Categories
Sự phát triển của trẻ Trẻ tập đi và Mẫu giáo Cột mốc phát triển của trẻ tập đi và mẫu giáo

Các mốc phát triển của trẻ theo từng độ tuổi, mẹ cập nhật ngay nhé!

Các mốc phát triển của trẻ: Giai đoạn đầu đời

1. Sự phát triển của trẻ trong tháng đầu tiên

Lúc bé mới chào đời, chỉ với việc cho bé ăn, ru bé ngủ và thay tã cũng khiến bạn quay cuồng cả ngày. Tuy nhiên, chỉ trong vài tuần, bé sẽ bắt đầu để ý nhiều hơn đến giọng nói, gương mặt và sự âu yếm của bạn.

Trẻ sơ sinh không thể tập trung vào các vật ở xa hơn khoảng cách 20-30cm nên khuôn mặt bạn thường nằm trong “cự ly lấy nét” của mắt bé. Các hoa văn màu trắng đen cũng thu hút sự chú ý của bé. Thính giác đã phát triển hoàn thiện nên bé có thể quay về hướng những âm thanh quen thuộc như giọng nói của mẹ, của ba.

Khi nằm sấp, bé có thể tự nâng đầu lên một chút và ngoảnh sang một bên nhưng khi bé ở tư thế đứng, bạn vẫn phải đỡ đầu và gáy bé. Mặc dù cử động vô thức, nhưng bé có thể đưa tay lên gần miệng và bú đầu ngón tay.

Các mốc phát triển của trẻ: Giai đoạn đầu đời
Bạn có thể sẽ ngạc nhiên khi biết những cột mốc phát triển của trẻ chỉ sau 1 tháng chào đời

2. Mẹ nên làm gì để khuyến khích bé phát triển?

  • Gần gũi với bé: Nhìn vào mắt bé khi bạn nói chuyện, hát và đọc cho bé nghe. Khi bé tỉnh táo và vui vẻ, bạn chơi các trò đơn giản như ú òa hoặc bắt chước âm thanh của bé.
  • Hiểu ngôn ngữ cơ thể của bé: Chú ý các dấu hiệu cho thấy bé không muốn chơi tiếp và học cách nhận biết những dấu hiệu khi bé buồn ngủ hoặc đói. Luôn để mắt tới bé và xuất hiện ngay khi trẻ quấy khóc.
  • Hướng cho bé vận động: Khi bé thức, đặt bé nằm sấp để tăng cường sự vận động của các cơ. Khuyến khích bé nhìn và với lấy đồ chơi.
  • Cùng bé chào thế giới: Cho bé ra bên ngoài. Ẵm bé đi dạo, ra công viên hoặc chỗ vui chơi của trẻ con. Bé thích môi trường bên ngoài, thích được bạn ẵm và thích ở gần các trẻ khác.

3. Mẹ cần lưu ý những dấu hiệu bất thường nào?

Mỗi trẻ phát triển với tốc độ khác nhau, nhưng nhớ lưu ý theo dõi nếu con bạn đã một tháng tuổi mà:

  • Bú chậm hoặc gặp vấn đề khi bú
  • Mắt không tập trung hoặc không nhìn các vật chuyển động gần bé
  • Không phản ứng với ánh sáng mạnh
  • Thân thể quá cứng nhắc hoặc èo uột
  • Không phản ứng với âm thanh lớn

Khi trẻ có những dấu hiệu này, mẹ nên tham khảo ý kiến bác sĩ và những chuyên gia tâm lý, dinh dưỡng để được tư vấn giải pháp và can thiệp cần thiết.

Những mốc phát triển của trẻ: Giai đoạn 3 tháng tuổi

1. Sự phát triển của trẻ

Bé biết cười: Bé chủ động hơn trong các trò chơi, bắt chước biểu cảm gương mặt cũng như âm thanh của bạn.

