Categories
Dạy con Nuôi dạy con

Dạy bé tập viết với 5 bước thú vị và đơn giản

Dạy bé tập viết khi con vào lớp 1 là chuyện đau đầu của đa số bà mẹ thời hiện đại. Thông thường, các bà mẹ chọn giao phó trách nhiệm này cho các cô giáo hoặc gửi con vào “lò luyện chữ”. Thế nhưng ít ai biết rằng chính mình cũng có thể giúp con rèn luyện kỹ năng viết ngay từ thuở lên hai lên ba nếu thực hiện đúng phương pháp. Mẹ có thể tham khảo các bí quyết sau đây để rèn cho con tập viết nhé.

Dạy bé tập viết


Khả năng tập viết của bé qua từng giai đoạn

  • 12-13 tháng tuổi: Bé có thể nắm lấy bút sáp màu và tô vẽ khắp nơi trên tờ giấy.
  • 16 tháng tuổi: Bé vẽ nguệch ngoạc trên giấy và trên bất cứ nơi đâu trong nhà. Thậm chí,  tủ lạnh, tường nhà bạn xuất hiện vài hình vẽ.
  • 29-30 tháng tuổi: Bé vẽ khắp nơi, trên giấy, trên bao giấy. Mục đích vẽ và kỹ năng tiến bộ hơn, biết vẽ và pha trộn màu.
  • Giai đoạn 2-5 tuổi: Bé viết và vẽ tiến bộ, tự viết một vài chữ cái lên giấy.
  • 3 tuổi: Viết được đường thẳng đứng, viết vài chữ cái nhờ bắt chước người lớn. Vài bé biết cách viết tên mình trước khi vào mẫu giáo, đặc biệt nếu biết trước bảng chữ cái.
  • Tuổi mẫu giáo 4-5 tuổi: Trẻ vẽ được đường thẳng, vòng tròn, hình vuông, vẽ người, thậm chí vẽ cảnh.
  • 6 tuổi: Là tuổi bắt đầu có thể viết chữ nghiêm túc.Dạy bé tập viết

Cách khuyến khích bé tập viết

Cũng như bất kì kỹ năng mới nào của bé, bạn cũng cần phải khuyến khích và giúp đỡ con. Muốn con thích vẽ và viết, mẹ cần phải cung cấp thêm cho bé giấy, bút và bút sáp màu, sẵn sàng khi bé cảm thấy hứng thú với việc vẽ ở mức cơ bản nhất. Trẻ rất nhanh chán, nên mẹ nên thay đổi lúc vẽ lúc viết.

Khi bé bắt đầu viết 1 chữ cái thật sự, điều quan trọng nhất bạn có thể làm là để bé tự học theo khả năng của mình. Quá dễ dàng để bắt một bé ngoan ngoãn nghe lời học chữ sớm vào độ tuổi này, nhưng các nghiên cứu chỉ ra rằng, các bé sẽ mất dần lợi thế này khi lớn lên và nhận ra rằng mình không thể dùng các kỹ năng học bài đã dùng trước đó để đọc và viết, hay học các kiến thức phức tạp hơn.

Biện pháp hữu hiệu giúp bé hứng thú việc tập viết là mẹ luôn luôn nói chuyện và đọc cho bé nghe càng nhiều càng tốt. Bé càng nghe nhiều thì não bộ sẽ càng phát triển và điều này sẽ mang lại nhiều lợi ích để con phát triển các kỹ năng giao tiếp trong thời gian dài, bao gồm cả viết.

Đọc truyện và khuyến khích bé tự tạo câu chuyện nho nhỏ của mình thông qua cách viết câu ngắn là cách dạy bé tập viết chữ hiệu quả. Điều này sẽ giúp trẻ hứng thú và ngày càng viết thông thạo hơn.dạy bé tập viết

Cách dạy bé tập viết

1. Những bài tập giúp phát triển các cơ tinh và các giác quan của bé

Để viết được thì các cơ trên bàn tay của bé phải đủ cứng cáp, khéo léo và chính xác. Khi được 18 tháng tuổi, các bé đều biết điều khiển các cơ tay để nắm, chộp, cầm đồ vật. Đến lúc này, ta có thể bắt đầu “luyện” cho bé được rồi đấy. Hãy biến những bài tập thành những trò chơi thú vị, vừa học vừa chơi, cả mẹ và con cùng tham gia.

