Categories
Sự phát triển của trẻ Dinh dưỡng cho bé Năm đầu đời của bé

Các món cháo cho trẻ 9 tháng tuổi

Các món cháo cho trẻ 9 tháng tuổi có nhiều điểm khác biệt so với trước đó. Trẻ 9 tháng tuổi sẽ bắt đầu bước qua giai đoạn ăn dặm thứ hai. Đây là giai đoạn mà nhu cầu sữa mẹ đã giảm bớt và trẻ cần nhiều chất dinh dưỡng hơn từ những bữa ăn.

Các món cháo cho trẻ 9 tháng tuổi

Cách nấu các món cháo cho trẻ 9 tháng tuổi sẽ khác hơn so với thời kỳ trẻ mới ăn dặm. Khi mới ăn dặm, trẻ chủ yếu làm quen với thức ăn và bú mẹ vẫn là chính. Còn ở giai đoạn 9 tháng, trẻ bắt đầu tập nhai nhiều hơn, nhu cầu dinh dưỡng cũng tăng cao trong khi sữa mẹ không còn cung cấp đủ dưỡng chất cho trẻ. Vậy nên để biết được cách nấu các món cháo cho trẻ 9 tháng tuổi đúng chuẩn nhất, bạn đừng bỏ qua những thông tin hữu ích sau nhé!

Mẹ cần biết gì khi cho trẻ 9 tháng tuổi ăn dặm?

Theo các chuyên gia dinh dưỡng thì 9 tháng tuổi là giai đoạn bé đã bắt đầu tập nhai những thức ăn thô và có độ đặc nhiều hơn. Trẻ không nên ăn thức ăn lỏng được xay nhuyễn hoàn toàn như trước vì như vậy sẽ không kích thích được cơ hàm vận động, dẫn đến việc tập nhai cũng trở nên khó khăn hơn.

Khi trẻ được 9 tháng tuổi là đã có thể ngồi vững vàng. Bạn nên cho trẻ ngồi vào ghế ăn dặm để tạo thói quen ăn uống lành mạnh thay vì bồng trẻ đi khắp nơi đút ăn.

Thực đơn ăn dặm của trẻ 9 tháng tuổi nên có đủ 4 loại dinh dưỡng: tinh bột, chất đạm, chất béo, vitamin và chất xơ. Bạn đừng ngại cho trẻ ăn tôm, thịt, cá vì lúc này hệ tiêu hóa của trẻ đã được hoàn thiện nên sẽ tiêu hóa tốt nhiều loại thức ăn khác nhau.

nuoc-ep-trai-cay-chong-tao-bon

Rau xanh và trái cây tươi là hai thành phần không thể thiếu trong bữa ăn của trẻ vì đó là nguồn cung cấp vitamin và chất xơ dồi dào, hỗ trợ hệ tiêu hóa làm việc tốt. Trẻ 9 tháng tuổi có thể ăn được tất cả các loại rau xanh rồi đấy mẹ ạ!

Bên cạnh việc ăn dặm thì bạn đừng quên bổ sung thêm lượng sữa cần thiết cho trẻ nhé! Trẻ 9 tháng tuổi cần khoảng 350ml – 500ml sữa mẹ hoặc sữa công thức mỗi ngày. Trẻ cũng nên uống nước thường xuyên để đảm bảo có đủ nước cung cấp cho cơ thể.

Cách nấu các món cháo cho trẻ 9 tháng tuổi

Làm sao để nấu các món cháo cho trẻ 9 tháng tuổi ăn ngon miệng mà không bị ngán luôn là trăn trở của rất nhiều bà mẹ. Đặc biệt là với trẻ 9 tháng tuổi thì món cháo vừa phải thơm ngon, vừa phải đảm bảo đủ dưỡng chất thì quả thật chẳng dễ dàng, chưa kể là bạn cần phải thay đổi thực đơn liên tục để đa dạng bữa ăn cho trẻ.

Để giúp mẹ bớt phải “lăn tăn” suy nghĩ hôm nay nấu cháo gì, Marry Baby sẽ chia sẻ ngay cho mẹ thực đơn 10 món cháo cho trẻ 9 tháng tuổi với các nguyên liệu dễ tìm và dễ nấu, đặc biệt vẫn đảm bảo đủ dinh dưỡng cần thiết cho con ăn nhanh chóng lớn.

