Trong bài viết này, mời bạn cùng Marry Baby tìm hiểu thêm về các lợi ích của massage trong việc giảm rạn da khi mang thai, cách massage cho bà bầu tại nhà cũng như những điều mẹ bầu cần lưu ý khi massage với dầu trị rạn nhé.
Bà bầu hay bị rạn da ở vị trí nào?
Nằm sâu dưới lớp da mà mẹ bầu có thể nhìn thấy và chạm vào chính là lớp hạ bì, nơi tập trung nhiều các sợi đàn hồi và mô liên kết giúp tạo nên sự săn chắc cho làn da. Thông thường, các cấu trúc dưới da có khả năng co giãn để thích nghi với sự phát triển của cơ thể. Tuy nhiên, khi da bị kéo căng quá mức, thường là do tăng cân đột ngột hoặc thay đổi hormone khi mang thai, các sợi đàn hồi dễ bị đứt gãy, tạo thành “vết rách” trên bề mặt da mà chúng ta hay gọi là rạn.
Vết rạn xuất hiện nhiều nhất ở vùng bụng vì đây là khu vực tăng kích thước nhanh nhất và phải chịu áp lực lớn nhất trong suốt thai kỳ. Bên cạnh đó, mẹ bầu cũng có thể phát hiện vết rạn ở các khu vực tích trữ nhiều mỡ trong thời gian mang thai như ngực, đùi, mông, hông hay thậm chí là thắt lưng.
Dù vết rạn vô hại và không gây ảnh hưởng gì đến sức khỏe của mẹ cũng như bé, nhiều mẹ bầu vẫn cảm thấy lo lắng về tình trạng rạn da khi mang thai. Thực tế, bạn hoàn toàn có thể chủ động phòng ngừa, hạn chế vết rạn phát triển bằng các biện pháp đơn giản như duy trì mức tăng cân phù hợp, có chế độ tập luyện, vận động nhẹ nhàng xuyên suốt thai kỳ và áp dụng một số cách massage cho bà bầu tại nhà với dầu trị rạn có chứa các dưỡng chất tự nhiên.
Massage – Bí quyết giúp phòng ngừa và giảm rạn da hiệu quả
Như bất kỳ tổn thương nào trên da, vết rạn hoàn toàn có thể được cải thiện nếu chăm sóc kịp thời và đúng cách. Nghiên cứu cho thấy, các vết rạn ở giai đoạn mới hình thành, lúc da đang nỗ lực chữa lành vết thương sẽ dễ cải thiện hơn so với các vết rạn cũ. Vì vậy, mẹ bầu hãy chủ động phòng ngừa và “làm việc” với vết rạn ngay khi chúng vừa mới “chớm” thay vì đợi đến lúc rạn mờ dần và trở thành sẹo vĩnh viễn.
Một trong những cách đơn giản nhất để giúp vết rạn không phát triển rộng hơn, mau lành và ít để lại sẹo là massage bằng dầu trị rạn. Những động tác massage nhẹ nhàng sẽ giúp tăng cường tuần hoàn máu đến vị trí rạn, kích thích sự phát triển của các mô dưới da và đẩy nhanh quá trình loại bỏ tế bào chết. Nhờ đó, vết rạn sẽ lành nhanh hơn, mau mờ và ít để lại sẹo. Ngoài ra, massage còn giúp tăng độ đàn hồi cho da và giảm ngứa, triệu chứng thường thấy khi rạn da xuất hiện.
Một số nghiên cứu cho thấy, việc sử dụng dầu dưỡng khi massage sẽ làm tăng hiệu quả làm mờ và giảm sẹo rạn. Dầu dưỡng có khả năng thâm nhập vào các cấu trúc bị tổn thương nằm sâu dưới da, giúp cung cấp độ ẩm và kích thích quá trình tái tạo da. Để tăng cường hiệu quả, mẹ bầu nên chọn dầu trị rạn có chứa các dưỡng chất tự nhiên như tinh dầu, vitamin A, E…
Ngoài tác dụng làm mờ và giảm thâm rạn, massage còn có khả năng ức chế các hormone gây căng thẳng và trầm cảm trong quá trình mang thai, giúp máu huyết lưu thông, giảm phù nề, cải thiện chất lượng giấc ngủ và giảm tỷ lệ biến chứng khi vượt cạn cho mẹ bầu.
Hướng dẫn cách massage toàn thân với dầu trị rạn cho bà bầu tại nhà
Cách phòng ngừa rạn da tốt nhất là massage các khu vực dễ bị rạn bằng dầu trị rạn mỗi ngày để giữ cho da luôn săn chắc, khỏe mạnh. Mẹ có thể tự massage cho mình hoặc nhờ chồng, người thân hỗ trợ massage các khu vực khó với tới, đặc biệt là khi bụng bầu đã lớn.
