Categories
Sự phát triển của trẻ Trẻ tập đi và Mẫu giáo Cột mốc phát triển của trẻ tập đi và mẫu giáo

Bé 22 tháng tuổi: Sự phát triển và cách chăm sóc con

Thời gian phi nước đại khiến mọi thứ trôi qua thật nhanh. Mới hôm nào mẹ tổ chức thôi nôi cho con mà giờ đây con đã là em bé 22 tháng tuổi với những bước đi cứng cáp. Con thay đổi đến ngỡ ngàng. Con biết chọn lựa món ăn mình thích và dễ nóng giận hơn với mẹ dù đó là người mà con yêu quý nhất. 

Nhưng không sao, con đang trải qua sự phát triển tất yếu để hoàn thiện hơn về thể chất và nhận thức. Vì vậy, mẹ hãy vui mừng trước các cột mốc phát triển mà con đạt được mẹ nhé.

Sự phát triển của bé 22 tháng tuổi

1. Các chỉ số chiều cao, cân nặng của bé 22 tháng tuổi

Nói đến sự phát triển của trẻ 22 tháng tuổi, không thể bỏ qua các chỉ số cân nặng và chiều cao của con. Việc cân đo con hàng tháng mang lại sự háo hức và động lực cho mẹ. Mặt khác, nó cũng phần nào giúp mẹ nắm được tình hình sức khỏe của con.

Giai đoạn này trẻ rất khó tăng cân do rơi vào giai đoạn mọc răng và hay ốm vặt. Vì vậy, mẹ hãy bình tĩnh nếu các chỉ số của con đứng yên, không tăng.

  • Bé 22 tháng tuổi cân nặng bao nhiêu? Cân nặng trung bình của bé gái là 11,5kg, bé trai là 11,7kg.
  • Bé 22 tháng tuổi cao bao nhiêu? Chiều cao trung bình của bé gái là 84,8cm, bé trai là 86cm. 

Nhiều mẹ thắc mắc bé 22 tháng là mấy tuổi? Bé 22 tháng có nghĩa là bé đang được 1 tuổi 10 tháng; và chỉ còn 2 tháng nữa là sắp tròn 2 tuổi rồi mẹ nhé!

>>> Mẹ có thể xem thêm: Tập cho bé ăn cơm, thời điểm đúng và thực đơn chuẩn

2. Các mốc phát triển của bé 22 tháng tuổi

Trẻ 22 tháng biết làm gì? Các mốc phát triển quan trọng của bé 22 tháng tuổi liên quan đến thể chất, trí thông minh, khả năng suy luận và ra quyết định của bé.

Sự phát triển về thể chất của bé 22 tháng tuổi

  • Tự xúc ăn được: Nhờ khả năng phối hợp cơ bắp ngày một tiến bộ, bé xúc ăn ít rơi vãi hơn trước.
  • Bé có thể đóng mở nắp chai, ngăn kéo hay xếp chồng các khối lên nhau một cách thành thạo.
  • Vẽ được một số hình đơn giản: Bé chuyển từ viết nguệch ngoạc sang vẽ các hình đơn giản nhưng có ý nghĩa.
  • Khả năng giữ thăng bằng của bé 22 tháng tuổi tốt hơn. Con có thể sút bóng mà không bị mất đà hoặc vấp bóng. 
  • Ở tuổi này, mẹ có thể nhận biết trẻ thuận tay phải hay tay trái. Nếu con thuận tay trái, mẹ đừng ép con phải làm mọi thứ bằng tay phải. Tốt nhất, mẹ nên khuyến khích trẻ sử dụng cả hai tay.

