Categories
Mang thai Chăm sóc mẹ bầu

Cách nấu các món cháo giải cảm cho bà bầu

cảm cúm khi mang thai
Mẹ bầu cần cẩn thận không nên để mắc cúm, tìm hiểu ngay cách nấu cháo giải cảm cho bà bầu

Mẹ bầu mắc cúm không chỉ hại bản thân mà còn hại cho cả em bé, khiến trẻ có nguy cơ sinh non hoặc nhẹ cân, dị tật. Trong trường hợp nặng, thai có thể chết lưu.

Mẹ bầu bị cúm có thể biến chứng thành viêm phế quản, viêm phổi, bị nhiễm trùng máu hoặc tai, có thể dẫn tới sốc nhiễm trùng, viêm màng não hoặc viêm não.

Do đó, bạn nên tiêm phòng cúm trước khi có ý định mang thai. Sau khi phát hiện có thai, bạn vẫn có thể tiêm phòng. Kháng thể sẽ theo nhau thai tăng cường miễn dịch cho cả em bé.

Có rất nhiều chủng cúm khác nhau, do đó sau khi tiêm phòng, mẹ bầu vẫn có thể bị mắc cúm nhưng nguy cơ thấp hơn. Cháo là một trong những món ăn giải cảm cho bà bầu rất hiệu quả. Trong trường hợp này, mẹ có thể nấu các món cháo sau để ăn giải cảm:

1. Cách nấu cháo giải cảm cúm cho bà bầu với tía tô, trứng gà

Cách nấu cháo giải cảm với tía tô, trứng gà
Cách nấu cháo giải cảm với tía tô, trứng gà

Nguyên liệu

  • 2 quả trứng gà so
  • 1 nhúm lá tía tô
  • Vài cọng hành lá
  • 200g gạo

Cách nấu cháo giải cảm cho bà bầu 

  • Gạo ngâm trước cho nở ra, nấu nhanh chín. Vo gạo, cho nước vào nồi nấu cháo.
  • Bạn giữ nước vo gạo để rửa rau tía tô.
  • Khi cháo sôi, bạn vặn nhỏ lửa, mở hé vung để cháo không trào ra.
  • Thái nhỏ hành và lá tía tô.
  • Khi cháo nhừ, bạn cho 1 thìa cà phê hạt nêm, 1/2 thìa súp mắm cho thơm. Đập 2 quả trứng gà so vào nồi cháo, khuấy cho trứng chín.
  • Múc cháo nóng ra bát, cho hành lá và tía tô vào ăn nóng để giải cảm.

2. Cách nấu cháo gà tía tô giải cảm

Cách nấu cháo gà tía tô giải cảm
Cách nấu cháo tía tô cho bà bầu

Nguyên liệu

  • Nửa con gà, nếu không thích cháo nhiều mỡ thì bạn bỏ bớt phần da gà
  • 200g gạo nếp
  • Vài củ hành tím
  • Lá tía tô, húng quế, hành, ngò (rau mùi)
  • 2 quả trứng gà

Cách làm

  • Gạo nếp ngâm sẵn, sau đó vo sạch, cho vào máy xay nát một chút (như gạo tấm) để nấu cháo nhanh nhừ.
  • Đập 2 quả trứng gà vào bát, cho thêm 1 thìa canh nước lọc vào đánh trứng đều, nêm thêm ít muối.
  • Hành lá thái nhỏ, phần đầu cọng hành bạn dành riêng để cho vào nồi cháo.
  • Băm nhỏ rau tía tô, húng quế, ngò.
  • Bắc nồi nước lên bếp, cho gà vào luộc, thêm vài củ hành tím vào luộc chung với gà. Hành tím bạn chỉ lột vỏ và để nguyên củ, không băm nhỏ. Cho thêm vài lát gừng và nửa thìa cà phê muối, 1 thìa cà phê đường, 2 thìa cà phê hạt nêm.
  • Nước luộc gà sôi thì bạn vớt bọt bỏ đi.
  • Gà chín, bạn tắt bếp, đậy nắp lại.
  • Chuẩn bị một tô nước đá, vớt gà bỏ vào tô đá.
  • Cho gạo nếp vào nồi nước luộc gà để nấu cháo, thỉnh thoảng khuấy đều cháo.
  • Thịt gà bạn lóc thịt, xương bỏ lại vào nồi cháo.
  • Thịt gà xé phay, cho 1/4 thìa cà phê đường, 1 nhúm muối, thêm tiêu, cho 3 thìa cà phê dầu ăn và 1 ít hành phi. Trộn đều.
  • Thêm hành tây thái múi cau vào thịt gà để trộn thành gỏi. Bà bầu hạn chế ăn rau răm nên nếu thèm thì bạn chỉ cho một vài lá thôi nhé.
  • Nêm nếm cháo cho hợp khẩu vị, thêm chút mắm cho có mùi thơm, thêm tí đường. Cho đầu hành lá vào. Cho trứng vào khuấy đều.
  • Múc cháo ra tô, rắc hành, rau mùi, rau tía tô, húng quế và tiêu vào. Ăn nóng cùng với gỏi gà.

