Cho trẻ ăn bơ đúng cách là việc khá đơn giản nhưng lại đem tới hiệu quả bất ngờ đấy. Mời bạn xem bài viết này để biết bấy lâu nay mình đã cho con ăn bơ đúng chưa nhé!
Trẻ nhỏ có thể ăn bơ được không?
Chúng ta đều biết quả bơ chứa nhiều dầu. Vì vậy, các chuyên gia sức khỏe trẻ em khuyến cáo mẹ không nên cho trẻ còn quá nhỏ ăn bơ. Thông thường phải đợi khi trẻ đủ 6 tháng tuổi trở lên và tùy tình hình thể chất, mẹ mới bắt đầu kết hợp quả bơ vào khẩu phần ăn dặm. Ngoài độ tuổi phải thích hợp, vấn đề cho trẻ ăn bơ đúng cách cũng vô cùng quan trọng để tránh gây tác dụng phụ.
Bơ có giá trị dinh dưỡng rất cao, chứa nhiều loại vitamin, giàu axit béo và protein, đồng thời còn có nhiều nguyên tố vi lượng khác như natri, kali, magie, canxi… Chính vì lý do này mà không ít mẹ chăm trẻ thích chọn quả bơ làm nguyên liệu hàng đầu để chế biến thực phẩm ăn dặm cho trẻ. Bên cạnh nguồn dinh dưỡng cao, bơ còn đặc biệt có hương thơm nhẹ, vị ngọt béo thanh đạm nên càng phù hợp với khẩu vị trẻ nhỏ.
Tuy nhiên, hàm lượng các loại dầu trong bơ cũng tương đối cao, đặc biệt là các axit béo, điển hình như chất béo trong táo chỉ có 0,8g/100g trong khi trong quả bơ lại đạt đến 15,3g/100g. Do đó, nếu độ tuổi của trẻ quá nhỏ hoặc do dạ dày, đường ruột có vấn đề thì ăn bơ dễ xuất hiện tình trạng chướng khí, khó tiêu, thậm chí nôn ói. Khi cho trẻ ăn bơ, mẹ cần chú ý kiểm soát liều lượng và có phương pháp chế biến sao cho dễ tiêu hóa nhé.
Tác dụng của quả bơ đối với sức khỏe và sự phát triển của trẻ
1. Nhuận tràng, hỗ trợ đại tiện
Các loại rau quả thường chứa nhiều thành phần chất xơ, bơ cũng không ngoại lệ. Bơ có một lượng lớn chất xơ không hòa tan, có thể thúc đẩy nhanh quá trình tiêu hóa, kích thích nhu động ruột, đạt hiệu quả nhuận tràng và duy trì vấn đề đại tiện ổn định. Trẻ thường bị táo bón, nên ăn bơ để đi ngoài được dễ dàng hơn.
2. Thúc đẩy cho sự sinh trưởng và phát triển của trẻ
Trẻ nhỏ cần rất nhiều chất dinh dưỡng, trong số đó không thể thiếu protein, vitamin, axit amin cũng như các khoáng chất khác. Quả bơ có đa dạng các dưỡng chất này, đồng thời còn chứa nhiều chất xơ nên có thể nói đây là nguồn thực phẩm bổ dưỡng, hỗ trợ cho trẻ sinh trưởng và phát triển thuận lợi, toàn diện hơn.
3. Tốt cho tóc của trẻ
Theo nhiều kết quả nghiên cứu, quả bơ có khoảng 30% dầu. Đây là loại dầu thực vật có ích để cải thiện tình trạng tóc trẻ nhỏ bị khô ráp, hồi phục độ mềm mượt và giúp tóc mọc dày hơn. Tuy nhiên, mẹ cần nhớ phải cho trẻ ăn bơ đúng cách, không vì nó có nhiều lợi ích mà để trẻ ăn quá nhiều gây phản tác dụng.
4. Phòng ngừa thiếu máu
Một số loại khoáng chất trong quả bơ như sắt, kali cũng có hàm lượng cao hơn các loại quả khác từ 1 đến 2 lần. Đặc biệt là nguyên tố sắt có tác dụng giúp cải thiện và phòng ngừa tình trạng thiếu máu do thiếu sắt ở trẻ em.
