Categories
Sự phát triển của trẻ Cột mốc phát triển Năm đầu đời của bé

Trẻ 7 tuần tuổi cùng những bất ngờ con mang đến cho mẹ

Sau 1 tháng bên cạnh và chăm sóc bé yêu, ắt hẳn lúc này ba mẹ không còn cảm thấy những bỡ ngỡ khi bé khóc, ngủ, đi tiêu, bú mẹ… Tuy nhiên, trẻ mỗi lớn mỗi khác. Việc nắm bắt những điều cần biết về trẻ 7 tuần tuổi sẽ giúp mẹ có trọn vẹn 1 tuần ý nghĩa với con trong giai đoạn này.

À, bé yêu bây giờ đã không còn là sơ sinh nữa bởi đã khác rất nhiều so với lúc lọt lòng. Do đó, mẹ đừng gọi “cục cưng” là “trẻ sơ sinh 7 tuần tuổi” mà hãy để con lớn tự nhiên qua những thay đổi đến bất ngờ.

Dưới đây là những đổi mới mà ba mẹ sẽ nhận thấy ở trẻ 7 tuần tuổi để bạn học cách định hướng cuộc sống cùng em bé và có nhiều thời gian hơn để hâm nóng tình cảm với bạn đời.

Sự phát triển của trẻ 7 tuần tuổi

1. Các chỉ số chiều cao, cân nặng trẻ 7 tuần tuổi

Trẻ 7 tuần tuổi tiếp tục trên đà phát triển và sẽ có những thay đổi như sau:

  • Cân nặng trẻ 7 tuần tuổi: Bé sẽ tăng thêm khoảng 680-907g một tháng
  • Chiều dài cơ thể: Tăng khoảng 25cm so với lúc mới sinh.
  • Chu vi vòng đầu: Chu vi vòng đầu của bé phát triển khoảng 2cm một tháng

Không phải trẻ nào cũng có tốc độ phát triển ổn định và đều đặn theo như trên lý thuyết. Có bé sẽ bước vào giai đoạn tăng trưởng nhanh sau một khoảng thời gian tăng trưởng chậm nhưng cũng có bé ngược lại. Vì vậy, nếu mẹ trông thấy con có vẻ lớn nhanh đến mức trông như trẻ 3 tháng tuổi chỉ sau một đêm thì cũng là điều bình thường.

Sự phát triển của trẻ 7 tuần tuổi

Các mốc phát triển quan trọng của trẻ 7 tuần tuổi

Mỗi em bé đều có những tốc độ phát triển khác nhau nhưng nhìn chung trẻ 7 tuần tuổi nên đạt được những cột mốc phù hợp dưới đây:

  • Có thể cầm nắm được đồ vật: Nếu như bé trước đó chỉ có thể cầm nắm theo phản xạ; thì bây giờ trẻ 7 tuần tuổi đã có nhiều sức mạnh hơn để tự cầm đồ vật bằng khả năng của mình.
  • Biết đập tay vào các đồ vật: Trẻ 7 tuần tuổi chưa hoàn toàn lấy được các đồ vật ngoài tầm với của mình; nhưng bé sẽ bắt đầu đập tay vào các đồ vật; đặc biệt là những đồ chơi ngay trước mặt bé như con lắc, lục lạc…
  • Khám phá nhiều hơn về thế giới xung quanh: Sau giai đoạn phát triển vượt bậc vào tuần thứ 6, trẻ 7 tuần tuổi có sự phát triển ổn định hơn. Tuy nhiên, ba mẹ sẽ nhận thấy con yêu có những thời gian ngây người khi tập trung vào những sự vật mới lạ xung quanh. Bé 7 tuần tuổi lúc này học hỏi nhiều hơn trong từng khoảnh khắc để phát triển não bộ qua những âm thanh, cuộc nói chuyện, những đồ vật bắt mắt…
  • Đưa mắt theo dõi chuyển động: Trong lúc ba mẹ đang làm việc nhà có thể sẽ bắt gặp bé yêu không ngừng đưa mắt dõi theo mình đấy bởi lúc này bé có khả năng quan sát hành động của con người và các vật bằng mắt đang chuyển động. Mẹ hãy kiểm tra kỹ năng mới này của bé bằng cách cầm một đồ vật trước mắt bé; sau đó di chuyển vật đó chậm rãi từ bên này sang bên kia hoặc chỉ đi ngang qua phòng. Trẻ 7 tuần tuổi sẽ theo dõi các chuyển động theo chiều ngang tốt nhất.
  • Trẻ 7 tuần tuổi bắt đầu biết mỉm cười: Những nụ cười đầu tiên của con có thể xuất hiện khi bé 6 tháng tuổi hoặc trong tuần này. Mẹ sẽ nhận thấy em bé ngày càng cười nhiều hơn và sẽ cười lại với mẹ khi bé thấy nụ cười của mình khiến cho mẹ thích thú. Mẹ có biết không? Đây chính là cách bé thể hiện tình yêu ngọt ngào với mẹ đấy.

