Categories
Sự phát triển của trẻ Chăm sóc bé Năm đầu đời của bé

Bảo quản và pha sữa sai cách cũng có thể gây táo bón ở trẻ

Trong những năm đầu đời, dinh dưỡng là yếu tố quyết định tới sự phát triển não bộ, sức khỏe đường ruột cũng như thể chất của trẻ nhỏ. Ngoài sữa mẹ thì sữa công thức chính là nguồn dinh dưỡng phổ biến và quan trọng thứ hai trong việc hỗ trợ cho quá trình khôn lớn của bé yêu.

Mặc dù sữa công thức đã được cân bằng dưỡng chất theo công thức tiên tiến để bé dễ dàng hấp thu, song nếu pha sữa không đúng cách, mẹ có thể làm hỏng sự cân bằng này. Điều này sẽ ảnh hưởng lớn đến việc hấp thu dinh dưỡng, sức ăn của trẻ hoặc cũng có thể gây ra tình trạng táo bón.

Do đó, ngoài việc chọn sữa công thức tốt cho hệ tiêu hóa của bé thì cách bảo quản và cách pha sữa cho trẻ sơ sinh như thế nào cũng là yếu tố quyết định tới việc hấp thụ, sức khỏe đường ruột cũng như sự phát triển của trẻ. Mẹ hãy theo dõi các thông tin dưới đây để hiểu rõ hơn về vấn đề này và học cách pha sữa, bảo quản sữa chuẩn cho bé nhé.

Các sai lầm phổ biến và tác hại trong cách pha sữa cho trẻ sơ sinh

Nhiều mẹ chưa chú trọng tới cách pha sữa và bảo quản sữa đúng theo hướng dẫn của nhà sản xuất vì nghĩ rằng điều đó không thật sự quan trọng. Tuy nhiên, đây lại chính là một trong các nguyên nhân khiến bé ăn mãi mà không tăng cân hoặc bị táo bón, tiêu chảy triền miên mà mẹ không hiểu vì sao. Mẹ hãy kiểm tra xem mình có mắc phải những sai lầm bên dưới không nhé!

1. Những sai lầm, tác hại liên quan đến bảo quản sữa

Nơi để sữa

Không đậy nắp cẩn thận hoặc đặt lon sữa ở môi trường thừa ẩm sẽ khiến sữa bị ẩm mốc và bột sữa sẽ “bệt” hơn. Ngược lại, đặt sữa ở nơi có ánh nắng mặt trời trực tiếp (như ở gần cửa sổ) hoặc quá nóng (gần bếp nấu hay các thiết bị điện có phát nhiệt như tủ lạnh…) trong thời gian dài cũng sẽ khiến tính chất bột sữa ở trong bị biến đổi.

Những điều này đều có thể gây mất an toàn vệ sinh thực phẩm khiến bé bị nhiễm khuẩn dẫn đến tiêu chảy, gây cản trở việc hấp thu dưỡng chất và gây hại cho hệ tiêu hóa của con, gây ra các vấn đề như táo bón.

Dụng cụ pha sữa

Các dụng cụ pha chế như muỗng múc bột, bình sữa, núm vú, nếu không được vệ sinh sạch sẽ, tiệt trùng với nước sôi trước và sau khi sử dụng, đảm bảo khô ráo… đều có thể ảnh hưởng đến độ an toàn của sữa. Thậm chí, nước dùng để pha sữa cũng cần được đảm bảo là nguồn nước sạch và an toàn.

2. Những sai lầm, tác hại liên quan đến cách pha sữa cho bé

Nhiệt độ nước không đúng

cách pha sữa công thức cho trẻ sơ sinh
Cách pha sữa công thức cho trẻ sơ sinh

Khi pha sữa không đúng nhiệt độ, cụ thể là khi pha sữa với nước không đủ nóng, bột sữa không tan đều và dễ bị vón cục khiến men trong hệ tiêu hóa còn non nớt của bé không hoạt động tốt làm các dưỡng chất không được hấp thu tốt, đồng thời gây đau bụng, khó tiêu hay thường thấy là táo bón. Ngược lại, khi pha sữa với nước quá nóng, những dưỡng chất cần thiết nhưng lại nhạy cảm với nhiệt sẽ bị phân hủy, khiến dinh dưỡng cho bé không còn đảm bảo.