Bé biết lẫy – ngóc đầu: Bạn không còn phải đỡ đầu của bé. Khi nằm sấp, bé có thể tự nâng phần đầu và ngực của mình lên. Thậm chí, bé còn có thể tự lật ngửa.

Bé biết nhận diện khuôn mặt: Khả năng phối hợp giữa tay và mắt cũng được cải thiện. Bạn sẽ thấy theo mốc phát triển của trẻ khi 3 tháng tuổi, con biết theo dõi các vật thể và đặc biệt chú ý đến các khuôn mặt. Bé đã có thể nhận ra bạn khi bạn đang đứng khá xa!

Những kỹ năng đáng yêu khác: Bé có thể nắm tay hoặc xòe các ngón tay, lắc đồ chơi, đập vào vật đu đưa trước mặt, đưa tay lên miệng, đạp chân nếu bạn giữ bé ở tư thế đứng.

Các mốc phát triển của trẻ: Giai đoạn 3 tháng tuổi
Biết cười là một trong các mốc phát triển của trẻ khi được 3 tháng tuổi

2. Mẹ nên làm gì để khuyến khích bé phát triển

Nhanh chóng phản ứng lại các tín hiệu của bé ví dụ như trẻ khóc đêm. Việc này giúp bé cảm thấy mình an toàn và được yêu thương.

Khuyến khích bé vận động: Tiếp tục cho bé nằm sấp để bé có thể luyện tập những kỹ năng mới và phát triển các cơ bắp, cho bé đồ chơi hoặc các vật an toàn để bé có thể với lấy, cầm và khám phá.

Chú ý đến bé thật nhiều: Thường xuyên nói chuyện và âu yếm bé, mô tả việc bạn đang làm, đọc tên những vật quen thuộc. Bạn có thể cùng đọc sách, chơi các trò chơi với bé và khuyến khích bé tự lăn sang tư thế nằm ngửa, cầm đồ chơi và “nói chuyện” với bạn.

3. Mẹ cần lưu ý những dấu hiệu bất thường nào?

Mỗi trẻ phát triển với tốc độ khác nhau, nhưng mẹ cần theo dõi sự phát triển của con và lưu ý nếu bé đã ba tháng tuổi và:

  • Không thể tự ngẩng đầu
  • Không thể cầm đồ vật
  • Không thể tập trung vào các vật chuyển động
  • Không cười
  • Không phản ứng với tiếng động lớn
  • Phớt lờ những gương mặt lạ
  • Có vẻ khó chịu khi gặp người lạ hoặc đến nơi xa lạ

Khi trẻ có những dấu hiệu này, mẹ nên tham khảo ý kiến bác sĩ và những chuyên gia tâm lý, dinh dưỡng để được tư vấn giải pháp và can thiệp cần thiết.

Các mốc phát triển của trẻ: Giai đoạn 4-7 tháng tuổi

1. Sự phát triển của trẻ

Bé tích cực tương tác với thế giới xung quanh: Bé cười và “nói chuyện” bi bô với bạn. Đến mốc phát triển của trẻ khoảng 7 tháng, bé đã biết lật và tự trở về tư thế nằm ngửa, ngồi mà không cần bạn giúp, chân đủ mạnh để “nhún nhảy” khi bạn giữ bé. Bé sẽ kéo đồ vật về phía mình, có thể cầm đồ chơi và chuyển đồ vật từ tay này sang tay kia.

Bé nhạy cảm hơn đối với khẩu khí của bạn và có thể sẽ dừng tay khi bạn nói “không được”. Bé cũng biết tên mình và quay lại nhìn khi bạn gọi.

Bé thích chơi trò ú òa và thích tìm các vật bị che khuất. Bé nhìn thế giới với tất cả màu sắc vốn có của nó và có thể nhìn xa hơn. Nếu bạn di chuyển một món đồ chơi trước mặt bé, bé sẽ theo dõi nó chăm chú bằng mắt. Tự ngắm mình trong gương cũng khiến bé vui vẻ.

