Categories
Sự phát triển của trẻ Sức khỏe tuổi dậy thì Tuổi dậy thì (10-15 tuổi)

Rạn da tuổi dậy thì có hết không? Làm sao để làm mờ vết rạn?

Ở độ tuổi dậy thì, các bạn trẻ sẽ trải qua những giai đoạn phát triển vượt bậc, mang tính nhảy vọt. Tuy nhiên, sự phát triển nhanh chóng của những bộ phận trên cơ thể đôi khi khiến làn da không thể “bắt kịp”. Lúc này, các sợi collagen và elastin đàn hồi dưới da bắt đầu đứt gãy, từ đó dẫn đến tình trạng rạn da. Vậy dấu hiệu rạn da tuổi dậy thì là gì và rạn da tuổi dậy thì có hết không? Mời bố mẹ cùng tìm hiểu trong bài viết này nhé!

6 dấu hiệu rạn da ở trẻ dậy thì

Tình trạng rạn da có xu hướng xuất hiện ở những khu vực phát triển nhanh và tích tụ nhiều mỡ trong tuổi dậy thì như bụng, ngực, mông, đùi, chân… Màu sắc, hình dáng và mức độ nghiêm trọng của các vết rạn sẽ thay đổi khác nhau tùy theo cơ địa của mỗi bé. Trẻ có thể đã bị rạn da tuổi dậy thì nếu trên da xuất hiện:

  • Các vệt lõm, cạnh hình uốn lượn
  • Các đường sọc chạy dọc trên da
  • Các vệt có màu sáng hoặc đã phai màu
  • Các vệt phát triển thành mảng trên da
  • Vệt có màu hồng, đỏ hoặc tím
  • Vệt màu đen hoặc xanh

Rạn da tuổi dậy thì có hết không?

Như đã đề cập, vết rạn chính là biểu hiện của những tổn thương xảy ra khi liên kết giữa các sợi đàn hồi dưới da bị đứt gãy. Lúc mới hình thành, vết rạn thường có màu hồng, đỏ, tím hoặc nâu, tương tự như các tổn thương thường thấy trên da. Qua thời gian, chúng sẽ dần lành lại và tạo thành các vết sẹo mờ có màu trắng hoặc bạc.

Giống với các tổn thương để lại sẹo khác, vết sẹo hình thành do rạn sẽ mờ dần theo thời gian nhưng khó biến mất hoàn toàn. Vì vậy, việc chủ động ngăn ngừa và điều trị rạn da từ khi chúng vừa mới chớm là điều vô cùng cần thiết. Bố mẹ có thể giúp con hạn chế rạn da ở tuổi dậy thì bằng cách kiểm soát cân nặng hợp lý, tránh tình trạng tăng cân quá nhanh trong một thời gian ngắn. Để làm được điều đó, bạn nên cùng trẻ xây dựng một chế độ luyện tập và ăn uống lành mạnh. Đồng thời, việc sử dụng dầu dưỡng trị rạn sẽ giúp ngăn ngừa và làm giảm đáng kể tình trạng này.

- Rạn da tuổi dậy thì có hết không?

Làm sao để giảm rạn da tuổi dậy thì?

Ngoài tìm hiểu “Rạn da tuổi dậy thì có hết không?”, bố mẹ chắc hẳn cũng rất quan tâm đến việc làm thế nào để giảm rạn da tuổi dậy thì hiệu quả. Trên thực tế, các vết rạn chỉ ảnh hưởng đến thẩm mỹ chứ không gây hại cho sức khỏe. Vì vậy, nếu trẻ không gặp phải các triệu chứng đáng lo ngại khác đi kèm như tăng cân nhanh, bầm tím trên da… thì không nhất thiết phải điều trị rạn da. Tuy nhiên, nếu tình trạng rạn da gây ảnh hưởng đến tâm lý của bé, bố mẹ có thể tham khảo một số biện pháp giúp hạn chế và làm mờ vết rạn như:

Liệu pháp ánh sáng và laser

Các liệu pháp này thường dùng tia laser hoặc tia hồng ngoại để tác động đến các cấu trúc nằm sâu dưới da, giúp kích thích sản sinh collagen và elastin, hai loại sợi protein đóng vai trò quan trọng trong việc nâng đỡ, tạo độ đàn hồi cho da.

Kỹ thuật siêu mài mòn da

Liệu pháp này sử dụng một thiết bị đặc biệt để thổi các tinh thể lên bề mặt da và mài mòn một lớp da mỏng. Điều này có thể kích thích sự phát triển của các tế bào da mới, giúp tăng độ đàn hồi cho làn da.

