Categories
Sau khi sinh Dinh dưỡng sau sinh

Các món cháo ngon từ chân giò heo cho mẹ nhiều sữa, bé khỏe mạnh

cách nấu cháo chân giò cho mẹ sau sinh
Cách nấu cháo chân giò cho mẹ sau sinh

Chân giò thuộc phần chi trước và chi sau của con heo, bao gồm cả phần da bên ngoài, thịt và gân bao quanh xương. Đây là loại thực phẩm thông dụng có mùi vị thơm ngon và có giá trị dinh dưỡng cao. Chân giò nhiều vitamin và khoáng chất cần thiết cho phụ nữ đang mang thai, đang cho con bú và cho trẻ nhỏ.

Cứ trong 100g chân giò có chứa 15,8g protit; 26,3g mỡ; 1,7g chất tổng hợp. Các chất dinh dưỡng trong móng giò có thể giúp mẹ tăng sức đề kháng, hồi phục sức khỏe, phòng ngừa các chứng bệnh như chảy máu đường hô hấp, đồng thời cải thiện vi tuần hoàn của cả cơ thể, qua đó có thể phòng ngừa hoặc giảm nhẹ bệnh tim và não thiếu máu.

Thêm vào đó, móng giò còn giúp tăng nhanh sự trao đổi chất, chữa trị bệnh mất ngủ, suy nhược thần kinh, cải thiện chứng căng thẳng và trầm cảm.

Mẹ bầu sau khi sinh ăn chân giò sẽ giúp tuyến sữa hoạt động tốt hơn, tăng tiết sữa, khiến mẹ có nguồn sữa dồi dào cho bé bú.

Chân giò heo khá giàu collagen nên khi ăn món này, chị em phụ nữ sẽ sở hữu làn da mịn màng, tươi trẻ mỗi ngày. Đây được coi là công dụng tuyệt vời đối với chị em phụ nữ, nhất là với các mẹ sau sinh – khi làn da của mẹ phải đối mặt với hiện tượng nám, mụn… trong quá trình mang thai.

[inline_article id=192252]

Cách chọn mua chân giò heo ngon

Nhiều lợi ích là thế, nhưng không phải ai cũng biết chọn mua chân giò heo ngon, an toàn và giá cả phải chăng. Xin bật mí cho các bạn một số mẹo chọn chân giò ngon.

Nên chọn chân giò sau vì phần chân giò sau nhiều thịt hơn. Chú ý lựa chọn chân giò có phần thịt màu đỏ tươi, da mỏng, trắng trẻo, có độ đàn hồi tốt vì ngon và tươi. Phần móng vẫn nguyên vẹn, không long. Không nên mua giò heo có vết bầm hoặc xuất huyết trên da.

Hãy chọn mua chân giò heo ở nơi bạn thật sự tin tưởng về nguồn gốc của sản phẩm. Sản phẩm phải có chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm, được bảo quản và vận chuyển đúng quy cách.

Một số cách nấu cháo chân giò heo

Chân giò heo
Nên chọn chân giò sau thịt sẽ ngon hơn

1. Cách nấu cháo chân giò heo cơ bản

Nguyên liệu

  • 1 cái chân giò heo
  • 1 lượng vừa đủ gạo tẻ
  • Hành lá, rau mùi (ngò rí)
  • Gia vị: muối, hạt nêm, tiêu bột, nước mắm

Cách nấu cháo chân giò heo cơ bản

  • Chân giò heo chặt thành từng khoanh vừa ăn, rửa sạch rồi bỏ vào nồi nước đun sôi để loại bỏ cặn bẩn. Đem bỏ nước đầu, rửa sạch lại giò rồi cho thêm nước, chút muối, 1 củ hành tím đập giập vào hầm. Thỉnh thoảng bạn mở nắp vớt hết bọt nổi. Việc này giúp nước dùng trong hơn.
  • Gạo vo sạch, đem ngâm với nước ấm trong 10 phút để mềm hơn. Khi chân giò heo đã chín mềm thì cho gạo vào, nấu cho tới khi nhừ hẳn. Khi gạo chín nhuyễn thì nêm cháo với xíu nước mắm, hạt nêm cho vừa vị.
  • Cuối cùng, bạn tắt bếp, múc cháo ra tô, rắc thêm hành lá thái nhuyễn, rau mùi cắt khúc cùng hạt tiêu đã xay nhuyễn vào. Nếu cháo nấu cho bé thì không cần nêm tiêu, hành. Dùng cháo khi còn ấm.

