Một số mẹ bầu vẫn buồn nôn khi mang thai tháng thứ 9 kèm theo bụng bị đầy hơi, táo bón, trào ngược, ợ chua,… thậm chí chán ăn, nôn mửa liên tục. Đây không còn là triệu chứng ốm nghén thông thường, có khả năng bạn đang bị ốm nghén nặng và cần được điều trị. Muốn điều trị hiệu quả, điều cần làm chính là xác định rõ nguyên nhân.
Nguyên nhân gây buồn nôn cuối thai kỳ
Có rất nhiều nguyên nhân gây buồn nôn ở những tháng cuối thai kỳ, đặc biệt là tháng thứ 9 – giai đoạn nước rút trước khi bé chào đời. Những nguyên nhân này đa phần xuất phát từ bên trong, có thể là do hệ tiêu hóa, thay đổi hormone hoặc dấu hiệu sinh sớm. Cụ thể:
1. Ợ nóng hay trào ngược axit dạ dày
Ợ nóng có thể gây ra chứng buồn nôn khi mang thai tháng thứ 9 vì đây là thời gian thay đổi hormone làm giãn cơ trơn trong đường tiêu hóa. Cảm giác buồn nôn do ợ nóng gây ra mang lại cảm giác khó chịu nhưng không đáng lo lắng.
2. Chứng tiền sản giật
Khi thai nhi đủ 20 tuần tuổi trở lên, chứng tiền sản giật có thể xuất hiện. Nếu thai phụ bị buồn nôn trong 3 tháng cuối thai kỳ kèm các triệu chứng như đau bụng, nặng mặt, đau đầu hoặc rối loạn thị giác thì cần nghĩ tới chứng tiền sản giật ngay.
Vì tiền sản giật là một tình trạng nguy hiểm đối với tính mạng của mẹ và bé. Biến chứng của tiền sản giật rất nghiêm trọng như đột quỵ, suy gan, động kinh, suy thận, ứ dịch trong phổi và tạo ra huyết khối.
3. Dấu hiệu chuyển dạ sớm
Buồn nôn trong 3 tháng cuối thai kỳ đôi khi có thể là dấu hiệu chuyển dạ sớm. Bạn cần theo dõi, nếu kèm theo các triệu chứng khác như đau lưng, chuột rút, tiêu chảy, tăng áp lực khung chậu hoặc tăng tiết dịch âm đạo thì có thể là do chuyển dạ.
4. Thay đổi hormone
Thay đổi hormone cũng là một trong những nguyên nhân thường gặp khi bà bầu bị buồn nôn ở những tháng cuối thai kỳ.
Tương tự như 3 tháng đầu thai kỳ, giai đoạn cuối gây ra sự biến động mạnh lượng hormone trong cơ thể người mẹ gây mất cân bằng nội tiết. Và đó là lý do tại sao mẹ thấy có cảm giác buồn nôn.
5. Thai nhi phát triển nhanh chóng
Càng về những tháng cuối thai kỳ, thai nhi càng phát triển. Cân nặng và kích thước của em bé tăng nhanh đè nặng lên các cơ quan khác trong ổ bụng như ruột, dạ dày khiến mẹ bị buồn nôn và ợ nóng.
Đồng thời, làm cản trở tự di chuyển của thực phẩm từ dạ dày vào ruột non gây nên chứng ứ trệ dạ dày.
6. Ăn quá nhiều
Việc ăn quá nhiều để con tăng cân cũng là nguyên nhân khiến mẹ bị buồn nôn khi mang thai tháng thứ 9. Tử cung phát triển đè lên dạ dày thai phụ, chừa lại rất ít không gian để chứa thức ăn. Do đó, nếu ăn quá nhiều có thể dẫn đến buồn nôn.
Buồn nôn khi mang thai tháng thứ 9 có nguy hiểm không?
Buồn nôn thường không ảnh hưởng và không gây nguy hiểm cho em bé. Tuy nhiên, buồn nôn trong tam cá nguyệt thứ ba có thể là dấu hiệu của các biến chứng nguy hiểm.
