Ai nói mẹ bỉm sữa ở nhà chăm con mà không tiết kiệm được tiền. Ai nói tiền lẻ chỉ đơn giản để mua mấy đồ lặt vặt, không đáng nhắc đến. Tất cả đều sai hết rồi! Nhìn cách mà bà mẹ bỉm sữa dưới đây chia sẻ, bạn sẽ phải giật mình đó.
♦Đây là cách tiết kiệm gần 20 triệu sau 5 tháng của mẹ bỉm sữa
Trong hội nhóm tiết kiệm của các bà mẹ, câu chuyện được chia sẻ như sau: “Mỗi khi có tiền thừa 10.000-20.000 đồng, tôi cứ ném vào tủ và tuyệt đối không đếm lại.
Bình thường, nếu “cho lợn ăn” tiền 100.000-200.000 đồng là kiểu gì cũng bị “rình đập” thôi, còn cho kiểu này thì toàn tiền lẻ nên chán chẳng buồn sờ đâu. Mới 4-5 tháng, lợn đã “ăn” được 16-17 triệu như thường ấy.
Bây giờ, tôi cứ để như thế này, nhất quyết không đổi tiền to. Tôi để cỡ chục năm thôi là có khoản kha khá làm vốn cho con sau này”.
Ngay sau khi đăng tải, câu chuyện lập tức đã thu hút được sự chú ý của cư dân mạng với 2.400 lượt thích và rất nhiều lời bình luận. Hầu hết, mọi ý kiến đềuhào hứng với cách tiết kiệm của mẹ bỉm sữa trên. Đồng thời, đây cũng là dịp mà nhiều người khoe thành quả tiết kiệm của mình.
“Phải học theo cách của mum này thôi”, hay “Mình cũng thế, cũng gom tiền lẻ 2.000-20.000 đồng hàng ngày vào, cứ 2-3 ngày là mình đổi sang tiền chẵn được tầm 100.000-200.000 đồng thì mình cất đi, mỗi tháng cũng được tầm 4-5 triệu. Tới Tết, số tiền này chắc cũng được cỡ 20 triệu”.
Ai chưa từng tiết kiệm sẽ nghĩ cách gom tiền lẻ này chẳng được bao nhiêu nhưng cứ tích tiểu thành đại thì cũng có một khoản kha khá đó các mẹ ạ!
♦5 việc mà mẹ bỉm sữa ngại hỏi
Có thể được liệt vào danh sách những vấn đề tế nhị, ngại hỏi nhưng thực chất 5 việc dưới đây là điều mà mẹ bỉm sữa nào cũng muốn được làm rõ.
1. Việc cho con bú có ảnh hưởng đến đời sống tình dục không?
Giống như âm đạo, bầu ngực của phụ nữ sau khi sinh có thể vừa cho trẻ sơ sinh bú vừa phục vụ đời sống tình dục. Tiến sĩ Christopher Ng, bác sĩ sản phụ khoa tại Phòng khám GynaeMD, Singapore chia sẻ về thực tế này.
Rõ ràng, hai việc này không loại trừ lẫn nhau nhưng vấn đề lại xuất phát từ chính mối quan hệ vợ chồng trong quá trình cho con bú.
Một số ít đàn ông dễ cảm thấy chán nản khi nhìn bầu ngực vợ cho con bú. Họ thấy sữa rò rỉ và núm vú bị nứt nẻ, khiến cảm hứng còn như thuở còn son. Hoặc đôi khi, mẹ cho con bú có thể cảm thấy ngực của mình chỉ dành cho con trẻ và ngăn cản người chồng gây ảnh hưởng đến niềm vui của bé.
2. Có nên chấp nhận sữa mẹ từ người khác vì không đủ sữa?
Điều này phụ thuộc vào nguồn cung cấp sữa. Mặc dù sữa mẹ là dinh dưỡng lý tưởng cho trẻ sơ sinh, nhưng nguồn sữa cũng có thể bị lây nhiễm các bệnh HIV, viêm gan B và C, cùng các loại virus khác có thể truyền qua sữa bị nhiễm bệnh.
3. Xà bông tắm cho bé từ sữa mẹ, liệu có nên mua?
Chưa có bất kỳ chứng nhận nào về việc xà bông làm từ sữa mẹ và các sản phẩm khác được làm từ sữa mẹ là tốt cho làn da nhạy cảm của trẻ sơ sinh. Bên cạnh đó, các yếu tố nguy hiểm, chẳng hạn như HIV và các loại virus khác có thể tồn tại và làm ảnh hưởng tới sức khỏe của trẻ. Mẹ bỉm sữa cần cân nhắc.
