Vậy độ trưởng thành bánh nhau là gì và có nguy hiểm cho thai nhi không? Theo thời gian phát triển của thai nhi, nhau thai cũng sẽ dần phát triển. Nhưng độ trưởng thành của nhau thai có ảnh hưởng gì đến bà bầu và thai nhi không? Bài viết này MarryBaby sẽ giúp các bạn giải đáp vấn đề trên.
Bánh nhau có vai trò như thế nào?
Trước khi tìm hiểu về độ trưởng thành bánh nhau, chúng ta cùng tìm hiểu về vai trò của bộ phần này. Bánh nhau hay còn gọi là bánh rau là cơ quan trao đổi giữa mẹ và thai nhi. Cơ quan này hỗ trợ cho sự hô hấp và nuôi dưỡng bào thai. Bánh nhau còn đóng vai trò trong hoạt động biến dưỡng và nội tiết trong thai kỳ.
Bên cạnh đó, bánh nhau có tác dụng cung cấp oxy cho thai nhi. Bởi vì, ở trong môi trường tử cung, thai nhi chưa thể hô hấp bằng phổi. Ngoài ra, bánh nhau còn là hàng rào bảo vệ thai nhi khỏi các chất độc hại; và giúp vận chuyển những chất thải sinh học do thai nhi thải ra đến hệ thống tuần hoàn của người mẹ.
Bánh nhau còn bảo vệ thai nhi khỏi nguy cơ bị nhiễm trùng; che chở bào thai và ngăn cản sự xâm lấn của vi khuẩn cũng như các độc tố….
>> Mẹ có thể quan tâm Thai nhi đạp nhiều vào ban đêm: Những điều con muốn nói.
Độ trưởng thành bánh nhau là gì?
Độ trưởng thành bánh nhau là thuật ngữ dùng để chỉ sự thay đổi ở nhau thai trong quá trình phát triển; hay còn gọi là là quá trình canxi hóa của nhau thai. Đây là một quá trình “lão hóa” bình thường và không gây ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ bầu và thai nhi.
Quá trình vôi hóa nhau thai được chia thành các mức độ dựa trên hình ảnh siêu âm như sau:
- Canxi hóa độ 0: tuổi thai khoảng 31 ± 1 tuần
- Canxi hóa độ I: tuổi thai 34 ± 3,2 tuần
- Canxi hóa độ II : tuổi thai 37,6 ± 2,7 tuần
- Canxi hóa độ III: tuổi thai 38,4 ± 2,2 tuần
[inline_article id=172889]
Độ trưởng thành bánh nhau diễn ra sớm có nguy hiểm không?
Canxi hóa nhau tháng sớm quá mức có thể là hậu quả của rối loạn trao đổi ở giường mao mạch nhau thai; giảm lưu lượng máu trong nhau thai; gây ảnh hưởng đến tuần hoàn và tăng trưởng của thai nhi. Nó có thể gây ra tình trạng em bé nhẹ cân; chậm tăng trưởng trong tử cung; sinh non; thậm chí có thể tử vong trong tử cung hay còn gọi là lưu thai.
Tuy nhiên, rất nhiều trường hợp ghi nhận canxi hóa nhau thai sớm nhưng thai vẫn khoẻ mạnh và tăng trưởng bình thường. Việc đánh giá sức khoẻ và sự phát triển thai không chỉ dựa trên hình ảnh bánh nhau mà cần kết hợp rất nhiều yếu tố. Cụ thể gồm, các test lượng giá có độ nhạy; độ đặc hiệu cao hơn tuỳ vào từng độ tuổi thai và tình trạng sức khoẻ của mẹ.
Trong trường hợp thai quá ngày. Ví dụ sau 42 tuần, sự vôi hoá bánh nhau, sẽ còn diễn ra nhanh hơn. Máu trao đổi qua bánh nhau sẽ giảm xuống, khiến việc trao đổi oxy diễn ra khó khăn. Tình trạng này nếu kéo dài lâu có thể dẫn đến suy thai; lưu thai trong tử cung; thai chết trong quá trình chuyển dạ; hoặc ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ do não bị thiếu oxy.
Mẹ bầu thường không thể phát hiện ra tình trạng canxi hóa nhau thai; việc này chỉ biết được nhờ thăm khám và đánh giá dựa trên siêu âm của bác sĩ. Thế nhưng, nếu thấy em bé ít cử động hơn bình thường; kích thước bụng nhỏ hơn so với tuổi thai; hay mẹ có các bệnh lí nền như tăng huyết áp; đái tháo đường thì sẽ được bác sĩ lượng giá sức khỏe thai nhi kỹ hơn bằng các test lâm sàng và cận lâm sàng.
Biện pháp ngăn ngừa độ trưởng thành bánh nhau sớm
Cho đến nay, việc phòng ngừa độ trưởng thành bánh nhau sớm còn chưa được đưa ra khuyến cáo một cách chắc chắn và rõ ràng. Tuy nhiên theo các chuyên gia y tế có một số điều có thể hạn chế vôi hoá sớm bánh nhau, cụ thể:
- Tránh hút thuốc lá và khói thuốc thụ động; vì điều này có thể làm tăng nguy cơ bị vôi hóa nhau thai.
- Có chế độ sinh hoạt và ăn uống khoa học để tránh các bệnh về cao huyết áp; tiểu đường; thiếu máu. Nếu mẹ bầu mắc những bệnh này trong thai kỳ sẽ có nguy cơ bị vôi hóa nhau thai cao hơn bình thường.
- Áp dụng một chế độ ăn uống giàu chất chống oxy hóa; thường xuyên bổ sung các loại vitamin cũng có thể làm giảm nguy cơ phát triển chứng vôi hóa nhau thai non tháng.
- Nên mang thai trong độ tuổi thích hợp, tránh mang thai khi còn quá trẻ hoặc lớn tuổi.
- Mẹ bầu cần đi khám thai định kỳ để phát hiện những bất thường của thai nhi.
Hy vọng với thông tin về độ trưởng thành bánh nhau, MarryBaby đã có thể giúp ích cho các mẹ bầu trong giai đoạn thai kỳ. Chúc mẹ bầu luôn mạnh khỏe nhé!