sự phát triển của trẻ

Bé 22 tháng tuổi và sự phát triển về mặt nhận thức và ngôn ngữ

  • Bé có thể hiểu những mệnh lệnh hơi phức tạp một chút như: “Hãy tìm cái khăn trên giường đưa cho mẹ”. 
  • Bé không còn nói bập bẹ mà câu chữ nghe rõ ràng hơn. Bé cũng hay nói chuyện một mình. Đó chính là cách trẻ tái hiện thế giới của riêng con, những gì con suy nghĩ và trải nghiệm Đây là giai đoạn phát triển tư duy quan trọng để trẻ rèn luyện khả năng ngôn ngữ. Vì vậy, mẹ đừng gây gián đoạn hay ngắt lời bé nhé.
  • Bé 22 tháng tuổi có thể hiểu hàm ý tích cực và tiêu cực của một số từ ngữ. Chẳng hạn muốn khẳng định con sẽ trả lời “có”, nếu không thích điều gì đó, con sẽ nói “không tốt”.
  • Trí nhớ của bé 22 tháng tuổi tốt hơn. Không chỉ nhớ những người thân, quen, con còn nhớ cả địa điểm. Nếu mẹ cho con đến công viên đã từng chơi, khi đến nơi, con sẽ vỗ tay một cách thích thú. Theo nghiên cứu, trẻ thường phát triển trí nhớ vào cuối năm thứ hai. Nhờ đó, thời điểm này, con sẽ hình thành nhận thức về quá khứ và hiện tại cũng như có thể nhận ra mối liên quan giữa hai sự kiện.
  • Bé 22 tháng tuổi có thể phân biệt thực phẩm nào ăn bằng thìa và loại nào ăn bằng đũa.
  • Bé có thể phân biệt chiều xuôi và chiều ngược của đồ vật. Nếu mẹ lật ngược quyển sách bé yêu thích, con sẽ lật quyển sách về đúng chiều của nó.
  • Bé có thể nhớ và đọc theo một vài câu trong các bài hát, bài đồng dao bé hay được nghe. 

Trẻ 22 tháng biết làm gì với sự phát triển về mặt xã hội và cảm xúc

  • Bé 22 tháng tuổi bắt đầu tự tạo thói quen: Ở giai đoạn này, nhờ ý thức độc lập mà trẻ tạo được cho mình những thói quen sinh hoạt tốt như sau khi thức dậy, bé sẽ tự đi vệ sinh, đánh răng, rửa mặt…
  • Gần gũi với bạn đồng trang lứa hơn: Mức độ thân thiết của con với các bé khác tùy thuộc vào sự quen biết cũng như mối quan hệ sẵn có. Con dễ gần gũi và chia sẻ hơn với anh chị em ruột, anh chị em họ hay những người bạn đã quen từ trước.
  • Bé 22 tháng tuổi đã biết thể hiện sự đồng cảm. Ví dụ, nếu mẹ té ngã, con sẽ đến bên cạnh dỗ dành “Nín, nín”.
  • Bé 22 tháng tuổi có thể hiểu những giới hạn được đặt ra như tránh xa ổ cắm điện, không được chạy ra đường… Tuy nhiên, trẻ nhỏ hay quên nên mẹ vẫn phải luôn để mắt đến con mọi lúc mọi nơi. Đồng thời, hãy biến ngôi nhà thành một môi trường an toàn với bé.

Sự phát triển về mặt xã hội và cảm xúc của trẻ 22 tháng tuổi

Hướng dẫn chăm sóc cho bé 22 tháng tuổi

1. Dinh dưỡng cho bé 22 tháng tuổi

Thường bé 22 tháng tuổi sẽ có 16 chiếc răng, chia đều mỗi hàm 8 chiếc. Nhờ đó bé có thể cắn và nhai thức ăn một cách dễ dàng, chuyển sang ăn cơm nhão, cơm nát.

Bé 22 tháng tuổi vẫn cần khoảng 500ml sữa mỗi ngày. Với trẻ bú mẹ, nếu mẹ không còn nhiều sữa, mẹ cần cho bé ăn thêm các chế phẩm từ sữa, uống thêm các loại hạt như sữa đậu nành, sữa óc chó, sữa gạo…

Tuy nhiên, các loại sữa thực vật không thể thay thế cho sữa mẹ hoặc sữa bò, sữa công thức, chỉ nên là thức uống cho bé thay đổi khẩu vị.

