc con tương đối vất vả. Vì bé con giờ đây là trở nên năng động và có nhu cầu để tương tác nhiều hơn trước. Do đó, việc tạo ra một nhóm những người có thể hỗ trợ cho mẹ là rất cần thiết.

Sau đây là gợi ý cho mẹ:

  • Nhờ sự hỗ trợ từ gia đình hoặc bạn bè sống gần mẹ: Các thành viên trong gia đình và bạn bè thân thiết là những nguồn lực tuyệt vời, đặc biệt nếu mẹ cần một người trông trẻ trong những tình huống gấp.
  • Tạo mối liên kết với giữa những người hàng xóm; đặc biệt với những gia đình có con ở độ tuổi giống nhau. Mẹ cũng có thể thấy rằng hàng xóm có thể hữu ích khi mẹ cần ai đó chăm sóc con mình; hoặc cần đi chung xe đến nhà trẻ.
  • Tham gia một nhóm phụ huynh-con cái. Bằng cách làm quen với các bậc cha mẹ khác trong cộng đồng, mẹ có thể chia sẻ các mẹo nuôi dạy con cái, gắn kết những kinh nghiệm và thậm chí có thể giúp đỡ lẫn nhau theo thời gian.

Có thể nói, khi con đạt cột mốc bé 21 tháng tuổi, đi kèm với niềm hạnh phúc được thấy con khôn lớn mỗi ngày, điều mẹ bận tâm là làm sao định hình nhân cách tốt đẹp cho con từ sớm. Hy vọng chuỗi bài viết của MarryBaby về các cột mốc phát triển của bé từng tuần, từng tháng sẽ hữu ích với mẹ.

Hương Lê

Categories
Sự phát triển của trẻ Dinh dưỡng cho bé Năm đầu đời của bé

Không phải tự nhiên bé lười ăn, tất cả đều có nguyên do

Trẻ biếng ăn là vấn đề khiến nhiều phụ huynh phải đau đầu. Theo các chuyên gia nhi khoa, không có công thức nào đúng với các trẻ. Chỉ khi tìm được đúng nguyên nhân, cha mẹ mới có thể khắc phục thành công chứng biếng ăn của con.

Bé lười ăn

Tạo sức ép để trẻ ăn, dỗ trẻ ăn bằng điện thoại, tivi hay dùng cố định một loại thực phẩm đều là những sai lầm cố hữu của nhiều phụ huynh Việt. Các bậc cha mẹ nên khắc phục những tình trạng này để giúp trẻ ăn ngon miệng trở lại.

Nguyên nhân khiến bé lười ăn

1. Dùng thiết bị thông minh quá nhiều

Với cách nuôi dạy con cái thời nay, tranh cãi về việc cho phép con trẻ sử dụng thiết bị điện tử chưa bao giờ hạ nhiệt. Nhất là với một số trẻ 2-3 tuổi trở lên, không còn trong giai đoạn bú mẹ.

Nếu dành quá nhiều thời gian cho các thiết bị thông minh như điện thoại, máy tính bảng, tivi, trẻ mất cảm giác thèm ăn uống. Bên cạnh đó, không ít cha mẹ áp dụng “chiêu” vừa ăn, vừa xem điện thoại để bé ăn nhanh và nhiều hơn.

Khi vừa ăn, vừa xem, trẻ sẽ như một cái máy chỉ biết há miệng và nuốt thức ăn, không biết món đó có ngon hay không. Như vậy, việc hấp thu, tiêu hóa sẽ gặp vấn đề.

Kết quả là dù ăn được nhiều nhưng vẫn có nguy cơ trẻ suy dinh dưỡng, thậm chí mắc bệnh dạ dày.Bé lười ăn

2. La mắng, dọa nạt, bắt trẻ ăn bằng mọi giá

Sự phát triển thể chất của bé 1-2 tuổi chậm hơn giai đoạn dưới một tuổi, trung bình bé tăng 2,4kg/năm. Cha mẹ ép ăn trong giai đoạn này sẽ làm bé biếng ăn kéo dài đến 3-4 tuổi hoặc lâu hơn.