>> Mẹ có thể tìm hiểu thêm: “Tay không” kích thích trí não con phát triển

Trẻ đưa mắt theo dõi chuyển động

Các vấn đề thường gặp ở trẻ 7 tuần tuổi

1. Trẻ 7 tuần tuổi ngủ không sâu giấc

Trẻ sơ sinh cần ngủ đủ 16 giờ một ngày hoặc hơn. Việc ngủ đủ giấc sẽ đảm bảo cho trẻ được khỏe mạnh, phát triển tốt. Trong khi trẻ ngủ, tuyến tiền yên trong não tiết ra hormone tăng trưởng giúp cơ thể phát triển.

Nếu trẻ sơ sinh ngủ ít hơn 14 giờ/ngày, mẹ có thể xem liệu con có đang bị đói hay không? Cách mẹ cho trẻ ăn đã đảm bảo bé đủ no hay chưa? Hoặc môi trường ngủ của con có đủ tối không. Ngoài ra, Học viện Nhi khoa Hoa Kỳ cũng khuyến khích cho trẻ được nằm gần bố mẹ (nhưng không phải chung giường) thời gian đầu sau khi sinh.

Một số nguyên nhân phổ biến khiến trẻ 7 tuần tuổi ngủ không sâu giấc:

  • Trẻ 7 tuần tuổi bị đói hoặc bú quá no: Nếu là trường hợp này, mẹ cần nghiên cứu về lượng sữa phù hợp để cung cấp cho con vừa đủ nhé.
  • Chưa phân biệt được ngày và đêm: Vì bé vẫn chưa hoàn thiện được khả năng này; do đó, mẹ hãy sắp xếp cho bé tắm nắng; và đảm bảo không gian ngủ đủ tối để bé dễ dàng chìm vào giấc ngủ hơn.
  • Trẻ sơ sinh 7 tuần tuổi đang bị các vấn đề về sức khỏe:
    • Bé bị nóng hoặc cảm thấy lạnh
    • Dị ứng hoặc cảm lạnh
    • Bé gặp vấn đề về tiêu hóa (ợ hơi, đau bụng, táo bón ở trẻ em…)
    • Bé gặp phải chứng trào ngược khi ăn quá no hoặc khi mẹ có thói quen cho con bú nằm hoặc vừa bú vừa ngủ
  • Nhạy cảm với môi trường ngủ: Mẹ kiểm tra nhiệt độ phòng, không gian, thậm chí ra trải giường của con.
  • Tã lót quá chật gây ra tình trạng kích ứng da, hăm tã.

2. Trẻ sơ sinh 7 tuần tuổi hay quấy khóc

Tiếng khóc của bé 7 tuần tuổi ở thời điểm này cũng khác đi. Giọng khóc the thé như mèo kêu đã thay bằng giọng khóc to và mạnh mẽ hơn. Mẹ sẽ để ý thấy bé khóc với cường độ to nhỏ khác nhau phụ thuộc vào lý do làm bé khóc. Khóc vì mệt khác với khóc do đói hay do không thoải mái.

Nếu bé 7 tuần tuổi khóc do mệt, bé sẽ dễ nín hơn. Nhưng đa số những trường hợp còn lại là do bé thật sự cần phản hồi từ mẹ ngay lập tức. Cứ làm theo cảm giác trực giác của mình khi mẹ nghĩ bé đang cần mẹ chú ý. Nghiên cứu cho thấy các bé được để ý có xu hướng khóc ít hơn các bé bị bỏ lơ cho khóc.

3. Có mảng da thô ráp

Ở giai đoạn này, trên đầu trẻ có thể xuất hiện các mảng da thô ráp. Hiện tượng này rất phổ biến và hoàn toàn bình thường. Cha mẹ không có gì cần lo lắng; tình trạng này thường sẽ biến mất sau 6 tháng.

Hãy sử dụng dầu gội cho trẻ nhỏ và bàn chải mềm để loại bỏ các mảng da thô ráp đó. Nếu không hiệu quả, có thể sử dụng dầu khoáng chất để làm mềm các mảng da; sau đó dùng dầu gội để làm sạch. Nếu vẫn không hiệu quả, hãy đưa trẻ tới khám bác sĩ để có chỉ định chuyên khoa.