3. Cách nấu cháo giải cảm thịt bằm, tía tô 

Mẹo chữa cảm cúm bằng phương pháp dân gian hiệu quả nhất
Cách nấu cháo thịt bằm, tía tô trị cảm cúm

Nguyên liệu

  • 1 bát gạo tẻ, 1 ít gạo nếp cho cháo sánh
  • 200g thịt lợn băm nhuyễn
  • 1 củ cà rốt, 1 củ khoai tây, hành lá
  • 1 nắm lá tía tô

>>> Bạn có thể tham khảo: Cách nấu cháo cá chép cho bà bầu

Cách nấu cháo giải cảm 

  • Vo gạo, sau đó chắt nước cho ráo rồi đem gạo đi rang (không cho dầu ăn). Việc rang gạo giúp cháo có hương thơm và hạt gạo không bị nát. Rang sơ đến khi gạo chuyển màu trắng ngà là được.
  • Cho vào nồi 1,5 lít nước lọc và đun sôi. Khi nước sôi, bạn vặn nhỏ lửa và ninh thêm 25-30 phút. Thỉnh thoảng dùng thìa đảo để cháo không bị bám dưới đáy nồi.
  • Ướp thịt xay với 1/2 thìa súp hạt nêm, 1 ít muối, tiêu xay, trộn đều để trong 15 phút.
  • Cà rốt và khoai tây cắt hạt lựu. Thái nhỏ tía tô và hành lá.
  • Nấu cháo được 20 phút, bạn cho cà rốt và khoai tây vào nấu chung.
  • 10 phút sau, cho thịt vào cháo đánh tơi.
  • Nêm muối, hạt nêm, nước mắm.
  • Thịt chín thì cho lá tía tô vào, trộn đều và tắt bếp.
  • Múc cháo ra tô, cho ít hành lá, tiêu xay, gừng và tía tô vào ăn nóng.

4. Cách nấu cháo sườn giải cảm

Cách nấu cháo sườn giải cảm
Cách nấu cháo sườn giải cảm

Nguyên liệu

  • 300g sườn lợn
  • Hành tím, hành lá, rau mùi (ngò rí)
  • Nửa bát gạo

Cách nấu cháo giải cảm

  • Gạo vo sạch, đổ nước vào ngâm 3 tiếng cho mềm rồi chắt nước, để ráo.
  • Sườn chặt khúc vừa ăn.
  • Bắc nồi nước lên bếp đun sôi, cho sườn vào trụng trong 2 phút. Vớt sườn ra, rửa sơ với nước nguội.
  • Bắc nồi lên bếp, cho vào 1 lít nước, đun sôi. Cho sườn vào hầm trên lửa vừa.
  • Cho gạo vào cối xay, xay nát một chút (như gạo tấm) để nấu cháo nhanh nhừ.
  • Nồi thịt hầm được 30 phút thì bạn mở nắp ra, hớt bọt rồi cho gạo vào nấu chung.
  • Sau đó 15 phút bạn gắp thịt sườn ra để nguội, cháo vẫn để nấu thêm cho nhừ.
  • Thái mỏng hành tím, thái nhuyễn rau mùi và hành lá. Phần đầu hành lá bạn thái khúc.
  • Bạn lấy kéo cắt thịt ra, bỏ phần xương.
  • Thịt bạn cho lại vào nồi cháo. Thêm muối, hạt nêm cho vừa ăn. Cho đầu hành lá vào. Tắt bếp.
  • Bạn có thể bắc chảo, phi hành tím để ăn chung với cháo cho thơm.
  • Múc cháo ra tô, cho rau mùi và hành lá, hành phi, tiêu vào ăn nóng.