Với các bé tăng trưởng tốt, bé biếng ăn vài ngày là hiện tượng bình thường. Hiện nay, nhiều cha mẹ lo lắng thái quá về tình trạng ăn uống của bé.

Họ ép con ăn bằng mọi giá, con đã no nhưng vẫn bắt ăn thêm. Cách làm này hoàn toàn sai lầm, có thể khiến bé sợ hãi mỗi khi tới giờ ăn.

3. Dùng quá nhiều loại thực phẩm trong một bữa

Với trẻ đang tập ăn, đặc biệt tuổi nhũ nhi, cha mẹ Việt thường có cách chế biến trộn nhiều loại thực phẩm thành một hỗn hợp, sau đó xay nhuyễn, tạo hương vị rất khó ăn.

Trẻ trong giai đoạn này cần thích nghi dần với từng loại thực phẩm, cha mẹ lại cho dùng món thập cẩm sẽ làm trẻ không cảm nhận được mùi vị, kém hấp dẫn, dẫn đến biếng ăn.Bé lười ăn

4. Quên bổ sung vi chất cho bé

Thiếu hụt vi chất như sắt, kẽm là một trong những nguyên nhân quan trọng gây nên tình trạng chán ăn ở trẻ. Trẻ dưới 2 tuổi thiếu máu thiếu sắt khá phổ biến ở nước ta. Biểu hiện là da hơi xanh, niêm mạc, môi, vành mắt nhợt nhạt.

Trẻ lớn có thể thấy mệt mỏi, hoa mắt, chóng mặt còn trẻ nhỏ không chịu chơi, quấy khóc kéo dài. Trẻ bị thiếu máu kéo dài thường kém ăn, ăn không ngon, thậm chí gây chậm phát triển trí tuệ và thể lực.

Cha mẹ có thể nhận biết trẻ thiếu kẽm nếu thấy bé chậm phát triển hoặc ăn không ngon miệng, tiêu chảy, rụng tóc, viêm da, móng tay có đốm, rối loạn giấc ngủ hoặc dễ nhiễm cúm do suy giảm miễn dịch.

Nếu bé xuất hiện những dấu hiệu này, mẹ nên đưa đi thăm khám để tìm hiểu nguyên nhân và khắc phục kịp thời cho trẻ thấy ngon miệng hơn.

5. Thực đơn nhàm chán, ít thay đổi

Trẻ phải ăn một món kéo dài trong nhiều ngày, thường xuyên lặp lại hoặc mẹ chỉ chế biến các món ăn một cách đơn điệu. Như vậy sẽ không kích thích được vị giác và làm con có cảm giác nhàm chán khi ăn.

Mẹ nên thường xuyên thay đổi loại thực phẩm, món ăn, xen kẽ giữa thức ăn mới và thức ăn cũ mà trẻ thích. Biện pháp này vừa giúp trẻ ăn ngon vừa cung cấp đủ vi chất dinh dưỡng cho bé theo độ tuổi.

Ngoài ra mẹ cần đa dạng cách chế biến, trang trí món ăn theo dạng tạo hình bắt mắt. Như vậy sẽ kích thích trẻ “hào hứng” hơn với các bữa ăn.Bé lười ăn

6. Chế độ ăn không phù hợp

Ngoài ra, nhiều cha mẹ Việt quan niệm trong thực đơn hàng ngày của trẻ phải ăn nhiều rau. Ăn một lượng rau vừa phải sẽ thúc đẩy nhu động đường ruột và đi tiêu. Tuy nhiên, ăn quá nhiều có thể dẫn đến chứng khó tiêu, gây cản trở sự hấp thu canxi và kẽm trong cơ thể, ảnh hưởng đến sự phát triển trí thông minh và xương.

Bên cạnh đó, ít ăn hoa quả, thiếu vitamin C, B cũng là một trong những nguyên nhân ít ai ngờ gây biếng ăn ở trẻ. Nguyên nhân do trẻ bị sưng lợi, dễ chảy máu, vòm miệng và lưỡi có nhiều mụn nhiệt, dễ ốm vặt. Trẻ hay mệt mỏi khi hoạt động. Bé còn phù nề, dễ mọc mụn nhiệt quanh vòm miệng, da tay chân nóng và dễ viêm, dễ rối loạn tiêu hóa, hay nôn, chán ăn, tinh thần không phấn chấn.