4. Trẻ sơ sinh bị nôn trớ: Mẹ có thể làm gì?

Trẻ sơ sinh bị trớ sữa (trẻ bị ọc sữa) là hiện tượng thường gặp ở các bé từ 1-2 tháng tuổi. Các nguyên nhân gây ra hiện tượng này bao gồm:

  • Do hệ tiêu hóa của bé còn non yếu, cơ thắt dạ dày thực quản còn yếu và dạ dày còn nằm hơi ngang so với người lớn; nên nếu bé bú 1 lần nhiều sữa trong khi khoang miệng nhỏ khiến trẻ sơ sinh hay nôn trớ.
  • Việc đặt bé nằm ngay sau khi bú cũng khiến sữa dễ trào ngược lại thực quản khiến trẻ bị trớ sữa.
  • Ngoài ra, khi bú bé dễ nuốt nhiều hơi vào dạ dày nếu như bé bú không đúng cách. Lượng hơi “dư thừa” này không chỉ làm bé dễ no hơn mà còn làm trẻ sơ sinh bị trớ sữa khi được mẹ đặt bé nằm ngay sau bú.

Cách để mẹ giúp trẻ sơ sinh bị nôn trớ:

  • Khi trẻ bị nôn trớ, các mẹ hãy nghiêng đầu bé 1 bên, để chất nôn dễ đi ra ngoài và không bị hít sặc vào phổi, dùng gạc mềm lau mũi miệng bé sạch, vỗ nhẹ lưng theo chiều từ trên xuống, để bé giảm nôn.
  • Sau khi bé nôn không nên ép bé ăn ngay hay bú sữa ngay, sẽ khiến bé khó chịu và ói tiếp ngay sau đó.

Mẹ nên chú ý khi thấy trẻ sơ sinh bị trớ kèm theo sốt, ho, phát ban, đau bụng quằn quại, co giật… Đây không phải là nôn sinh lý mà là dấu hiệu bệnh lý, liên quan tới việc trẻ bị rối loạn tiêu hóa do nhiễm trùng đường ruột hay nhiễm khuẩn tiêu chảy, viêm màng não, dị ứng sữa… Với những trường hợp này, mẹ nên đưa trẻ đến bác sĩ để trẻ được thăm khám và xử trí kịp thời.

>> Mẹ có thể xem thêm Trẻ hay ọc sữa, nôn trớ, mẹ phải xử sao?

5. Sự phát triển của trẻ 7 tuần tuổi: Khi nào mẹ cần lo lắng?

Trẻ sinh non hoặc mắc các bệnh lý đặc biệt sẽ có mốc phát triển riêng để đáp ứng theo thời gian biểu của mình. Đối với trẻ sinh đủ tháng và không có bệnh lý nào khác, ba mẹ nên đưa bé đến gặp bác sĩ nhi khoa nếu trẻ 7 tuần tuổi gặp các trường hợp dưới đây:

  • Không thể ngẩng đầu lên.
  • Không thể theo dõi chuyển động ngang.
  • Đầu bé bị lõm phía sau (mẹ cần phân biệt hiện tượng trẻ sơ sinh bị bẹp đầu và lõm đầu nhé).
  • Không thể quay đầu.

>> Mẹ có thể xem thêm: Làm thế nào để tránh cho trẻ bị bẹp đầu?

Hướng dẫn chăm sóc trẻ 7 tuần tuổi

1. Dinh dưỡng cho trẻ 7 tuần tuổi

dinh dưỡng cho trẻ 7 tuần tuổi

Lượng sữa cho bé 7 tuần tuổi là bao nhiêu? Trẻ bú sữa theo nhu cầu trong giai đoạn này, nhưng nguyên tắc chung là bé sẽ cần khoảng 710-946ml sữa mẹ hoặc sữa công thức trong 24 giờ.

Trẻ 7 tuần tuổi vẫn bị đầy hơi là hoàn toàn bình thường và một trong những nguyên nhân khiến bé ợ hơi là do sữa mẹ hoặc sữa công thức gây ra.

  • Nếu con bú sữa công thức, mẹ hãy thử thay đổi nhiều loại sữa khác nhau để phù hợp với hệ tiêu hóa còn non nớt của bé. Hệ tiêu hóa của con có thể đã thay đổi nhiều so với những ngày sơ sinh. Vì vậy, mẹ có thể dùng lại các loại sữa công thức đã thử trước đây với con mà chưa hiệu quả. Sữa công thức không phù hợp với bé khi được 2 tuần nhưng có thể có tác dụng với trẻ 7 tuần tuổi.
  • Nếu bé bú sữa mẹ, mẹ hãy xem những thực phẩm mình tiêu thụ hàng ngày có thể gây ra tình trạng ợ hơi ở trẻ hay không.

