Trẻ nhỏ thường có xu hướng khám phá mọi thứ xung quanh thông qua những cái chạm tay và không phải bất cứ thứ gì bé chạm vào cũng đều an toàn. Do đó, để đảm bảo sức khỏe cho trẻ, cha mẹ cần rèn cho con cách giữ gìn vệ sinh cá nhân ngay từ nhỏ.
Sự thật là tay nắm cửa, thức ăn, chậu cây cảnh, kể cả đồ chơi của trẻ đều tiềm ẩn nhiều mầm bệnh nguy hiểm. Thói quen thường cho tay vào miệng của trẻ nhỏ vô tình tạo cơ hội cho những mầm bệnh này xâm nhập vào cơ thể.
Trong bài viết dưới đây, Marry Baby sẽ cùng thảo luận với bạn về tầm quan trọng, cũng như mẹo để khắc sâu những thói quen giữ gìn vệ sinh cá nhân cho trẻ. Đừng bỏ lỡ nhé!
Sự cần thiết của việc giáo dục cách giữ gìn vệ sinh cá nhân cho trẻ
Chúng ta đều biết rằng trong giai đoạn phát triển, hệ miễn dịch của trẻ còn khá non nớt. Do vậy, sức chống đỡ bệnh tật và khả năng thích ứng với các điều kiện bên ngoài của trẻ cũng rất kém. Trong khi đó, bất cứ khi nào trẻ chạm vào các bề mặt hoặc vật dụng xung quanh thì những vi khuẩn, virus gây bệnh có thể bám lên tay, từ đó lây nhiễm vào cơ thể trẻ rồi gây bệnh.
Mặt khác, so với người lớn, trẻ không nhận thức tốt vai trò của việc giữ gìn vệ sinh cá nhân. Chính vì lẽ đó, để đảm bảo sức khỏe của con trẻ, việc dạy các bé cách vệ sinh cá nhân và tuân thủ thực hành điều này đúng cách ngay từ nhỏ là điều vô cùng quan trọng.
Các thói quen giữ gìn vệ sinh cá nhân mà phụ huynh có thể dạy cho con
1. Giữ gìn vệ sinh trong vấn đề ăn uống
Thói quen ăn uống không lành mạnh chính là nguyên nhân đưa đến tình trạng ngộ độc thực phẩm ở trẻ. Do vậy, làm cha mẹ, bạn cần phải đảm bảo việc vệ sinh an toàn thực phẩm thật tốt.
Khi dạy con về vấn đề vệ sinh trong ăn uống, bạn nên bắt đầu với những điều cơ bản và hãy giúp con hình dung sơ bộ tác hại của vi khuẩn, virus đến sức khỏe. Đồng thời, bạn cũng cần dạy trẻ về những con đường mà vi trùng có thể xâm nhập vào cơ thể, nhấn mạnh vào những thói quen có thể giúp trẻ phòng ngừa bệnh.
Dưới đây là những điều bạn nên rèn luyện cho trẻ ngay từ những buổi đầu:
- Không được ho, hắt hơi vào thực phẩm hay bất kỳ người nào khác. Khi ho, bé nên quay sang một hướng khác để tránh phát tán mầm bệnh vào thức ăn hoặc người đối diện. Luôn rửa tay thật kỹ với xà phòng diệt khuẩn trước và sau bữa ăn, sau khi ho và hắt hơi.
- Thực hiện thói quen ăn uống lành mạnh cần đi đôi với việc bảo quản thực phẩm đúng cách. Do đó, bạn hãy dạy con cách trữ thức ăn, lấy và cho thức ăn vào tủ lạnh. Ngoài ra, hãy giúp trẻ hiểu được đâu là loại cần trữ lạnh và đâu là thực phẩm lưu trữ được ở nhiệt độ phòng.
- Trong quá trình dùng bữa, cần chuẩn bị cho trẻ khăn giấy hoặc một chiếc khăn sạch để lau tay.
2. Rửa tay đúng cách giúp gìn vệ sinh cá nhân hiệu quả
Các chuyên gia y tế đã khuyến cáo việc rửa tay thường xuyên có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh như tiêu chảy thường gặp ở trẻ. Do đó, bạn hãy hướng dẫn con rửa tay đúng cách theo các bước rửa tay chuẩn sau đây:
- Bước 1: Làm ướt tay bằng nước sạch. Thoa dung dịch nước rửa tay hoặc thoa bánh xà phòng vào lòng bàn tay, sau đó chà hai lòng bàn tay vào nhau.