♦ Đồng xu hoặc nút áo: tập cho bé dùng tay nhặt đồng xu hoặc nút áo (luôn canh chừng cẩn thận, không để bé cho vào miệng, mũi, tai). Bài tập này rèn luyện cho bé cách phối hợp tay và mắt.

♦ Cây nhíp: Tập cho bé dùng nhíp kẹp và gắp đồ vật. Bài tập này giúp luyện các cơ ngón tay.

♦ Đất sét: Cho bé nhào, vo tròn hoặc nặn ra bất kỳ hình thù nào.

♦ Giấy: Cho bé xé giấy bằng cách dùng ngón cái và ngón trỏ (xé thành từng sợi, hay xé thành hình tròn), vò giấy bằng cả bàn tay.

♦ Bình xịt nước: Chỉ cho bé cách bóp vào vòi xịt nước. Bài tập này giúp tập luyện các cơ bàn tay, cổ tay và ngón tay.

♦ Tắm: Cho bé vào chậu nước, tập cho bé cách vốc nước bằng tay, hoặc đổ nước vào ca, phễu, chai, lọ.

♦ Ngón tay: Tập cho bé giơ ngón tay đếm số (1-10), tạo thành chữ O (bằng ngón cái và ngón trỏ).Dạy bé tập viết

2. Giúp con tập làm quen với chữ cái

Trước khi dạy bé tập viết chữ, mẹ nên dạy cho con thuộc bảng chữ cái. Có rất nhiều cách giúp bé nhận diện bảng chữ cái một cách dễ dàng như cho bé tiếp xúc với bảng chữ cái nhiều màu sắc để con thích thú và mau học thuộc mặt chữ. Hoặc mẹ có thể dạy bé học chữ qua video ca nhạc. Nhưng để bé nhận mặt chữ tốt hơn và kết hợp với việc phát huy trí tưởng tượng, sự sáng tạo, mẹ nên vận dụng các trò chơi khác nhau bao gồm:

♦ Dùng những vật dụng trong nhà để ghép chữ: Mẹ cho bé sử dụng ống hút, tăm, đũa, dây ruy băng để bé tạo ra những hình dạng chữ cái mà bé thích. Mẹ hãy gợi ý cho bé với những chữ cái khó như chữ S, C, Q thì tạo hình như thế nào. Với trò chơi này bé sẽ hứng thú trong việc khám phá ra hình dạng của các chữ cái.

♦ Dùng đất sét nặn chữ: Mẹ hướng dẫn bé dùng đất sét lăn ra thành những sợi mỏng và dùng chúng dán đè lên các chữ viết mà mẹ đã để sẵn trên chiếc bảng đen hay miếng bìa carton.

♦ Dùng vật nhỏ xếp thành chữ: Mẹ chỉ cho bé dùng những viên đá nhỏ, cúc áo hay đồ xếp hình xếp thành những chữ cái mà bé thích.

♦ Cho bé lấp đầy khoảng trống bên trong chữ cái: Mẹ viết những chữ cái lớn và để những khoảng trống bên trong, sau đó cho bé lấp đầy những khoảng trống đó với giấy vụn, cúc áo nhỏ, vỏ trứng hoặc màu nước. Với mỗi chữ cái mẹ nên khuyến khích bé dùng mỗi chất liệu khác nhau để dễ phân biệt các chữ với nhau.

♦ Viết chữ cái bằng cát: Mẹ có thể sử dụng một ít cát làm thành cái bảng để dạy bé tập viết. Mẹ có thể cầm tay bé viết các chữ cái lên cát.Dạy bé tập viết chữ

3. Dạy bé tập viết chữ cái

♦ Bước 1

Viết những chữ cái lớn với khoảng trống bên trong và cho bé lấp đầy những khoảng trống đó với màu nước, vụn giấy hay những hàng nút nhỏ. Để dễ phân biệt, mỗi chữ bạn có thể cho bé sử dụng màu hoặc chất liệu khác nhau. Ví dụ nếu chữ A là nút thì chữ B là những vụn giấy nhỏ, chữ C là những mảnh vụn của vỏ trứng.