Một số thực phẩm mà mẹ tiêu thụ có thể làm con bị đầy hơi là sữa bò và các sản phẩm từ sữa, rau xanh (bông cải xanh, bắp cải, súp lơ, hành tây và ớt), dưa chuột, tỏi và chocolate.

>> Mẹ có thể tìm hiểu thêm: Ăn trái cây gì để sữa mẹ mát thơm, con phổng phao thấy rõ

2. Cách chăm sóc giấc ngủ cho trẻ sơ sinh 7 tuần tuổi

Tuần này cũng đánh dấu một cột mốc quan trọng về giấc ngủ đối với nhiều trẻ. Theo một nghiên cứu được công bố vào năm 2011 trên Tạp chí Archives of Disease in Childhood, độ tuổi đỉnh điểm mà trẻ quấy khóc vào ban đêm là từ 5 đến 6 tuần và sẽ giảm dần cho đến khi khoảng 13 tuần.

Như vậy, mẹ có thể dễ dàng để ru con ngủ hơn khi trẻ 7 tuần tuổi. Tuy nhiên, mẹ không nên vì vậy mà lỏng lẻo với các thói quen cho bé trước khi đi ngủ. Cách tập cho bé tự ngủ là mẹ cần nhất quán giờ đi ngủ để dạy bé nhận biết các dấu hiệu về giấc ngủ. Từ đó, con yêu sẽ học cách tự đi ngủ tốt hơn.

Thông trường, trẻ từ khi sinh ra cho đến 3 hoặc 4 tháng tuổi cần ngủ 14-17 giờ trong 1 ngày, và thường thức dậy sau mỗi 2-4 giờ để ăn.

3. Lưu ý khi sử dụng địu cho bébí quyết nuôi trẻ 7 tuần tuổi

Mẹ có thể đặt trẻ 7 tuần tuổi ngồi trong địu để cùng mẹ đi dạo và khám phá thế giới xung quanh. Mẹ cũng có thể dùng địu để ôm bé trong lúc đang làm việc nhà. Tuy nhiên, khi em bé càng lớn hơn sẽ càng trở nên năng động hơn, mẹ hãy lưu ý một số điều dưới đây:

  • Phải đảm bảo sử dụng giá đỡ một cách an toàn.
  • Luôn ghi nhớ sử dụng địu theo hướng dẫn của nhà sản xuất.
  • Không nên sử dụng địu em bé khi đang nấu ăn gần bếp hoặc đang bày biện đồ ăn nóng vì bề mặt nóng có thể làm bỏng trẻ.
  • Không sử dụng địu em bé khi đang là (ủi) quần áo.
  • Luôn đảm bảo thắt dây đai đúng cách khi sử dụng địu cho bé.

4. Chơi với trẻ 7 tháng tuổi

Mẹ hãy mua những đồ chơi có nhiều màu sắc với nhiều tiếng kêu để bé tập chuyển động mắt khi chơi cùng con. Đó có thể là việc mẹ từ từ chuyển đổi quả bóng, lắc lục lạc hoặc đung đưa miếng vải từ bên này sang bên kia khi bé đối mặt với mẹ.

Lúc này tầm nhìn của bé cũng phát triển tốt hơn nên bắt đầu nhận ra và phân biệt được những màu sắc khác nhau. Vì thế, mẹ hãy cho bé xem sách có nhiều tranh ảnh để kích thích trí não của trẻ 7 tuần tuổi và giúp con tìm thấy nhiều niềm vui.

5. Tắm cho bé

  • Mẹ không cần thiết phải tắm cho con hàng ngày – đặc biệt nếu da con dễ bị khô (tắm quá nhiều có thể làm khô làn da non nớt của con).
  • Bên cạnh đó, người trẻ lúc này không quá bẩn để mẹ phải tắm hàng ngày cho con bởi bé chưa biết bò và chưa thể ăn dặm được.
  • Mẹ có thể tắm cho trẻ 7 tháng tuổi từ 3-4 lần/1 tuần bằng sản phẩm tắm gội dịu nhẹ chuyên biệt dành cho trẻ. Ngoài ra, mẹ có thể lau người cho con hàng ngày bằng chiếc khăn ướt và ấm.

6. Hoạt động cho trẻ

Hoạt động cho trẻ 7 tuần tuổi

Trẻ 7 tuần tuổi rất thích nghe ba mẹ nói chuyện và nghe nhạc nhẹ nhàng (giúp ích cho sự phát triển của em bé). Vì vậy, ba mẹ hãy tạo cơ hội để con yêu khám phá nhiều hơn về thế giới qua những lúc mẹ nói chuyện cùng con nhé. Mẹ có thể xem thêm cách nói chuyện với trẻ sơ sinh để con phát triển cảm xúc và trí tuệ tại đây.