  • Sữa đậu nành tuy giàu canxi nhưng chứa phytate, một thành phần có thể cản trở sự hấp thu canxi. 
  • Sữa hạnh nhân giàu vitamin A, D nhưng nếu trẻ dị ứng với các loại hạt thì mẹ nên cẩn thận khi cho bé uống.
  • Sữa gạo an toàn hơn cho bé, giàu khoáng chất nhưng không chứa nhiều đạm và canxi.

Nếu mẹ đã nhiều lần cai sữa cho bé thất bại, hãy thử tham khảo 6 cách cai sữa hiệu quả cho bé hoặc cai sữa bằng trứng gà xem sao nhé. Trong quá trình cai sữa cho bé, để ngực không đau, căng tức, mẹ có thể tìm hiểu cách cách làm mất sữa mẹ tự nhiên sau cai sữa.

Với các loại sữa thực vật, mẹ đừng mua ngoài sẽ không an toàn cho sức khỏe của con. Mẹ hoàn toàn có thể học cách nấu sữa hạt cho bé theo hướng dẫn.

  • Học cách làm sữa hạt óc chó tại đây.
  • Học cách làm sữa hạnh nhân tại đây.
  • Học cách làm sữa gạo tại đây

Dinh dưỡng cho bé 22 tháng tuổi

2. Hoạt động giúp bé 22 tháng tuổi phát triển tốt

Một số mẹo sau sẽ giúp kích thích sự phát triển ở bé 22 tháng tuổi.

– Mặc dù bé 22 tháng tuổi đang trong quá trình phát triển mạnh mẽ nhưng mẹ phải để ý đến giới hạn nhận thức của con mà có cách giáo dục phù hợp. Ở tuổi này, tốc độ nghe hiểu của bé vẫn còn hạn chế. Vì vậy, khi đọc truyện, đọc các bài đồng dao cho bé nghe, mẹ cần đọc chậm rãi, tròn vành rõ chữ. Nếu đọc quá nhanh con sẽ không hiểu, từ đó mà không hứng thú nghe mẹ nữa.

– Hãy lấp đầy sự hiểu biết của bé mọi lúc mọi nơi bằng cách gọi tên (nhiều lần) các đồ vật, con vật, hiện tượng, sự việc… xung quanh bé. Ngay cả khi cho con ra ngoài đi dạo, đi công viên, mẹ cũng nên làm điều này để giúp bé phát triển ngôn ngữ và nhận thức. 

– Để phát triển khả năng ngôn ngữ của bé trong những năm đầu đời,  mẹ hãy luôn nói chuyện với con khi có thể thay vì để con chơi một mình. 

– Cho bé ra ngoài chơi thường xuyên không chỉ giúp con thư giãn, hòa mình vào thiên nhiên mà còn tăng sự phối hợp giữa cơ bắp và trí não. 

3. Cách chăm sóc giấc ngủ bé 22 tháng tuổi

Bé 22 tháng tuổi nên ngủ bao nhiêu giờ mỗi ngày? Khoảng 11 – 12 giờ mỗi đêm kèm thêm giấc ngủ ngắn khoảng 1,5 – 3 giờ trong ngày. Thế nhưng, thực tế nhiều bé lại gặp tình trạng khó ngủ hoặc thường xuyên thức dậy lúc nửa đêm nên tổng thời gian ngủ có thể không đảm bảo.

Cả 2 vấn đề trên đều bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân khác nhau như do mọc răng hay thay đổi thói quen khi ngủ. Điều quan trọng lúc này là mẹ nên tìm hiểu rõ nguyên nhân để có biện pháp can thiệp kịp thời. Lời khuyên là mẹ nên rèn cho con thói quen ngủ đúng giờ, tạo không gian ngủ phù hợp để hạn chế tình trạng trẻ giật mình thức giấc về đêm.