7. Hệ tiêu hóa bất ổn

Các triệu chứng rối loạn sự co bóp dạ dày và loạn khuẩn đường ruột sẽ khiến trẻ buồn nôn, đau bụng, đầy bụng, táo bón, tiêu chảy thường xuyên trực tiếp gây ra tình trạng bé lười ăn dặm.

8. Cho con bú không đúng cách

Sau 2 tuổi trẻ vẫn bú mẹ thì nguyên nhân có thể do trẻ bú quá lâu nên chán ngán, biếng ăn. Trước đó nếu mẹ cho bé bú không đúng nhu cầu của trẻ cũng vậy, không nên cứ thấy bé khóc là cho bú. Khoảng 2-3 tiếng mới nên cho bé bú lại. Đối với trẻ quen bú mẹ, bạn không nên ép trẻ bú bình hay tạo không khí căng thẳng khi trẻ bú.Bé lười ăn

9. Lạm dụng thuốc

Sử dụng quá nhiều kháng sinh hoặc thuốc kích thích ăn cũng sẽ gia tăng nguy cơ trẻ biếng ăn. Cần tuyệt đối tránh hòa thuốc và sữa cho trẻ uống vì rất dễ tạo ám ảnh và gây tình trạng sợ bú ở trẻ dẫn đến tình trạng biếng ăn ở trẻ sơ sinh.

10. Mắc chứng biếng ăn bẩm sinh

Có khoảng dưới 5% trẻ sinh ra chỉ ngủ, chơi mà không bao giờ đòi bú. Một số trẻ còn có thể bị biếng ăn sau khi tiêm phòng hoặc sau chấn thương.

[inline_article id=126379]

Khó khắc phục chứng bé biếng ăn tâm lý

Bé biếng ăn tâm lý là tình trạng khá phổ biến hiện nay. Do một số nguyên nhân khởi phát, nói nôm na là triệu chứng biếng ăn xảy ra khi chuyển dịch môi trường đột ngột. Ví dụ như trẻ bị chuyển trường, trẻ bị thay đổi người chăm sóc, thay đổi món ăn, lịch ăn và cách cho ăn. Cũng có một số nguyên nhân do biến cố như trẻ từng bị sặc thức ăn hoặc ăn nhầm thức ăn quá nóng nên sợ ăn.

Ở những bé lười ăn, cha mẹ thường xuyên cố gắng ép ăn, ăn nhiều nhất có thể. Chính vì thế thường xuyên xảy ra cuộc chiến ăn dặm. Bữa ăn đầy những tiếng khóc lóc, quát tháo. Chính không khí căng thẳng, bị o ép quá thô bạo nên đã khiến bé chán ăn. Các chuyên gia ước tỉnh chỉ khoảng 5% trẻ sinh ra đã lười bú nhưng từ 2-3 tuổi  thì tỉ lệ này lên đến 30-40%. Điều này chứng tỏ nguyên nhân biếng ăn phần nhiều do môi trường sống gây ra.

Biếng ăn do thể trạng điều trị không quá khó nhưng nếu xuất phát từ nguyên nhân tâm lý lại rất khó khắc phục, đòi hỏi nhiều thời gian và công sức của gia đình. Cách giải quyết duy nhất chính là sự kiên nhẫn tuyệt đối của cha mẹ. Không nên tạo ngay một sự thay đổi quá lớn ngat lập tức và cũng không cho trẻ uống quá nhiều  loại thuốc một lúc nhằm thay đổi triệu chứng lâm sàng.