Các mốc phát triển của trẻ: Giai đoạn 4-7 tháng
Một trong các mốc phát triển của trẻ giai đoạn 4-7 tháng tuổi là khả năng lật người nằm sấp

2. Mẹ nên làm gì để khuyến khích bé phát triển?

Sự tương tác của bạn và bé rất quan trọng. Vì vậy, nên kết hợp các trò chơi vào tất cả các hoạt động với bé. Dành cho bé thật nhiều nụ cười và sự âu yếm, trả lời khi bé nói bi bô để kích khích kỹ năng giao tiếp của bé. Đọc sách cho bé nghe mỗi ngày, đọc tên các vật có trong sách và những vật xung quanh bạn.

Cho bé nhiều cơ hội để củng cố các kỹ năng mới của cơ thể bằng cách giúp bé ngồi và chơi với bé khi bé nằm sấp lẫn nằm ngửa. Trước khi bé biết bò, bạn cần đảm bảo nhà của mình an toàn để bé có thể tự do khám phá.

Cho bé nhiều loại đồ chơi phù hợp với lứa tuổi và các vật dụng trong gia đình như muỗng, hộp giấy để trẻ khám phá. Tạo cho bé thói quen ăn, ngủ và chơi đúng giờ.
Khi 6 tháng tuổi, bé đã có thể ăn thức ăn dạng rắn.

3. Mẹ cần lưu ý những dấu hiệu bất thường nào?

Mỗi trẻ phát triển với tốc độ khác nhau, nhưng cần theo dõi quá trình phát triển của con và lưu ý nếu bé đã sáu tháng tuổi mà:

  • Thân thể quá cứng nhắc hoặc èo uột
  • Không thể tự giữ vững đầu
  • Không thể tự ngồi
  • Không phản ứng với tiếng động, tiếng cười
  • Không tỏ vẻ yêu thương đối với những người gần gũi nhất với bé
  • Không với lấy đồ

Khi trẻ có những dấu hiệu này, mẹ nên tham khảo ý kiến bác sĩ và những chuyên gia tâm lý, dinh dưỡng để được tư vấn giải pháp và những can thiệp cần thiết.

Các mốc phát triển của trẻ: Giai đoạn 8-12 tháng tuổi

1. Sự phát triển của trẻ

Bé tập đi: Hai bàn tay bé hoạt động liên tục, bé có thể cầm nắm nhiều thứ khá tốt và tiếp tục hoàn thiện kỹ năng sử dụng ngón tay cái và ngón trỏ. Bé đã biết tự ngồi nên có thể vịn tay vào đồ vật để giúp bé đứng dậy. Đặc biệt hơn, nhiều bé đã chập chững vài bước trước khi đón ngày sinh nhật đầu tiên đấy!

Bé tập nói: Bé có thể nhận biết những từ thường nghe, biết nói các từ đơn giản như “baba” hay “mama” và có xu hướng “bắt chước” những hành động, cử chỉ của bạn như dùng lược chải đầu, cầm ly uống nước hay thậm chí là nói chuyện qua điện thoại. Đồng thời, bé sẽ càng cảnh giác với người lạ hơn, bắt đầu xuất hiện nỗi sợ hãi chia ly khi bạn có việc rời xa bé.

Các mốc phát triển của trẻ: Giai đoạn 8 – 12 tháng tuổi
Mốc phát triển của trẻ mà ba mẹ trông đợi nhất giai đoạn này: bé tập đi

2. Mẹ nên làm gì để khuyến khích bé phát triển?

Bạn nên trò chuyện với con thường xuyên hơn vì đây là thời điểm quan trọng cho bé phát triển ngôn ngữ, giúp con phát triển cảm xúc rất nhanh. Mẹ cũng nên duy trì việc đọc truyện và chơi cùng con như trước đó.