Trong giai đoạn đầu, mẹ bầu có thể nằm hoặc ngồi ở tư thế thoải mái để massage. Khi bụng lớn hơn, mẹ nên chọn tư thế nằm nghiêng bên trái bởi tư thế này sẽ góp phần làm giảm áp lực đặt lên dây chằng tử cung của mẹ, đồng thời giúp tối ưu khả năng cung cấp máu và oxy cho bé.
Sau đây, Marry Baby sẽ hướng dẫn bạn cách bôi dầu trị rạn và massage cho bà bầu tại nhà:
Cách massage bụng cho bà bầu
Massage bụng là một cách tuyệt vời giúp mẹ tăng kết nối với bé yêu. Để massage bụng, mẹ hãy cho một ít dầu trị rạn lên hai tay, đặt tay lên bụng và bắt đầu thoa dầu đều quanh bụng. Mẹ lưu ý không ấn vào bụng mà chỉ dùng các ngón tay xoa nhẹ nhàng theo hình xoắn ốc cho đến khi đi hết vòng bụng. Mẹ bầu nhớ đừng bỏ sót hai bên hông vì đây cũng là khu vực dễ bị rạn khi mang thai. Để đảm bảo an toàn khi massage bụng, bạn chỉ nên massage tối đa 5 phút ở khu vực này.
Cách thoa dầu chống rạn da và massage ngực cho bà bầu tại nhà
Massage ngực không chỉ giúp phòng ngừa và làm giảm rạn da mà còn có khả năng làm mềm bầu ngực, tăng cường cung cấp sữa nhằm chuẩn bị cho quá trình nuôi con sau sinh. Để massage ngực, bạn hãy thoa một ít dầu trị rạn lên hai tay, sau đó, đặt bốn đầu ngón tay lên bầu ngực và nhẹ nhàng massage quanh bầu ngực theo hình tròn trong khoảng 5 phút. Bạn lưu ý massage với lực vừa phải và chậm rãi để giúp dầu dưỡng thấm sâu hơn vào da.
Cách massage lưng trị rạn da khi mang thai
Lưng, đặc biệt là thắt lưng, có kết nối chặt chẽ với bụng và cũng là khu vực chịu nhiều áp lực, dễ bị rạn khi mang thai. Để massage lưng, mẹ hãy nhờ đến sự hỗ trợ của chồng hoặc người thân. Cách thoa dầu chống rạn da và massage lưng cho bà bầu tại nhà như sau:
- Đầu tiên, mẹ bầu nằm nghiêng thoải mái trên giường, người massage sẽ đứng ở phía sau lưng bạn.
- Người massage thoa dầu trị rạn lên tay, sau đó đặt hai tay lên lưng của mẹ bầu sao cho các ngón tay hướng về phía thắt lưng, hai ngón cái nằm ở hai bên đốt sống ngực T1.
- Tiếp theo, người massage từ từ ấn ngón cái tại vị trí này, trong khi mẹ bầu thở ra nhẹ nhàng. Người massage lưu ý ấn ngón cái thật nhẹ, sau đó điều chỉnh lực tay cho đến khi mẹ bầu cảm thấy thoải mái, tránh ấn quá mạnh ngay từ đầu vì có thể gây tổn thương đến mẹ bầu.
- Người massage từ từ thả lỏng ngón cái. Lúc này, mẹ bầu bắt đầu hít vào nhẹ nhàng.
- Người massage tiếp tục di chuyển bàn tay đến những vị trí bên dưới và lặp lại các thao tác trên cho tới khi massage được đến vùng thắt lưng (xương cùng).
Ngoài ra, còn một cách massage lưng khác cho bà bầu tại nhà với dầu trị rạn mà bạn có thể áp dụng. Bạn hãy nhờ người thân thoa dầu trị rạn da và dùng ngón cái massage nhẹ nhàng theo hình vòng tròn trên lưng. Lưu ý không massage trực tiếp trên cột sống và nên tập trung vào các vùng dễ bị rạn như hông, thắt lưng. Việc này không chỉ giúp ngăn ngừa tình trạng rạn da mà còn kích thích tuần hoàn máu và giảm đau lưng cho mẹ bầu.
Cách massage đùi và chân với dầu trị rạn cho bà bầu tại nhà
Bạn hãy dùng dầu dưỡng thoa đều và massage nhẹ nhàng dọc theo chân, chú ý các khu vực dễ bị rạn như phía trong đùi, xung quanh đầu gối và bắp chân. Đặc biệt, việc massage chân sẽ giúp mẹ bầu tăng cường lưu thông máu, giảm phù nề ở những tháng cuối thai kỳ. Tuy nhiên, bạn cần tránh massage quanh mắt cá chân và ngón chân út vì đây là những khu vực nhạy cảm, có nhiều huyệt đạo có thể kích thích các cơn gò tử cung.