Để đảm bảo trẻ 7 tuần tuổi đạt được các mốc phát triển của mình, mẹ hãy nhớ kết hợp nhiều bài tập nằm sấp cho bé và nhớ là có sự giám sát của người lớn. Thời gian nằm sấp rất quan trọng với trẻ 7 tuần tuổi vì bé đã có được các cơ cổ cần thiết để giữ đầu. Qua những lúc tập nằm sấp, bé có cơ hội uốn dẻo các cơ và cũng cần cho nhiều kỹ năng khác nhau kể cả việc bé tập lẫy người, ngồi dậy, bò.

Nếu bé không có hứng thú hoặc không chịu hợp tác khi nằm sấp, mẹ hãy thử làm những điều dưới đây:

  • Dùng tay ôm em bé nằm sấp trên ngực mẹ trong khi thực hiện những bài tập sit-ups (động tác nằm và ngồi dậy) đồng thời kết hợp thêm những biểu cảm trên khuôn mặt và những tiếng động vui nhộn với mỗi lần lặp lại.
  • Nằm úp đối mặt với bé và dùng đồ chơi để giải trí cùng con.
  • Đặt bé nằm sấp ở những nơi khác nhau như buổi sáng sẽ nằm sấp 1-2 phút trong phòng khách và buổi tối thì nằm sấp trong phòng ngủ với khoảng thời gian tương tự.
  • Hãy thử dùng gối nằm sấp hoặc thảm chơi có họa tiết vui tươi, đầy màu sắc càng tốt để con tập trung nghiên cứu và làm cho thời gian nằm sấp trở nên vui vẻ hơn.
  • Mẹ có thể kết hợp massage cho bé khi con nằm sấp.
  • Nếu bé không thoải mái, bạn không nên ép buộc con mà hãy để bé nghỉ ngơi và thử lại khi con cảm thấy dễ chịu hơn.
  • Hãy bắt đầu bằng khoảng thời gian ngắn hơn, từ vài phút rồi dần tăng lên 10 đến 20 phút nằm sấp 2 lần 1 ngày để con quen dần.

Lời khuyên của bác sĩ để trẻ 7 tuần tuổi phát triển tốt

1. Những điều mẹ cần lưu ý với bé

Khi chăm sóc sức khỏe của trẻ 7 tuần tuổi, mẹ nên đưa con đến gặp bác sĩ nhi khoa nếu bé gặp các trường hợp sau:

  • Sốt 38ºC hoặc hơn đối với trẻ dưới 3 tháng tuổi
  • Trẻ sơ sinh bị nôn trớ là bình thường. Nhưng nếu bé nôn mửa nhiều lần, đặc biệt là hỗn hợp bé ói ra có màu xanh đậm thì mẹ cần đặc biệt lưu ý.
  • Bé có các triệu chứng mất nước (đi tiểu ít, khô miệng, sụt cân…).
  • Ho ngày càng nặng hơn sau 3-5 ngày, kéo dài hơn 7 đến 10 ngày hoặc xuất hiện những cơn ho ảnh hưởng đến hô hấp (như dấu hiệu của bệnh ho gà)
  • Khó thở (thở nhanh và thở khò khè)
  • Hôn mê, ngủ li bì và khó đánh thức, đặc biệt nếu trẻ 7 tuần tuổi bỏ bú và không tỉnh táo
  • Tiêu chảy ra máu
  • Bé bị nhiễm trùng tai, cảm lạnh hoặc tiêu chảy và các triệu chứng ngày càng nặng thêm mà không thuyên giảm.

Cách phòng tránh trẻ sơ sinh bị bẹp đầu

Theo các Bác sĩ tại Bệnh viện Nhi đồng, trẻ sơ sinh bị bẹp đầu (hay còn gọi là hội chứng đầu phẳng) là tình trạng hình dạng đầu của trẻ bị không đối xứng hay bị méo do tác động của lực làm biến dạng hộp sọ.