2. Cách nấu cháo chân giò heo đậu xanh/đậu đen/đậu đỏ

Đậu đỏ
Đậu đỏ

Nguyên liệu

  • Chân giò heo 1 cái
  • Gạo tẻ 200g
  • Đậu xanh/đậu đen/đậu đỏ 100g
  • Hành lá, rau mùi (ngò rí)
  • Gia vị: muối, hạt nêm, tiêu bột, nước mắm

Cách nấu cháo chân giò heo đậu xanh/đậu đen/đậu đỏ

  • Gạo vo sạch và ngâm với một chút nước ấm để gạo dễ nở.
  • Đậu xanh/đậu đen/đậu đỏ rửa sạch, ngâm khoảng 30 phút cho vỏ tách ra, bỏ đi phần vỏ. Nếu là đậu đỏ/đậu đen thì ngâm lâu hơn và không cần bỏ vỏ.
  • Chân giò heo chặt thành từng khoanh vừa ăn, rửa sạch rồi bỏ vào nồi nước đun sôi để loại bỏ cặn bẩn. Sau đó, cho vào nồi cùng 2 lít nước và hầm cho mềm. Bạn nhớ vớt bọt để nước dùng được trong.
  • Sau khoảng nửa tiếng, bạn cho gạo và đậu xanh/đen/đỏ vào nồi, dùng thìa khuấy thật đều. Tiếp tục nấu cho đến khi gạo, đậu nhừ. Nêm gia vị vừa ăn rồi tắt bếp.
  • Cuối cùng bạn tắt bếp, múc cháo ra tô, rắc thêm hành lá thái nhuyễn, ngò rí cắt khúc cùng hạt tiêu đã xay nhuyễn vào. Nếu cháo nấu cho bé thì không cần nêm tiêu hành. Dùng cháo khi còn ấm.

3. Cách nấu cháo chân giò heo hạt sen

Cách nấu cháo chân giò heo hạt sen
Cách nấu cháo chân giò heo hạt sen

Nguyên liệu

  • Chân giò heo 1 cái
  • Gạo tẻ 200g
  • Hạt sen 200g
  • Hành lá, rau mùi
  • Gia vị: muối, hạt nêm, tiêu bột, nước mắm

Cách nấu cháo chân giò heo hạt sen

  • Gạo tẻ bạn vo sạch rồi ngâm với chút nước ấm để cho gạo nở. Hạt sen khô bạn ngâm ngập nước, đun sôi khoảng 25–30 phút cho hạt sen nở to và đều. Nếu mua được hạt sen tươi thì bỏ qua bước này.
  • Chân giò heo chặt thành từng khoanh vừa ăn, rửa sạch. Cách làm sạch giống cách nấu cháo chân giò cơ bản. Sau đó, cho chân giò heo vào nồi cùng 2 lít nước, ít muối, một củ hành tím đập giập và hầm cho mềm. Bạn nhớ vớt bọt để nước dùng được trong.
  • Tiếp theo, bạn cho gạo, hạt sen vào nồi chân giò hầm. Nấu cho đến khi cháo, chân giò và hạt sen chín nhừ. Khi cháo chín thì bạn múc ra tô, có thể thêm hành lá, rau thơm và hạt tiêu tùy vào ý thích.