1. Các món cháo cho bé 9 tháng: Cháo mồng tơi cá lóc

Nguyên liệu

  • Gạo tẻ: 20g
  • Cá lóc: 30g
  • Mồng tơi, gừng, hành lá.

Chế biến

  • Cá lóc rửa sạch rồi hấp chín với gừng, bỏ da bỏ xương rồi nghiền nát thịt đem xào với hành lá.
  • Mồng tơi thái nhỏ theo độ ăn thô của bé.
  • Khi cháo gần chín thì bạn cho cá lóc và rau vào nấu cùng. Cháo chín rồi, bạn múc ra tô cho bé thưởng thức.

2. Cháo ăn dặm cho bé 9 tháng: Cháo thịt gà khoai lang

Nguyên liệu

  • Gạo tẻ: 20g
  • Thịt gà: 30g
  • Khoai lang: 1/2 củ

Chế biến

  • Khoai lang rửa sạch, đem hấp rồi nghiền nhuyễn.
  • Thịt gà luộc rồi xé nhỏ cho bé tập nhai.
  • Lấy nước thịt gà luộc nấu cháo. Cháo gần chín cho khoai lang và thịt gà vào trộn đều rồi múc ra cho bé thưởng thức.

3. Nấu cháo cho bé 9 tháng: Cháo thịt bò khoai tây

Nguyên liệu:

  • Gạo tẻ: 20g
  • Thịt bò: 30g
  • Khoai tây: 1 củ nhỏ
  • Hành khô

Chế biến

  • Thịt bò băm nhuyễn rồi đem xào chín với hành phi cho thơm.
  • Khoai tây gọt vỏ, rửa sạch, hấp chín rồi nghiền nhuyễn.
  • Cháo gần chín thì bạn cho thịt bò và khoai tây vào nấu cùng cho nhừ rồi múc ra tô cho bé thưởng thức.

4. Các món cháo cho bé 9 tháng: Cháo tôm mướp

Nguyên liệu

  • Gạo tẻ: 20g
  • Tôm tươi: 30g
  • Mướp: 1/2 quả
  • Hành khô

Chế biến

  • Tôm bóc vỏ, rửa sạch rồi băm nhỏ.
  • Mướp gọt vỏ, rửa sạch rồi cắt thành từng miếng nhỏ.
  • Hành phi thơm rồi cho tôm và mướp vào xào cùng.
  • Cháo nấu gần chín rồi cho tôm và mướp vào khuấy đều đến chín rồi múc cháo ra tô.

5. Cháo ăn dặm cho bé 9 tháng: Cháo trứng gà cải thảo

Nguyên liệu

  •  Gạo tẻ: 20g
  • Trứng gà: 1 quả
  • Cải thảo: 1 lá
  • Hành khô

Chế biến

  • Trứng gà đập vỏ, đánh tan trong một bát riêng.
  • Cải thảo rửa sạch rồi thái nhỏ.
  • Cháo nấu gần chín thì bạn cho trứng và cải thảo vào khuấy đều đến khi cải thảo mềm hẳn và cháo nhừ rồi tắt bếp.

6. Các món cháo cho trẻ 9 tháng tuổi: Cháo yến mạch, thịt bò, cà rốt

Thịt bò cho bé ăn dặm
Thịt bò là nguồn cung cấp protein và chất sắt dồi dào cho bé

Nguyên liệu

  • Yến mạch: 40g
  • Cà rốt: 1/2 củ
  • Thịt bò: 30g

Chế biến

  • Thịt bò rửa sạch rồi băm bỏ, cà rốt cũng rửa sạch rồi thái nhỏ theo độ ăn thô của bé.
  • Bạn cho yến mạch vào nước nấu khoảng 2 phút rồi cho cà rốt và thịt bò vào nấu chung đến khi chín nhừ thì múc ra tô cho bé thưởng thức.

7. Các món cháo ăn dặm cho bé 9 tháng: Cháo hạt sen, bồ câu

Nguyên liệu

  • Gạo tẻ: 20g
  • Thịt bồ câu
  • Hạt sen
  • Hành khô

Chế biến

  • Thịt bồ câu rửa sạch, lọc lấy xương ở phần ức rồi thái nhỏ, đem phi với hành cho thơm.
  • Cho hạt sen vào nấu chung với gạo tẻ cho nhừ, sau đó cho thịt bồ câu vào nấu cùng đến khi sôi là được.