Bé đã hiếu động hơn nên mẹ cần chú ý độ an toàn của không gian chơi đùa hơn nữa. Để giúp bé tự do phát triển các giác quan và khám phá mọi thứ, các mẹ mua giấy, bút chì màu, các khối hình, hộp rỗng… cho con vừa vẽ, vừa chơi.

Đừng tiếc lời khen thưởng nếu con làm tốt. Tuy nhiên, khi con nghịch ngợm, mẹ cần biết nói “không” và hướng dẫn lại cách làm cho con. Mặc dù bé vẫn còn non nớt và chưa hiểu khuôn phép là gì, nhưng mẹ có thể bắt đầu chỉ bảo con những chuyện không nên làm để bé có cách hành xử đúng.

Xây dựng lòng tin với bé bằng cách cho bé thời gian làm quen với cô bảo mẫu hay người giúp việc và luôn tạm biệt bé mỗi khi bạn có việc phải đi ra ngoài.

3. Mẹ cần lưu ý những dấu hiệu bất thường nào?

Mỗi trẻ phát triển với tốc độ khác nhau, nhưng mẹ cần theo dõi sự phát triển của con và lưu ý nếu bé đã tám tháng tuổi và:

  • Không biết bò hoặc trườn
  • Chỉ bò/trườn theo một hướng duy nhất trong vòng 1 tháng hoặc hơn
  • Không thể đứng nếu thiếu người hỗ trợ
  • Không tìm kiếm những đồ vật bạn giấu dù nó ngay trước mặt bé
  • Không nói bất kỳ từ nào
  • Không dùng các cử chỉ như lắc đầu báo hiệu “con không đồng ý” và chỉ trỏ

Khi trẻ có những dấu hiệu này, mẹ nên tham khảo ý kiến bác sĩ và những chuyên gia tâm lý, dinh dưỡng để được tư vấn giải pháp và can thiệp cần thiết.

Những mốc phát triển của trẻ: Giai đoạn 1-2 tuổi

1. Sự phát triển của trẻ

Phát triển thể chất

Những bước chân vụng về là khởi đầu cho việc trẻ có thể đi mà không cần dắt, leo lên và xuống cầu thang, đứng nhón chân, đá bóng và thậm chí có thể chạy khi 2 tuổi. Bé thích leo trèo và mục tiêu của bé thường là ghế sofa.

Phát triển ngôn ngữ

Bé có thể hiểu nhiều hơn so với những gì bé có thể diễn đạt. Đến 18 tháng tuổi, bé có thể nói được nhiều từ đơn và đến 24 tháng tuổi có thể dùng các câu và cụm từ ngắn.

Bé nhanh chóng học những từ mới qua các cuốn sách mà bạn đọc cho bé cũng như những cuộc nói chuyện hằng ngày. Bé có thể làm theo các lời đề nghị gồm 2 phần kiểu như: “Con nhặt cuốn sách lên và đem lại đây cho mẹ”.

Phát triển năng khiếu

Bé cũng bắt đầu phân biệt được hình dáng và màu sắc. Bé vẽ nguệch ngoạc bằng bút màu, xây tháp bằng bốn khối đồ chơi trở lên, ném bóng, thích bỏ vật nhỏ vào vật lớn rồi lấy hết vật nhỏ ra khỏi vật lớn. Lúc này, bạn có thể thấy những dấu hiệu đầu tiên cho biết bé thuận tay trái hay tay phải.

Phát triển tâm lý

Bé muốn tự mình làm tất cả: Mặc và cởi quần áo; cầm muỗng, ly để ăn uống; rửa tay… Cụm từ đầu tiên của bé có thể là: “Để con làm!”.
Bé có thể bắt đầu quan tâm học cách dùng nhà vệ sinh. Bé bắt chước bạn nói chuyện qua điện thoại, cho búp bê “ăn”, giả vờ lái xe…

Phát triển kỹ năng xã hội

Khi được 24 tháng tuổi, bé không còn khó chịu khi đi nhà trẻ. Bé hòa đồng hơn với các bạn và gần gũi cô giữ trẻ hơn. Đồng thời, bé cũng trở nên độc lập và có thể bướng bỉnh hơn.