Một đứa bé 22 tháng tuổi thức dậy la hét vào ban đêm có thể đang gặp phải nỗi kinh hoàng về đêm. Khủng hoảng ngủ ban đêm được định nghĩa là một giai đoạn khóc hoặc la hét nhưng trẻ không thực sự thức dậy. Đừng cố đánh thức con trong cơn kinh hoàng ban đêm; chỉ cần cố gắng hết sức để đưa trẻ trở lại giấc ngủ ngon bằng cách vỗ về trẻ. Và hãy chắc chắn rằng chỗ ngủ của trẻ an toàn để tránh bị thương nếu trẻ vùng vẫy.

Hiện chưa rõ nguyên nhân gây ra chứng kinh hoàng về đêm, những căng thẳng, thay đổi thói quen và tình trạng mệt mỏi đều có thể đóng một vai trò quan trọng trong hiện tượng này. Vì vậy, hãy cố gắng duy trì một thói quen đi ngủ điều độ và cho bé 22 tháng tuổi đi ngủ đủ sớm để con có thể được nghỉ ngơi cả đêm.

4. Giúp con tạo thói quen vệ sinh cá nhân

Ở tuổi này, bé đã đủ nhận thức để học rửa tay đúng cách nhằm ngừa bệnh tật, hạn chế mầm bệnh, virus gây bệnh “tiến vào” cơ thể.

Nếu chỗ rửa tay cao quá tầm của bé, mẹ hãy đặt một bục nhỏ để trẻ có thể bước lên và với tới vòi nước.

Dạy bé rửa tay đúng cách

Hãy chỉ cho con cách mở và đóng vòi nước. 

Sau đó, hướng dẫn trẻ thực hiện các bước sau:

  • Rửa tay dưới vòi nước. Cho xà phòng vào lòng bàn tay.
  • Xoa đều lòng bàn tay, mu bàn tay, các kẽ ngón tay, đầu ngón tay ít nhất 20 giây. 
  • Chà mặt ngoài các ngón tay của bàn tay này vào lòng bàn tay kia.
  • Dùng bàn tay này xoa xoa ngón cái của bàn tay kia và ngược lại.
  • Cuối cùng, rửa sạch xà phòng và lau khô tay bằng khăn riêng của bé.

Vì bé không biết ước lượng thời gian nên mẹ có thể dạy con một bài hát thiếu nhi nào đó. Khi rửa tay con sẽ hát. Quy ước với bé bài hát kết thúc cũng là lúc con hoàn thành việc rửa tay.

Để hạn chế vi khuẩn dính vào tay, mẹ nhớ chỉ cho trẻ cách ho hoặc hắt hơi vào khuỷu tay thay vì bàn tay.

[inline_article id=3061]

Lời khuyên của bác sĩ để bé 22 tháng tuổi phát triển tốt

1. Lưu ý đối với bé

Bé 22 tháng tuổi rất dễ nhiễm bệnh do hệ miễn dịch còn suy yếu. Vì vậy, đảm bảo lịch chích ngừa cho bé theo chương trình tiêm chủng mở rộng vẫn là cách tốt nhất để bảo vệ sức khỏe của con.

Mặt khác, sự xuất hiện của virus corona đã đe dọa cuộc sống của nhiều người, trẻ em cũng không là ngoại lệ. Tuy nhiên, hiện chưa có thuốc chủng ngừa Covid-19 cho trẻ nhỏ. 

Để bảo vệ con trước dịch bệnh Covid-19 cũng như các bệnh truyền nhiễm khác, các thành viên trong gia đình hãy thực hiện những cách sau để tiêu diệt virus hoặc hạn chế virus xâm nhập vào cơ thể.

  • Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc nước diệt khuẩn, nhất là khi ra ngoài về, trước bữa ăn, sau khi đi vệ sinh.
  • Luôn đeo khẩu trang khi ra ngoài.
  • Người lớn trong nhà mắc các bệnh dễ lây nhiễm như cảm cúm, cảm lạnh, viêm hô hấp, thủy đậu, sởi, quai bị, rubella, tay chân miệng… thì phải được cách ly, không đến gần trẻ.
  • Bổ sung đều đặn các thực phẩm lành mạnh như rau củ, trái cây, hạn chế ăn các món chiên rán nhiều dầu mỡ, bánh, kẹo, nước ngọt…
  • Tập thể dục hàng ngày (yoga, bơi lội, đi bộ…) để tăng cường sức khỏe.
  • Thường xuyên vệ sinh nhà cửa, giặt giũ chăn màn, giữ cho nhà cửa thông thoáng, có ánh nắng chiếu vào, vệ sinh đồ chơi cho bé bằng xà phòng…

Chăm sóc bé 22 tháng tuổi

2. Cách chăm sóc bản thân dành cho mẹ

Cuộc sống có thể trở nên vô cùng bận rộn và hỗn loạn khi mẹ đang nuôi một bé 22 tháng tuổi. Để giúp đối phó với những thách thức của giai đoạn này, mẹ cần biết cách chăm sóc bản thân.

  • Nhờ sự hỗ trợ của chồng hoặc các thành viên trong gia đình: Việc chăm sóc bé 22 tháng tuổi sẽ tốn rất nhiều năng lượng và có thể khiến mẹ nhanh chóng mệt mỏi. Mẹ sẽ biết khi nào mình hết năng lượng. Trong những lúc như vậy, mẹ có thể liên hệ để xem chồng, hoặc thành viên gia đình hoặc người trông trẻ có thể đảm nhận việc này trong một hoặc hai giờ hay không. Hãy dành một khoảng “me-time” để làm điều gì đó chỉ dành cho mẹ sẽ giúp mẹ có cơ hội sạc lại pin.
  • Để tránh cảm giác bị cô lập, mẹ có thể kể chuyện cho bé 22 tháng tuổi tại thư viện hoặc trung tâm cộng đồng. Hoặc mẹ có thể gặp gỡ bạn bè và con cái của họ tại sân chơi hoặc công viên; hoặc gặp gỡ những phụ huynh trong nhà trẻ nơi con học để chia sẻ những câu chuyện và mẹo nuôi dạy con.
  • Tạo ra một mối liên kết với các bậc cha mẹ hỗ trợ có nghĩa là mẹ sẽ có một người nào đó để trò chuyện trong hoàn cảnh tương tự. Điều này có thể giúp giảm bớt một số căng thẳng hoặc lo lắng mà mẹ cảm thấy khi giải quyết tất cả những thăng trầm của việc nuôi dạy trẻ 19 tháng tuổi.

Có thể nói, cứ sau một tháng, con như biến thành một đứa trẻ khác, một “phiên bản” hoàn hảo hơn. Hãy vui mừng vì em bé 22 tháng tuổi của mẹ luôn khỏe mạnh và phát triển tốt. Để duy trì điều này, nhớ là đừng quên bổ sung kiến thức, kỹ năng chăm sóc con nhé. Chẳng bao lâu mẹ sẽ trở thành “chuyên gia” chăm trẻ cho mà xem.

Hương Lê

Categories
Nấu ăn ngon Gia đình

4 cách làm sữa hạnh nhân siêu ngon với yến mạch, óc chó và đậu đen cho mẹ và bé

cách làm sữa hạnh nhân cho bé
Cách làm sữa hạnh nhân không hề khó mà rất đơn giản

Sữa hạnh nhân rất ít calo giúp mẹ giảm cân

Sữa hạnh nhân có hàm lượng calo rất thấp. Một cốc sữa hạnh nhân 240ml không đường chỉ cung cấp 30-50 calo so với sữa bò nguyên chất là 146 calo.

Một cốc sữa hạnh nhân 240ml cũng chỉ chứa 1-2g carb, phần lớn là chất xơ. Trong khi đó sữa bò lại chứa tới 13g carb, phần lớn là đường.

Để có thể giảm cân, bạn hãy đọc kỹ thành phần dinh dưỡng khi mua sản phẩm, chọn loại sữa hạnh nhân không đường hoặc hạt hạnh nhân không muối.

Sữa hạnh nhân giàu vitamin E

Một cốc sữa hạnh nhân 240ml cung cấp đến 50% lượng vitamin E cơ thể cần mỗi ngày. Trong khi đó, sữa bò nguyên chất lại hầu như không có vitamin E.