8. Nấu cháo cho bé 9 tháng: Cháo cá hồi, cà chua, thì là

Cháo cá hồi cho bé

Nguyên liệu

  • Gạo tẻ: 20g
  • Cá hồi: 30g
  • Cà chua: 1 quả nhỏ
  • Rau thì là
  • Sữa tươi không đường

Chế biến

  • Cá hồi rửa sạch, bỏ lớp da rồi đem ngâm với sữa tươi không đường khoảng 20–30 phút. Cá ngâm xong đem hấp với gừng cho chín rồi dằm nát thịt cá.
  • Cà chua rửa sạch, cắt vỏ, bỏ hột rồi đem xào chung với cá hồi.
  • Cháo gần chín cho hỗn hợp cà chua, cá hồi vào nấu cùng. Rau thì là thái nhỏ bỏ vào nồi cháo để tăng thêm hương vị hấp dẫn cho món ăn.

9. Cháo cho bé 9 tháng: Cháo thịt bò, bắp ngọt, măng tây

Nguyên liệu

  • Gạo tẻ: 20g
  • Thịt gà: 30g
  • Bắp ngọt bào: 20g
  • Măng tây: 2 ngọn
  • Hành khô

Chế biến

  • Thịt gà rửa sạch, thái nhỏ rồi đem phi với hành khô cho thơm, sau đó cho thêm bắp ngọt bào vào xào cùng
  • Măng tây rửa sạch, thái nhỏ (chỉ lấy phần non ở trên)
  • Khi cháo gần chín thì cho thịt gà xào bắp ngọt cùng với măng tây vào nấu cùng. Cháo chín rồi tắt bếp múc ra tô để nguội.

[inline_article id = 187224]

10. Các món cháo ăn dặm cho bé 9 tháng: Cháo thịt bò, bí đỏ, đậu Hà Lan

Nguyên liệu

  • Gạo tẻ: 20g
  • Thịt bò: 20g
  • Bí đỏ: 1 miếng nhỏ
  • Đậu Hà Lan

Chế biến

  • Thịt bò rửa sạch, băm nhuyễn.
  • Bí đỏ rửa sạch rồi đem hấp, tán nhuyễn.
  • Đậu Hà Lan rửa sạch rồi bóc vỏ.
  • Cháo nấu gần chín rồi cho thịt bò, bí đỏ và đậu Hà Lan vào nấu cùng. Đến khi cháo nhừ rồi tắt bếp múc ra tô.

Mách nhỏ cho bạn một bí kíp nấu các món cháo cho trẻ 9 tháng tuổi đó là mẹ có thể cho thêm 1 thìa cà phê dầu oliu/dầu gấc/dầu óc chó… vào tô cháo để cung cấp thêm chất béo và giúp trẻ ăn ngon miệng hơn. Bạn cũng nhớ đừng nêm nếm thêm bất kỳ gia vị nào vào cháo cho đến khi trẻ được 1 tuổi nhé! Hy vọng qua bài viết này, bạn sẽ có thêm được nhiều công thức nấu món cháo cho trẻ 9 tháng tuổi thưởng thức.

Hoa Hồng

Categories
Sự phát triển của trẻ Trẻ tập đi và Mẫu giáo Dinh dưỡng cho trẻ tập đi và mẫu giáo

“Dụ” trẻ ăn cà rốt ngon lành với 7 món cực hấp dẫn

Bí quyết dụ trẻ ăn cà rốt

Trong vô vàn các loại rau củ thì cà rốt luôn được các bà mẹ ưu tiên lựa chọn thêm vào chế độ ăn của bé yêu. Dù được cho là mang lại nhiều giá trị sức khỏe nhưng không phải đứa trẻ con nào cũng “mê mẩn” loại thực phẩm này. Chính vì vậy, để chiêu dụ con ăn cà rốt, bạn cần phải có bí quyết riêng.

Trẻ mới biết đi và trẻ nhỏ là các đối tượng ăn uống khá “cầu kỳ”. Việc dụ cho bé dùng rau củ sẽ là một thách thức không hề nhỏ. Thế nên nhiều bậc phụ huynh đã kỳ công chế biến những bữa ăn ngon miệng, trình bày hấp dẫn để thu hút bé cưng. Nếu chưa biết cách nào để dụ con ăn cà rốt, bạn có thể tham khảo 7 món ăn thú vị dưới đây. Hãy nhanh chân vào bếp cùng Marry Baby nào!