5. Hạn chế nguy cơ dị dạng mạch máu
Ngoài hiệu quả ngừa thiếu máu, hàm lượng axit folic phong phú trong quả bơ còn có tác dụng giảm tỷ lệ phát sinh dị dạng mạch máu ở trẻ. Không những vậy, việc ăn bơ cũng giúp người trưởng thành hạn chế nguy cơ mắc ung thư và bệnh tim mạch.
6. Bảo vệ thị lực
Quả bơ còn chứa một thành phần gọi là lutein, là một loại carotene có hiệu quả bảo vệ sức khỏe đôi mắt cho trẻ nhỏ, ngoài ra còn giúp tăng cường trí nhớ, phát triển khả năng sáng tạo và tư duy của trẻ.
Cho trẻ ăn bơ đúng cách cần chú ý nguyên tắc gì?
Mặc dù quả bơ có nhiều dinh dưỡng nhưng bạn cần biết cách chế biến cũng như cho trẻ ăn hợp lý mới phát huy được tác dụng và tránh bị các hệ quả không tốt ảnh hưởng đến sức khỏe.
Đầu tiên mẹ cần nhớ khi trẻ còn quá nhỏ thì khoan vội cho trẻ ăn bơ vì rất dễ gây hại cho hệ tiêu hóa.
Trong tình huống thể chất tốt và phát triển ổn định thì khi trẻ đủ 6 tháng tuổi, mẹ mới nên đưa quả bơ vào khẩu phần ăn dặm của trẻ. Với trẻ tiêu hóa kém thì bạn đợi sau 1 tuổi mới cho trẻ ăn bơ sẽ tốt hơn.
Cho trẻ ăn bơ đúng cách là không cho trẻ ăn quá nhiều và số lần ăn cũng phải kiểm soát thích hợp. Hàm lượng dầu trong bơ khá cao nên ăn quá lượng sẽ gây bất lợi cho hệ tiêu hóa của trẻ.
Cho bé ăn bơ hàng ngày có tốt không? Lời khuyên cho mẹ là cho trẻ ăn bơ 3 lần/tuần và mỗi ngày nhiều nhất chỉ nên dùng 1 quả bơ nhỏ mà thôi.
Bên cạnh đó, dù bạn chỉ lấy phần thịt quả bơ cho trẻ ăn nhưng trước khi chế biến vẫn nên rửa sạch cả phần vỏ, hạn chế tối đa các bụi bẩn, vi khuẩn có thể dính vào món ăn của trẻ trong quá trình mẹ thao tác.
Ngoài ra, mẹ nhớ lựa quả đã chín nhưng không bị biến đổi màu để tránh các độc tố. Quả bơ sau khi cắt ra mẹ nên cho trẻ ăn ngay. Việc để quá lâu không những làm quả bơ bị oxy hóa, dinh dưỡng bị giảm nhiều mà còn dễ sinh vi khuẩn.
Cách chế biến quả bơ để có những món ăn dặm chất lượng cho trẻ
Bơ xuất hiện thường xuyên trong các món ăn dặm. Để cho trẻ ăn bơ đúng cách, bạn có thể chế biến theo các cách sau đây:
1. Cháo lòng đỏ trứng và bơ
♦ Chuẩn bị: Gạo trắng, quả bơ, trứng gà luộc chín
♦ Cách thực hiện:
– Gạo nấu thành cháo hơi loãng
– Trứng chỉ lấy lòng đỏ nghiền nhuyễn
– Bơ gọt vỏ, lấy phần thịt quả cũng nghiền cho mềm
– Trộn tất cả nguyên liệu rồi khuấy đều tạo thành món cháo sền sệt cho trẻ ăn dặm.
2. Bột cà rốt và bơ
♦ Chuẩn bị: Một quả bơ, một củ cà rốt
♦ Cách thực hiện:
– Bơ rửa sạch, cắt đôi và dùng thìa nạo phần thịt quả
– Cà rốt cho vào nồi hấp chín, sau đó nghiền nhuyễn rồi trộn với phần thịt bơ tạo thành bột ăn dặm cho trẻ.
[inline_article id=749]
3. Salad bơ và trái cây
♦ Chuẩn bị: Bơ, chuối, lê, sữa chua nguyên vị
♦ Cách thực hiện:
– Bơ nạo lấy phần thịt
– Chuối cắt khoanh nhỏ
– Lê hấp chín rồi cắt hạt lựu
– Cho tất cả nguyên liệu vào máy nghiền mềm và đều. Sau cùng, bạn thêm sữa chua nguyên để tạo thành món salad trái cây cho trẻ.
Lê Phương