Chuẩn bị sinh con là vấn đề quan trọng không kém chăm sóc 9 tháng 10 ngày thai kỳ của bạn. Hãy cùng tham khảo để biết những việc bạn cần làm trong giai đoạn này để chuẩn bị tốt nhất cho ngày con chào đời nhé!
Danh sách những việc cần làm trước ngày sinh
Để chuẩn bị sinh con, trước ngày dự sinh, bạn cần lên checklist 4 việc này ngay nhé!
1. Tính ngày sinh con
Để tính tuổi thai bác sĩ dựa vào siêu âm, đo chiều cao tử cung, thời điểm thai cử động và tim thai…. Tuy nhiên để việc chuẩn bị trước khi sinh thuận lợi, chị em cũng có thể tự dự đoán được ngày sinh, cách đơn giản nhất là quy luật sau:
Luật Nagele (+7/-3)
Là cách lấy ngày đầu tiên của kỳ kinh cuối thêm 7 ngày và trừ đi 3 tháng. Phương pháp tính này dựa trên chu kỳ kinh 28 ngày.
Ví dụ: ngày đầu tiên của kỳ kinh cuối là 10-6, vậy bạn sẽ sinh vào ngày 17 – 3 năm sau.
Biết trước ngày sinh bé rất cần thiết để bà bầu chuẩn bị. Tuy nhiên thời gian có thể sớm hoặc trễ hơn 2 tuần so với ngày dự kiến sinh, vì việc mang thai bình thường có thể thay đổi từ 38 đến 42 tuần.
Hiện nay nhiều app trên smart phone có thể giúp mẹ bầu tính tuổi thai và ngày dự sinh dễ dàng.
2. Xin nghỉ thai sản
Thường các mẹ bầu có tâm lý sẽ đi làm tới ngày lâm bồn để có nhiều thời gian chăm sóc con sau khi bé chào đời.
Điều này không nên vì trước khi sinh mẹ bầu cần được nghỉ ngơi, thư giãn, soạn đồ đạc sẵn sàng… để chuẩn bị tới bệnh viện. Việc này cũng tuỳ tính chất công việc và chế độ tại công ty
3. Cùng chồng lên kế hoạch tài chính
Sẽ có rất nhiều khoản vợ chồng bạn phải chi tiêu trong thời gian tới, mặt khác khoản lương của bạn có thể ít đi trong thời gian nghỉ thai sản.
Hãy cùng chồng lên kế hoạch tài chính nuôi con cụ thể về những khoản chi tiêu để bạn chủ động và yên tâm hơn về tài chính trước khi sinh.
4. Tham gia lớp học tiền sản.
Đây là cách chuẩn bị sinh con tiến bộ và khoa học dành cho các cặp vợ chồng. Lớp học tiền sản sẽ trang bị cho bạn:
- Những kiến thức cơ bản về vấn đề chuyển dạ, phương pháp đẻ thường với đẻ mổ
- Những hướng dẫn cơ bản về những chuẩn bị về mặt thể chất, tinh thần cũng như chuẩn bị cơ sở vật chất cho việc chào đón một em bé sơ sinh trong cuộc sống của các cặp đôi.
- Một số hướng dẫn để giúp các mẹ có thể vượt cạn dễ dàng như: cách thở, cách rặn đẻ…
- Những kiến thức cơ bản về việc làm quen với bé sơ sinh, chăm sóc bé lúc mới sinh (dinh dưỡng, vệ sinh, các bệnh thường gặp ở trẻ sơ sinh..)
- Cách chăm sóc sản phụ sau khi sinh (vệ sinh, dinh dưỡng, tâm lý…)
11 bước cần làm để chuẩn bị sinh con
Khi chuẩn bị sinh con bạn cần hoàn tất các công việc dưới đây:
1. Dọn dẹp, trang trí lại nhà cửa
Bạn cần dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ, đặc biệt là nâng cấp, tu sửa và trang trí lại tổ ấm chuẩn bị chào đón thiên thần nhỏ sắp chào đời.
Nếu có thể, bạn nên chuẩn bị trước khi sinh bằng cách bắt đầu dọn dẹp từ sớm. Hãy vứt bỏ những thứ không sử dụng và chuẩn bị mọi thứ thật tươm tất.