Bật mí 4 lợi ích tuyệt vời khi bạn cho bé ăn cà rốt

Không phải ngẫu nhiên mà các chuyên gia dinh dưỡng khuyên nên ưu tiên chọn cà rốt cho bữa ăn dặm của bé. Tất cả là vì những lý do sau đây:

1. Cà rốt giúp sáng mắt

Vitamin A được tìm thấy khá nhiều trong cà rốt. Dưỡng chất này có vai trò quan trọng trong việc cải thiện thị lực, cũng như ngăn ngừa các vấn đề liên quan đến mắt, chẳng hạn như quáng gà. Ngoài vitamin A, lượng beta-carotene dồi dào trong thành phần còn giúp giảm nguy cơ thoái hóa điểm vàng ở trẻ lên đến 40%.

2. Cải thiện tiêu hóa và ngăn ngừa táo bón

lợi ích khi cho trẻ ăn cà rốt

Ăn cà rốt không chỉ làm thúc đẩy cơ thể trẻ bài tiết các enzyme tiêu hóa mà còn giúp ruột hoạt động tốt. Nhờ nguồn chất xơ tuyệt vời, bé sẽ tránh được tình trạng táo bón hoặc chứng rối loạn tiêu hóa.

3. Khắc phục vấn đề tiêu chảy

Tác dụng này của cà rốt đến từ chất pectin có trong thành phần. Khi đến ruột, nó trương nở tạo thành dạng keo làm dịu nhu động ruột, nhờ vậy hạn chế được tiêu chảy. Hơn nữa, chất này cũng tạo điều kiện cho lợi khuẩn phát triển, lấn át tác động của các hại khuẩn tại đường ruột.

4. Kháng giun

Tình trạng nhiễm giun rất phổ biến ở trẻ nhỏ, gây ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển của trẻ. Theo đó, giun bám vào thành ruột và ăn dần các chất dinh dưỡng mà cơ thể bé hấp thụ.

Cà rốt có chứa lưu huỳnh nên trẻ ăn cà rốt sẽ giúp nhuận tràng làm đẩy giun ra ngoài. Bên cạnh đó, các vitamin và khoáng chất sẽ cải thiện hệ miễn dịch cho trẻ.

Mách mẹ cách làm các món ăn ngon từ cà rốt cho bé thích mê

Cà rốt là nguyên liệu có thể dễ dàng thêm vào trong bất kỳ món ăn nào, dù là món mặn hay ngọt. Dưới đây là một vài công thức chế biến cà rốt đơn giản và dễ thực hiện:

1. Salad cà rốt

salad cà rốt

Salad cà rốt mát lành vừa bổ dưỡng lại ngon miệng rất thích hợp cho những ngày thời tiết oi bức. Để trẻ nhận được đầy đủ tác dụng của cà rốt, mẹ nên làm món ăn này thường xuyên nhé!

Nguyên liệu cần chuẩn bị

  • 2 quả táo xắt nhỏ
  • 3 bát cà rốt xắt nhỏ
  • 200 gram dứa nghiền
  • 3 thìa súp nho khô
  • 1/4 cốc sữa chua hương vani
  • 1/4 cốc sữa chua nguyên chất
  • 1 thìa súp nước cốt chanh
  • Phô mai

Cách thực hiện

Trộn phần táo xắt nhỏ đã được chuẩn bị với một ít nước ép dứa. Chuẩn bị riêng một chiếc bát lớn, trộn chung cà rốt, phần táo ở trên, nho khô, dứa nghiền với nhau. Tiếp đến bạn thêm nước cốt chanh, phô mai, sữa chua và một chút muối vào trộn đều. Bỏ trong ngăn mát tủ lạnh khoảng một giờ. Món salad này sẽ ngon hơn khi dùng lạnh.

2. Súp cà rốt

cho trẻ ăn cà rốt nấu súp

Đây là một trong những công thức đơn giản và ngon miệng dành riêng cho trẻ mới biết đi. Đảm bảo bé yêu nhà bạn sẽ thích mê mà không hề biết mình đã ăn cà rốt.