Nguyên nhân phổ biến nhất khiến trẻ sơ sinh bị bẹp đầu là do tư thế ngủ của trẻ. Trẻ sơ sinh ngủ nằm ngửa nhiều giờ mỗi ngày nên đầu đôi khi bẹp ở một vùng. Điều này không chỉ xảy ra khi trẻ ngủ mà còn xảy ra khi ngồi trên ghế ô tô dành cho trẻ sơ sinh, xe nôi, xe đẩy, xích đu và ghế xếp. Trẻ sinh non thường bị bẹp đầu, hộp sọ của chúng mềm hơn hộp sọ của trẻ sinh đủ tháng, có thể chịu nhiều thời gian phải nằm ngửa mà không được di chuyển hoặc ẵm bế vì nhu cầu y tế, như nằm tại phòng chăm sóc đặc biệt dành cho trẻ sơ sinh (NICU).

Cách phòng tránh trẻ sơ sinh bị đẹp đầu đó là thay đổi tư thế khi ngủ và sử dụng thời gian “nằm sấp” (tummy time).

Vì hầu hết giường ngủ trẻ được đặt dựa vào tường, các bác sĩ khuyến khích bố mẹ đặt trẻ nằm với đầu trẻ hướng vào chân giường hoặc vào đầu giường, xen kẽ cách ngày. Điều này giúp khuyến khích trẻ nằm nghiêng đầu để có thể nhìn vào trong phòng.

“Tummy time” là thời gian thức trong tư thế nằm sấp. Lượng thời gian nằm sấp lý tưởng là ít nhất 3 lần/ngày, mỗi lần từ 10 phút đến 15 phút. Một số cha mẹ có thể cần được trấn an rằng tư thế nằm sấp chỉ cần tránh trong khi trẻ ngủ.

2. Những lưu ý dành cho mẹ

cuộc sống của mẹ sau sinh

Ở thời gian này, mẹ đã rảnh nhiều hơn so với lúc ban đầu mới sinh. Do đó, đây là thời điểm lý tưởng để mẹ nói chuyện với chồng về những đổi mới về cuộc sống sau khi có con. Nếu anh xã đi làm lại, mẹ cũng cần bàn bạc về những quy định khi chăm sóc con để tránh bị quá tải cho cả đôi bên.

Hai vợ chồng có thể cùng chia sẻ và bàn luận với nhau về những chủ đề dưới đây:

  • Trách nhiệm chăm sóc con: Mẹ và chồng có hài lòng với phần việc chăm sóc em bé không? Một trong hai người có cảm thấy đang tham gia quá nhiều hay quá ít vào việc chăm sóc con không?
  • Thời gian riêng cho bản thân: Liệu cả hai vợ chồng có thời gian riêng để theo đuổi sở thích hay chỉ đơn giản là nghỉ ngơi để nạp lại năng lượng không?
  • Tâm sự: Có thể sẽ có rất nhiều ý kiến ​​khác nhau về cách mẹ nên nuôi dạy con trong giai đoạn này khiến mẹ cảm thấy áp lực. Hoặc nếu mẹ cảm thấy gặp nhiều khó khăn trong khi nuôi con thì đây là thời điểm tốt để giải tỏa cảm xúc.
  • Những khoản tài chính cho tương lai: Khi có thành viên mới trong gia đình, mẹ hãy lập những khoản tài chính như quỹ hưu trí, di chúc, bảo hiểm nhân thọ, chi phí chăm sóc con cái và những khoản khẩn cấp để đảm bảo bé yêu được chăm sóc tốt nhất.
  • Vấn đề tình dục sau sinh: Nếu có mong muốn hâm nóng lại tình cảm và gần gũi về thể xác, mẹ nên thảo luận với chồng về việc kiểm soát sinh sản. Mẹ sẽ có khả năng sinh sản trở lại chỉ vài tuần sau khi sinh.
  • Sức khỏe tinh thần: Mẹ hãy cố gắng chia sẻ những khó khăn với bạn đời và mong muốn bạn đời có thể đồng cảm và thấu hiểu để tránh trầm cảm sau sinh phát triển.

>>> Mẹ có thể quan tâm: Sau sinh chưa có kinh quan hệ có thai không? Câu trả lời sẽ khiến chị em phải ngỡ ngàng

Trẻ 7 tuần tuổi đang phát triển cả về kích cỡ và độ phức tạp nên luôn muốn tìm hiểu thế giới xung quanh. Mẹ hiểu bé sẽ giúp con thông minh, nhanh lớn và tự tin vùng vẫy trong tình yêu thương của gia đình mình.

Hoa Vũ

Categories
Sự phát triển của trẻ Cột mốc phát triển Năm đầu đời của bé

Cách nói chuyện với trẻ sơ sinh để con phát triển cảm xúc và trí tuệ

Bộ não non nớt của bé hấp thụ âm thanh, giai điệu và ngôn ngữ để chuẩn bị bập bẹ cất tiếng nói đầu đời. Những bé có ba mẹ thường xuyên trò chuyện có xu hướng hình thành kỹ năng ngôn ngữ; và đàm thoại thành thạo hơn. Cách nói chuyện với trẻ sơ sinh tốt nhất là ba mẹ bắt chước cách bé bập bẹ như ma-ma hay ba-ba để phát triển khả năng ngôn ngữ của trẻ.