Điều này sẽ giảm phần nào áp lực công việc nhà sau khi sinh nở và quan trọng là khi trở về từ bệnh viện, hai mẹ con sẽ cảm thấy thoải mái, ấm áp hơn trong không giam sạch sẽ, ngăn nắp, thoáng mát.
2. Chuẩn bị không gian cho bé
Việc chuẩn bị sinh con cũng không thể thiếu bước này. Bạn muốn cho con ngủ riêng từ nhỏ? Vậy thì đừng quên việc chuẩn bị một chiếc nôi và xem sẽ đặt ở đâu trong phòng ngủ.
Nếu chọn cách cho con ngủ cùng bố mẹ, hãy kiểm tra xem nệm của bạn đã đủ lớn chưa, bạn có cần drap chống thấm không và bạn cần chuẩn bị bao nhiêu gối, chăn và tấm trải riêng cho bé.
Tiếp đến, hãy nghĩ đến không gian dành cho việc ăn, chơi, tắm và sinh hoạt thường ngày của bé. Hãy dọn sạch những yếu tố nguy cơ như hóa chất độc hại, vật dụng sắc nhọn, đồ vật bé dễ nuốt phải gây nguy cơ hóc, nghẹn và những món đồ có thể gây dị ứng ra khỏi không gian này.
Bạn cũng cần để ý đến các ổ cắm điện ở dưới thấp. Cách tốt nhất là bạn nên che kín chúng lại và đưa ổ cắm lên cao, xa khỏi tâm tay bé.
Cách hiệu quả nhất để kiểm tra tính an toàn của ngôi nhà là giả vờ bò quanh nhà và nhìn mọi thứ từ tầm mắt của bé. Bằng cách này, bạn sẽ phát hiện ra những mối nguy tiềm ẩn cho bé ở trong nhà.
3. Sắp xếp lại tủ quần áo
Đây là việc mà hầu hết các thai phụ những tháng cuối chuẩn bị sinh con đều muốn làm, vì họ cần đảm bảo quần áo của cả gia đình luôn luôn sạch sẽ, được gấp gọn gàng và dễ tìm thấy.
Sắp xếp lại tủ quần áo của gia đình cũng là cách để mẹ bầu biết được những gì không dùng được nữa và cần phải mua mới… Trong những tháng đầu sau sinh, bạn khó có thể ra ngoài mua sắm quần áo cho cả gia đình, vì vậy, sao không tranh thủ khoảng thời gian này để làm việc đó.
Ngoài ra, bạn còn sắp xếp quần áo cho mình và em bé, chuẩn bị cho ngày sinh nở đang gần kề. Mẹ bầu cần cân nhắc những loại quần áo, vật dụng nào cần thiết phải sắm thêm hoặc dùng lại của các em bé nhà họ hàng, bạn bè; quần áo mang tới bệnh viện, quần áo để cho bé mặc mùa đông hoặc mùa hè,… Công việc này tưởng chừng đơn giản nhưng cũng phải mất khá nhều thời gian để sắp xếp chu đáo.
4. Giặt giũ
Đừng quên bước này khi chuẩn bị sinh con. Bạn nên giặt tất cả quần áo sơ sinh cẩn thận, sau đó phơi khô dưới ánh nắng để diệt khuẩn.
Cho dù bạn có mua quần áo của bé ở những trung tâm thương mại nổi tiếng đi nữa, cũng đã có rất nhiều người chạm tay vào những món đồ đó trước khi chúng thuộc về bạn. Vì thế, không có gì là dư thừa khi đem giặt quần áo sơ sinh trước khi cho bé mặc.
Bạn cũng hãy tranh thủ giặt tất cả những thứ trước giờ ít khi được giặt như thảm, rèm cửa, chăn mền, bao gối và cả drap giường.
Công việc chuẩn bị sinh con này không những giúp mọi thứ trở nên thơm tho, sạch sẽ mà vì một khi em bé chào đời, chiếc máy giặt nhà bạn sẽ hoạt động với tần suất tăng chóng mặt và sẽ chẳng có thời gian cho những thứ này đâu.
5. Tẩy trùng bình sữa và các dụng cụ cho bé bú, chuẩn bị đồ ăn
Không chỉ bình sữa mà núm vú và các vật dụng cho bé bú khác cũng cần được làm sạch khi bạn chuẩn bị sinh con.
Ngay cả với những bình sữa đựng trong hộp mà bạn cho là hoàn toàn sạch sẽ, ít nhất cũng nên tráng nước sôi lòng bình trước khi sử dụng nhé.