5. Cách nấu cháo đậu xanh, tía tô giải cảm

cách nấu cháo đậu xanh

Nguyên liệu

  • 1/4 bát gạo tẻ
  • 50g đậu xanh
  • 1 nhúm rau tía tô rửa sạch

Cách làm

  • Đổ nước vào gạo tẻ, ngâm 30 phút. Đậu xanh ngâm tương tự.
  • Bắc nồi nước lên bếp, cho gạo vào ninh trong 30 phút. Vặn nhỏ lửa.
  • Cho đậu xanh vào nồi cháo.
  • Nêm 1 thìa cà phê muối, đun cho đến khi đậu xanh nhuyễn.
  • Múc cháo ra bát, cho tía tô vào trộn đều lên và thưởng thức.

6. Cách nấu cháo lươn, khoai lang tím giải cảm

Cách nấu cháo lươn, khoai lang tím giải cảm
Cách nấu cháo lươn, khoai lang tím giải cảm

Nguyên liệu

  • 100g lươn
  • 70g khoai lang tím
  • 50g gạo tẻ + 50g gạo nếp

Cách nấu cháo giải cảm

  • Bạn ngâm gạo 30 phút trước khi nấu.
  • Khoai tím thái hạt lựu.
  • Lóc thịt lươn, phần xương đem xay nhuyễn.
  • Bắc nồi nước lên bếp, cho thịt lươn thái khúc vào đun sôi trong 5 phút.
  • Vớt thịt lươn ra, ướp với 1 thìa cà phê nước mắm trong 5 phút.
  • Cho gạo lên bếp, đổ nước vào nấu cháo trong 30 phút thì cho khoai tím vào.
  • Đổ nước xương lươn vào.
  • Sau đó cho thịt lươn vào.
  • Đun thêm cho cháo, lươn và khoai đều nhừ.
  • Múc cháo lươn khoai lang ra tô, dùng nóng giải cảm.

7. Cách nấu cháo bò, nấm rơm giải cảm

Cách nấu cháo bò, nấm rơm giải cảm
Cách nấu cháo bò, nấm rơm giải cảm

Nguyên liệu

  • 1 bát gạo tẻ + nửa bát gạo nếp
  • 500g thịt bò xay nhuyễn
  • 1 nhánh gừng, 1 củ hành tím
  • 200g nấm rơm
  • Hành, rau mùi (ngò rí)

>>> Bạn có thể tham khảo: Cách nấu cháo chim bồ câu cho bà bầu

Cách làm

  • Ướp thịt bò với 1 thìa cà phê muối, 2 thìa cà phê đường, 1 ít tiêu.
  • Bắc chảo lên bếp, cho gạo vào rang sơ ngả vàng.
  • Bắc 1 nồi nước lên bếp nấu, đập gừng cho vào. Nếu thích bạn có thể cho vào nửa bát đậu xanh (bỏ vỏ) để nấu cùng.
  • Đổ gạo vào. Nêm chút muối và đường vào nồi cháo. Ninh cháo trong 30 phút. Nếu cháo đặc quá thì bạn cho thêm nước sôi vào.
  • Bắc chảo lên bếp, cho dầu vào đun nóng, cho hành tím băm nhỏ vào phi thơm, thêm tỏi bằm và vài lát gừng vào xào cho thơm.
  • Cho thịt bò vào xào. Thịt sắp chín thì cho 2 thìa súp nước mắm vào.
  • Cho nấm vào xào chung với thịt bò. Rắc tiêu vào cho thơm.
  • Cho thịt bò và nấm rơm vào nồi cháo.
  • Bạn múc cháo ra bát, cho hành, rau mùi băm nhỏ, gừng băm, tiêu vào ăn nóng để giải cảm.
[inline_article id=162175]

Các món cháo tía tô có công dụng giải cảm thay thế thuốc rất tốt, nhưng chỉ ăn trong 2-3 ngày thôi bạn nhé, vì bà bầu không nên ăn quá nhiều tía tô. Bên cạnh ăn cháo, mẹ hãy cố gắng nghỉ ngơi và giữ ấm, uống nhiều nước và sữa ấm để chóng khỏe nhé.

Xuân Thảo