Chườm đá lạnh cho trẻ từ 4 tuổi là cách làm thuận tiện, có thể thực hiện mọi lúc, mọi nơi. Song bạn biết thực hiện phương pháp này như thế nào để hiệu quả tốt nhất chưa?
Thông thường chúng ta chườm ấm cho trẻ. Song trong một số trường hợp, các bác sĩ khuyên dùng biện pháp chườm lạnh, đặc biệt là với những trẻ lớn trên 4 tuổi.
Với việc chườm đá lạnh cho trẻ từ 4 tuổi này, bạn đã biết cách chưa? Nếu chưa, mời bạn cùng theo dõi bài viết của MarryBaby nhé.
Một số mẹ tỏ ra lo sợ con sẽ không chịu được nhiệt độ quá thấp của đá lạnh, thậm chí có thể bị bỏng lạnh vì làn da của trẻ còn quá non nớt và mỏng manh. Tuy nhiên theo các bác sĩ, nguy cơ này rất thấp và nếu mẹ biết chườm đá đúng cách thì đá lạnh sẽ phát huy hiệu quả rất tốt đấy!
Vậy, trường hợp nào mẹ nên chườm đá cho trẻ?
Trường hợp nào mẹ nên chườm đá lạnh cho trẻ từ 4 tuổi?
Khi nào mẹ chườm đá lạnh cho trẻ từ 4 tuổi mà không phải chườm ấm? Theo các chuyên gia y tế, một số trường hợp sau mẹ nên chườm đá lạnh cho trẻ:
- Khi con bị bầm tím do chấn thương, va đập
- Trẻ bị căng cơ và co thắt sau khi vận động mạnh hoặc chơi thể thao
- Trẻ bị bong gân
- Bị côn trùng đốt
- Trẻ sau khi tiêm phòng
Tuy nhiên, mẹ cũng cần lưu ý thêm rằng, ở trong những trường hợp đó, nếu con có các dấu hiệu sau thì mới có thể sử dụng cách chườm đá lạnh:
- Con không quá đau, tức là chỉ khóc một lúc sau chấn thương rồi thôi.
- Mắt trẻ hoạt động bình thường (đồng tử không giãn hoặc mắt không bị chéo).
- Con không bị nôn hoặc chỉ nôn một lần rồi thôi.
- Không có dấu hiệu của bất kỳ chấn động nào vào đầu.
Như vậy, nếu trẻ ở trong những trường hợp trên kèm với việc không có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào khác, mẹ có thể làm dịu vết thương ngay lập tức bằng cách sử dụng liệu pháp lạnh. Lúc này, chườm đá lạnh sẽ giúp giảm đau, giảm sưng tấy và làm cho trẻ cảm thấy dễ chịu hơn.
Cách chườm đá cho trẻ em từ 4 tuổi
Để phát huy hiệu quả của việc chườm đá cho trẻ em, bạn cần chú ý thực hiện đúng cách. Sau khi con bị đau, việc cần làm đầu tiên là mẹ hãy kiểm tra con xem có dấu hiệu bất thường gì không. Nếu đủ những tiêu chuẩn trên, mẹ nên chườm đá lạnh cho con theo các bước sau:
1. Làm túi chườm đá
Bạn dùng một túi vải hoặc khăn xô trẻ em (yêu cầu phải sạch), sau đó cho đá bào hoặc đá viên vào đó. Buộc chặt các đầu khăn hoặc miệng túi lại, sao cho các viên đá không thể rơi ra ngoài được.
2. Cách chườm đá lạnh
- Ấn túi đá vào tất cả vùng da bị đau.
- Nhẹ nhàng mát xa vùng bị tổn thương bằng túi đá một cách nhẹ nhàng theo chuyển động tròn. Nếu trẻ thấy quá lạnh, mẹ có thể dùng thêm một miếng vải đặt giữa da của con và túi đá cho con cảm thấy dễ chịu.
- Lặp lại động tác này từ 2-5 vòng, thời gian tiến hành cụ thể theo mức độ tổn thương của trẻ.