4. Có nên phẫu thuật loại bỏ phần da dư thừa sau sinh?
Thực hiện loại bỏ da dư thừa trải dài trên bụng – là một thủ tục phẫu thuật bao gồm tiêm và thuốc uống, những thứ này có thể nhiễm vào sữa mẹ.
Tuy nhiên, bạn có thể tiến hành các phương pháp điều trị không xâm lấn, các phương pháp điều trị như IPL (Intuls Pulsed Light) và các biện pháp không phẫu thuật khác có thể được thực hiện ngay sau khi sinh khoảng một tháng.
5. Có nên từ bỏ cho con bú vì quá mệt mỏi?
Bác sĩ Yvonne Ng, chuyên gia tư vấn cao cấp của khoa sơ sinh tại Bệnh viện Đại học Quốc gia (NUH), Singapore cho rằng các bà mẹ thường cảm thấy quá mệt mỏi khi phải liên tục thức giấc cho con bú.
Nếu quá mệt mỏi, bạn hãy nhờ người giúp đỡ các việc khác trong nhà để bản thân có thời gian nghỉ ngơi và chăm sóc trẻ sơ sinh. Hãy thư giãn khi cho bé bú!
♦Một bức ảnh nói lên 1001 tâm sự của mẹ bỉm sữa sau sinh
Đây là một bức ảnh thực sự ấn tượng! Không cần chia sẻ quá nhiều, mẹ bỉm sữa sau sinh chỉ cần nhìn thoáng qua cũng đủ cảm thấy những khó khăn đã, đang và từng trải qua đều như như hiện ra rõ mồn một!
Tác giả bức hình Heather Gallagher, một nhiếp ảnh gia người Mỹ đã chia sẻ rằng: “Chúng ta rất quen nhìn thấy những hình ảnh hoàn hảo về quá trình sinh con, sau khi sinh, cho con bú, cuộc sống với một đứa bé… trong khi thực tế thường xuyên là hình ảnh này.
Có những ngày căng thẳng, đau đớn, và chúng ta cảm thấy quá tải, đôi khi việc tắm dưới vòi sen cũng là quá xa xỉ.
Có những ngày khi nhìn thấy mình trong gương, chúng ta không nhận ra cơ thể của chính mình khi những vết thương chưa lành, ngực bị chảy sữa và ruột gan cảm giác như bị đốt cháy.
Không ai nói với chúng ta rằng sẽ có những đêm cảm thấy đơn độc và buồn tủi, có những ngày dài đằng đẵng và nhàm chán và dễ bị tổn thương. Lúc này, bạn hãy yêu cầu sự giúp đỡ.
Bạn cũng đừng hoảng khi thường xuyên nghe câu nói kiểu như: “Gớm, cứ làm như chỉ mình mình sinh con, tôi còn 2-3 đứa mà chả kêu gì đây! Thực ra chẳng ai giống ai cả, đặc biệt là hoàn cảnh và những biến đổi về tâm sinh lý của mỗi người”.
♦Gian nan chuyện làm mẹ bỉm sữa ở tuổi 46 của MC Diễm Quỳnh
Ngoài 40 tuổi, không nhiều phụ nữ quyết định mang thai thêm một lần nữa hoặc cố gắng có con, bởi thai nhi lúc này sẽ phải đối diện với nhiều nguy cơ về sức khỏe. Làm mẹ bỉm sữa lúc này, về cơ bản, bạn cũng sẽ lóng ngóng như lần đầu làm mẹ vậy.
Ở tuổi 46, MC Diễm Quỳnh đã quyết định mang thai và sinh con. Hạnh phúc khi được làm mẹ bé Gà nhưng cô cũng đã phải đối diện với khoảng thời gian “khủng khiếp” ấy với những cung bậc cảm xúc khác nhau. Đến nay, khi tiểu công chúa thứ 2 tròn 8 tháng, cô quyết định chia sẻ cảm xúc của mình.
“Năm 2017, khi nỗi buồn không còn chỗ dừng chân.
Mình đón năm 2017 lúc bụng bầu 5 tháng, nằm trên sofa xem ti-vi hết Countdown của VTV lại sang Adell concert trên Starworld. Mình ì ạch một tâm lý “chờ lên thớt”. Vừa thèm được tung tăng xuống phố, vừa kệ xác chả buồn nhúc nhích.