Nguyên liệu cần chuẩn bị

  • 1 thìa súp bơ thực vật
  • 1 thìa súp dầu ô liu
  • 1 cọng cần tây
  • 1 củ hành tây xắt nhỏ
  • 2 tép tỏi băm nhuyễn
  • 5 bát cà rốt xắt nhỏ
  • 1 nhánh rau mùi tây
  • 4 bát nước dùng xương hầm
  • 2 bát nước lọc
  • Gia vị các loại

Cách thực hiện

Thêm bơ thực vật và dầu ô liu vào chảo nóng. Chờ đến khi bơ tan chảy hết thì cho hành tây và cần tây vào xào đến khi chín. Tiếp tục cho tỏi và rau mùi tây và đảo đều trong vài giây.

Khi xào xong, bạn cho phần cà rốt xắt nhỏ, nước dùng xương, nước lọc vào nấu. Lưu ý đun với ngọn lửa nhỏ cho đến khi cà rốt mềm. Bạn có thể nêm nếm với gia vị cho vừa ăn. Sau cùng, bạn cho hỗn hợp vừa nấu vào máy xay sinh tố để làm mịn món ăn. Nên cho trẻ dùng ngay khi đồ ăn còn nóng các mẹ nhé!

3. Sinh tố cà rốt

sinh tố cà rốt

Một chiêu khác để dụ trẻ ăn cà rốt là làm món sinh tố từ nguyên liệu này. Ngoài sinh tố, bạn cũng có thể làm thêm món nước ép cà rốt để đổi vị cho bé. Cả hai món trên đều vô cùng tốt cho sức khỏe nhưng cũng không kém phần hấp dẫn.

Nguyên liệu cần chuẩn bị

Để làm ra một cốc sinh tố cà rốt thơm ngon, bạn cần:

  • 1 bát cà rốt đã được cắt nhỏ
  • 1/2 bát chuối được cắt nhỏ
  • 1/2 cốc sữa chua
  • 1/2 cốc sữa tươi
  • 1/2 bát dứa tươi băm nhỏ
  • 1 thìa súp hạt quả óc chó
  • 1 nhúm hạt nhục đậu khấu

Cách thực hiện

Cách làm rất đơn giản, bạn cho toàn bộ những nguyên liệu đã chuẩn bị ở trên vào máy xay sinh tố, trộn đều đến khi thu được hỗn hợp mịn. Tùy vào bé nhà bạn mà có thể phục vụ lạnh hoặc dùng ngay.

4. Muffin cà rốt

cho trẻ ăn cà rốt với bánh muffin

Muffin trong tiếng Anh nghĩa là một loại bánh mì có nhân với kích thước nhỏ. Món ăn này hiện cũng khá phổ biến ở nước ta. Nếu “thiên thần nhí” ở nhà hảo ngọt, bạn có thể lén dụ trẻ ăn cà rốt bằng món bánh nướng xốp thơm ngon, lạ miệng này đấy!

Nguyên liệu cần chuẩn bị

  • 2 bát bột mì trắng nguyên chất
  • 2 thìa cà phê bột quế
  • 1/4 thìa cà phê gừng và hạt nhục đậu khấu
  • 2/3 bát đường nâu
  • 1/2 thìa cà phê muối
  • 2 thìa cà phê bột nở
  • 2 bát cà rốt nghiền
  • 2 bát dừa nạo
  • 1/2 bát dứa tươi
  • 2 quả trứng gà
  • 170 gram sữa chua đặc
  • 1/4 cốc sữa tươi
  • 1/3 cốc dầu dừa

Cách thực hiện

Đầu tiên cần làm nóng lò nướng đến khoảng 200°C. Chuẩn bị một chiếc bát lớn, thêm đường, bột mì, bột nở và muối, khuấy đều tay rồi tiếp tục thêm vào đó dừa và cà rốt. Để yên sang một bên, chuẩn bị một chiếc bát khác, cho trứng, sữa chua, sữa tươi, dầu dừa vào trộn đều.

Phối trộn cả 2 hỗn hợp trong hai chiếc bát trên với nhau. Sau khi xong, múc hỗn hợp cuối cùng này cho vào khay bánh muffin. Nướng trong vòng 21 phút ở nhiệt độ 200°C là được.

5. Cơm cà rốt

cơm cà rốt

Món ăn ngon tuyệt này sẽ là lựa chọn không thể bỏ qua cho bữa trưa hoặc tối. Bé mới biết đi nhà bạn chắc chắn sẽ dần mê ăn cà rốt nhờ món cơm này đấy!