- Bước 2: Chà lòng bàn tay này lên mu bàn tay kia và ngược lại.
- Bước 3: Chà 2 lòng bàn tay vào nhau, miết mạnh các ngón tay vào các kẽ ngón tay.
- Bước 4: Chà, xoay mặt ngoài các ngón tay của bàn tay này vào lòng bàn tay kia.
- Bước 5: Bàn tay này nắm, vặn nhẹ ngón cái của bàn tay kia và ngược lại.
- Bước 6: Chà các đầu ngón tay này vào lòng bàn tay kia và ngược lại. Rửa lại tay bằng nước sạch và lau khô.
Thói quen rửa tay nên được lặp lại nhiều lần mọi lúc mọi nơi. Bạn có thể tập cho trẻ làm quen với việc này mỗi khi chúng:
- Sau khi sử dụng nhà vệ sinh.
- Sau khi chơi đùa bên ngoài.
- Phụ giúp mẹ làm việc nhà.
- Chạm vào vật nuôi hay tiếp xúc với chất thải của vật nuôi.
- Tiếp xúc với một người bị ốm.
- Trẻ ho hoặc hắt hơi.
- Trước và sau khi dùng bữa…
3. Vệ sinh giấc ngủ cho trẻ (sleep hygiene)
Vai trò của giấc ngủ khá quan trọng với cả trẻ em lẫn người lớn. Bởi khi ngủ, cơ thể trải qua giai đoạn khôi phục lại năng lượng sau một ngày dài.
Khái niệm vệ sinh giấc ngủ có lẽ còn khá mới lạ ở Việt Nam nhưng nó đã được giới thiệu rộng rãi từ năm 1970 tại nhiều nước trên thế giới. Không như những cách giữ gìn vệ sinh cá nhân khác, vệ sinh giấc ngủ tập trung vào những cách thức nhằm mục đích thúc đẩy chất lượng giấc ngủ tốt hơn. Bên cạnh việc can thiệp này, bạn có thể dạy trẻ tầm quan trọng của giấc ngủ để bé duy trì tốt thói quen nghỉ ngơi của mình.
Các chuyên gia về lĩnh vực nhi khoa cho rằng, trẻ nhỏ cần dành ít nhất 10 giờ mỗi ngày để ngủ. Dựa vào những thông tin trên, bạn có thể tập cho con có thói quen ngủ nghỉ tốt bằng cách:
- Tránh để trẻ ngủ quá nhiều giờ vào ban ngày. Vì điều này có thể khiến bé trằn trọc, khó ngủ vào ban đêm.
- Giường là nơi để ngủ, không phải chỗ để xem tivi, chơi game hoặc làm bài tập về nhà. Các bậc phụ huynh cần nghiêm khắc với con vấn đề này nhé!
- Tạo không gian yên tĩnh, thư thái để trẻ dễ chìm vào giấc ngủ hơn. Lời khuyên là bạn có thể dùng đèn mờ hoặc mở các bài hát ru nhẹ nhàng.
- Giữa các thiết bị báo động hoặc gây tiếng ồn lớn xa khỏi nơi trẻ nằm.
- Rèn cho con đi ngủ vào đúng thời gian cố định trong ngày.
4. Vệ sinh dây thanh âm cho trẻ
Vấn đề vệ sinh thanh âm cũng là một phần trong các thói quen giữ gìn vệ sinh cá nhân mẹ nên tập cho trẻ. Chúng ta thường nhận thấy hầu hết trẻ em hay có xu hướng la hét hết mức có thể. Tuy nhiên, nếu bỏ qua và không chú ý, vô tình điều này khiến dây thanh âm của con bạn bị căng quá mức và tệ hơn là dẫn đến hỏng thanh quản.
Dưới đây là một số cách bạn có thể giúp con hiểu và đối phó tốt với tình trạng này:
- Cho trẻ uống đủ nước mỗi ngày để tránh tình trạng mất nước.
- Hạn chế để bé uống nước lạnh hoặc ăn kem quá thường xuyên.
- Khuyến khích con nói bằng một tông giọng khi trò chuyện.
- Việc trẻ hắng giọng có thể gây ảnh hưởng đến cách phát âm của chúng. Vì vậy, mẹ nên ngăn con làm việc này.
- Không để trẻ la hét hay thì thầm quá nhiều vì điều này cũng sẽ khiến dây thanh âm bị căng.