4. Cách nấu cháo chân giò heo nấm rơm/nấm hương

nấm rơm
Nấm rơm

Nguyên liệu

  • 100g gạo tẻ
  • 1 chân giò heo
  • 200g nấm rơm/nấm hương
  • Nấm hương, hành lá
  • Gia vị: muối, tiêu bột, hạt nêm

Cách nấu chân giò heo nấm rơm/nấm hương

  • Chân giò chặt thành miếng vừa ăn, rửa thật sạch với muối. Nấm hương ngâm với nước ấm cho mềm, cắt chân cuống, rửa sạch, để ráo. Nếu nấu với nấm rơm thì cắt chân, rửa sạch và ngâm với nước muối 15 phút rồi để ráo.
  • Hành lá nhặt bỏ phần lá vàng úa, cắt rễ, rửa sạch, thái nhỏ. Gạo tẻ vo sạch, ngâm với nước ấm cho nở.
  • Chân giò heo chặt thành từng khoanh vừa ăn, rửa sạch. Cách làm sạch giống cách nấu cháo chân giò cơ bản. Sau đó, cho chân giò heo vào nồi cùng 2 lít nước, ít muối, một củ hành tím đập giập và hầm cho mềm. Bạn nhớ vớt bọt để nước dùng được trong. Tiếp đến bạn cho gạo ngâm mềm vào nấu cháo đến khi chín nhừ.
  • Bắc chảo lên bếp, phi thơm ít tỏi với dầu ăn rồi cho nấm rơm/nấm hương vào xào. Nêm xíu gia vị rồi tắt bếp. Bước này sẽ giúp nấm thấm gia vị và có hương vị thơm ngon hơn là thả nấm trực tiếp vào nồi cháo.
  • Sau đó, bạn cho nấm rơm/nấm hương vào nồi cháo. Đun thêm xíu cho mọi thứ hòa vào nhau thì nêm nếm lại rồi tắt bếp.
  • Múc cháo chân giò heo ra tô, thêm hành lá thái nhỏ và rắc chút tiêu bột vào rồi thưởng thức ngay.

5. Cách nấu cháo chân giò heo khoai tây, cà rốt

Cách nấu cháo chân giò heo khoai tây, cà rốt

Nguyên liệu

  • 100g gạo tẻ
  • 1 chân giò heo
  • 2 củ khoai tây
  • 2 củ cà rốt
  • Nấm hương, hành lá
  • Gia vị: muối, tiêu bột, hạt nêm

Cách nấu chân giò heo khoai tây, cà rốt

  • Chân giò chặt thành miếng vừa ăn, rửa thật sạch với muối.
  • Khoai tây, cà rốt gọt vỏ, rửa sạch, cắt miếng vừa ăn. Hành lá bỏ phần lá vàng úa, cắt rễ, rửa sạch, thái nhỏ. Gạo tẻ đem vo sạch, ngâm với nước ấm cho nở.
  • Chân giò heo chặt thành từng khoanh vừa ăn, rửa sạch. Cách làm sạch giống cách nấu cháo chân giò cơ bản. Sau đó, cho chân giò heo vào nồi cùng 2 lít nước, ít muối, một củ hành tím đập giập và hầm cho mềm. Bạn nhớ vớt bọt để nước dùng được trong. Tiếp đến bạn cho gạo ngâm mềm vào nấu cháo đến khi chín nhừ.
  • Sau đó cho cà rốt, khoảng 10 phút sau mới cho khoai tây vào. Do cà rốt cứng hơn khoai tây, nếu cho vào cùng lúc sẽ làm khoai tây nát nhanh hơn cà rốt. Hầm tiếp cho đến khi chân giò, khoai, cà rốt mềm thì nêm thêm nước mắm, 1 củ hành tím.
  • Múc cháo chân giò heo ra tô, thêm hành lá thái nhỏ và rắc chút tiêu bột vào rồi thưởng thức ngay.

Lưu ý khi nấu cháo chân giò heo

  • Chân giò heo chứa nhiều protein và chất béo, do đó không nên ăn quá nhiều. Đặc biệt với những bà bầu bị thừa cân, dư cân, tăng cân mất kiểm soát thì nên hạn chế ăn chân giò. Nên kết hợp ăn chân giò với những thực phẩm khác như rau củ để đảm bảo cân bằng dinh dưỡng.
  • Mặc dù chân giò giúp tạo sữa nhưng không nên quá lạm dụng. Để tạo nguồn sữa nhiều và chất lượng mẹ nên ăn đa dạng các loại thực phẩm (nhóm tinh bột, đạm, chất béo, chất xơ và vitamin…) để phục hồi sức khỏe của mẹ và sự phát triển của thai nhi.

TÚ QUYÊN