Cảm thấy rất rõ cuộc sống bay nhảy đang khép lại và một chuỗi ngày bỉm sữa nhọc nhằn sắp trải ra bất tận. Mình thậm chí không nghĩ nhiều về việc nuôi em bé mới thế nào, chỉ cay đắng sao bản thân ốm yếu thế, cơ thể to béo không mang nổi sinh linh bằng cái bánh mì pate. Nhìn các mẹ bầu xung quanh hồng hào khoẻ mạnh, vui tươi đi làm đến tận ngày sinh, mình cứ ngậm ngùi.
Rồi em bé (thai nhi) cũng cảm nhận được sự kiệt sức của mẹ, cái cảnh nằm cả tháng trong bệnh viện chờ em lớn chắc quá tệ đối với mẹ. Mẹ quen hoạt động, nằm im là ốm, đi lại rón rén là trầm cảm. Cái cách mẹ trốn viện hàng ngày vác theo em đi chơi, bạn bè tụ tập cà phê khiến em không hề yên tâm. Em quyết trèo ra chỗ thoáng hơn để không phiền cả em cả mẹ.
Ngày 10 tháng 3, bác sĩ Vân Híp khám siêu âm, em bé mới 1,6kg và được 34 tuần tuổi. Nhưng dấu hiệu thu hẹp mạch máu dây rốn khiến khả năng em không còn được truyền dinh dưỡng đầy đủ đã ở mức báo động. Bác sĩ nói: Phải lấy em ra ngay lập tức. Mẹ luống cuống gọi thầy xem giờ tốt, bác sĩ bảo giờ xấu cũng phải mổ. Vậy là em được chào đời, quả quyết và dứt khoát, đúng vào cung hoàng đạo của ngày thứ 6. Một bé Gà mệnh Hỏa bé tí xíu và khóc oe oe, được đưa vào lồng kính nuôi 25 ngày.
Em ra viện về nhà lúc được 1,9kg, mẹ và cả nhà quýnh quáng vì chưa quen. Mẹ tập mặc đồ búp bê cho em, bố tập đo nhiệt độ bình sữa, chị Nhím tập bế em. Cả nhà nín thờ chờ em lớn, nhích từng lạng một trên chiếc cân to đùng.
Em đến với cả nhà rồi. Ai cũng nhìn em và thốt lên sao giống ông ngoại thế! Ngày ông đi, ông thậm chí không hề biết nhà mình sẽ có em. Nhưng nhìn vào mắt em, nụ cười của em, tất cả đều tin: Em là món quà ông gửi tới cho cả nhà. Em giống ông đến độ chả ai trong gia đình mình địch nổi nữa.
Em lớn rất từ tốn, ăn rất cầm chừng, lên cân rất chậm. Chỉ có nghịch và cười hớn hở là không thua bạn nào. Em chuyên có trò bám thành giường và đu người lên để trèo cửa sổ. Nghe hơi khó tin nhưng khi em mới 8 tháng đã định chuồn khỏi ghế ăn dặm. Và em rất niềm nở, cười toe toét với tất cả mọi người, như thể em là người sinh ra để tiếp năng lượng cho cả nhà vậy.
Còn mình, từ khi có em Gà, thế giới của mình thay đổi, những thú vui, những đam mê trở nên ít lôi cuốn hơn. Công việc là chất keo dính chặt nhưng Gà lại là chất tẩy keo cực mạnh. Về đến nhà là quẩn quanh với Gà, không làm được việc gì.
Cứ mỗi ngày qua là thêm một trò mới của Gà. Cứ sáng dậy, nhìn thấy Gà cười nhe 2 chiếc răng bé như hạt tấm, mắt hạt nhãn long lanh trìu mến và tinh nghịch, mình lại biết có thêm một ngày để nỗ lực sống, thêm một đoạn đường nhiều vất vả nhưng hạnh phúc. Có đôi khi những chạnh lòng chợt thoáng, nhưng có Gà, thế giới của mình không còn chỗ cho nỗi buồn dừng chân.
Năm 2017 đánh dấu chấm cuối chặng bằng câu rap “nana pừ rừ” đầy hứng khởi của Hồ Gà, để toe toét cười chào năm mới, không nản chí, không thoái lui, cứ điềm tĩnh mà bước, như Gà, cứ từ từ mà lớn khôn thôi”.