5. Vệ sinh răng miệng
Việc vệ sinh răng miệng là một trong các thói quen giữ gìn vệ sinh cá nhân quan trọng hàng đầu. Bởi lẽ, nếu không được chăm sóc đúng cách, trẻ có thể bị sâu răng, hôi miệng và các vấn đề về răng miệng khác.
Răng có chắc khỏe thì trẻ mới tiêu hóa thức ăn tốt. Hơn nữa, răng cũng đóng vai trò trong việc hỗ trợ phát triển việc phát âm của trẻ. Một số biện pháp dưới đây bạn có thể áp dụng để bảo vệ sức khỏe răng miệng cho trẻ:
- Đảm bảo trẻ đánh răng ít nhất hai lần một ngày.
- Luôn sử dụng bàn chải dành riêng cho trẻ vì chúng nhỏ hơn và “thân thiện” với vùng nướu đang phát triển.
- Với trẻ nhỏ dưới 1 tuổi, mẹ có thể dùng khăn sạch, mềm để vệ sinh vùng nướu cho con. Khi bé bắt đầu mọc răng, lúc này mới có thể dùng bàn chải mềm và một ít nước để vệ sinh răng miệng cho trẻ.
- Bé có thể bắt đầu dùng kem đánh răng dành cho trẻ nhỏ khi được hai tuổi.
- Không nên cho trẻ ngậm đồ ngọt quá lâu trong miệng hay uống sữa trong khi ngủ vì dễ gây sâu răng.
- Trẻ từ 6 tuổi có răng lung lay, mẹ nên để bé lúc lắc cái răng để răng rơi ra tự nhiên giúp con không bị đau hay chảy máu nhiều.
Dạy trẻ cách chải răng đúng
Với những ai lần đầu làm cha mẹ thì những thông tin dưới đây có thể sẽ rất hữu ích. Ngoài ra, bạn có thể làm gương cho con bằng việc chải răng cùng trẻ. Chắc chắn rằng bé sẽ thấy rất hứng thú khi thực hiện điều này cùng bố mẹ đấy!
Cách chải răng đúng:
- Giữ bàn chải ở góc 45 độ so với nướu.
- Di chuyển bàn chải xoay tròn trên từng chiếc răng thật nhẹ nhàng.
- Đảm bảo bàn chải chạm đến các bề mặt răng của bé (khu vực ngoài, trong, mặt trên của răng và vùng nướu xung quanh).
- Để làm sạch bề mặt bên trong triệt để, bạn có thể giữ bàn chải theo chiều dọc và di chuyển lên xuống.
- Dùng mặt chải lưỡi chà nhẹ bề mặt lưỡi để loại bỏ vi khuẩn.
Bạn cũng có thể hướng dẫn con dùng chỉ nha khoa để phòng ngừa sâu răng hiệu quả như sau:
- Lấy khoảng 45 – 50 cm chỉ nha khoa và quấn 2 đầu vào hai ngón tay giữa.
- Sau đó nhẹ nhàng để chỉ nha khoa lọt vào kẽ răng và kéo nhẹ để lấy các mảng thức ăn thừa ra.
- Thực hiện với từng kẽ răng cả hàm trên và hàm dưới.
6. Chăm sóc tóc cho trẻ
Trong vấn đề giữ gìn vệ sinh cá nhân cho trẻ, cha mẹ cũng không nên quên việc chăm sóc tóc. Vệ sinh tóc kém có thể gây ra các vấn đề như gàu, chấy và nhiễm trùng da đầu. Đặc biệt trẻ sẽ dễ mắc phải những tình trạng trên khi nô đùa với bạn bè ở bên ngoài.
Để hạn chế điều này, bạn cần dạy con cách chăm sóc tóc và da đầu như sau:
- Gội đầu cho bé ít nhất hai lần một tuần để loại bỏ dầu nhờn và bụi bẩn trên tóc.
- Khi trẻ đủ lớn để tự gội đầu cho mình, bạn vẫn cần giám sát hoặc hỗ trợ bé thoa dầu gội hoặc xả nước thật sạch.
- Cần có biện pháp điều trị ngay nếu phát hiện trẻ có chấy trên da đầu.
- Với bé gái, mẹ nên hướng dẫn con buộc tóc gọn gàng.
- Nhắc nhở con không đội chung mũ với bạn bè của mình.
Marry Baby