Tự ý pha sữa đặc hơn là một sai lầm phổ biến khác khiến bé bị táo bón

Các mẹ tự ý tăng lượng sữa lên so với lượng nước vì cho rằng khi pha đặc hơn thì con sẽ nhận được nhiều chất hơn. Tuy nhiên, sữa quá đặc làm tăng nguy cơ mất nước ở con, khiến con dễ bị táo bón. Ngoài ra, việc làm này về lâu dài có thể gây tổn thương cho niêm mạc ruột của trẻ vốn còn non nớt và gây rối loạn tiêu hóa.

Ngược lại, cách pha sữa công thức cho trẻ sơ sinh quá loãng lại khiến con không chỉ thiếu dưỡng chất, chậm lớn, mà còn có thể khiến con bị dư nước, làm loãng nồng độ natri hay các chất điện giải trong cơ thể, nặng hơn nữa là tình trạng ngộ độc nước.

Nén chặt sữa

Hành động vô tình gõ muỗng sữa vào thành lon có thể khiến lượng sữa được đong trong muỗng bị nén lại, từ đó, lượng bột sữa “đủ 1 muỗng gạt ngang” sẽ nhiều hơn lượng cần thiết khiến sữa đặc hơn và có thể là nguyên nhân khiến trẻ bị táo bón.

Nghiêm trọng hơn, khi con táo bón, nhiều mẹ lại cho rằng lỗi là do sữa công thức mà không hề cân nhắc đến khả năng là do pha sữa sai cách nên đã vội vàng đổi sữa khác khiến hệ tiêu hóa của con phải thích nghi lại từ đầu. Nếu điều này diễn ra thường xuyên sẽ gây hại cho ruột, từ đó ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển của trẻ.

Đó là lý do vì sao mẹ cần phải tuân thủ nghiêm túc việc pha sữa và bảo quản sữa đúng cách theo hướng dẫn của nhà sản xuất. Cho nên mẹ hãy bắt tay ngay vào việc học cách pha sữa chuẩn cho bé theo hướng dẫn sau đây nhé.

Hướng dẫn cách pha sữa công thức đúng chuẩn

1.  Đọc kỹ hướng dẫn cách pha sữa cho bé của nhà sản xuất có ghi trên bao bì sản phẩm

Ở bất cứ sản phẩm sữa nào nhà sản xuất cũng ghi đầy đủ các thành phần và hướng dẫn cách pha sữa và bảo quản sữa. Đây là liều lượng đã được nghiên cứu và đảm bảo bởi nhà sản xuất, cũng như vượt qua các kiểm định chất lượng gắt gao (đặc biệt đối với các nhãn hiệu sữa từ những nước có quy chuẩn nghiêm ngặt như FDA của Hoa Kỳ…) để đảm bảo cung cấp cho bé dinh dưỡng phù hợp cho việc phát triển. Nếu muốn con hấp thu dinh dưỡng tốt nhất và tránh được các vấn đề về tiêu hóa, phổ biến nhất là táo bón thì mẹ không nên lơ là mà tuân thủ theo đúng từng hướng dẫn nhé.

Mẹ có thể xem hình minh họa về phần hướng dẫn cách pha sữa dưới đây để dễ hình dung hơn.

2. Đảm bảo tỉ lệ bột sữa và nước theo đúng hướng dẫn của từng loại sữa

Tuy cùng là sữa bột nhưng ở mỗi hãng hoặc mỗi dòng sản phẩm lại có cách pha chế với lượng nước và bột sữa khác nhau. Ví dụ: Tỉ lệ bột, nước của sữa Similac được nhà sản xuất đề nghị sử dụng là 1 thìa bột gạt ngang/60ml nước ấm đun sôi, để nguội. Mẹ nên tuân thủ đúng theo định lượng này, bằng cách đong bột sữa tơi sử dụng chính muỗng bột được nhà sản xuất đính kèm theo từng lon sữa, không nén bột, không cho thêm hay bớt nước với cùng 1 định lượng bột sữa.

3. Chú ý tới nhiệt độ nước nhà sản xuất quy định

Như đã đề cập ở trên pha sữa đúng nhiệt độ rất quan trọng đối với việc bảo toàn chất cũng như tiêu hóa và hấp thu của bé. Cho nên mẹ cần phải chú ý đến nhiệt độ của nước pha sữa. Nếu nước quá nóng có thể khiến bé bị bỏng lưỡi còn nước lạnh quá lại khiến sữa không tan đều khiến bé ăn vào bị đau bụng.