Các mốc phát triển của trẻ: Giai đoạn 1 – 2 tuổi
Cho bé nhiều thời gian vui chơi ngoài trời để bé khám phá thế giới xung quanh

2. Mẹ nên làm gì để khuyến khích bé phát triển?

Dạy trẻ tập nói: Mẹ có thể kích thích kỹ năng này của bé qua cách diễn đạt, đặt câu hỏi, nói chuyện về những cuốn sách mà hai mẹ con đã đọc cùng nhau, hỏi ý kiến bé và trả lời các câu hỏi của bé về thế giới xung quanh. Đây là lúc bạn nên dạy bé làm quen các con số và chữ cái.

Bạn đừng mắng bé vì đã dùng từ sai, chỉ cần sửa lại câu nói của bé là được. Khi bé chỉ thứ gì đó mà bé muốn, bạn khuyên bé nói lên thứ mình muốn.

Cho bé khám phá thế giới xung quanh: Bé hiếu động hơn bạn tưởng. Bạn nên đưa bé ra công viên, sân chơi hoặc sở thú để đi dạo, chạy nhảy và tự do khám phá.

Tập cho bé những kỹ năng mới: Mẹ và bé cùng chơi trò chơi để bé nhận biết các bộ phận trên cơ thể bé hoặc đọc tên các vật quen thuộc. Khuyến khích bé gái chơi đồ hàng với búp bê và thức ăn đồ chơi. Yêu cầu bé giúp đỡ phân loại đồ chơi theo đặc điểm, ví dụ như đồ chơi mềm, đồ chơi màu đỏ… Tập cho bé sử dụng muỗng và ly để tự ăn uống.

Khen ngợi, kỷ luật và an toàn: Chú ý và khen để bé duy trì sự ngoan ngoãn. Đặt ra những giới hạn đơn giản và rõ ràng đồng thời xử lý vi phạm một cách bình tĩnh và kiên định, cho con bạn được quyền chọn lựa.

Khi bé đã có những kỹ năng mới, bạn nên sắp xếp lại không gian trong nhà và thực hiện các biện pháp phòng tránh cần thiết để bé có thể khám phá một cách tự do và an toàn.

3. Mẹ cần lưu ý những dấu hiệu bất thường nào?

Mỗi trẻ phát triển với tốc độ khác nhau, nhưng cần lưu ý theo dõi nếu con bạn:

  • Đã 18 tháng tuổi nhưng vẫn chưa biết đi
  • Không hiểu công dụng của các vật dụng hằng ngày
  • Không nói được ít nhất sáu từ khi đủ 18 tháng tuổi hoặc những câu gồm hai từ khi đủ 24 tháng tuổi
  • Không bắt chước lời nói hoặc hành động
  • Không làm theo những hướng dẫn đơn giản
  • Mất các kỹ năng đã có từ trước

Khi trẻ có những dấu hiệu này, mẹ nên tham khảo ý kiến bác sĩ và những chuyên gia tâm lý, dinh dưỡng để được tư vấn giải pháp và can thiệp cần thiết.

Các mốc phát triển của trẻ: Giai đoạn 2-3 tuổi

1. Sự phát triển của trẻ

Những phát triển về tâm lý:

Ở giai đoạn này, óc sáng tạo và trí tưởng tượng bé yêu ngày càng phong phú hơn. Bé ham thích những trò chơi nhập vai hay giả tưởng. Song song với nỗi sợ các con “quái vật” không có thật, bé sợ cả bóng tối, thậm chí cả cái máy hút bụi nhà mình. Ngoài ra, bé vẫn chưa phân biệt được giữa thế giới tưởng tượng và thực tế khác nhau thế nào.