Vitamin E là chất chống oxy hóa mạnh mẽ, giúp giảm viêm, ngăn ngừa bệnh tim mạch và ung thư, tốt cho xương và mắt. Vitamin E cũng tốt cho não bộ, giúp giảm căng thẳng và tăng cường trí nhớ.

Trẻ em có uống sữa hạnh nhân được không?

Cách làm sữa hạnh nhân cho bé
Trẻ có thể bị thiếu chất nếu chỉ uống sữa hạnh nhân

Trẻ dưới 1 tuổi chỉ nên uống sữa mẹ và sữa công thức. Trẻ tập đi có thể uống sữa hạnh nhân để đổi vị một chút, nhưng không thể thay thế cho sữa mẹ hay sữa công thức.

Nếu trẻ bị dị ứng với lactose trong sữa bò thì bạn có thể bổ sung cho bé sữa hạnh nhân. Tuy nhiên, sữa hạnh nhân mà bạn tự nấu tại nhà thường không chứa canxi hay vitamin D cần thiết cho bé. Trong khi đó, sữa hạnh nhân mua ở siêu thị đã được các nhãn hàng tăng cường vitamin D, A và canxi. Bên cạnh đó, bé còn phải bổ sung thêm rất nhiều chất béo và protein ở các nguồn khác.

Như vậy, xét về mặt dinh dưỡng cần thiết cho sự phát triển thể chất và não bộ ở trẻ tập đi, thì sữa bò vượt trội về mặt chất béo, protein, đường tự nhiên, canxi và các vitamin thiết yếu.

Do đó sữa hạnh nhân chỉ là món uống đổi vị thỉnh thoảng cho bé, không thể thay thế sữa mẹ, sữa công thức và cả sữa bò. Hơn nữa, trẻ có thể bị dị ứng với các loại hạt dẫn đến đau bụng, tiêu chảy. Nên ban đầu, bạn chỉ nên cho bé uống thật ít sữa hạnh nhân để thăm dò thôi nhé.

[inline_article id=176974]

4 cách làm sữa hạnh nhân thơm ngon, bổ dưỡng

1. Cách làm sữa hạnh nhân cho bé

Nguyên liệu:

  • 100g hạnh nhân (nấu ra được 1 lít sữa hạnh nhân). Bạn chọn mua loại không muối, không gia vị
  • 150g đường
  • 1 lít nước lọc

Cách làm sữa hạnh nhân cho bé:

  • Ngâm hạnh nhân vào nước ấm trong 4 giờ. Nếu ngâm nước lạnh thì từ 6-8 tiếng, không ngâm lâu hơn vì sẽ làm sữa hạnh nhân có vị chua, nhanh hỏng. Mục đích ngâm hạnh nhân là để dễ tách vỏ, vì trong vỏ hạnh nhân còn nhiều chất không tốt cho cơ thể.
  • Hạnh nhân sau khi ngâm thì bóc vỏ, rửa sạch lại với nước lọc và để ráo.
  • Cho hạnh nhân và nước lọc vừa đủ vào máy xay nhuyễn. Xay càng nhuyễn thì sữa càng đặc và ngon.
  • Sau đó bạn trút hết phần hạnh nhân xay vào rây lọc, chầm chậm đổ hết phần nước lọc còn lại vào, rây cho ra hết sữa. Bã hạnh nhân có thể dùng bón cây.
cách làm sữa hạnh nhân cho bé
Cho hết phần nước còn lại vào để lọc sữa
  • Cho đường vào, bắc lên bếp đun lửa vừa. Khuấy đều cho đường tan.
  • Sữa vừa sôi thì tắt bếp.
  • Dùng rây lọc sữa vào ca thủy tinh để loại bỏ lớp bọt.
cách nấu sữa hạnh nhân
Sữa hạnh nhân rất thơm, màu trắng bắt mắt, giàu chất béo thực vật tốt cho cơ thể