Do đó, nếu buồn nôn cộng thêm các triệu chứng sau đây, bạn cần gặp bác sĩ ngay lập tức:
- Nôn mửa dữ dội, liên tục, không thể ăn uống
- Chất nôn màu nâu hoặc có vết máu trong đó
- Giảm cử động của thai nhi
- Thường xuyên bị chóng mặt, đau đầu không rõ nguyên nhân
- Ăn không ngon
- Giảm cân một cách nhanh chóng
- Mệt mỏi hoặc ngất xỉu
- Nhịp tim tăng nhanh
- Đi tiểu ít hơn bình thường
Buồn nôn trong thời gian dài có thể khiến mẹ không thể đáp ứng đủ nhu cầu dinh dưỡng cho con. Về lâu về dài có thể khiến em bé bị suy dinh dưỡng, thậm chí là sinh non, nhất là trong 3 tháng cuối thai kỳ.
Cải thiện buồn nôn khi mang thai tháng thứ 9 thế nào?
Mẹ bầu có thể cải thiện tình trạng buồn nôn khi mang thai tháng thứ 9 bằng cách thay đổi lối sống và chế độ ăn uống. Hãy áp dụng cách của MarryBaby mách bảo có thể giúp bạn cảm thấy đỡ hơn:
- Bổ sung các loại vitamin tổng hợp, vừa cung cấp dinh dưỡng cho mẹ vừa làm giảm triệu chứng buồn nôn.
- Ăn nhẹ bánh mì hoặc bánh quy vào buổi sáng, tránh tình trạng bụng quá đói sau khi ngủ dậy.
- Uống nhiều nước và chia thành nhiều lần, mỗi lần từ 200 – 300ml.
- Thay vì ăn 3 bữa chính, mẹ bầu nên chia nhỏ bữa ăn để dạ dày tiêu hóa tốt hơn. Nếu có thể, dùng thêm những món ăn vặt nhạt, ít chất béo để kích thích tiêu hóa như chuối, gạo, táo, bánh quy,…
- Sử dụng trà gừng, kẹo gừng, mứt gừng làm từ gừng thật để cắt cơn buồn nôn hiệu quả.
- Tránh xa những mùi khó chịu vì có thể gây buồn nôn.
Trong trường hợp điều trị tại nhà không thấy đỡ, bạn nên gặp bác sĩ hoặc cơ sở y tế để thăm khám và đưa ra hướng xử lý kịp thời.
Điều trị bằng thuốc làm giảm buồn nôn
Nếu chế độ ăn uống và thay đổi lối sống vẫn không giải quyết dứt điểm buồn nôn khi mang thai tháng thứ 9 thì bác sĩ sẽ cân nhắc điều trị bằng thuốc. Các loại thuốc phổ biến như:
- Vitamin B6 và Doxylamine: Bổ sung Vitamin B6 là thuốc điều trị không cần kê đơn và được ưu tiên sử dụng trước. Doxylamine là hoạt chất thường có trong thuốc ngủ không kê đơn được bổ sung điều trị buồn nôn nếu vitamin B6 không có tác dụng. Cả 2 loại thuốc này có thể dùng một mình hoặc phối hợp với nhau đều an toàn cho mẹ và bé.
- Thuốc chống nôn: Các loại thuốc chống nôn khá an toàn trong thai kỳ nhưng bạn chỉ sử dụng khi được bác sĩ chỉ định.
Nếu như đã thử mọi cách mà tình trạng nôn vẫn không thuyên giảm, mẹ bầu cần phải nhập viện để điều trị đến khi cơ thể ổn định trở lại.
Buồn nôn khi mang thai tháng thứ 9 có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Tuy nhiên, việc mẹ bầu cần làm là lên thực đơn đủ dinh dưỡng và duy trì lối sống lành mạnh mỗi ngày để ngăn chặn các cơn buồn nôn. Khi cơ thể khỏe mạnh thì không gì có thể cản trở việc mẹ gặp con ở tháng thứ 9 thai kỳ!