6. Chuẩn bị đồ ăn
Chuẩn bị đồ ăn hàng ngày chu đáo cũng là một cách bà bầu lo lắng cho sức khỏe của bản thân và thai nhi bởi lúc này thai nhi cần rất nhiều chất dinh dưỡng và phát triển.
Khi ngày sinh đến gần, bạn đừng ngại loại bỏ những món đồ ứ đọng trong tủ lạnh đã lâu và thay thế bằng thực phẩm tươi mới, chất lượng.
Đặc biệt, hãy dự trữ sẵn những món đồ cơ bản bạn cảm thấy cần ngay sau khi sinh bé như sữa, sữa chua, trái cây tươi, rau củ xanh và một ít thịt, trứng…
Lưu ý: Mẹ bầu không nên làm việc quá sức hoặc làm quá nhiều việc nặng. Bạn nên sắp xếp công việc cho phù hợp với bản thân để không làm ảnh hưởng tới em bé trong bụng.
Tốt nhất bạn có thể rủ chồng cùng tham gia, điều này vừa giúp bạn đỡ vất vả hơn lại vừa giúp bạn cải thiện tình cảm gia đình, giúp tình cảm giữa các thành viên thêm bền chặt hơn.
7. Tìm người chăm sóc mẹ và bé
Mẹ bầu nên tìm người giúp việc ngay từ bây giờ (nếu có điều kiện) để chăm sóc cho hai mẹ con nếu không có ông bà nội ngoại gần bên.
Bạn nên tìm trước cho em bé sơ sinh một bác sỹ thật tốt đề phòng chẳng may bé bị bệnh. Trẻ sơ sinh thường có sức đề kháng kém, dễ mắc một số bệnh truyền nhiễm nên việc kiếm sẵn một bác sỹ chưa bao giờ là thừa.
8. Hãy thư giãn để chuẩn bị trước khi sinh
Lo lắng, sợ hãi, vội vàng đều ảnh hưởng không tốt đến mẹ và bé. Khi chuẩn bị sinh con , bạn cần tạo cho mình một cảm giác thoải mái, vui vẻ bằng cách:
- Xem bộ phim mà bạn yêu thích hay nghe một bản nhạc nhẹ nhàng, du dương
- Đi Spa hoặc nhờ chồng massage tại nhà nếu bạn làm biếng ra ngoài
- Tập thể dục với những động tác nhẹ nhàng
- Trò chuyện cùng người thân
- Ngủ đủ 8 tiếng mỗi ngày để đảm bảo sức khỏe vì khi đến phòng sinh, bạn sẽ không có thời gian nghỉ ngơi cộng với quá trình sinh nở cũng rất mất sức.
9. Vệ sinh cá nhân
Việc vệ sinh cá nhân không chỉ tạo cho mẹ bầu cảm giác sạch sẽ, thoải mái khi chuẩn bị sinh con mà còn có thể hạn chế cho bé một số bệnh lây nhiễm khi chào đời.
Cắt móng tay móng chân, bôi sạch màu sơn trên móng: Bàn tay mẹ thường xuyên tiếp xúc với bé khi bế, cho con bú.
Móng tay dài và sơn là môi trường để vi khuẩn gây bệnh cho trẻ phát triển, nhất là các bệnh về đường ruột. Hơn nữa da trẻ sơ sinh vốn mỏng và dễ bị tổn thương. Móng tay của mẹ dài có thể làm trầy xước da bé bất kỳ lúc nào
Cắt tóc ngắn để không vướng víu khi vượt cạn là việc làm rất tốt. Nếu vẫn muốn giữ mái tóc dài, bạn cần kẹp tóc gọn gàng. Tắm rửa sạch sẽ, mặc những trang phục rộng, thoáng mát, dễ thấm mồ hôi.
10. Liên hệ bác sĩ
Thường xuyên liên hệ với bác sĩ để được tư vấn về chế độ dinh dưỡng, luyện tập, nghỉ ngơi hợp lý. Đặc biệt trong những ngày cuối thai kỳ, bác sĩ sẽ có chuẩn đoán cuối cùng về thai nhi: tư thế và trong lượng của thai nhi, kích thước của nó so với độ nở của xương chậu, từ đó có thể tư vấn cho bạn nên sinh thường hay sinh mổ.
Khi chuẩn bị sinh con bạn nên chuẩn bị và liên hệ trước bộ phận làm thủ tục để tránh trường hợp “nước đến chân mới nhảy”.