2. Cách làm sữa óc chó hạnh nhân

Nguyên liệu:

  • 50g hạnh nhân + 50g óc chó (đã tách vỏ)
  • 800ml nước
  • 30g đường

Cách làm sữa óc chó hạnh nhân:

  • Bạn đổ 800ml nước vào máy xay, cho hạnh nhân và óc chó vào xay nhuyễn.
  • Dùng rây hoặc túi vải để lọc bỏ phần bã. Không nên vắt quá mạnh tay, sẽ khiến bã hạnh nhân và óc chó lọt qua kẽ vải, khiến sữa bị kết tầng.
  • Bạn bật bếp lửa vừa để đun phần sữa thu được trong 15 phút. Không nên đun đến sôi sẽ làm chết một số men sữa.
  • Thêm khoảng 30g đường vào khuấy đều là có thể dùng được.
Cách làm sữa óc chó hạnh nhân
Hạt óc chó giàu chất chống oxy hóa và omega-3 cũng như các lợi khuẩn tốt cho đường ruột

3. Cách làm sữa hạnh nhân yến mạch

Nguyên liệu:

  • 60g yến mạch
  • 40g hạnh nhân
  • 30g đường

Cách làm sữa hạnh nhân yến mạch:

  • Hạnh nhân ngâm trong nước ấm nóng khoảng 4 tiếng hoặc ngâm trong nước lạnh từ 6-8 tiếng. Sau đó tách vỏ lấy hạt rửa sơ lại với nước lọc.
  • Yến mạch ngâm trong nước ấm khoảng 2 giờ, thay nước 1-2 lần. Sau đó rửa sạch lại với nước lọc.
  • Cho yến mạch và hạnh nhân vào máy cùng 1,5 lít nước lọc và xíu muối, xay nhuyễn.
  • Bạn dùng rây lọc lấy sữa, bỏ phần xác.
  • Bắc lên bếp đun lửa vừa khoảng 15 phút thì tắt bếp. Bạn cho đường vào khuấy đều, có thể thêm chút hương vani cho thơm.

Uống nóng hoặc bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh khoảng 2 ngày.

Cách làm sữa hạnh nhân yến mạch
Yến mạch giàu chất xơ hòa tan, giúp giảm cholesterol và lượng đường trong máu, đồng thời giúp bạn mau no

4. Cách làm sữa óc chó hạnh nhân đậu đen

Nguyên liệu:

  • 50g óc chó
  • 50g hạnh nhân
  • 50g đậu đen
  • 750ml nước
  • 1 chút hương vani

Cách làm sữa óc chó hạnh nhân đậu đen:

  • Ngâm đậu đen từ 8-10 giờ
  • Ngâm hạt hạnh nhân và óc chó trong nước ấm khoảng 4 giờ, sau đó tách vỏ. Nếu không thích vị chát của lớp vỏ lụa óc chó thì bạn nên bóc bỏ đi.
  • Cho đậu đen, hạnh nhân và óc chó vào máy xay nhuyễn với 750ml.
  • Lọc bỏ xác.
  • Phần sữa thu được đem đun nóng trên lửa vừa, cho thêm đường vào khuấy đều tay. Tắt bếp.
  • Thêm ít vani vào để át mùi óc chó.
Cách làm sữa óc chó hạnh nhân đậu đen
Đậu đen giàu canxi, magie, mangan, phốt pho và sắt, rất tốt cho xương khớp. Chất xơ trong đậu đen còn giúp giảm nguy cơ tiểu đường và táo bón

Sữa hạnh nhân tự nhiên không có nhiều canxi, do đó để không bị thiếu hụt canxi, bạn nên bổ sung thêm phô mai, sữa chua, cá, rau lá xanh và các loại đậu cho bé nhé. Mẹ đang cho con bú không nên xem sữa hạnh nhân là nguồn thay thế cho sữa bò, vì như vậy có thể ảnh hưởng đến dưỡng chất từ sữa mẹ sang con. Chúc mẹ có sự lựa chọn chính xác cho bản thân và bé yêu.

Xuân Thảo