Mẹ hãy cùng tìm hiểu những lý do tại sao ba mẹ nên nói chuyện với trẻ sơ sinh; và những cách nói chuyện với bé theo từng độ tuổi để phát triển cảm xúc và trí não của trẻ nhé.

Tại sao ba mẹ nên nói chuyện với trẻ sơ sinh?

tại sao ba mẹ nên nói chuyện với con
Biết cách nói chuyện với trẻ sơ sinh sẽ giúp bé phát triển ngôn ngữ dễ dàng hơn, đồng thời, tạo sự kết nối giữa mẹ và bé

Trẻ nhỏ có xu hướng chú ý nhiều và đáp lại háo hức khi mẹ bắt chước cách bé bập bẹ. Âm thanh cao vút và cường điệu từ ngữ của ba mẹ sẽ kích thích trí não của con phát triển.

Theo nghiên cứu, 80% sự phát triển thể chất của não bộ sẽ diễn ra trong 3 năm đầu đời. Khi bộ não bé bắt đầu lớn dần sẽ hình thành những sự liên kết để suy nghĩ, học hỏi và xử lý thông tin. Tất cả kết nối này gọi là khớp thần kinh; hình thành với tốc độ siêu nhanh trong vài năm đầu đời của trẻ.

Ba mẹ nói chuyện với con thường xuyên sẽ giúp kích hoạt các khớp thần kinh quan trọng trong phần não mang chức năng ngôn ngữ. Bé nghe được càng nhiều từ thì kết nối thần kinh đó càng mạnh. Trẻ sơ sinh càng bập bẹ nhiều thì lúc lên 2 tuổi bé sẽ nói được nhiều hơn.

Những cách cơ bản để nói chuyện với bé trẻ sơ sinh

cách nói chuyện với chuyện với trẻ sơ sinh
Các bước cơ bản trong cách nói chuyện với chuyện với trẻ sơ sinh

Để tương tác với bé dễ dàng hơn, mẹ nên biết cách nói chuyện với trẻ sơ sinh từ những bước cơ bản nhất. Dưới đây là những bước cơ bản trong cách nói chuyện với trẻ sơ sinh để mẹ có thể thủ thỉ cùng con:

  • Hãy nói chuyện thường xuyên với con để bé hoạt bát hơn.
  • Hãy dành thời gian chơi cùng bé khi không có người khác bên cạnh.
  • Khi bé cố gắng trả lời, ba mẹ đừng ngắt lời hoặc quay chỗ khác.
  • Mẹ nên vừa nói chuyện vừa nhìn thẳng vào mắt trẻ.
  • Xem tivi nhiều có thể làm ảnh hưởng đến khả năng ngôn ngữ của trẻ sơ sinh. Thay vào đó, cha mẹ nên thu hút con bằng cách thủ thỉ với bé nhiều hơn.
  • Bật các đoạn nói chuyện thông thường cho bé nghe; để cảm thụ được các âm thanh trong cuộc sống hàng ngày.
  • Khi trẻ lớn hơn, cha mẹ cũng nên áp dụng các cách nói chuyện với trẻ sơ sinh này để giúp con thông minh hơn.

>> Mẹ xem thêm: Bé mấy tháng biết vỗ tay, chỉ tay và vẫy tay?

[key-takeaways title=”Những câu, những điều không nên nói với trẻ sơ sinh”]

  • “Đừng khóc lóc bù lu bù loa lên!”. Điều này sẽ ảnh hưởng đến khả năng bé thể hiện cảm xúc khi trưởng thành.
  • “Cha mẹ làm tất cả mọi thứ chỉ vì con.”. Liên tục nhắc nhở bé về điều này sẽ khiến con thấy áp lực; thay vì được yêu thương.
  • “Đừng có mà trẻ con như vậy!”. Câu nói này có thể khiến trẻ cảm thấy mẹ đang không hiểu cho mình.
  • “Mẹ đã nói biết bao nhiêu lần rồi; mẹ còn phải nói gì nữa đây?”. Điều này sẽ khiến trẻ khó hiểu và không biết con phải làm gì tiếp theo.
  • “Mẹ thất vọng vì con!”. Câu nói này có thể gây tổn thương và khiến trẻ lớn lên tin rằng con là nỗi thất vọng của gia đình.