Dù đã có nhiều công nghệ mới ra đời giúp hạn chế và làm mờ vết rạn hiệu quả, bác sĩ da liễu thường không khuyến cáo bố mẹ lựa chọn các liệu pháp trên cho trẻ dậy thì vẫn đang trong giai đoạn phát triển. Nguyên nhân chính là vì lúc này, cơ thể trẻ vẫn không ngừng tăng trưởng, do đó vết rạn mới có thể tiếp tục xuất hiện trên da, trong khi các vết rạn cũ đang dần mờ đi.

Thay vì những liệu pháp kể trên, bạn có thể cân nhắc đến việc sử dụng các loại dầu trị rạn có chứa dưỡng chất tự nhiên để giúp ngăn ngừa và làm mờ các vết rạn da hình thành trong giai đoạn dậy thì.

Cách trị rạn da tuổi dậy thì tại nhà bằng các dưỡng chất tự nhiên

Rạn da tuổi dậy thì có hết không? Massage với dầu trị rạn có thể làm mờ vết rạn

Các nghiên cứu cho thấy, việc massage thường xuyên với dầu trị rạn trong nhiều tháng có tác dụng làm giảm rạn da, đẩy nhanh quá trình chữa lành và làm mờ sẹo rạn. Đặc biệt, bố mẹ nên lựa chọn cho con các loại dầu trị rạn với nhiều dưỡng chất tự nhiên, không chứa các loại hóa chất có thể gây kích ứng làn da nhạy cảm của trẻ.

Dưới đây là một số dưỡng chất có tác dụng trị rạn, làm mờ sẹo rạn tự nhiên mà bạn có thể tham khảo:

  • Tinh dầu oải hương: Tinh dầu oải hương có khả năng thúc đẩy quá trình sản sinh collagen và hình thành các kết cấu nâng đỡ dưới da, giúp vết rạn mau lành và ít để lại sẹo. Đồng thời, loại tinh dầu này cũng giúp làm dịu cảm giác châm chích và viêm ngứa tại các vùng da bị ảnh hưởng.
  • Tinh dầu hương thảo: Với các hoạt chất chống oxy hóa và chống viêm tự nhiên, tinh dầu hương thảo có thể giúp làm giảm tình trạng kích ứng da và cải thiện khả năng lưu thông máu, hỗ trợ đưa máu và dưỡng chất đến các khu vực bị rạn da để kích thích sản sinh mô mới, làm lành và mờ sẹo nhanh hơn.
  • Tinh dầu cúc xu xi: Cúc xu xi chứa nhiều hợp chất chống viêm và kháng khuẩn tự nhiên, giúp làm giảm tình trạng ngứa ngáy, kích ứng da ở khu vực bị rạn và đẩy nhanh quá trình làm lành, tái tạo da mới.
  • Tinh dầu cúc La Mã: Tinh dầu cúc La Mã cho thấy tác dụng rõ rệt trong việc làm liền các vết nứt và rạn trên bề mặt da. Đồng thời, loại tinh dầu này còn có khả năng làm mềm và làm dịu da hiệu quả.
  • Vitamin E: Là thành phần quen thuộc trong các sản phẩm dưỡng da, vitamin E có khả năng chống oxy hóa và bảo vệ các cấu trúc dưới da khỏi tác động của ánh nắng mặt trời, đồng thời giúp tăng độ đàn hồi của da và ngăn ngừa rạn da hiệu quả.
  • Vitamin A: Vitamin A đóng vai trò quan trọng trong việc kích thích quá trình sản sinh collagen và tái tạo làn da, giúp da thêm săn chắc, khỏe mạnh và hạn chế sẹo do rạn gây nên.

Bố mẹ nên lựa chọn và khuyến khích con sử dụng dầu dưỡng chứa các dưỡng chất tự nhiên để ngăn ngừa và làm mờ vết rạn ngay từ khi chúng vừa xuất hiện. Hãy massage nhẹ nhàng các khu vực bị rạn với dầu dưỡng mỗi ngày 2 lần và kiên trì sử dụng trong ít nhất 3 tháng.

Mong rằng, bài viết này đã giúp bạn trả lời được câu hỏi “Rạn da tuổi dậy thì có hết không?” và biết cách “xử lý” ngay khi vết rạn mới xuất hiện. Việc chủ động ngăn ngừa và hạn chế rạn da bằng các phương pháp đơn giản như duy trì cân nặng hợp lý, dùng dầu trị rạn có chứa các dưỡng chất tự nhiên… sẽ giúp trẻ “dẹp bay” nỗi lo rạn da tuổi dậy thì.