Bé lười ăn

Bé lười ăn phải làm sao? Lời khuyên dành cho các mẹ có con biếng ăn

Chăm trẻ biếng ăn, cha mẹ nhất định phải từ từ mới tập thành thói quen hằng ngày cho trẻ và trẻ mới có hứng thú với thực phẩm:

  • Cho bé ăn vào một giờ nhất định để hình thành thói quen ăn uống tốt.
  • Đừng bỏ cuộc nếu bé từ chối món ăn của bạn. Hãy kiên nhẫn tìm cơ hội giới thiệu lại cho bé, ít nhất 10 lần hoặc hơn để trẻ làm quen.
  • Bé lười ăn cháo thì mẹ nên giới hạn sữa không quá 500 ml/ngày. Sử dụng sữa quá nhiều sẽ làm bé dễ no và không hứng thú ăn.
  • Không nên ép bé phải ăn bất cứ thứ gì. Với bé đủ cân nên cho con ăn đúng lượng bé muốn và giới thiệu nhiều loại thức ăn khác nhau. Nếu bé nhẹ cân, bạn nên giới hạn đủ lượng theo độ tuổi nhưng chia nhỏ bữa ăn và đa dạng thức ăn.
  • Bạn không nên chọn giờ ăn sau khi bé chơi quá mệt, hãy cân bằng giờ ăn và giờ chơi hợp lý.
  • Cha mẹ không nên cho hay thưởng bé bánh kẹo, thức ăn không lành mạnh để thay thế phần thức ăn bé không chịu ăn. Con sẽ hình thành thói quen xấu “ăn là được thưởng”.
  • Thời gian cho bữa chính không quá 30 phút, bữa phụ 20 phút. Nếu bé bướng hơn 10 phút, bạn để bé ngồi yên trên ghế vài phút trước khi cho bé ra khỏi ghế và kết thúc bữa ăn.
  • Cha mẹ nên tạo môi trường bữa ăn không quá áp lực và có nhiều tác nhân làm sao nhãng như tivi, điện thoại, đồ chơi.
  • Các bé độ tuổi này khuyến khích nên ăn cùng thời điểm với các thành viên trong gia đình, được ngồi ghế ăn dặm cao. Việc nhìn và bắt chước cách ăn của các thành viên khác giúp bé vượt qua giai đoạn biếng ăn tốt.
  • Cho trẻ ăn thêm 2 bữa phụ để cung cấp thêm năng lượng cho hoạt động ở độ tuổi này. Hãy lựa chọn thực đơn bữa phụ đơn giản, tạo cơ hội cho bé cùng bạn chuẩn bị, các trẻ đều thích những món có vai trò trong quy trình đó.Bé lười ăn

Khi nào thì bạn nên lo lắng về tình trạng bé lười ăn?

Tình trạng bé biếng ăn kéo dài quá lâu sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ. Nếu xuất hiện thêm các dấu hiệu bé biếng ăn dưới đây mẹ nên đưa bé đi khám;

  • Nếu bé biếng ăn, ốm yếu và có tình trạng không khỏe, bạn có thể đưa con đi khám bác sĩ để được sự tư vấn chuyên môn về cân nặng cũng như dinh dưỡng.
  • Nếu như bạn băn khoăn không biết bé có bị biếng ăn hay không, mình đã cung cấp đủ dinh dưỡng cho con chưa thì hãy nhờ các bác sĩ chuyên khoa nhi hoặc chuyên về dinh dưỡng tư vấn.

Các nghiên cứu chỉ ra rằng để khắc phục tình trạng bé lười ăn thì tốt nhất là bố mẹ nên làm gương tốt cho con để bé bắt chước các thói quen ăn uống tốt từ người lớn.

Nhìn chung, bé biếng ăn là tình trạng thường thấy ở trẻ và cũng là một trong những mối bận tâm hàng đầu của các bậc phụ huynh. Tuy nhiên, ba mẹ hoàn toàn có thể tìm hiểu tại vì sao trẻ biếng ăn, từ đó có giải pháp phù hợp. Bên cạnh những giải pháp nêu trên, phụ huynh có thể nhờ đến sự hỗ trợ của các sản phẩm bổ sung dinh dưỡng đầy đủ và cân bằng dành cho trẻ, hỗ trợ trẻ tăng trưởng khỏe mạnh lâu dài.

.