[/key-takeaways]

Cách nói chuyện với bé yêu để con thông minh

Trong năm đầu đời của con, cha mẹ cần biết cách nói chuyện với bé trẻ sơ sinh để phù hợp với từng mốc phát triển trí não và cảm xúc của con.

1. Cách nói chuyện với trẻ sơ sinh từ 1-3 tháng tuổi

Bé từ 1-3 tháng tuổi nói chuyện bằng tất cả các hành động như nói bi bô, khóc, cười, đạp chân, quơ tay… Vì thế, cha mẹ nên thử các cách dưới đây để nói và trò chuyện với trẻ sơ sinh:

  • Hát, thủ thỉ, bi bô và chơi ú oà cùng con.
  • Nói lại cho con biết ba mẹ đang làm gì hay nhìn thấy gì trong lúc bé tắm, ăn…
  • Đọc sách và mô tả các bức tranh cho con nghe.
  • Cười và làm những hành động vui nhộn để khích lệ tinh thần khi bé bập bẹ hay đập chân tay…
  • Ở tháng thứ 2, bé bắt đầu bi bô những nguyên âm đơn giản như a-a, o-o. Ba mẹ hãy bắt chước và trộn lẫn với một số từ gần gũi để nói chuyện với trẻ sơ sinh.
  • Mẹ nên đối đáp liên tục và chờ bé trả lời để dạy con cách trò chuyện.

2. Cách nói chuyện với trẻ sơ sinh từ 4-7 tháng tuổi

cách nói chuyện với trẻ sơ sinh để con phát triển trí thông minh cảm xúc
Cách nói chuyện với trẻ sơ sinh từ 4-7 tháng tuổi

Ở giai đoạn này, bé cố gắng bắt chước những âm thanh xung quanh và thể hiện cảm xúc thông qua giọng nói. Cách nói chuyện với trẻ sơ sinh độ tuổi này gồm:

  • Nói với con những từ gần giống với từ bé nói ra để kích thích từ vựng của trẻ phát triển. Ví dụ bé nói “a-a”, mẹ sẽ nói “ba-ba”.
  • Kéo dài cuộc nói chuyện với trẻ bằng cách nói chậm, nhấn giọng một vài từ nhất định và khuyến khích bé đáp lại.
  • Tập cho bé làm quen với các đồ vật khác nhau bằng cách cho bé nhìn và chỉ tay vào bức tranh hoặc đồ vật rồi ba mẹ mô tả đồ vật ấy cho bé.
  • Đọc sách, báo cho trẻ nghe hàng ngày, đặc biệt là những cuốn sách có nhiều tranh ảnh. Ba mẹ nên mô tả những hình ảnh đó và nên khen ngợi khi con bi bô theo.

3. Cách nói chuyện với trẻ sơ sinh từ 8-12 tháng tuổi

Bé bắt đầu hiểu một số từ nhất định như “không” và cũng nói vài từ như “mama”, “baba”. Ở giai đoạn này, bé đã gần một tuổi nên sẽ hiểu một số câu nói nhất định như “bye-bye đi con”.

Cách nói chuyện với trẻ sơ sinh độ tuổi này mẹ cần lưu ý:

  • Nói chuyện với con về những gì mà cả hai cùng nhìn thấy và thêm vào các từ khác làm sinh động hơn. Ví dụ, bé chỉ vào chiếc xe hơi và nói “xe”, mẹ đáp lại: “Đúng rồi, đó là chiếc xe hơi màu đỏ đó con”.
  • Gọi tên tất cả các món đồ mà bé tiếp xúc hàng ngày như thìa, sữa, quả bóng (trái banh)… Cha mẹ cũng nên gọi tên một số bộ phận cơ thể để con nhận biết như vai, bàn tay…
  • Giúp con diễn đạt cảm xúc bằng lời nói.
  • Khi muốn ngăn trẻ làm gì thì ba mẹ đừng la hét và giải thích dài dòng mà chỉ nói “không được”.
  • Hãy cùng hát và diễn theo lời bài nhạc với con.

>> Mẹ xem thêm: Bé mấy tháng biết ngồi và cột mốc quan trọng đầu đời

[inline_article id=683]

Bên cạnh quan tâm đến chiều cao và cân nặng của trẻ, mẹ cũng nên tương tác với bé nhiều hơn để con phát triển toàn diện. Tuy nhiên, mỗi trẻ nhỏ đều học nói với tốc độ riêng nên ba mẹ đừng quá lo lắng khi con không nói nhanh như bạn bè cùng tuổi. Điều bạn cần làm đó là học cách nói chuyện với trẻ sơ sinh thường xuyên hơn, con yêu sẽ lớn khôn một cách tự nhiên trông thấy!