Mẹ có thể dùng dụng cụ đo nhiệt độ nước hoặc nhỏ vài giọt nước ra cổ tay mình để thử xem nước có bị nóng quá hoặc nguội quá không trước khi pha sữa và cho bé bú nhé.

4. Chú ý tới việc lựa chọn dụng cụ pha sữa

Dụng cụ pha sữa có ảnh hưởng đến chất lượng, hương vị của sữa cũng như sức khỏe của bé về lâu dài. Ví dụ như mẹ dùng cốc, thìa nhựa kém chất lượng để pha sữa cho con, khi rót nước nóng vào có thể làm các dụng cụ này bị bốc mùi nhựa, từ đó làm hỏng hương vị của sữa.

Chất độc từ nhựa còn có thể gây ung thư và nhiều hệ luỵ cho trẻ trong tương lai. Vì vậy khi chọn dụng cụ ăn uống, mẹ nên lưu ý các điều sau:

  • Làm từ các chất liệu an toàn, chất lượng cao có nhãn mác và hướng dẫn sử dụng cụ thể
  • Phù hợp với độ tuổi của bé
  • Luôn sử dụng thìa múc sữa của nhà sản xuất được đi kèm hộp sữa

5. Chú ý tới việc vệ sinh dụng cụ pha sữa của bé

  • Không vệ sinh dụng cụ pha sữa của bé bằng nước rửa bát mà cần rửa bằng nước rửa chuyên dụng, sau đó tiệt trùng bằng nước sôi và phơi khô ở nơi sạch sẽ.
  • Trước khi cho bé dùng, mẹ nên tiệt trùng bằng nước sôi một lần nữa rồi lau hoặc sấy khô.
  • Luôn bảo quản ở nơi sạch sẽ, thoáng mát.
  • Nên để dụng cụ pha sữa của bé ở một kệ riêng, không để chung với dụng cụ ăn uống của mọi người trong gia đình.
  • Tuyệt đối không cho bé dùng chung dụng cụ pha sữa với người khác.cách pha sữa cho bé

6. Cách bảo quản sữa công thức đã pha

  • Sau khi pha, bạn nên cho bé ăn ngay hoặc nếu muốn cho con ăn sau đó thì không bảo quản sữa đã pha ở nhiệt độ phòng mà nên để trong ngăn mát tủ lạnh ở nhiệt độ từ 2-4°C, nhưng không nên bảo quản sữa đã pha quá 24 giờ. Không bảo quản sữa bột hoặc sữa đã pha ở ngăn đông tủ lạnh. Điều này có thể khiến protein và chất béo của sữa bị tách ra.
  •  Nếu bé ăn một lần không hết trong vòng 1 giờ, mẹ nên bỏ sữa đi, không nên bảo quản để cho bé tiếp tục ăn. Bởi vì khi bú, nước bọt của bé có thể đã làm vi khuẩn bị lây nhiễm vào trong bình sữa. Khi bé bú sữa thừa này rất dễ bị đau bụng, tiêu chảy.
  • Không hâm lại sữa bằng lò vi sóng vì sữa không nóng đều dễ làm bé bị bỏng hoặc đau bụng. Thay vào đó, mẹ nên hâm nóng sữa bằng cách đặt bình sữa vào một bát nước sôi.

Vấn đề về cách pha sữa không chỉ đơn giản là việc làm theo đúng hướng dẫn để con ăn ngon hơn mà quan trọng nhất là để bé có thể hấp thu đầy đủ chất dinh dưỡng, bảo vệ sức khỏe hệ tiêu hóa và tránh được táo bón.

[inline_article id=255656]

Mẹ nên nhớ rằng, rối loạn tiêu hóa hay táo bón không chỉ đến từ những nguyên nhân như bệnh lý, giai đoạn thích nghi đầu đời, chế độ ăn uống của người mẹ mà còn từ cách mẹ pha sữa không chuẩn theo hướng dẫn của nhà sản xuất. Cho nên, khi con bị táo bón, sau khi đã cân nhắc những lý do như bệnh lý, giai đoạn thích nghi, chế độ ăn uống của mẹ mà không phải, mẹ khoan vội kết luận là lỗi của sữa công thức mà hãy kiểm tra xem mình có đang pha và bảo quản sữa chưa đúng cách không nhé.