3. Thời gian chườm đá lạnh
- Trong 72 giờ đầu sau khi con bị thương hoặc tiêm phòng, mẹ hãy chườm đá cho con trong vòng 10 phút, 1 lần/giờ.
- Sau 72 giờ chấn thương, dùng đá để chườm trong vòng 15-20 phút, mỗi ngày thực hiện ba lần (vào buổi sáng, buổi chiều muộn hoặc sau khi đi học về và khoảng nửa giờ trước khi đi ngủ).
Khi nào không nên chườm đá lạnh cho trẻ từ 4 tuổi?
Mẹ lưu ý rằng trong những trường hợp dưới đây, mẹ không chườm đá lạnh cho trẻ mà cần đưa con tới bệnh viện để được bác sĩ thăm khám và làm các xét nghiệm chẩn đoán bệnh:
- Trong vòng 24-48 giờ sau khi con gặp chấn thương mà bị sốt
- Trẻ có các dấu hiệu nhiễm trùng xung quanh vết bầm, chẳng hạn như mủ hoặc đỏ
- Nhiều vết bầm tím xuất hiện mà không có bất kỳ thương tích ngoài da nào
- Con cảm thấy cực kỳ khó chịu, đau đớn với vết bầm, vết thương
- Trẻ buồn ngủ, lú lẫn, mất ý thức, mất trí nhớ
- Con bị nôn mửa kéo dài, đau đầu dữ dội
- Có chất lỏng trong suốt rỉ ra từ tai và mũi
- Con bị đảo mắt liên tục và co giật
- Trẻ thở yếu
Nếu trẻ có bất kỳ triệu chứng nào ở trên, bạn hãy lập tức đưa con đi cấp cứu hoặc đến ngay phòng cấp cứu của bệnh viện gần nhất.
Lưu ý: Bạn tuyệt đối không được chườm đá khi trẻ bị sốt nhé. Chườm đá là cách làm sai lầm và rất nguy hiểm khi trẻ sốt, bởi khi gặp lạnh, nhiệt độ cơ thể trẻ có thể tăng cao hơn. Lúc trẻ sốt, mẹ nên chườm ấm để hạ nhiệt cho con.
Lưu ý khi chườm đá cho trẻ
- Không được chườm trực tiếp đá lạnh lên da của trẻ, vì có thể khiến con bị bỏng lạnh.
- Sử dụng đá lạnh chườm cho trẻ cần lấy đá được làm từ nước sạch, tránh mua đá ở ngoài cửa hàng vì có thể làm từ nguồn nước bẩn, ô nhiễm. Đá bẩn sẽ khiến vết thương của trẻ bị nhiễm trùng, rất nguy hiểm.
- Mẹ tuyệt đối không chườm đá lâu hơn 15-20 phút trong mỗi lần chườm.
- Không để túi đá ở một vị trí quá lâu, cần di chuyển túi đá để vùng bị tổn thương nào cũng được chữa trị.
- Trong thời gian chườm đá lạnh cho con, bạn hãy để trẻ nghỉ ngơi thoải mái, tốt nhất là khuyến khích con ngủ.
- Với những vết thương hở, mẹ cần sử dụng miếng gạc để băng bó lại cho con, sau đó mới chườm đá.
- Khi chườm xong, bạn cần vệ sinh sạch sẽ vết thương bằng dung dịch y tế.
- Nếu chườm đá xung quanh mắt, bạn cần phải cẩn thận, vì nước đá có thể rò rỉ vào mắt.
- Sau khi chườm đá, nếu bệnh của con không thuyên giảm, thậm chí có dấu hiệu của nhiễm trùng, mẹ cần ngay lập tức đưa con tới bệnh viện.
Trên đây là những hướng dẫn của MarryBaby về chườm đá lạnh cho trẻ từ 4 tuổi, mẹ lưu ý và áp dụng nhé. Đối với trẻ dưới 4 tuổi làn da còn quá non nớt, bạn đừng dùng phương pháp này cho con nhé.
Thảo Nguyên