♦ Bước 2

Để bé sử dụng những đồ vật trong nhà và tạo ra những “hình dạng” chữ cái theo ý bé. Sẽ dễ hơn khi bắt đầu với những chữ cái có các nét thẳng như chữ A, chữ N, chữ L. Những chữ cái hơi cong cong như chữ C, chữ S có thể làm bé gặp một chút khó khăn. Mẹ có thể cho bé sử dụng đũa, ống hút, tăm để làm những chữ nét thẳng, dùng dây giày, dây ruy băng để làm những chữ nét cong.

♦ Bước 3

Khuyến khích bé dùng những vật nhỏ như đá, nút hay đồ xếp hình xếp thành những chữ cái mà bé biết.

♦ Bước 4

Bạn có thể khuyến khích viết những chữ cái bằng tay. Bạn có thể sử dụng một ít cát làm thành cái bảng để dạy bé tập viết. Bạn có thể cầm tay bé viết các chữ cái lên cát.

♦ Bước 5

Bé đã nhận biết được khá nhiều mặt chữ rồi đấy! Bây giờ mẹ có thể dạy bé tập viết bảng chữ cái trên giấy với nhiều kích cỡ khác nhau.Dạy con tập viết

4. Những bài tập luyện kỹ năng viết

  • Hãy bắt đầu từ những bước luyện tập từ dễ tới khó.
  • Dạy bé viết nét và hình cơ bản như nét ngang, dọc, xiên, cong, hình tròn, hình tam giác, hình vuông. Chú ý nên cho bé vẽ bằng bút sáp, có thể bẻ đôi cây bút sáp cho bé cầm vừa tay. Thậm chí có thể cho bé vẽ bằng tay lên cát, mặt kính mờ hơi nước, bánh kem để bé có thể cảm nhận được nhiều loại chất liệu khác nhau.

♦ Tô màu: Khi tay bé bắt đầu dần quen với cách cầm bút thì chuyển sang cho bé tô màu trên những hình vẽ. Nên từ từ hướng dẫn cho bé cách tô sao cho đều, không bị lem.

♦ Mê cung: Trò chơi mê cung giúp bé học cách điều khiển các ngón tay và phát triển độ rắn chắc và cân bằng của các cơ, phối hợp mắt, tay. Ngoài ra trò chơi này còn giúp tăng cường kỹ năng giải quyết vấn đề, tập trẻ tính kiên nhẫn, rèn luyện trí nhớ, sự tập trung và phát triển tư duy.

♦ Trò chơi nối chấm tròn theo số: Trò chơi này là cách tuyệt vời giúp bé học cách đếm số, nhận biết hình dạng thật nhanh. Ngoài ra, nó còn giúp phát triển khả năng phối hợp mắt, tay, rèn luyện cơ tinh, khả năng tập trung và tính nhẫn nại.

5. Cách dạy bé tập viết chữ đẹp trên giấy

Khi bé thuộc các mặt chữ, mẹ đã có thể đưa cho bé bút và giấy để tự viết ra những chữ cái bé thích. Mẹ sẽ viết mẫu cho bé xem, mẹ nên viết chậm để bé nhìn và bắt chước theo những nét chữ của mẹ.

Để dạy bé tập viết chữ, mẹ cần viết mẫu cho bé vài lần để bé hình dung ra cách viết. Sau đó, mẹ sẽ đưa cho bé bút chì, giấy ô ly và cục tẩy để bé thực hành. Mẹ nên cho bé dùng những cây bút chì có thân ngắn vừa phải và to phù hợp với tay của bé để bé viết dễ dàng hơn. Và mẹ đừng quên hướng dẫn cách cầm bút đúng cho bé nhé.Dạy bé tập viết

6. Mẹo giúp trẻ học viết tiến bộ

♦ Bút chì gỗ ngắn: Để con cầm viết chắc hơn, bạn nên mua bút chì gỗ ngắn để trẻ có thể cầm gọn trong tay, cân bằng tốt hơn khi viết. Một mẩu bút sáp nhỏ, viên phấn cũng giúp con gia tăng vận động tinh