Những lưu ý khi massage với dầu trị rạn da cho bà bầu tại nhà
Dù mang đến nhiều lợi ích nhưng việc massage với dầu trị rạn da cho bà bầu cần đặc biệt thận trọng, bởi lúc này, cơ thể của các mẹ vô cùng nhạy cảm. Việc thao tác sai hoặc dùng dầu trị rạn không phù hợp có thể gây hại cho cả mẹ và bé.
Theo Hiệp hội Mang thai Hoa Kỳ, bạn có thể bắt đầu massage ở bất kỳ thời điểm nào trong thai kỳ. Tuy nhiên, nên đặc biệt thận trọng ở tam cá nguyệt thứ 1 và thứ 3 vì massage có thể làm tăng nguy cơ sẩy thai hoặc chuyển dạ sớm. Trong quá trình massage, bạn cần lưu ý massage nhẹ nhàng, không nên dùng lực quá mạnh ở một số điểm nhất định trên cơ thể, đặc biệt là ở vùng bụng. Bắt đầu từ tam cá nguyệt thứ 2, bạn nên tránh nằm ngửa khi massage vì điều này có thể gây nhiều áp lực lên lưng và tĩnh mạch chủ. Để đảm bảo an toàn, bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn và hướng dẫn cách massage tốt nhất trong thai kỳ, đặc biệt nếu đang gặp phải các tình trạng sau:
- Bạn bị buồn nôn, nôn hoặc ốm nghén
- Có nguy cơ sảy thai cao
- Gặp các vấn đề nguy hiểm trong thai kỳ như tiền sản giật, huyết áp cao
- Gặp tình trạng huyết khối trong cơ thể
- Bị đau bụng hoặc ra máu trong thai kỳ
- Bị sưng một hoặc cả hai chân
Ngoài ra, để đạt được hiệu quả phòng ngừa và giảm thâm rạn tối ưu, việc lựa chọn loại dầu trị rạn phù hợp cũng rất quan trọng. Theo đó, mẹ bầu nên chọn các loại dầu trị rạn da có nguồn gốc hoàn toàn từ tự nhiên, không chứa các hóa chất có khả năng gây kích ứng da. Một số thành phần nên có trong dầu dưỡng chống rạn tự nhiên, bao gồm:
- Các loại tinh dầu thiên nhiên như tinh dầu oải hương, hoắc hương, hương thảo, cúc vạn thọ: Các loại tinh dầu này chứa nhiều hoạt chất kháng viêm, kháng khuẩn tự nhiên, giúp giảm tình trạng ngứa ngáy, kích ứng da và làm sáng đều màu da.
- Các loại dầu tự nhiên như dầu đậu nành, dầu hạt hướng dương, dầu hoa rum, dầu hạt lựu, dầu hạt jojoba, dầu hạt chia: Có tác dụng dưỡng ẩm, làm mềm và phục hồi hàng rào bảo vệ da, cải thiện các cấu trúc dưới da, từ đó làm mờ sẹo và cải thiện tình trạng rạn da hiệu quả.
- Các loại vitamin như vitamin A và E có nguồn gốc tự nhiên từ dầu mầm lúa mì, dầu hạt tầm xuân: Đẩy nhanh quá trình tái tạo da và ngăn ngừa sự hình thành của sẹo rạn.
- Chất chống viêm bisabolol chiết xuất từ tinh dầu cúc La Mã: Giúp giảm viêm, kháng khuẩn và làm dịu các vùng da bị kích ứng.
- Chất chống oxy hóa tự nhiên tocopherol chiết xuất từ dầu đậu nành và dầu hạt hướng dương: Giúp bảo vệ da khỏi tác hại của ánh nắng mặt trời, cải thiện hệ miễn dịch của da, đẩy nhanh tốc độ tái tạo da mới, làm mờ rạn và sẹo rạn.
Khi đã chọn được loại dầu trị rạn ưng ý, an toàn, mẹ bầu nên bắt đầu áp dụng những cách massage cho bà bầu tại nhà kể trên để ngăn ngừa rạn da ngay từ những tháng đầu tiên của thai kỳ và duy trì thói quen này đến sau khi sinh. Vài phút massage với dầu trị rạn mỗi ngày không chỉ giúp mẹ phòng ngừa rạn da mà đây còn là những giây phút thư giãn quý báu, cho mẹ cơ hội kết nối với cơ thể và em bé trong bụng.