Kỹ năng ngôn ngữ:

Trẻ diễn đạt rõ ràng hơn nên mọi người có thể hiểu bé đang nói gì. Vốn từ của bé trong giai đoạn này sẽ được “cập nhật” liên tục vì khi bước vào tuổi lên 3, bé đã thành thạo hơn cả trăm từ rồi.

Kỹ năng vận động:

Bé yêu nay biết đi lên xuống cầu thang, biết nhảy, đạp xe đạp ba bánh và trở nên khéo léo hơn. Bé học được cách mở cửa, mở hộp cũng như biết di chuyển, sắp xếp qua lại các bộ phận đồ chơi. Đặc biệt, bé có thể vẽ được hình tròn và giải những câu đố đơn giản.

Kỹ năng xã hội:

Trẻ bắt đầu biểu hiện tình bạn, sự đồng cảm của mình dành cho bạn cùng chơi hay thậm chí là búp bê và bạn có thể dạy bé san sẻ với mọi người xung quanh. Tuy nhiên, bé sẽ gặp đôi chút rắc rối vì chưa hiểu rõ cảm xúc của chính mình.

Các mốc phát triển của trẻ: Giai đoạn 2 – 3 tuổi
Cột mốc phát triển của trẻ về mặt kỹ năng xã hội: biết đồng cảm và bước đầu làm quen với khái niệm chia sẻ

2. Mẹ nên làm gì để khuyến khích trẻ phát triển?

Để bé khám phá thế giới: Mẹ có thể đưa bé ra ngoài chơi càng nhiều càng tốt để bé tự do chạy nhảy, đạp xe và khám phá thế giới xung quanh.

Giúp bé hòa đồng với các bạn: Tạo cơ hội cho con chơi đùa cùng các bạn đồng trang lứa. Để bé tự giải quyết mâu thuẫn với bạn, nhưng mẹ cũng cần sẵn sàng làm “chuyên gia hòa giải” và gợi ý bé học cách chia sẻ.

Học và chơi cùng con: Mẹ và con cùng chơi những trò “chơi mà học” như đếm bậc thang, tìm mảnh ghép đồ chơi, gọi tên bộ phận trên cơ thể hay rủ nhau đóng kịch. Thể hiện các vai diễn giúp bé phân loại được cảm xúc, mẹ để bé thử làm “đạo diễn” vở kịch nhé!

Khen ngợi, kỷ luật, an toàn: Mẹ cần lập ra những giới hạn cho con thật đơn giản và dễ hiểu. Đừng quên khen ngợi khi con hành xử đúng mực.

Sẵn sàng cho những kỹ năng mới: Bé đã sẵn sàng chuyển sang một chiếc giường khác rộng rãi hơn. Mẹ nên tập cho bé tự đi vệ sinh trong thời gian này.

3. Mẹ cần lưu ý những dấu hiệu bất thường nào?

Khi theo dõi quá trình phát triển của bé, mẹ nên đến gặp bác sĩ nếu bé gặp phải các trường hợp sau:

  • Sợ hãi khi chia ly
  • Không tiếp xúc với người lạ
  • Không chơi với các bé khác
  • Tránh tiếp xúc bằng mắt
  • Không thể nhảy hoặc ném bóng
  • Không thể leo cầu thang với chân này nối tiếp chân kia
  • Viết nguệch ngoạc
  • Không nói nhiều hơn 3 từ trong 1 câu
  • Không nói được một câu hoàn chỉnh
  • Không diễn đạt rõ khiến người khác không hiểu bé nói gì
  • Không thể tự mặc quần áo hoặc tự đi ngủ
  • Quên những kỹ năng đã có trước đó

Những mốc phát triển của trẻ này chỉ tương đối và có tính tham khào vì mỗi trẻ có hành trình phát triển khác nhau tùy theo cơ địa và thể trạng. Mẹ là người hiểu con mình hơn ai hết. Vì thế, bạn nên theo sát bé trong suốt quá trình để cùng con vượt qua thử thách của lứa tuổi này.