11. Nhận biết dấu hiệu chuyển dạ
Sắp đến ngày sinh bà bầu thường có các triệu chứng như: cảm giác sa bụng (không thấy rốn), đi tiểu nhiều lần trong ngày, vùng lưng dưới có cảm giác đau, dây chằng ở xương chậu và tử cung căng ra. Nếu thấy đau bụng, ra dịch nước âm đạo, ra huyết hồng hay thai có bất thường về cử động, nên đến bệnh viện ngay nhé.
Chuẩn bị túi đồ đi sinh
“Cần chuẩn bị gì để mang đến bệnh viện? Cho con ngủ ở đâu? Ai sẽ giúp chăm nom bé?” Đó là những câu hỏi thường trực của các cặp vợ chồng chuẩn bị sinh con và trở thành bố mẹ.
Cho dù có bao nhiêu việc phải chuẩn bị trước khi sinh, bạn cũng sẽ đi qua những bước dưới đây. Hãy làm cho hành trình trở thành cha mẹ trở nên nhẹ nhàng hơn nhé!
Trong túi đồ đi sinh cũng không thể thiếu quần áo, khăn quấn, khăn giấy ướt, miếng lót sơ sinh dùng cho những ngày đầu tiên của bé cùng quần áo và băng vệ sinh cho mẹ, miếng lót thấm sữa… Ngoài ra, nếu có dự định vắt sữa thì đừng quên chuẩn bị cả máy vắt sữa và túi trữ sữa.
[inline_article id=112883]
1. Những vật dụng quan trọng cần chuẩn bị
Túi đồ đi sinh là ưu tiên hàng đầu danh sách cần chuẩn bị trước khi sinh. Bạn sẽ không thể thiếu các giấy tờ liên quan đến y tế như giấy chuyển viện, sổ khám thai kèm các kết quả siêu âm, xét nghiệm trong suốt thai kỳ, bảo hiểm y tế và cả bản sao chứng minh nhân dân hay sổ hộ khẩu, giấy phân tích nhóm máu… Đây là những giấy tờ cần thiết để làm thủ tục tại nhà hộ sinh.
Trong thời gian chuẩn bị sinh con, bạn cũng sẽ cần bổ sung năng lượng, nên đừng quên bỏ sẵn vào túi đồ một ít thức ăn như bánh kẹo, trái cây sấy khô và nước uống hay sữa. Bạn nhớ lưu ý kiểm tra hạn sử dụng của thức ăn sao cho trễ hơn ngày dự sinh nhé.
Tất cả những vật dụng này cho vào 1 giỏ xách lớn để luôn sẵn sàng dùng sau khi mẹ chuyển dạ.
2. Những vật dụng khác cần chuẩn bị trước khi sinh
- Bình thuỷ
- Bông bi
- Bông tăm lớn
- Bông tăm nhỏ
- Bông y tế
- Ca nhựa
- Chậu tắm dài
- Cồn y tế
- Dụng cụ bảo vệ tai
- Dụng cụ hút mũi
- Dụng cụ hút sữa
- Giỏ đựng có nắp
- Giỏ đựng quần áo
- Khăn voan
- Khung phơi tã
- Kim băng
- Lưới tắm bé
- Ly có nắp để pha sữa
- Muỗng lớn, nhỏ
- Nhiệt kế
- Nước lọc
- Thau rửa đồ
- Thau rửa mặt
- Tủ nhựa
3. Tìm kiếm sự giúp đỡ, chuẩn bị trước khi sinh
Bạn đã tìm được ai để giúp đỡ chăm sóc cho bé trong một hai tuần đầu sau khi sinh hoặc cho lâu hơn? Đó là thời gian cơ thể bạn còn khá mệt mỏi, chưa kịp hồi phục sau cuộc vượt cạn dài.
Trong những ngày đầu tiên, em bé lại cần bú mẹ và chăm sóc rất nhiều. Nếu không có người đỡ đần, bạn sẽ rất vất vả và căng thẳng. Việc tìm người giúp đỡ là một trong những bước chuẩn bị trước khi sinh quan trọng nhất mà bạn không nên bỏ qua.
Nếu bạn muốn thuê người giữ trẻ, nên bắt đầu từ một vài tháng trước khi sinh. Vấn đề tiền công, giờ giấc làm việc, những nguyên tắc cần thực hiện khi chăm bé cần được thỏa thuận trước khi công việc chính thức bắt đầu.