Nguyên liệu cần chuẩn bị

  • Một bát nước dùng hầm từ rau củ hoặc nước hầm xương
  • 1 cốc nước ép cà rốt
  • 2 thìa súp bơ thực vật
  • 1/2 củ hành tây
  • 1 bát gạo hạt dài
  • 1/4 bát phô mai Parmesan nghiền
  • 3 thìa súp rau mùi tây

Cách thực hiện

Cho nước hầm rau củ hoặc nước xương hầm, nước ép cà rốt và 2 bát nước lọc vào trong chảo, khuấy đều, đem đun với ngọn lửa nhỏ. Chuẩn bị một chảo khác đun bơ cho tan chảy rồi thêm hành tây vào xào đều, nêm bằng một chút muối và tiêu cho có vị. Kế đến cho gạo vào và đảo đều trong vòng 4 phút.

Hỗn hợp nước dùng vừa chuẩn bị ở trên, bạn cho một nửa phần vào gạo rồi khuấy đều đến khi nước dùng thấm đều hết. Lặp lại bước này bằng cách thêm nửa phần nước dùng còn lại vào rồi nấu đến khi cơm chín.

Cho vào cơm một thìa cà phê phô mai và trộn đều là bạn đã có ngay một đĩa cơm thơm ngon cho bé.

6. Cà rốt phô mai viên

trẻ ăn cà rốt và phô mai

Món ăn này khá phù hợp khi dùng làm món tráng miệng hoặc để trẻ nhâm nhi vào thời gian rảnh. Độ giòn của cà rốt cùng với hương thơm béo ngậy của phô mai sẽ làm cho vị giác của trẻ bùng nổ.

Nguyên liệu cần chuẩn bị

Để làm ra món cà rốt phô mai viên, bạn cần:

  • 1 bát cà rốt đã gọt vỏ, bào nhuyễn
  • 1 bát phô mai cheddar (loại chuyên dùng trong làm bánh) nghiền mịn

Cách thực hiện

Cho cà rốt vào tô cùng phô mai rồi trộn đều. Dùng muỗng múc kem xúc hỗn hợp thành từng viên tròn nhỏ, đặt vào khay, dùng màng bọc thực phẩm bao lại rồi cho vào ngăn đá để lạnh 1 giờ. Món ăn này nếu được dùng để phết lên bánh mì sẽ vô cùng tuyệt vời đấy! Cà rốt phô mai viên sẽ thích hợp với trẻ lớn đã có thể dùng cà rốt sống các mẹ nhé!

7. Bánh cà rốt

bánh cà rốt

Nếu những công thức chế biến các món ăn trên chưa “đủ đô” để dụ trẻ ăn cà rốt, bạn có thể thử bằng món bánh cà rốt hấp dẫn. Cách làm cũng khá đơn giản.

Nguyên liệu cần chuẩn bị

  • 2 củ cà rốt bào mịn
  • 280 gram bột mì
  • 1/2 thìa cà phê baking soda
  • Bột quế
  • 150 gram đường trắng
  • 4 quả trứng
  • Hạt óc chó
  • Chanh và vỏ cam băm nhuyễn

Cách thực hiện

Trộn bột mì, baking soda, bột quế và cà rốt thật đều rồi để riêng. Trong một chiếc bát khác, bạn trộn 150 gram đường trắng và 4 quả trứng, sau đó dùng máy đánh trứng đánh đều cho đến khi nổi bọt. Bạn có thể cho thêm hạt óc chó vào hỗn hợp, thêm vỏ chanh, vỏ cam và một ít bơ vào trộn đều tới khi cảm thấy bột sệt là được.

Trước đó, hãy làm nóng lò nướng ở 180°C. Đợi khi nhiệt độ lò đã ổn định, bạn cho bánh vào khuôn rồi đem nướng khoảng 30 – 35 phút. Bí quyết để bánh cà rốt thơm ngon hơn là phết một lớp kem phô mai lên bề mặt rồi hãy thưởng thức.

Bạn thấy đấy, mỗi món ăn của con chất chứa vô vàn tình yêu thương của bạn dành cho bé. Vì vậy, bạn có thể tham khảo những công thức mà chúng tôi gợi ý để làm ra các món ăn từ cà rốt thật ngon dành tặng bé yêu nhé!

Marry Baby