♦ Tập viết ở nhiều chỗ: Trẻ tiểu học rất mau chán, sẽ có lúc con không muốn tập viết lên giấy. Bạn có thể tận dụng lúc làm bếp giúp con học chữ, viết trên bàn phủ bột, đường hoặc trên chiếc đĩa còn dính sốt cà chua. Bãi cát hoặc nền đất cũng có thể là bảng viết mới lạ của trẻ. Bạn có thể viết mẫu chữ cái, với nét lên hoặc xuống. Trẻ sẽ nhớ cách viết chữ từ mẹ.

♦ Dùng vở tập tô: Trẻ viết chữ còn chưa ngay hàng thẳng lối. Bạn mua vở tập viết có mẫu chữ để giúp con đồ theo cho quen tay. Khi trẻ quen mặt chữ, kẻ dòng trên giấy hơi mạnh tay để tạo vết hằn. Độ lõm trên giấy giúp con nhận biết mình viết chệch hàng.

♦ Dùng nhiều bút màu khác nhau: Con viết không đều các chữ cao (như “T”) và chữ cái với đuôi (như “y”). Bạn sử dụng 3 bút màu khác nhau, đánh dấu các đường trên, giữa và dưới cùng trên giấy. Chẳng hạn chữ cái cao bắt đầu ở dòng màu đỏ, những chữ cái nhỏ nằm giữa màu xanh và màu vàng và các chữ cái với đuôi kéo dài xuống màu vàng.

♦ Dùng que kem: Các chữ con viết khoảng cách chưa đều? Bạn dạy con dùng que kem, đặt cuối chữ viết trước. Chữ viết sau nằm sát phía kia của thanh que.Dạy bé tập viết

Một số lưu ý khi mẹ dạy bé tập viết chữ ghép

  • Để dễ dàng cho việc tập viết chữ có thể trước đó mẹ cho bé tập tô, tô theo những nét chữ đã có sẵn trong tập sau đó mới cho bé tập viết trên giấy trắng.
  • Bạn không cần phải bắt bé tập viết theo thứ tự của bảng chữ cái. Bắt đầu từ những chữ đơn giản sau đó tới những chữ khó dần. Hoặc bạn cũng có thể để bé bắt đầu với những chữ mà bé thích.
  • Kỹ năng viết của bé phụ thuộc nhiều vào khả năng phối hợp của hai tay, bạn có thể cho bé chơi các trò chơi giúp cho bàn tay hoạt động linh hoạt.
  • Tập viết là một việc không dễ dàng gì, đòi hỏi sự kiên nhẫn của cả mẹ và bé. Nếu bé quên mặt chữ hay viết chữ không ngay hàng thẳng lối, bạn cũng đừng nên quát mắng bé. Nhưng đừng quên khen mỗi khi bé có tiến bộ hơn nhé, nó sẽ là động lực giúp bé làm tốt hơn nữa đó.
  • Thời gian đầu mới tập, bé có thể cảm thấy chán nản vì không làm được. Nên động viên, khuyến khích và giúp đỡ bé. Tuyệt đối không nên “giành làm” với bé, mà chỉ hỗ trợ bé những lúc bé gặp khó khăn.
  • Nên chọn thời điểm bé cảm thấy thoải mái nhất trong ngày để tập. Tạo không khí vui tươi (cho bé nghe nhạc hoặc vừa chơi vừa hát cùng nhau)
  • Không nên quá gò ép bé phải tập viết trong khi bé không thích. Nếu bé chán, nên cho bé nghỉ ngơi.
  • Khi bé hoàn thành tốt “nhiệm vụ” cần khen ngợi, cổ vũ, và thưởng cho bé những món quà (nên chọn quà là những món giúp ích cho việc học của bé)

[inline_article id=14089]

Dạy bé tập viết không hề khó với những bí quyết Marry Baby đã chia sẻ trong bài viết này phải không nào? Các bố mẹ hãy bắt tay vào tập cho các bé nhà mình ngay từ hôm nay nhé. Chúc các bố mẹ thành công!

Marry Baby