Tìm người giúp trông trẻ càng sớm, bạn sẽ càng có nhiều cơ hội được cùng chăm sóc, quan sát và điều chỉnh cách chăm sóc bé theo mong muốn của mình.
Nhóm đồ cần chuẩn bị khi mẹ xuất viện về nhà
Đây là nhóm đồ dùng tương tự như đồ đi sinh nhưng bố mẹ cần chuẩn bị số lượng cần thiết để sử dụng lâu dài khi mẹ và bé xuất viện về nhà! Song mỗi người sẽ có mỗi nhu cầu khác nhau, mẹ có thể tham khảo danh sách dưới đây:
1. Đồ dùng cho mẹ khi về nhà:
Áo lót dành cho bé bú sữa, bàn chải đánh răng, băng vệ sinh, dầu khuynh diệp, kem chống rạn da sau sinh, khăn mặt, khăn tắm, miếng lót thấm sữa, nón len đội đầu, nước rửa vệ sinh, nước súc miệng, quần áo, quần lót dùng 1 lần, vớ…
2. Đồ dùng cho bé khi về nhà:
- Áo choàng, áo len/áo khoác, áo sơ sinh, băng rốn, bình sữa, bình ủ, bình uống nước 60 ml, bột giặt + xả, bột giặt dành cho bé, dầu gội đầu, dung dịch súc bình sữa, gạc rơ lưỡi, gối nằm, gối ôm, kem chống hăm, khăn choàng to, khăn mùng lớn, khăn mùng nhỏ, khăn sữa, khăn sữa nhỏ, khăn tắm cho bé, khăn ủ sau khi tắm, khăn ướt, mền, khăn lông, mùng cho bé, natriclorit 0.9%, hay thường gọi là nước muối sinh lý, nệm mát, nón sơ sinh, phấn thơm, sữa bột, sữa tắm, tã 2 lớp, tã dán, tã giấy dành cho trẻ sơ sinh, tã vải, tấm lót, tất tay + chân
4 lỗi thường gặp khi mua sắm chuẩn bị cho con
Khi chuẩn bị sinh con bạn cần lưu ý những vấn đề như sau:
1. Chuẩn bị quá nhiều tã
Trong năm đầu đời, trẻ em “tiêu tốn” một lượng tã khá lớn và mẹ phải liên tục đổi kích cỡ tã cho bé. Vì vậy trong việc chuẩn bị trước khi sinh, mẹ chỉ nên “trữ” một lượng tã nhất định, không nên mua quá nhiều.
2. Không đi thử xe đẩy
Nếu có ý định mua xe đẩy cho bé, mẹ nên nghiên cứu xuất xứ cũng như cách thức hoạt động của xe đẩy từ trước hoặc có thể tham khảo thêm kinh nghiệm từ những người đi trước.
Tuy nhiên, tốt nhất, bạn vẫn nên dùng thử trước khi “rinh” nó về nhà. Nhiều loại có thể trông rất đẹp nhưng lại không tiện dụng lắm.
3. Mua quá nhiều quần áo
Tâm lý của các bà mẹ đi mua đồ chuẩn bị sinh con thường có xu hướng thấy đẹp và thấy thích rất nhiều thứ. Tuy nhiên, việc sinh và nuôi con là cả một chặng đường dài, và tiết kiệm là điều cần thiết.
Trong giai đoạn đầu, trẻ sơ sinh thường lớn lên rất nhanh và ít có cơ hội “diện” đồ. Vì vậy, tốt hơn hết, mẹ nên cân nhắc kỹ trước khi thêm một bộ quần áo nào cho bé.
4. Không mua đủ đồ hỗ trợ
Có xu hướng mua quá nhiều quần áo, tã bỉm cho trẻ nhưng các bà mẹ thường lơ là những vật dụng hỗ trợ như quần lót, áo ngực cho con bú, chăn quấn, yếm vải…
Mỗi ngày, việc trẻ làm bẩn vài tấm chăn hay thay vài cái yếm vải là chuyện bình thường, và mẹ sẽ ngạc nhiên với “núi” vật dụng mà bé thay ra mỗi ngày.
Để tránh tình trạng không giặt kịp đồ cho bé, mẹ nên “tậu” thêm khá khá những đồ hỗ trợ này khi chuẩn bị sinh con nhé!
Đặt tên cho bé, vấn đề quan trọng mẹ đừng quên
Nhiều người thường nghĩ đặt tên cho con có thể từ từ tính sau khi sinh con cũng được. Tuy nhiên sau khi sinh, bạn sẽ tất bật với cả núi công việc chăm sóc bé cũng như đối mặt với hàng loạt vấn đề chăm sóc hậu sản, trầm cảm sau sinh.
Lúc đó vợ chồng bạn sẽ khó lòng chọn ra được một cái tên hoàn hảo cho con. Vì thế bạn có thể nghĩ trước chuyện đặt tên cho bé khi chuẩn bị sinh con.
1. Gợi ý cách đặt tên cho con
Để chọn được cái tên hay và ý nghĩa, bố mẹ có thể tham khảo những gợi ý sau đây:
Tên con gắn với kỷ niệm của bố mẹ
Kỷ niệm lần đầu gặp nhau, lần đầu đi chơi, kết hôn ở nơi nào cũng có thể là gợi ý tuyệt vời cho tên của con để ghi nhớ lại kỉ niệm thời yêu đương tuyệt vời.
Ví dụ: bố gặp mẹ lần đầu dưới gốc cây cổ thụ, trong một khu rừng hay trường học thì đặt tên con là Đại Mộc, Thanh Lâm, Thanh Trường
Bố mẹ có thể đặt tên cho con theo mong muốn, hy vọng của mình về con:
- Nếu muốn con có những phẩm chất đạo đức tốt đẹp thì bố mẹ có thể đặt tên con là Nhân, Nghĩa, Trí, Tín, Trung, Hiếu, Trực, Ngôn, Hạnh, Hảo…
- Bố mẹ có thể dùng các hình ảnh ẩn dụ về sự vững chãi, sức mạnh, dịu dàng, nhân ái để đặt tên cho con, mong con cái có thể vững vàng, mạnh mẽ: Phong (ngọn, đỉnh), Sơn (Núi), Hải (Biển), Tâm, Hiền, Hòa…
Để tên con trở nên độc đáo hơn, bố mẹ có thể ghép họ bố và họ mẹ cộng với tên dự định đặt như: Nguyễn Cao Minh Khôi, Lê Hoàng Gia Bảo,…
Hãy dùng một số từ ngữ ít được sử dụng (có thể là tiếng Hán Việt) để tên con bạn trở nên độc, lạ, gây ấn tượng mạnh và nhớ lâu như Túc Mạch, Bá Nghị, Viễn Tống,…
2. Đặt tên con cần lưu ý điều gì?
Trước khi tìm hiểu cách đặt tên cho con, bạn cần lưu ý những vấn đề sau:
- Chọn tên con trai bố mẹ cần chọn những tên thể hiện được bản tính mạnh mẽ, tài giỏi, có khí chất… nói cách khác thể hiện được “chí nam nhi”. Cần tránh những tên kiểu thùy mị, nết na của con gái hoặc đặt tên gây hiểu nhầm là con gái.
- Tuyệt đối không được đặt tên con bằng những cái tên xấu, không có ý nghĩa, hoặc những cái tên quá rườm rà cũng không nên chọn. Tốt nhất chỉ nên đặt 3 hoặc 4 chữ cái.
- Đặt tên cho con cũng cần phù hợp với phong thủy, hợp với mệnh của bé và của bố mẹ để cho bé luôn được khỏe mạnh và có tương lai, vận mệnh sáng lạn.
- Đặt tên cho con bố mẹ cần lưu ý tránh đặt tên trùng lặp với người trong gia đình, dòng họ (đặc biệt là những người chết trẻ, vì theo quan niệm dân gian như thế là “phạm thượng”, có thể bị quở phạt).
- Không nên đặt tên quá phổ biến hoặc theo tên của người nổi tiếng vì dễ gây áp lực cho con.
Tuy nhiên, bố mẹ cũng không nên quá lo lắng hay bận tâm về những điều này, quan trọng nhất là thai kỳ khoẻ, con có được một sức khoẻ tốt đầu đời.
Trên đây là tất tần tật những vấn đề bố mẹ chuẩn bị sinh con cần lưu ý. Hãy lưu lại cẩn thận để chuẩn bị chu đáo nhất cho ngày baby chào đời bạn nhé! Chúc gia đình bạn mẹ tròn con vuông?
Trung Minh